Tháng Mân Côi – Cùng Mẹ sống thiên chức người Nữ

Mỗi độ tháng Mân Côi về, người Công Giáo chúng ta vẫn thường có thói quen đạo đức tốt đẹp là Lần Chuỗi Mân Côi liên kết thành tràng hoa Mân Côi dâng Mẹ. Người người lần chuỗi, nhà nhà lần chuỗi, từ Giáo xứ, Giáo Họ, xóm đạo nhỏ, Nhà Dòng, Chủng Viện… ai cũng cố gắng và dành chút hy sinh dâng Mẹ qua những lời kinh đơn sơ của mình… điều đó thật đẹp biết bao. Và tôi – một nữ tu nhỏ bé cũng dâng Mẹ những việc làm đó của mình như lòng yêu mến và xin Mẹ cùng đồng hành với mình trong ơn gọi thánh hiến. Trong tâm tình suy ngắm những mầu nhiệm cuộc đời của Mẹ với Chúa, tôi thấy Mẹ đẹp, đẹp lắm! Mẹ đẹp không chỉ ở dung nhan (người ta vẫn nghĩ về Mẹ như thế khi phác họa hình ảnh của Mẹ mà) nhưng Mẹ đẹp nhiều trong cung cách của một người phụ nữ. Với Mẹ, tôi muốn học tập cách sống thiên chức làm người nữ Chúa đã phú ban cho mình.

1. Mẹ Maria – người nữ được chúc phúc

Ngày xưa, người nữ được xếp vào số những người bé mọn, là thành phần không đáng kể của xã hội. Còn hôm nay thì sao? Dường như chưa có bao giờ người ta nói nhiều về “Nữ quyền” như ngày hôm nay, cả trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Ngày Quốc Tế Phụ Nữ 8/3 và cũng trong tháng Mười (tháng Mân Côi đó bạn), có ngày Phụ Nữ Việt Nam 20/10… Thế nhưng dường như cũng chưa bao giờ phẩm giá và tư cách sống của người phụ nữ bị xuống cấp nhiều như hôm nay. Nhìn lại hình ảnh của Mẹ trong Tin Mừng Ga 2,1-11 chúng ta cũng có thể nói nôm na rằng: “Đằng sau sự thành công của người đàn ông luôn có bóng dáng của một người phụ nữ” hoặc xác tín hơn, chúng ta hiểu rằng: khởi đầu cho phép lạ hoá nước thành rượu Chúa làm là do sự gợi ý của Đức Maria – Mẹ Người. Giữa một bữa tiệc linh đình, mọi người đang vui vầy say sưa với men rượu nồng và rôm rả với những câu chuyện vui thì một sự kiện bất ngờ xảy ra: rượu cưới đã cạn. Đây quả là một dấu hiệu chẳng mấy tốt đẹp gì cho gia chủ nếu không muốn nói đó là một điềm xấu trong cái nhìn của người đời về tương lai của đôi tân hôn hôm ấy. Sự bối rối, lo lắng của họ không tránh khỏi được ánh mắt quan tâm và sự tế nhị của Đức Mẹ. Mẹ đã được mời đến bữa tiệc trong sự thân tình của một vị khách, nhưng không chỉ dừng lại ở đó, Mẹ đã đến với họ bằng tình thân thương và sự quan tâm như một người trong gia đình. Mẹ đã đến với Đức Giêsu – con mình. Mẹ đã chỉ nói với Ngài một câu thật ngắn gọn: “Họ hết rượu rồi” (Ga 2,3)… nhưng có lẽ trong câu nói ấy ẩn chứa cả một niềm tin, một sự mời gọi Chúa hãy làm gì đi với cả một ánh mắt đầy ý nhị của Mẹ. Sau đó, Mẹ mời gọi con người thông chia đức tin với Mẹ và thể hiện niềm tin ấy bằng hành động để cho Đức Giêsu hướng dẫn: “Người bảo gì các anh cứ việc làm theo” (Ga 2,5). Và phép lạ đã xảy ra: nước đã hoá thành rượu. Phép lạ đầu tiên này không chỉ cứu gia chủ tiệc cưới một “bàn thua trông thấy” nhưng còn là một dấu ấn khá mạnh trong tâm thức các môn đệ khi các ông vừa nhận biết người thầy của mình. Đó là rượu mới của tình yêu Thiên Chúa đổ tràn trên con người qua lời khẩn nài của Đức Mẹ, là hoa trái của niềm tin vững mạnh Mẹ đặt vào Thiên Chúa. Có thể nói, qua Mẹ – Đức Giêsu đã làm phép lạ đầu tiên này để Thiên Chúa bày tỏ vinh quang mình cho con người và con người nhận biết một Thiên Chúa quyền năng và giàu tình yêu thương.

2. Những người nữ của Tin Mừng và thời đại

Lần giở lại từng trang Kinh Thánh, ta dễ nhận ra trên hành trình sứ vụ của Đức Giêsu cũng có nhiều bước chân của những người phụ nữ đạo đức. Một Maria âm thầm, nhẹ nhàng luôn lắng nghe Chúa sau những ngày Ngài dong duổi với công việc rao giảng và một Matta khéo léo, tận tình phục vụ để chỉ mong Chúa được dưỡng sức sau bao nhiêu vất vả (Lc 10,38-42). Hay là một Gioanna, Susana rất quảng đại giúp đỡ Chúa và các môn đệ trên mỗi hành trình đường dài (Lc 8,1-3)… một Veronica ý nhị mà can đảm vượt qua những hung hăng roi đòn của quân lính để trao cho Chúa chiếc khăn thấm đi máu và mồ hôi trên đường vác thập giá. Và có cả một Maria Madalena đầy tội lỗi nhưng đã được Chúa hoán cải bằng tình yêu để rồi bà trở thành người loan tin mừng phục sinh đầu tiên cho các môn đệ (Lc 7,36-50; Ga 20,11-18…)

Trong thời đại thông tin và kỹ thuật hôm nay, chúng ta – những nữ tu trẻ, các bạn gái, hay những người phụ nữ, là người mẹ – người vợ hiền trong gia đình, chúng ta biết đó là hồng ân của Chúa ban tặng. Người nữ vốn là phái yếu, phái đẹp nên yêu thương và được yêu thương là niềm hạnh phúc của người nữ. Hơn nữa, công việc và các vị trí xã hội cũng mở rộng ra hơn với bước chân của người nữ. Người nữ được quyền khẳng định vị trí và vai trò của mình, được tự do nhân danh “bình đẳng giới”… Nhưng mặt trái của điều đó không còn là “Công, dung, ngôn, hạnh” hay cái gọi là đạo “Tam tòng” cũng mờ nhạt hoặc biến chất đi rồi. Điều đơn giản của một cô gái ngày xưa như: nấu một bữa cơm, cắm một bình hoa hay gói một món quà tặng cho bạn bè cũng trở thành vấn đề khó khăn của các bạn gái trẻ ngày hôm nay. Các thanh thiếu nữ thản nhiên ghen tuông, bạo lực học đường hoặc công sở, thể hiện chính mình không phải bằng phẩm hạnh nhưng bằng ngôn ngữ của cơ thể… Cổ nhân vẫn thường nói: “Người đàn ông là trụ cột trong gia đình”. Điều đó thật đúng! Và hôm nay, tôi cũng mạn phép xin bổ sung thêm một ý nữa sau câu nói đó: “…và người phụ nữ cũng là nền tảng cho gia đình”. Chẳng phải ông bà ta đã đúc kết kinh nghiệm từ cuộc sống để nói lên một chân lý này sao: “Phúc đức tại mẫu”? Từ cuộc sống chúng ta quy chiếu vào Tin Mừng – một quyển sách không bao giờ cũ hay lỗi thời đã cho chúng ta hình ảnh kiểu mẫu của những người phụ nữ: biết quan tâm như Mẹ Maria, biết phục vụ như cô Matta, biết yêu thương, ý nhị như cô Maria, biết quảng đại như bà Gioanna và bà Susana… tất cả những điều này giúp chúng ta không đánh mất thiên chức “là phụ nữ” Chúa đã ban nhưng làm cho đời sống gia đình, Giáo Hội và xã hội vừa đằm thắm lại vừa phong phú bằng chính cuộc sống của mình.

* Lời kết

Trong những số cuối của Tông Huấn Evangelli Gaudium  – Niềm Vui Tin Mừng, Đức Thánh Cha Phanxico đã nói về hình ảnh của một người nữ – không phải là ngôi sao minh tinh màn bạc hay ngôi sao đang lên của giới Showbiz nhưng ngài nói về Mẹ Maria – là ngôi sao của công cuộc Tân Phúc Âm Hóa. Có một phong cách riêng được tìm thấy nơi Mẹ, đó là “phong cách Maria” – phong cách khiêm nhường, dịu dàng, quan tâm đầy ý nhị và hiền lành trong cách sống và sứ vụ của Mẹ. Ước gì mỗi chúng ta, những người nữ của thời đại hôm nay cũng học nơi Mẹ cung cách sống này để làm đẹp hơn cho Giáo Hội và xã hội hôm nay.

 

bài liên quan mới nhất

Thứ Ba tuần VII Phục Sinh: “Lạy Cha, xin hãy làm vinh hiển Con Cha”

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng