PHÚC ÂM HÓA GIA ĐÌNH QUA VIỆC THỰC THI VAI TRÒ MỖI NGƯỜI VÀ TỔ CHỨC ĐỜI SỐNG GIA ĐÌNH
Mục lục 2. Vai trò của mỗi người trong gia đình để đem lại hạnh phúc cho nhau |
Để quản lý một công ty, người ta đòi bằng cấp quản trị kinh doanh... Học quản trị kinh doanh mất hết 4 năm trên ghế đại học, ra trường chưa chắc làm việc tốt. Vậy mà quản trị gia đình không ai có bằng cấp và học qua trường lớp nào cả. Có chăng thì 3 – 6 tháng học giáo lý hôn nhân. Hậu quả là gì?
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng những tội phạm nơi giới trẻ[1] đa phần có nguyên nhân từ gia đình: Cha mẹ không đủ quan tâm và dành thì giờ cho con cái, không biết cách tổ chức đời sống gia đình, không biết cách giáo dục con cái, nhất là trong thời đại mà truyền thông phát triển mau lẹ, giới trẻ lại không được cha mẹ hướng dẫn dạy bảo để sử dụng đúng...
Đó là nỗi lo ngại của Giáo hội và cũng là của xã hội. Đó cũng là một trong những ưu tư của các chủ chăn trong Giáo hội, ưu tư đã khiến Đức Giáo Hoàng Phanxicô chọn năm 2014 là năm Phúc Âm hóa gia đình và Hội đồng Giám mục Việt Nam, trong suốt nhiều năm qua, đã chọn gia đình làm đề tài mục vụ cho Giáo hội Việt Nam.
Phúc Âm hóa gia đình là thế nào? Phúc Âm hóa gia đình là đem tinh thần Phúc Âm thấm nhuần đời sống và sinh hoạt trong gia đình, bằng việc: sống chay tịnh, cầu nguyện và làm việc bác ái[2].
2. Vai trò của mỗi người trong gia đình để đem lại hạnh phúc cho nhau[3]
2.1. Người làm chồng làm cha với tư cách là người chủ gia đình, vừa lo cho cái ăn cái mặc của con cái, vừa lo cho con cái có được một sự giáo dục toàn diện. Lo sao cho con cái được học hành không chỉ tri thức nghề nghiệp mà còn đức tin và nhân bản.
Đối với con cái trong gia đình, Kinh Thánh khuyên:
“Đừng làm chúng tức giận, nhưng hãy giáo dục chúng thay mặt Chúa bằng cách khuyên răn và sửa dạy” (Ep 6, 4).
“Hãy sửa phạt con cái bao lâu còn hy vọng, nhưng đừng nóng nảy khiến nó phải chết” (Cn 19, 18).
“Đừng bao giờ thốt ra những lời độc địa, nhưng nếu cần, hãy nói những lời tốt đẹp, để xây dựng và làm ích cho người nghe [...]
Đừng bao giờ chua cay gắt gỏng, nóng nảy giận hờn, hay la lối thoá mạ, và hãy loại trừ mọi hành vi gian ác.
Phải có lòng thương xót và biết tha thứ cho nhau, như Thiên Chúa đã tha thứ cho anh em trong Đức Kitô” (Ep 4, 29-32).
Kinh Thánh khuyên người chồng phải có thái độ đối với vợ:
Người làm chồng hãy yêu thương chứ đừng cay nghiệt với vợ (Cl 3, 19).
Người làm chồng, hãy yêu thương vợ, như chính Đức Kitô yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh; [...] chồng phải yêu vợ như yêu chính thân thể mình. Yêu vợ là yêu chính mình. Quả vậy, có ai ghét thân xác mình bao giờ; trái lại, người ta nuôi nấng và chăm sóc thân xác mình, cũng như Đức Kitô nuôi nấng và chăm sóc Hội Thánh (Ep 5, 25. 28-29).
Anh em là những người chồng, trong cuộc sống chung, anh em nên hiểu rằng đàn bà thuộc phái yếu; hãy tỏ lòng quý trọng vì họ cũng được hưởng sự sống là hồng ân Chúa ban. Như thế, việc cầu nguyện của anh chị em sẽ không bị ngăn trở (1P 3, 7).
2.2. Người làm vợ, làm mẹ thể hiện sự dịu dàng trong gia đình, với chồng thì mỗi khi có những bất đồng, mâu thuẫn, buồn bực...
Mỗi khi có vấn đề tranh cãi hãy lấy lời của Gioan Tẩy Giả mà nói rằng: “Người phải lớn lên, còn tôi phải bé lại” (Ga 3, 30) chắc chắn sẽ làm cho bầu khí ôn hòa êm dịu.
Ca dao Việt Nam có câu: “Chồng giận thì vợ bớt lời, cơm sôi bớt lửa chẳng đời nào khê”.
Trong gia đình, thường thì người cha giáo dục con cái về chí hướng, sự nghiệp và nghị lực; còn người mẹ thường thiên về bồi dưỡng tâm hồn và tình cảm cho con. Mẹ cùng con đọc sách, nói chuyện, cười đùa, mẹ dạy con học chữ, dạy con đọc kinh, học hát, dạy con đạo lý làm người.
Với tâm tình dịu hiền, đảm đang, người mẹ dạy con mình nên người, biết sống theo lương tâm và luật Chúa dạy. Niềm hạnh phúc của người mẹ là mong muốn được nhìn thấy con mình trở thành những người hữu ích cho gia đình, quê hương và xã hội.
Những gì mẹ dành cho con, những gì mẹ dạy cho con sẽ là hành trang con mang theo suốt cuộc đời.
Người vợ đối với chồng, Kinh Thánh có lời khuyên:
Người làm vợ hãy phục tùng chồng, như thế mới xứng đáng là người thuộc về Chúa (Cl 3, 18).
Người làm vợ hãy tùng phục chồng như tùng phục Chúa, vì chồng là đầu của vợ cũng như Đức Kitô là đầu của Hội Thánh, chính Người là Đấng cứu chuộc Hội Thánh, thân thể của Người. Và như Hội Thánh tùng phục Đức Kitô thế nào, thì vợ cũng phải tùng phục chồng trong mọi sự như vậy (Ep 5, 22-24).
Chị em là những người vợ, chị em hãy phục tùng chồng, như vậy, dù có những người chồng không tin Lời Chúa, thì họ cũng sẽ được chinh phục nhờ cách ăn nết ở của chị em mà không cần chị em phải nói lời nào, vì họ thấy cách ăn nết ở trinh tiết và cung kính của chị em. Ước chi vẻ duyên dáng của chị em không hệ tại cái mã bên ngoài như kết tóc, đeo vòng vàng, hay ăn mặc xa hoa; nhưng là con người nội tâm thầm kín, với đồ trang sức không bao giờ hư hỏng là tính thuỳ mị, hiền hoà: đó chính là điều quý giá trước mặt Thiên Chúa (1P 3, 1-4).
2.3. Vai trò của con cái trong gia đình là biết vâng lời cha mẹ, quan tâm an ủi, hỏi han và phụng dưỡng cha mẹ khi già yếu bệnh tật...Con cái còn là cầu nối cho cha mẹ khi có điều khó nói với nhau.
Kinh Thánh khuyên con cái sống trong gia đình:
Hãy vâng lời cha mẹ theo tinh thần của Chúa, vì đó là điều phải đạo. Hãy tôn kính cha mẹ. Đó là điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa: để ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này (Ep 6, 1-3).
Kẻ làm con hãy vâng lời cha mẹ trong mọi sự, vì đó là điều đẹp lòng Chúa (Cl 3, 20).
Cả con cái, cũng phải dè chừng. Trong mọi việc làm, hãy biết tự tin, đó cũng là tuân giữ mệnh lệnh (Hc 32,22-23).
3. Việc tổ chức đời sống gia đình theo tinh thần Kitô giáo[4]
Tôi xin nhắc lại lời của các vị giám mục trong Thư mục tử Mùa Chay năm 2014 của Tổng giáo phận Sài Gòn: Phúc Âm hóa gia đình là đem tinh thần Phúc Âm thấm nhuần đời sống và sinh hoạt trong gia đình, bằng việc tổ chức đời sống cầu nguyện và làm việc bác ái trong đời sống gia đình và mỗi người phải tập sống chay tịnh.
3.1. Tổ chức cầu nguyện trong gia đình
i) Thiên Chúa phải là trên hết:
Một câu chuyện vui kể rằng: Hai vợ chồng già kia có một người con trai duy nhất, thấm thoát theo năm tháng, đứa con trai cũng đã đến tuổi thành hôn. Gia đình nghèo, nên hai vợ chồng đành phải ngăn tấm vách tre nứa để làm phòng riêng cho con cưới vợ.
Ngày lành tháng tốt đã đến, hai ông bà tổ chức lễ cưới cho con và đón dâu về nhà mình… Mọi việc diễn ra tốt đẹp, mọi người vui vẻ…Khuya hôm ấy, ông già nghe từ phía bên kia phòng, đứa con trai luôn miệng nói chuyện với vợ mình: “Em là số 1”…Giận mà thương, thương mà giận…!
Sáng hôm sau, khi mọi người trong nhà đều thức dậy, ông già liền bảo cô con dâu xuống bếp đun nước sôi pha trà và làm thức ăn sáng; còn bảo anh con trai ra bàn trà ngoài sân…Sau khi người con trai ngồi xuống ông liền hỏi (giọng chút hờn trách): Bố hỏi con: Tao và mẹ mày sinh mày ra, nuôi mày lớn, dựng vợ cho mày…thế mà hôm qua vừa mới cưới vợ về thì mày đã nói: “Em là số một” Vợ mày là số một thì tao với mẹ mày là số mấy??? Người con trai có chút bất ngờ…nhưng không cần suy nghĩ đã nói ngay: Bố mẹ là số một lớn - tức là I (số La Mã); vợ con là số một nhỏ - tức là số 1; nếu sau này con có con thì con của con sẽ là số 1.1. Tất cả đối với con đều là “số Một”, thưa Bố!
Trong Tông huấn về Gia đình số 11, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II dạy: Khi tạo dựng nên người nam và người nữ theo hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa ghi khắc vào đó ơn gọi cũng như khả năng và trách nhiệm tương ứng, mời gọi con người sống yêu thương và hiệp thông với Thiên Chúa và với nhau. Tình yêu ấy là ơn gọi cơ bản và bẩm sinh của mọi người[5].
Khi dạy giáo lý, tôi thường kể câu chuyện trong Sách Sáng Thế về việc tạo dựng theo ngôn ngữ khả dĩ như sau: Thiên Chúa dựng nên ông Ađam, sau đó Ngài để cho Ađam qua một cơn ngủ mê, trong khi ấy Thiên Chúa dựng nên Evà. Khi Ađam thức giấc, Ngài đưa Evà tới cho Ađam, ông vui mừng nhảy cẫng lên mà reo: “Ô, đây là xương bởi xương tôi...” Thế nhưng sau khi hai ông bà ăn Trái Cấm, họ trốn mặt Chúa (tức là khi không còn hiệp thông với Thiên Chúa nữa), Thiên Chúa đến và hỏi Ađam tại sao ngươi ăn trái cấm. Ông liền bực bội chỉ vào Evà và nói: “Tại cái con mụ mà Chúa đem tới cho con kìa!” Khi không còn hiệp thông với Thiên Chúa, tương quan của con người cũng sẽ bị đứt gãy.
Các giờ kinh trong gia đình là cơ hội dạy cầu nguyện và gắn bó với Chúa, là để luôn ý thức Chúa là số I, vợ hay chồng là số 1 và con cái cũng là số 1.1...
Chính những giờ cầu nguyện ấy sẽ giúp chúng ta hiệp thông với Chúa ngay cả những khi vui buồn sướng khổ và hờn giận nhau trong gia đình để nhờ đó mà chúng ta biết cùng nhau đón nhận, biết nằm xuống bên nhau, nắm tay nhau mà không than vãn, biết xin lỗi nhau mỗi khi có gì mất lòng và buồn giận nhau, biết trân trọng và lắng nghe nhau...”
ii) Duy trì giờ kinh nguyện trong gia đình:
Vợ chồng con cái sẽ tìm thấy được hạnh phúc, giúp cho vợ chồng biết tôn trọng lẫn nhau trong những khác biệt, hiệp nhất trong những dị biệt về tính tình sở thích của mỗi người trong gia đình. Gia đình biết dùng Lời Chúa để suy niệm và cầu nguyện thì sẽ biết lắng nghe tiếng Chúa, hiểu điều Chúa dạy và rồi cố gắng để sống điều Chúa muốn. Ấy là họ đang làm cho gia đình ấm êm hạnh phúc.
Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong một buổi nói chuyện với gia đình đã nhắc:
“Hãy cầu nguyện trong gia đình, vì lời cầu nguyện trong gia đình tăng thêm sinh lực. Chúng ta cần đến Chúa để tăng thêm sức mạnh, sự nâng đỡ, ân sủng và phúc lành”[6].
Ngoại trừ Thiên Chúa thì ai có thể làm cho chúng ta điều này mỗi ngày. Vậy cớ gì mà chúng ta lại không chạy đến với Ngài. Truyền thống công giáo từ xưa là việc tổ chức giờ kinh sáng tối trong gia đình. Việc này không bao giờ lỗi thời, chỉ lỗi thời do cách tổ chức mà thôi, làm sao để con cái đừng chán nản, mệt mỏi khi tham dự các giờ kinh gia đình.
Đức Giáo Hoàng Phanxicô dạy thế này: Cầu nguyện trong gia đình cần phải đơn giản. Cùng đọc kinh Lạy Cha quanh bàn ăn. Cùng lần chuỗi Mân Côi, cùng đọc và nghe Lời Chúa mỗi ngày trong 5 - 10 phút[7]. Chính trong giờ kinh nguyện gia đình chồng cầu nguyện cho vợ, vợ cầu nguyện cho chồng, cha mẹ cầu nguyện cho con cái và con cái cầu nguyện cho cha mẹ. Chính việc cầu nguyện làm cho gia đình ngày càng kiên vững và mọi người thêm yêu thương nhau hơn.
Thêm vào đó, gia đình cùng nhắc nhở nhau tham dự thánh lễ, lãnh nhận các bí tích...Vì Lời Chúa và Thánh Thể là bàn tiệc rất nhiều chất bổ dưỡng để tăng thêm “Vitamin Hạnh Phúc” trong gia đình.
3.2. Tổ chức một gia đình sống có mục tiêu ý hướng
- Trong gia đình, cha mẹ, con cái cần có một kế hoạch xây dựng gia đình. Kế hoạch ấy phải có mục đích, cụ thể rõ ràng và có thể thực hiện được.
Một giáo dân trong cùng khu giáo với tôi chia sẻ, gia đình anh có một quyết định chung đó là cùng nhau đọc Kinh Tối mỗi ngày, dù đôi khi Kinh Tối chỉ là một Kinh Lạy Cha, ba Kinh Kính Mừng...
Từ khi còn bé, tôi được dạy mỗi tối, trước khi ngủ, ít nhất phải đọc Lời Chúa của ngày hôm sau, đọc 3 Kinh Kính Mừng, với ba câu: “Lạy Mẹ vì Mẹ chẳng hề mắc tội tổ tông. Xin Mẹ giữ gìn xác hồn con được trong sạch.”, rồi Kinh Phú Dâng. Khi xa nhà sống một mình, tôi vẫn trung thành kế hoạch này của gia đình. Vì không khó để làm, chỉ mất chừng 7 – 10 phút.
- Định hướng cho việc học hành của con cái.
Luôn luôn tạo ra những thách đố cho mọi người và luôn tạo thời cơ tốt cho con cháu vươn lên.
Ví dụ: Đề ra cho con cái những chỉ tiêu thực hiện, nhưng đừng quá hoang tưởng, phải cụ thể và có thể thực hiện được. Tâm lý gọi là đề án A+ [tức là đề ra một số việc cần làm trong một thời gian (A)…Sau thời gian ấy, trẻ đã thực hiện thành nếp, thì đề nghị thêm một hoặc hai việc nữa (+)]
- Lập một thời khóa biểu làm việc rõ ràng hằng ngày và hằng tuần. Cha mẹ là người chú ý để giữ thời biểu đúng để làm gương và tạo động lực.
3.3. Tổ chức gia đình sống bác ái – yêu thương
Ơn gọi gia đình là ơn gọi bắt nguồn từ Thiên Chúa, Thiên Chúa yêu thương và phối hợp hai người thành vợ chồng và ban cho họ con cái. Gia đình là định chế được xây dựng bằng một tình yêu tự nguyện và thành sự bởi bí tích Hôn Phối. Trong gia đình vợ chồng con cái sống với nhau trong yêu thương và làm chứng cho tình yêu của Thiên Chúa đối với nhân loại và tình yêu của Chúa Kitô đối với Hội Thánh[8].
Cha mẹ phải biết lấy yêu thương mà tổ chức đời sống cho con cái và xây dựng hạnh phúc gia đình.
Khi đã có tình yêu trong gia đình, sẽ không còn các thứ bạo hành về thể xác, tâm lý, tinh thần...cho chính gia đình, cho dòng họ hai bên.
Nội và ngoại tôi ở hai đầu làng, từ nội về ngoại và ngược lại qua một khúc quanh và có một cây bóng mát, mẹ tôi kể lại, khi ba mẹ tôi cưới nhau hai ông bà có một giao kèo rằng: Khi từ bên ngoại hay bên nội đi về tới khúc quanh thì chuyện gì buồn bỏ lại bên này, không mang theo về bên kia, chuyện gì vui thì mang theo...Họ sống với nhau 8 năm thì ba tôi qua đời. Mẹ tôi tiếp tục làm dâu bên nội thêm 5 năm nữa và cũng tiếp tục giữ giao kèo đó với ba tôi. Nôi ngoại luôn vui vẻ và kính trọng nhau.
Một gia đình muốn sống yêu thương cần có một con người yêu thương. Đó là Chúa Giêsu. Hãy để Chúa Giêsu hiện diện trong gia đình mình, tập nhìn người khác với con mắt yêu thương như Chúa Giêsu, hiểu và chấp nhận nhau như Chúa Giêsu chấp nhận mỗi người chúng ta, tha thứ cho nhau như Chúa Giêsu đã tha thứ.
Trong gia đình sống những lời khuyên dạy trong Kinh Thánh:
- “Đừng bao giờ thốt ra những lời độc địa, nhưng nếu cần, hãy nói những lời tốt đẹp, để xây dựng và làm ích cho người nghe[...] Đừng bao giờ chua cay gắt gỏng, nóng nảy giận hờn, hay la lối thoá mạ, và hãy loại trừ mọi hành vi gian ác. Trái lại, phải đối xử tốt với nhau, phải có lòng thương xót và biết tha thứ cho nhau, như Thiên Chúa đã tha thứ cho anh em trong Đức Kitô” (Ep 4, 29-32).
- “Hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hoà và nhẫn nại. Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người này có điều gì phải trách móc người kia. Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau” (Cl 3, 12-13).
- Hãy nói sự thật với nhau và với người thân cận. Khi nổi giận, đừng để mặt trời lặn mà cơn giận vẫn còn (Ep 4, 26-27).
- Hãy đồng tâm nhất trí, thông cảm với nhau, hãy yêu thương nhau như anh em, hãy ăn ở nhân hậu và khiêm tốn. Đừng ganh tỵ vì hư danh, nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà đối xử với kẻ khác (Pl 3, 2-3).
- Đừng lấy ác báo ác, đừng lấy lời nguyền rủa đáp lại lời nguyền rủa, nhưng trái lại, hãy chúc phúc, vì anh chị em được Thiên Chúa kêu gọi chính là để thừa hưởng lời chúc phúc. Thật thế, ai là người thiết tha được sống và ước ao hưởng chuỗi ngày hạnh phúc, thì phải giữ mồm giữ miệng, đừng nói lời gian ác điêu ngoa; người ấy phải làm lành lánh dữ, tìm kiếm và theo đuổi bình an (1Pr 3, 8-9).
Tổ chức những lần thăm viếng ông bà nội ngoại, đi thăm viếng và giúp đỡ người nghèo khổ, đau yếu...Đề nghị và khuyến khích con cháu tham gia các hoạt động cộng đồng tùy theo tuổi tác và sức lực.
Đó là cách dạy cho con cái biết quan tâm đến người khác.
Một kinh nghiệm về tổ chức của gia đình Nhật Bản mà tôi được học là trong gia đình có một phòng chung, chung quanh phòng này người ta bố trí các bàn làm việc của mỗi thành viên trong gia đình, đến giờ làm việc mà ai đang ở nhà đều ngồi làm việc tại vị trí của mình. Ông bà, cha mẹ, con cái...và mỗi người khi ngẩng đầu lên đều thấy người thân của mình...Vì thế mà sinh viên Nhật Bản khi được hỏi: bạn học vì ai và cho ai? Họ trả lời tôi học trước hết cho tổ quốc, và rồi cho gia đình, cuối cùng là cho bản thân tôi.
(Mỗi gia đình có thể suy nghĩ và kể thêm một số hoạt động cần tổ chức trong sinh hoạt gia đình)
Phúc Âm hóa đời sống gia đình, hệ tại trước hết nơi mỗi người chúng ta, qua việc tổ chức đời sống trong gia đình của chúng ta sao cho Thiên Chúa luôn là số I trong gia đình, làm sao để Chúa Giêsu luôn hiện diện trong gia đình. Mà Chúa là thành lũy và là Đấng bảo vệ tôi. Tôi nào có sợ chi ai.
Ước mong tinh thần Phúc Âm thấm nhuần trong mỗi gia đình để mọi người sống hòa thuận yêu thương nhau và con cái học được bài học yêu thương và nhân ái từ trong gia đình. Ước mong các bậc cha mẹ noi gương Đức Mẹ và Thánh Giuse, biết tổ chức đời sống gia đình trong sự kiên nhẫn và lấy tình yêu thương mà đối xử với nhau và với con cái, biết sống theo lẽ phải để con cái có khả năng biết phân biệt phải trái và sống tự chủ bản thân thay cho những gay cấn bạo lực. Đó là chúng ta đang Phúc Âm hóa đời sống gia đình.
Nguyện xin Chúa Giêsu, Đấng đã đến ở với gia đình Nagiaret, cũng hiện diện nâng đỡ, chúc phúc và gìn giữ các gia đình trong tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa.
Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGMVN, Số 137 (Tháng 9 & 10 năm 2023)
Nguồn: hdgmvietnam.com
Các bài trong Bản tin Hiệp thông của Hội đồng Giám mục Việt Nam số 137 (tháng 9 & 10 năm 2023) với chủ đề: Gia đình hiệp thông, Giáo xứ hiệp thông.
MỤC LỤC I. CHUYÊN ĐỀ • DÂN THIÊN CHÚA TIẾN BƯỚC TRONG HY VỌNG • ĐỒNG TRÁCH NHIỆM, ƠN GỌI CÁ NHÂN VÀ PHÂN ĐỊNH ĐẶC SỦNG • SỰ KHÔN NGOAN ĐỐI VỚI HÀNH TRÌNH THƯỢNG HỘI ĐỒNG • SỐNG MẦU NHIỆM GIA ĐÌNH GIÁO HỘI HIỆP THÔNG • GIA ĐÌNH HIỆP THÔNG • PHÚC ÂM HÓA GIA ĐÌNH QUA VIỆC THỰC THI VAI TRÒ MỖI NGƯỜI VÀ TỔ CHỨC ĐỜI SỐNG GIA ĐÌNH • CĂN CƯỚC ĐÀN ÔNG, CĂN CƯỚC ĐÀN BÀ II. ĐỜI SỐNG ĐỨC TIN • TIN TỔNG HỢP GIÁO HỘI CÔNG GIÁO VIỆT NAM THÁNG 7 & 8 NĂM 2023 • CÙNG MẸ GÓP NHẶT YÊU THƯƠNG • THÔNG TIN Một số hoạt động của Giáo hội Công giáo tại Việt Nam nhân dịp đón |
[1]Theo tổng kết sơ bộ của Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm (Bộ Công an), trong 6 tháng đầu năm 2011, Cục đã xử lý 15.000 vụ phạm pháp hình sự, xử lý trên 22.000 đối tượng, trong đó có hơn 75% là thanh thiếu niên. Điều đáng nói là so với những năm trước, đối tượng phạm tội ngày càng trẻ hóa và hành vi phạm tội cũng như tính chất mức độ phạm tội ngày càng nghiêm trọng hơn.
Hoàn cảnh gia đình tội phạm là: 11% tội phạm có bố mẹ ly hôn, 29% số bố mẹ không đáp ứng nhu cầu của các em như ăn ở, giáo dục, 5% bị bố mẹ từ chối nuôi dưỡng và giáo dục, 45% do bố mẹ chỉ biết kiếm tiền mà không quan tâm đến con cái. (Nguồn http://www.pup.edu.vn/vi/Trung-tam-NC-TPH--PNTP/75--toi-pham-hinh-su-la-nguoi-tre)
[2]Thư Mục Tử Mùa Chay năm 2014 của các Giám mục TGP Sài Gòn.
[3]Dựa theo bài của Mary Nguyễn Hòa – MTG Quy Nhơn, Tin Mừng Hóa - Trong Chia Sẻ - Nội san thần học Liên Tu Sĩ, tháng 3/2014
[4]Nt Têrêsa Ngọc Lễ - Đaminh Thánh Tâm, Gia Đình: Phúc Âm Hóa Để Truyền Loan Tin Mừng - trong Chia Sẻ - Nội san thần học Liên Tu Sĩ, tháng 3/2014
[5]ĐGH Gioan Phaolô II, Tông huấn về Gia đình, số 11.
[6]Huấn từ của ĐGH Phanxicô với các gia đình tại Rôma, ngày 28/10/2013.
[7]Huấn từ của ĐGH Phanxicô với các gia đình tại Rôma, ngày 28/10/2013.
[8]ĐGH Gioan Phaolô II, Tông huấn về Gia đình, số 11 và 13.