Thứ Bảy tuần IV Mùa Chay: "Ðấng Kitô xuất thân từ Galilêa sao?"

"Ðấng Kitô xuất thân từ Galilêa sao?"

Lời Chúa: Ga 7, 40-53

Khi ấy, sau khi nghe Chúa Giêsu giảng, có nhiều người trong đám dân chúng nói rằng: "Ông này thật là tiên tri". Kẻ khác nói: "Ông này thật là Ðấng Kitô". Người khác nữa lại nói: "Ðấng Kitô xuất thân từ Galilêa sao? Nào Kinh Thánh chẳng nói: Ðấng Kitô xuất thân bởi dòng dõi Ðavit, và từ làng Bêlem, quê hương của Ðavit?"

Vì thế, dân chúng bất đồng ý kiến với nhau về Người. Trong số đó, có một ít kẻ định bắt Người, nhưng không ai dám ra tay bắt Người.

Vậy khi những người thừa hành đến với thượng tế và biệt phái, các ông này hỏi họ rằng: "Tại sao các ngươi không điệu nó tới?" Các người thừa hành thưa rằng: "Chẳng hề có ai nói như người ấy". Các người biệt phái trả lời rằng: "Chớ thì các ngươi cũng bị mê hoặc rồi sao? Trong các vị thủ lãnh và các người biệt phái, có ai tin nó đâu? Chỉ có lũ khốn nạn đó nó không biết gì lề luật". Nicôđêmô là người đã tới gặp Chúa Giêsu ban đêm, cũng là người trong nhóm họ, nói với họ rằng: "Chớ thì luật của chúng ta có lên án cho ai mà không nghe họ, hoặc không biết rõ họ làm gì không?" Nhưng họ trả lời rằng: "Hay ông cũng là người Galilêa? Hãy đọc kỹ Kinh Thánh, ông sẽ thấy rằng không có tiên tri nào phát xuất từ Galilêa". Sau đó ai về nhà nấy.

 SUY NIỆM

Khi nghe lời của Đức Giêsu, lúc đó Người đang giảng dạy tại đền thờ Giêrusalem, có những người được đánh động và nhận ra Người là một vị ngôn sứ (x.Mc 8, 28) hoặc hơn nữa, Người là Đấng Kitô. Ngoài ra, còn có các vệ binh được sai đến bắt người, nhưng họ đã không tra tay bắt, vì họ được lời của Người thu hút:

Xưa nay, chưa hề có ai nói năng như người ấy! (c.46)

Cuối cùng, còn có những người, đã dựa vào sự hiểu biết uyên bác của mình về Kinh Thánh, để từ chối đón nhận Đức Giêsu:

Đấng Kitô mà lại xuất thân từ Galilê sao? Nào Kinh Thánh đã chẳng nói: Đấng Kitô xuất thân từ dòng dõi vua Đavít và từ Bêlem, làng của vua Đavít sao? (c.41-42).

Như thế Lời của Đức Giêsu và ngôi vị của Người trở nên vô nghĩa đối với họ, hay nói cách khác, họ tự biến mình thành câm điếc đối với lời nói và ngôi vị của Đức Giêsu, vì cái biết có sẵn của họ.

1. Nhóm người thứ nhất

Chúng ta có thể gọi những người này là những người “bình dân, ít học và thấp cổ bé miệng”. Họ là những người mở lòng ra lắng nghe lời của Đức Giêsu, để cho lời của Đức Giêsu dẫn dắt và dần dần cảm nếm lời của Ngài. Và chính khởi đi từ kinh nghiệm đích thân này, họ nhận ra Ngài là một ngôn sứ; và quả thực Ngài là vị Ngôn Sứ: Vị Ngôn Sứ mà tất cả các ngôn sứ đi trước loan báo, và gần nhất là ngôn sứ Gioan Tẩy Giả; và là vị Ngôn Sứ hoàn tất lời loan báo, sứ mạng và nhất là số phận của tất cả các ngôn sứ, bởi vì Ngài cũng sẽ “không được đón tiếp tại quê hương của mình”, và sẽ sống đến cùng thân phận “Người Tôi Tớ đau khổ”.

Trong nhóm này, còn có người còn tin rằng Ngài là “Đấng Kitô”, tước hiệu mà chính tông đồ Phê-rô và các môn đệ cũng tuyên xưng (x.Mc 8, 29). Tước hiệu này có nghĩa là “Đấng được Thiên Chúa xức dầu, Đấng Thiên Sai”, tuy tước hiệu này phù hợp với căn tính của Ngài, nhưng cách thức và con đường thể hiện lại như một Vị Ngôn Sứ, chứ không phải là “từ trời xuống” cách ngoạn mục, như ma quỉ gợi ý và như người ta chờ đợi:

Ông ấy, chúng ta biết xuất thân từ đâu rồi; còn Đấng Kitô, khi Người đến thì chẳng ai biết Người xuất thân từ đâu cả (c.27).

Ngoài ra, trong nhóm này, còn có những người được sai đến bắt Đức Giêsu, nhưng vì được lời của Ngài cuốn hút, họ lại không tra tay bắt. Họ về báo cáo với các Thượng Tế và Pharisêu: “Xưa nay chưa hề có ai nói năng như người ấy”. Một kinh nghiệm lắng nghe Lời Chúa đáng kinh ngạc và đáng phải lưu tâm như thế, nhưng bị những người thuộc nhóm thứ hai lên án theo luận lí ad hominem[1]: “Bọn dân đen, thứ người không biết Lề Luật, quân bị nguyền rủa!”

Lời của Đức Kitô được ban cho chúng ta mỗi ngày, xin cho chúng ta có được tâm tình của những người “bình dân, ít học và thấp cổ bé miệng”, để hoàn toàn tự do mở tai và mở lòng ra để đón nhận và sống bằng lời của Ngài, để kinh nghiệm đích thân, rằng Đức Giêsu Nazarét là Đức Kitô Con Thiên Chúa Hằng Sống, rằng Lời của Người là Lời ban Sự Sống, không chỉ Sự Sống mai sau, nhưng còn là Sự Sống của chúng ta hôm nay.

2. Nhóm người thứ hai

Chúng ta có thể gọi những người này là những người “quí phái, học nhiều và quyền cao chức trọng”. Nhóm người này cũng nghe Lời Đức Giêsu, nhưng nghe để phê bình, để xét đoán và lên án, khởi đi từ “kiến thức Kinh Thánh uyên bác”, từ thành kiến “thân phận”, từ xuất xứ “miền này miền kia”, từ cái tôi của mình: “Nào Kinh Thánh đã chẳng nói: Đấng Kitô xuất thân từ dòng dõi vua Đavít và từ Bêlem, làng của vua Đavít sao?”; “ông cứ nghiên cứu, rồi sẽ thấy: không một ngôn sứ nào xuất thân từ Galilê cả”.

Tương tự như những người cùng quê với Đức Giêsu, khi nghe Ngài giảng giải Lời Chúa, lúc đầu họ đã tỏ ra rất thán phục, như thánh Luca kể lại : “Mọi người đều tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người” (Lc 4, 22). Nhưng ngay sau đó, họ nêu vấn nạn, khởi đi từ những gì họ biết về Đức Giêsu : “ông này không phải là con ông Giuse đó sao?”. Khi kể lại chuyện này, Tin Mừng Máccô nói chi tiết hơn: “Ông ta không phải là người thợ mộc, con bà Maria, và anh em của các ông Giacôbê, Gioxét, Giuđa và Simon sao? Chị em của ông phải là bà con lối xóm với chúng ta sao?” (Mc 6, 3).

Điều làm cho chúng ta phải kinh ngạc đó là, thay vì qua việc đích thân biết rõ thân thế Đức Giêsu, họ sẽ dễ dàng tin nơi căn tính thần linh của Ngài, thì chính sự hiểu biết này lại ngăn cản họ tin vào Đức Giêsu. Chính vì thế mà Đức Giêsu nói: “Không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình”. Và điều này vẫn còn xẩy ra hôm nay, vì có những người nghiên cứu cuộc đời Đức Giêsu; nhưng nghiên cứu một hồi thì mất đức tin! Tại sao lại như vậy? Đó là vì họ giản lược căn tính thần linh của Đức Giêsu vào bình diện của những điều họ đã biết, nghĩa là bình diện kiến thức. Trong khi đó, căn tính thần linh của Ngài chỉ có thể là đối tượng của lòng tin, đến từ lòng khao khát Thiên Chúa, từ kinh nghiệm “gặp gỡ đích thân”, qua đó nhận ra, cảm nếm dấu vết Thiên Chúa nơi ngôi vị lạ lùng của Ngài trong tương quan với sáng tạo và lịch sử. Và căn tính thần linh của Đức Giêsu sẽ rạng ngời nhất nơi mầu nhiệm Vượt Qua, như viên Đại Đội Trường Roma đã tuyên xưng khi chứng kiến cách Đức Giêsu chịu thương khó:

Quả thật, người này là Con Thiên Chúa (Mc 15, 39).

3. “Kẻ Tố Cáo”

Thái độ không tin nhận Đức Giêsu của các thượng thế và những người Pha-ri-sêu còn đến từ những chọn lựa đen tối có sẵn và sâu kín của mình, đó là ghen tị và ý muốn loại trừ. Ý muốn này có từ rất sớm, cũng với vẻ bề ngoài là nhân danh Lề Luật (x.Mc 3, 1-6) và mầu nhiệmThương Khó sẽ làm bật tung ý muốn này ra khỏi chỗ ẩn nấp của nó là Lề Luật.

Thật vậy, họ uyên bác như thế, thông luật như thế, nhưng lại ứng xử như Satan, còn được gọi là “Kẻ Tố Cáo” (x.Kh 12, 7-10), nghĩa là dùng Luật để hại người, như ông Nicôđêmô nhận xét, “kết án” mà không hề lắng nghe, không hề đối thoại!

Từ chối tin sẽ khởi động cách nhanh chóng một tiến trình tăng tốc của sự chết: người không tin vào sự sống, sự sống chiến thắng sự chết được biểu lộ ra nơi Đức Kitô, sẽ đòi hỏi những bằng chứng về sự sống và, từ đó rất nhanh đi đến chỗ tự mình đưa ra những bằng chứng về điều trái ngược với sự sống. Người nào không tin vào sự sống, thì chẳng mấy chốc người ta sẽ đưa ra những bằng chứng của sự chết, đó là cung cánh sống, những hành động và rốt cục là chính bản thân người đó hướng về sự chết, và thuộc về sự chết:

Ta hãy coi những lời nó nói có thật không,
và nghiệm xem kết cục đời nó sẽ thế nào.
Nào ta kết án cho nó chết nhục nhã,
vì cứ như nó nói, nó sẽ được Thiên Chúa viếng thăm
(Kn 1, 16 – 2, 24).

*  *  *

Mọi lời giảng của Đức Giêsu và cả hành động của Người nữa, sẽ hội tụ và đạt tới tuyệt đỉnh nơi cây Thập Giá. Như thánh Phaolô nói: “Lời Thập Giá” (1Cr 1, 18), là Lời dẫn đến lòng tin và Lời hoàn tất mọi Lời Kinh Thánh. Điều lạ lùng là, nơi Thập Giá, chúng ta chẳng còn nghe thấy Người lên tiếng, nhưng chỉ chiêm ngắm Ngôi Lời Thinh Lặng (x.Tv 19, 2-5), chúng ta chẳng còn chứng kiến những điều lạ lùng nữa, nhưng là Người Tôi Tớ đau khổ sống đến cùng thân phận vị ngôn sứ. Nhưng đó lại là lúc, Người nói cho chúng ta nhiều nhất về Thiên Chúa và Người làm cho chúng ta nhiều nhất, khi trao ban “máu và nước”, nghĩa là chính sự sống thần linh của Người cho chúng ta. Đức Giêsu Kitô mang dáng bề ngoài sỉ nhục và điên rồ, nhưng đối với chúng ta, “những người được chọn”, là sức mạnh và khôn ngoan của Thiên Chúa, theo cách thức của “em bé”:

Ngài cho miệng con thơ trẻ nhỏ
cất tiếng ngợi khen đối lại địch thù,
khiến kẻ thù quân nghịch phải tiêu tan.

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

————-

[1]Luận lí ad hominem (nhắm vào con người), là thay vì dùng lí lẽ để khuất phục đối phương, thì người ta dựa vào thân phận, vị trí hay chức vụ thấp kém của đối phương để hạ nhục: “đồ này…đồ kia…, mà đòi lí sự”!

 

 

bài liên quan mới nhất

Ngày 28/4: Thánh Phêrô Channe – Linh mục, tử đạo (1803-1841)

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng