Suy niệm Tin Mừng Thứ Hai Tuần XXVII Mùa Thường Niên Năm chẵn

BÀI ĐỌC I: Gl 1, 6-12

“Tin Mừng do tôi rao giảng không phải thuộc về loài người, nhưng là do Đức Giêsu Kitô mạc khải”.

Trích thư Thánh Phalô Tông đồ gửi tín hữu Galata.

Anh em thân mến, tôi ngạc nhiên thấy anh em thay lòng đổi dạ chóng như thế đối với Đấng đã kêu gọi anh em thông phần vào ân sủng của Đức Kitô, để anh em quay sang một tin mừng khác: Tin mừng khác làm gì có, chỉ có những kẻ phá rối anh em và muốn anh em đảo lộn Tin Mừng của Đức Kitô. Nhưng cho dù chúng tôi, hay một thiên thần nào từ trời đến giảng tin mừng khác với Tin Mừng chúng tôi đã rao giảng cho anh em, thì người đó bị chúc dữ. Như chúng tôi đã nói trước, và giờ đây tôi xin nói lại rằng: Nếu ai trong anh em rao giảng cho anh em Tin Mừng khác hơn điều anh em đã lãnh nhận, thì người đó bị chúc dữ.

Giờ đây, tôi phải làm vừa lòng người ta hay là Thiên Chúa? Nào có phải tôi tìm cách làm vừa lòng người ta sao? Nếu tôi còn làm vừa lòng thiên hạ, thì tôi không phải là đầy tớ của Đức Kitô.

Anh em thân mến, tôi cho anh em biết rằng Tin Mừng do tôi rao giảng không phải thuộc về loài người, vì tôi không nhận cũng không học với loài người, nhưng là do Đức Giêsu Kitô mạc khải. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 110, 1-2. 7-8. 9 và 10c

Đáp: Cho tới muôn đời Chúa vẫn nhớ lời minh ước (c. 5b).

Xướng: 1) Tôi sẽ ca tụng Chúa hết lòng, trong nhóm hiền nhân và trong Công hội. Vĩ đại thay công cuộc của Chúa tôi, thực đáng cho những người mến yêu quan tâm học hỏi. – Đáp.

2) Công cuộc tay Chúa làm ra đều chân thật và công chính, mọi giới răn của Người đều đáng cậy tin. Những giới răn đó được lập ra cho đến muôn ngàn đời, được ban hành một cách chân thành và đoan chính. – Đáp.

3) Chúa đã gửi tặng ơn giải phóng cho dân Người, để thiết lập lời minh ước tới muôn đời. Danh Người thực là thánh thiện và khả úy. Lời khen ngợi Chúa còn tồn tại tới muôn đời. – Đáp.

ALLELUIA: 1 Sm 3, 9; Ga 6, 69

Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa, xin hãy phán, vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe; Chúa có lời ban sự sống đời đời. – Alleluia. 

PHÚC ÂM: Lc 10, 25-37

“Ai là anh em của tôi?”

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, có một người thông luật đúng dậy hỏi thử Chúa Giêsu rằng: “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời?” Người nói với ông: “Trong Lề luật đã chép như thế nào? Ông đọc thấy gì trong đó?” Ông trả lời: “Ngươi hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết sức và hết trí khôn ngươi, và hãy thương mến anh em như chính mình”. Chúa Giêsu nói: “Ông trả lời đúng, hãy làm như vậy và ông sẽ được sống”. Nhưng người đó muốn bào chữa mình, nên thưa cùng Chúa Giêsu rằng: “Nhưng ai là anh em của tôi?”

Chúa Giêsu nói tiếp: “Một người đi từ Giêrusalem xuống Giêricô, và rơi vào tay bọn cướp; chúng bóc lột người ấy, đánh nhừ tử rồi bỏ đi, để người ấy nửa sống nửa chết. Tình cờ một tư tế cũng đi qua đường đó, trông thấy nạn nhân, ông liền đi qua. Cũng vậy, một trợ tế khi đi đến đó, trông thấy nạn nhân, cũng đi qua. Nhưng một người xứ Samaria đi đường đến gần người ấy, trông thấy và động lòng thương. Người đó lại gần, băng bó những vết thương, xức dầu và rượu, rồi đỡ nạn nhân lên lừa của mình, đưa về quán trọ săn sóc. Hôm sau, lấy ra hai quan tiền, ông trao cho ông chủ quán mà bảo rằng: ‘Ông hãy săn sóc người ấy, và ngoài ra còn tốn phí hơn bao nhiêu, khi trở về tôi sẽ trả lại ông’.

“Theo ông nghĩ, ai trong ba người đó là anh em của người bị rơi vào tay bọn cướp?” Người thông luật trả lời: “Kẻ đã tỏ lòng thương xót với người ấy”. Và Chúa Giêsu bảo ông: “Ông cũng hãy đi và làm như vậy”. Đó là lời Chúa.

(thanhlinh.net)

++++++++++++++++++

08/10/2018 – THỨ HAI TUẦN 27 TN

Lc 10,25-37

“HÃY ĐI VÀ LÀM NHƯ VẬY”

“Một người Sa-ma-ri kia…cũng thấy và chạnh lòng thương. Ông ta lại gần, lấy dầu và rượu đổ lên vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi lại đặt người ấy lên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc.” (Lc 10,33-34)

Suy niệm: Có người nói tình yêu đích thực được thể hiện qua bốn phương diện: (1) sẵn lòng giúp đỡ; (2) biết xót xa trước đau khổ và (3) biết vui mừng trước hạnh phúc của người khác; cuối cùng (4) biết tha thứ. Chúa Giê-su đưa ra nhân vật người Sa-ma-ri như một điển hình về tình yêu đích thực đó. “Chạnh lòng thương” trước tình cảnh khốn khổ cấp bách của một người không quen biết, thay vì bỏ đi như thầy Lê-vi và thầy tư tế với những bận rộn của mình – mà ai lại không có những việc bận rộn cơ chứ? – ông Sa-ma-ri này sẵn lòng gác lại công việc của mình, và dốc toàn lực cứu chữa người bị nạn cách tận tình. Với nghệ thuật kể chuyện tài tình, Chúa mô tả tỉ mỉ những việc làm bác ái của người Sa-ma-ri; Ngài dạy chúng ta yêu thương đích thực phải thể hiện bằng việc làm cụ thể và Ngài kết luận cũng rất cụ thể: “Hãy đi và làm như vậy.”

Mời Bạn: Phải chăng bạn hay đưa ra những lời chống chế “tại, vì, nhưng, nếu…” để không làm những việc bác ái cho anh em?

Chia sẻ: trong nhóm của bạn: ai là người thân cận đang bị quên lãng, bỏ rơi, cùng khổ đang cần trợ giúp, bênh vực, và tìm cách cụ thể để giúp họ.

Sống Lời Chúa: Sống giản dị, đạm bạc để sẵn sàng chia sẻ với người khác khi cần thiết.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con tâm hồn quảng đại và nhạy bén biết chạnh thương trước những đau khổ của tha nhân để con sẵn sàng chia sẻ với họ bằng một tình yêu đích thực.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

8 THÁNG MƯỜI

Về Lòng Đạo Đức Bình Dân

Có một điểm đặc biệt tôi muốn đề cập với anh chị em, đó là lòng đạo đức bình dân và mối quan hệ của nó với đời sống phụng vụ trong Giáo Hội.

Hiến Chế về Phụng Vụ Thánh của Công Đồng Vatican II có nhắc đến vấn đề này khi nói đến “việc thực hành đạo đức của quần chúng Kitô hữu”. Những việc đạo đức bình dân được Công Đồng khen ngợi và khuyến khích miễn là chúng “tuân theo những qui luật và những chuẩn mực của Giáo Hội”. Vì thế chúng ta không nên thờ ơ hay coi thường những thực hành đạo đức vẫn đang sống động giữa lòng đại chúng Kitôhữu. Tôi đang nghĩ tới những lễ hội mừng các thánh bổn mạng, những cuộc hành hương đến các nơi thánh, và vô số những hình thức sùng kính các thánh.

Quả thật, như Đức Phaolô VI đã ghi nhận trong Tông Huấn Evangelii nuntiandi, lòng đạo đức hay sùng kính bình dân có ý nghĩa rất phong phú. “Nó biểu lộ nỗi khát khao Thiên Chúa mà chỉ những người đơn sơ nghèo khó mới hiểu được ; nó làm cho người ta biết quảng đại và hy sinh – đến mức anh hùng – khi việc biểu lộ đức tin bị đe dọa; nó cưu mang trong mình nó một cảm thức sâu sắc về những phẩm tính của Thiên Chúa: Thiên Chúa là Cha, Thiên Chúa là Đấng Quan Phòng, Thiên Chúa luôn luôn hiện diện đầy yêu thương; nó làm nảy sinh những tâm tình bên trong không kém sâu đậm: lòng kiên nhẫn, cảm thức về thập giá trong đời sống hàng ngày, sự gắn bó và cởi mở với người khác, thái độ dấn thân…” (EN 48).

Chắc chắn không phải tất cả những thực hành đạo đức này đều có giá trị cao ngang nhau. Vì chủ thể thực hành chúng là những con người, nên các động lực thực hành của họ có thể bị pha trộn với cảm tính và với hướng đích đơn thuần có tính cầu an hơn là để diễn tả đức tin hay để bày tỏ lòng biết ơn và tôn thờ Thiên Chúa. Bên cạnh đó, những việc đạo đức bình dân được phô bày qua những dấu hiệu, cử điệu và những nghi tiết đôi khi xem ra quá quan trọng, thậm chí chỉ để tạo cảm xúc. Tuy nhiên, tự bản chất chúng là những biểu hiện nội tâm sâu thẳm của con người. Chúng cho thấy rằng con người – là một tạo vật – tự nền tảng phải lệ thuộc vào Đấng Tạo Hóa.

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

NGÀY 08/10

Gl 1, 6-12; Lc 10, 25-37.

LỜI SUY NIỆM: “Nhưng ai là người thân cận của tôi.”

Trước Giáo lý của Chúa Giêsu, người thông luật muốn thử Chúa Giêsu, về những điều cần thiết để được hưởng sự sống đời đời, Chúa Giêsu đã hỏi lại ông: “trong luật nói gì?” và ông đã trình bày đúng những gì trong Luật đã dạy, nhưng  ông muốn làm rõ vấn đề hơn, nên đã hỏi lại Chúa Giêsu: “người thân cận là những ai.” Chúa Giêsu đã đưa dụ ngôn  ngưới Samari tốt lành. Đây cũng là điều Chúa Giêsu đang giúp cho mỗi người trong chúng ta ngày hôm nay hiểu và nhận ra ai là người thân cận của mình.

Lạy Chúa Giêsu. Xin cho những điều chúng con đã học, được ghi sâu vào trí óc, được thấm nhập vào con tim, biến chuyền ra nơi đôi bàn tay, và dùng đôi chân đi đến mọi nơi, để phục vụ người anh em với một tình yêu thương.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

08 Tháng Mười

Bức Tượng Người Mù 

Cũng như tại bất cứ một trung tâm hành hương nào, tại Lộ Ðức, du khách và khách hành hương có thể đọc được không biết bao nhiêu lời cảm tạ dâng lên Ðức Mẹ cũng như không biết bao nhiêu kỷ vật khác mà những người thọ ơn muốn cho thiết lập để ghi nhớ ơn Mẹ… Trong muôn nghìn kỷ vật tạ ơn ấy, người ta thấy có một bức tượng diễn tả một người mù vừa được chữa lành. Dĩ nhiên, được sáng mắt là một trong những phép lạ đầu tiên được ghi trong sách những phép lạ tại Lộ Ðức. Nhưng bức tượng người mù sáng mắt ở đây lại tượng trưng cho một biến cố khác, một phép lạ theo đúng nghĩa bởi vì đó là phép lạ của một người tìm lại được ánh sáng Ðức Tin.

Bức tượng này được một người đàn bà quý phái cho dựng lên để ghi nhớ ánh sáng Ðức Tin mà bà đã tìm lại được tại Lộ Ðức. Tuy là người Công Giáo, nhưng kể từ khi chồng qua đời, người đàn bà không còn một chút tin tưởng gì nơi Chúa Mẹ nữa. Và dĩ nhiên, cũng giống như những người khô đạo khác, người đàn bà chỉ tìm kiếm có mỗi một điều: đó là thú vui trong cuộc sống.

Một mùa hè nọ, trên đường đi đến một trung tâm nghỉ mát nổi tiếng ở phía Nam nước Pháp, người đàn bà phải đi qua Lộ Ðức. Thấy đám đông tấp nập tại trung tâm Thánh Mẫu, bà ta tò mò dừng lại xem. Bà không ngờ rằng chính Chúa đang tìm kiếm và đeo đuổi bà. Từ thái độ bàng quang của một người hiếu kỳ, người đàn bà đã tìm lại ánh sáng Ðức Tin. Ðể tạ ơn Chúa và Ðức Mẹ, bà đã cho dựng lên bức tượng của người mù với hàng chữ như sau: “Tìm lại Ðức Tin là một phép lạ vĩ đại hơn là được sáng mắt”.

Trên vạn nẻo đường của chúng ta, lúc nào Thiên Chúa cũng có mặt. Thật ra, không phải con người đi tìm kiếm Thiên Chúa cho bằng chính Thiên Chúa đeo đuổi kiếm tìm con người.

Trong mọi biến cố của cuộc sống, lúc nào Thiên Chúa cũng có mặt. Trong an vui hạnh phúc, hay trong thất bại khổ đau, Ngài luôn ở bên cạnh ta để mời gọi ta tin tưởng ở Tình Yêu của Ngài. Ngay cả khi con người muốn khước từ và gạt bỏ Ngài ra khỏi cuộc sống, Thiên Chúa vẫn tiếp tục đeo đuổi con người.

Thánh Kinh đã ví Thiên Chúa như một người tình chung thủy, lúc nào cũng chờ đợi, lúc nào cũng nài nỉ, lúc nào cũg vỗ về, lúc nào cũng tha thứ.

Tin ở một sự hiện diện trung thành như thế của Thiên Chúa, thái độ của chúng ta phải là thức tỉnh, chờ đợi và tin tưởng không ngừng. Trong an vui thịnh đạt, chúng ta dâng lời cảm tạ Chúa. Trong thất bại khổ đau, chúng ta cũng hãy tin tưởng phó thác. Và ngay cả những lúc vấp ngã vì yếu đuối, chúng ta cũng hãy tin tưởng ở lòng tha thứ vô bờ của Ngài. Thiên Chúa sẽ không bao giờ bỏ mặc con người.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Hai Tuần 27 TN2, Năm Chẵn. 

Bài đọc: Gal 1:6-12; Lk 10:25-37.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Tin Mừng đích thực

Con người thường hay lầm lẫn giữa cái đích thực với cái giả mạo và ngược lại. Để khỏi bị lầm lẫn, con người cần phải học hỏi và nhiều khi phải trả giá đắt qua kinh nghiệm mới có thể phân biệt giữa thực và giả. Trong Bài đọc I, cộng đòan tín hữu ở Galat lầm lẫn vì họ tin có nhiều Tin Mừng khác nhau; thánh Phaolô chỉ cho họ thấy đâu là Tin Mừng đích thực. Trong Phúc Âm, thầy thông luật tuy có biết phải làm gì để được sự sống đời đời nhưng không biết ai là người thân cận để giúp họ.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Chỉ có một Tin Mừng đích thực.

Điểm căn bản trong Thư gởi tín hữu Galat là Thiên Chúa trao ban ân sủng cách nhưng không cho con người. Thánh Phaolô xác tín rằng con người không thể làm bất cứ việc gì để xứng đáng được hưởng tình yêu Thiên Chúa. Chỉ có một điều con người có thể làm là đặt mình hòan tòan dưới lòng thương xót Chúa qua sự biểu tỏ của niềm tin. Điều quan trọng không phải ở chỗ con người đã làm gì nhưng ở chỗ Thiên Chúa đã làm cho con người.

1.1/ Chỉ có một Tin Mừng đích thực được mặc khải qua Đức Kitô. Sau khi thánh Phaolô đã rao giảng Tin Mừng và thành lập cộng đòan Galat, có những người đến sau ngài đã rao truyền một thứ Tin Mừng theo kiểu của Do-Thái. Họ rao truyền: Nếu con người muốn làm đẹp lòng Thiên Chúa, con người phải chịu cắt bì và giữ tất cả các luật lệ như người Do-Thái. Theo họ, con người có thể kiếm điểm với Thiên Chúa qua việc giữ cẩn thận các luật lệ. Thánh Phaolô sững sờ khi thấy niềm tin như thế nơi cộng đòan của ngài. Ngài viết cho họ: “Tôi lấy làm ngạc nhiên, khi thấy anh em trở mặt mau lẹ như thế với Đấng đã kêu gọi anh em nhờ ân sủng của Đức Kitô, để theo một Tin Mừng khác. Không có Tin Mừng nào khác đâu, mà chỉ có một vài kẻ phá rối anh em, và muốn làm xáo trộn Tin Mừng của Đức Kitô đó thôi.”

1.2/ Sự kiêu ngạo và ghen tị làm con người phát minh ra một Tin Mừng khác: Những đối thủ của thánh Phaolô tố cáo: sở dĩ ngài đã loan báo một Tin Mừng không cần giữ luật là để làm đẹp lòng các tín hữu vì họ không thích bị ràng buộc bởi luật lệ. Ngài phản đối : Nếu việc giữ luật đủ để con người được hưởng ơn cứu độ thì việc giáng trần và chịu chết của Chúa Kitô là điều không cần thiết; và Tin Mừng ngài rao giảng không có lý do để tồn tại. Nhưng Đức Kitô thực sự đã chết cho con người; điều này chứng minh Lề Luật không đủ để mang lại ơn cứu độ. Thánh Phaolô cũng phản đối lời tố cáo ngài muốn làm đẹp lòng các tín hữu: “Vậy, giờ đây tôi tìm cách lấy lòng người đời, hay lấy lòng Thiên Chúa? Phải chăng tôi tìm cách làm đẹp lòng người đời? Nếu tôi còn muốn làm đẹp lòng người đời, thì tôi không phải là tôi tớ của Đức Kitô.” Ngài đã mang những vết thương của Chúa Kitô trên thân thể như người nô lệ mang tên của chủ; và ngài chỉ trung thành và làm đẹp lòng Đức Kitô mà thôi.

1.3/ Tin Mừng đích thực là do Chúa Kitô mặc khải: Thánh Phaolô nhắc đi nhắc lại cho mọi người biết: tuy ngài không thuộc về Nhóm Mười Hai, nhưng ngài được sai đi trực tiếp từ Chúa Kitô Phục Sinh đến các Dân Ngọai, và Tin Mừng ngài rao giảng không do lòai người truyền lại cho ngài, nhưng được chính Chúa Kitô Phục Sinh mặc khải.

2/ Phúc Âm: Ai là người thân cận của tôi?

2.1/ Phải làm gì để được sự sống đời đời? Đây là câu hỏi rất quan trọng và thực tế của cuộc đời, nhưng người hỏi là thầy thông luật: tuy ông đã biết câu trả lời nhưng vẫn hỏi để thử Chúa Giêsu. Thay vì cho ông câu trả lời, Chúa Giêsu hỏi lại ông: “Trong Luật đã viết gì? Ông đọc thế nào?” Ông ấy thưa: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi (Dt 6:5), và yêu mến người thân cận như chính mình (Lev 19:18).” Đức Giê-su bảo ông ta: “Ông trả lời đúng lắm. Cứ làm như vậy là sẽ được sống.”

2.2/ Ai là người thân cận của tôi? Tuy Jericho cách Jerusalem khỏang 20 dặm nhưng độ cao khác biệt là 3,600 ft. Đây là đọan đường rất nguy hiểm vì lối đi hẹp và có rất nhiều hang động, chỗ ẩn của trộm cướp. Rất ít ai dám đi một mình trên quãng đường này. Người bị đánh trọng thương rất có thể là người Do-Thái vì đi từ Jerusalem xuống. Chúa Giêsu liệt kê ra 3 lọai người và phản ứng của họ khi nhìn thấy người bị thương:

(1) Thầy tư tế: là người Do-Thái. Lý do tại sao ông tránh có thể vì sợ sẽ bị không sạch trong 7 ngày (Num 19:11) nếu động tay vào xác chết, và sẽ không được phục vụ trong Đền Thờ. Ông đặt việc tế tự trên lòng thương xót khi ông tránh qua bên kia mà đi.

(2) Thầy Lêvi: cũng là người Do-Thái. Nhiệm vụ của Levites là phục vụ cung điện nơi Hòm Bia của Thiên Chúa ngự. Giống như thầy tư tế, ông có lẽ cũng sợ bị không sạch, nên tuy cũng thấy người bị trọng thương, nhưng rồi cũng tránh qua bên kia mà đi.

(3) Người Samaria xem người Do-Thái như thù địch và không muốn chung chạ gì với họ. Nhưng khi thấy người bị trọng thương, người Samaria không để ý đến nạn nhân là người Do-Thái hay không, ông chạnh lòng thương nạn nhân đau khổ: một niềm thương xót giữa người với người.

Ông ta lại gần, lấy dầu lấy rượu đổ lên vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc. Hôm sau, ông lấy ra hai quan tiền, trao cho chủ quán và nói: “Nhờ bác săn sóc cho người này, có tốn kém thêm bao nhiêu, thì khi trở về, chính tôi sẽ hoàn lại bác.”

2.3/ Chúa Giêsu hỏi thầy thông luật: “Vậy theo ông nghĩ, trong ba người đó, ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp? ” Người thông luật trả lời: “Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy.” Đức Giê-su bảo ông ta: “Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy.”

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Chúng ta cần phải học hỏi thì mới có thể biết cái chân chính và cái giả tạo; nếu không sẽ lầm lẫn đi trong bóng tối và dễ bị đánh lừa.

– Mến Chúa yêu người là phương thức để đạt được sự sống đời đời.

– Chúng ta không chỉ mến Chúa yêu người bằng miệng, nhưng phải thể hiện bằng cuộc sống thờ phượng Thiên Chúa và thực hành các việc bác ái. 

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************

bài liên quan mới nhất

Diễn từ Đức Thánh Cha dành cho Phong trào Équipes Notre-Dame hỗ trợ các đôi vợ chồng Kitô hữu

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng