THỨ BA TUẦN 7 PHỤC SINH
ĐỨC MARIA THĂM VIẾNG BÀ Ê-LI-SA-BÉT, Lễ kính
"Bởi đâu tôi được Mẹ Chúa tôi đến viếng thăm tôi?"
Lời Chúa: Lc 1, 39-56
Trong những ngày ấy, Maria chỗi dậy, vội vã ra đi lên miền núi, đến một thành xứ Giuđêa. Bà vào nhà ông Giacaria và chào bà Elisabeth. Và khi bà Elisabeth nghe lời chào của Maria, thì hài nhi nhảy mừng trong lòng bà, và bà Elisabeth được đầy Chúa Thánh Thần, bà kêu lớn tiếng rằng:
"Bà được chúc phúc giữa các người phụ nữ, và con lòng Bà được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Mẹ Thiên Chúa tôi đến viếng thăm? Vì này tai tôi vừa nghe lời Bà chào, thì hài nhi liền nhảy mừng trong lòng tôi. Phúc cho Bà là kẻ đã tin rằng lời Chúa phán cùng Bà sẽ được thực hiện".
Và Maria nói: "Linh hồn tôi ngợi khen Chúa, và thần trí tôi hoan hỉ trong Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ tôi, vì Chúa đã đoái nhìn đến phận hèn tớ nữ của Chúa. Này từ nay muôn thế hệ sẽ khen rằng tôi có phước, vì Đấng toàn năng đã làm cho tôi những sự trọng đại và Danh Ngài là thánh. Lòng thương xót Chúa trải qua đời nọ đến đời kia dành cho những người kính sợ Chúa.
"Chúa đã vung cánh tay ra oai thần lực, dẹp tan những ai thần trí kiêu căng. Chúa lật đổ người quyền thế xuống khỏi ngai vàng và nâng cao những người phận nhỏ. Chúa đã cho người đói khát no đầy ơn phước, và để người giàu có trở về tay không. Chúa đã săn sóc Israel tôi tớ Chúa, bởi nhớ lại lòng thương xót của Ngài. Như Chúa đã phán cùng các tổ phụ chúng tôi, cho Abraham và dòng dõi người đến muôn đời".
Maria ở lại với bà Elisabeth độ ba tháng, đoạn Người trở về nhà mình.
MỘT CUỘC GẶP GỠ TUYỆT VỜI
(Lm. Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT)
Nói và viết về Mẹ còn gì hạnh phúc bằng? Ngôn từ của thế gian vẫn chỉ có giới hạn không thể diễn tả nổi những điều con người muốn nói về Mẹ, đặc biệt người Mẹ ấy lại cao trọng hoàn toàn hơn bất cứ người Mẹ nào ở trần gian. Mẹ có tên là Maria, người nữ tỳ của Thiên Chúa. Tên Maria bao hàm tất cả những gì đẹp nhất, cao quý nhất mà từ ngữ của con người xem ra không đủ để diễn tả toàn vẹn về Mẹ.
“Hồi ấy, bà Ma-ri-a vội vã lên đường, đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giu-đa. Bà vào nhà ông Da-ca-ri-a và chào hỏi bà Ê-li-sa-bét” (Lc 1, 39-40). Nói lời xin vâng cùng Thiên Chúa, Mẹ Ma-ri-a đã rất tế nhị, vội vàng lên đường, vượt đồi, qua núi, đến xứ Giu-đê-a, để chia vui với bà chị họ của Mẹ là bà Ê-li-sa-bét cũng đang mang thai con trong lúc tuổi già.Cái thai đã được 6 tháng: “…Bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng. Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được” (Lc 1, 36-38). Mẹ Maria lòng hân hoan, dạ đơn thành, đã quên hết sự mệt nhọc vì đường xa, khó khăn để tới với bà chị họ yêu quí, để chia sẻ hồng ân vô biên Thiên Chúa đã ban cho Mẹ và bà Ê-li-sa-bét: “Bà vào nhà ông Da-ca-ri-a và chào hỏi bà Ê-li-sa-bét. Bà Ê-li-sa-bét vừa nghe tiếng bà Ma-ri-a chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được đầy tràn Thánh Thần, liền kêu lớn tiếng và nói rằng: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này? Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng. Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em” (Lc 1, 40-45).
Mẹ được ân phúc như lời chào của bà Ê-li-sa-bét không chỉ có nghĩa là Mẹ làm Mẹ của Chúa Giêsu về mặt thể lý, nhưng qua cung lòng trinh khiết, không vương tì ố, Mẹ trở nên đền thờ Thiên Chúa, Mẹ thông ban Thần khí là chính Thần khí của Chúa Giêsu. Ma-ri-a trước khi cất cao lời ca ngợi hồng ân vô biên của Thiên Chúa đã đoái thương Mẹ và bà chị họ Ê-li-sa-bét, Chúa Thánh Thần đã tỏ lộ cho bà Ê-li-sa-bét hiểu rõ rằng người phụ nữ đang ở trước mặt mình không chỉ là người em họ của mình nhưng đó chính là Mẹ của Thiên Chúa: “Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này?” (Lc 1, 43). Phần Mẹ Ma-ri-a, Mẹ cũng nhận ra rằng đứa con đang trong lòng dạ của bà chị họ Ê-li-sa-bét, không phải là một đứa con bình thường, nhưng là một quà tặng quí giá, vị tiền hô Thiên Chúa ban tặng để Gioan Tẩy Giả dọn đường cho Đấng Cứu Thế đến. Điều này đã xẩy ra sau đó 30 năm bên bờ sông Giođan, khi Gioan chỉ cho nhân lọai thấy Đấng Cứu Thế: “Đây Chiên thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian”. Mẹ cất tiếng ca tạ ơn Thiên Chúa qua kinh “Magnificat “. Đây mãi mãi nói lên tâm tình sâu kín của tâm hồn cầu nguyện của Mẹ. Mẹ đã ca ngơi hồng ân của Thiên Chúa. Một hồng ân vô giá của Thiên Chúa trao ban nhưng không cho Mẹ và cho nhân lọai. Tất cả đều là ân sủng. Thiên Chúa đi tìm những gì nghèo hèn và yếu kém để nâng dậy và bù đắp. Mãi mãi Mẹ và nhân lọai ca tụng, tạ ơn Thiên Chúa vì ơn cứu độ chứa chan nơi Chúa Giêsu.
Cuộc gặp gỡ hết sức quan trọng của Mẹ Ma-ri-a và bà chị họ Ê-li-sa-bét có tính cách hết sức lịch sử trong cuộc hành trình đức tin để nhận lãnh ơn cứu độ. Sự hiện diện của Chúa Giêsu trong cung lòng khiết trinh của Mẹ đã thúc đẩy Mẹ đem niềm vui tới cho bà chị họ và nhân lọai qua thánh Gioan Tiền Hô đang được bà Ê-li-sa-bét cưu mang. Đây là sự chia sẻ, sự quan hệ giữa người với người. Đi thăm viếng là ra khỏi nhà mình, nhưng ý nghĩa quan trọng là ra khỏi chính bản thân của mình, quên mình, quảng đại chia sẻ tình thương và đến với con người. Đây cũng là ý lực giúp chúng ta ra khỏi cái vỏ an toàn, sự ích kỷ, để co cụm lại trong con người của mình, để vượt qua mọi trở ngại, mọi thử thách, đến với mọi người để cảm thông, phục vụ, hy sinh loan báo Tin Vui, giới thiệu Đức Kitô cho nhân lọai, cho con người. Và như thế, cuộc gặp gỡ của Mẹ và bà Ê-li-sa-bét mang ý nghĩa thật cao cả, tuyệt vời.
Lạy Mẹ Ma-ri-a, Mẹ đã mau mắn ra khỏi nhà, ra khỏi chính mình để quảng đại đến và ở lại phục vụ bà chị họ Ê-li-sa-bét, để cùng với bà chị họ, ca ngợi, tạ ơn hồng ân tuyệt vời Thiên Chúa đã làm cho Mẹ, cũng như cho bà chị họ. Amen.
CUỘC VIẾNG THĂM ĐẦY ÂN SỦNG
(Lm. Vinhsơn Ngọc Biển SSP)
Trong cuộc sống, nơi các mối tương quan, hẳn sự cảm thông, liên đới là điều quan trọng. Có sự cảm thông, chúng ta dễ dàng tôn trọng, hiểu biết, và đón nhận nhau hơn. Có sự liên đới, chúng ta dễ dàng chia vui, sẻ buồn với nhau để giúp nhau thăng tiến…
Hôm nay, bài Tin Mừng cũng trình thuật cho chúng ta về cuộc gặp gỡ giữa Mẹ Maria và bà Êlisabét. Cuộc gặp gỡ này không chỉ dừng lại ở chỗ thăm hỏi xã giao, nhưng nó còn đi xa hơn để cho thấy rằng đây là một cuộc gặp gỡ trong tình yêu và ân sủng.
Đức Maria vội vã lên đường thăm bà chị họ Êlisabét không phải do Mẹ không tin lời Sứ Thần báo bà Êlisabét đã có thai được sáu tháng, vì thế, phải lên đường để tận mắt phục kích xem điều đó có thật không! Không phải vậy, nhưng Mẹ lên đường là để thể hiện sự vui mừng, mau mắn, sẵn sàng tín thác nơi Chúa và đem Tin Mừng ấy đến với người chị họ và cũng là người chị trong ân sủng, để cả hai cùng chung lời tạ ơn. Vì thế, khi vừa thấy Mẹ, bà Êlisabét đã cất tiếng tung hô: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc” (Lc 1,4243). Cùng lúc, Gioan trong bụng đã nhảy lên vui sướng vì mình được Thiên Chúa viếng thăm.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay cho chúng ta thấy, vai trò của Chúa Thánh Thần là trọng tâm của mọi biến cố cũng như nhân vật từ Đức Giêsu, Mẹ Maria, thánh Gioan, ông Dacaria và bà Êlisabét… Tất cả những nhân vật này đã trung thành với lời hứa, mặc dù đôi lúc cũng còn chút nghi ngờ như ông Dacaria.
Từ đó, chúng ta được mời gọi mau mắn vâng nghe tiếng nói của Chúa Thánh Thần trong Lương Tâm của mình để thi hành. Sẵn sàng tin tưởng tuyệt đối vào Lời Chúa hứa. Yêu thương, tôn trọng và liên đới với tha nhân để giúp nhau nên thánh.
Qua mỗi ngày sống, mong sao mọi người đều cảm nhận được niềm vui, hạnh phúc vì có Chúa ở cùng như mẹ Maria, bà Êlisabét và thánh Gioan Tẩy Giả khi xưa.
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết yêu thương nhau để cùng nhau làm chứng cho niềm vui Tin Mừng trong cuộc sống thường ngày. Amen.
ÐỨC MARIA THĂM VIẾNG BÀ ÊLISABETH
Thánh Luca chỉ tường thuật biến cố xảy ra bên ngoài thôi, nhưng ta cần phải chiêm ngắm đức bác ái của thiếu nữ Maria 16 tuổi đã hăng hái lên đường đến chào mừng và giúp đỡ bà chị già 60 tuổi mới được làm mẹ. Suốt dọc đường ba ngày trên lưng lừa từ Nadaret đến Aim-Karen, Maria con người giản dị duyên dáng cất tiếng hát bài ca Manhiphicat (Magnificat) của bà Anna, mẹ ngôn sứ Samuel, làm bài ca của mình, qua tiếng hát ngợi khen Thiên Chúa đã để lại một mầu nhiệm nói lên hành động của Thiên Chúa gắn liền với đức tin của chúng ta, dẫn chúng ta vào ơn cứu độ. Cần thiết chúng ta phải đặt mình vào địa vị của bà Êlisabét để Đức Maria đến thăm hỏi chúng ta. Điều đó khó khăn lắm không? Ngài tốt đến độ đến thăm ai chẳng sợ lặp lại câu: “Cầu cho chúng con là kẻ có tội!”
Nơi nhiều người chỉ thấy thoáng qua, thấy rung động chút ít trước sự kiện siêu nhiên; không được thường xuyên trong sáng; đôi khi bác ái, thương cảm. Nhưng chưa đủ. Một tâm hồn chân thành với mình và với người khác phải được mở ra trước ơn Thiên Chúa, ta thấy rõ điều đó nơi Thánh Phaolô. Khi còn là kẻ bách hại, ông đã hoạt động chân thành đến điên cuồng. Khi trở lại, ông càng thầm tín mạnh mẽ hơn nữa để hoạt động cho Chúa và cho dân được tuyển chọn, ông đã dương cao chính nghĩa của người Nadaret. Trước một tâm hồn chân thành, dù là thứ chân thành xấu, Thiên Chúa không thể từ bỏ. Thiên Chúa bắt đầu cảm hóa họ. Đức Maria cũng tham gia can thiệp. Mẹ đến đóng ấn trên những công trình Thiên Chúa và giúp những công trinh đó phát triển. Điều đó rất cần... Chúng ta cần suy nghĩ để thấy rằng tất cả chúng ta một phần nào giống như bà già Êlisabét, đầy thiện chí, đầy ham muốn tốt, nhưng lại cằn cõi và lo sợ...
Ước chi Đức Maria đến can thiệp cho, ước chi cuộc thăm viếng của Mẹ tăng cường cho những cố gắng của chúng ta, biết chạy đến xin mẹ cứu giúp! Người ta nói Mẹ là tình yêu tuyệt diệu. Con tim con sẽ luôn luôn kêu khấn Maria như mẹ của mọi thiện chí...
Vậy chúng ta với tất cả niềm tin mời Mẹ đến vì hy vọng rằng Mẹ làm cho đời sống đức tin của chúng ta sinh hoa trái. Chúng ta tuyên xưng Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, không phải là một Thiên Chúa xa xôi, bắt chúng ta mang gánh nặng giơí răn, nhưng là Thiên Chúa rất nhỏ bé đang chờ đợi giúp làm cho đức thành tín lớn lên trong chúng ta. Đức Maria cũng mang đến cho chúng ta một kho tàng là nhận biết Đức Giê-su là Chúa. Mong chúng ta mở lòng ra đón nhận và đừng bao giờ từ chối cuộc thăm viếng của Mẹ Maria. Đừng bao giờ!.
L.P