Suy niệm Tin Mừng Thứ Tư Tuần XXXI Mùa Thường Niên Năm chẵn

BÀI ĐỌC I: Pl 2, 12-18

“Anh em hãy lo cho mình được ơn cứu độ; Thiên Chúa tạo nên trong anh em cả ý muốn lẫn việc làm”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Philipphê.

Anh em thân mến, như anh em vẫn luôn luôn vâng lời, không phải trong lúc tôi có mặt mà thôi, nhưng hơn nữa, cả lúc này là lúc tôi vắng mặt, anh em cũng phải kinh hãi run sợ mà lo cho mình được ơn cứu độ. Vì chưng, Thiên Chúa là Đấng tạo nên trong anh em cả ý muốn lẫn việc làm theo sở định của Người.

Anh em hãy thi hành mọi việc, đừng kêu ca và nghi ngại, để anh em biến thành những người không có gì đáng chê trách, và trở nên những người con vẹn toàn không ai bắt lỗi được của Thiên Chúa ở giữa một thế hệ hư hốt và gian tà. Giữa những kẻ ấy, anh em hãy chiếu sáng ra như những vì sao trong vũ trụ, hãy tích trữ lời hằng sống, để làm sáng danh tôi trong ngày của Đức Kitô, vì tôi đã không bôn tẩu cách hư luống và đã không uổng công lao nhọc.

Và nếu tôi phải đổ máu làm lễ vật tiến dâng vì đức tin anh em, tôi sẽ vui mừng và hân hoan với tất cả anh em. Và cả anh em nữa, anh em cũng sẽ được vui mừng và hân hoan với tôi. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 26, 1. 4. 13-14

A+B=Chúa là sự sáng và là Đấng cứu độ tôi (c. 1a).

Xướng: 1) Chúa là sự sáng, là Đấng cứu độ, tôi sợ chi ai? Chúa là Đấng phù trợ đời tôi, tôi sợ gì ai? – Đáp.

2) Có một điều tôi xin Chúa, một điều tôi kiếm tìm, đó là tôi được cư ngụ trong nhà Chúa suốt đời tôi, hầu vui hưởng sự êm đềm của Chúa, và chiêm ngưỡng thánh điện của Ngài. – Đáp.

3) Tôi tin rằng tôi sẽ được nhìn xem những ơn lành của Chúa trong cõi nhân sinh. Hãy chờ đợi Chúa, hãy sống can trường, hãy phấn khởi tâm hồn và chờ đợi Chúa! – Đáp.

ALLELUIA: x. Cv 16, 14b

-Lạy Chúa, xin hãy mở lòng chúng con, để chúng con nghe lời của Con Chúa. – Alleluia. 

PHÚC ÂM: Lc 14, 25-33

“Ai không từ bỏ tất cả của cải mình có, thì không thể làm môn đệ Ta”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, có nhiều đám đông cùng đi với Chúa Giêsu, Người ngoảnh lại bảo họ rằng: “Nếu ai đến với Ta mà không bỏ cha mẹ, vợ con, anh chị em và cả mạng sống mình, thì không thể làm môn đệ Ta. Còn ai không vác thập giá mình mà theo Ta, thì không thể làm môn đệ Ta. Và có ai trong các ngươi muốn xây tháp mà trước tiên không ngồi tính toán phí tổn cần thiết, xem có đủ để hoàn tất không, kẻo đặt móng rồi mà không thể hoàn tất, thì mọi người xem thấy sẽ chế diễu người đó rằng: ‘Tên này khởi sự xây cất mà không hoàn thành nổi’.

“Hoặc có vua nào sắp đi giao chiến với một vua khác, mà trước tiên không ngồi suy nghĩ xem mình có thể đem mười ngàn quân ra đương đầu với đối phương dẫn hai mươi ngàn quân tiến đánh mình chăng? Bằng chẳng nổi, thì khi đối phương còn ở xa, vua ấy sai một phái đoàn đến cầu hoà. Cũng thế, bất kỳ ai trong các ngươi không từ bỏ tất cả của cải mình có, thì không thể làm môn đệ Ta”. Đó là lời Chúa.

(thanhlinh.net)

++++++++++++++++++

07/11/2018 – THỨ TƯ ĐẦU THÁNG TUẦN 31 TN

Lc 14,25-33

HỌC TỪ BỎ ĐỂ TRỞ NÊN MÔN ĐỆ

“Cũng vậy, ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được.” (Lc 14,33)

Suy niệm: Trong xu thế của thời đại hưởng thụ và tích lũy này, nói đến “từ bỏ hết những gì mình có” xem ra là một thứ “cung đàn lạc điệu”. Tuy nhiên, đối với những người “con cái Chúa”, đó lại là điều kiện tất yếu và tiên quyết, vì không từ bỏ cũng đồng nghĩa là không thể trở nên môn đệ của Chúa Ki-tô được. Ơn gọi làm “con cái Chúa” là chấp nhận sự điên rồ của Thập giá, cớ vấp phạm cho người đời. Có “từ bỏ hết những gì mình có,” là biết “nói không” với thế gian, ma quỷ và xác thịt thì mới có thể là “sen” mọc “giữa bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”, là đèn để “gần mực” mà chẳng “đen” nhưng chiếu sáng cho cả nhà. Vì thế, đòi hỏi trước tiên đối với người môn đệ của thời đại hôm nay là từ bỏ lối sống hưởng thụ tích luỹ, điều mà người thời đại hôm nay đang theo đuổi.

Mời Bạn: xét mình về xu hướng hưởng thụ của bạn: 1. Cách mau sắm tiêu dùng của bạn có thực sự là vì nhu cầu thiết yếu không, hay chỉ là sự đua tranh cho “hợp thời trang,” để chứng tỏ mình “sành điệu”? 2. Bạn có nghĩ rằng việc từ bỏ một số nhu cầu quen thuộc – kể cả việc tiết giảm sử dụng điện nước – có thể góp phần vào việc nên thánh của bạn không? 3. Khi những nhu cầu đó bỗng nhiên bị mất – bị cúp điện nước vì bão chẳng hạn – bạn đã phản ứng thế nào?

Sống Lời Chúa: Từ bỏ xu hướng hưởng thụ bằng cách tự nguyện tiết giảm một số chi tiêu để sẵn sàng chia sẻ với tha nhân hơn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, con tin Chúa là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống. Xin cho con vững tin sẵn sàng từ bỏ để vững bước theo Chúa, vì đó chính là “mối lợi và sự khôn ngoan” lớn lao nhất.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

7 THÁNG MƯỜI MỘT

Một Cộng Đoàn Yêu Thương

Cộng đoàn Kitôhữu được sinh ra từ Lời Chúa và cắm rễ sâu trong mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô. Nhưng có một yếu tố thứ ba nữa làm nên đời sống cộng đoàn, đó là tình yêu được Chúa Thánh Thần đổ tràn trong lòng chúng ta (Rm 5,5). Thật vậy, cộng đoàn sẽ ra sao nếu thiếu vắng tình yêu? Đời sống cộng đoàn chúng ta sẽ ra sao nếu chúng ta không thi hành điều mà Công Đồng gọi là “luật” của Dân mới của Thiên Chúa: yêu thương như Chúa Kitô yêu chúng ta (LG. 9)? Đời sống cộng đoàn chúng ta sẽ ra sao nếu chúng ta không có mối hiệp thông trọn vẹn với giám mục của mình và với Giáo hội trên toàn cầu?

Nhưng tình yêu ấy phải hữu hình. Nó phải là đặc trưng cho mọi khía cạnh đời sống chúng ta trong tư cách là một cộng đoàn. Mối hiệp thông thiêng liêng phải trở thành một mối hiệp thông của các quan hệ phong phú giữa người với người. Chúng ta phải có một cung cách đích thực Kitôhữu trong quan hệ với nhau. Như tôi đã từng khẳng định, thật vô cùng quan trọng việc một giáo xứ trở thành tiêu điểm sum họp vừa mang tính nhân bản vừa mang tính Kitô giáo, để tạo lập một đời sống cộng đoàn trọn vẹn.

Các cộng đoàn chúng ta được mời gọi cảm nếm trước nền văn minh tình thương. Và, căn cứ vào mẫu thức của các cộng đoàn Kitôhữu đầu tiên, thì chúng ta phải thể hiện được một đời sống xã hội phong phú đặc trưng bởi tình huynh đệ đích thực. Mối quan hệ của chúng ta phải được định hình bởi bởi tinh thần hiếu hòa và dâng hiến. Chúng ta cần một tinh thần cộng tác và hòa giải – để chữa lành những vết thương. Chúng ta cần một đời sống thiêng liêng vững mạnh có sức kết hiệp chúng ta với tình yêu của Thiên Chúa cũng như với tình yêu của anh chị em chung quanh mình.

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

NGÀY 07-11

Pl 2, 12-18; Lc 14, 25-33.

LỜI SUY NIỆM: “Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em và cả mạng sống mình nưa, thì không thể làm môn đệ tôi được. Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được. Từ bỏ hết nững gì mình có.”

            Chúa Giêsu thấy những người đang nô nức đi theo Người, trong lòng trí của họ mang đầy những niềm hy vọng lớn lao theo cách của thế gian là sẽ được vinh quang, quyền thế khi Người hiển trị trong Nước của Người. Nên Chúa đã nói rõ cho mọi người muốn đi theo Người cần phải có lòng trung thành đến độ sẵn sàng chịu gian khổ, từ bỏ tất cả những gì mình đang có, đang vui hưởng, kể cả từ bỏ chính minh, vác lấy khổ giá mà đi theo sau Người, và chết vì Người.

            Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã chọn và kêu gọi để chúng con trở thành Kitô hữu, xin cho mỗi người chúng con luôn biết đi trên con đường hẹp mà Chúa đã chỉ dạy, để chúng con được Chúa đón chúng con cuối con đường mà chúng con sẽ đến được gặp Chúa.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

07 Tháng Mười Một

Nỗi Khao Khát Của Hạt Muối

Khao khát duy nhất của hạt muối là được xem thấy biển. Bằng mọi giá, nó muốn khám phá thế nào là biển… Ngày kia, nó ra đi… Vừa đến bờ biển, nó khám phá ra một cái gì mênh mông, xanh ngắt và sống động. Nó thốt lên:

– Biển ơi, hãy nói đi, ngươi là ai?

Một đợt sóng trả lời:

– Hãy chạm đến ta, rồi ngươi sẽ hiểu.

Hạt muối trườn mình xuống nước. Ô kìa, nó cảm thấy ngây ngất, niềm vui tột cùng làm nó cảm thấy như không còn đứng vững được nữa. Nó cảm thấy như đang hòa lẫn từ từ trong nước. Niềm vui dâng trào. Nó lại hỏi một lần nữa:

– Biển ơi, hãy nói đi, ngươi là ai?

Một đợt sóng cuối cùng ôm ghì lấy nó và nó từ từ tan biến trong nước. Nó chợt reo vui lần cuối cùng:

– Bây giờ ta mới hiểu thế nào là biển: biển là một phần của chính ta.

Hạt muối chỉ có thể hiểu được thế nào là biển khi nó được hòa tan trong nước. Có chìm ngập trong biển, có đi vào biển mới hiểu được thế nào là biển… Thiên Chúa cao cả hơn lý trí của con người. Chúng ta không thể chỉ biết Thiên Chúa bằng lý trí… Hãy để cho Thiên Chúa chiếm ngự, hãy để cho Thiên Chúa ôm chầm lấy ta, ta mới có thể biết được Ngài là ai. Tình tri giao giữa Thiên Chúa và con người chỉ có thể nảy nở bằng thinh lặng, hòa nhập trong cảm mến, tri ân.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Tư Tuần 31 TN2

Bài đọcPhil 2:12-18; Lk 14:25-33.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Phải suy nghĩ tính tóan trước khi làm quyết định theo Chúa.           

            Con người có khuynh hướng muốn bắt cá hai tay: vừa muốn những sự sung sướng thế gian vừa muốn đạt tới Nước Trời. Có một câu truyện về một em bé, khi được hỏi: Em muốn làm gì khi lớn lên? Em bé phân vân không biết trả lời làm sao. Khi được gạn hỏi kỹ hơn, em bé trả lời em vừa muốn làm thâu ngân để giữ tiền vừa muốn làm chị nữ tu để theo Chúa. Thái độ của em bé cũng là thái độ của nhiều người chúng ta; nhưng điều này đã được Chúa Giêsu đã thẳng thắn tuyên bố: “Các con không thể làm tôi cả Thiên Chúa lẫn tiền tài” (Mt 6:24). Bài đọc I là những lời khuyên thực tế Thánh Phaolô rút ra từ Bài Thánh Ca hôm qua: đi theo Chúa Giêsu là chấp nhận lối sống nên vinh quang của Ngài, lối sống vâng lời tuyệt đối nơi Thiên Chúa. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu thẳng thắn đặt điều kiện cho những người muốn đi theo Chúa: phải dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh/chị/em, cả mạng sống mình nữa, và vác thập giá mình. Con người phải cẩn thận suy nghĩ trước khi quyết định theo Ngài, để đừng bỏ dở nửa chừng mà mất cả chì lẫn chài.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Anh em hãy làm mọi việc mà đừng kêu ca hay nghi ngờ.

1.1/ Tự nguyện vâng phục Thiên Chúa: Giống như Đức Kitô đã hòan tòan tự nguyện vâng phục Thiên Chúa vì biết sự vâng phục sẽ làm trọn vẹn Mầu Nhiệm Cứu Độ; Thánh Phaolô cũng muốn các tín hữu Philipphê có một thái độ tự nguyện vâng phục như vậy. Sự vâng phục đặt nền tảng trên hiểu biết là nó sẽ giúp người vâng phục đạt tới ơn cứu độ; chứ không vì bất cứ lý do nào khác. Đó là lý do tại sao ngài khuyên: “Anh em thân mến, anh em là những người luôn luôn vâng phục không những khi tôi có mặt, mà nhất là bây giờ, khi tôi vắng mặt, anh em hãy biết run sợ mà gắng sức lo sao cho mình được cứu độ.”

            Hai ngày trước đây chúng ta đã bàn đến thần học về thân thể của Thánh Phaolô khi bắt đầu chương thứ hai này. Vì được liên kết vào một thân thể và Đức Kitô là Đầu, nên các chi thể đều được Đức Kitô hướng dẫn và cùng thấm nhuần một tình yêu mà Ngài đã nhận được từ Thiên Chúa. Đó là lý do tại sao Thánh Phaolô có thể nói: “Vì chính Thiên Chúa tác động đến lòng muốn cũng như hành động của anh em do lòng yêu thương của Người.” Vì thế, sau khi đã hiểu Mầu Nhiệm Cứu Độ, các tín hữu hãy noi gương Đức Kitô, vâng lời làm mọi sự theo Kế Họach Cứu Độ của Thiên Chúa, đừng than phiền hay nghi ngờ về Kế Họach của Ngài.           

1.2/ Can đảm từ chối lối sống theo thế gian: Thánh Phaolô biết ngài không thể luôn ở với các tín hữu Philipphê để bảo vệ họ tránh khỏi những cám dỗ của thế gian, nên ngài cố gắng dạy dỗ để làm cho đức tin của họ thêm vững chắc. Ngài dạy họ 3 điều ở đây:

            – Làm gương sáng giữa thế gian: Nếu họ để Đức Kitô là trọng tâm của cuộc sống và hành động theo những gì Ngài hướng dẫn, họ sẽ trở nên trong sạch, không ai chê trách được điều gì, và sẽ trở thành những người con vẹn toàn của Thiên Chúa giữa một thế hệ gian tà, sa đoạ. Một lối sống như thế giữa thế gian sẽ chiếu sáng như những vì sao trên vòm trời, và làm cho mọi người nhận biết Thiên Chúa.

            – Sống theo một mục đích: Thánh Phaolô dạy cho các tín hữu của ngài biết rõ họ sống ở đời này để làm gì. Ngài đã vất vả lao nhọc để rao giảng Tin Mừng cho họ cũng là vì mục đích đó: làm sao cho Tin Mừng mang lại ơn cứu độ cho mọi người.

            – Chấp nhận mọi hy sinh gian khổ: Vì mục đích cứu độ mà ngài cũng như các tín hữu sẵn sàng chấp nhận mọi gian khổ để Tin Mừng được lan rộng khắp nơi. Ngài chia sẻ tâm tình với các tín hữu: “Nhưng nếu tôi phải đổ máu ra hợp làm một với hy lễ mà anh em lấy đức tin dâng lên Chúa, thì tôi vui mừng và cùng chia sẻ niềm vui với tất cả anh em.” 

2/ Phúc Âm: Giá phải trả của những người đi theo Chúa

            Theo trình thuật của Luca, Chúa Giêsu đang trên đường đi lên Jerusalem. Nhiều người hy vọng Ngài sẽ dùng sức mạnh chống lại đế quốc Rôma và khôi phục lại vương quốc của Thiên Chúa, lên đi theo để ủng hộ. Chúa Giêsu biết những gì họ suy nghĩ, đồng thời cũng biết những gì sắp xảy ra cho Ngài tại Jerusalem, nên Ngài quay lại và đưa ra 3 kiện cho họ:           

2.1/ Điều kiện đi theo Chúa: Có thể nói 3 điều kiện này bao gồm tất cả những gì con người sở hữu:

            (1) Phải từ bỏ người thân: “Ai đến với tôi mà không ghét cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, thì không thể làm môn đệ tôi được.” Động từ Hy-Lạp dùng ở đây là mise,w có nghĩa là ghét, khinh thường, không quan tâm, hay không để ý tới. Trình thuật của Matthêu dùng chữ cẩn thận hơn: “Ai yêu cha yêu mẹ hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai yêu con trai con gái hơn Thầy, thì không xứng với Thầy” (Mt 10:37). Chắc chắn Chúa không dạy chúng ta phải ghét người thân như ghét kẻ thù, mà còn dạy chúng ta phải yêu thương họ nữa. Thánh Luca rất chú trọng đến tình yêu vì ngài là một y sĩ, và “lương y như từ mẫu;” nhưng có lẽ Ngài hiểu ở đây giống như Matthêu: Người môn đệ không được đặt các người thân lên trên Thiên Chúa; và khi phải chọn giữa họ và Thiên Chúa, con người phải chọn Thiên Chúa.

            (2) Phải từ bỏ mạng sống mình: Như Chúa Kitô đã sẵn hy sinh mạng sống cho con người, các môn đệ cũng đòi hỏi phải có sự hy sinh như thế.

            (3) Phải vác thập giá mình: “Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được.” Thập giá Chúa nói tới ở đây là tất cả trái ý, gian khổ, bất công … mà người môn đệ sẽ phải đương đầu với khi rao giảng Tin Mừng.           

2.2/ Để dẫn chứng sự cần thiết của việc phải suy xét cẩn thận trước khi quyết định đi theo Chúa, ngài dùng 2 ví dụ cụ thể:

            (1) Việc xây tháp: Tiền là yếu tố quyết định cho các công trình xây dựng, và phải có đủ hay dư tiền trước khi bắt đầu xây. Nếu đang xây nửa chừng mà hết tiền, nhà thầu sẽ không tiếp tục làm việc nữa; và dự án bị bỏ dở nửa chừng, và mọi người nhìn vào sẽ chê cười.

            (2) Việc giao chiến: Thăng bằng lực lượng là một trong những yếu tố quyết định cho việc giao chiến; vì thế, các nhà lãnh đạo thường gởi thám tử đi quan sát đối phương trước để lượng định tình hình, và so sánh với lực lượng mình có. Nếu thấy có cơ hội thắng thế thì mời giao chiến; nếu không sẽ phải gọi quân tiếp viện hoặc cầu hòa.

            Cũng vậy, Chúa Giêsu đòi các người đi theo phải suy xét cẩn thận 3 điều kiện của Chúa, và lượng định sức mình xem có thể đáp ứng được không. Nếu không đáp ứng được, không thể làm môn đệ của Chúa.           

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

            – Chúng ta không thể “bắt cá hai tay,” vừa muốn theo Chúa vừa muốn hưởng thụ tất cả những gì thế gian dâng tặng.

            – Phải cẩn thận suy xét ba điều kiện Chúa đòi hỏi và tự vấn sức mình xem có theo được không. Một khi đã quyết định, nhất quyết theo tới cùng.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************

bài liên quan mới nhất

Thứ Tư tuần VIII Thường niên: “Giờ đây chúng ta lên Giêrusalem và Con Người sẽ bị nộp”

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng