Suy Niệm Tin Mừng Thứ Tư Tuần XXX Mùa Thường Niên Năm chẵn

BÀI ĐỌC I: Ep 6, 1-9

“Không phải phụng sự loài người, nhưng là tôi tớ của Đức Kitô”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Êphêxô.

Hỡi những kẻ làm con cái, hãy vâng phục cha mẹ trong Chúa: đó là lẽ phải. Hãy thảo kính cha mẹ ngươi, đó là giới răn thứ nhất kèm theo lời hứa rằng “để ngươi được phần phúc và sống lâu dài trên địa cầu”.

Còn phần anh em là những kẻ làm cha mẹ, anh em chớ làm cho con cái anh em tức giận, nhưng hãy giáo dục chúng theo lời dạy bảo và khuyên răn của Chúa.

Hỡi những kẻ làm nô lệ, hãy vâng phục các chủ nhân, với lòng tôn sợ, kính nể, và chân thành như vâng phục Đức Kitô: không phải vâng phục chiếu lệ trước mắt, như để lấy lòng người ta, nhưng như những tôi tớ của Đức Kitô, tận tâm vâng theo thánh ý Thiên Chúa, hãy chí thú phục vụ, như phục vụ Thiên Chúa, chớ không phải loài người: vì biết rằng hễ ai làm điều gì lành, sẽ được Chúa ban trả sự lành, dầu kẻ ấy là nô lệ hay tự do. Phần anh em là những chủ nhân, anh em hãy cư xử như vậy đối với họ, chớ doạ nạt, vì biết rằng Chúa của họ cũng là Chúa của anh em ngự trên trời: Người không tây vị một ai. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 144, 10-11. 12-13ab. 13cd-14

A+B=Chúa trung thành trong mọi lời Ngài phán (c. 13c).

Xướng: 1) Lạy Chúa, mọi công cuộc của Chúa hãy ca ngợi Chúa, và các thánh nhân của Ngài hãy chúc tụng Ngài, Thiên hạ hãy nói lên vinh quang nước Chúa, và hãy đề cao quyền năng của Ngài. – Đáp.

2) Để con cái loài người nhận biết quyền năng và vinh quang cao cả nước Chúa. Nước Ngài là nước vĩnh cửu muôn đời, chủ quyền Ngài tồn tại qua muôn thế hệ. – Đáp.

3) Chúa trung thành trong mọi lời Ngài phán, và thánh thiện trong mọi việc Ngài làm. Chúa nâng đỡ hết thảy những ai sa ngã, và cho mọi kẻ khòm lưng đứng thẳng lên. – Đáp.

ALLELUIA: Tv 118, 135

Alleluia, alleluia! – Xin tỏ cho tôi tớ Chúa thấy long nhan hiền hậu, và dạy bảo con những thánh chỉ của Chúa. – Alleluia. 

PHÚC ÂM: Lc 13, 22-30

“Người ta sẽ từ đông sang tây đến dự tiệc trong nước Chúa”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu rảo qua các đô thị và làng mạc, vừa giảng dạy vừa đi về Giêrusalem. Có kẻ hỏi Người rằng: “Lạy Thầy, phải chăng chỉ có một số ít sẽ được cứu độ?” Nhưng Người phán cùng họ rằng: “Các ngươi hãy cố gắng vào qua cửa hẹp, vì Ta bảo các ngươi biết: nhiều người sẽ tìm vào mà không vào được. Khi chủ nhà đã vào đóng cửa lại, thì lúc đó các ngươi đứng ngoài mới gõ cửa mà rằng: ‘Thưa ngài, xin mở cửa cho chúng tôi’. Chủ sẽ trả lời các ngươi rằng: ‘Ta không biết các ngươi từ đâu tới’. Bấy giờ các ngươi mới nói rằng: ‘Chúng tôi đã ăn uống trước mặt Ngài và Ngài đã giảng dạy giữa các công trường của chúng tôi’. Nhưng chủ sẽ trả lời các ngươi rằng: ‘Ta không biết các ngươi từ đâu mà tới, hỡi những kẻ làm điều gian ác, hãy lui ra khỏi mặt ta’.

Khi các ngươi sẽ thấy Abraham, Isaac, Giacóp và tất cả các tiên tri ở trong nước Thiên Chúa, còn các ngươi bị loại ra ngoài, nơi đó các ngươi sẽ khóc lóc nghiến răng. Và người ta sẽ từ đông chí tây, từ bắc chí nam đến dự tiệc trong nước Thiên Chúa. Phải, có những người sau hết sẽ trở nên trước hết, và những người trước hết sẽ nên sau hết”. Đó là lời Chúa.

(thanhlinh.net)

++++++++++++++++++

31/10/2018 – THỨ TƯ TUẦN 30 TN

Lc 13,22-30

CHIẾN ĐẤU QUA CỬA HẸP

“Hãy chiến đấu qua cửa hẹp mà vào, vì… nhiều người sẽ tìm cách vào mà không thể được.” (Lc 13,24)

Suy niệm: Người Ai-len kể câu chuyện vào thiên đàng như sau: Một người đến trước cửa thiên đàng và xin thánh Phê-rô cho mình vào. Ngài trả lời: “Đương nhiên là được, chỉ cần chỉ cho ta các vết sẹo của con.” Người ấy trả lời: “Con không có vết sẹo nào.” Thánh nhân nói: “Thật đáng tiếc vì chẳng có gì đáng cho con phải chiến đấu sao?” Đức Giê-su xác quyết với ta: đường về Nước Trời là con đường thập giá, vào cửa sự sống là đi qua cửa hẹp, phải chiến đấu “trầy da tróc vẩy” mới vào được. Những vết sẹo trong hành trình nói lên nỗ lực đấu tranh của ta với bản thân ươn lười, với mưu mô ma quỷ tinh vi, với môi trường xã hội nặng tính trần tục, nhất là xã hội đề cao tiện nghi, hưởng thụ cách ích kỷ như hiện nay.

Mời Bạn: “Chìa khóa mở cửa thiên đàng không thể rèn nhiều chìa phụ được” (Mục sư D. Horton). Cửa dẫn đến sự sống chỉ có một mẫu: cửa hẹp từ bỏ & chiến đấu; chìa khóa mở cửa thiên đàng chỉ có một kiểu: yêu thương; đường đi đến sự sống đời đời chỉ có một khuôn mẫu: thập giá. Bạn đã xác tín như vậy chưa? Bạn muốn con đường dễ dãi đưa đến diệt vong hay con đường hẹp đưa đến hạnh phúc đời đời?

Sống Lời Chúa: Tôi tập cố gắng đi qua cửa hẹp qua việc nỗ lực nhiều hơn nữa để sửa đổi một thói xấu trầm trọng nhất hiện nay của mình.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa không ngại cảnh báo cho con biết phải chiến đấu vất vả, đi qua cửa hẹp vào Nước Trời. Xin giúp con xác tín chân lý này, cũng như nỗ lực chiến đấu với chính con người muốn sống theo bản năng dễ dãi của mình. Amen.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

31 THÁNG MƯỜI

Ơn Hiệp Nhất

Trong ý nghĩa sâu xa nhất, sự hiệp nhất của Giáo hội là một hồng ân của Chúa Cha qua Chúa Kitô. Ngài là “nguồn mạch và trung tâm của mối hiệp thông Giáo Hội” (ibid. 20). Chính Chúa Kitô chia sẻ cho chúng ta Thánh Thần của Người, và Thánh Thần “ban sự sống, sự hiệp nhất và làm sống động toàn thân” (GH 7).

Sự hiệp nhất thâm sâu này được Thánh Tông Đồ Phao-lô diễn tả cách tuyệt vời: “Chỉ có một thân thể, một Thần Khí, cũng như anh em đã được kêu gọi để chia sẻ cùng một niềm hy vọng bởi ơn gọi của anh em; chỉ có một Chúa, một niềm tin, một Phép Rửa. Chỉ có một Thiên Chúa, Cha của mọi người, Đấng ngự trên mọi người, qua mọi người và trong mọi người” (Ep 4, 4 – 6). Những lời ấy thật hùng hồn và kích cảm biết bao! Thật vậy, những lời ấy cho thấy nhiệm vụ của Giáo Hội qua mọi thời đại và mọi thế hệ. Nhiệm vụ thiêng liêng của Giáo Hội là gìn giữ sự hiệp nhất này, và nhiệm vụ này không bao hàm gì khác hơn là trung thành trọn vẹn với Chúa của mình. Giáo Hội phải nỗ lực để tái lập sự hiệp nhất này ở bất cứ nơi nào mà nó đã bị suy yếu hay đã gãy đổ.

Trung tâm mối hiệp nhất của Giáo Hội là chính Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, Chúa chúng ta. Ngài là “viên đá góc” (Mt 21,42) của toà nhà Thiên Chúa tức là Giáo Hội (1Cr 3,9). Là “viên đá góc” của dân mới Thiên Chúa, của toàn thể nhân loại đã được cứu chuộc, Đức Kitô hiện diện trong cộng đoàn Thánh Thể. Ngài dẫn chúng ta đến với chính Ngài. Và Ngài hiệp nhất chúng ta lại với nhau trong Ngài.

Chúng ta hãy lắng nghe lời nguyện hiến tế trong bữa Tiệc Ly. Ngài thưa cùng Thiên Chúa Cha: “Lạy Cha chí Thánh, xin gìn giữ họ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con, để họ nên một như chúng ta” (Ga 17,11).

Chúa Giêsu cầu nguyện với Thiên Chúa Cha, và Người vốn đã bộc lộ ‘danh’ của Chúa Cha cho các môn đệ Người. Vì Người sẽ không còn ở “trong thế gian” với họ nữa, Người xin Chúa Cha gìn giữ họ hiệp nhất trong sự nhận biết lời đã được ban cho họ (Ga 17,14). Đối tượng số một của lời Người cầu nguyện là sự hiệp nhất của những kẻ Người đã chọn, đó là các Tông Đồ. Nhưng Chúa Giêsu mở rộng đối tượng ấy tới tất cả những ai sẽ đi theo Người qua mọi thời. Người thốt lên: “Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con, để tất cả nên một” (Ga 17, 20 – 21).

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

NGÀY 31/10

Ep 6, 1-9; Lc 13, 22-30.

LỜI SUY NIỆM: “Thưa Ngài, những người được cứu thoát thì ít, có phải không? Người bảo họ: “Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào, vì tôi nói cho anh em biết “ có nhiều người sẽ tìm cách vào mà không thể được.”

            Chúa Giêsu cho chúng ta biết cửa Nước Trời luôn rộng mở cho tất cả những ai muốn vào. Nhưng đường dẫn vào Nước Trời lại là con đường hẹp, chứ không rộng thênh thang, đi trên con đường hẹp cần phải có đôi mắt sáng, đôi chân khỏe, tâm trí minh mẫn với sự quyết tâm đi cho đến cùng. đi trên đường hẹp cần nhìn thấy những vật cản, những hố sâu, những gai gốc. để biết né tránh không gây thương tích hay trầy xướt thân thể của mình.

            Lạy Chúa Giêsu. Xin ban cho chúng con đức tính hy sinh vì tình yêu, nhờ đó giúp chúng con vững bước trên con đường hẹp để được vào Nước Trời, nước của Chúa.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

31 Tháng Mười

Một Ngày Ðể Nhớ Ðến Thần Dữ 

Hôm nay ngày cuối tháng 10. Buổi chiều ngày cuối tháng 10 được người Mỹ và các nước chịu ảnh hưởng của Mỹ gọi là Halloween, nghĩa là vọng lễ các thánh.

Có lẽ do những rơi rớt còn lại của một ngày lễ ngoại giáo bắt nguồn từ thời những người Celtic trước Công nguyên, ngày vọng lễ các thánh mang màu sắc ảm đạm ma quái.

Trong các cửa tiệm, hàng hóa được trưng bày một khung cảnh quái dị: những hình nộm được tô vẽ với một bộ mặt của thần chết, những màng nhện trắng xóa giăng mắc khắp nơi, những đồ chơi trẻ em cũng được khoác lên những nét kinh hãi quái dị. Trên màn ảnh truyền hình cũng như tại các rạp chiếu bóng, đa số các phim trình chiếu đều mang nội dung quái đản, kinh dị. Buổi tối ngày Halliween, thanh niên thiếu nữ thường cải trang thành ma quái để đi từng nhà ca hát và kể cho nhau nghe chuyện ma quái.

Phải chăng mỗi năm người ta dành một ngày để nhắc nhở về sự hiện hữu và tác quái của thần dữ? Nhưng liệu con người ngày nay còn ý thức được tội lỗi và sự tác động củ thần dữ không?

Thi sĩ Baudelaire của Pháp đã có lần nói: “Sự thành công của ma quỷ là thuyết phục được con người rằng nó không hiện hữu”.

Với những khám phá mới trong ngành tâm lý học cũng như bệnh lý học, người ta cho rằng tất cả những vụ quỷ ám mà Kinh thánh nói đến chỉ là những hiện tượng tâm lý bệnh hoạn mà ngày nay khoa học có thể tìm ra nguyên nhân. Với luận điệu ấy, con người ngày nay tự hào đã loại trừ ma quỷ ra khỏi cuộc sống.

Có lẽ ngày nay, người ta ít có dịp chứng kiến những vụ quỷ ám nhãn tường như Thánh kinh đã ghi lại. Tuy nhiên, dù muốn dù không, không ai có thể chối cãi được một sức mạnh luôn cày xéo tâm hồn con người, luôn lôi kéo con người đến chỗ tự hủy và hủy diệt lẫn nhau. Mãi mãi câu nói của thánh Phaolô vẫn đúng cho kinh nghiệm của mỗi người: “Ðiều thiện tôi muốn làm thì tôi không làm, điều ác tôi không muốn là, thì tôi lại làm”. Có một sức mạnh vô hình nào đó luôn khuyến dụ, luôn lôi kéo con người vào tội ác… Thánh Phêrô hẳn không thể nào quên được lời cảnh cáo của Chúa Giêsu: “Hỡi Satan, hãy tránh khỏi mặt Ta”. Trong lá thư đầu tiên gửi cho các tín hữu, vị Giáo Hoàng đầu tiên đã nhắn nhủ: “Hãy tỉnh thức luôn. Kẻ thù của anh em là ma quỷ như sư tử luôn gầm thét lượn quanh, tìm mồi để cắn xé. Anh em hãy chống cự và kiên vững trong Ðức Tin”.

Là người tín hữu, chúng ta không ngừng cầu nguyện bằng chính lời Kinh của Chúa Giêsu: “Xin cứu chúng con khỏi ác thần”. Ước gì lời Kinh ấy luôn nhắc nhở chúng ta về sự tác động liên lỉ của ma quỷ trong cuộc sống của từng người chúng ta. Nhưng chúng ta không phải hãi sợ bởi vì chúng ta không chiến đấu một mình mà cùng với và bằng chính sức mạnh của Ðấng đã nói: “Ðừng sợ hãi, vì Ta đã thắng thế gian”.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Tư Tuần 30 TN2

Bài đọcEph 6:1-9; Lk 13:22-30.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Mối liên hệ tốt đòi phải có 2 chiều.

Con người thường hay đòi hỏi tha nhân phải thế này phải thế kia, nếu không được như ý mình thì chê trách tha nhân là không biết điều; nhưng ít khi chịu xét mình xem chính mình đã đối xử đúng đắn với tha nhân chưa? Tất cả các mối liên hệ tốt đẹp đều đòi phải có 2 chiều như cha ông chúng ta khuyên: “Hòn đất ném đi, hòn chì ném lại.”

– Trong Bài đọc I, Thánh Phaolô liệt kê những gì con người phải làm để có mối liên hệ tốt giữa cha mẹ và con cái, cũng như giữa chủ nhân và nô lệ.

– Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu nhấn mạnh đến mối liên hệ giữa con người và Thiên Chúa: không phải chỉ biết Chúa là đủ, nhưng còn phải biết hy sinh chiến đấu vào qua cửa hẹp để làm chứng cho Thiên Chúa.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Mối liên hệ tốt đòi phải có 2 chiều.

1.1/ Liên hệ giữa cha mẹ và con cái:

– Bổn phận làm con: Thánh Phaolô liệt kê 2 bổn phận chính của kẻ làm con:

(1) Vâng lời: “Hãy vâng lời cha mẹ theo tinh thần của Chúa, vì đó là điều phải đạo.” Đây là giới răn thứ bốn trong Thập Giới. Để cha mẹ có thể chu tòan sứ vụ Chúa giao, con cái phải vâng lời cha mẹ.

(2) Tôn kính: “Hãy tôn kính cha mẹ. Đó là điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa: để ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này.” Sách Đức Huấn Ca còn dạy: “Ai tôn kính cha thì đền bù tội lỗi, ai thảo kính mẹ sẽ thu được kho tàng.”

– Bổn phận làm cha mẹ: Thánh Phaolô cũng liệt kê 2 điều chính:

(1) Đừng làm cho con cái tức giận: Những điều sau đây có thể làm con cái tức giận: nói không đúng sự thật, bắt con làm điều vô lý hay làm điều mà mình không muốn làm, không làm gương sáng cho con, khinh thường và hay so sánh con mình với con người, không thương yêu và săn sóc con.

(2) Khuyên răn và sửa dạy: là bổn phận chính yếu Thiên Chúa sẽ xét xử cha mẹ như Tiên tri Êzêkiel nói: Nếu vì cha mẹ không khuyên răn và sửa dạy mà con cái hư đi thì Thiên Chúa sẽ đòi nợ máu cha mẹ; nếu cha mẹ khuyên răn sửa dạy hết điều mà con cái vẫn hư, tội là do nơi con cái (Eze 33:7-9).

1.2/ Liên hệ giữa chủ nhân và nô lệ: Phải hiểu lời khuyên này trong bối cảnh lịch sử của thời đó để đừng lên án Thánh Phaolô phò chế độ nô lệ. Trong xã hội thời ấy, nô lệ được đa số con người chấp nhận; và chủ nhân có tòan quyền định đọat số phận những nô lệ của mình. Cho dẫu vậy, Thánh Phaolô vẫn chú trọng đến mối liên hệ 2 chiều.

– Phận nô lệ: Có lẽ Thánh Phaolô chủ trương mọi quyền hành đến từ Thiên Chúa cho lợi ích con người nên Ngài khuyên các nô lệ phải bắt chước Chúa Kitô như Ngài đã vâng lời Chúa Cha (Phil 2:5-11):

(1) Vâng lời: “Kẻ làm nô lệ, hãy vâng lời những người chủ ở đời này với thái độ run rẩy và sợ sệt, với lòng đơn sơ, như vâng lời Đức Kitô. Đừng chỉ vâng lời trước mặt, như muốn làm đẹp lòng người ta, nhưng như nô lệ của Đức Kitô, đem cả tâm hồn thi hành ý Thiên Chúa.”

(2) Vui lòng phục vụ: “Hãy vui lòng phục vụ như thể phục vụ Chúa, chứ không phải người ta. Anh em biết đấy: ai làm việc tốt, sẽ được Chúa trả công, bất luận nô lệ hay tự do.”

– Phận làm chủ: Theo phong tục thời ấy, người nô lệ không có quyền đòi bất cứ điều gì nơi chủ, nhưng những chủ nhân theo Đức Kitô phải làm 2 điều sau cho nô lệ của mình:

(1) Đối xử tử tế: Nếu các nô lệ đã hết tình phục vụ chủ thì chủ cũng phải đối xử tử tế với họ: phải đối xử với họ theo tình người, chứ không coi họ là những đồ vật để xử dụng.

(2) Đừng dọa nạt: “Chúa của họ cũng là Chúa của anh em, Người ngự trên trời và không thiên vị ai.” Trong thân thể của Đức Kitô, mọi người đều bình đẳng (Gal 3:28).

2/ Phúc Âm: Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào.

2.1/ Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào: Đường rộng rãi thênh thang chỉ dẫn tới sự hủy diệt: Không có kỷ luật, không thể thành công. Điều này không những đúng cho cá nhân mà còn đúng cho cả tập thể.

– Có kẻ hỏi Người: “Thưa Ngài, những người được cứu thoát thì ít, có phải không?”

– Người bảo họ: “Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào, vì tôi nói cho anh em biết: có nhiều người sẽ tìm cách vào mà không thể được. Một khi chủ nhà đã đứng dậy và khoá cửa lại, mà anh em còn đứng ở ngoài, bắt đầu gõ cửa và nói: “Thưa ngài, xin mở cho chúng tôi vào!” thì ông sẽ bảo anh em: “Các anh đấy ư? Ta không biết các anh từ đâu đến!”” Nguy hiểm của quan niệm dễ dãi: Vì tình thương bao la nên sau cùng Chúa sẽ cứu hết (Universalism).

2.2/ Nước Trời dành cho những ai nghe và giữ những gì Chúa dạy, không phải chỉ biết Ngài mà thôi:

(1) Tiêu chuẩn phán xét: Con người nhấn mạnh đến cái biết, Chúa nhấn mạnh đến việc làm.

26 Bấy giờ anh em mới nói: “Chúng tôi đã từng được ăn uống trước mặt ngài, và ngài cũng đã từng giảng dạy trên các đường phố của chúng tôi.”

27 Nhưng ông sẽ đáp lại: “Ta không biết các anh từ đâu đến. Cút đi cho khuất mắt ta, hỡi tất cả những quân làm điều bất chính!”

Nguy hiểm: Chỉ cần biết và tin Chúa là đủ (Tin Lành)

(2) Thực tế phũ phàng: Con cháu trong nhà và những kẻ quyền thế bị lọai ra ngòai.

– Thiên hạ sẽ từ đông tây nam bắc đến dự tiệc trong Nước Thiên Chúa.

– Có những kẻ đứng chót sẽ lên hàng đầu, và có những kẻ đứng đầu sẽ xuống hàng chót.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Tất cả các mối liên hệ tốt đều đòi hỏi phải có cả 2 chiều: liên hệ giữa cha mẹ và con cái, giữa chủ nhân và nô lệ, giữa con người và Thiên Chúa.

– Phải chiến đấu để vào Nước Trời qua cửa hẹp, vì đường rộng rãi thênh thang chỉ dẫn tới sự diệt vong.

– Chúng ta phải luôn nhớ: Thiên Chúa không những là Thiên Chúa của tình thương mà còn là Thiên Chúa của công bằng. 

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************

bài liên quan mới nhất

Học Viện Công Giáo Việt Nam bế giảng năm học 2023 - 2024 và trao chứng chỉ Triết học

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng