Suy niệm Tin Mừng thứ Sáu tuần XXII Thường Niên năm Lẻ

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Sáu Tuần XXII Mùa Thường Niên Năm lẻ

BÀI ĐỌC I: Cl 1, 15-20

“Mọi vật đã được tạo thành nhờ Người và trong Người”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côlôxê.

Giêsu Kitô là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình, là trưởng tử mọi tạo vật, vì trong Người, muôn loài trên trời dưới đất đã được tác thành, mọi vật hữu hình và vô hình, dù là các Bệ thần hay Quản thần, dù là Chủ thần hay Quyền thần: Mọi vật đã được tạo thành nhờ Người và trong Người. Và Người có trước mọi loài, và mọi loài tồn tại trong Người. Người là đầu thân thể, tức là Hội thánh, là nguyên thuỷ và là trưởng tử giữa kẻ chết, để Người làm bá chủ mọi loài. Vì chưng, Thiên Chúa đã muốn đặt tất cả viên mãn nơi Người, và Thiên Chúa đã giao hoà vạn vật nhờ Người và vì Người; nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa ban hoà bình trên trời dưới đất. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 99, 2. 3. 4. 5

Đáp: Hãy vào trước thiên nhan với lòng hân hoan khoái trá (c. 2c).

Xướng:

1) Toàn thể địa cầu, hãy reo mừng Thiên Chúa, hãy phụng sự Thiên Chúa với niềm vui vẻ! Hãy vào trước thiên nhan với lòng hân hoan khoái trá. – Đáp.

2) Hãy biết rằng Chúa là Thiên Chúa, chính Người đã tạo tác thân ta, và ta thuộc quyền sở hữu của Người, ta là dân tộc, là đoàn chiên Chúa chăn nuôi. – Đáp.

3) Hãy vào trụ quan nhà Người với lời khen ngợi, vào hành lang với khúc ca vui, hãy tán dương, hãy chúc tụng danh Người. – Đáp.

4) Vì Thiên Chúa, Người thiện hảo, lòng từ bi Người tồn tại muôn đời, và lòng trung tín Người còn tới muôn muôn thế hệ. – Đáp.

ALLELUIA: Cl 3, 16a và 17c

Alleluia, alleluia! – Nguyện cho lời Chúa Kitô cư ngụ dồi dào trong anh em; anh em hãy nhờ Đức Kitô mà tạ ơn Thiên Chúa Cha. – Alleluia. 

PHÚC ÂM: Lc 5, 33-39

“Khi tân lang phải đem đi khỏi họ, bấy giờ họ ăn chay”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, những người biệt phái và luật sĩ nói với Chúa Giêsu rằng: “Tại sao môn đồ của Gioan năng ăn chay và cầu nguyện, cả môn đồ của những người biệt phái cũng vậy, còn môn đệ của Thầy lại cứ ăn uống?” Người đáp lại rằng: “Các ông có thể bắt các bạn hữu đến dự tiệc cưới, ăn chay, đang khi tân lang còn ở với họ chăng? Nhưng sẽ đến những ngày mà tân lang phải đem đi khỏi họ, bấy giờ họ sẽ ăn chay trong những ngày ấy”.

Người còn nói với họ thí dụ này rằng: “Không ai xé miếng vải áo mới mà vá vào áo cũ; chẳng vậy, áo mới đã bị xé, mà mảnh vải áo mới lại không ăn hợp với áo cũ. Cũng chẳng ai đổ rượu mới vào bầu da cũ; chẳng vậy, rượu mới sẽ làm vỡ bầu da, rượu chảy ra và bầu da hư mất. Nhưng rượu mới phải đổ vào bầu da mới, thì giữ được cả hai. Và không ai đang uống rượu cũ mà lại thèm rượu mới, vì người ta nói: ‘Rượu cũ thì ngon hơn’ “. Đó là lời Chúa.

(thanhlinh.net)

++++++++++++++++++

06/09/2019 – THỨ SÁU ĐẦU THÁNG TUẦN 22 TN

Lc 5,33-39

RƯỢU MỚI, BẦU DA MỚI

“Không ai đổ rượu mới vào bầu da cũ, vì như vậy, rượu mới sẽ làm nứt bầu, sẽ chảy ra và bầu cũng hư.” (Lc 5,37)

Suy niệm: Nếu như ngày hôm nay Chúa Giê-su nói lại dụ ngôn đó, chắc hẳn Ngài sẽ nói: Không ai muốn “luộc” xe Nhật chính hãng thành xe Trung Quốc; hoặc không ai muốn thay sợi “xên” mới vào dĩa, nhông đã cũ mòn. Đời sống là một thực tại mang tính toàn phần, đồng bộ, không cắt xén. Đức tin của tôi là tin vào Đức Giê-su Ki-tô, Đấng Cứu Chuộc tôi, và vì thế tôi cũng tin tất cả những gì Ngài truyền dạy chúng tôi. Và chính vì tin vào Ngài mà tôi yêu mến Ngài và luôn lắng nghe và sống theo ý muốn của Ngài, cụ thể là tuân giữ những giới luật Ngài đề ra. Như thế, quả thật rượu mới -niềm tin vào Đức Ki-tô- phải được chứa đựng trong bầu da mới -đời sống đạo gương mẫu của một Ki-tô hữu.

Mời Bạn: Phải chăng Ki-tô hữu thời nay đang lâm vào cơn khủng hoảng “rượu-mới-bầu-da-cũ”? Đó là tình trạng của người vẫn tuyên bố rằng mình tin Chúa nhưng lại làm những điều mê tín dị đoan, chạy theo lối sống thế tục, chứ không thực hành giới răn yêu thương như Chúa truyền dạy. Bạn có lâm vào cơn khủng hoảng đó không?

Sống Lời Chúa: 1/ Chọn một việc đạo đức thật bình thường (làm dấu thánh giá, lần hạt…) làm một cách thật cung kính, với tất cả tâm tình; 2/ chọn một việc thật bình thường bạn vẫn làm hằng ngày và làm với ý hướng thể hiện lòng yêu mến Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp con biết thờ phượng Chúa trong tinh thần và chân lý: trong tinh thần khi luôn con làm mọi việc theo tinh thần của Chúa, trong chân lý khi đời sống của con luôn tương hợp với lời con tuyên xưng.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

6 THÁNG CHÍN

Trở Nên Đồng Hình Đồng Dạng Với Đức Kitô

Mỗi ơn gọi đều là một lời kêu mời dấn sâu hơn vào mầu nhiệm Thiên Chúa. Việc học hỏi thần học và triết học sẽ giúp thấu hiểu sâu hơn ngôi vị của Đức Kitô. Nhưng sự hiểu biết sâu hơn này không chỉ phụ thuộc vào nỗ lực tri thức của chúng ta. Tiên vàn việc nhận biết Chúa Con là ân huệ do Chúa Cha ban cho chúng ta nhờ Thánh Thần. Chúng ta không thể chỉ dừng lại với việc được giáo dục trong đức tin mà còn phải trở nên “đồng hình đồng dạng với Đức Kitô” nữa.

Mọi sự cộng tác của chúng ta với ân sủng tiếng gọi phải theo sự khôn ngoan mà Đức Kitô diễn tả trong dụ ngôn cây nho. Ngài nói: “Thầy là cây nho, Cha Thầy là Người trồng nho” (Ga 15,1) … “Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở trong Thầy và Thầy ở trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái. Vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được. (Ga 15,5).

Giai đoạn huấn luyện chủng sinh hay tu sĩ hướng đến mục tiêu đào sâu mối hiệp nhất của chúng ta với Đức Kitô. Đức Kitô đưa ra cùng lời mời gọi đó cho mỗi người trong chúng ta.

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

NGÀY 06/ 9

Cl  1, 15-20; Lc 5, 33-39.

LỜI SUY NIỆM:  “Chẳng lẽ các ông lại có thể bắt khách dự tiệc cưới ăn chay, khi chàng rể còn ở với họ. Sẽ có ngày chàng rể bị đem đi; ngày đó, họ mới ăn chay.”

          Chúa Giêsu không chối từ việc ăn chay, nhưng trước những lời trách móc của các môn đệ của Gioan cũng như người Pharisêu. Khi thấy các môn đệ của Người đang sống bên cạnh Người lại không ăn chay. Chúa Giêsu cho tất cả chúng ta được biết: Những ai đang có sự hiện diện của Chúa trong đời sống là cả một niềm vui. Niềm vui là đặc tính của người Kitô hữu. Sự vui mừng này không ai có thể lấy đi được, vì là sự vui mừng trong Thiên Chúa.

          Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con luôn được kết hiệp cùng Chúa trong mọi lúc và mọi nơi, để niềm vui của chúng con được trọn vẹn, và không ai có thể lấy mất đi được.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

06 Tháng Chín

Không Mong Ðền Ðáp 

Trên đường đi hành hương đến La Mecque, thủ đô của Hồi Giáo, một tín đồ đã cải trang thành một người hành khất.

Anh gặp một người thợ hớt tóc đang săn sóc cho một người giàu có. Nhưng lạ lùng thay, khi anh vừa mở miệng ra xin người thợ cắt tóc, cạo râu cho mình, thì người thợ này liền bỏ người giàu ngồi đó và tức khắc đến phục vụ cho anh. Và đáng phục hơn nữa là ngươòi thợ này đã không đòi hỏi bất cứ một thù lao nào, trái lại ông còn cho anh ít tiền để hộ thân.

Cảm động vì lòng tốt của người thợ hớt tóc, người tín đồ quyết định sẽ tặng cho ông tất cả số tiền anh đã xin được trong ngày.

Và ngày hôm đó, người tín đồ cải trang thành người ăn xin đã nhận được một túi vàng do một người khách hành hương giàu có trao tặng. Như đã hứa với lòng mình, người tín đồ quay trở lại tìm người thợ hớt tóc và trao tất cả gói vàng cho ông ta.

Nhưng, ngoài sự tưởng tượng của người tín đồ, người thợ hớt tóc vừa thấy cử chỉ của người hành khất đã nghiêm sắc mặt nói: “Xin lỗi, ông cho mình là người đạo đức ư? Ông không cảm thấy xấu hổ để trả công cho một nghĩa cử yêu thương sao?”.

Thì ra, người thợ hớt tóc đã không cạo râu cho một người hành khất để được trả công. Ông chỉ làm cử chỉ đó với tất cả yêu thương dành cho một người khốn khổ và ông nghĩ rằng mình làm như thế để được đền đáp.

Ngạn ngữ tiếng Latinh thường nói: tôi cho bạn, để bạn cho lại… Hoặc như người Việt Nam chúng ta thường nói: có qua có lại mới toại lòng ta.

Người ta dùng câu ngạn ngữ này để diễn tả những đòi hỏi công bằng giữa con người với nhau. Tôi cho bạn để bạn cho lại. Tôi làm cho bạn để hy vọng bạn sẽ đền đáp lại… Trên bình diện xã hội và nhân bản, ý thức được sự qua lại này đã là một điều đáng kể trong các mối tương quan giữa người với người.

Tuy nhiên, chúng ta không thể áp dụng một thứ công bình như thế vào mối tương quan giữa chúng ta với Thiên Chúa.

Thiên Chúa không thi ân giáng phúc để chúng ta biết ơn, hay đền đáp lại. Thiên Chúa cũng không căn cứ trên tài năng của từng người để ban phát ân huệ của Ngài. Thiên Chúa không dùng cán cân công lý thông thường của loài người. Công lý của Ngài là công lý của tình thương. Người thợ của giờ thứ nhất không lãnh hơn người thợ thứ hai vào giờ cuối cùng…

Nếu Thiên Chúa không thi ân giáng phúc tùy theo công nghiệp và tài năng của con người, thì con người cũng không thể nại đến công lao của mình để đòi hỏi một sự trả công tương xứng… Sau một công lao vất vả, có lẽ chúng ta chỉ có thể thốt lên: Lạy Chúa, chúng con chỉ là những người đầy tớ vô dụng.Lắm khi chúng ta vẫn còn đeo đuổi sự công bằng cộng trừ nhân chia của chúng ta đối với Chúa. Tôi sẽ đọc bao nhiêu kinh để xin được ân này, ơn nọ. Tôi sẽ làm bao nhiêu hy sinh để cầu cho được một ơn đặc biệt… Lý luận như thế trong các việc lành phúc đức, chúng ta dễ dàng rơi vào một thứ biệt phái mới nhằm đề cao công nghiệp riêng của chúng ta mà quên rằng: tất cả những gì chúng ta có, tất cả những gì chúng đã và sẽ lãnh nhận được đều xuất từ Tình Yêu vô vị lợi của Chúa.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Sáu Tuần 22 TN1

Bài đọcCol 1:15-20; Lc 5:33-39.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Cần biết trả lời cho những ai chất vấn niềm tin của mình.

Tin như nào sẽ sống như vậy. Ví dụ, nếu một người chỉ tin vào truyền thống của cha ông, họ sẽ chống lại tất cả những học thuyết mới lạ, vì chúng có thể đe dọa đức tin của họ. Tuy nhiên, các tín hữu cần tìm hiểu sự thật của những gì mình tin, để họ có thể trả lời cho những ai chất vấn niềm tin của họ. Khi không trả lời được những câu hỏi do các lạc thuyết đề ra, nhiều người có đức tin yếu kém sẽ dễ chạy theo những lạc thuyết đó.

Các Bài Đọc hôm nay nhấn mạnh vào sự hiểu biết của niềm tin. Trong Bài Đọc I, tác giả nhắc nhở các tín hữu phải nắm vững đức tin của mình vào Thiên Chúa và vào Đức Kitô, để có thể tránh được những ngụy thuyết chung quanh luôn đe dọa con người. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu sửa sai quan niệm của các kinh-sư và biệt-phái về quan niệm ăn chay và cầu nguyện của họ. Mục đích của việc ăn chay cầu nguyện là để con người sống kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa và thương yêu tha nhân, chứ không phải để được khen ngợi, để chu toàn Lề Luật, hay vì bất kỳ lý do nào khác. Nếu các môn đệ đang có Thiên Chúa ở bên cạnh, họ không cần phải ăn chay. Họ sẽ ăn chay cầu nguyện khi Đức Kitô bị cất đi khỏi họ.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Người có trước muôn loài muôn vật, tất cả đều tồn tại trong Người.

1.1/ Thiên Chúa tạo dựng qua Ngôi Lời: Col 1:9-14 là một Bài Thánh Ca cổ, được hát trong lúc hội họp hay thờ phượng trong những cộng đoàn tiên khởi để ca tụng Đức Kitô, Ngôi Lời của Thiên Chúa. Có học giả cho nguồn gốc của Bài Thánh Ca là để chống lại chủ thuyết Thuần Tri Thức (Gnosticism) rất thịnh hành thời đó trong quốc gia Hy-lạp. Một sự so sánh giữa những gì Giáo Hội dạy cho thấy sự đối nghịch hoàn toàn với chủ thuyết Thuần Tri Thức.

(1) Đức Kitô là Thánh Tử, là Ngôi Lời (Logos), là hình ảnh (eikon) của Thiên Chúa vô hình: thấy Đức Kitô là thấy Thiên Chúa (Jn 14:9). Chủ thuyết Thuần Tri Thức cho Đức Kitô tuy cao hơn các tạo vật, nhưng không phải là Thiên Chúa vì mang trong mình chất liệu của con người; chỉ có Thiên Chúa là hoàn toàn không lệ thuộc vật chất.

(2) Đức Kitô là trưởng tử sinh ra trước mọi loài thọ tạo: Ngài là Lời, là sự không ngoan của Thiên Chúa. Trong trình thuật về tạo dựng của Sách Sáng Thế, Thiên Chúa tạo dựng bằng cách phán: “Hãy có!” tức thì mọi vật liền có. Do Ngôi Lời mà muôn vật được tạo thành, và không có Ngài, chẳng có vật gì được tạo thành (Jn 1:3). Thuyết Thuần Tri Thức không cho Thiên Chúa tạo dựng thế giới, mà thế giới được tạo thành bởi một vị thần ác, đối nghịch với Thiên Chúa.

(3) Thiên Chúa quan phòng mọi sự qua Đức Kitô vì Ngài là chính sự khôn ngoan của Thiên Chúa: “Tất cả đều tồn tại trong Người.” Thuyết Thuần Tri Thức cho vũ trụ tồn tại nhờ chính nó.

1.2/ Thiên Chúa cứu chuộc và hòa giải qua Ngôi Lời.

(1) Đức Kitô cứu chuộc con người: bằng cách đổ máu để thanh tẩy tội lỗi, làm cho con người khỏi chết, và cho con người được sống đời đời với Thiên Chúa bằng sự phục sinh vinh hiển của Ngài. Thuyết Thuần Tri Thức cho con người được giải thoát khỏi nô lệ cho vật chất và đoàn tụ với Thiên Chúa nhờ kiến thức đặc biệt và bí mật mà chỉ có họ mới có thể cung cấp cho con người.

(2) Đức Kitô hòa giải con người với Thiên Chúa và với nhau: Ngài hòa giải con người bằng việc chấp nhận cái chết trên Thập Giá. Nhờ sự hòa giải này, con người có được sự bình an.

Thuyết Thuần Tri Thức không tin vào tội lỗi và vào sự hòa giải, vì Thiên Chúa không thay đổi và con người luôn xấu xa vì bị giam cầm trong thân xác.

2/ Phúc Âm: Tại sao môn đệ ông không ăn chay, cầu nguyện?

2.1/ Họ trách môn đệ Chúa Giêsu không năng ăn chay cầu nguyện. Họ nói với Người: “Môn đệ ông Gioan năng ăn chay cầu nguyện, môn đệ người Pharisees cũng thế, còn môn đệ ông thì ăn với uống!”

Đức Giêsu trả lời họ: “Chẳng lẽ các ông lại có thể bắt khách dự tiệc cưới ăn chay, khi chàng rể còn ở với họ? Sẽ có ngày chàng rể bị đem đi; ngày đó, họ mới ăn chay.” Qua câu trả lời, Người muốn nhắn nhủ họ làm việc gì cũng phải có lý do, thời gian, và nơi chốn. Ăn chay, cầu nguyện là để con người sống gần gũi với Thiên Chúa, và bớt lệ thuộc vào vật chất. Các môn đệ của Ngài không cần phải ăn chay lúc này, vì họ đang có Thiên Chúa là chính Ngài. Khi nào Ngài xa lìa họ, bấy giờ họ mới ăn chay. Ăn chay, cầu nguyện phải bày tỏ tâm hồn thống hối bên trong, chứ không phải những việc làm bên ngoài để lấy tiếng khen, hay lấy làm tiêu chuẩn để phán xét người khác có đạo đức thành thật hay không!

2.2/ Phải có tinh thần mới để đón nhận mặc khải mới của Đức Kitô: Những người biệt-phái và kinh-sư khó có thể chấp nhận những giảng dạy của Đức Kitô, vì trí óc của họ đã quá quen với Lề Luật và lối sống vụ hình thức bên ngoài. Để có thể tiếp nhận những giảng dạy mới lạ của Đức Kitô, họ cần thay đổi cách nhìn về việc giữ đạo. Để họ nhận ra sự quan trọng của việc cần có một tinh thần cởi mở để lãnh nhận giảng dạy mới của Thiên Chúa, Đức Giêsu còn kể cho họ nghe một số các dụ ngôn:

(1) “Chẳng ai xé áo mới lấy vải vá áo cũ, vì như vậy, không những họ xé áo mới, mà miếng vải áo mới cũng không ăn với áo cũ.” Không ai dại dột đến độ không chịu mặc áo mới, mà lại xé ra lấy vải để vá vào áo cũ. Nếu làm như vậy, người đó sẽ là người không bình thường, và miếng vá sẽ càng ngày càng tệ hơn sau mỗi lần giặt.

(2) “Không ai đổ rượu mới vào bầu da cũ, vì như vậy, rượu mới sẽ làm nứt bầu, sẽ chảy ra và bầu cũng hư. Nhưng rượu mới thì phải đổ vào bầu mới.” Rượu mới có nồng độ mạnh hơn nên dễ làm căng thẳng bầu da cũ; vì thế, để tránh việc nứt bầu da và phí rượu, rượu mới phải được đổ vào bầu da mới.

(3) Cũng không ai uống rượu cũ mà còn thèm rượu mới. Vì người ta nói: “Rượu cũ ngon hơn.” Các kinh-sư và biệt-phái là những người cố gắng bảo thủ các truyền thống của cha ông. Họ bị Chúa Giêsu ví là những người thích uống rượu cũ vì cho rượu cũ ngon hơn. Có một phần sự thực trong đó; nhưng đồng thời họ cũng phải biết mở lòng đón nhận những điều hay của các mặc khải và dạy dỗ mới đến từ Chúa Giêsu. Để có thể tiếp nhận những dạy dỗ của Ngài, họ phải thay đổi thái độ “truyền thống quá khích,” họ mới có thể hiểu được những gì Chúa muốn nói.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Chúng ta cần học hỏi để hiểu biết niềm tin của mình; nếu không đức tin của chúng ta dễ bị lung lay bởi các lạc thuyết hay khi người khác chất vấn niềm tin của chúng ta.

– Biết cắt nghĩa niềm tin rất quan trọng trong việc giáo dục đức tin cho những người chúng ta có trách nhiệm. Nếu không được giải thích thỏa đáng, con người dễ đánh mất niềm tin.

– Chúng ta phải biết gìn giữ các tinh hoa của truyền thống, nhưng cũng cần biết mở lòng đón nhận những cái mới của thời đại và hoàn cảnh.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************

bài liên quan mới nhất

Vẻ đẹp Thượng Đế phản ảnh trên gương mặt ta

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng