Suy niệm Tin Mừng thứ Hai tuần 23 mùa Thường Niên (6,6-11)

BÀI ĐỌC I: 1 Cr 5, 1-8

“Anh em hãy tẩy trừ men cũ, vì Chiên Vượt Qua của chúng ta là Đức Kitô đã hiến tế”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, người ta nghe nói giữa anh em có chuyện tà dâm, thứ tà dâm mà nơi dân ngoại cũng không có như vậy, là có người lấy vợ cha mình. Thế mà anh em còn lên mặt kiêu căng, đáng lẽ anh em phải để tang mà loại trừ khỏi anh em con người làm chuyện đó. Tuy tôi vắng mặt phần xác, nhưng hiện diện bằng tinh thần, tôi đã tuyên án kẻ làm chuyện đó, như tôi đang hiện diện, nhân danh Chúa chúng ta là Đức Giêsu Kitô, tập họp anh em lại với tâm trí tôi, lấy quyền năng của Chúa chúng ta, là Đức Giêsu, tôi trao con người như thế cho Satan, để xác nó chết đi, hầu cho tâm hồn nó được cứu thoát trong ngày của Chúa chúng ta, là Đức Giêsu Kitô.

Việc anh em lên mặt kiêu căng không tốt đâu. Nào anh em chẳng biết rằng chỉ một dúm men là đủ làm hư cả khối bột đó sao? Anh em hãy tẩy trừ men cũ, để nên bột mới, như anh em là bánh không men. Vì Chiên Vượt Qua của chúng ta là Đức Kitô đã hiến tế. Vì thế, chúng ta hãy mừng lễ không phải với men cũ, cũng không phải với men gian tà và độc ác, nhưng với bánh không men tinh tuyền và chân chính. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 5, 5-6. 7. 12

Đáp: Lạy Chúa, xin dẫn con trong đức công minh (c. 9a).

Xướng: 1) Chúa không phải là Chúa tể ưa điều gian ác, kẻ độc dữ không được cư trú nhà Ngài, đứa bất nhân không thể đứng trước thiên nhan. Chúa ghét những kẻ làm điều gian ác. – Đáp.

2) Ngài tiêu diệt những đứa nói man; người độc ác và gian giảo, thì Chúa ghê tởm không nhìn. – Đáp.

3) Nhưng hết thảy ai tìm đến Chúa sẽ mừng vui, họ sẽ hân hoan cho tới muôn đời. Chúa che chở họ, họ sẽ mừng vui bởi Chúa, đó là những kẻ yêu mến danh Ngài. – Đáp.

ALLELUIA: Pl 2, 15-16

Alleluia, alleluia! – Anh em hãy tích trữ lời ban sự sống, anh em hãy chiếu sáng như những vì sao ở giữa thế gian. – Alleluia. 

PHÚC ÂM: Lc 6, 6-11

“Các ông quan sát xem Người có chữa lành bệnh trong ngày Sabbat không”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Vào một ngày Sabbat, Chúa Giêsu vào hội đường và giảng dạy. Khi ấy ở đó có một người tay hữu bị khô bại. Những luật sĩ và biệt phái quan sát xem Người có chữa lành người ấy trong ngày Sabbat không, để có cớ tố cáo Người. Nhưng Người biết tư tưởng các ông, liền bảo người có tay khô bại rằng: “Ngươi hãy chỗi dậy mà đứng ra giữa đây”. Người đó đứng thẳng dậy. Đoạn Chúa Giêsu bảo các ông ấy rằng: “Tôi hỏi các ông, ngày Sabbat được phép làm sự lành hay sự dữ, cứu sống hay là giết chết?” Rồi đưa mắt nhìn mọi người, Chúa bảo người đó rằng: “Ngươi hãy giơ tay ra”. Người ấy giơ ra, và tay người ấy được lành.

Bấy giờ các ông đầy lòng tức giận, và bàn định với nhau xem có thể làm gì được Chúa Giêsu. Đó là lời Chúa.

(thanhlinh.net)

++++++++++++++++++

Đạo Yêu Thương

Trong hành trình đi loan báo Tin Mừng, người ngôn sứ trong Cựu Ước gặp biết bao từ khước, bị chống đối và thậm chí còn bị đe doạ đến tính mạng. Thánh Gioan Tẩy Giả vì nói lên tiếng nói chân lý, muốn bảo vệ luân lý đạo đức mà ngài đã bị chém đầu. Chúa Giêsu - Vị ngôn sứ quyền năng không thoát khỏi số mệnh đã dành riêng cho Ngài.

Trang Tin Mừng Lc 6, 6-11 hôm nay nói lên mầm mống chống đối của những kẻ không ưa Ngài, muốn tìm cách hãm hại và loại trừ Ngài. Ta hãy cùng Ngài bước vào cuộc đối đầu đã khởi sự.

Mặc dù Chúa Giêsu đã đem Tin Mừng cho người nghèo, giải phóng kẻ bị áp bức và kẻ bị cầm tù, đem ánh sáng cho người mù, bảo vệ kẻ cô thế cô thân, và chữa lành bệnh tật. Cho dù Ngài chỉ nói lời yêu thương, khuyến cáo cảnh tỉnh người lầm lạc trở về, thế mà Ngài lại bị lên án và bị giết chết trên Thập Giá.

Nhiều người Do thái thời Chúa Giêsu, nhất là các thành phần lãnh đạo trong dân cũng có lối hành đạo tương tự. Thật ra, đạo của mạc khải Do thái giáo cốt yếu cũng là đạo của tình thương; thế nhưng trong thực tế, cái cốt lõi ấy thường bị quên lãng để nhường chỗ cho biết bao nghi thức trống rỗng vô hồn; người ta sẵn sàng loại trừ tha nhân và chối bỏ tình thương để tuân giữ những nghi thức và luật lệ vô hồn ấy.

Trong dòng lịch sử, dân Do Thái đã hiểu và tuân giữ quy luật thiên định ấy. Nhất là trong biến cố vượt qua biển đỏ cách lạ lùng, Dân Do Thái thoát khỏi cảnh nô lệ Ai Cập do sự can thiệp kỳ diệu của bàn tay uy quyền của Thiên Chúa. Ý thức về quyền năng và tình thương của Thiên Chúa dành cho họ cách lạ lùng nên họ dành ngày Sabat để tôn thờ và tạ ơn Thiên Chúa. Chính vì vậy mà ngày Sabat thuở ban đầu được xác định là ngày kính nhớ tình thương tạo dựng và sự sống Chúa trao ban.

Thế nhưng rồi trải qua dòng thời gian, ý nghĩa chính của ngày nghỉ Sabat đã bị những người Biệt Phái làm sai lệch. Chính vì thế mà Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu xác định rõ lại cho họ thấy ý nghĩa đích thực của ngày Sabat. Ngày Sabat được đặt ra là để “làm việc lành và để cứu sống”. Nên Chúa Giêsu đã không ngần ngại làm việc lành là cứu chữa cho người bị bại liệt được khỏi mà ban lại cho anh ta sự sống mới.

Chúa Giêsu tự ý chữa lành cho người bại tay không do yêu cầu của người này, cho thấy lập trường của Ngài về việc chữa lành. Bệnh của người khô bại tay không phải là trường hợp nguy cấp, cần được chữa trị ngay trong ngày sa-bát.

Tuy thế, với Chúa Giêsu, vấn đề không còn là trong ngày sa-bát được phép chữa bệnh hay không, nhưng là được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay bị hủy diệt? Với Ngài, sự sống con người quan trọng đến độ không làm điều lành cần phải làm là làm điều dữ, không cứu sự sống khi có thể là hủy diệt sự sống ấy.

Lời Ngài có uy quyền trên bệnh tật và lời Ngài  đã chứng minh Tình Yêu Thiên Chúa qua hành vi cụ thể chữa lành. Việc chữa lành của Chúa Giêsu đã đưa anh khô bại tay trở về cuộc sống đời thường nhưng lại là lúc làm cho mầm mống ghen tỵ, hiềm khích của người pha-ri-sêu gia tăng. Thánh sử Luca viết tiếp, họ giận điên lên và bàn nhau xem có làm gì được Chúa Giêsu không (c.11). Một kế hoạch được lập ra. Một âm mưu được khởi đầu chỉ vì lòng ghen ghét.

Chúa Giêsu đã đến và đưa con người trở lại cái cốt lõi của đạo. Tin Mừng hôm nay ghi lại một nỗ lực của Chúa Giêsu nhằm nhắc nhở cho người Do thái về cái cốt lõi của đạo được thể hiện qua lề luật. Một trong những khoản quan trọng của lề luật chính là ngày Hưu lễ. Chúa Giêsu đã không đến để hủy bỏ, nhưng để kiện toàn lề luật, và kiện toàn lề luật chính là mặc cho tinh thần và ý nghĩa của yêu thương; không có tình thương, lề luật chỉ còn là một cái xác không hồn.

          Như vậy, kiện toàn luật giữ ngày Hưu lễ chính là biến ngày đó thành ngày tôn vinh Thiên Chúa, và không gì đúng đắn và xứng hợp hơn để tôn vinh Thiên Chúa trong ngày Hưu lễ cho bằng thể hiện tình thương đối với tha nhân. Chính trong ý nghĩa ấy mà Chúa Giêsu đã chữa lành một người có bàn tay khô bại trong ngày Hưu lễ. Lề luật là một thể hiện ý muốn của Thiên Chúa, và ý muốn của Chúa không gì khác hơn là con người được sống, và sống dồi dào, sung mãn chính là sống yêu thương. Như vậy chu toàn lề luật trước tiên là sống yêu thương.

Thái độ của người Pharisêu xưa cũng là hành vi của chúng ta ngày nay. Nhiều lúc trong cuộc sống nơi công sở, nhà máy, trường học, chúng ta vẫn có nhiều âm mưu diệt trừ lẫn nhau: một lời nói xấu, gièm pha, một hành vi phản đối hoặc thái độ “mackeno”. Thậm chí một vài người có hành vi loại trừ Thiên Chúa như: tôn thờ chủ nghĩa vật chất, ham mê những quyến rũ của lạc thú trần gian và có những thái độ chống phá Giáo hội như : đặt điều vu khống, bắt bớ, bách hại những người ngay lành, thấp cổ bé miệng, xúc phạm nhân phẩm phụ nữ, trẻ em...

Cái nhìn yêu thương của Thầy Chí Thánh Giêsu giúp chúng ta có một cái nhìn đúng đắn về anh em mình. Đó là ánh nhìn nhạy bén, yêu thương, cảm thông, hy sinh, lo lắng, chia sẻ đối với những ai đang đau khổ dù họ chưa một lần lên tiếng cầu xin.     

Trang Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta nhìn lại cách sống đạo của chúng ta. Ðọc kinh, dự lễ, tham gia sinh hoạt giáo xứ mà không sống yêu thương, điều đó có thật sự là sống đạo chưa? Sống đạo đích thực là sống yêu thương: một lời kinh đích thực phải phát xuất từ cõi lòng rộng mở yêu thương; một của lễ đẹp lòng Chúa phải là một nghĩa cử yêu thương dành cho tha nhân. Xin Chúa giúp chúng ta mỗi ngày thêm thấm nhuần cái cốt lõi của đạo là yêu thương.

Lm. Huệ Minh

----------

Suy niệm 2:

MÔN ĐỆ CỦA ĐẤNG LÀ SỰ SỐNG

“Ngày Sa-bát, được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay hủy diệt?” (Lc 6,9)

Suy niệm: Trong hội đường nhỏ bé ngày ấy, có ba loại người: (1) người đau ốm cần giúp đỡ; (2) người tận tâm đem lại sự sống cho kẻ khác; (3) người tìm phương kế để tiêu diệt người khác. Câu hỏi của Đức Giê-su trên đây đặt người Pha-ri-sêu vào thế lúng túng, bởi vì nói đúng tim đen của họ. Trong thế giới rộng lớn ngày nay, vẫn là ba hạng người: (1) những người cần sự nâng đỡ để có sự sống; (2) những người nỗ lực phò sự sống, xây dựng nền văn minh tình thương; và (3) những kẻ chủ trương tiêu diệt sự sống của người khác, để mình có thể sống hưởng thụ sung sướng, hay cổ võ nền văn hóa sự chết. Là Ki-tô hữu, chắc chắn bạn được mời gọi bước theo con đường của Thầy mình.

Mời Bạn: Nhớ lại những con số lạnh lùng cho thấy tình trạng báo động về nạn ô nhiễm môi trường, phá thai, thu nhập chênh lệch giàu-nghèo, sử dụng bạo lực… Bạn được mời gọi góp phần, dù nhỏ bé, trong công cuộc gây ý thức và xây dựng nền văn minh tình thương trong cộng đồng nơi bạn sinh sống. 

Chia sẻ: Người Ki-tô hữu có thể làm gì để đưa những giá trị sự sống của Nước Trời vào môi trường sống của mình?

Sống Lời Chúa: Nhận diện một hoặc các tệ nạn trong xã hội, và trong khả năng của mình, tìm phương cách tạo sự thay đổi.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa mời gọi chúng con trở nên muối men, cộng đoàn chúng con trở thành ánh sáng như thành được xây trên núi cao. Xin cho chúng con can đảm nỗ lực góp phần, dù khiêm tốn, trong công cuộc cổ võ và sống những giá trị của Nước Trời trong xã hội chúng con. Amen.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

10 THÁNG CHÍN

Chúng Ta Khát Vọng Tuyệt Đối

Giáo Hội tuyên bố rằng con người, trong hành trình cuộc sống của mình, cần phải được hết mực kính trọng, yêu thương và quan tâm săn sóc – bởi vì con người được tiền định sống đời đời. Vì vậy, bất cứ nền văn hoá nào tôn trọng phẩm giá và định mệnh tối hậu của con người đều hỗ trợ cho con người sống một cuộc sống cao thượng và công chính trên cuộc hành trình dương thế này.

Thánh Phaolô đề cập đến điều này trong giáo huấn của ngài gửi cho cộng đoàn tín hữu Philipphê: “Cuối cùng, thưa anh em, những gì là chân thật, cao quý, những gì là chính trực, tinh tuyền, những gì là đáng mến và đem lại danh thơm tiếng tốt, những gì là đức hạnh, đáng khen, thì xin anh em hãy để ý”. (Pl 4,8). Trong suốt cuộc hành trình dương thế này, từ khi sinh ra cho đến lúc lìa đời, con người phải ý thức hoàn toàn rằng mình là một lữ khách trên đường hành hương về với Thiên Chúa.

Chính trong khát vọng tuyệt đối này có hàm ẩn kinh nghiệm về Thiên Chúa. Trong tất cả những con người xuyên qua lịch sử đã kiếm tìm Thiên Chúa, chúng ta có thể thấy khuôn mặt vĩ đại của Thánh Augustinô, người đã thốt lên khi gặp gỡ được Đấng mà mình kiếm tìm: “Con đã gặp Ngài ở đâu để nhận biết Ngài, nếu không phải là chính nơi Ngài, vượt xa trên chính con?” (Tự Thú của T. Augustinô, 10,26).

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

NGÀY 10/9

1Cr 5, 1-8; Lc 6, 6-11.

LỜI SUY NIỆM: “Đức Giêsu nói với họ: Tôi xin hỏi các ông: ngày Sabát, được làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay hủy diệt?”

             Trước sự dò xét của nhóm người kinh sư và người Pharisêu, xem trong ngày Sabát Chúa Giêsu có chữa lành cho người bại tay trong hội đường? Chúa Giêsu biết họ cố tìm ra tội vi phạm Lề Luật của Người để mà kết tội. Như vậy trong thâm tâm họ đang làm một việc ác. Nên Người đã đặt ra câu hỏi: “Tôi xin hỏi các ông: ngày Sabát, được làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay hủy diệt?”, Để cảnh tĩnh họ; bởi vì Người sẽ làm một việc lành, đó là sẽ chữa lành tay người bị bại liệt. Nhưng tất cả đều đã im lặng. Trước sự im lặng của họ, Chúa Giêsu bảo người bại tay: “Anh giơ tay ra” Anh ấy làm như vậy và tay anh liền trở lại bình thường.” Với chúng ta ngày hôm nay, Chúa Giêsu cũng đang hỏi mỗi người trong chúng ta về ngày “Chúa Nhật”.

            Lạy Chúa Giêsu. Chúa Nhật là một ngày Thánh của người Kitô hữu, Và được coi là Thánh, bởi việc cử hành Thánh Thể, vốn là sự hiện diện sống động của Chúa ở giữa chúng ta. Xin cho tất cả chúng con luôn ý thức ngày Chúa Nhật “Ngày của Chúa” là ngày đặc biệt dâng hiến cho việc thờ phượng Thiên Chúa, bằng những việc lành.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

10 Tháng Chín

Quà Tặng Quý Giá Nhất

 Trong một góc hè phố, một bác hành khất tê bại nằm co quắp. Chợt có một người đàn ông ăn mặc bảnh bao đi qua. Người hành khất bèn mở miệng xin bố thí. Người đàn ông ăn mặc sang trọng xỏ tay vào túi áo, nhưng ông tìm mãi mà chẳng được gì. Vừa bối rối, vừa thành kính, ông ta mới phân bua với người hành khất:

“Này bác, tôi muốn biếu bác chút đỉnh, nhưng rất tiếc, vì đi bất ngờ nên tôi không có mang tiền theo. Xin bác thông cảm cho”.

Người hành khất mới trả lời: “Cám ơn ông. Ông đã cho tôi nhiều hơn mọi của bố thí. Bởi vì ông đã gọi tôi là Bác. Chưa bao giờ trong đời tôi, tôi đã nhận được danh dự đó trên môi miệng của một người sang trọng nào cả”.

Dù là một người hành khất, dù là một người tàn tật, dù là một người bị xã hội ruồng rẫy bỏ rơi, tất cả đều có một phẩm giá như nhau. Quà tặng quý giá nhất mà chúng ta có thể trao tặng cho người khác, chính là tôn trọng người đó với tất cả phẩm giá cao quý nhất của họ.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Hai Tuần 23 TN2

Bài đọc1 Cor 5:1-8; Lk 6:6-11.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Phải thẳng thắn sửa chữa gương mù.

Corintô là thành phố rất giầu có và tội lỗi. Rất khó cho các tín hữu của cộng đòan mới được thành lập bởi thánh Phaolô tránh khỏi những tội lỗi mà họ đã quá quen thuộc. Trong lãnh vực tình dục, Dân Ngọai không hiểu được ý nghĩa của nhân đức trong sạch, họ xem tình dục là chuyện bình thường. Nhưng thánh Phaolô cảnh cáo các tín hữu Corintô trong Bài đọc I: một khi đã gia nhập Dân Thánh, họ phải có can đảm thay đổi những thói quen của đời sống quá khứ, để mặc lấy tấm lòng tinh tuyền và chân thật của đời sống mới theo đòi hỏi của Tin Mừng. Trong Phúc Âm, Chúa cũng thẳng thắn sửa chữa các Kinh-sư và Biệt-phái về lối sống giả hình của họ.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Thánh Phaolô kết án người làm chuyện lọan luân và cộng đòan Corintô.

Mặc dầu Dân Ngọai là những người có đời sống tình dục phóng khóang, họ cũng kết án chuyện làm tình giữa con cái với cha mẹ; thế mà chuyện này lại xảy ra trong cộng đòan tín hữu Corintô: “Đi đâu cũng chỉ nghe nói đến chuyện dâm ô xảy ra giữa anh em, mà là thứ dâm ô không thấy xảy ra ngay cả nơi Dân Ngoại: có kẻ ăn ở với vợ kế của cha mình!”

Thánh Phaolô không những lên án người vi phạm chuyện lọan luân mà còn trách móc cả cộng đòan về thái độ im lặng của họ; vì đúng ra họ đã phải sửa chữa và loại trừ kẻ làm điều ấy ra khỏi cộng đoàn. Thái độ im lặng của họ chẳng những là cớ cho người vi phạm không nhận ra tội lỗi mà còn gây gương mù trong cộng đòan. Ngài tỏ rõ lập trường của ngài: “Phần tôi, tuy vắng mặt về thân xác, nhưng về tinh thần vẫn có mặt, tôi đã lên án kẻ có hành vi đó như thể tôi có mặt tại chỗ.”

Vì thế, chuyện phải thẳng thắn sửa phạt người đã vi phạm là chuyện phải làm, và ngài đề nghị một giải pháp: “Trong một buổi họp của anh em, ở đó có tôi hiện diện bằng tinh thần, nhân danh Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, và với quyền năng của Người, chúng ta phải nộp con người đó cho Satan, để phần xác nó bị huỷ diệt, còn phần hồn được cứu thoát trong Ngày của Chúa.” Nộp người vi phạm cho Satan là khai trừ người đó ra khỏi cộng đòan. Tuy nhiên, vì tình thương nên cộng đòan vẫn để cho kẻ vi phạm có cơ hội biết ăn năn hối cải để linh hồn được cứu rỗi.

Để cắt nghĩa sự nguy hiểm của gương mù trong cộng đòan, thánh Phaolô dùng hai hình ảnh men và bột, mà không một người Do-Thái nào xa lạ với hai hình ảnh này. Mỗi năm để chuẩn bị ăn mừng Lễ Vượt Qua, người Do-Thái thường thu dọn nhà cửa sạch sẽ, nhất là nhà bếp nơi chứa đựng men và bột. Lý do tại sao phải làm như thế là vì chỉ cần một chút men cũng đủ làm cho cả khối bột dậy lên; và nếu khối bột đã dậy lên còn vương vãi trong nhà thì men cũ trong đó vẫn còn.

Cũng vậy về phương diện luân lý, nếu không chịu cắt bỏ hòan tòan với các thói quen và con người cũ, chúng sẽ dần dần lan ra trong cộng đòan tín hữu và làm hoen ố đời sống thánh thiện của các tín hữu khác. Ngài so sánh men cũ với lòng gian tà và độc ác, và bánh không men với lòng tinh tuyền và chân thật. Để chuẩn bị mừng Lễ Vượt Qua Mới mà Đức Kitô đã chịu hiến tế làm chiên lễ Vượt Qua, cộng đòan phải rửa sạch lòng gian tà và độc ác; đồng thời phải mặc lấy lòng tinh tuyền và chân thật.

2/ Phúc Âm: Chúa Giêsu kết án các Kinh-sư và Biệt-phái.

Thường thường, những người có bệnh hay thân nhân của họ theo Chúa Giêsu và xin Ngài chữa lành, nhưng biến cố trong Phúc Âm hôm nay có sự khác lạ. Người bệnh đã có mặt trước khi Chúa đến và được xử dụng như một cái bẫy chờ Chúa Giêsu rơi vào để kết tội Ngài như Phúc Âm tường thuật: “Một ngày sa-bát khác, Đức Giê-su cũng vào hội đường và giảng dạy. Ở đó có một người bị khô bại tay phải. Các Kinh-sư và những người Biệt-phái rình xem Đức Giê-su có chữa người ấy trong ngày Sabbath không, để tìm được cớ tố cáo Người.”

Nhưng đã quá khinh thường sự khôn ngoan và uy quyền của Chúa Giêsu. Ngài không những có uy quyền để chữa bệnh mà còn đọc được những tính tóan nhơ bẩn mà họ đang suy nghĩ. Để dạy họ một bài học, Chúa bảo người bại tay: “Anh trỗi dậy, ra đứng giữa đây!” Người ấy liền trỗi dậy và đứng đó. Ngài hỏi các Kinh-sư và Biệt-phái: “Tôi xin hỏi các ông: ngày Sabbath, được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay huỷ diệt?”

Những người muốn truy tố Ngài lú này trở thành những bị cáo. Chắc chắn tinh thần của ngày Sabbath đòi họ phải làm điều lành, thế mà họ lại tìm cách để có cớ tố cáo người lương thiện như Chúa. Ngày Sabbath đòi phải quí và bảo vệ mạng sống mà họ lại kết án việc chữa lành của Chúa. Như tên trộm bị bắt quả tang phạm tội, Chúa Giêsu đã phơi bày những ý định độc ác của họ trước mặt tòa án, và họ thinh lặng không dám trả lời.

Chúa có thể chữa lành người khô bại trong nơi kín hay nơi khác, nhưng để dạy cho tất cả một bài học về việc phải thẳng thắn lọai trừ các gương mù về lối sống giả hình. Người rảo mắt nhìn họ tất cả, rồi bảo người bại tay: “Anh giơ tay ra!” Anh ấy làm như vậy và tay anh liền trở lại bình thường. Thánh Luca kết luận: “Nhưng họ thì giận điên lên, và bàn nhau xem có làm gì được Đức Giêsu không.” Đã bị lột trần mọi ác ý nham hiểm, thay vì ăn năn trở lại, lại còn kiêu ngạo điên hơn nữa để có thể giết hại người làm lành.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng. Ai trong chúng ta cũng biết câu truyện mẹ của Thầy Mạnh-Tử phải thay đổi chỗ ở 3 lần cho tới khi tìm được chỗ ở tốt lành cho con. Ngày nay nhiều người nại lý do nhà cửa, công ăn việc làm, nên đành chịu ở trong những môi trường với đầy dẫy những gương mù nguy hiểm. Làm như thế họ đã hy sinh tương lai gia đình mình cho của cải vật chất và chắc chắn sẽ phải chịu trách nhiệm trước mặt Chúa nếu các phần tử trong gia đình cũng đi vào đàng tội lỗi với những người chung quanh họ. Các Bài đọc hôm nay, thay vì chú trọng đến việc thay đổi chỗ ở, chú trọng đến việc sửa chữa và khai trừ những hành vi xấu, để mọi người được sống trong bầu khí đạo đức hơn.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************

bài liên quan mới nhất

Thứ Sáu tuần VII Phục Sinh: “Con hãy chăn dắt các chiên mẹ và chiên con của Thầy”

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng