Thứ Bảy Tuần Bát Nhật Phục Sinh - Năm C

Thứ Bảy tuần BÁT NHẬT PHỤC SINH

"Các con hãy đi khắp thế gian rao giảng Tin Mừng".

 

Lời Chúa: Mc 16, 9-15

Khi Chúa Giêsu sống lại, sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, thì trước hết Người hiện ra với Maria Mađalêna, kẻ đã được Chúa đuổi bảy quỷ. Bà đi báo tin cho những kẻ đã từng ở với Người và nay đang buồn thảm khóc lóc. Họ nghe bà nói Chúa sống lại và bà đã thấy Người, nhưng họ không tin.

Sau đó, Chúa lại hiện ra dưới hình thức khác với hai môn đệ đang trên đường về miền quê. Hai ông trở về báo tin cho anh em, nhưng họ cũng không tin các ông ấy.

Sau hết, Chúa hiện ra với mười một tông đồ lúc đang ngồi ăn. Chúa khiển trách các ông đã cứng lòng, vì các ông không tin những kẻ đã thấy Người sống lại. Rồi Người phán: "Các con hãy đi khắp thế gian rao giảng Tin Mừng cho muôn loài".

 

NIỀM TIN DẤN THÂN

(ĐTGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Tin không dễ. Các môn đệ không tin dù những người mắt thấy tai nghe kể lại. Các thượng tế thấy người què được chữa lành, vẫn không tin. Tại sao? Vì 4 lý do:

Trước hết, tin song hành với yêu. Ta tin người mình yêu. Và ta yêu người mình tin. Ma-đa-lê-na đứng đầu những người tin Chúa Phục Sinh. Vì bà đã yêu nhiều. Vì bà được tha nhiều. Thánh Phê-rô cũng đứng đầu danh sách các môn đệ đã tin. Ngài cũng được tha nhiều. Nên ngài đã yêu nhiều.

Vì thế, tin không đi với trí tuệ. Các thầy tư tế và các nhà thông luật, dù thông thạo Kinh Thánh, nhưng vẫn không tin. Dù người què bẩm sinh được khỏi đang đứng sờ sờ trước mắt các ông. Cho thấy tin không phải là thái độ của trí tuệ, nhưng là thái độ của trái tim. Phê-rô và Gio-an bị coi là những người thất học. Nhưng có đức tin lớn lao. Đức Thánh Cha Phan-xi-cô có lý khi quả quyết: Đức tin không đi vào tâm hồn qua trí tuệ của những nhà thông thái, nhưng qua trái tim của những người bình dân.

Nhưng còn một lý do nữa khó khăn hơn: tin là một hành vi dấn thân. Tin Chúa phải từ bỏ tất cả. Có lẽ vì thế mà giới tư tế ngần ngại. Nếu tin theo Chúa họ sẽ mất tất cả. Sẽ phải từ bỏ quan điểm. Sẽ mất quyền lực. Mất địa vị.

Mấy ai được như thánh Phao-lô dám từ bỏ tất cả để được Chúa Ki-tô. Từ bỏ tất cả mớ kiến thức thông kim bác cổ, để chỉ biết Chúa Giê-su Ki-tô chịu đóng đinh. Từ bỏ hết đặc quyền đặc lợi của một người thuộc tầng lớp Biệt phái, thuộc công dân La mã, để trở thành một Ki-tô hữu nghèo khổ, bị khinh miệt, bị săn đuổi, bị bắt bớ, bị giam cầm và sau cùng bị xử tử.

Thánh Phê-rô vì tin mà chấp nhận tất cả. Chịu hạch hỏi. Chịu giam cầm. Chịu đánh đòn. Chịu chết khổ hình. Chỉ giữ niềm tin vào Chúa Giê-su Ki-tô Phục Sinh. Và ngài vui mừng vì được chịu khổ vì Chúa.

Như thế, tin là một lựa chọn quyết liệt: Hoặc Thiên Chúa hoặc loài người. Hôm nay trước mặt Thượng hội đồng, thánh Phê-rô đã không ngần ngại tuyên bố: “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời loài người”.

Như thế tin là một cuộc phiêu lưu. Thoát khỏi thế giới hữu hình đi vào thế giới vô hình. Vượt qua danh lợi trước mắt của trần gian để đạt tới vinh quang Nước Trời. Siêu thoát quyền lực trần gian để vâng phục Chúa Phục Sinh. Liều mất tất cả ở đời.

 

NHỮNG LẦN HIỆN RA

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

Ðoạn Tin Mừng hôm nay là một tóm kết về những lần hiện ra của Chúa Giêsu khi Ngài sống lại. Thánh Marcô nhấn mạnh đến sự cứng lòng tin của các môn đệ để làm nổi bật chứng từ của Chúa Giêsu hiện ra và mệnh lệnh phải ra đi làm chứng cho Ðấng Phục Sinh. Chúa Giêsu Phục Sinh vẫn mãi mãi là một, nhưng khi hiện ra, Ngài luôn đến với hình dạng của một người xa lạ. Với bà Maria Madalena, Ngài hiện ra như một người làm vườn; với hai môn đệ đi về làng Emmaus, Ngài đồng hành như một lữ khách xa lạ; với các môn đệ chài lưới, Ngài xuất hiện như một người mà họ cũng không nhận ra ngay tức khắc. Niềm tin vào Ðấng Phục Sinh luôn đòi hỏi các môn đệ phải làm một bước nhảy vọt để từ một người xa lạ, nhận ra dung mạo của Thầy mình. Từ hai ngàn năm qua, chứng từ về Ðấng Phục Sinh cũng luôn diễn ra như thế, từ cuộc sống của cộng đồng tín hữu tiên khởi, qua cái chết của các vị tông đồ đến cuộc tử đạo, của không biết bao nhiêu các tín hữu ở mọi thời đại, cuộc sống tin cậy mến ở mọi nơi là một chứng từ sống động và liên lỉ về Ðấng Phục Sinh.

Niềm tin vào Ðấng Phục Sinh và chứng từ về Ngài luôn được diễn tả bằng một cách sống mới trong cộng đồng. Sách Tông Ðồ Công Vụ ghi lại một bức tranh vô cùng sống động về cuộc sống mới trong Ðấng Phục Sinh ấy. Sự bình an được Ðấng ban tặng đã tạo ra một cộng đồng hòa giải, nghĩa là một nhóm tín hữu sống trong hài hòa hiệp nhất và chia sẻ của cải cho nhau. Nét nổi bật của cộng đồng này không hẳn là nghèo khó, bởi vì trong đó, không ai phải thiếu thốn điều gì, mà chính là tình yêu thương của mọi người. Của cải vật chất, thay vì là đối tượng của sự chiếm hữu ích kỷ và do đó là nguyên nhân của tranh chấp chia rẽ, đã trở thành bí tích của tình bạn và huynh đệ. Tựu trung, mối Phúc Thật mà Chúa Giêsu tuyên bố khi hiện ra với thánh Tomas "Phúc cho những ai không thấy mà tin" không loại trừ đòi hỏi phải được thấy một cách cụ thể chứng từ về Ðấng Phục Sinh trong Giáo Hội, và chứng từ ấy thiết yếu là chứng từ về tình yêu huynh đệ.

Tình yêu huynh đệ là cuộc sống bác ái trong và từ Giáo Hội, là dấu chỉ rõ ràng và có tính thuyết phục nhất về dung mạo và sự hiện diện của Ðấng Phục Sinh. Trong những lần hiện ra của Ngài, cử chỉ của Ngài đã thể hiện với hai người môn đệ đi về làng Emmaus mang một ý nghĩa đặc biệt, Ngài chỉ được nhận diện khi cầm lấy bánh bẻ ra và trao cho hai ông. Phải chăng nét nổi bật nhất trong dung mạo của Chúa Giêsu không là cử chỉ cầm lấy bánh, bẻ ra và trao ban sao?

Giáo Hội là thân thể mầu nhiệm của Ðấng Phục Sinh, Ngài chỉ thực sự được nhận diện trong thân thể ấy qua cử chỉ trao ban mà thôi. Chính vì thế mà trọng tâm và cao điểm của Giáo Hội chính là cử hành Thánh Thể. Giáo Hội lập lại cử chỉ trao ban của Chúa Giêsu, nhưng cử chỉ ấy sẽ không diễn tả trọn vẹn dung mạo của Ðấng Phục Sinh, nếu nó không được nối dài và diễn tả cùng cuộc sống trao ban cụ thể của Giáo Hội và của các tín hữu Kitô. Cuộc đời của người tín hữu Kitô phải là một thánh lễ nối dài để mãi mãi mô tả dung mạo của Ðấng Phục Sinh.

Nguyện xin Chúa Kitô Phục Sinh mà chúng ta tiếp rước trong Thánh Lễ mỗi ngày biến chúng ta thành những chứng nhân sống động của Ngài trước mặt mọi người.

 

HÃY ĐI VÀ LOAN BÁO

(Lm. Vinhson Ngọc Biển SSP)

Tại nhiều công ty, xí nghiệp, cuối năm, người ta hay có buổi tổng kết để rút ưu - khuyết điểm cho năm tới.

Hôm nay, tác giả Máccô cũng trình thuật một bài tổng hợp các lần hiện ra của Đức Giêsu với cá nhân; tập thể; với phụ nữ và đàn ông, cũng như diễn biến tâm trạng của từng lần... Cuối cùng là lệnh truyền sai đi để loan báo Tin Mừng mà các ông đã chứng kiến và tin: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin mừng cho mọi loài thụ tạo”.

“Hãy đi”: đây chính là mệnh lệnh chứ không phải là lời khuyên. Lệnh truyền này được khởi đi sau khi Chúa đã phục sinh. Điều này cho thấy: Tin Mừng và niềm vui phục sinh phải là đích đến của người tông đồ.

“Loan báo Tin Mừng”: khi loan báo, Đức Giêsu – Kitô phải là điểm quy chiếu, là nội dung của lời rao giảng, chứ không phải là đối tượng hay tin nào khác...

 “Loan báo cho mọi loài thụ tạo”, điều này muốn nói lên 3 chiều kích của sứ vụ: chiều dài tức là mọi lúc, chiều ngang là mọi nơi và chiều sâu là mọi người.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay cho chúng ta thấy:

Mỗi người đều được Chúa tin tưởng và yêu thương để trao phó sứ vụ loan báo Tin Mừng của Ngài cho muôn dân.

Tuy nhiên, muốn rao giảng về Chúa cho mạnh mẽ thì người rao giảng phải là người xác tín mạnh mẽ như Maria Mácđala, hai môn đệ ở Emmau và các tông đồ.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho Tin Mừng phục sinh của Chúa luôn được chúng con loan báo đến tận chân trời góc bể. Nhưng tiên vàn, xin cho cả cuộc sống chúng ta trở thành sứ điệp Phục Sinh cho mọi người. Amen.

 

bài liên quan mới nhất

Ngày 18/5: Thánh Gioan I, giáo hoàng tử đạo

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng