Thứ Bảy Tuần II Mùa Chay

THỨ BẢY TUẦN 2 MÙA CHAY

“Em con đã chết nay sống lại”.

Lời Chúa: Lc 15, 1-3. 11-32

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca.

Khi ấy, những người thâu thuế và những người tội lỗi đến gần Chúa Giêsu để nghe Người giảng. Thấy vậy, những người biệt phái và luật sĩ lẩm bẩm rằng: “Ông này đón tiếp những kẻ tội lỗi và cùng ngồi ăn uống với chúng”. Bấy giờ Người phán bảo họ dụ ngôn này:

“Người kia có hai con trai. Ðứa em đến thưa cha rằng: “Thưa cha, xin cha cho con phần gia tài thuộc về con”. Người cha liền chia gia tài cho các con. Ít ngày sau, người em thu nhặt tất cả tiền của mình trẩy đi miền xa và ở đó ăn chơi xa xỉ, phung phí hết tiền của. Khi nó tiêu hết tiền của, thì gặp nạn đói lớn trong miền đó và nó bắt đầu cảm thấy túng thiếu. Nó vào giúp việc cho một người trong miền, người này sai nó ra đồng chăn heo. Nó muốn ăn những đồ heo ăn cho đầy bụng, nhưng cũng không ai cho. Bấy giờ nó mới hồi tâm lại và tự nhủ: “Biết bao người làm công ở nhà cha tôi được ăn uống dư dật, còn tôi, tôi ở đây phải chết đói! Tôi muốn ra đi, trở về với cha tôi và thưa người rằng: “Lạy cha, con đã lỗi phạm đến Trời và đến cha; con không đáng được gọi là con cha nữa, xin cha đối xử với con như một người làm công của cha”. Vậy nó ra đi và trở về với cha nó. Khi nó còn ở đàng xa, cha nó chợt trông thấy, liền động lòng thương; ông chạy lại ôm choàng lấy cổ nó và hôn nó hồi lâu. Người con trai lúc đó thưa rằng: “Lạy cha, con đã lỗi phạm đến Trời và đến cha; con không đáng được gọi là con cha nữa”. Nhưng người cha bảo các đầy tớ: “Mau mang áo đẹp nhất ra đây và mặc cho cậu; hãy đeo nhẫn vào ngón tay cậu, và xỏ giầy vào chân cậu. Hãy bắt con bê béo làm thịt để chúng ta ăn mừng, vì con ta đây đã chết, nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy”. Và người ta bắt đầu ăn uống linh đình.

“Người con cả đang ở ngoài đồng. Khi về gần đến nhà, nghe tiếng đàn hát và nhảy múa, anh gọi một tên đầy tớ để hỏi xem có chuyện gì. Tên đầy tớ nói: “Ðó là em cậu đã trở về và cha cậu đã giết con bê béo, vì thấy cậu ấy trở về mạnh khoẻ”. Anh liền nổi giận và quyết định không vào nhà. Cha anh ra xin anh vào, nhưng anh trả lời: “Cha coi, đã bao nhiêu năm con hầu hạ cha, không hề trái lệnh cha một điều nào, mà không bao giờ cha cho riêng con một con bê nhỏ để ăn mừng với chúng bạn; còn thằng con của cha kia, sau khi phung phí hết tài sản của cha với bọn điếm nay trở về, thì cha lại sai làm thịt con bê béo ăn mừng nó”. Nhưng người cha bảo: “Hỡi con, con luôn ở với cha, và mọi sự của cha đều là của con. Nhưng phải ăn tiệc và vui mừng, vì em con đã chết nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy”

TẤM LÒNG CHA

(ĐTGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Trung tâm điểm của mùa chay, đó là trở về với Chúa là Cha chúng ta. Thiên Chúa là người Cha rất yêu thương có tấm lòng nhân hậu vô biên. Cha là người ban sự sống. Không có cha thì không có sự sống. Có sự sống là có tất cả. Không có sự sống là không có gì hết. Vì thế cha không những là nguồn cội phát sinh mà còn là nguồn mạch hạnh phúc.

Nhưng ma quỉ đưa ra một cơn cám dỗ tinh vi. Làm cho người ta nghĩ rằng lệ thuộc vào Thiên Chúa là mất tự do. Xui khiến người ta tìm cách làm chủ đời mình, bằng cách tách lìa khỏi Thiên Chúa. Nhưng họ đã phải đón nhận hậu quả phũ phàng.

Khi chiếm đoạt của cải của Thiên Chúa, con người nghĩ rằng mình giầu có. Nhưng không ngờ con người trở nên nghèo túng nhất.

Khi ra khỏi ảnh hưởng của Thiên Chúa, con người tưởng mình tự do. Nhưng không ngờ lại trở nên nô lệ nhất.

Khi con người chống lại Thiên Chúa, mọi thứ chống lại con người. Cả thiên nhiên, cả súc vật. Và con người chống lại nhau.

Khi không còn lệ thuộc Thiên Chúa, con người tưởng phẩm giá mình được nâng cao. Không ngờ con người trở nên tồi tệ, mất nhân phẩm.

Nhưng khi trở về nhà Cha, mọi sự lập tức thay đổi. Người con tưởng như không có gì mà giờ đây có tất cả. Có áo đẹp, giầy mới, nhẫn quí và bữa tiệc thịt béo rượu ngon. Hơn nữa nó có phẩm giá cao quí, được mọi người kính trọng. Trên hết nó được đón nhận và được yêu thương. Về nhà người con hoang đàng thấy rõ. Lìa bỏ cha là mất tất cả. Ở trong cha là có tất cả. Vì mọi sự của cha là của con. Và đặc biệt tấm lòng cha bao dung tha thứ như tiên tri Mika nói: “Người không giữ mãi cơn giận, nhưng chuộng lòng nhân nghĩa. Người sẽ lại thương xót chúng ta. Tội lỗi chúng ta, Người chà đạp dưới chân. Mọi lỗi lầm chúng ta, Người ném xuống đáy biển”.

Tôi đang theo mốt thời đại, muốn thể hiện sĩ diện khi muốn tự do, tách lìa quyền năng của Thiên Chúa. Tôi đang bị cám dỗ muốn toàn quyền sử dụng tiền của, kể cả sức khỏe, thân xác của mình và của người khác. Tôi đang phạm tội. Nhưng cha đang chờ tôi. Hãy mau mắn như người con hoang đàng quyết định: “Vâng, tôi quyết chỗi dậy và đi về nhà Cha”.

TRỞ NÊN GIỐNG THIÊN CHÚA TRONG TÌNH THƯƠNG

(Lm. Vinhsơn Ngọc Biển SSP)

Có một người mẹ đã suốt một đời hy sinh cho con cái. Tuy nhiên, ngay cả đến lúc già nua tóc bạc, bà vẫn không nhận được một nghĩa cử đền ơn báo nghĩa nào của người con. Nhưng mang trong mình tâm tư của người mẹ, với một tình mẫu tử, bà vẫn hết mực thương con.

Câu chuyện trên đây phản chiếu một phần nào hình ảnh của người cha nhân hậu trong bài Tin Mừng hôm nay.

Ông đã quá vất vả vì con cái! Tuy nhiên, thay vì tuổi già, ông được con cái phụng dưỡng, đằng này, nó lại đòi chia gia tài để rồi đi ăn chơi trác táng với phường tội lỗi gian dâm. Hết tiền, hết bạc, bị người ta coi thường, khinh miệt trong thân phận nô lệ và bụng đói thì mò về với Cha của mình!

Tuy nhiên, thay vì xua đuổi, ông lại tỏ ra nhân hậu khi đứa con tội lỗi trở về. Vì thế, người cha này đã tìm mọi cách để phục hồi nhân phẩm và phục quyền cho đứa con lêu lổng một thời đi hoang, và cuối cùng là mở tiệc ăn mừng...

Thế nhưng, hành động của ông nhân từ bao nhiêu, thì hình ảnh, lời nói và thái độ của người con cả lại ngược lại với ông bấy nhiêu.

Người con cả trong bài Tin Mừng hôm nay đã không chấp nhận tha thứ cho người em của anh. Anh ta trách móc cha mình rồi tỵ nạnh với em mình khi kể lể công trạng của anh ta với cha của anh.

Trong cuộc sống hôm nay, chúng ta vẫn thấy hình ảnh phóng đãng ăn chơi của người con thứ, hay thái độ ích kỷ, kiêu ngạo như người con cả ngay trong con người của chúng ta, mỗi lần chúng ta đi xa hay không chịu hiểu về tình thương của Thiên Chúa và lời mời gọi của Ngài.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy can đảm, đứng dạy và trở về để được ơn tha thứ của Thiên Chúa. Đừng sợ tình thương của Thiên Chúa, vì tội lỗi của chúng ta có đỏ như son thì Chúa cũng làm cho trắng như tuyết, có thẫm tựa vải điều, Chúa cũng làm cho trắng như bông. Thiên Chúa luôn chờ đợi chúng ta từng ngày, từng giờ như người cha trong bài Tin Mừng hôm nay để tha thứ, tẩy rửa tội lỗi cho chúng ta.

Mặt khác, Lời Chúa hôm nay cũng mời gọi chúng ta đừng vì ích kỷ mà ngăn cản tình thương của Chúa xuống trên anh chị em mình như người con cả trong bài Tin Mừng vừa nghe.

Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa ban cho chúng con biết quay trở về với Chúa trong Mùa Chay này như người con thứ, biết từ bỏ thói kiêu ngạo, tự phụ như người con cả, và biết mặc lấy tâm tình từ bi, nhân hậu nơi người Cha trong dụ ngôn hôm nay. Amen.

NGƯỜI CON HOANG ĐÀNG

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

Văn hào Nga Dostoievki khi biết mình không còn sống bao lâu nữa, đã gọi các con đến bên giường bệnh và yêu cầu vợ đọc cho chúng nghe dụ ngôn người con hoang đàng. Khi bà vợ vừa dứt lời, Dostoievki nói như để lại di chúc riêng của ông như sau:

“Các con yêu dấu, các con đừng quên những gì các con vừa nghe đọc. Hãy tin tưởng tuyệt đối vào Chúa, đừng bao giờ thất vọng về sự tha thứ của Ngài. Cha thương các con vô cùng, nhưng tình thương của cha không thể sánh được với tình yêu Thiên Chúa dành cho những ai Ngài đã tạo dựng. Cho dù các con có phạm tội ác, các con đừng bao giờ thất vọng về Thiên Chúa. Các con là con cái Ngài, hãy khiêm tốn đến trước mặt Ngài. Hãy xin Ngài tha thứ và Ngài sẽ vui mừng vì sự sám hối của các con, như người Cha đã vui mừng khi người con hoang trở về”.

Những lời trăn trối của Dostoievki có lẽ cũng chính là tâm tình mà Giáo Hội mời gọi chúng ta khi cho chúng ta lắng nghe dụ ngôn về người con hoang đàng. Qua dụ ngôn này, Chúa Giêsu muốn nêu bật lòng thương xót của Thiên Chúa được chính Ngài cụ thể hoá qua sự gần gũi của Ngài với các tội nhân. Nêu bật lòng thương xót của Thiên Chúa đối với con người, Chúa Giêsu cũng nhắm đến thái độ chai đá của các biệt phái và luật sĩ, được Ngài tô vẽ qua hình ảnh của người con cả. Trong một vài nét ngắn ngủi, nhưng Chúa Giêsu đã phô bày được bộ mặt chai đá, ích kỷ, mù quáng của biệt phái và luật sĩ. Người con cả là hạng người không bao giờ nhận ra được tình thương của Thiên Chúa. Bao lâu nay sống bên cạnh cha, người con cả vẫn xem mình như một thứ người làm công trong nhà, mà không nghĩ rằng “tất cả những gì của cha đều là của con”.

Đó có thể là tâm tình của rất nhiều người trong chúng ta. Chúng ta tuân giữ và thực hành đúng đắn với giới răn, nhưng có lẽ chúng ta chỉ ngước lên Chúa như một quan toà công thẳng hay như một viên cảnh sát lúc nào cũng rình rập theo dõi để trừng phạt chúng ta. Từ một hình ảnh như thế về Thiên Chúa, tâm tình mà chúng ta có đối với Ngài có lẽ chỉ là sợ hãi, nô lệ. Và bởi lẽ không nhận ra Thiên Chúa như một người cha, cho nên con người cũng không nhận ra tha nhân là anh em của mình và như vậy cũng là xúc phạm đến chính Thiên Chúa.

Mùa Chay là mùa của hoán cải. Hoán cải trước tiên là trả lại cho Thiên Chúa gương mặt mà Chúa Giêsu đã mạc khải, đó là gương mặt của người Cha yêu thương con người đến thí ban Con Một mình. Nhưng không thể trở về với Thiên Chúa là Cha mà lại không yêu thương tha thứ cho người anh em của mình.

bài liên quan mới nhất

ĐTC Phanxicô chủ sự Thánh lễ Tiệc Ly và rửa chân cho các tù nhân nữ tại nhà tù Rebibbia

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng