Thứ Hai Tuần 6 Thường Niên

THỨ HAI TUẦN 6 THƯỜNG NIÊN

"Tại sao thế hệ này lại xin điềm lạ?".

Lời Chúa: Mc 8, 11-13

Khi ấy, các người biệt phái xuất hiện và bắt đầu tranh luận với Chúa Giêsu. Họ xin Người một điềm lạ trên trời để thử Người.

Người thở dài mà nói: "Tại sao thế hệ này lại xin điềm lạ? Quả thật, Ta bảo các ông hay: Sẽ chẳng cho thế hệ này điềm lạ nào". Rồi bỏ họ đó, Người lại xuống thuyền sang bờ bên kia.

ĐÚC TIN

(ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt)

Chúa Giê-su buồn và than phiền về thế hệ này. Họ chỉ đòi dấu lạ. Nhưng không có đức tin. Có đức tin thì không cần dấu lạ. Không có đức tin thì dấu lạ cũng vô ích. Nên Chúa quyết định: “Thế hệ này sẽ không được một dấu lạ nào cả. Rồi bỏ họ đó, Người lại xuống thuyền qua bờ bên kia”. Chúa Giê-su bỏ họ lại đó với sự cứng lòng chết chóc của họ. Chúa sang bờ bên kia của đức tin. Chỉ có đức tin mới nối kết được con người với Thiên Chúa.

Nhưng đức tin luôn gặp thử thách vì những khó khăn trong đời sống. Những thử thách Chúa gửi đến có mục đích thanh luyện đức tin, kiểm nghiệm đức tin và ban thưởng đức tin.

Người có đức tin có Thiên Chúa ở cùng. Nên vui tươi trong mọi hoàn cảnh. Vui tươi khi gặp khốn khó. “Anh em hãy tự cho mình là được chan chứa niềm vui khi gặp thử thách trăm chiều. Vì như anh em biết: đức tin có vượt qua thử thách mới sinh ra lòng kiên nhẫn”. Vui tươi chấp nhận mọi thăng trầm thành bại trong đời. Vì biết rằng mọi sự mau qua. “Người anh em phận hèn hãy tự hào khi được Chúa nâng lên; còn người giầu có hãy tự hào khi bị Chúa hạ xuống, vì họ sẽ qua đi như hoa cỏ”. Vì thế người có đức tin không do dự. Luôn cầu xin ơn khôn ngoan để biết phân định trong đời sống. Nhờ đó sống trung tín trong mọi hoàn cảnh. Luôn trung tín (năm chẵn).

Người không có đức tin sống như không có Chúa. Ca-in giết em, tưởng Chúa không biết. Nên chối “Con không biết. Con là người giữ em con hay sao?”. Không có đức tin nên không chiến đấu để vượt qua cám dỗ. Dù đã được cảnh báo: “Nếu ngươi hành động không tốt, thì tội lỗi đang nằm phục ở cửa, nó thèm muốn người; nhưng ngươi phải chế ngự nó”. Không chế ngự được mình. Không có đức tin. Nên Ca-in sống trong buồn rầu, thất vọng. “Giờ đây ngươi bị nguyền rủa bởi chính đất đã từng há miệng hút lấy máu em ngươi,... Ngươi có canh tác đất đai, nó cũng không còn cho ngươi hoa màu của nó nữa” (năm lẻ).

Đức tin như thế là một cuộc vượt qua. Vượt qua những gì khả giác để thấy thế giới siêu nhiên. Vượt qua những giá trị mau qua để chiếm được vương quốc vĩnh cửu. Vượt qua được những cám dỗ rình rập. Vượt qua chính mình để đạt tới Chúa.

CẦN CÓ ĐỨC TIN ĐỂ ĐÓN NHẬN TÌNH THƯƠNG

(Lm. Vinhsơn Ngọc Biển SSP)

Chúng ta thấy trong Tin Mừng, gần như đã trở thành quy luật để Đức Giêsu thi hành phép lạ, đó là đức tin và lòng mến. Nếu không có đức tin thì ắt không thể có lòng mến, mà không có lòng mến thì làm sao có thể hoán cải? Như thế sẽ không bao giờ có phép lạ!

Hôm nay, bài Tin Mừng cho thấy những người Pharisêu cũng đến để nghe Đức Giêsu giảng và họ đã chứng kiến rất nhiều phép lạ cả thể Đức Giêsu đã làm. Một trong những phép lạ mới nhất, đó là phép lạ hóa bánh ra nhiều cho bốn ngàn người từ bẩy chiếc bánh và mấy con cá nhỏ. Tuy nhiên, thay vì tin vào quyền năng của Thiên Chúa, thì họ lại trai cứng và tiếp tục đi vào vết xe đổ như Tổ tiên họ đã thách thức Thiên Chúa trong Samạc; hay đi theo con đường của Satan khi chúng thử thách Đức Giêsu sau khi Ngài ăn chay 40 đêm ngày! Trước sự chai lỳ và u mê do thói kiêu ngạo, ghen tỵ và sự giả dối nơi họ, nó đã làm cho lương tâm những người Pharisêu bị phủ lấp và không còn nhạy bén để nhận ra tình thương của Thiên Chúa ngang qua Đức Giêsu. Vì thế, Đức Giêsu đã phải thốt lên: “Sao thế hệ này lại xin một dấu lạ?” Và Ngài đã không làm phép lạ theo như yêu cầu của những người Pharisêu, bởi vì họ không tin và phép lạ không thể diễn ra trong sự thách thức và cưỡng bách được.

Trong đời sống đức tin của chúng ta thường ngày cũng vậy. Nhiều khi cũng thách thức Thiên Chúa khi chúng ta đem Ngài ra để so sánh với ông nọ, thần kia; hoặc có lúc chúng ta cũng ra những điều kiện cho Ngài khi nhủ rằng: nếu Chúa có mặt thực sự, thì Chúa làm cho con được thế này hay thế kia thì con sẽ tin? Những lúc như thế, chúng ta đã bị sự kiêu ngạo thúc bách và khi đó trong ta chỉ còn những yêu cầu phát xuất từ sự tham vọng và thực dụng thuần túy mà không hề nghĩ đến ơn cứu chuộc là hạnh phúc vĩnh cửu!

Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho con ơn khiêm tốn và lòng yêu mến Chúa để chúng con nhận ra tình thương của Thiên Chúa và luôn sống trong sự an bài của Ngài. Amen.

DẤU LẠ CỦA TÌNH THƯƠNG

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

Thánh Marcô đặt cuộc tranh luận giữa Chúa và những người Biệt phái, sau một loạt phép lạ Chúa Giêsu đã thực hiện khi bắt đầu sứ vụ công khai của Ngài. Phép lạ mới nhất là việc hóa bánh và cá ra nhiều cho đám đông theo Ngài. Những người Biệt phái đã bắt đầu nghe nói đến hoặc chính mắt họ chứng kiến các phép lạ của Chúa Giêsu, nhưng họ không tin.

Ở đây, chúng ta thấy rõ tương quan giữa phép lạ và lòng tin của con người. Chúa Giêsu không làm phép lạ như một trò ảo thuật; Ngài làm phép lạ trước hết là để biểu lộ quyền năng của Thiên Chúa, loan báo những dấu chỉ của Nước Trời và kêu gọi lòng tin nơi con người, do đó phép lạ là một lời mời gọi hơn là một cưỡng bách.

Khi những người Biệt phái đòi hỏi một dấu lạ, thái độ đó gợi lại sự thử thách mà người Do thái trong thời kỳ lang thang trong sa mạc cũng đã đòi hỏi nơi Thiên Chúa; thái độ đó cũng tương tự thái độ của Satan khi đến cám dỗ Chúa Giêsu. Thật thế, Satan đã bảo Chúa Giêsu hãy gieo mình xuống từ thượng đỉnh Ðền thờ như một cử chỉ vừa ngoạn mục vừa cả thể. Nhưng Chúa Giêsu đã mượn lời của chính Thiên Chúa nói với dân Do thái trong Cựu Ước để khước từ cám dỗ của Satan: "Ngươi chớ thử thách Thiên Chúa là Chúa của ngươi". Trước sự cứng lòng tin của những người Biệt phái, Chúa Giêsu đã khước từ mọi phép lạ, hay đúng hơn, Ngài không làm phép lạ nào để nói với họ hơn là cái chết của Ngài trên Thập giá, bởi vì chỉ cái chết ấy mới có thể lôi kéo mọi người về với Thiên Chúa.

Giáo Hội tiếp tục công cuộc cứu rỗi của Chúa Kitô; qua cuộc sống của mình, Giáo Hội cũng đang lặp lại những phép lạ của Chúa Giêsu như một lời mời gọi. Thế nhưng, đâu là dấu chỉ đáng tin cậy nhất mà Giáo Hội có thể chứng tỏ cho con người thời nay? Với những phát minh mỗi ngày một tân tiến, con người thời nay dường như vẫn đang tự hào thực hiện được nhiều phép lạ trong mọi địa hạt. Do đó, đối với con người ngày nay, không một dấu lạ nào đáng tin hơn nơi Giáo Hội cho bằng chính cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá mà Giáo Hội có thể lặp lại nơi chính mình. Giáo Hội chỉ đáng tin cậy khi Giáo Hội khước từ vẻ hào nhoáng bên ngoài, để mặc lấy thái độ vâng lời và phục vụ của Chúa Kitô; Giáo Hội chỉ đáng tin cậy khi Giáo Hội là thể hiện của một tình yêu vô vị lợi, một tình yêu của Ðấng sẵn sàng hy sinh và chết cho người mình yêu.

Dấu lạ cả thể mà có lẽ con người thời nay đang chờ đợi nơi Giáo Hội chính là dấu lạ của tình thương. Nói như Staline, thế giới này chỉ cần mười người như thánh Phanxicô Assisi, thì cũng đủ để thay đổi bộ mặt. Người ta mãi mãi vẫn nhớ khuôn mặt từ tốn, nhân hậu của một Gioan XXIII; hoặc chỉ như một ánh sao băng, người ta khó mà quên được nụ cười hiện thân của lòng nhân từ nơi Ðức Gioan Phaolô I; lòng hy sinh quảng đại của Mẹ Têrêsa Calcutta cũng là một dấu lạ cả thể mà con người thời đại đang tìm thấy nơi Giáo Hội.

Trong sự đóng góp khiêm tốn của mình trong cuộc sống hiện tại, xin Chúa cho mỗi Kitô hữu chúng ta luôn ý thức rằng mình đang là một dấu hỏi, một lời mời gọi đối với những người chưa nhận biết Chúa Kitô.

bài liên quan mới nhất

Ngày 20/4: Thánh Anê Môntepuxiano (1268-1317)

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng