Thứ Bảy Tuần 25 Thường Niên

THỨ BẢY TUẦN 25 THƯỜNG NIÊN

“Con Người sẽ phải bị nộp. Các ông không đám hỏi Người về lời ấy”.

Lời Chúa: Lc 9, 43b-45

Đang lúc mọi người thán phục về tất cả các việc Chúa Giêsu làm, thì Người phán cùng các môn đệ rằng: “Phần các con, các con hãy ghi vào lòng những lời này là: Con Người sẽ phải bị nộp vào tay người đời”.

Nhưng các ông không hiểu lời đó, vì nó còn bị che khuất, nên các ông không lĩnh hội được ý nghĩa, và các ông không dám hỏi Người về lời ấy.

CON NGƯỜI SẼ BỊ NỘP VÀO TAY NGƯỜI ĐỜI

(ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt)

Chúa Giê-su đang làm những phép lạ lẫy lừng khiến mọi người thán phục. Đột nhiên Người nói dõng dạc với các môn đệ: “Con Người sắp bị nộp vào tay người đời” khiến các môn đệ sợ hãi. Thủ lãnh thế gian được quyền hoành hành ở thế gian trong một thời gian. Đó là thời kỳ thanh luyện. Chính Chúa, trong thân phận con người, cũng phải chịu một phép rửa thanh luyện. Đó là chịu đau khổ, chịu nhục nhã, chịu chết. Để thắng vượt mọi cám dỗ trần gian. Để siêu thoát mọi ràng buộc của xác thịt và thế gian. Để tự do đi vào Nước Trời. Để giải phóng con người khỏi ách nô lệ của ma quỉ, xác thịt, thế gian. Để mở con đường thăng tiến cho nhân loại. Đó là con đường khó khăn và đau khổ. Đến nỗi các môn đệ sợ hãi không dám hỏi lại.

Nhưng đó là con đường đúng đắn và cần thiết. Vì những giá trị trần gian chỉ là phù vân. Như sách Giảng viên khuyên nhủ thanh niên. Ngay lúc tuổi thanh xuân tươi đẹp hãy biết chuẩn bị cho đời sau. Vì đời này là chóng qua. “Giữa tuổi thanh xuân, bạn hãy tưởng nhớ Đấng đã dựng nên mình. Đừng chờ đến ngày tai ương ập tới, đừng chờ cho năm tháng qua đi, …Đừng chờ đến khi bụi đất lại trở về với đất, khi phàm nhân trả lại cho Thiên Chúa hơi thở Người đã ban cho mình…Phù vân chỉ là phù vân”. Hãy biết tích trữ kho tàng vĩnh cửu. Hãy biết sẽ bị Thiên Chúa xét xử để biết từ bỏ những cám dỗ vật chất trần gian. Mà chuẩn bị cho Nước Trời (năm chẵn).

Khi thế giới phù vân qua đi, một thế giới mới xuất hiện. Chúa lập nên thành Giê-ru-sa-lem mới. Vô cùng rộng lớn vì không còn biên giới. Vô cùng hạnh phúc vì được Chúa bảo vệ. Vô cùng lộng lẫy vì Chúa là vinh quang của thành. Đó là trời mới đất mới. Nơi chan hoà tiếng đàn ca. Nơi chan chứa tiếng vui cười. Nơi hạnh phúc vĩnh viễn. “Giê-ru-sa-lem phải là một thành rộng mở, sẽ có vô số người và súc vật đên cư ngụ ở đó. Phần Ta, sấm ngôn của Đức Chúa, Ta sẽ là tường luỹ bằng lửa bao quanh nó, và Ta sẽ là vinh quang ở giữa nó. Hỡi con gái Xi-on, hãy vui sướng reo hò, vì này Ta đang đến để ở lại giữa ngươi” (năm lẻ).

Chúa bị nộp vào tay người đời. Đó là tấm gương cho tôi biết sẵn sàng chịu thiệt thòi ở đời này. Từ bỏ những ràng buộc của danh vọng chức quyền đời này. Chắc chắn đó là một cuộc thanh luyện đớn đau. Nhưng khi sạch mọi vương vấn trần tục tôi mới có thể bước vào thành Giê-ru-sa-lem mới rạng ngời vinh quang, hạnh phúc vĩnh cửu.

Lạy Chúa xin cho con biết trao nộp vào tay người đời tất cả những gì của họ. Để con thuộc về Chúa. Thuộc về Nước Chúa.

HÓA GIẢI ĐAU KHỔ BẰNG LÒNG MẾN

(Lm. Vinhsơn Ngọc Biển SSP)

Trong một thánh lễ nọ, có một cụ bà đến bàn ghi ý lễ và nói: “Xin ơn chết lành!”. Vị ghi ý lễ không chịu, vì đây là điều quái gở, nên tự ý ghi lại là: “Xin như ý”. Biết được, bà cụ không đồng ý và yêu cầu ghi đúng nguyên văn. Ôi thật là người tràn đầy đức tin!

Cũng có một câu chuyện khác kể về hai người nọ đang gặp đau khổ và đến xin một vị ẩn sĩ tìm cách giúp cho mình vượt qua thực trạng của cuộc sống mà họ đang phải đối đầu.

Sau khi nghe họ giãi bày tâm sự, vị ẩn sĩ trả lời: “Tốt hơn các anh hãy tìm đến một vị khác, tôi không có đủ tư cách để trả lời câu hỏi đó, bởi vì cả đời tôi có bao giờ nhận điều xấu từ bàn tay Chúa đâu!”. Nghe đến đây, hai người thanh niên chợt hiểu rằng khi con người vui vẻ đón nhận khổ đau, thì khổ đau không còn là vấn đề bi đát nữa.

Tin Mừng hôm nay cho thấy Đức Giêsu loan báo về cuộc khổ nạn của Ngài sẽ phải chịu ngay khi dân chúng và chính các môn đệ đang trầm trồ khen ngợi vẻ huy hoàng, vinh quang qua quyền năng của Đức Giêsu nơi các việc Ngài đã làm cho dân. Khi tiên báo lúc này, Đức Giêsu muốn các môn đệ hãy đi theo con đường hy sinh, từ bỏ và đón nhận đau khổ vì tình yêu thì sẽ đạt được hạnh phúc đích thực.

Khổ đau không bao giờ buông tha chúng ta! Nếu chúng ta đối đầu với chúng trong sự tiêu cực thì chính khổ đau sẽ vùi dập cuộc đời và nó sẽ làm cho chúng ta thất vọng. Còn nếu chúng ta đón nhận nó trong lòng mến Chúa và sứ vụ thì sẽ bình an và đôi khi hạnh phúc hiện lên từ những gian nan khốn khổ. Bởi lẽ, theo niềm tin của người Công Giáo thì: “Qua đau khổ mới được vào vinh quang”.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con hiểu rằng: con đường theo Chúa là con đường của đau khổ và hy sinh. Tuy nhiên, trung thành với Chúa trong lòng mến, chúng con sẽ được phục sinh vinh hiển mai ngày. Amen.

LỜI TUYÊN XƯNG CỦA THÁNH PHÊRÔ

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

Hôm qua, chúng ta đã đọc và Suy niệm đoạn Tin Mừng nơi chương 9 cũng của Phúc Âm theo thánh Luca, trong đó chúng ta ghi nhận lời Chúa loan báo lần đầu tiên về cuộc tử nạn của Ngài để đáp lại lời tuyên xưng của thánh tông đồ Phêrô: "Thầy là Ðấng Thiên Sai của Thiên Chúa". Hôm nay, chúng ta lại được Giáo Hội cho đọc đoạn ghi nhận lời loan báo của Chúa Giêsu lần thứ hai về cuộc khổ nạn của Ngài để cứu chuộc nhân loại. Ðọc lại lời loan báo này, chúng ta ghi nhận sự kiện là Chúa Giêsu sử dụng ngôn ngữ của sách tiên tri Ðaniel chương 7,13 và áp dụng cho mình cách nói Con Người đến mạc khải về chính mình như là Ðấng Thiên Sai, Ðấng có nguồn gốc từ trên cao được sai xuống trần gian, và để lưu ý và sửa lại những lệch lạc trong quan niệm về một Ðấng Thiên Sai vinh quang. Chúa Giêsu nhắc đến việc Con Người bị nộp vào tay người đời. Chúa Giêsu mạc khải một Ðấng Thiên Sai chịu đau khổ, một Ðấng Thiên Sai là người Tôi Tớ của Thiên Chúa chịu đau khổ như được nhắc đến trong sách tiên tri Isaia. Phúc Âm ghi lại phản ứng của các tông đồ lúc đó là các ngài không hiểu ý nghĩa Chúa muốn nói, tuy nhiên các ngài có trực giác trước một điều gì đó khủng khiếp sắp xảy ra cho Chúa và cả cho các ngài nữa, bởi vì trước đó, trong lần tiên báo về cuộc khổ nạn của mình tại Giêrusalem, Chúa Giêsu nhắc đến điều kiện cần phải vác thập giá để theo Chúa. Linh tính trước có điều quan trọng sắp xảy đến mà các ông không hiểu nên các ông lo sợ, lo sợ nhưng lại e ngại không dám hỏi Chúa Giêsu.

Ngày hôm nay, chúng ta cũng có thể hành sự như các tông đồ ngày xưa, chúng ta không hiểu được mầu nhiệm Chúa Giêsu Kitô trong đời sống chúng ta, không hiểu được mầu nhiệm thập giá trong cuộc đời của Chúa cũng như trong cuộc đời của chính mình. Không hiểu, chúng ta ngại không dám tiến tới, không dám tiếp tục con đường theo Chúa, ngại ngùng trước việc tìm hiểu biết Chúa, ngại ngùng lên tiếng xin Chúa trợ giúp cho ta hiểu biết Ngài trong việc cầu nguyện và tiếp xúc với lời Chúa và đến với Chúa trong bí tích Thánh Thể. Chúng ta hãy khiêm tốn và tin tưởng đến với Chúa và xin Ngài mạc khải cho chúng ta được hiểu về Ngài mỗi ngày một sâu rộng hơn.

Lạy Chúa,

Xin thương tha thứ cho chúng con về những lần mà chúng con nghi ngờ về Chúa và về những sự nguội lạnh làm biếng của chúng con trong việc tìm biết về mầu nhiệm Chúa. Xin thương ban cho chúng con một con tim mới. Xin mạc khải cho chúng con hiểu thêm về Chúa, về con đường thập giá cần phải đi qua để tiến đến sự sống muôn đời với Chúa.

bài liên quan mới nhất

Thánh Catherine Thành Siena: Đặc sủng Chữa Lành và Hộ Giáo

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng