Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II: Thần học về thân xác phần bốn - Đời sống độc thân trinh khiết Kitô giáo

THÁNH GIÁO HOÀNG GIOAN PHAOLÔ II

THẦN HỌC VỀ THÂN XÁC
TÌNH YÊU PHÀM NHÂN TRONG KẾ HOẠCH THẦN LINH
Sự cứu chuộc thân xác và tính bí tích của hôn nhân trong các huấn giáo ngày thứ Tư (1979-1984)

Tác phẩm “Tình yêu phàm nhân trong kế hoạch thần linh” là một Thần học về Thân xác của Thánh Giáo hoàng Gioan-Phaolô II. Ngài đã nói “con người trở thành ‘hình ảnh và họa ảnh’ của Thiên Chúa không chỉ bởi nhân tính của mình nhưng còn nhờ sự hiệp thông các ngôi vị giữa người nam và người nữ ngay từ thuở ban đầu”. Một tiếp cận mới thuyết phục về vấn đề tính dục con người và đạo đức tính dục. Có người đã nói đức Gioan-Phaolô II là nhà cách mạng tính dục lảm đảo lại cuộc “cách mạng tình dục” thế kỉ vừa qua, đổi hướng qui nó về Nguồn và Cùng đích thật của nó.

Xin được gửi đến quý độc giả bản dịch Việt ngữ của Đức Giám mục Louis Nguyễn Anh Tuấn về tác phẩm này.

* * *

PHẦN BỐN:
ĐỜI SỐNG ĐỘC THÂN TRINH KHIẾT KITÔ GIÁO

Mục lục

LXXIII. Ý NIỆM VỀ ĐỜI SỐNG TRINH KHIẾT HAY ĐỘC THÂN NHƯ LÀ MỘT TIỀN DỰ SỰ PHỤC SINH VÀ LÀ DẤU CHỈ CÁNH CHUNG

LXXIV. ƠN GỌI SỐNG KHIẾT TỊNH TRONG THỰC TẠI ĐỜI SỐNG TRẦN THẾ

LXXV. TƯƠNG QUAN GIỮA BẬC ĐỘC THÂN “VÌ NƯỚC TRỜI” VÀ SỰ PHONG NHIÊU SIÊU NHIÊN CỦA TÂM LINH CON NGƯỜI

LXXVI. ĐỜI HÔN NHÂN VÀ KHIẾT TỊNH SOI SÁNG LẪN CHO NHAU

LXXVII. “QUÍ TRỌNG” BẬC SỐNG ĐỘC THÂN KHIẾT TỊNH HƠN KHÔNG CÓ NGHĨA LÀ XEM THƯỜNG ĐỜI SỐNG HÔN NHÂN

LXXVIII. ĐỜI HÔN NHÂN VÀ ĐỘC THÂN VÌ NƯỚC TRỜI BỔ TÚC CHO NHAU

LXXIX. ĐỘC THÂN KHIẾT TỊNH: LỜI TỪ KHƯỚC VÌ TÌNH YÊU

LXXX. ĐỘC THÂN KHIẾT TỊNH VÌ NƯỚC TRỜI VÀ Ý NGHĨA HỢP HÔN CỦA THÂN XÁC

LXXXI. ĐỘC THÂN KHIẾT TỊNH “VÌ NƯỚC TRỜI” VÀ “ĐẠO ĐỨC” CỦA ĐỜI SỐNG HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH

LXXXII. GIẢI THÍCH CỦA THÁNH PHAOLÔ VỀ ĐỜI SỐNG TRINH KHIẾT VÀ HÔN NHÂN

LXXXIII. TÔN QUÝ BẬC ĐỘC THÂN TRINH KHIẾT VÀ BẬN TÂM ĐỐI VỚI NHỮNG SỰ THUỘC VỀ CHÚA

LXXXIV. ÂN SỦNG CỦA CHÚA HOẠT ĐỘNG TRONG MỖI NGƯỜI TRONG CHỌN LỰA ĐỜI SỐNG TRINH KHIẾT HAY HÔN NHÂN

LXXXV. “SỰ NHƯỢNG BỘ” CỦA THÁNH PHAOLÔ TRONG VIỆC VỢ CHỒNG KIÊNG CỮ TRONG LINH ĐẠO CỦA THẦN HỌC VỀ THÂN XÁC

LXXXVI. NIỀM HI VỌNG CHIẾN THẮNG TỘI LỖI TRONG MẦU NHIỆM CỨU CHUỘC THÂN XÁC

LXXIII. Ý NIỆM VỀ ĐỜI SỐNG TRINH KHIẾT HAY ĐỘC THÂN NHƯ LÀ MỘT TIỀN DỰ SỰ PHỤC SINH VÀ LÀ DẤU CHỈ CÁNH CHUNG

(Ngày 10 tháng 3 năm 1982)

1. Giờ đây chúng ta bắt đầu suy tư về đời sống trinh khiết hay độc thân “vì Nước Trời”. Vấn đề ơn gọi độc thân trinh khiết dâng hiến cho Thiên Chúa có cội rễ bắt nguồn sâu xa từ mảnh đất Tin mừng của thần học về thân xác. Để làm sáng tỏ hơn những chiều kích của riêng nó, cần nhớ những lời của Đức Kitô nói đến “thuở ban đầu”, và cả những lời Người nói về sự phục sinh của thân xác. Lời minh xác này: “Khi người ta từ cõi chết sống lại, thì chẳng còn lấy vợ lấy chồng”,[1] cho thấy có một hoàn cảnh sống không hôn nhân trong đó con người, dù là nam hay nữ, hiến dâng chính mình và đồng thời sống mối hiệp thông liên chủ thể ngã vị cách viên mãn, nhờ tôn vinh toàn thể con người thể xác – tâm linh mình trong sự kết hợp miên viễn với Thiên Chúa. Khi trong tâm hồn người ta nghe thấy tiếng âm vang của lời gọi mời tiết chế “vì Nước Trời”, ngay ở trong cõi đời tạm này hay trong hoàn cảnh sống mà thông thường thì người ta vẫn “lấy vợ lấy chồng”,[2] không khó nhận ra ở đó một cảm thức đặc biệt của tinh thần con người, ngay trong cuộc sống tại thế này, như tiền dự rồi vào sự sống lại tương lai.

2. Thế nhưng, trong bối cảnh đàm đạo với những người Sa-đốc[3] đang chất vấn Người về sự phục sinh của thân xác, Đức Kitô không trực tiếp nói về vấn đề này, về ơn gọi đặc biệt này. Nhưng trước đó, trong bối cảnh Người đàm đạo với những người Pharisêu về hôn nhân và nền tảng của hôn nhân bất khả phân li, Người đã nói đến ơn gọi độc thân vì Nước Trời như một đề tài tiếp nối của cuộc trao đổi kia.[4] Những lời kết thúc liên hệ tới cái gọi là giấy li dị mà Môsê đã cho phép trong một số trường hợp. Đức Kitô nói: “vì các ông lòng chai dạ đá, nên ông Môsê đã cho phép các ông rẫy vợ, chứ thuở ban đầu, không có thế đâu. Tôi nói cho các ông biết: Ngoại trừ trường hợp hôn nhân bất hợp pháp, ai rẫy vợ mà cưới vợ khác là phạm tội ngoại tình”.[5] Bấy giờ, các môn đệ – như văn mạch cho thấy – đang chú tâm theo dõi cuộc trao đổi và đặc biệt chú ý đến những lời cuối cùng của Đức Giêsu, họ nói với Người: “Nếu làm chồng mà phải như thế đối với vợ, thì thà đừng lấy vợ còn hơn”.[6] Đức Kitô trả lời họ như sau: “Không phải ai cũng hiểu được câu nói ấy, nhưng chỉ những ai được cho hiểu mới hiểu. Quả vậy, có những người không kết hôn vì từ khi lọt lòng mẹ, họ đã không có khả năng; có những người không thể kết hôn vì bị người ta hoạn; lại có những người tự ý không kết hôn vì Nước Trời. Ai hiểu được thì hiểu”.[7]

3. Liên hệ đến cuộc trao đổi mà Matthêu đã tường thuật ấy, có thể chúng ta tự hỏi: sau khi nghe Đức Giêsu trả lời những người Pharisêu về hôn nhân và tính bất khả phân li của nó, các môn đệ đã nghĩ gì khi họ đưa ra nhận định của họ: “Nếu làm chồng mà phải như thế đối với vợ, thì thà đừng lấy vợ còn hơn”? Dù sao đi nữa, Đức Giêsu cũng nhân cơ hội đó để nói với họ về sự tiết dục tự nguyện vì Nước Trời. Khi nói điều đó, Người không trực tiếp bày tỏ quan điểm về tuyên bố của các môn đệ, Người cũng không tỏ ý đồng thuận với lí luận của họ.[8] Bởi thế, Người không trả lời là “nên kết hôn” hay “không nên kết hôn”. Vấn đề tiết dục vì Nước Trời không đối nghịch lại với hôn nhân, cũng không căn cứ trên một phán quyết tiêu cực về tầm quan trọng của hôn nhân. Hơn nữa, khi trước đó Đức Kitô nói đến hôn nhân bất khả phân li, Người đã nói tới “thuở ban đầu” nghĩa là mầu nhiệm tạo dựng, và như thế đồng thời chỉ ra nguồn mạch đầu tiên và nền tảng của giá trị của hôn nhân. Do đó, để trả lời cho câu hỏi của các môn đệ, hay đúng hơn để làm sáng tỏ vấn đề họ đặt ra, Đức Kitô đã nại đến một nguyên lí khác. Không phải vì sự “không nên kết hôn”, cũng không phải vì hôn nhân giả thiết không có giá trị tích cực mà những người chọn sống độc thân “vì Nước Trời” phải sống tiết dục, nhưng vì họ nhằm tới một giá trị đặc biệt gắn liền với chọn lựa ấy và điều ấy cần được khám phá cách cá nhân và đón nhận như ơn gọi riêng của cá nhân ấy. Trước hết Người nói liền: “Không phải ai cũng hiểu được câu nói ấy, nhưng chỉ những ai được cho hiểu mới hiểu”.[9]

4. Như đã thấy, trong câu trả lời cho vấn đề các môn đệ đặt ra cho Người, Đức Kitô xác định rõ một qui luật để hiểu được những lời của Người. Trong đạo lí của Hội Thánh niềm tin sau đây vẫn còn, đó là, những lời ấy không diễn tả một lệnh truyền bắt buộc tất cả mọi người, nhưng là một lời khuyên liên hệ đến chỉ một số người[10]: những người có thể “hiểu được điều ấy”. Và những kẻ có thể “hiểu được điều ấy” chính là những ai “đã được Thiên Chúa cho hiểu”. Những lời trích dẫn trên đây cho thấy rất rõ ràng yếu tố chọn lựa cá nhân đồng thời cũng là yếu tố của ân sủng đặc biệt, tức là ơn huệ mà con người lãnh nhận để thực hiện chọn lựa ấy. Người ta có thể nói rằng chọn lựa tiết dục vì Nước Trời là một định hướng với đặc sủng hướng đến tình trạng cánh chung khi mà người ta “chẳng còn lấy vợ lấy chồng”. Tuy nhiên, giữa tình trạng sống trong thân xác phục sinh và chọn lựa tiết dục tự nguyện vì Nước Trời trong cuộc sống trần gian này và trong tình trạng lịch sử của loài người đã sa ngã và được cứu chuộc, có một sự khác biệt cốt yếu. Việc ”không cưới vợ lấy chồng” thời cánh chung là một “tình trạng (hay bậc sống)”, nghĩa là đó là một lối sống riêng và căn bản của con người, nam cũng như nữ, trong thân xác đã được tôn vinh. Sự tiết dục vì Nước Trời, như là hoa quả của một chọn lựa đặc sủng, là một trường hợp ngoại lệ đối với bậc sống kia, tức là bậc sống mà con người “từ thuở ban đầu” đã được và vẫn còn được tham dự trong suốt cuộc sống trần gian.

5. Thật là ý nghĩa khi Đức Kitô không nối kết trực tiếp những lời Người nói về sự tiết dục vì Nước Trời với lời tiên báo về “đời sau”, là đời sống trong đó người ta “không còn cưới vợ lấy chồng”.[11] Nhưng, những lời ấy – như chúng ta đã nói – là sự tiếp nối cuộc trao đổi với những người Pharisêu, trong đó Đức Giêsu đã tham chiếu tới “thuở ban đầu” và cho họ thấy định chế hôn nhân do Đấng Tạo Hóa thiết lập và đặc tính bất khả phân li của sự phối hôn giữa người nam và người nữ, như Thiên Chúa đã định.

Lời khuyên mà cũng là sự chọn lựa đặc sủng tiết dục vì Nước Trời, được Đức Kitô nối kết với thái độ nhìn nhận tối đa bình diện “lịch sử” của cuộc nhân sinh, vốn liên hệ tới cả linh hồn và thân xác. Trong bối cảnh trực tiếp những lời khuyên tiết dục vì Nước Trời trong cuộc sống trần gian của con người ấy, ta phải thấy ơn gọi sống trinh khiết đó là một trường hợp ngoại lệ so với định luật chung của đời này. Đức Kitô nhấn mạnh trên hết điều đó. Kế đến, ngoại lệ ấy tự nó muốn tiên báo đời sống cánh chung vốn không có chuyện vợ chồng và là đặc tính riêng của “đời sau” (nghĩa là giai đoạn chung cuộc của “Nước Trời”), điều mà Đức Kitô không trực tiếp nói đến ở đây. Điều quan trọng, thật ra không phải là sự tiết dục trong Nước Trời, mà là sự tiết dục “ Nước Trời”. Ý tưởng trinh khiết hay độc thân, xét như là sự tiền dự vào Nước Trời hay như dấu chỉ cánh chung,[12] có được là do liên tưởng những lời nói ở đây với những lời Đức Giêsu phát biểu trong một dịp khác, đó là trong cuộc trao đổi với những người Sa-đốc khi Người tuyên bố sự phục sinh thân xác tương lai.

Chúng tôi sẽ trở lại đề tài này trong những bài suy tư kế tiếp.

LXXIV. ƠN GỌI SỐNG KHIẾT TỊNH TRONG THỰC TẠI ĐỜI SỐNG TRẦN THẾ

(Ngày 17 tháng 3 năm 1982)

1. Chúng ta tiếp tục suy tư về đời sống độc thân trinh khiết vì Nước Trời. Đây cũng là một chủ đề quan trọng đối với một thần học về thân xác đầy đủ.

Trong văn mạch trực tiếp của đoạn nói về sự tiết dục vì Nước Trời, Đức Kitô đã đưa ra một so sánh rất ý nghĩa. Điều đó còn xác nhận rõ hơn nữa điều ta tin là Người muốn đưa ơn gọi đồng trinh ấy bám rễ sâu vào thực tại đời sống trần thế, khi ta thấy Người lần theo lối suy nghĩ của những thính giả đương thời của Người. Thật vậy, Người liệt kê ra ba phạm trù những người “yêm hoạn” (sống độc thân).

Từ ngữ này muốn nói đến những khiếm khuyết về thể lí khiến người ta không thể sinh con được trong hôn phối. Khiếm khuyết thể lí đó giải thích trường hợp hai loại người đầu, khi Đức Giêsu nói về khiếm khuyết thể lí bẩm sinh tự nhiên: “người yêm hoạn do từ khi lọt lòng mẹ họ đã như thế”, hoặc về khiếm khuyết thể lí do mắc phải bởi bàn tay con người can thiệp: đó là “những người không thể kết hôn vì bị người ta yêm hoạn”. Như thế, cả hai trường hợp này đều nói về một tình trạng ngoài ý muốn. Trong cuộc đối chất ấy, nếu sau đó Đức Kitô nói đến loại người thứ ba “những người tự ý không kết hôn vì Nước Trời”,[13] thì hẳn Người muốn làm nổi bật hơn nữa tính cách tự nguyện và siêu nhiên của chọn lựa ấy. Là một chọn lựa tự nguyện, bởi vì những người này “tự ý không kết hôn”; là một chọn lựa siêu nhiên, bởi vì họ làm thế “vì Nước Trời”.

2. Phân biệt như thế rất là rõ ràng và rất mạnh mẽ. Thế nhưng, cuộc đối chất cũng quyết liệt và hùng hồn. Đức Kitô nói với những con người mà truyền thống Cựu ước chưa hề chuyển thông cho họ lí tưởng độc thân trinh khiết. Hôn nhân thời bấy giờ là bậc sống chung cho mọi người, chỉ những kẻ bị bất lực thể lí mới là ngoại lệ. Câu trả lời của Đức Giêsu cho các môn đệ, trong Tin mừng Matthêu,[14] theo một nghĩa nào đó, cũng hướng về toàn thể truyền thống Cựu ước. Bạn chỉ cần lấy một ví dụ, từ sách Thủ Lãnh chẳng hạn, mà chúng tôi gợi ra đây không phải nhằm đến sự kiện giải quyết cho bằng chính những lời lẽ rất ý nghĩa kèm theo đó. Người con gái của ông Yeptê nói với cha mình, sau khi nghe biết từ cha số phận mình đã được định phải hiến sinh bởi lời cha nàng đã khấn hứa cùng Đức Chúa: “Xin cha cho con... khóc cho đời con gái của con”.[15] Tiếp theo sau đó, ta thấy ông nói “ “Con cứ đi!” và ông để cho cô đi... Cô ra đi cùng với các bạn, khóc cho đời con gái của cô trên các núi đồi. Hết hai tháng, cô trở về với cha, và ông thi hành nơi cô lời ông đã khấn hứa. Cô chưa biết đến việc vợ chồng”.[16]

3. Từ đó, ta thấy trong truyền thống Cựu ước không có chỗ nào nói đến ý nghĩa này của thân xác, điều mà Đức Kitô giờ đây đang muốn lưu ý các môn đệ Người và mạc khải cho họ khi Người nói về sự tiết dục vì Nước Trời. Trong những nhân vật chúng ta biết, tức là các vị thủ lãnh tinh thần của dân Chúa trong Cựu ước, có lẽ không có ai tuyên bố hay sống sự tiết chế đó cả.[17] Hôn nhân thời đó không chỉ là một bậc sống chung cho mọi người, nhưng còn hơn thế nữa, nó còn mang ý nghĩa là được thánh hiến bởi lời Chúa hứa với Abraham: “Phần Ta, đây là Giao ước của Ta với ngươi: ngươi sẽ làm cha của vô số các dân tộc... Ta sẽ làm cho ngươi nảy nở sinh sôi thật đông, thật đông đảo; Ta sẽ làm cho người thành những dân tộc, và vua chúa sẽ phát xuất từ ngươi. Ta sẽ lập Giao ước của Ta giữa Ta với ngươi và với dòng dõi ngươi sau này, từ thế hệ này qua thế hệ khác, như Giao ước vạn đại trường tồn, ngõ hầu Ta sẽ là Thiên Chúa của ngươi và của dòng dõi ngươi sau này”.[18] Do đó, trong truyền thống Cựu ước, hôn nhân được xem như là nguồn cho sự sinh sôi nảy nở ra hậu duệ, là một bậc sống ưu việt xét về mặt tôn giáo: và được bày tỏ ưu ái bởi chính mạc khải. Trên hậu cảnh của truyền thống này, theo đó Đấng Messia phải là “con vua Đavit”,[19] người ta khó mà hiểu được lí tưởng sống tiết chế (vì Nước Trời). Tất cả đều ủng hộ cho hôn nhân: không chỉ bởi những lí do thuộc bản tính tự nhiên của con người, mà còn cả những lí do vì Nước Thiên Chúa.[20]

4. Trong bối cảnh đó, những lời của Đức Kitô xác định một bước ngoặt quyết định. Khi Người nói với các môn đệ Người, lần đầu tiên, về sự tiết dục vì Nước Trời, người ta nhận thấy rõ ràng, xét như là con cháu của truyền thống Luật Cũ, họ phải liên hệ đời độc thân và đồng trinh với hoàn cảnh riêng của những con người, đặc biệt là nam giới, vì khiếm khuyết thể lí mà không kết hôn (“những người yêm hoạn”), và do đó liên hệ trực tiếp đến những người ấy. Liên hệ ấy có một hậu cảnh đa dạng: cả về lịch sử cũng như tâm lí học, về đạo đức học cũng như về tôn giáo. Với sự liên hệ ấy Đức Giêsu, theo một nghĩa nào đó, chạm đến mọi hậu cảnh này, như Người muốn nói: Tôi biết rằng tất cả những gì tôi nói với các người bây giờ sẽ tạo ra một khó khăn rất lớn trong tâm thức các người, trong cách thức các người hiểu ý nghĩa của thân xác; thật vậy, tôi sẽ nói với các người về sự tiết dục, và chắc chắn các người sẽ liên hệ ngay đến tình cảnh những người bị khiếm khuyết thể lí, do bẩm sinh hay do người ta can thiệp. Trái lại, tôi muốn nói với các người rằng tiết dục cũng có thể là một chọn lựa tự nguyện của người ta “vì Nước Trời”.

5. Matthêu ở chương 19 không ghi nhận một phản ứng tức thời nào của các môn đệ trước những lời nói này. Chúng ta chỉ thấy ý kiến về sau trong các tác phẩm của các Tông đồ, nhất là Phaolô.[21] Điều đó xác nhận những lời nói ấy đã được khắc sâu vào tâm thức của thế hệ thứ nhất của các môn đệ của Đức Kitô, và tiếp tục sinh hoa kết quả không ngừng và dồi dào trong các thế hệ các bậc thầy tâm linh trong Giáo Hội (và có lẽ cả ngoài Giáo hội nữa). Bởi thế, từ quan điểm của thần học – nghĩa là của mạc khải về ý nghĩa của thân xác, một điều hoàn toàn mới so với truyền thống Cựu ước –, đây là những lời tạo nên một bước ngoặt. Phân tích những lời ấy, dẫu ngắn gọn, ta thấy chúng rất chính xác và trọng yếu (chúng ta sẽ còn xem xét chúng khi phân tích bản văn 1Cr 7 của thánh Phaolô). Đức Kitô nói về sự tiết dục “vì” Nước Trời. Như thế Người muốn nhấn mạnh bậc sống ấy, được người ta chọn cách có ý thức trong cuộc sống trần thế này, ở đó vốn bình thường người ta vẫn “cưới vợ lấy chồng”, có một cứu cánh duy nhất có tính siêu nhiên. Nếu không có cứu cánh ấy, sự tiết dục dẫu là một lựa chọn ý thức và được quyết định cá nhân, cũng không phải điều Đức Kitô muốn nói ở trên. Khi nói về những người chọn lựa cách ý thức đời sống độc thân trinh khiết vì Nước Trời, Đức Kitô nêu lên – ít là gián tiếp – chọn lựa ấy trong đời trần thế này kết hợp với sự từ bỏ và với một nỗ lực thiêng liêng nữa.

6. Chính cứu cánh siêu nhiên ấy - ”vì Nước Trời” - nhìn nhận một loạt các lí giải chi tiết hơn mà Đức Kitô trong đoạn văn ấy không liệt kê ra. Nhưng ta có thể khẳng định rằng, qua công thức ngắn gọn Người sử dụng, Người gián tiếp cho thấy tất cả những gì đã được nói đến đề tài này có trong mạc khải Kinh Thánh và Truyền Thống, tất cả những gì đã trở thành là kho tàng tâm linh phong phú của kinh nghiệm Giáo hội, trong đó bậc độc thân trinh khiết vì Nước Trời đã sinh hoa kết quả dồi dào qua bao thế hệ các môn đệ và những người theo Chúa.

LXXV. TƯƠNG QUAN GIỮA BẬC ĐỘC THÂN “VÌ NƯỚC TRỜI” VÀ SỰ PHONG NHIÊU SIÊU NHIÊN CỦA TÂM LINH CON NGƯỜI

(Ngày 24 tháng 3 năm 1982)

1. Chúng ta tiếp tục suy tư về bậc độc thân trinh khiết “vì Nước Trời”.

Sự tiết dục  Nước Trời hẳn là có quan hệ với mạc khải sự kiện là trong Nước Trời “người ta không cưới vợ lấy chồng”.[22] Đó là một dấu chỉ của đặc sủng. Người nam cũng như nữ sống ở đời này, nơi thông thường người ta vẫn “lấy vợ lấy chồng”,[23] mà lại muốn chọn tự do sống tiết dục “vì Nước Trời”, cho thấy trong Nước ấy, tức là ở “đời sau” khi phục sinh, người ta “chẳng còn lấy vợ lấy chồng”,[24] bởi vì Thiên Chúa sẽ là “tất cả trong mọi sự”.[25] Thế nên, những người ấy, dù là nam hay nữ, cho thấy “sự trinh khiết” mang tính cánh chung của con người phục sinh, khi ý nghĩa hợp hôn tuyệt đối và vĩnh cửu của thân xác vinh quang được mạc khải ra trong sự kết hợp với chính Thiên Chúa, nhờ được nhìn thấy Ngài “diện đối diện”; và được tôn vinh nhờ sự kết hợp liên chủ vị hoàn hảo, nối kết mọi “người tham dự vào đời sau”, nam cũng như nữ, vào mầu nhiệm hiệp thông các thánh. Sự tiết dục ở đời này “vì Nước Trời” rõ ràng là một dấu chỉ cho thấy chân lí này và thực tại này. Thân xác ấy chính là dấu chỉ, một thân xác mà đích đến không phải là cái chết nhưng hướng tới được tôn vinh và bởi chính vì thế đã là một chứng từ giữa loài người báo trước sự phục sinh mai sau. Tuy nhiên, dấu chỉ đặc sủng này về “đời sau” bộc lộ sức mạnh và sự năng động đích thật nhất của mầu nhiệm “cứu chuộc thân xác”: một mầu nhiệm bởi Đức Kitô đã được ghi dấu vào trong lịch sử của con người trần gian và nhờ Người cắm rễ sâu vào trong lịch sử này. Như thế, sự tiết dục “vì Nước Trời” trước hết mang dấu ấn họa ảnh theo Đức Kitô, chính Người, trong công trình cứu chuộc, đã làm chọn lựa này “vì Nước Trời”.

2. Hơn nữa, toàn thể đời sống của Đức Kitô, từ khởi đầu, tuy âm thầm kín đáo nhưng rõ ràng tách lìa với những gì Cựu ước trình bày rất sâu sắc về ý nghĩa của thân xác. Đức Kitô – gần như là ngược lại với những mong đợi của toàn thể truyền thống Cựu ước – sinh hạ từ Đức Maria, Mẹ đã nói minh nhiên về bản thân mình trong lúc Truyền tin rằng: “Việc ấy làm sao xảy ra được, vì tôi không biết đến người nam?”,[26] có nghĩa là Mẹ tuyên bố về hoàn cảnh sống đồng trinh của mình. Và dẫu cho Người sinh ra từ Mẹ như mọi con người, vốn là con của một người mẹ, dẫu cho Người đến thế gian này còn với sự có mặt tháp tùng của một người đàn ông, mà trước mặt luật pháp và trước mặt người ta, là chồng của Đức Maria, thế nhưng Mẹ vẫn là một người mẹ đồng trinh. Sự kiện làm mẹ đồng trinh này của Đức Maria tương ứng với mầu nhiệm đồng trinh của thánh Giuse, người đã vâng nghe theo tiếng gọi từ trời cao không ngần ngại “đón Đức Maria về... bởi Đấng được cưu mang sinh ra từ Mẹ là do quyền năng Thánh Thần”.[27] Bởi thế, mặc dù việc Đức Kitô được cưu mang trinh khiết và sinh hạ trong thế gian không được người ta biết đến, mặc dù trước con mắt những người đồng hương quê Nazaret Người được cho là “con bác thợ mộc”[28] (ut putabatur filius Joseph[29]), thế nhưng chính thực tại và sự thật cốt yếu của sự việc Người được cưu mang và sinh hạ như thế đó tự nó khác xa với quan điểm truyền thống Cựu ước vốn ủng hộ hôn nhân cách đặc biệt và coi sự tiết dục là một điều khó hiểu và xã hội chê bỏ. Vậy thì, “tiết dục vì Nước Trời” có thể được hiểu như thế nào, nếu như Đấng Mêsia mà người ta mong đợi phải là “dòng dõi vua Đavít”, tức là theo như người ta nghĩ, phải là con cháu thuộc dòng họ nhà vua “theo xác thịt”? Chỉ Đức Maria và thánh Giuse, những người đã sống mầu nhiệm thụ thai và sinh hạ của Người, mới là những chứng nhân đầu tiên về sự phong nhiêu của Thánh Thần: “người con mà bà cưu mang là bởi quyền năng Chúa Thánh Thần”.[30]

3. Chuyện Đức Giêsu sinh ra đời hẳn là phù hợp với mạc khải về sự “tiết dục vì Nước Trời”, điều mà một ngày kia Đức Kitô sẽ nói với các môn đệ Người. Nhưng sự kiện này lúc bấy giờ vẫn còn ẩn khuất trước con mắt người đời và cả các môn đệ người nữa. Chỉ dần dà với thời gian điều ấy mới được hiển lộ ra trước mắt Hội Thánh dựa trên chứng từ và các bản văn của Tin mừng thánh Matthêu và Luca. Ẩn bên trong cuộc hôn nhân của Đức Maria với thánh Giuse (trong đó Hội Thánh tôn vinh thánh Giuse như là hôn phu của Đức Maria và Đức Maria như là hôn thê của người), là mầu nhiệm hiệp thông trọn hảo các ngôi vị, hiệp thông giữa một người nam và một người nữ trong khế ước hôn nhân, và đồng thời với mầu nhiệm ”tiết dục vì Nước Trời” lạ thường: một sự tiết dục dùng để phục vụ cho sự ”phong nhiêu của Thánh Thần” hoàn hảo hơn, trong lịch sử cứu độ. Đúng hơn, sự phong nhiêu của Thánh Thần, theo một nghĩa nào đó, là sự viên mãn tuyệt đối của sự phong nhiêu thiêng liêng, bởi vì chính trong hoàn cảnh xã hội Nazaret bấy giờ của giao ước hôn nhân và sự trinh khiết của Đức Maria và thánh Giuse mà mầu nhiệm nhập thể của Ngôi Lời Vĩnh Cửu được thực hiện: Con Thiên Chúa, vốn đồng bản thể với Chúa Cha, được thụ thai và sinh hạ làm người bởi Đức Trinh Nữ Maria. Mầu nhiệm ân sủng ngôi hiệp kết hợp với chính sự phong nhiêu siêu nhiên tuyệt đối viên mãn, là sự phong nhiêu của Chúa Thánh Thần, một sự phong nhiêu lại được một con người thụ tạo, là Đức Maria, dự phần vào trên phương diện “tiết dục vì Nước Trời”. Việc Đức Maria làm Mẹ Thiên Chúa, theo nghĩa nào đó, cũng mạc khải đầy tràn sự phong nhiêu trong Thánh Thần; sự phong nhiêu ấy tuôn tràn xuống tinh thần con người, khi con người tự nguyện chọn sống tiết dục “nơi thân xác”, tiết dục “vì Nước Trời”.

4. Hình ảnh ấy đã dần được hiển lộ ra và được Hội Thánh biết đến trong các thế hệ những chứng nhân đức tin[31] mỗi ngày một mới mẻ, khi các ngài xác tín – cùng với Phúc âm thời thơ ấu – ngày một chắc chắn hơn vào mẫu tính thần linh của Đức Trinh Nữ, vì Mẹ đã cưu mang Con Một Chúa bởi phép Chúa Thánh Thần. Dù chỉ có tính cách gián tiếp – nhưng rất nền tảng và cốt yếu – xác tín đó đã giúp ta hiểu, một đàng, về sự thánh thiện của hôn nhân, và đàng khác, về sự vô cầu vì viễn ảnh “của Nước Trời”, điều mà Đức Kitô đã nói với các môn đệ. Tuy nhiên, khi Người nói với họ về điều ấy lần đầu tiên (như tác giả sách Tin mừng theo thánh Matthêu trong chương 19,10-12 đã xác nhận), mầu nhiệm cao cả về chính sự thụ thai và sinh hạ của Người, họ hoàn toàn không biết đến, họ bị che khuất cũng giống như mọi người thính giả đang đối chất với Người, Giêsu Nazaret. Khi Đức Kitô nói về những người “tự ý không kết hôn vì Nước Trời”,[32] các môn đệ chỉ có thể hiểu điều ấy dựa trên bản thân người mẫu là chính Người. Một cuộc sống độc thân trinh khiết như thế phải được khắc ghi vào tâm thức của họ như một phác thảo đặc thù họa lại Đức Kitô, chính Người đã sống độc thân như thế “vì Nước Trời”. Sự xa lìa truyền thống Cựu ước vốn là tôn giáo coi trọng hôn nhân và sự phong nhiêu “thể lí” thể hiện qua sinh sản, trước hết phải chính từ Đức Kitô thực hiện làm mẫu. Chỉ từ từ từng bước theo thời gian người ta mới ý thức được ngày càng sâu rằng vì “Nước Trời” sự phong nhiêu thiêng liêng và siêu nhiên, vốn xuất phát từ Thánh Thần (Thần Khí Chúa), có một ý nghĩa đặc biệt, và sự phong nhiêu ấy, theo một nghĩa riêng và trong các trường hợp nhất định, được phục vụ bởi chính cuộc sống tiết dục, và đây chính là sự tiết dục “vì Nước Trời”.

Hầu như tất cả những yếu tố thuộc ý thức tin mừng này (tức là chính ý thức của Giao ước Mới trong Đức Kitô) liên hệ đến sự tiết dục, chúng ta sẽ gặp lại trong các thư của thánh Phaolô. Chúng ta sẽ cho thấy điều đó lúc thuận tiện.

Tóm lại, chúng ta có thể nói rằng đề tài chính của suy tư hiện tại này chính là mối tương quan giữa bậc sống tiết dục “vì Nước Trời” mà Đức Kitô đã tuyên bố và sự phong nhiêu siêu nhiên của tinh thần con người, sự phong nhiêu ấy vốn xuất phát từ Thánh Thần.

LXXVI. ĐỜI HÔN NHÂN VÀ KHIẾT TỊNH SOI SÁNG LẪN CHO NHAU

(Ngày 31 tháng 3 năm 1982)

1. Chúng ta tiếp tục suy tư về đề tài độc thân trinh khiết vì Nước Trời, dựa trên bản văn Tin mừng theo thánh Matthêu.[33]

Khi nói về sự tiết dục vì Nước Trời và đặt nó trên cơ sở là chính mẫu gương cuộc sống của Người, Đức Kitô chắc hẳn đã ước muốn các môn đệ Người hiểu tiết dục trước hết là vì “Nước Trời”, điều mà Người đã đến để loan báo và nhờ đó Người đã chỉ cho thấy những con đường ngay chính. Sự tiết dục mà Người nói đến chính là một trong những con đường ấy, và như toát ra từ bối cảnh của Tin mừng thánh Matthêu, đó là một con đường đặc biệt hợp pháp và ưu việt. Quả thật, xem trọng đời độc thân trinh khiết “vì Nước Trời” hơn là một điều hoàn toàn mới mẻ so với truyền thống của Cựu ước, và có một ý nghĩa nhất định đối với đạo đức lẫn đối với thần học về thân xác.

2. Đức Kitô trong khi loan báo sứ điệp Người nhấn mạnh trước hết đến cứu cánh của sự tiết dục. Người nói lối sống khiết tịnh mà chính Người sống như làm mẫu mực không những hiện hữu mà còn có thể hiện thực, và nhất là nó đặc biệt có giá trị và quan trọng “vì Nước Trời”. Nó hợp pháp và quan trọng như thế là vì chính Đức Kitô đã chọn bậc sống ấy bởi tự nó. Và nếu như nó hợp pháp và quan trọng như thế, thì bậc độc thân khiết tịnh vì Nước Trời phải mang một giá trị riêng. Như chúng ta đã nhắc đến trước đây, Đức Kitô đã không đối diện với vấn đề ở trên cùng một bình diện và một lối lí luận của các môn đệ khi họ nói: “Nếu phận làm chồng mà phải như thế... thì thà đừng lấy vợ còn hơn”.[34] Hậu cảnh những lời họ nói ẩn chứa một thứ chủ nghĩa duy lợi nào đó. Trái lại, Đức Kitô qua câu trả lời gián tiếp Người đã cho thấy rằng, một đàng nếu hôn nhân trung thành với định chế nguyên thủy của Đấng Tạo Hóa (chúng ta nhớ là khi bàn về chuyện này Đức Giêsu đã nại đến “thuở ban đầu”) thì hoàn toàn phù hợp và có giá trị vì Nước Trời, là một giá trị nền tảng, phổ quát và thông thường, thì đàng khác độc thân khiết tịnh vì Nước Trời có một giá trị đặc thù và “khác thường”. Dĩ nhiên, sự tiết dục đó là một lựa chọn có ý thức bởi những lí do siêu nhiên.

3. Nếu trong phát biểu của mình Đức Kitô đề cao, trước hết, cứu cánh siêu nhiên của bậc sống khiết tịnh ấy, thì đó không chỉ với ý nghĩa khách quan mà rõ ràng còn theo nghĩa chủ quan. Như thế có nghĩa là, Người cho thấy cần có một động lực vừa phù hợp vừa đầy đủ tương ứng với cứu cánh khách quan diễn tả bởi thành ngữ “vì Nước Trời”. Để thực hiện cùng đích ấy – nghĩa là để khám phá lại nơi bậc sống khiết tịnh ấy tính phong nhiêu thiêng liêng đặc thù trào xuất từ Chúa Thánh Thần – cần yêu mến và chọn bậc sống đó nhờ một đức tin sâu sắc, vốn không những biểu lộ Nước Thiên Chúa trong tình trạng thành tựu mai sau của nó, mà còn đặc biệt giúp ta có thể gắn chặt mình với chân lí và thực tại Nước ấy, một Nước như đã được Đức Kitô mạc khải trong Tin mừng của Người và nhất là với gương mẫu đời sống và hành động của chính Người. Vì thế, người ta nói, đời sống tiết dục “vì Nước Trời” - như là một dấu chỉ của “đời sau” - hàm ẩn trước hết tự bên trong mầu nhiệm thân xác được cứu chuộc,[35] và theo nghĩa này, cách riêng nó có đặc tính giống như cuộc đời Đức Kitô. Ai có ý thức chọn lựa đời sống trinh khiết ấy, theo một nghĩa nào đó, là đã chọn tham dự cách đặc biệt vào mầu nhiệm (thân xác được) cứu chuộc; người ấy muốn thực hiện điều đó cách đặc biệt, có thể nói là, nơi chính thân xác mình,[36] đồng thời cũng tìm thấy ở đó dấu ấn họa ảnh của Đức Kitô.

4. Tất cả những điều này muốn nói đến động cơ của sự chọn lựa (hay đúng hơn muốn nói đến cứu cánh của nó theo nghĩa chủ quan): khi chọn sống khiết tịnh vì Nước Trời, con người “phải” để mình được hướng dẫn bởi chính động lực ấy. Về việc này, Đức Kitô không nói đó là điều buộc phải làm (vấn đề không phải là một nghĩa vụ phải làm xuất phát từ một giới răn). Thế nhưng, chắc chắn những lời lẽ xúc tích Người đã nói về bậc sống tiết dục tự nguyện “vì Nước Trời” trên đây đã nhấn mạnh quyết liệt đến chính động lực bên trong của chọn lựa ấy. Những lời ấy nêu bật động lực “vì Nước Trời” (nói lên cứu cánh mà chủ thể ý thức) cả trong phần thứ nhất của toàn cảnh cuộc phát biểu, lẫn trong phần thứ hai, đồng thời cho thấy vấn đề ở đây là một chọn lựa đặc biệt: chọn một ơn gọi ngoại thường, hơn là ơn gọi chung và thông thường. Khởi đầu, trong phần thứ nhất của phát biểu Đức Kitô nói đến một sự hiểu biết (“không phải ai cũng hiểu được câu nói ấy, nhưng chỉ những ai được cho hiểu thì mới hiểu”)[37]; ở đây vấn đề không phải là một sự “hiểu biết” trừu tượng chung chung, mà đúng hơn đó là một sự hiểu biết có tác động lên quyết định, chọn lựa cá nhân, trong đó “ơn” Chúa, hay là ân sủng, phải có âm vang thích hợp trong ý chí hay ước muốn của con người. Sự ”hiểu biết” đó có liên hệ đến động lực. Tiếp đến, động lực tác động lên chọn lựa sống khiết tịnh, được chấp nhận sau khi đã hiểu ý nghĩa “vì Nước Trời” là gì. Trong phần thứ hai của phát biểu Đức Kitô tuyên bố con người “tự nguyện” không kết hôn khi chọn sống khiết tịnh vì Nước Trời và làm bậc sống ấy trở thành hoàn cảnh sống căn bản hoặc là hoàn cảnh của toàn thể cuộc sống trần gian của mình. Trong một quyết định kiên vững như thế phải có một động lực siêu nhiên, từ đó đã nảy sinh chính quyết định. Động lực ấy tồn tại, và đồng thời đổi mới, liên tục.

5. Trên đây chúng ta đã chú ý đến ý nghĩa đặc thù của lời khẳng định sau cùng này. Nếu như trong trường hợp trích dẫn trên đây, Đức Kitô nói đến sự tự nguyện tiết dục, Người không chỉ nêu lên sức nặng đặc biệt của quyết định này, vốn được lí giải bằng một động lực phát xuất từ một đức tin sâu xa, nhưng còn không hề cố che dấu đi nỗi khó nhọc của quyết định ấy cùng những hệ quả dai dẳng của nó, đối với những khuynh hướng bình thường (nhưng cao quí) của bản tính con người.

Khi nhắc đến “thuở ban đầu” của tạo dựng hôn nhân chúng ta khám phá ra nét đẹp nguyên thủy của ơn gọi của con người, của người nam và của người nữ. Ơn gọi xuất phát từ Thiên Chúa và tương ứng với cấu trúc lưỡng tính của con người, ơn gọi cũng bao hàm tiếng gọi hướng tới sự “hiệp thông liên vị”. Khi rao giảng bậc sống khiết tịnh vì Nước Thiên Chúa, Đức Kitô không những loan báo một điều ngược với truyền thống Cựu ước, theo đó hôn nhân và sinh sản vốn là một đặc ân về tôn giáo, nhưng theo nghĩa nào đó, Người còn đi ngược lại với “thuở ban đầu” mà Người đã nhắc tới, và có lẽ vì thế Người đã triệt tiêu chính những lời của mình bằng một “luật thông hiểu” đặc biệt, mà ta đã nhắc tới ở trên đây. Khi phân tích cái “thuở ban đầu” (nhất là từ bản văn Yahvit) ta đã thấy rằng, quả thật, dẫu có thể quan niệm con người đơn độc trước mặt Thiên Chúa, nhưng chính Thiên Chúa đã lôi con người ra khỏi tình trạng “cô đơn” này khi Ngài nói: “Con người ở một mình thì không tốt, Ta sẽ làm cho nó một trợ tá tương xứng với nó”.[38]

6. Như thế, cấu trúc nhân tính với lưỡng giới nam-nữ và sự hiệp nhất lưỡng giới dựa trên cơ sở ấy, “từ thuở ban đầu”, tức là từ chính nền tảng chiều sâu hữu thể, vẫn là công trình của Thiên Chúa. Và Đức Kitô, khi nói về đời khiết tịnh “vì Nước Trời”, Người cũng vẫn nhìn thấy thực tại này trước mắt mình. Không phải không có lí Người nói điều ấy (theo Matthêu) trong bối cảnh trực tiếp hơn, bối cảnh trong đó Người nại tới chính “thuở ban đầu”, nghĩa là khởi nguyên thần linh của hôn nhân trong tạo thành chính con người.

Trên cơ sở những lời của Đức Kitô người ta có thể khẳng định rằng không những hôn nhân giúp chúng ta hiểu bậc trinh khiết vì Nước Trời, mà chính bậc trinh khiết còn soi sáng cách đặc biệt trên hôn nhân trong viễn tượng mầu nhiệm tạo dựng và cứu chuộc.

LXXVII. “QUÍ TRỌNG” BẬC SỐNG ĐỘC THÂN KHIẾT TỊNH HƠN KHÔNG CÓ NGHĨA LÀ XEM THƯỜNG ĐỜI SỐNG HÔN NHÂN

(Ngày 7 tháng 4 năm 1982)

[...]

1. Hướng nhìn về Đức Kitô Đấng Cứu Thế, giờ đây chúng ta tiếp tục suy tư về sự độc thân trinh khiết “vì Nước Trời”, theo lời của Đức Kitô được kể lại trong Tin mừng thánh Matthêu.[39]

Khi loan báo đời khiết tịnh “vì Nước Trời”, Đức Kitô chấp nhận trọn vẹn tất cả những gì từ thuở ban đầu đã được Đấng Tạo Thành thực hiện và thiết lập. Bởi thế, một đàng, đời sống khiết tịnh phải cho thấy rằng con người trong cấu trúc thâm sâu nhất của mình không những là “lưỡng giới”, nhưng còn “đơn độc” (trong tình trạng lưỡng tính này) trước mặt Thiên Chúa, và với Thiên Chúa. Thế nhưng, đàng khác, trong ơn gọi khiết tịnh vì Nước Trời, lời mời gọi hướng tới sống đơn thân vì Chúa tôn trọng đồng thời, ”nhân tính lưỡng giới” (tức là nam tính và nữ tính của nó), và cả chiều kích hiệp thông của cuộc sống vốn là cái thuộc về riêng ngôi vị. Nói theo kiểu của Đức Kitô thì, những ai “hiểu” đúng tiếng gọi hướng đến bậc sống khiết tịnh “vì Nước Trời”, thì đi theo tiếng gọi ấy, và như thế gìn giữ sự thật nguyên vẹn của nhân tính mình, chứ không đánh mất trong cuộc hành trình bất cứ một yếu tố cốt yếu nào của ơn gọi làm người vốn được tạo dựng “theo hình ảnh và theo họa ảnh của Thiên Chúa”. Điều này là quan trọng bởi chính lí tưởng hay nói cho đúng hơn, bởi chính lí tưởng tiết dục, nghĩa là bởi nội dung khách quan của nó xuất hiện trong giáo huấn của Đức Kitô như một điều tuyệt đối mới mẻ. Điều quan trọng không kém là sự thực hiện lí tưởng này, tức là một người lấy quyết định cụ thể sống đời độc thân trinh khiết vì Nước Trời (người “tự ý yêm hoạn” vì Nước Trời, nếu dùng từ của Đức Kitô), hoàn toàn trung thực trong động cơ theo đuổi của mình.

2. Từ văn mạch của Tin mừng thánh Matthêu[40] ta thấy khá rõ rằng vấn đề ở đây không phải là hạ thấp giá trị của hôn nhân để đề cao bậc khiết tịnh mà cũng không phải làm lu mờ đi một giá trị này bằng cách làm tỏa sáng một giá trị khác. Ngược lại, vấn đề là, với ý thức đầy đủ người ta “đi ra” khỏi những gì mà trong con người (theo như ý muốn của chính Đấng Tạo Hóa đã định) dẫn ta đến với hôn nhân để đi đến với đời khiết tịnh, khi ấy tỏ hiện trước mắt một con người cụ thể, dù là nam hay là nữ, như một lời mời gọi và một ơn riêng với ý nghĩa đặc biệt: “vì Nước Trời”. Những lời lẽ của Đức Kitô[41] bắt đầu từ hoàn cảnh hết sức thực tế của con người và từ chính thực tế đó dẫn đưa người ấy đi ra hướng tới ơn gọi đặc biệt này; một cách mới mẻ con người có thể khám phá ra, dù do bản tính tự nhiên con người vẫn mang đặc tính “đôi lứa” (nghĩa là, là nam thì hướng đến người nữ, là nữ thì hướng đến người nam), trong tình trạng đơn độc của mình (vốn luôn là một chiều kích ngôi vị với tương giao lưỡng giới của mỗi người), một hình thức hiệp thông liên chủ vị với tha nhân không những mới mẻ mà còn viên mãn hơn. Định hướng ơn gọi này giải thích cách rõ ràng diễn ngữ “vì Nước Trời”. Quả thật, sự thực hiện Nước Trời này phải cùng trong hướng phát triển đích thật của hình ảnh và họa ảnh của Thiên Chúa, theo nghĩa là “hiệp thông” của Ba Ngôi chí thánh. Khi chọn lựa đời khiết tịnh vì Nước Trời, con người ý thức mình có thể thực hiện chính mình “một cách khác biệt” và, theo một nghĩa nào đó, “còn hơn cả đời hôn nhân”, bằng cách trở nên “tặng phẩm tự hiến chân thành cho tha nhân”.[42]

3. Qua những lời trong Tin mừng Matthêu[43] Đức Kitô cho ta hiểu rõ ràng rằng “ra đi” để đến với đời khiết tịnh vì Nước Trời gắn liền với sự khước từ tự nguyện đời hôn nhân, nghĩa là từ chối bậc sống trong đó người nam và người nữ (theo ý nghĩa kết hợp mà Đấng Tạo Hóa đã ban cho từ “thuở ban đầu”) tự hiến cho nhau nhờ nam tính và nữ tính của họ và nhờ cả việc hợp hôn trên thân xác. Đời khiết tịnh có nghĩa là khước từ cách ý thức và tự nguyện sự hợp hôn ấy và tất cả những gì gắn liền với việc ấy trong chiều kích rộng lớn của sự sống và đời sống chung của con người. Những ai khước từ đời hôn nhân thì cũng khước từ việc sinh con cái, xét như là nền tảng của cộng đồng gia đình vốn được làm nên bởi cha mẹ và con cái. Những lời của Đức Kitô mà chúng ta đang nói đến hẳn đã chỉ ra tất cả phạm trù của sự từ khước này, dẫu chúng không dừng lại ở những điểm đặc thù. Và cách thức theo đó những lời này được công bố cho ta nghĩ rằng Đức Kitô đã hiểu tầm quan trọng của sự khước từ ấy, và Người hiểu điều đó không chỉ đối với những quan điểm hiện hành của xã hội Do thái thời bấy giờ về chủ đề ấy. Người còn hiểu tầm quan trọng của sự từ khước này trong tương quan với phúc lộc mà hôn nhân và gia đình tạo nên bởi định chế thần linh. Bởi thế, qua cách thức loan báo những lời lẽ đó Người cho ta hiểu rằng chấp nhận đi ra khỏi vòng luân chuyển những lợi lộc mà chính Người gọi là “vì Nước Trời”, một cách nào đó chính là sự hiến tế bản thân mình. Sự xuất hành đó cũng là khởi đầu cho một chuỗi những từ khước tiếp theo và những hi tế tự nguyện hết sức cần thiết, nếu chọn lựa đầu tiên và nền tảng phải chi phối toàn thể cuộc sống trần gian; và chỉ nhờ mạch nối ấy, tự bên trong chọn lựa kia mới hợp lí và không mâu thuẫn.

4. Như thế, trong ơn gọi sống khiết tịnh như Đức Kitô đã loan báo – một cách rất súc tích và hết sức chính xác – ta thấy phác họa ra nét chân dung và năng động của mầu nhiệm cứu chuộc, như đã nói trước đây. Đó chính là chân dung trong đó Đức Giêsu đã loan báo trong diễn từ trên núi sự cần thiết phải cảnh tỉnh trước dục vọng của thân xác, trước dục tình do “cái nhìn” gây nên vốn có thể đã thành tội “ngoại tình trong lòng”. Đàng sau những lời của Matthêu ở chương 19[44] cũng như ở chương 5,[45] lộ ra cả một khoa nhân học và đạo đức học. Trong lời mời gọi tự nguyện sống khiết tịnh vì Nước Trời, những viễn tượng của đạo lí này được mở rộng: trong tầm nhìn của những lời loan báo trong diễn từ trên núi có cả một khoa nhân học về con người “lịch sử”; trong tầm nhìn của những lời loan báo về đời khiết tịnh tự nguyện, vẫn chủ yếu là nhân học ấy nhưng lại được chiếu sáng bởi viễn tượng “Nước Trời”, hay nói rõ hơn, bởi khoa nhân học tương lai về sự phục sinh. Tuy nhiên, trên hành trình của đời sống khiết tịnh tự nguyện trong cuộc sống trần thế này, nhân học phục sinh không thay thế nhân học của con người “lịch sử”. Chính con người này (con người “lịch sử” vẫn còn mang di sản của các dục vọng, di sản của tội lỗi và đồng thời cả di sản của ơn cứu chuộc) phải quyết định về đời sống khiết tịnh “vì Nước Trời”. Con người ấy phải thực thi quyết định này bằng cách để cho bản tính nhân loại tội lỗi của mình phục tùng trước các sức mạnh tuôn trào từ mầu nhiệm cứu chuộc thân xác. Người ấy phải làm thế giống như mọi con người khác, những người vốn không có quyết định giống như vậy nhưng ở lại trong hành trình đời hôn nhân. Điều khác nhau chỉ là ở loại trách nhiệm đối với điều thiện hảo mình lựa chọn, cũng như khác nhau ở chính loại thiện hảo mình lựa chọn.

5. Có chăng Đức Kitô trong lời phát biểu của mình đã nêu bật giá trị ưu tiên của đời khiết tịnh vì Nước Trời trên đời hôn nhân? Chắc chắn Người có nói rằng đó là một ơn gọi “ngoại lệ”, hay “ngoại thường”. Hơn nữa, Người còn khẳng định bậc sống ấy là đặc biệt quan trọng, và cần thiết cho Nước Trời. Nếu ta hiểu có sự ưu việt hơn hôn nhân ở đây, thì phải chấp nhận rằng Đức Kitô có ý hàm ẩn thôi; Người đã không diễn tả nó ra cách trực tiếp. Chỉ có thánh Phaolô mới là người nói ai chọn đời hôn nhân thì đã làm một “điều tốt”, và, ai sẵn sàng tự ý chọn sống đời độc thân khiết tịnh, thì ngài nói, kẻ ấy đã làm điều “tốt hơn”.[46]

6. Đó cũng là ý kiến của toàn thể Truyền Thống, cả về phương diện giáo thuyết lẫn mục vụ. Nhưng trong Truyền Thống đích thật của Hội Thánh, sự “ưu việt” của đời khiết tịnh trên đời hôn nhân không hề có nghĩa coi thường đời hôn nhân hay làm suy giảm đi giá trị cốt yếu của nó. Cái nhìn này không hề ngả về, dẫu chỉ ngấm ngầm, quan điểm của phái Manikê, hoặc ủng hộ những cách thức định giá hay hoạt động làm nền tảng cho một cách hiểu về thân xác và giới tính, về hôn nhân và sinh sản theo kiểu Manikê. Việc Tin mừng và Kitô giáo đích thực quí trọng bậc độc thân khiết tịnh hơn là một hệ lụy của lí do là vì Nước Trời. Trong những lời của Đức Kitô trong đoạn Matthêu,[47] chúng ta thấy một nền tảng chắc chắn để chỉ chấp nhận một thái độ ưu tiên như thế; ngoài ra chúng ta không thấy một cơ sở nào để có thể cho là quan điểm nhìn nhận tính ưu việt của khiết tịnh ở trên tỏ lộ một sự khinh chê đời hôn nhân.

Chúng ta sẽ còn quay lại vấn đề này trong suy tư lần tới.

LXXVIII. ĐỜI HÔN NHÂN VÀ ĐỘC THÂN VÌ NƯỚC TRỜI BỔ TÚC CHO NHAU

(Ngày 14 tháng 4 năm 1982)

[...]

1. Chúng ta tiếp tục suy tư về những lời Đức Kitô nói với các môn đệ Người về đời sống khiết tịnh “vì Nước Trời”, theo Tin mừng Matthêu.[48]

Một lần nữa chúng ta công nhận rằng những lời lẽ cô đọng này hết sức phong phú và chính xác, hàm chứa nhiều hệ luận cả về mặt học thuyết lẫn mục vụ, đồng thời chúng chỉ ra một biên giới đúng đắn cho vấn đề này. Như thế có nghĩa là mọi lối giải thích theo xu hướng Manikê đều chắc chắn nằm ngoài biên giới này, và theo những lời Đức Kitô nói trong bài giảng trên núi, dục vọng tà dâm “trong lòng” cũng ở ngoài biên giới ấy.[49]

Trong những lời Đức Kitô nói về sự khiết tịnh “vì Nước Trời” không có một ám chỉ nào về việc hôn nhân “thấp kém hơn” vì liên quan đến “thân xác”, hay liên quan đến yếu tính của hôn nhân, hệ tại nơi sự kết hợp của người nam và người nữ nên “một xương một thịt”.[50] Những lời của Đức Kitô trong Mt 19,11-12 (cũng như những lời của Phaolô trong Thư thứ nhất gởi tín hữu Côrintô, ch.7) không là lí do ủng hộ cho quan điểm xem hôn nhân “thấp kém hơn” hay đời độc thân khiết tịnh “cao quí hơn”, vì nói đến sự kiêng khem “kết hợp” vợ chồng “nơi thân xác”. Những lời của Đức Kitô về việc này là hết sức rõ ràng. Người đề nghị với các môn đệ lí tưởng sống khiết tịnh và mời gọi họ sống theo đó, không phải vì Người có định kiến và coi việc kết hợp vợ chồng nơi thân xác là chuyện hèn hạ, nhưng chỉ “vì Nước Trời”.

2. Dưới ánh sáng đó, sẽ rất hữu ích nếu chính diễn ngữ “vì Nước Trời” được đào sâu để hiểu cho rõ ràng hơn; và sau đây chúng ta sẽ cố làm điều đó, ít nhất một cách tóm lược. Tuy nhiên, để hiểu cho đúng mối quan hệ giữa hôn nhân và độc thân khiết tịnh mà Đức Kitô nói tới, và như toàn thể truyền thống đã hiểu, cần phải nói thêm rằng sự kiện được cho là đời sống này ”cao quí hơn” hay ”thấp kém hơn” đời sống kia nằm trong giới hạn của sự bổ túc cho nhau giữa đời hôn nhân và độc thân khiết tịnh vì Nước Trời. Hôn nhân và khiết tịnh tự chúng không trái nghịch nhau cũng không chia rẽ cộng đồng nhân loại (và kitô hữu) thành hai nhóm (như thể, một nhóm gồm “những người hoàn hảo” bởi lối sống tiết dục và nhóm kia gồm “những người bất toàn” hay kém hoàn hảo hơn do thực tế đời sống vợ chồng). Nhưng hai hoàn cảnh sống cơ bản này, hay như người ta vẫn quen nói, hai “bậc sống” này, theo một nghĩa nào đó bổ túc và soi sáng ý nghĩa cho nhau, về hiện hữu và đời sống (kitô hữu) của cộng đồng này (Cộng đồng tự thể hiện trong toàn thể và trong tất cả các thành viên của nó trong chiều kích nước Thiên Chúa và có một định hướng cánh chung thuộc riêng của nước ấy). Như thế, về chiều kích này và định hướng này (điều mà toàn thể cộng đồng, nghĩa là mọi người thuộc về cộng đồng ấy, phải tham dự trong đức tin) đời khiết tịnh “vì Nước Trời” có một tầm quan trọng đặc biệt và một sức ảnh hưởng đặc biệt đối với những người sống đời hôn nhân. Mà, ai cũng biết, những người sống đời hôn nhân lại là đa số.

3. Sự bổ túc được hiểu như thế xem ra có cơ sở ở trong lời của Đức Kitô theo Mt 19,11-12 (và cả trong Thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô, ch.7). Nhưng cách hiểu cho là hai bậc sống ấy đối nghịch (cho những người nam hay nữ sống độc thân khiết tịnh tạo thành một tầng lớp “những con người hoàn hảo”, và những người kết hôn làm thành một tầng lớp “những con người bất toàn” hay “kém hoàn hảo hơn”) thì không có một chút cơ sở nào. Theo một truyền thống thần học nào đó, nếu như người ta có nói tới bậc sống hoàn hảo (status perfectionis), nói thế không phải bởi vì tiết dục là lí do của sự hoàn hảo, nhưng liên quan đến toàn thể đời sống dựa trên các lời khuyên phúc âm (nghèo khó, khiết tịnh và vâng phục), vì bậc sống ấy là lời đáp ứng với tiếng gọi của Đức Kitô hướng đến sự hoàn hảo (“Nếu anh em muốn nên hoàn hảo...”[51]). Sự hoàn hảo của đời sống kitô hữu, thật ra, được đo bởi thước đo đức bác ái. Cho nên, một người sống trong “bậc hoàn hảo” (nghĩa là sống trong một tổ chức thiết lập chương trình sống của mình dựa trên các lời khấn nghèo khó, khiết tịnh và vâng phục), mà không sống trong một dòng tu, nhưng sống trong “thế gian”, thực sự có thể đạt đến một mức độ hoàn hảo cao hơn (thước đo là đức ái) người sống trong “bậc hoàn hảo” mà ít sống đức ái. Tuy nhiên, các lời khuyên phúc âm chắc chắn giúp ta đạt đến một đức ái tròn đầy hơn. Do đó, ai đạt đến đức ái viên mãn ấy, dẫu không sống trong một tu hội thể chế hóa “bậc hoàn hảo”, thì cũng đạt đến sự hoàn hảo do đức ái ấy mang lại, nhờ trung thành sống tinh thần các lời khuyên phúc âm. Ai cũng có thể đạt đến sự hoàn hảo ấy, dù sống trong một “dòng tu “ hay sống giữa “thế gian”.

4. Vì thế, những lời của Đức Kitô nói trong Tin mừng Matthêu[52] xem ra tương thích với việc ta hiểu về sự bổ túc của đời hôn nhân và đời độc thân khiết tịnh “vì Nước Trời” về ý nghĩa và về các tầm mức của chúng. Trong đời sống của cộng đoàn kitô hữu đích thực, những thái độ sống và những giá trị riêng của bậc sống này và bậc sống kia (nghĩa là chọn lựa thực sự và có ý thức như một ơn gọi cho toàn thể cuộc đời trần gian này và hướng tới viễn ảnh “Giáo hội thiên quốc”) bổ túc cho nhau và theo một nghĩa nào đó xâm nhập vào nhau. Tình yêu hôn phối hoàn hảo phải có đặc tính trung thành và trao hiến cho người phối ngẫu duy nhất, đó cũng là cơ sở của lời khấn tu trì và độc thân linh mục. Xét cho cùng, bản chất của cả hai loại tình yêu này đều có đặc tính “hôn phối”, nghĩa là được diễn tả qua sự hoàn toàn tự hiến. Cả hai tình yêu này đều hướng tới diễn tả ý nghĩa hợp hôn của thân xác, đây là điều đã được ghi dấu “từ thuở ban đầu” trong cấu trúc ngã vị của người nam và người nữ.

Chúng ta sẽ quay lại luận cứ này sau.

5. Đàng khác, tình yêu hôn phối được diễn tả qua đời sống độc thân khiết tịnh “vì Nước Trời”, phải triển nở trong qui luật của mình sao cho đạt tới “phụ tính” hay “mẫu tính” thiêng liêng (hay đúng hơn đạt tới được “sự phong nhiêu của Thánh Thần”, điều chúng ta đã từng nói tới), tương tự như tình yêu vợ chồng chín muồi thì đạt tới mức được làm cha làm mẹ thể lí và trong chức trách đó đôi bạn xác nhận tình yêu hôn phối thực sự nghĩa là gì. Về phần mình, việc cha mẹ sinh con chỉ có ý nghĩa đầy đủ khi được bổ túc bởi phụ tính và mẫu tính thiêng liêng, vốn được biểu lộ qua và là hoa quả của toàn thể công trình giáo dục của cha mẹ đối với con cái sinh ra do sự kết hợp hôn phối qua thân xác của họ.

Như chúng ta thấy, có rất nhiều phương diện và lãnh vực hai ơn gọi (theo nghĩa của Tin mừng) này bổ túc cho nhau, ơn gọi của “những người lấy vợ lấy chồng”[53] và ơn gọi của những người ý thức và tự nguyện chọn đời độc thân khiết tịnh “vì Nước Trời”.[54]

Trong Thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô (mà chúng ta sẽ phân tích sau đây trong khi khảo cứu), thánh Phaolô sẽ viết về đề tài sau đây: “Mỗi người được Thiên Chúa ban cho đặc sủng riêng, kẻ thế này, người thế khác”.[55]

LXXIX. ĐỘC THÂN KHIẾT TỊNH: LỜI TỪ KHƯỚC VÌ TÌNH YÊU

(Ngày 21 tháng 4 năm 1982)

1. Chúng ta tiếp tục suy tư những lời của Đức Kitô nói về sự khiết tịnh “vì Nước Trời”.

Không thể hiểu một cách đầy đủ ý nghĩa và đặc tính của đời sống độc thân khiết tịnh, nếu như diễn ngữ “vì Nước Trời”[56] trong phát biểu của Đức Kitô chưa được bổ túc cho đầy đủ bằng một nội dung thích hợp, cụ thể và khách quan. Chúng ta đã nói trước đây rằng diễn ngữ ấy diễn tả lí do, hay theo một nghĩa nào đó, nhấn mạnh cái cùng đích chủ quan của lời mời gọi sống khiết tịnh từ Đức Kitô. Tuy nhiên, diễn ngữ ấy tự nó có tính khách quan, thực ra nó chỉ đến một thực tại khách quan, bởi đó mà có những con người, là nam hay nữ, có thể tự ý muốn “yêm hoạn” (theo kiểu nói của Đức Kitô). Trong lời phát biểu của Đức Kitô theo Matthêu,[57] thực tại “Nước Trời” được xác định một cách vừa chính xác vừa tổng quát, nghĩa là người ta có thể hiểu tất cả các xác quyết và những ý nghĩa riêng của thực tại ấy.

2. “Nước Trời” có nghĩa là “Nước Thiên Chúa”, Nước mà Đức Kitô đã rao giảng trong sứ vụ sau cùng của Người, tức là sứ vụ cánh chung. Đức Kitô rao giảng Nước ấy trong khi thực hiện hay thiết lập nó cách lâm thời, đồng thời tiên báo sự hoàn tất cánh chung của Nước ấy. Thiết lập lâm thời Nước Thiên Chúa đồng thời có nghĩa là khai mạc Nước ấy và chuẩn bị cho sự hoàn tất sau cùng. Đức Kitô kêu gọi và theo nghĩa nào đó, Người mời gọi tất cả mọi người đi vào Nước ấy (x. dụ ngôn Tiệc cưới)[58]. Nếu Người kêu gọi một số người sống độc thân khiết tịnh “vì Nước Trời”, từ nội dung của diễn ngữ ấy ta thấy rằng Người gọi riêng họ tham dự vào công cuộc thiết lập Nước Thiên Chúa trên trần gian, nhờ đó mà giai đoạn sau cùng của “Nước Trời” được khởi sự và chuẩn bị.

3. Theo nghĩa đó chúng ta đã nói rằng ơn gọi ấy mang một dấu chỉ đặc biệt của mầu nhiệm cứu chuộc thân xác. Như vậy, khi chọn đời sống khiết tịnh vì Nước Thiên Chúa, như chúng ta đã nói, là người ta minh nhiên từ bỏ chính bản thân, mang lấy thập giá mình hằng ngày và bước theo Đức Kitô,[59] điều đó hàm nghĩa là có thể đi đến mức chối từ có một cuộc sống hôn nhân và gia đình riêng tư cho chính mình. Tất cả xuất phát từ niềm tin rằng bằng cách đó người ta có thể góp phần chính yếu cho việc thực hiện Nước Thiên Chúa ở trần gian hướng tới viễn tượng hoàn tất cánh chung. Trong đoạn Tin mừng Matthêu[60] Đức Kitô nói cách chung rằng tự nguyện từ khước hôn nhân nhằm mục đích đó, mà không mô tả chi tiết về khẳng định đó. Trong lời phát biểu thứ nhất về chủ đề này, Người chưa xác định nhiệm vụ cụ thể nào đòi hỏi cần thiết phải tự nguyện sống khiết tịnh, để thực hiện Nước Thiên Chúa trên trần gian và để chuẩn bị cho sự hoàn tất tương lai của Nước ấy. Chúng ta sẽ nghe một điều gì đó nữa về chuyện này từ Phaolô thành Tarsô[61] và phần còn lại sẽ được bổ túc bởi đời sống của Hội thánh trải qua dòng lịch sử, được dòng Truyền thống xác thực đảm nhận.

4. Trong lời Đức Kitô nói về đời sống khiết tịnh “vì Nước Trời”, chúng ta không thấy một chỉ dẫn chi tiết nào cho phép ta hiểu như thế nào về chính ”Nước” này (dù là thể hiện ở phạm vi trần thế, hay hoàn tất sau cùng thời cánh chung) trong tương quan đặc biệt và ”ngoại lệ” với những người tự ý chấp nhận “yêm hoạn” vì Nước Trời.

Cũng không thấy có nói tới bởi khía cạnh đặc biệt nào của thực tại Nước Trời, mà những người tự nguyện “yêm hoạn” kết hợp với Nước đó. Quả thật, rõ ràng Nước Trời dành cho hết mọi người: cả những ai “cưới vợ lấy chồng” cũng có liên hệ đến Nước Trời ở trần gian (và ở trên trời). Đối với mọi người, Nước Trời là “vườn nho của Chúa” ở đây, nơi thế giới này, người ta phải làm việc. Để rồi, sau đó, mới được bước vào “nhà Cha” trong cuộc sống muôn đời. Vậy, Nước ấy là gì đối với những người tự nguyện chọn sống độc thân khiết tịnh vì Nước ấy?

5. Hiện giờ chúng ta không thấy, trong lời loan báo của Đức Kitô trong Matthêu,[62] có giải đáp nào cho câu hỏi này. Xem ra điều ấy cần được tìm hiểu trong tương quan với toàn thể lời phát biểu. Câu trả lời của Đức Kitô cho các môn đệ cho thấy Người không suy nghĩ và đánh giá giống như họ, là những người tỏ lộ, ít là cách gián tiếp, theo chủ nghĩa duy lợi trong vấn đề hôn nhân (“Nếu sự thể là như thế... thì thà đừng kết hôn còn hơn”[63]). Thầy Giêsu tách biệt hẳn mình ra khỏi kiểu đặt vấn đề như thế, và trong khi nói về đời độc thân khiết tịnh “vì Nước Trời” Người không cho thấy tại sao đáng phải từ khước hôn nhân như thế, để sao cho không bị các môn đệ hiểu lầm theo hướng duy lợi. Người chỉ nói đôi khi cần đến, nếu không nói là tất yếu phải có, lối sống tiết dục như thế vì Nước Thiên Chúa. Và như thế Người cho thấy đời độc thân khiết tịnh, trong Nước mà Đức Kitô rao giảng và mời gọi sống, tự nó có một giá trị đặc biệt. Ai tự ý chọn đời độc thân khiết tịnh phải chọn lựa để sao cho liên hệ đến giá trị ấy của ơn gọi, chứ không bởi bất cứ một tính toán nào khác.

6. Trọng âm cung điệu của câu trả lời của Đức Kitô, nói trực tiếp đến chuyện tiết dục vì Nước Trời, có thể được tham chiếu (cách gián tiếp) cả đến vấn đề hôn nhân trước đó.[64] Khi xem xét toàn bộ lời phát biểu,[65] theo ý hướng căn bản của Đức Kitô, câu trả lời có lẽ là như sau: nếu ai chọn sống đời hôn nhân, thì phải chọn phù hợp với ý định của Đấng Tạo Hóa thiết lập hôn nhân ngay “từ thuở ban đầu”, phải tìm ở đó những giá trị tương ứng với kế hoạch của Thiên Chúa; còn ai quyết định chọn theo lối sống khiết tịnh vì Nước Trời thì phải tìm kiếm ở đấy những giá trị riêng của ơn gọi ấy. Nói cách khác: mỗi người phải sống phù hợp với ơn gọi đã chọn.

7. “Nước Trời” hẳn là thành tựu sau cùng của những khát vọng của mọi người, là đích đến của sứ điệp rao giảng của Đức Kitô: là sự thiện viên mãn mà tâm hồn con người khao khát ở bên kia giới hạn của tất cả những gì có thể là số phận của con người trong trần gian, là viên mãn cực đại của sự thỏa mãn của con người từ phía Thiên Chúa. Trong cuộc đối chất với những người Sa-đốc,[66] mà chúng ta đã phân tích trước đây, chúng ta thấy những đặc điểm khác về “Nước Trời”, đúng hơn về “đời sau”. Còn nhiều nữa trong những nơi khác trong Tân ước. Tuy nhiên, để thấy rõ hơn Nước Trời là gì cho những người tự ý chọn sống khiết tịnh vì Nước ấy, có lẽ nên xét đến mạc khải về mối quan hệ hôn phối của Đức Kitô với Hội thánh có một ý nghĩa đặc biệt. Trong số các văn bản liên quan, bản văn Ep 5,25 tt. là quan trọng nhất, ta nên dùng làm nền tảng, nhất là khi xem xét vấn đề tính bí tích của hôn nhân.

Bản văn này có cùng giá trị đối với thần học về hôn nhân cũng như thần học về sự khiết tịnh “vì Nước Trời”, nghĩa là thần học về đời sống độc thân trinh khiết. Có vẻ như chính trong bản văn này chúng ta tìm thấy được những điều khá cụ thể Đức Kitô đã nói với các môn đệ Người, khi mời gọi họ sống khiết tịnh tự nguyện “vì Nước Trời”.

8. Trong bài phân tích này ta đã nhấn mạnh khá đủ rằng những lời hết sức cô đọng của Đức Kitô kia là nền tảng, đầy đủ nội dung cốt yếu và hơn nữa có tính khá nghiêm khắc. Chắc chắn là lời Đức Kitô loan báo kêu gọi sống khiết tịnh trong viễn tượng của “đời sau”, thế nhưng trong lời mời gọi ấy Người nhấn mạnh đến tính thực tế lâm thời của quyết định sống khiết tịnh đó, quyết định liên hệ tới ý muốn tham dự vào công trình cứu chuộc của Đức Kitô.

Như thế, trong ánh sáng của những lời Đức Kitô trong Matthêu,[67] nổi lên trước hết chiều sâu và sự nghiêm túc của quyết định sống khiết tịnh “vì Nước Trời”, và sự khước từ hàm ẩn trong quyết định ấy cũng được tỏ lộ.

Hẳn là qua tất cả những điều này, qua sự nghiêm túc và chiều sâu của quyết định này, qua sự nghiêm ngặt và trách nhiệm nó hàm chứa, tình yêu tỏa sáng rạng rỡ: tình yêu như là sự sẵn sàng chỉ dâng hiến chính mình “vì Nước Trời”. Thế nhưng, trong lời của Đức Kitô tình yêu ấy dường như bị che khuất bởi những gì được đặt ở hàng đầu. Đức Kitô không giấu diếm các môn đệ rằng chọn lựa sống khiết tịnh “vì Nước Trời” (nhìn trong các phạm trù trần thế) là một sự từ khước. Cách nói ấy Người nói với các môn đệ, vốn diễn tả rõ ràng sự thật của giáo huấn của Người và những đòi hỏi hàm chứa trong đó, rất ý nghĩa cho toàn bộ Tin mừng. Chính cách nói ấy cho một dấu ấn và một sức mạnh thuyết phục như thế.

9. Chính từ trái tim mà con người chấp nhận những đòi hỏi, dù có khó khăn, nhân danh tình yêu vì một lí tưởng và nhất là nhân danh tình yêu đối với một con người (thực ra tình yêu tự yếu tính hướng đến nhân vị). Và do đó, trong ơn gọi sống khiết tịnh “vì Nước Trời” này, trước hết chính các môn đệ và kế đến toàn thể Truyền Thống sống động của Hội thánh sẽ sớm khám phá tình yêu đối với chính Đức Kitô như là Đấng Phu Quân của Hội thánh, Đức Lang Quân của linh hồn, Người đã hiến ban chính mình đến cùng, trong mầu nhiệm Vượt Qua và Thánh Thể.

Bằng cách đó, chọn sống khiết tịnh “vì Nước Trời”, bậc sống độc thân trinh khiết suốt đời, trong kinh nghiệm của các môn đệ và của những người theo chân Đức Kitô đã trở thành một lời đáp trả đặc biệt cho tình yêu của Đấng Phu Quân Thần linh, và như thế đã có được ý nghĩa của một hành vi yêu thương phu thê. Nghĩa là một hiến dâng chính mình trong hôn nhân, nhằm đến sự trao nhận tình yêu phu thê cách riêng với Đấng Cứu Chuộc. Hiến thân hiểu như một từ khước, nhưng trên hết vì yêu.

LXXX. ĐỘC THÂN KHIẾT TỊNH VÌ NƯỚC TRỜI VÀ Ý NGHĨA HỢP HÔN CỦA THÂN XÁC

(Ngày 28 tháng 4 năm 1982)

1. “Lại có những người tự ý không kết hôn vì Nước Trời”, Đức Kitô diễn tả như thế theo Phúc âm thánh Matthêu.[68]

Chính tự thâm tâm mình mà con người chấp nhận những đòi hỏi (dù có khó khăn) nhân danh tình yêu vì một lí tưởng và nhất là nhân danh tình yêu đối với một con người (thực ra tình yêu tự yếu tính hướng đến nhân vị). Và do đó, trong ơn gọi sống khiết tịnh “vì Nước Trời” này, trước hết chính các môn đệ và kế đến toàn thể Truyền Thống sống động của Hội thánh sẽ sớm khám phá tình yêu đối với chính Đức Kitô như là Đấng Phu Quân của Hội thánh, Đức Lang Quân của linh hồn, Người đã hiến ban chính mình đến cùng, trong mầu nhiệm Vượt Qua và Thánh Thể. Bằng cách đó, chọn sống khiết tịnh “vì Nước Trời”, bậc sống độc thân trinh khiết suốt đời, trong kinh nghiệm của các môn đệ và của những người theo chân Đức Kitô đã trở thành một lời đáp trả đặc biệt cho tình yêu của Đấng Phu Quân Thần linh, và như thế đã có được ý nghĩa của một hành vi yêu thương phu thê. Nghĩa là một hiến dâng chính mình trong hôn nhân, nhằm đến sự trao nhận tình yêu phu thê cách riêng với Đấng Cứu Chuộc. Hiến thân hiểu như một từ khước, nhưng trên hết vì yêu.

2. Như vậy là chúng ta đã đào xới nội dung phong phú của những lời phát biểu cô đọng nhưng cũng rất sâu sắc của Đức Kitô về đời khiết tịnh “vì Nước Trời”. Nhưng bây giờ chúng ta nên chú ý tới ý nghĩa của những lời ấy đối với thần học về thân xác, như chúng ta đã tìm cách trình bày và xây dựng lại những nền tảng Thánh Kinh “từ thuở ban đầu” của nó. Chính khi phân tích cái “thuở ban đầu” của Kinh thánh ấy, vốn là điểm qui chiếu mà Đức Kitô nhắc đến trong cuộc đối chất với những người Pharisêu về đề tài hôn nhân, về sự kết hợp bất khả phân li của hôn nhân[69] – ngay trước lúc Người hướng về các môn đệ nói về đời sống độc thân khiết tịnh “vì Nước Trời”[70] –, chúng ta nhớ lại sự thật sâu xa về ý nghĩa hợp hôn của thân xác con người (nam cũng như nữ), như chúng ta đã rút ra được do phân tích những chương đầu của sách Sáng thế.[71] Chính vì thế cần phải thiết lập và xác định những gì chúng ta thấy được từ những bản văn cổ ấy.

3. Con người ngày nay đã quen nghĩ và nói đặc biệt về bản năng tình dục, và thường chuyển lên mảnh đất nhân sinh những gì thuộc thế giới các sinh vật, động vật (animalia). Giờ đây, đào sâu suy nghĩ trên bản văn cô đọng của chương một và chương hai sách Sáng thế sẽ cho ta biết, một cách chắc chắn và xác thực, rằng từ “thuở ban đầu” trong Kinh thánh đã có một lằn ranh phân biệt rất rõ ràng giữa thế giới các sinh vật (animalia) và con người được tạo dựng theo hình ảnh và họa ảnh của Thiên Chúa. Trong bản văn đó, dẫu tương đối rất ngắn, nhưng cũng có đủ yếu tố chứng tỏ rằng con người có một ý thức rõ ràng mình căn bản khác với tất cả các sinh vật (animalia).

4. Vì thế, đem áp dụng phạm trù này cho con người, là phạm trù vốn thuộc về thế giới thuần tự nhiên và được tóm gọn trong khái niệm và diễn tả qua từ ngữ “bản năng tính dục”, là hoàn toàn không phù hợp và không thích đáng. Dĩ nhiên áp dụng như thế có thể làm trên cơ sở một phương pháp loại suy nào đó. Thật vậy, đặc thù của con người so với toàn thể thế giới các sinh vật (animalia) không hệ tại chỉ ở chỗ không được định tính con người về cơ bản là con vật, mà là con vật có lí trí (animal rationale). Do đó, mặc dầu có thể so sánh kiểu loại suy như thế, nhưng nếu đem áp dụng khái niệm “bản năng tính dục” (dữ kiện lưỡng tính đực-cái của hiện hữu con người) cho con người sẽ giới hạn rất nhiều, và theo nghĩa nào đó nó còn “ làm suy giảm đi”, cái ngã vị tính của chủ thể người nam hay người nữ. Nó còn giới hạn và “làm suy giảm” cả ý nghĩa của sự kết hợp của hai người nam-nữ nên một xương một thịt.[72] Để diễn đạt điều đó một cách phù hợp và thích đáng, ta còn cần sử dụng đến một phương pháp phân tích khác với phương pháp của tự nhiên luận. Và chính việc nghiên cứu cái “thuở ban đầu” của Kinh thánh buộc ta phải làm việc này một cách thuyết phục. Sự thật về ý nghĩa hợp hôn của thân xác con người với hai giới tính nam và nữ của nó, mà ta rút ra được từ các chương đầu của sách Sáng thế,[73] hay đúng hơn, sự khám phá vào một thời điểm ý nghĩa hợp hôn của thân xác trong cấu trúc nhân vị của chủ thể người nam và người nữ, chính là khái niệm chủ chốt và cũng là khái niệm duy nhất phù hợp và thích đáng.

5. Thế nên, chính vì liên hệ tới khái niệm này, liên hệ tới sự thật này về ý nghĩa hợp hôn của thân xác con người, mà chúng ta cần phải đọc lại và hiểu những lời của Đức Kitô về độc thân khiết tịnh “vì Nước Trời”, những lời vốn được loan báo trong văn mạch trực tiếp tham chiếu đến cái “thuở ban đầu”, từ đó Đức Kitô đã thiết lập cơ sở cho đạo lí của Người về hôn nhân duy nhất và bất khả phân li. Ở tầng nền cơ bản của lời mời gọi của Đức Kitô sống khiết tịnh không chỉ có mặt “bản năng tính dục”, phạm trù thuộc nhu cầu (sinh lí học) tự nhiên, nhưng còn có ý thức về sự tự do hiến dâng vốn liên kết hữu cơ với tâm thức sâu xa và chín chắn về ý nghĩa hợp hôn của thân xác, trong cấu trúc toàn thể của chủ thể nhân vị của người nam và người nữ. Chỉ khi liên hệ tới ý nghĩa nhân vị của người nam và người nữ như thế, ơn gọi sống khiết tịnh tự nguyện ”vì Nước Trời” mới có được bảo đảm và lí do đầy đủ. Chỉ duy trong viễn tượng ấy Đức Kitô mới nói “Ai hiểu được, thì hiểu”.[74] Như thế, Đức Kitô cho thấy đời sống độc thân khiết tịnh ấy (dẫu sao trên hết vẫn là “một sự dâng hiến”) có thể cũng được “hiểu”, nghĩa là được khảo sát và rút ra từ quan niệm là, con người sở hữu chính “bản ngã” tâm-thể-lí của mình trong sự toàn diện và cách riêng là, một bản ngã nam hay nữ trong tương quan, vốn được ghi khắc “bởi tự nhiên” trong chủ thể con người.

6. Như đã phân tích trước đây dựa trên cơ sở sách Sáng thế,[75] tương quan nam-nữ, tương quan hiện hữu ”vì” nhau của người nam và người nữ chỉ có thể được hiểu một cách phù hợp và thích đáng trong toàn thể chủ thể nhân vị sống động. Những lời của Đức Kitô trong Matthêu[76] cho thấy như sau đây rằng sự hiện hữu ”vì” có mặt “từ thuở ban đầu” trong nền tảng hôn nhân, cũng có thể có mặt ở trên nền tảng của đời sống độc thân khiết tịnh “vì” Nước Trời! Dựa trên chính thiên hướng của chủ thể nhân vị [nhờ đó mà con người tìm thấy lại được mình một cách trọn vẹn qua sự thành tâm tự hiến[77] con người (nam hay nữ) có thể chọn dâng hiến chính mình cho một người khác trong khế ước hôn nhân trong đó họ trở nên “một xương một thịt”, nhưng cũng có thể tự do từ khước không dâng hiến cho một người nào khác để, chọn sống độc thân khiết tịnh “vì Nước Trời”, có thể dâng hiến hoàn toàn cho Đức Kitô. Dựa trên nền tảng chính thiên hướng của chủ thể nhân vị và trên chính ý nghĩa hợp hôn của thân xác, của người nam và người nữ, mà ta có thể kiến tạo nên một tình yêu ràng buộc con người trong hôn nhân suốt cả cuộc đời,[78] nhưng cũng có thể kiến tạo một tình yêu ràng buộc cả cuộc sống con người vào đời độc thân khiết tịnh “vì Nước Trời”.[79] Đó chính là điều Đức Kitô muốn nói trong toàn thể lời phát biểu của Người, khi nói với những người Pharisêu[80] và với các môn đệ.[81]

7. Điều hiển nhiên là chọn lựa hôn nhân, như đã được thiết định bởi Đấng Tạo Hóa “từ thuở ban đầu”, giả thiết ta phải ý thức và chấp nhận, như một thái độ nội tâm, ý nghĩa hợp hôn của thân xác, vốn gắn liền với giới tính nam và nữ của nhân vị. Quả thật, chính điều này được diễn tả một cách cô đọng trong các câu Kinh thánh sách Sáng thế. Khi nghe những lời Đức Kitô nói với các môn đệ về đời sống độc thân khiết tịnh “vì Nước Trời”,[82] chúng ta không thể nghĩ lựa chọn thứ hai này được thực hiện với ý thức và tự do mà không liên hệ gì đến giới tính nam/nữ cũng như đến ý nghĩa hợp hôn của thân xác vốn thuộc về con người, một chủ thể nhân vị là người nam hay là người nữ. Hơn nữa, dưới ánh sáng của những lời Đức Kitô đã nói, chúng ta phải nhìn nhận rằng lựa chọn thứ hai này, tức là sống khiết tịnh vì Nước Thiên Chúa, được thực hiện liên hệ đến giới tính là nam hay là nữ của chính nhân vị làm lựa chọn ấy. Nó được thực hiện trên nền tảng ý thức đầy đủ về ý nghĩa hợp hôn mà giới tính nam/nữ ấy mang sẵn nơi mình. Nếu như thực hiện chọn lựa ấy bởi một sự “miễn chước” nhân tạo mà bỏ qua thực tại phong phú này của mỗi chủ thể nhân vị, thì nó không phù hợp và thích đáng với nội dung những lời Đức Kitô đã nói trong Mt 19,11-12.

Ở đây Đức Kitô minh nhiên đòi hỏi phải có hiểu biết đầy đủ, Người nói: “Ai hiểu được thì hiểu”.[83]

LXXXI. ĐỘC THÂN KHIẾT TỊNH “VÌ NƯỚC TRỜI” VÀ “ĐẠO ĐỨC” CỦA ĐỜI SỐNG HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH

(Ngày 5 tháng 5 năm 1982)

1. Khi trả lời chất vấn của những người Pharisêu về hôn nhân và sự bất khả phân li của hôn nhân, Đức Kitô đã tham chiếu đến “thuở ban đầu”, nghĩa là định chế nguyên thủy do Đấng Tạo Hòa thiết lập. Bởi vì những người trao đổi với Người nại tới Lề Luật của Môsê, Lề Luật ấy có dự trù khả năng gọi là cấp “giấy li dị”, nên Người trả lời họ: “Vì các ông lòng chai dạ đá, nên ông Môsê đã cho phép các ông rẫy vợ, chứ thuở ban đầu, không có thế đâu”.[84]

Sau khi đàm đạo với những người Pharisêu, các môn đệ Đức Kitô hướng về Người thưa rằng: ““Nếu làm chồng mà phải như thế đối với vợ, thì thà đừng lấy vợ còn hơn.” Nhưng Người nói với các ông: “Không phải ai cũng hiểu được câu nói ấy, nhưng chỉ những ai được Thiên Chúa cho hiểu mới hiểu. Quả vậy, có những người không kết hôn vì từ khi lọt lòng mẹ, họ đã không có khả năng; có những người không thể kết hôn vì bị người ta hoạn; lại có những người tự ý không kết hôn vì Nước Trời. Ai hiểu được thì hiểu.”“.[85]

2. Nói những lời ấy hẳn là Đức Kitô ám chỉ về sự từ khước hôn nhân có ý thức và tự nguyện. Chỉ có thể từ khước như thế khi người ta đã thực sự ý thức giá trị của hôn nhân vốn được thiết lập do giới tính khác biệt nam và nữ được tạo dựng hướng đến hôn phối. Để có thể ý thức đầy đủ về những gì mình chọn lựa (đời sống thủ tiết vì Nước Trời), con người cũng phải hoàn toàn ý thức điều mình khước từ (vấn đề ở đây chính là biết một giá trị “lí tưởng” nhưng rất “thực tế”). Như thế Đức Kitô hẳn là đòi hỏi người ta phải có một chọn lựa chín chắn. Người xác nhận điều đó, cách chắc chắn, là hình thức diễn tả ơn gọi khiết tịnh vì Nước Trời.

3. Thế nhưng, chối từ giá trị nói trên với đầy đủ ý thức cũng chưa đủ. Dưới ánh sáng của những lời của Đức Kitô, cũng như dưới ánh sáng của toàn thể Truyền Thống Kitô giáo đích thực, người ta có thể rút ra rằng sự từ khước đó đồng thời cũng là một hình thức đặc biệt khẳng định giá trị ấy, như thế người không kết hôn thủ tiết phù hợp theo lời khuyên phúc âm. Điều đó có vẻ như là một nghịch lí. Thế nhưng, rõ ràng là nghịch lí ấy có kèm theo nhiều lời phát biểu ở trong Tin mừng, và thường là những lời hùng biện và sâu sắc nhất. Chấp nhận ý nghĩa đó của ơn gọi độc thân khiết tịnh “vì Nước Trời”, chúng ta rút ra một kết luận đúng đắn, là khi cổ võ thực hiện ơn gọi này cũng là ta phục vụ (cách đặc biệt) cho việc xác nhận ý nghĩa hợp hôn của thân xác con người với giới tính nam và nữ của nó. Chối từ hôn nhân vì Nước Thiên Chúa thì đồng thời ta cũng làm sáng tỏ ý nghĩa ấy với toàn bộ sự thật bên trong và với toàn thể vẻ đẹp nhân vị của nó. Có thể nói rằng sự từ khước của những con người cá nhân nam và nữ ấy, theo nghĩa nào đó, là cần thiết để cho ý nghĩa hợp hôn của thân xác được nhìn nhận dễ dàng hơn trong toàn thể đạo đức của cuộc sống con người và nhất là trong đạo đức của đời hôn nhân và gia đình.

4. Do vậy, mặc dầu độc thân khiết tịnh “vì Nước Trời” hướng đời sống của những người tự nguyện lựa chọn bậc sống ấy ra ngoài con đường thông thường của đời sống hôn nhân gia đình, thế nhưng nó không phải là không còn mang ý nghĩa gì đối với cuộc sống này: đối với phong cách sống của nó, giá trị của nó và tính tin mừng đích thực của nó. Chúng ta không được quên là chìa khóa duy nhất để hiểu tính bí tích của hôn nhân là tình yêu phối ngẫu của Đức Kitô dành cho Hội thánh.[86] Tình yêu của Đức Kitô, là con của đức Trinh nữ, bản thân Người cũng là kẻ đồng trinh, tức là người “yêm hoạn vì Nước Trời” theo nghĩa hoàn hảo nhất. Ta sẽ cần trở lại luận cứ này về sau.

5. Cuối phần suy tư này còn một vấn đề cụ thể nữa cần nêu lên. Câu hỏi là: Nơi người “được kêu gọi” sống khiết tịnh vì Nước Trời, ơn gọi ấy được hình thành như thế nào trên cơ sở ý thức ý nghĩa hợp hôn của thân xác với giới tính nam và nữ, và còn hơn nữa, như là hoa quả của ý thức ấy? Nó hình thành, hay đúng hơn, nó “biến đổi” như thế nào? Câu hỏi này quan trọng từ quan điểm của thần học về thân xác, cũng như từ quan điểm của tiến trình phát triển nhân cách, vốn vừa theo hướng duy nhân vị vừa thuộc lãnh vực đặc sủng. Nếu chúng ta muốn giải đáp câu hỏi này một cách thấu tình đạt lí (trên mọi phương diện và mọi vấn đề cụ thể bao hàm trong câu hỏi ấy) cần làm một nghiên cứu đặc biệt trên quan hệ giữa hôn nhân và bậc đồng trinh, giữa hôn nhân và độc thân. Điều đó vượt quá giới hạn của công việc khảo sát hiện tại.

6. Vẫn tiếp tục ở lại trong lời của Đức Kitô theo Matthêu,[87] nay ta cần kết luận suy tư này với khẳng định sau đây. Trước hết, nếu như bậc sống độc thân khiết tịnh “vì Nước Trời” chắc chắn có ý nghĩa là một sự từ khước, thì sự từ khước ấy đồng thời cũng là một lời khẳng định. Khẳng định ấy được rút ra từ chỗ khám phá ra “tặng phẩm”, đồng thời cũng là khám phá ra một viễn tượng mới, là thực hiện nhân vị mình “bằng cách chân thành tự hiến”.[88] Khám phá ấy ở trong một tình trạng nội tâm hài hòa sâu xa với cảm thức về ý nghĩa hợp hôn của thân xác, vốn gắn kết “từ thuở ban đầu “ với giới tính nam-nữ của con người chủ thể nhân vị. Kế đến, giả như bậc sống khiết tịnh “vì Nước Trời” được đồng nhất với sự khước từ hôn nhân (mà trong cuộc đời của một người đàn ông và một người phụ nữ, vốn là khởi đầu của một gia đình), nhưng dù thế nào cũng không được xem đó như là một sự chối bỏ giá trị cốt yếu của hôn nhân; mà đúng hơn, ngược lại, bậc sống ấy gián tiếp được dùng để làm nổi bật cái điều trường cửu và đậm tính nhân vị nhất trong ơn gọi hôn nhân, điều mà trong đời tạm này (và cùng hướng đến “đời sau”) tương ứng với phẩm giá của một tặng phẩm nhân vị, vốn gắn liền với ý nghĩa phối ngẫu của thân xác với giới tính nam hay nữ.

7. Như thế, lời mời gọi của Đức Kitô sống tiết dục “vì Nước Trời”, vốn nối kết thích đáng với lời nhắc nhủ đến sự phục sinh tương lai,[89] có một ý nghĩa rất quan trọng không chỉ đối với đạo đức và linh đạo Kitô giáo, mà còn đối với nhân học và toàn bộ thần học về thân xác đã được khám phá ở nền tảng của nó. Chúng ta nhớ lại rằng Đức Kitô, khi nhắc đến sự phục sinh của thân xác ở “đời sau”, Người nói (theo các Tin mừng Nhất Lãm): “Khi người ta từ cõi chết sống lại ... thì chẳng còn lấy vợ lấy chồng...”.[90] Những lời này, mà ta đã phân tích trước đây, là một thành phần của toàn thể khảo sát của chúng ta về thần học thân xác và đã đóng góp cho sự kiến thiết của nó.

LXXXII. GIẢI THÍCH CỦA THÁNH PHAOLÔ VỀ ĐỜI SỐNG TRINH KHIẾT VÀ HÔN NHÂN

(Ngày 23 tháng 6 năm 1982)

1. Sau khi phân tích những lời của Đức Kitô liên hệ đến Tin mừng theo thánh Matthêu,[91] ta nên tìm hiểu giải thích của thánh Phaolô về chủ đề này: bậc trinh khiết và đời hôn nhân.

Lời loan báo của Đức Kitô về đời sống độc thân khiết tịnh vì Nước Trời rất súc tích và nền tảng. Trong giáo huấn của thánh Phaolô, như một chút nữa sẽ thấy, chúng ta có thể xác định được mối tương quan hữu cơ giữa các lời lẽ của Đức Thầy Chúa chúng ta; nhưng ý nghĩa của phát biểu của thánh Phaolô[92] trong toàn thể cần phải được đánh giá một cách khác. Sự tuyệt diệu của giáo huấn của thánh Phaolô hệ tại ở sự kiện trong khi ngài trình bày chân lí Đức Kitô loan báo với tất cả sự chân thực và chính xác nhất, ngài dán cho nó một nhãn hiệu riêng, theo nghĩa nào đó, đây là một giải thích “cá nhân” của riêng ngài, nhưng trước hết điều đó xuất phát từ kinh nghiệm của những hoạt động tông đồ – truyền giáo, và có lẽ kể cả xuất phát từ nhu cầu giải đáp những đòi hỏi cụ thể của con người mà những hoạt động này nhằm tới. Và thế là ta gặp nơi thánh Phaolô vấn đề về mối tương quan giữa bậc sống hôn nhân và độc thân trinh khiết, đây vốn là đề tài gây bối rối cho các tín hữu thuộc thế hệ thứ nhất các chứng nhân đức tin của Đức Kitô, thế hệ các môn đệ của các thánh Tông đồ, thuộc các cộng đoàn kitô hữu tiên khởi. Đó là vấn đề cho các tín hữu trở lại đạo gốc Hi lạp, tức là từ dân ngoại, hơn là cho những người từ gốc Do thái. Điều này có thể giải thích sự kiện là đề tài này có cả ở trong một bức Thư gửi cho các tín hữu Côrintô, là Thư thứ nhất.

2. Giọng văn của toàn bài hẳn là mang tính giáo huấn; nhưng về mặt ngôn ngữ giọng văn cũng có tính mục vụ. Thánh Phaolô truyền dạy đạo lí được thông truyền lại từ Đức Thầy cho các Tông đồ, và đồng thời ngài cũng nối tiếp đàm luận về đề tài ấy với các độc giả Thư của ngài. Ngài phát biểu như một bậc thầy luân lí kinh điển, trong khi đối mặt và giải quyết các vấn đề lương tâm, và vì thế các nhà luân lí ưa thích tìm đến những giải thích và bàn cãi của Thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô này hơn.[93] Nhưng cần phải nhớ rằng nền tảng cuối cùng của những bàn cãi này cần phải được tìm kiếm trong đời sống và giáo huấn của chính Đức Kitô.

3. Thánh Tông đồ nhấn mạnh hết sức rõ ràng, rằng bậc sống trinh khiết hay tiết dục tự nguyện, phát sinh chỉ duy từ một lời khuyên nhủ chứ không phải một lệnh truyền: ”Về vấn đề độc thân, tôi không có chỉ thị nào của Chúa, nhưng tôi chỉ khuyên nhủ”. Thánh Phaolô khuyên nhủ “với tư cách như một người nhờ Chúa thương xót mà đáng được tín nhiệm”.[94] Như ta thấy từ những lời trích trên đây, thánh Tông đồ phân biệt rõ, như trong Tin mừng,[95] giữa lời khuyên và lệnh truyền. Trên cơ sở của qui tắc “đạo lí” để hiểu giáo huấn đã công bố, ngài muốn khuyên nhủ, muốn đưa ra những ý kiến riêng của cá nhân ngài cho những người để tâm nghe ngài. Thế nên, ”lời khuyên” trong Thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô[96] rõ ràng có hai ý nghĩa khác nhau. Tác giả khẳng định rằng bậc sống độc thân trinh khiết là một lời khuyên chứ không phải là một lệnh truyền (giới răn), và đồng thời, ngài đưa ra lời khuyên cho cả người đã kết hôn lẫn người còn phải lựa chọn bậc sống, và sau cùng cho cả những người góa bụa. Bản chất của vấn đề ở đây cũng giống như vấn đề gặp trong toàn bộ phát biểu của Đức Kitô trong Tin mừng Matthêu[97]: trước hết là nói về hôn nhân và sự bất khả phân ly của hôn nhân, rồi đến đời độc thân dâng hiến vì Nước Trời. Thế nhưng lối đặt vấn đề ở đây có tính cách hoàn toàn riêng tư của Phaolô.

4. “Nhưng nếu ai đang thời quá dồi dào khí lực mà nghĩ rằng mình khó có thể tôn trọng vị hôn thê của mình, và cho rằng chuyện thường tình sẽ phải xảy ra, thì người ấy cứ làm như ý mình muốn, không mắc tội đâu. Họ cứ việc cưới nhau! Còn ai kiên vững lòng không nao núng cũng không miễn cưỡng, lại làm chủ được ý chí của mình, và quyết tâm tôn trọng người trinh nữ, thì người ấy làm một việc tốt. Tóm lại, ai cưới người trinh nữ của mình, thì làm một việc tốt, nhưng ai không cưới, thì làm một việc tốt hơn”.[98]

5. Kẻ đã xin lời khuyên có thể là một thanh niên đang đứng trước quyết định có nên lấy vợ hay không, hoặc có thể là một chú rể, đứng trước các phong trào tu đức đang có lúc bấy giờ ở Côrintô, phân vân về ý nghĩa của cuộc hôn nhân của mình; cũng có thể là một người cha hay một người giám hộ của một cô trinh nữ, đặt vấn đề về hôn nhân của cô gái ấy. Trong trường hợp ấy, vấn đề là quyết định do trực tiếp từ quyền của người giám hộ đó. Quả thật, Phaolô viết vào thời mà những quyết định thuộc loại như thế thuộc quyền của cha mẹ hay người giám hộ nhiều hơn là của chính những người trẻ. Bởi thế, khi trả lời câu hỏi đặt ra cho mình như thế, ngài cố giải thích một cách hết sức chính xác rằng quyết định sống độc thân, hay đúng hơn sống độc thân khiết tịnh, phải là một sự tự nguyện và rằng chỉ độc thân như thế mới tốt hơn hôn nhân. Những diễn ngữ như “làm một việc tốt”, “làm một việc tốt hơn”, trong bối cảnh ấy là hoàn toàn rõ ràng.

6. Vậy, thánh Phaolô dạy rằng rằng chọn sống trinh khiết hay độc thân tự nguyện, giữ mình không kết hợp hôn phối với người phụ nữ, chỉ xuất phát từ một lời khuyên, và rằng trong những hoàn cảnh thích hợp, ở vậy thì “tốt hơn” là kết hôn. Và dù cách nào, ngài cũng không đưa vào đó vấn đề tội lỗi: “Bạn đã kết hôn với một người đàn bà ư? Đừng tìm cách gỡ ra. Bạn chưa kết hôn với một người đàn bà ư? Đừng lo kiếm vợ. Nhưng nếu bạn cưới vợ, thì cũng chẳng có tội gì. Và nếu người con gái lấy chồng, thì cũng chẳng có tội gì”.[99] Trên cơ sở chỉ những lời này mà thôi, chúng ta chắc chắn không thể đưa ra những phán đoán về những gì thánh Phaolô đã nghĩ và đã dạy về hôn nhân. Đề tài đã được giải thích một phần rồi trong bối cảnh của Thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô[100] và sẽ đầy đủ hơn trong Thư gửi tín hữu Êphêsô.[101] Trường hợp của chúng ta ở đây, vấn đề có lẽ là phải trả lời cho câu hỏi phải chăng hôn nhân là tội lỗi; và ta cũng có thể nghĩ rằng trong câu hỏi ấy phản chiếu một ảnh hưởng nào đó của các trào lưu tư tưởng nhị nguyên tiền-Ngộ-đạo (pregnostico), và về sau biến tướng thành chủ thuyết Kiêng-Khem (encratismo) và Manikê (Manicheismo). Phaolô trả lời rằng ở đây tuyệt đối không liên hệ gì đến vấn đề tội lỗi. Vấn đề không phải là phân định giữa “tốt” hay “xấu”, nhưng là giữa “tốt” hay “tốt hơn”. Kế đến, ngài chuyển qua việc giải thích tại sao kẻ chọn cuộc sống hôn nhân là “làm một điều tốt” và người chọn cuộc sống độc thân trinh khiết tự nguyện là “làm một điều tốt hơn”.

Bài suy tư lần tới của chúng ta sẽ dành cho lập luận này của thánh Phaolô.

LXXXIII. TÔN QUÝ BẬC ĐỘC THÂN TRINH KHIẾT VÀ BẬN TÂM ĐỐI VỚI NHỮNG SỰ THUỘC VỀ CHÚA

(Ngày 30 tháng 6 năm 1982)

1. Trong khi giải thích trong chương bảy Thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô về vấn đề đời sống hôn nhân và trinh khiết (hay độc thân khiết tịnh vì Nước Thiên Chúa), thánh Phaolô cố giải thích nguyên nhân tại sao kẻ chọn cuộc sống hôn nhân là “làm một điều tốt”, còn người chọn cuộc sống tiết dục hay độc thân trinh khiết thì lại “làm một điều tốt hơn”. Thực ra ngài viết như thế này: “Thưa anh em, tôi xin nói với anh em điều này: thời gian nay chẳng còn bao lâu. Vậy từ nay những người có vợ hãy sống như không có ...”; và rồi: “ai mua sắm hãy làm như không có gì cả; kẻ hưởng dùng của cải đời này, hãy làm như chẳng hưởng. Vì bộ mặt thế gian này đang biến đi! Tôi muốn anh chị em không phải bận tâm lo lắng điều gì...”.[102]

2. Những lời sau cùng của bản văn trích dẫn trên đây cho thấy thánh Phaolô trong khi lí luận cũng viện đến kinh nghiệm bản thân, bởi thế lí luận của ngài trở thành có tính cá nhân hơn. Ngài không chỉ hình thành nên nguyên tắc và tìm cách giải thích nó, mà còn gắn kết với suy tư và xác tín cá nhân sinh ra từ sự thực hành lời khuyên Phúc âm về bậc độc thân. Sức thuyết phục tỏ lộ từ những lời lẽ riêng tư diễn tả của ngài. Thánh Tông đồ không chỉ viết cho các tín hữu Côrintô của ngài như sau: “Tôi ước muốn mọi người đều như tôi”,[103] nhưng còn đi xa hơn, khi liên hệ đến những người đang ký kết hôn ước, ngài viết: “Tuy nhiên, những người ấy sẽ tự chuốc lấy những nỗi gian truân khốn khổ. Mà tôi, tôi muốn cho anh em thoát khỏi điều đó”.[104] Hơn nữa, xác tín cá nhân này của ngài đã được diễn tả từ những lời đầu tiên của chương thứ bảy bức thư này, khi ngài nhắc đến ý kiến này (để sửa đổi) của các tín hữu Côrintô: “Bây giờ, tôi đề cập tới những điều anh em đã viết cho tôi: đàn ông không gần đàn bà là điều tốt...”.[105]

3. Người ta có thể tự hỏi: ”những nỗi gian truân khốn khổ” mà Phaolô nói đến là gì? Đức Kitô vốn chỉ nói đến những đau đớn (hoặc “ưu phiền”) mà người phụ nữ cảm thấy khi phải “sinh con”, nhưng đồng thời lại nhấn mạnh đến nỗi vui mừng[106] bà cảm thấy như phần thưởng bù đắp sau khi sinh con. Đó là niềm vui được làm mẹ. Còn Phaolô thì viết về “những nỗi gian truân khốn khổ” thường có nơi những đôi vợ chồng. Phải chăng thánh Tông đồ diễn tả sự thiếu thiện cảm riêng tư của ngài đối với bậc hôn nhân? Đây là một nhận xét thực tế muốn nhắn nhủ đối với những ai – như thường thấy nơi các bạn trẻ – tưởng rằng sự kết hợp cũng như đời sống hôn nhân chỉ toàn đem lại cho họ hạnh phúc và niềm vui thú mà thôi. Kinh nghiệm cuộc sống cho thấy các đôi vợ chồng vẫn thường có nhiều thất vọng về những gì họ vốn đặt kì vọng rất nhiều. Niềm vui cuộc sống hôn nhân cũng kèm theo là “những nỗi gian truân khốn khổ”, là điều thánh Tông đồ viết trong Thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô. “Những nỗi gian truân” này thường là về mặt tinh thần. Nếu như ngài có ý ở đây muốn nói rằng tình yêu hôn nhân thật sự (tình yêu mà nhờ đó “người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt”[107] cũng là một tình yêu khó thực hiện, thì hẳn là nó vẫn còn thuộc lãnh vực của chân lí phúc âm và không có lí do gì để mà nói có dấu hiệu ngài theo chủ trương Manikê vốn thuộc thời đại về sau.

4. Trong lời Người nói sự tiết dục vì Nước Thiên Chúa , Đức Kitô không cố thúc đẩy những người nghe dù bằng cách nào theo bậc sống độc thân trinh khiết, khi Người cho thấy “những nỗi gian truân khốn khổ” trong đời hôn nhân. Đúng hơn ta biết rằng Người tìm cách nêu bật những khía cạnh khác nhau, những khó khăn về mặt con người, khi quyết định chọn sống tiết dục. Dù với lí do xã hội, hay với lí do thuộc bản tính riêng, chúng đều khiến Đức Kitô nói về người quyết chọn đời sống ấy, là người tự “yêm hoạn”, nghĩa là tự nguyện đảm nhận bậc sống ấy. Nhưng chính vì thế, mà người ta thấy rõ hơn toàn bộ ý nghĩa chủ quan, sự tuyệt vời và nét độc đáo của quyết định ấy. Đó là sự đáp trả chín chắn đối với một hồng ân đặc biệt của Thần Khí.

5. Trong Thư gửi tín hữu Côrintô thánh Phaolô không hiểu khác lời khuyên khiết tịnh nhưng ngài diễn tả cách khác. Thật vậy, ngài viết: “Thưa anh em, tôi xin nói với anh em điều này: thời gian nay chẳng còn bao lâu...”,[108] và ngay sau đó viết: “bộ mặt thế gian này đang biến đi ...”.[109] Nhận thấy cuộc sống con người quá mong manh và thế gian này thật là tạm bợ, theo nghĩa nào đó cũng là thấy thế giới thọ tạo này cũng chỉ như tình cờ, từ đó ngài khuyên “từ nay những người có vợ hãy sống như không có”,[110] và đồng thời chuẩn bị để đưa ra giáo huấn về sống khiết tịnh. Ở trung tâm của lí luận, quả thật, thánh Phaolô đưa ra câu nói chủ chốt có thể nối kết được với phát biểu của Đức Kitô (là phát biểu duy nhất về loại đề tài này) về bậc sống trinh khiết vì Nước Thiên Chúa.[111]

6. Trong khi Đức Kitô đề cao sự cao quí của lời từ khước, vốn không tách biệt được với một quyết định tự do, thánh Phaolô trước hết lại cho thấy cần phải hiểu “Nước Thiên Chúa” trong cuộc sống của con người từ khước hôn nhân vì Nước ấy như thế nào. Trong khi những lời lẽ của Đức Kitô liệt kê song đối ba hình thức yêm hoạn và đỉnh cao là sự tự nguyện từ khước cao quí được diễn tả qua một động từ (“lại có những người tự ý không kết hôn vì Nước Trời”[112]), thì Phaolô định nghĩa hoàn cảnh ấy bằng một từ duy nhất: “người độc thân” (àgamos); nhưng sau đó ngài tổng hợp nội dung toàn bộ của diễn ngữ “Nước Thiên Chúa” rất tuyệt vời. Quả thật, ngài nói: “Người độc thân chuyên lo việc Chúa, họ tìm cách làm vui lòng Người”.[113]

Từng lời của phát biểu này đáng để làm một phân tích đặc biệt.

7. Ngữ cảnh của động từ “(chuyên) lo” hay “tìm cách”, trong Phúc âm thánh Luca (môn đệ của thánh Phaolô) cho biết điều thực sự cần thiết là chỉ lo tìm kiếm Nước Thiên Chúa mà thôi,[114] đó là “phần tốt nhất”, là unum necessarium (điều cần thiết duy nhất).[115] Và thánh Phaolô trực tiếp nói đến “mối bận tâm lo cho tất cả các Hội thánh”,[116] tìm kiếm Đức Kitô qua bận tâm những vấn đề của anh em, chi thể của Thân Mình Đức Kitô.[117] Từ ngữ cảnh ấy đã thấy xuất hiện toàn thể phạm trù rộng lớn của mối “bận tâm”, mà kẻ không kết hôn có thể dành hết trí lực, nỗ lực và tâm hồn cho nó. Quả thật, con người có thể chỉ “bận tâm” về những gì đang thực sự chiếm cõi lòng mình.

8. Trong diễn từ của Phaolô, ai không kết hôn thì chuyên lo việc của Chúa (tà toû kyrìou). Với câu nói cô đọng này Phaolô diễn tả toàn thể thực tại khách quan của Nước Chúa.

Chính ngài sau đó một chút cũng trong thư ấy nói: “Trái đất cùng muôn vật muôn loài trên đó là của Chúa”.[118]

Bận tâm của người Kitô hữu là toàn thể thế giới! Nhưng đối với Phaolô, chữ “Chúa” muốn nói trước hết là Chúa Giêsu Kitô,[119] thế nên “việc của Chúa” có nghĩa là trước hết là “Nước Chúa Kitô”, là Thân Mình của Người tức Hội thánh[120] và tất cả những gì góp phần phát triển Hội thánh. Những người không kết hôn thì để mình bận tâm đến tất cả những điều ấy, và thánh Phaolô, là “Tông đồ của Đức Giêsu Kitô”[121] hoàn toàn đúng theo nghĩa của từ ấy và là thừa tác viên của Tin mừng,[122] ngài viết cho các tín hữu ở Côrintô: “Tôi ước muốn mọi người đều như tôi”.[123]

9. Tuy nhiên, sự nhiệt thành tông đồ cũng như hoạt động sinh hiệu quả còn chưa được phản chiếu hết trong nội dung của lí do của bậc độc thân trinh khiết của thánh Phaolô. Người ta thậm chí có thể nói rằng căn cội và nguồn gốc của nó nằm ở trong phần sau của đoạn văn, phần nói lên thực tại chủ quan của Nước Chúa: ”Người không kết hôn bận tâm... tìm cách làm đẹp lòng Chúa”. Nhận xét này bao hàm toàn bộ lãnh vực quan hệ cá nhân của con người với Thiên Chúa. “Làm vui lòng Chúa” (thành ngữ này xuất hiện trong các sách cổ của Kinh thánh[124] đồng nghĩa với sống trong ân sủng Chúa, và diễn tả thái độ của người tìm kiếm Thiên Chúa, hay của người sống theo thánh ý Ngài để làm đẹp lòng Ngài. Trong một trong những quyển sách cuối cùng của Kinh thánh, thành ngữ này trở thành một tổng hợp thần học về sự thánh thiện. Thánh Gioan chỉ áp dụng một lần cho chính Đức Kitô: “Tôi hằng làm những điều đẹp ý Người”.[125] Thánh Phaolô nhận xét trong Thư gửi tín hữu Rôma rằng Đức Kitô “đã không chiều theo sở thích của mình”.[126]

Hai chứng liệu này hàm chứa tất cả nội dung của sự “làm vui lòng Chúa”, trong Tân ước được hiểu như là bước theo dấu chân Chúa Kitô.

10. Hai phần của thành ngữ của thánh Phaolô có vẻ như chồng lên nhau: quả thật, người bận tâm những sự “thuộc về Chúa”, hay “việc của Chúa” thì sẽ “làm vui lòng Chúa”. Đàng khác, ai làm vui lòng Chúa thì không thể tự khép kín mình lại, mà mở ra với thế giới, với tất cả những gì dẫn ta trở về với Đức Kitô. Đây hiển nhiên chỉ là hai mặt của cùng một thực tại của Thiên Chúa và của Nước Chúa. Tuy nhiên, thánh Phaolô phải phân biệt chúng, để cho thấy rõ ràng hơn bản chất và chọn lựa sống độc thân khiết tịnh “vì Nước Trời”.

Chúng ta sẽ còn quay trở lại đề tài này.

LXXXIV. ÂN SỦNG CỦA CHÚA HOẠT ĐỘNG TRONG MỖI NGƯỜI TRONG CHỌN LỰA ĐỜI SỐNG TRINH KHIẾT HAY HÔN NHÂN

(Ngày 7 tháng 7 năm 1982)

1. Trong lần gặp trước chúng ta đã thử đào sâu lập luận của thánh Phaolô trong Thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô nhằm thuyết phục những độc giả của ngài rằng ai chọn cuộc sống hôn nhân là “làm một điều tốt”, còn ai chọn cuộc sống độc thân trinh khiết (hay sống tiết dục theo tinh thần của lời khuyên phúc âm) thì lại “làm một điều tốt hơn”.[127] Tiếp nối suy tư này, giờ đây chúng ta nhớ lại rằng theo thánh Phaolô “Người không kết hôn bận tâm... tìm cách làm đẹp lòng Chúa”.[128]

“Làm đẹp lòng Chúa” xuất phát từ nền tảng tình yêu. Nền tảng này xuất hiện từ một sự so sánh về sau: ai không có vợ tìm cách làm đẹp lòng Chúa, trong khi người có vợ còn phải lo làm vui lòng vợ. Ở đây ta thấy xuất hiện, theo nghĩa nào đó, đặc tính hôn phối của bậc sống “độc thân vì Nước Thiên Chúa”. Con người luôn tìm cách làm đẹp lòng người mình yêu. Thế nên, “làm đẹp lòng Chúa” không thiếu đặc tính này, đó là tỏ lộ ra mối tương quan liên vị hôn phối. Một đàng, nó diễn tả một cố gắng của con người hướng về Chúa và tìm cách làm đẹp lòng Ngài, tức diễn tả tích cực tình yêu của mình. Đàng khác, ứng với nguyện vọng này là sự vui lòng từ phía Thiên Chúa, Đấng trong khi đón nhận nỗ lực của con người đã ban thưởng cho công trình riêng của họ bằng một ân sủng mới mẻ: quả thật, ngay từ đầu nguyện vọng này đã là một ơn huệ của Ngài. Do đó, “lo làm vui lòng Chúa” là một đóng góp của con người trong cuộc đối thoại liên tục đem ơn cứu độ, khởi đi từ Thiên Chúa. Hiển nhiên là, mọi Kitô hữu sống niềm tin đều tham dự vào đó.

2. Tuy nhiên, Phaolô nhận thấy rằng người có ràng buộc bởi dây nối kết hôn nhân thì “bị chia đôi”[129] do những bổn phận gia đình của mình.[130] Xem ra từ nhận xét này có hệ quả là, người không kết hôn có đặc tính là họ có được sự nguyên vẹn toàn tâm toàn ý, một sự thống nhất cuộc sống có thể giúp họ tận hiến hoàn toàn cho việc phụng sự Nước Thiên Chúa trong mọi phương diện của nó. Muốn thế, họ phải không kết hôn, để chỉ toàn tâm lo “cho Nước Thiên Chúa”, sống một cuộc đời chỉ nhằm cho mục đích này. Sự “bị chia đôi”, một cách khác, cũng có thể ngấm ngầm đi vào trong cuộc sống của một người độc thân, kẻ vốn không sống đời hôn nhân nhưng mặt khác lại không có một mục đích sống rõ ràng (vì đó mà khước từ hôn nhân) cảm thấy cuộc sống trống rỗng như thế nào đó.

3. Thánh Tông đồ xem ra biết rõ tất cả những điều ấy, và vội vàng xác định ngay rằng ngài không hề có ý “gài bẫy” những người ngài khuyên không kết hôn, nhưng làm thế là để hướng họ đến một điều tốt, để họ được gắn bó cùng Chúa mà không bị giằng co.[131] Những lời này làm ta liên tưởng đến điều mà Đức Kitô trong Bữa Ăn Tối Cuối Cùng nói với các Tông đồ rằng: “Còn anh em, anh em vẫn một lòng gắn bó với Thầy, giữa lúc Thầy gặp thử thách gian nan (nghĩa đen: “gặp cám dỗ”). Vì thế, Thầy sẽ trao Vương quốc cho anh em, như Cha Thầy đã trao cho Thầy”.[132] Người không kết hôn, “gắn bó với Chúa”, được bảo đảm rằng những nỗi khó khăn của họ được Chúa cảm thông: “Quả thật, chúng ta có một vị Thượng tế không phải là không biết cảm thương những nỗi yếu hèn của ta, vì Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, nhưng không phạm tội”.[133] Điều đó giúp người độc thân không tự dìm mình chỉ trong những vấn đề cá nhân, cho bằng là đem hòa nhập chúng vào những đau khổ lớn lao của Chúa Kitô và của Thân Mình Người là Hội thánh.

4. Thánh Tông đồ cho thấy làm sao ta có thể “gắn bó với Chúa”: có thể đạt được điều đó bằng ước muốn ở lại thường xuyên với Người, sống sự hiện diện với Người (eupáredron), mà không để mình bị lôi cuốn bởi những sự không cốt yếu (aperispástōs).[134]

Phaolô xác định tư tưởng này còn rõ hơn nữa, khi ngài nói về hoàn cảnh của người phụ nữ có chồng và những người chọn sống độc thân trinh khiết hay góa bụa. Trong khi những người phụ nữ có chồng phải “tìm cách làm đẹp lòng chồng”, những người không có chồng thì “lo việc Chúa, để nên thánh thiện cả hồn lẫn xác”.[135]

5. Để hiểu được cho đúng toàn bộ chiều sâu của tư tưởng của Phaolô, ta cần nhận thấy rằng sự thánh thiện, theo quan niệm của Kinh thánh, là một tình trạng hơn là một hành vi. Nó trước hết có tính chất hữu thể luận và rồi mới đến tính luân lí. Đặc biệt, trong Cựu ước, thánh thiện là một sự “tách biệt” khỏi những gì không nằm dưới tầm ảnh hưởng của Thiên Chúa, tức ”cái phàm tục” (“profanum”), để chỉ thuộc riêng về Thiên Chúa mà thôi. Sự “thánh thiện cả hồn lẫn xác”, cũng có nghĩa là sự thiêng thánh của bậc sống độc thân trinh khiết, được đón nhận “vì Nước Thiên Chúa”. Và vì thế, cái được dâng cho Thiên Chúa đồng thời cũng phải thanh khiết về mặt luân lí, và do đó, giả thiết có một cách sống “không tì ố cũng không nếp nhăn”, “thánh thiện và tinh tuyền”, theo người mẫu đồng trinh là Hội thánh xinh đẹp trước mặt Đức Kitô.[136]

Trong chương này của Thư gửi tín hữu Côrintô, thánh Tông đồ đụng chạm tới những vấn đề của đời sống hôn nhân và độc thân trinh khiết một cách hết sức nhân văn và thực tế, vì ngài có xét tới não trạng của những thính giả đương thời của ngài. Lối lập luận của thánh Phaolô trong mức độ nào đó là nhân bản (ad hominem). Thế giới mới, thang giá trị mới mà ngài loan báo, trong bối cảnh của những thính giả Côrintô của ngài, phải gặp gỡ một “thế giới” khác với một thang giá trị khác, cũng khác với cả những gì mà lần đầu tiên những lời lẽ của Đức Kitô liên hệ đến.

6. Nếu như, trong đạo lí của thánh Phaolô về hôn nhân và độc thân khiết tịnh, ngài cũng có nói đến tính mong manh của thế gian và nhân sinh, thì hẳn là ngài làm thế vì liên quan đến cái khung cảnh xã hội bấy giờ, theo nghĩa nào đó đã quen hướng về sự ”hưởng thụ những sự thế gian”. Từ quan điểm này, điều có ý nghĩa là, ngài kêu gọi “kẻ hưởng dùng của cải đời này, hãy làm như chẳng hưởng”.[137] Từ chính bối cảnh đó, hôn nhân dù được hiểu như một cách “hưởng dùng những sự thế gian”, nhưng khác với trong toàn bộ truyền thống Israel (mặc dù có một số biến chất, điều mà Chúa Giêsu đã lưu ý trong khi đàm đạo với những người Pharisêu, hoặc trong diễn từ trên núi). Hẳn nhiên, tất cả những điều đó giải thích cho cách thế trả lời của thánh Phaolô. Thánh Tông đồ nhận thấy rõ rằng, trong khi khuyến khích người ta ở độc thân mà không kết hôn, ngài cũng đồng thời minh bạch hóa một cách hiểu hôn nhân phù hợp với toàn bộ trật tự giá trị tin mừng. Và ngài đã phải làm như thế với một thái độ hết sức thực tế – có xét đến cách suy nghĩ và đánh giá sự vật vốn đang thịnh hành của môi trường xã hội bấy giờ.

7. Với những người đang sống trong một bối cảnh xã hội mà hôn nhân vốn được xem đặc biệt như là một trong những cách “hưởng thụ những sự thế gian”, thánh Phaolô nói những lời lẽ rất ý nghĩa về bậc sống độc thân trinh khiết cũng như về chính bậc sống hôn nhân. “Với những người độc thân và quả phụ, tôi nói thế này: họ cứ ở vậy như tôi thì tốt cho họ. Nếu không tiết dục được, họ cứ kết hôn, vì thà kết hôn còn hơn là bị thiêu đốt”.[138] Trước đó, Phaolô cũng đã diễn tả một ý tưởng gần như vậy: “Bây giờ, tôi đề cập tới những điều anh em đã viết cho tôi: đàn ông không gần đàn bà là điều tốt. Nhưng để tránh hiểm họa dâm ô, thì mỗi người hãy có vợ có chồng”.[139]

8. Có lẽ chăng, trong Thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô, thánh Tông đồ đã xem hôn nhân thuần túy từ quan điểm như là một “phương dược chữa dục vọng”, như truyền thống ngôn ngữ thần học vốn hay nói? Những phát biểu tường thuật lại trên đây có lẽ làm chứng cho điều đó. Đang khi đó, trong ngữ cảnh trực tiếp của các biểu thức được tường thuật lại chúng ta đọc thấy một đoạn cho ta một cái nhìn khác về tổng thể giáo huấn của thánh Phaolô hàm ẩn trong chương 7 của Thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô: “Tôi ước muốn mọi người đều như tôi (ngài lặp lại luận cứ biện hộ cho chọn lựa ưu tiên của ngài không kết hôn); nhưng mỗi người được Thiên Chúa ban cho đặc sủng riêng, kẻ thế này, người thế khác”.[140] Bởi thế, ngay cả những người chọn sống đời hôn nhân cũng nhận được từ Thiên Chúa một “ơn”, là “ơn riêng”, tức là một đặc sủng do chọn lựa ấy, từ cách sống này, từ bậc sống đó. Ơn huệ của những người sống đời hôn nhân khác với ơn huệ của những người sống độc thân trinh khiết, chọn tiết dục vì Nước Thiên Chúa. Nhưng đó thực sự là một “ơn Chúa”, một “ơn riêng” cho những con người cụ thể, và “đặc biệt”, nghĩa là thích hợp với bậc sống của họ.

9. Vậy, ta có thể nói rằng trong khi thánh Tông đồ, nhắc nhở đến khía cạnh nhân bản trong hôn nhân (và hoàn cảnh riêng của địa phương ở Côrintô lúc bấy giờ), rất lưu ý đến khía cạnh động lực liên quan tới dục vọng xác thịt, đồng thời với một xác tín không kém ngài cũng nêu bật tính chất bí tích và ”đặc sủng” của bậc sống ấy. Ngài thấy rõ hoàn cảnh của con người bị câu thúc bởi dục vọng xác thịt, cũng như thấy rõ hoạt động của ân sủng trong mỗi con người (kẻ sống đời hôn nhân cũng như người chọn sống độc thân khiết tịnh tự nguyện), trong khi vẫn biết rằng “bộ mặt thế giới này đang qua đi”.

LXXXV. “SỰ NHƯỢNG BỘ” CỦA THÁNH PHAOLÔ TRONG VIỆC VỢ CHỒNG KIÊNG CỮ TRONG LINH ĐẠO CỦA THẦN HỌC VỀ THÂN XÁC

(Ngày 14 tháng 7 năm 1982)

1. Trong những khảo sát trên đây và trong khi phân tích chương bảy của Thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô, chúng ta đã cố gắng nhặt lấy và tìm hiểu những giáo huấn và lời khuyên nhủ của thánh Phaolô nói với các độc giả của ngài về các vấn đề liên quan đến hôn nhân và tiết dục tự nguyện (hay không kết hôn). Khi khẳng định rằng ai chọn hôn nhân thì “làm một điều tốt” và ai chọn độc thân trinh khiết thì “làm điều tốt hơn”, thánh Tông đồ ám chỉ đến sự mỏng dòn của thế gian này – hay tất cả những gì là tạm bợ.

Dễ nhận thấy rằng lí do sự mỏng dòn yếu đuối của những cái tạm bợ đời này, trong trường hợp ở đây, nói mạnh mẽ hơn nhiều khi ám chỉ đến thực tại “đời sau”. Mặc dù thánh Tông đồ không phải là không gặp khó khăn khi diễn tả ở đây, nhưng ta vẫn có thể đồng ý với nhau rằng ở nền tảng của sự giải thích chủ đề “hôn nhân-đồng trinh” của ngài, không thấy nhiều chất siêu hình học về thực tại phụ tùy (cũng là phù du) cho bằng là thần học về một niềm trông đợi vĩ đại (điều thánh Phaolô hằng nhiệt thành cổ vũ). Định mệnh vĩnh cửu của con người không phải là “đời này”, nhưng là Nước Thiên Chúa. Con người không thể quá gắn bó với những của cải chóng qua của đời tạm này.

2. Thế nhưng, hôn nhân được nối kết với “bộ mặt của thế giới” đang qua đi này; và ở đây theo một nghĩa nào đó, chúng ta đang rất gần với tầm nhìn do Đức Kitô mở ra khi Người loan báo về sự phục sinh tương lai.[141] Bởi thế, theo thánh Phaolô, Kitô hữu phải sống cuộc hôn nhân của mình theo quan điểm ơn gọi sau cùng của nó. Trong khi hôn nhân nối kết với bộ mặt của thế giới đang qua đi này và vì thế, theo một nghĩa nào đó, nó buộc người ta tất yếu phải khép mình lại trong phận số mỏng manh này, ngược lại có thể nói độc thân (không kết hôn) thì tự do không bị mắc vào tình cảnh hèn kém ấy. Chính vì thế thánh Tông đồ tuyên bố rằng những ai chọn bậc sống độc thân trinh khiết thì “làm điều tốt hơn”. Mặc dù ngài lí luận như thế, nhưng quan trọng là ngài đã đặt lên ưu tiên hàng đầu vấn đề trước hết lo “làm đẹp lòng Chúa” và “chuyên lo việc của Chúa”.

3. Có thể nói rằng chính những lí do ấy càng ủng hộ điều thánh Phaolô khuyên những người đàn bà ở góa: “Người vợ bị ràng buộc bao lâu chồng còn sống. Nếu chồng chết rồi, thì vợ được tự do, muốn lấy ai thì lấy, miễn là trong Chúa. Nhưng theo ý kiến của tôi, người ấy có phúc hơn nếu ở vậy. Tôi thiết nghĩ: tôi cũng được Thần Khí của Thiên Chúa soi sáng”.[142] Bởi thế, ở góa thì tốt hơn là kết hôn lần nữa.

4. Nhờ những gì chúng ta đã khám phá qua việc đọc thấu suốt Thư thứ nhất gởi tín hữu Côrintô (đặc biệt là ch.7), ta thấy thần học về thân xác của thánh Phaolô bộc lộ tất cả tính duy thực của nó. Nếu vị Tông đồ trong bức thư có tuyên bố “thân xác của anh em là Đền Thờ của Chúa Thánh Thần”,[143] ngài đồng thời cũng hoàn toàn ý thức rằng con người bị khống chế bởi sự yếu đuối và xu hướng tội lỗi, chính là bởi dục vọng xác thịt.

Thế nhưng, dù sao ý thức đó cũng không làm mờ tối đi thực tại ơn Chúa được thông ban, cho những người không kết hôn, cũng như cho những người lấy vợ lấy chồng. Trong chương 7 Thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô chúng ta thấy thánh Phaolô khuyến khích rõ ràng ở độc thân, và xác tín ai tự chọn điều đó thì đã “làm một điều tốt hơn”. Thế nhưng ta không thấy có một cơ sở nào để xem những người sống bậc hôn nhân là những kẻ sống theo tính “xác thịt”, và những người sống độc thân vì lí do tôn giáo, là những kẻ sống theo “thần khí”. Thật vậy, Trong bậc sống này cũng như bậc sống kia – ngày nay thường nói là trong ơn gọi này cũng như trong ơn gọi kia – đều có hoạt động của “ơn huệ” Chúa ban, tức là ân sủng biến đổi thân xác thành “đền thờ của Chúa Thánh Thần” và điều đó có ở nơi bậc đồng trinh (độc thân khiết tịnh) cũng như bậc hôn nhân, nếu con người biết giữ mình trung thành với ơn riêng Chúa ban, sống phù hợp với bậc sống mình, nghĩa là với ơn gọi của mình, không “làm ô uế” “đền thờ này của Chúa Thánh Thần”, tức thân xác của mình.

5. Trong giáo huấn của thánh Phaolô, đặc biệt trong chương 7 Thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô, chúng ta không thấy có một dấu hiệu báo trước nào cho cái sau này gọi là “chủ nghĩa Manikê”. Vị Tông đồ của chúng ta hoàn toàn ý thức rằng – dù bậc độc thân vì Nước Trời vẫn luôn xứng đáng được đề cao, nhưng – ân sủng (tức “ơn riêng Chúa ban”) vẫn trợ giúp các đôi vợ chồng trong đời hôn nhân, trong đó (theo St 2,24) họ kết hợp thân mật với nhau nên “một xương một thịt”. Thế nên, đời sống thân xác vợ chồng được đặt dưới quyền năng của ân sủng, là ”ơn riêng Chúa ban” cho họ. Thánh Phaolô viết ra điều ấy với cũng một thái độ rất thực tế vốn là đặc trưng của chương 7 của bức Thư này: “chồng hãy làm tròn bổn phận đối với vợ, và vợ đối với chồng cũng vậy. Vợ không có quyền trên thân xác mình, nhưng là chồng; cũng vậy, chồng không có quyền trên thân xác mình, nhưng là vợ”.[144]

6. Người ta có thể nói rằng những phát biểu trên đây là một chú giải rõ ràng của Tân ước về những lời vừa mới nhắc đến trên đây của sách Sáng thế.[145] Tuy nhiên, những lời này, nhất là những diễn ngữ ”bổn phận” và ”không có quyền trên (thân xác)”, không được phép giải thích ở bên ngoài phạm vi đúng đắn của giao ước hôn nhân, như chúng ta đã cố giải thích khi phân tích các bản văn sách Sáng thế. Chúng ta sẽ cố gắng giải thích cách đầy đủ hơn khi nói về tính bí tích của hôn nhân dựa trên Thư gửi tín hữu Êphêsô.[146] Vào thời của ngài, người ta còn cần quay trở lại với các diễn ngữ quan trọng này, cách nói ấy, từ ngôn ngữ của thánh Phaolô, được chuyển vào toàn bộ thần học về hôn nhân.

7. Giờ đây, chúng ta tiếp tục chú ý đến những đoạn khác của cùng bản văn chương 7 Thư gởi tín hữu Côrintô, trong đó thánh Phaolô nói với hai vợ chồng những lời lẽ sau đây: “Vợ chồng đừng từ chối nhau, trừ phi hai người đồng ý sống như vậy trong một thời gian, để chuyên lo cầu nguyện; rồi hai người lại ăn ở với nhau, kẻo vì hai người không tiết dục nổi mà Satan lợi dụng để cám dỗ. Điều tôi nói đó là một sự nhân nhượng chứ không phải là một mệnh lệnh”.[147] Đây là một đoạn văn rất ý nghĩa, có lẽ nó còn cần được tham chiếu đến trong bối cảnh các suy tư về những chủ đề khác.

Thánh Phaolô Tông đồ, trong toàn bộ lí luận của ngài về hôn nhân và độc thân khiết tịnh, giống như Đức Kitô, ngài đã phân biệt rõ ràng giữa mệnh lệnh (hay giới răn) phải giữ và lời khuyên phúc âm. Điều rất có ý nghĩa, đó là, ngài cảm thấy cần phải nói đến cả “sự nhân nhượng” lẫn là một lề luật bổ sung và điều đó áp dụng trước nhất nơi các đôi vợ chồng và đời sống chung vợ chồng của họ. Thánh Phaolô nói rõ ràng rằng dù các đôi vợ chồng ăn ở với nhau hay tự nguyện tiết dục tạm thời trong một thời gian, tất cả đều do bởi “ơn Chúa” vốn là ơn “riêng” dành cho họ , và, trong khi hợp tác với ơn ấy cách ý thức chính các đôi vợ chồng có thể giữ vững và củng cố dây hôn phối của họ, và đồng thời cả phẩm giá thân xác của họ vốn là “Đền Thờ của Thánh Thần”.[148]

8. Xem ra luật “nhân nhượng” của thánh Phaolô cho thấy cần phải xét đến tất cả những yếu tố liên hệ một cách nào đó với chủ thể vốn được khắc ghi đậm sâu bởi sự phân giới nam-nữ này. Mọi sự trong chủ thể này vốn có bản tính vừa tâm linh vừa tâm-thể-lí, toàn thể sự phong phú bên trong của con người này, từ tinh thần cho tới thể chất, đều được bộc lộ ra qua nét riêng của giới tính (nam hay nữ tính). Tất cả những sự ấy phải ở bên dưới tầm ảnh hưởng của ân sủng mà mỗi người nhận được do Thiên Chúa ban, ơn riêng của người ấy.

Như đã thấy, thánh Phaolô trong chương 7 Thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô diễn giải giáo huấn của Đức Kitô về sự độc thân vì Nước Trời, với một cách thức rất mục vụ (đây vốn là một nét riêng của ngài), mà không bỏ qua ở đây những dấu nhấn mang tính rất cá nhân của ngài. Ngài giải thích giáo huấn về độc thân khiết tịnh, song song với đạo lí về hôn nhân, trong khi vẫn giữ tính thực tế của một vị mục tử và đồng thời, trung thành với những giáo huấn trong Phúc âm, trong những lời dạy của chính Đức Kitô.

9. Trong lời công bố của thánh Phaolô người ta có thể lại thấy cấu trúc nền tảng mà đạo lí mạc khải về con người, là kẻ với xác thân mình vốn được tiền định cho một “cuộc sống tương lai”. Cấu trúc cơ bản này nằm ở nền tảng của toàn bộ giáo huấn phúc âm về đời sống độc thân khiết tịnh vì Nước Chúa,[149] nhưng đồng thời đạo lí phúc âm về hôn nhân được hoàn tất sau cùng[150] cũng dựa trên nền tảng đó. Hai chiều kích này của ơn gọi con người không đối nghịch mà bổ túc cho nhau. Cả hai cho một câu trả lời đầy đủ đối với một câu hỏi nền tảng về con người, đó là: câu hỏi về ý nghĩa của “xác thể” con người, tức là ý nghĩa của sự kiện làm một người đàn ông (nam tính) hay một người đàn bà (nữ tính) “trong thân xác” này là gì.

10. Điều mà chúng tôi ở đây thường định nghĩa như là thần học về thân xác tự chứng tỏ như là một cái gì đó thực sự rất nền tảng và cơ bản cho toàn thể khoa thông diễn nhân học và đồng thời cũng rất nền tảng cho đạo đức học và cho thần học về đạo đức con người. Trong mỗi lãnh vực này, chúng ta cần chú tâm lắng nghe không những lời Đức Kitô nói, trong đó Người có nhắc đến cái “thuở ban đầu”[151] hay “tâm hồn” con người xét như là nơi chốn vừa nội tâm vừa “lịch sử”[152] của cuộc gặp gỡ với dục vọng của tính xác thịt; nhưng còn phải chú tâm lắng nghe những lời trong đó Đức Kitô nhắc đến sự phục sinh để cấy vào chính trái tim bất an của con người những hạt giống đầu tiên của lời đáp cho câu hỏi về ý nghĩa của xác thể trong viễn tượng của “đời sau”.

LXXXVI. NIỀM HI VỌNG CHIẾN THẮNG TỘI LỖI TRONG MẦU NHIỆM CỨU CHUỘC THÂN XÁC

(Ngày 1 tháng 7 năm 1982)

1. “Cả chúng ta cũng rên xiết trong lòng: chúng ta đã lãnh nhận Thần Khí như ân huệ mở đầu, nhưng còn trông đợi Thiên Chúa ban cho ... ơn cứu chuộc thân xác chúng ta nữa”.[153] Trong Thư gửi tín hữu Rôma thánh Phaolô nhìn “ơn cứu chuộc thân xác” này trong một chiều kích vừa nhân học vừa vũ trụ luận ... Quả thế, tạo thành “đã lâm vào cảnh hư ảo”.[154] Toàn thể tạo thành hữu hình, toàn thể vũ trụ mang lấy hậu quả của tội lỗi con người. “Cho đến bây giờ, muôn loài thụ tạo cùng rên siết và quằn quại như sắp sinh nở”[155]. Đồng thời “muôn loài thụ tạo những ngong ngóng đợi chờ ngày Thiên Chúa mạc khải vinh quang của con cái Người” và “vẫn cậy trông có ngày cũng sẽ được giải thoát, không phải lệ thuộc vào cảnh hư nát, mà được cùng với con cái Thiên Chúa chung hưởng tự do và vinh quang”.[156]

2. Theo thánh Phaolô, ơn cứu chuộc thân xác là đối tượng của niềm hi vọng. Niềm hi vọng này được gieo cấy vào tâm hồn của con người, theo nghĩa nào đó, ngay sau khi con người phạm tội đầu tiên. Chỉ cần nhớ những lời của sách Sáng thế, mà truyền thống xác định như là “tiền-Phúc-Âm”,[157] và có thể nói, như khởi điểm của Tin Mừng, lời loan báo ơn cứu độ đầu tiên. Theo lời của Thư Rôma, ơn cứu chuộc thân xác gắn liền với chính niềm hi vọng ấy, như ta đọc thấy ở trong đó “chúng ta đã được cứu độ”.[158] Bởi niềm hi vọng, vốn có từ thuở ban đầu của con người, mà ơn cứu chuộc thân xác có chiều kích nhân học của nó, đó là: sự cứu chuộc con người. Đồng thời, niềm hi vọng ấy chiếu tỏa, theo nghĩa nào đó, trên toàn thể tạo thành, từ đầu vốn gắn kết cách đặc biệt với con người và tùng phục con người.[159] Cứu chuộc thân xác bởi đó cũng là cứu chuộc thế giới, nên nó có chiều kích vũ trụ luận.

3. Trong khi giới thiệu (trong Thư Rôma) hình ảnh mang tính vũ trụ luận của ơn cứu chuộc, Phaolô thành Tarsô đặt con người ở ngay trung tâm điểm, như thể “từ thuở ban đầu” con người đã được đặt ở ngay trung tâm của hình ảnh của tạo thành. Chính con người, kẻ có “Thần Khí như ân huệ mở đầu “, rên xiết trong lòng đang khi trông đợi ơn cứu chuộc thân xác của mình.[160] Đức Kitô đến để mạc khải trọn vẹn con người cho con người và tỏ lộ ơn gọi rất cao cả của họ.[161] Trong Phúc âm Người nói về mầu nhiệm cứu chuộc sâu thẳm của Thiên Chúa, mà chủ thể “lịch sử” đặc thù là chính Người. Bởi thế, Đức Kitô nói nhân danh niềm hi vọng ấy, là niềm hi vọng vốn đã được gieo cấy vào tâm hồn con người rồi trong “tiền-Phúc-âm”. Đức Kitô thực hiện niềm hi vọng này, không những bằng lời giáo huấn nhưng nhất là bằng cái chết và sự phục sinh của Người. Như vậy, ơn cứu chuộc thân xác đã được thực hiện rồi trong Đức Kitô. Trong Người, niềm hi vọng mà trong đó “chúng ta đã được cứu độ”, đã được xác nhận. Và đồng thời, niềm hi vọng ấy đã lại được tái mở ra trở lại hướng đến sự thành tựu cánh chung sau cùng. “Mạc khải của con cái Thiên Chúa” trong Đức Kitô đã hướng dứt khoát đến sự “tự do và vinh quang”, điều mà “con cái Thiên Chúa” phải được tham dự dứt khoát.

4. Để hiểu toàn bộ những gì hàm chứa trong sự “cứu chuộc thân xác” theo Thư của thánh Phaolô gửi tín hữu Rôma, cần có hiểu biết về một thần học thân xác đích thực. Chúng ta đã nỗ lực xây dựng thần học ấy bằng cách tham chiếu trước hết lời của Đức Kitô. Những yếu tố căn bản của thần học thân xác nằm trong những lời Đức Kitô nói, trong đó Người nhắc đến “thuở ban đầu”, liên hệ đến nghi vấn về tính bất khả phân li của hôn nhân,[162] trong những lời Người nói về dục vọng liên hệ đến những gì ở trong lòng người trong Bài Giảng Trên Núi,[163] và trong những lời Người nói về sự phục sinh.[164] Mỗi lời loan báo trên đều hàm chứa một nội dung phong phú cả về nhân học lẫn về đạo đức học. Đức Kitô nói với con người – và cũng nói về con người: về con người là “thân xác”, và đã được tạo dựng như là người nam và như là người nữ theo hình ảnh và họa ảnh của Thiên Chúa; về con người với tâm hồn trĩu nặng bởi dục vọng; và sau cùng về con người, trước mắt mở ra một viễn tượng cánh chung về thân xác phục sinh.

“Thân xác” mang ý nghĩa (theo sách Sáng thế) là phương diện hữu hình của con người và là sự thuộc về thế giới hữu hình của con người. Đối với thánh Phaolô, nó không chỉ có ý nghĩa thuộc về ấy, mà đôi khi còn chỉ sự tha hóa của con người vuột tầm ảnh hưởng của Thần Khí Thiên Chúa. Cả hai ý nghĩa đó đều có liên quan đến sự “cứu chuộc thân xác”.

5. Vì trong các bản văn được phân tích trên đây Đức Kitô nói về mầu nhiệm cứu chuộc sâu thẳm của Thiên Chúa, những lời của Người phục vụ cho chính niềm hi vọng mà Thư Rôma nói tới. “Ơn cứu chuộc thân xác” theo thánh Phaolô Tông đồ là điều chúng ta “mong đợi” sau cùng. Như vậy, chúng ta mong đợi chính cuộc chiến thắng cuối cùng trên sự chết, điều mà Đức Kitô đã làm chứng đặc biệt qua sự phục sinh của Người. Dưới ánh sáng của mầu nhiệm Vượt Qua, những lời Người nói về sự phục sinh thân xác và về thực tại “đời sau”, mà các sách Nhất Lãm ghi nhận, có sức thuyết phục đầy đủ. Đức Kitô cũng như Phaolô thành Tarsô đã kêu gọi sống độc thân không kết hôn “vì Nước Trời” chính vì nhân danh thực tại cánh chung này.

6. Tuy nhiên, “ơn cứu chuộc thân xác” được diễn tả không chỉ trong sự phục sinh, tức sự chiến thắng trên sự chết. Nó hiện diện cả trong những lời của Đức Kitô nói với con người “lịch sử”, khi Người xác nhận nguyên tắc hôn nhân bất khả phân li, như là nguyên tắc đến từ chính Đấng Tạo Hóa, và cả khi (trong Diễn Từ Trên Núi) Đức Kitô mời gọi vượt thắng dục vọng, và những ý nghĩ xấu xa chỉ ở trong lòng con người. Hai điều nói trên, phải nói rằng, chúng liên hệ đến luân lí nhân bản, có một ý nghĩa đạo đức học. Vấn đề ở đây không chỉ là niềm hi vọng cánh chung về sự phục sinh, nhưng còn là niềm hi vọng chiến thắng tội lỗi, có thể gọi là hi vọng thường nhật.

7. Trong cuộc sống hàng ngày con người phải kín múc từ mầu nhiệm cứu chuộc thân xác ơn linh hứng và sức mạnh để vượt thắng sự dữ vốn thường tạm lắng trong mình dưới hình thái của ba thứ dục vọng. Người nam và người nữ kết hợp trong hôn nhân phải hàng ngày đảm lấy nhiệm vụ kết hợp bất khả phân li của giao ước mà họ đã kí kết với nhau. Nhưng cả những người nam hay người nữ tự nguyện chọn sống đời độc thân dâng hiến vì Nước Trời, cũng phải hàng ngày sống chứng tá thật sinh động làm chứng cho sự trung thành đối với chọn lựa của mình, đang khi lắng nghe những chỉ dẫn của Đức Kitô từ Tin Mừng và chỉ dẫn của thánh Phaolô Tông đồ từ Thư Thứ nhất gửi Tín hữu Côrintô. Trường hợp nào thì vấn đề cũng chính là niềm hi vọng hàng ngày được trải nghiệm qua các bổn phận bình thường và những khó khăn của cuộc sống, nó sẽ giúp ta “lấy sự thiện chiến thắng sự ác”.[165] Quả thật, “chúng ta đã được cứu độ trong hi vọng”: niềm hi vọng hàng ngày đó bộc lộ sức mạnh của nó trong các việc làm của con người và cả trong chính tâm tư của lòng người, và theo nghĩa nào đó, nó mở đường cho niềm hi vọng cánh chung lớn lao liên hệ tới ơn cứu chuộc thân xác.

8. Khi bước vào cuộc sống luân lí thường nhật, sự cứu chuộc thân xác trước hết giúp khám phá toàn bộ điều thiện hảo này, là con người chiến thắng được tội lỗi và dục vọng. Những lời của Đức Kitô rút ra từ mầu nhiệm sâu thẳm của ơn cứu chuộc của Thiên Chúa cho phép ta khám phá và củng cố mối liên kết giữa phẩm giá nhân vị (của người nam và của người nữ) và ý nghĩa hợp hôn của thân xác của mình. Những lời đó giúp ta hiểu và thực hành, dựa trên ý nghĩa ấy, sự tự do trưởng thành của ân ban, vốn được diễn tả một cách nào đó trong hôn nhân bất khả phân li, và một cách khác qua bậc sống từ khước hôn nhân vì Nước Trời. Trên các lối đường khác nhau ấy, Đức Kitô mạc khải trọn vẹn con người cho con người và cho họ biết “ơn gọi rất cao cả của họ”. Ơn gọi này được ghi khắc trong con người theo cấu trúc toàn thể tâm-thể lí của nó chính nhờ mầu nhiệm cứu chuộc thân xác.

Tất cả những cố gắng của chúng ta trong suốt những bài suy tư, để hiểu những lời của Đức Kitô, có nền tảng cuối cùng của nó là mầu nhiệm cứu chuộc thân xác.

(Còn tiếp)

Nguồn: hdgmvietnam.com

Đọc thêm các phần khác trong tác phẩm: “Thần học về thân xác – Tình yêu phàm nhân trong kế hoạch thần linh” của Thánh Giáo hoàng Gioan-Phaolô II:

Phần giới thiệu: Các nét chính của thần học về thân xác

Phần I: Thuở ban đầu (Giáo lí về sách Sáng Thế)

Phần II: Con tim được cứu rỗi (Giáo lí về Bài Giảng Trên Núi)

Phần III: Xác thể phục sinh

Phần IV: Đời sống độc thân trinh khiết Kitô giáo

Phần V: Đời sống hôn nhân Kitô giáo

Phần Cuối: Tình yêu và sự phong nhiêu

[1] Mc 12,25.

[2] Lc 20,34.

[3] X. Mt 22,23-30; Mc 12, 18-25; Lc 20,27-36.

[4] X. Mt 19,3-9.

[5] Ibid. 19,8-9.

[6] Ibid. 19,10.

[7] Ibid. 19,11-12

[8] Về vấn đề chú giải chi tiết đoạn văn này, nên tham khảo chẳng hạn như L. Sabourin, Il Vangelo di Matteo. Teologia e Esesegi, vol.II., Paoline, Roma 1977, 834-836; The Positive Values of Consecrated Celibacy, “The Way”, Supplement 10, summer 1970, 51; J. Blinzler, Eisin eunuchoi. Zur Auslegung von Mt 19,12, “Zeitschrift für die Neutestamentliche Wissenschaft”, 48 (1957), 268tt.

[9] Mt 19,11.

[10] ”Sự thánh thiện của Hội Thánh cũng được đặc biệt khích lệ bởi nhiều lời khuyên Chúa đã đề ra trong Phúc âm cho môn đệ noi theo. trong những lời khuyên ấy, trước hết phải kể ân huệ cao quí mà Chúa Cha ban cho một số người (x. Mt 19,11; 1Cr 7,7), để họ tận hiến trọn tình yêu không chia sẻ cho một mình Chúa cách dễ dàng hơn, trong bậc độc thân trinh khiết” ( Lumen gentium 42).

[11] Mc 12,25.

[12] X. vd., Lumen Gentium, 44; Perfectae Caritatis, 12.

[13] Mt 19,12.

[14] Ibid. 19,10-12.

[15] Tl 11,37.

[16] Ibid. 11,38-39.

[17] Thật ra, tiên tri Giêrêmia, bởi Chúa truyền lệnh cách minh nhiên, phải sống độc thân (cf. Gr 16,1-2); thế nhưng, đó chỉ là một “dấu chỉ tiên tri”, biểu trưng cho sự kiện dân và nước sẽ bị từ bỏ và hủy diệt.

[18] St 17,4.6-7.

[19] Mt 20,30.

[20] Như đã biết từ các nguồn ngoài Kinh Thánh, trong giai đoạn “trung ước” (intertestamentario) bậc sống độc thân trong bối cảnh của Do thái giáo được duy trì bởi một số thành viên thuộc giáo phái Essêni (cf. Giuseppe Flavio, Bell. Jud. II 8, 2: 120-121; Filone Al., Hypothet. 11, 14); thế nhưng tình trạng ấy chỉ có ở bên lề xã hội Do thái giáo chính thức và có lẽ không còn tồn tại sau đầu thế kỷ thứ II.

Trong cộng đồng Qumran bậc độc thân không bắt buộc đối với tất cả mọi người, nhưng một số thành viên giữ bậc ấy cho đến chết, đồng thời chuyển thông trên mảnh đất sống chung bình an ấy những chỉ thị của Đệ nhị luật (23,10-14) về việc giữ sự thanh sạch theo nghi thức bắt buộc trong suốt cuộc thánh chiến. Theo niềm tin của những người phái Qumran, cuộc chiến ấy kéo dài trường kì “giữa con cái của ánh sáng và con cái của bóng tối”; bởi thế, sống độc thân đối với họ là một diễn tả của tinh thần sẵn sàng chiến đấu (cf. 1 QmI 7, 5-7).

[21] Cf. 1Cr 7,25-40; cũng nên xt. Kh 14,4.

[22] Mt 22,30.

[23] Lc 20,34.

[24] Mc 12,25.

[25] 1Cr 15,28.

[26] Lc 1,34.

[27] Mt 1,20.

[28] Ibid. 13,55.

[29] Lc 3,23.

[30] Mt 1,20.

[31] Confessori – những Kitô hữu đã tuyên xưng niềm tin trung thành vào Đức Kitô giữa những cấm cách hay bằng đời sống nhân đức anh hùng, phân biệt với các vị tử đạo martiri – chú thích của N.D.

[32] Mt 19,12.

[33] X. Mt 19,10-12.

[34] Mt 19,10.

[35] X. Lc 20,35.

[36] X. Cl 1,24.

[37] Mt 19,11.

[38] St 2,18.

[39] Mt 19,10-12.

[40] Ibid.

[41] Ibid. 19,11-12.

[42] Gaudium et spes, 24.

[43] Mt 19,11-12.

[44] X. ibid.

[45] X. ibid. 5,27-28.

[46] 1Cr 7,38.

[47] Mt 19,11-12.

[48] Mt 19,10-12.

[49] Ibid. 5,27-28.

[50] X. St 2,24.

[51] Mt 19,21.

[52] Ibid. 19,11-12.

[53] Lc 20,34.

[54] Mt 19,12.

[55] 1Cr 7,7.

[56] Mt 19,12.

[57] Ibid. 19,11-12.

[58] Ibid. 22,1-14.

[59] X. Lc 9,23.

[60] Mt 19,11-12.

[61] X. 1Cr 7.

[62] X. Mt 19,11-12.

[63] X. ibid. 19,10.

[64] X. ibid. 19,3-9.

[65] X. ibid. 19,3-11.

[66] X. Mt 22,24-30; Mc 12,18-27; Lc 20,27-40.

[67] X. Mt 19,11-12.

[68] Mt 19,12.

[69] X. ibid. 19,3-9.

[70] Ibid., 19,10-12.

[71] X. đặc biệt là St 2,23-25.

[72] X. St 2,24.

[73] X. nhất là ibid. 2,23-25.

[74] Mt 19,12.

[75] St 2,23-25.

[76] Mt 19,11-12.

[77] X. Gaudium et Spes, 24.

[78] X. Mt 19,3-10.

[79] X. ibid. 19,11-12.

[80] X. ibid. 19,3-10.

[81] X. ibid. 19,11-12.

[82] Ibid. 19,11-12.

[83] Ibid. 19,12.

[84] Mt 19,8.

[85] Ibid. 19, 10-12.

[86] X. Ep 5,22-23.

[87] Mt 19,11-12.

[88] Gaudium et spes, 24.

[89] X. Mt 22,24-30; Mc 12,18-27; Lc 20,27-40.

[90] Mc 12,25.

[91] Mt 19,10-12.

[92] 1Cr 7.

[93] X. ibid.

[94] Ibid. 7,25.

[95] X. Mt 19,11-12.

[96] 1Cr 7.

[97] X. Mt 19, 2-12.

[98] 1Cr 7,36-38.

[99] Ibid.,27-28.

[100] Ibid. 7.

[101] Ep 5,21-33.

[102] 1Cr 7, 29.30-32.

[103] Ibid. 7,7.

[104] Ibid. 7,28.

[105] Ibid. 7,1.

[106] X. Ga 16,21.

[107] St 2,24.

[108] 1Cr 7,29.

[109] Ibid. 7,31.

[110] Ibid. 7,29; x. 7,31.

[111] X. Mt 19,12.

[112] Ibid.

[113] 1Cr 7,32.

[114] X. Lc 12,31.

[115] X. ibid. 10,41.

[116] 2Cr 11,28.

[117] X. Pl 2,20-21; 1Cr 12,25.

[118] 1Cr 10,26; x. Tv 23/24,1.

[119] X. vd. Pl 2,11.

[120] X. Cl 1,18.

[121] 1Cr 1,1.

[122] X. Cl 1,23.

[123] 1Cr 7,7.

[124] X. vd. Đnl 13,19.

[125] Ga 8,29.

[126] X. Rm 15,3.

[127] 1Cr 7,38.

[128] Ibid. 7,32.

[129] Ibid. 7,34.

[130] X. ibid.

[131] X. ibid. 7,35.

[132] Lc 22,28-29.

[133] Dt 4,15.

[134] X. 1Cr 7,35.

[135] Ibid. 7,34.

[136]Ep 5,27.

[137] 1Cr 7,31.

[138] Ibid. 7,8-9.

[139] Ibid. 7,1-2.

[140] Ibid. 7,7.

[141] X. Mt 22,23-32; Mc 12,18-27; Lc 20,27-40.

[142] 1Cr 7,39-40.

[143] Ibid. 6,19.

[144] 1Cr 3-4.

[145] St 2,24.

[146] X. Ep 5,22-33.

[147] 1Cr 7,5-6.

[148] X. 1Cr 6,19.

[149] X. Mt 19,12.

[150] X. Mt 22,30; Mc 12,25; Lc 20,36.

[151] Mt 19,4.

[152] X. Mt 5,28.

[153] Rm 8,23.

[154] Ibid. 8,20.

[155] Ibid. 8,22.

[156] Ibid. 8,19.20-21.

[157] X. St 3,15.

[158] Rm 8,24.

[159] X. St 1,28-30.

[160] Rm 8,23.

[161] X. Gaudium et spes 22.

[162] X. Mt 19,8.

[163] X. Mt 5,28.

[164] X. Mt 22,30.

[165] Rm 12,21.

 

bài liên quan mới nhất

Ngày 28/4: Thánh Phêrô Channe – Linh mục, tử đạo (1803-1841)

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng