Suy Niệm Tin Mừng Thứ Ba Tuần XXXI Mùa Thường Niên Năm chẵn

BÀI ĐỌC I: Pl 2, 5-11

“Người đã tự hạ mình, vì thế Thiên Chúa đã tôn vinh Người”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Philipphê.

Anh em thân mến, anh em hãy cảm nghĩ trong anh em điều đã có trong Đức Giêsu Kitô: Người tuy là thân phận Thiên Chúa, đã không nghĩ phải giành cho được ngang hàng với Thiên Chúa; trái lại, Người huỷ bỏ chính mình mà nhận lấy thân phận tôi đòi, đã trở nên giống như loài người với cách thức bề ngoài như một người phàm.

Người đã tự hạ mình mà vâng lời cho đến chết, và chết trên thập giá. Vì thế, Thiên Chúa đã tôn vinh Người, và ban cho Người một danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu, để khi nghe tên Giêsu, mọi loài trên trời dưới đất và trong địa ngục phải quỳ gối xuống, và mọi miệng lưỡi phải tuyên xưng Đức Giêsu Kitô là Chúa để Thiên Chúa Cha được vinh quang. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 21, 26b-27. 28-30a. 31-32

A+B= Lạy Chúa, bởi Chúa mà lời con ca ngợi vang lên trong Đại hội (c. 26a). 

Xướng: 1) Bởi Chúa mà lời con ca ngợi vang lên trong Đại hội. Con sẽ làm trọn những lời khấn hứa của con, trước mặt những người tôn sợ Chúa. Bạn cơ bần sẽ ăn và được no nê, những kẻ tìm kiếm Chúa sẽ ca khen Chúa: “Tâm hồn các bạn hãy vui sống tới muôn đời”. – Đáp.

2) Thiên hạ sẽ ghi lòng và trở về với Chúa, khắp cùng bờ cõi địa cầu; và toàn thể bá tánh chư dân sẽ phủ phục trước thiên nhan Chúa. Bao người ngủ trong lòng đất sẽ tôn thờ duy một Chúa.- Đáp.

3) Miêu duệ con sẽ phục vụ Ngài, sẽ tường thuật về Chúa cho thế hệ tương lai, và chúng kể cho dân hậu sinh biết đức công minh Chúa, rằng: “Điều đó Chúa đã làm”. – Đáp.

ALLELUIA: Tv 147, 12a và 15a

-Giêrusalem, hãy ngợi khen Chúa, Đấng đã sai lời Người xuống cõi trần ai. – Alleluia. 

PHÚC ÂM: Lc 14, 15-24

“Anh hãy ra ngoài đường ngoài ngõ, và cố ép người ta vào cho đầy nhà tôi”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, một người đồng bàn thưa cùng Chúa Giêsu rằng: “Phúc cho kẻ sẽ được ăn tiệc trong nước Thiên Chúa”. Người phán cùng kẻ ấy rằng: “Có một người kia dọn tiệc linh đình, và đã mời nhiều thực khách. Tới giờ dự tiệc, ông sai đầy tớ đi báo cho những kẻ được mời để họ đến, vì mọi sự đã dọn sẵn sàng rồi. Nhưng mọi người đồng thanh xin kiếu. Người thứ nhất nói với ông rằng: ‘Tôi mới tậu một thửa ruộng, tôi cần phải đi xem đất, nên xin ông cho tôi kiếu’. Người thứ hai nói: ‘Tôi mới mua năm đôi bò, và tôi phải đi thử chúng, nên xin ông cho tôi kiếu’. Người khác lại rằng: ‘Tôi mới cưới vợ, bởi đó tôi không thể đến được’.

“Người đầy tớ trở về thuật lại những điều đó cho chủ mình. Bấy giờ chủ nhà liền nổi giận, bảo người đầy tớ rằng: ‘Anh hãy cấp tốc đi ra các công trường và các ngõ hẻm thành phố mà dẫn về đây những người hành khất, tàn tật, đui mù và què quặt’. Người đầy tớ trở về trình rằng: ‘Thưa ông, lệnh ông ban đã được thi hành, thế mà hãy còn dư chỗ’. Ông chủ lại bảo người đầy tớ rằng: ‘Anh hãy ra ngoài đường ngoài ngõ và cố ép người ta vào cho đầy nhà tôi. Vì tôi bảo cho các người biết: không một ai trong những kẻ đã được mời, sẽ được nếm bữa tiệc của tôi'”. Đó là lời Chúa.

(thanhlinh.net)

++++++++++++++++++

06/11/2018 – THỨ BA TUẦN 31 TN

Lc 14,15-24

YÊU LÀ CHẤP NHẬN

“Tôi mới mua một thửa đất, cần phải đi thăm, cho tôi xin kiếu.” (Lc 14,18)

Suy niệm: Chúng ta tự hỏi tại sao trước lời mời đầy vinh dự của ông chủ giàu có mà khách mời lại có quá nhiều lý do để từ chối! Mà lại là từ chối vụng về bằng những lý do nhỏ nhặt không xứng tầm với “bữa tiệc lớn”. Ấy là chưa nói địa vị, vai vế của người chủ tiệc hẳn cũng đáng cho họ nể trọng. Chẳng lẽ họ ghen với ông vì ông giàu có; hay tại họ mặc cảm vì mình nghèo. Kể dụ ngôn này, hiển nhiên Chúa Giê-su muốn nói tới “bữa tiệc trong Nước Thiên Chúa” mà Cha Ngài chính là chủ tiệc. Quả thật đây là một nan đề cho thái độ lựa chọn của con người: mọi lý do để từ chối đều trở nên bất xứng trước một lời mời như thế của Thiên Chúa. Từ chối là dấu chẳng còn tình nghĩa gì với Ngài. Bởi vì nếu yêu thì đã chấp nhận lời mời!

Mời Bạn: Ngày nay Chúa cũng vẫn tiếp tục mời bạn và tôi đến để Ngài thông ban cho chúng ta những ơn lành của Ngài. Thế nhưng vì thiếu tình mến, chúng ta khoan giãn, hẹn rày hẹn mai không muốn đáp trả ngay. Sự chậm trễ này chắc sẽ khiến Chúa “nổi giận” đấy.

Chia sẻ: Kiểm điểm xem đâu là những lý do mà ta thường vin vào để từ chối lời mời đến bữa tiệc của Chúa: Phải chăng vì bận công ăn việc làm? Phải chăng tôi nghĩ đời còn dài, ta sẽ trở lại với Chúa sau? Phải chăng tôi cho rằng để ngày mai tôi đáp lại lời Ngài vẫn còn kịp?…

Sống Lời Chúa: Khi nghe lời Chúa đánh động tâm hồn, bạn hãy đáp lại ngay bằng việc hoán cải cuộc sống của mình; đừng tìm lý do từ chối.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết mau mắn nghe lời Chúa dạy bảo để con luôn làm đẹp lòng Chúa; và như thế con sẽ được Chúa kể là “người có phúc được dự tiệc trong Nước Thiên Chúa!”

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

6 THÁNG MƯỜI MỘT

Thánh Thể, Trung Tâm Của Cộng Đoàn

Bằng cách nào một cộng đoàn được khai sinh? Vấn nạn ấy tìm thấy câu trả lời tuyệt vời của nó nơi Đức Kitô: cộng đoàn không được khai sinh chủ yếu từ sức lực và sáng kiến của chính chúng ta. Chính Đức Kitô xây dựng cộng đoàn Kitô hữu. Và chính công việc loan báo Tin Mừng là nhân tố quy tụ các tín hữu lại với nhau (GH 26; PO 4). Nguyên lý hướng dẫn một cộng đoàn giáo xứ là: Lời Chúa được công bố. Dân Thiên Chúa lắng nghe Lời Ngài, suy gẫm Lời Ngài và áp dụng Lời Ngài vào cuộc sống thường ngày. Họ tìm cách “hội nhập chân lý vĩnh cửu của Đức Kitô vào những hoàn cảnh cụ thể của cuộc sống” (PO 4). Thật vậy, chỉ lắng nghe Lời Chúa mà thôi thì không đủ. Chỉ công bố Lời Chúa mà thôi cũng không đủ. Cần phải sống Lời Chúa nữa.

Cộng đoàn Kitô hữu được khai sinh từ Lời Chúa, nhưng trung tâm và chóp đỉnh của đời sống cộng đoàn là việc cử hành Thánh Thể (CD 30). Qua Thánh Thể, cộng đoàn cắm rễ vào mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô. Nhờ Đức Kitô, Dân Thiên Chúa được đi vào trong mối hiệp thông với Chúa Ba Ngôi. Đời sống của một cộng đoàn có chiều sâu thẳm như thế! Và đó là ý nghĩa của các cử hành phụng vụ – những cử hành được cắm rễ nơi cung lòng Thiên Chúa. Qua các cử hành ấy, chúng ta gặp gỡ Đức Kitô, Đấng đã chết, đã sống lại, và đang sống giữa chúng ta.

Thánh Thể mạc khải cho chúng ta ý nghĩa của lao động, ý nghĩa của những khó khăn gian khổ mà chúng ta đương đầu trong cuộc sống đời thường. Ý nghĩa của mọi nỗi đau buồn được soi chiếu rõ. Vì khi được kết hợp với hy tế của Đức Kitô, tất cả sẽ trở thành một lễ phẩm dâng lên Thiên Chúa và trở thành nguồn sống cho chúng ta. Không gì có thể chặn đứng được sự tăng triển của một cộng đoàn nếu cộng đoàn ấy luôn biết sống như một cộng đoàn Phục Sinh – một cộng đoàn cùng chết và sống lại với Chúa Kitô (Rm 6, 4-8)

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

NGÀY 06-11

Pl 2, 5-11; Lc 14, 15-24.

LỜI SUY NIỆM: “Nghe vậy, một trong những kẻ đồng bàn nói với Đức Giêsu: Phúc thay ai được dự tiệc trong Nước Thiên Chúa.”

          Người đồng bàn với Chúa Giêsu, sau khi nghe giáo huấn của Chúa Giêsu về sự quan tâm và tình liên đới đối với những người nghèo khó, ông đã cảm nhận: để được tham dự bữa tiệc trong cõi vĩnh hằng, thì ngay bây giờ phải đáp lời Thiên Chúa mời gọi chngs ta xây dựng một thế giới huynh đệ hơn. Kẻ nào hôm nay không màng đến anh em mình thì không được tham dự bữa tiệc trong Nước Thiên Chúa.

          Lạy Chúa Giêsu. Trong đời sống của chúng con, Chúa luôn mang hình hài của những người nghèo khó, bệnh tật, đau khổ để chúng con được găp. Xin cho chúng con có đức tin nhận ra Chúa trong họ, để yêu thương và phục vụ.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

06 Tháng Mười Một

Ðồng Bạc Nhân Nghĩa 

Một câu chuyện ngụ ngôn của Nga kể rằng: Có một nhà phú hộ kia khi gần chết lòng trí vẫn chỉ nghĩ đến tiền của là động lực đã thúc đẩy ông lao lực không biết mệt mỏi suốt cả cuộc đời. Dùng chút sức tàn, ông cố gỡ chiếc bao nhỏ đeo ở cổ, lấy ra chiếc chìa khóa trao cho người đầy tớ trung tín nhất của ông. Ông phú hộ ra dấu chỉ chiếc rương nằm trong góc nhà và ra lệnh cho cô ta lấy những túi tiền vàng ở trong đó bỏ vào quan tài.
Khi chết xong, ông bắt đầu sống cuộc đời mới.

Ðứng trước chiếc bàn dài trưng bày đủ thứ cao lương mỹ vị, ông ta hỏi: “Món này giá bao nhiêu vậy?”. Người bán hàng trả lời: “Một xu”. Ông phú hộ chỉ một món khác kém giá trị hơn và hỏi: “Còn hộp cá mòi kia giá bao nhiêu?”. “Cũng một xu”, người bán hàng nhã nhặn trả lời.

Thấy người bán hàng vui tính ông phú hộ tiếp tục hỏi: Còn miếng bánh này?”. “Tất cả các vật trưng bày ở đây đều được bán với giá một xu”, người bán hàng cho biết.

Ông phú hộ mỉm cười thỏa mãn. Rẻ thật, ông nghĩ thầm. Rồi sau một hồi ngắm nghía, ông chọn một đĩa thức ăn lớn. Nhưng khi ông lấy một đồng tiền vàng mang theo lúc từ giã cõi đời ra trả, cô thu tiền không nhận. Cô ta vừa lắc đầu vừa nói: “Ông đã học được quá ít trong cuộc sống”. Nghe nói thế ông phú hộ không khỏi ngạc nhiên, gặn hỏi: “Thế nghĩa là gì? Ðồng tiền vàng của tôi không đủ để trả cho đĩa thức ăn này sao?”.

Bấy giờ người thu tiền mới cho ông biết: “Ở đây chúng tôi chỉ nhận những đồng tiền mà trong cuộc sống trước đây ông đã dùng để giúp đỡ cho những người nghèo túng, đói khổ”.

Tại những vùng chịu ảnh hưởng của Phật Giáo đến từ Trung Hoa, vào những ngày giỗ hay ngày tư, ngày tết, các phật tử có thói quen đốt những giấy tiền vàng bạc với niềm tin là qua đó họ có thể gửi tiền ấy cho ông bà, cha mẹ đã quá cố để họ có thể tiêu xài nơi chốn suối vàng.

Những người Công Giáo cũng thể hiện lòng hiếu thảo của mình đối với những thân nhân đã qua đời bằng cách dâng những hy sinh và kinh nguyện đặc biệt trong tháng 11 mỗi năm. Cộng vào đấy, là những hành động bác ái, chia sẻ, làm thay cho những người đã từ biệt cõi đời.

Lúc rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu đã nêu bật thật rõ ràng ý nghĩa của biến cố “Nhập Thể” của Ngài: Ngài không những “làm người” trong một thân xác duy nhất, ngài còn đồng hóa mình với tất cả mọi người để nếu chúng ta yêu thương bất kỳ ai, đó là chúng ta cũng yêu mến Ngài.

Ðể sống trọn ý nghĩa của tháng 11, tháng các đẳng linh hồn, chúng ta không chỉ dâng lời cầu nguyện cho những người đã khuất bóng, nhưng cũng hãy gia tăng những việc từ thiện bác ái, chia cơm sẻ áo với những anh chị em thiếu thốn đang sống bên cạnh, để dâng các công đức ấy cho các đẳng, đồng thời cũng để thâu nhập cho chính chúng ta những công nghiệp có giá trị vĩnh cửu trong cuộc sống mai hậu.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Ba Tuần 31 TN2

Bài đọcPhil 2:5-11; Lk 14:15-24.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Tai hại của việc không biết hay biết sai           

            Con người có khuynh hướng giản lược tất cả đời sống vào các nhu cầu vật chất: công ăn việc làm, giải trí hưởng thụ, … và rất ít người chịu bỏ thời giờ để học hỏi và tìm kiếm những của ăn tinh thần. Vì thế, khi con người phải làm những quyết định quan trọng cho cuộc đời, đa số sẽ nhắm vào những giá trị vật chất hơn là những giá trị tinh thần. Bài đọc I trình bày cho con người biết đường lối Cứu Độ của Thiên Chúa qua Đức Kitô: Thiên Chúa cứu con người không bằng quyền năng và sức mạnh quân sự, nhưng bằng sự khiêm nhường tự hạ và sự vâng lời tuyệt đối của Con Thiên Chúa. Phúc Âm dẫn chứng chân lý vì không chịu học hỏi Kinh Thánh để biết sự thật về Đấng Thiên Sai, nên đa số con người đã làm quyết định sai lầm khi từ chối lời mời dự tiệc của Thiên Chúa, và bị lọai ra ngòai vương quốc mà Thiên Chúa đã chuẩn bị cho họ.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Cách Cứu Độ con người của Thiên Chúa

            Đa số các học giả Kinh Thánh đồng ý đây là một bản thánh ca có sẵn trong các cộng đồng tín hữu sơ khai, và được Thánh Phaolô dùng để khuyên các tín hữu Philipphê biết noi gương Đức Kitô để sống đức bác ái trọn hảo như ngài nói: “Giữa anh em với nhau, anh em hãy có những tâm tình như chính Đức Kitô Giêsu.” Nghiên cứu cấu trúc của bài Thánh Ca này, chúng ta nhận ra 3 điểm chính:

            (1) Sự khiêm nhường tự hạ của Đức Kitô: Có rất nhiều điều liên quan đến tín lý mà các Thánh Gíao Phụ và các Công Đồng đầu tiên rút ra từ 2 câu của Bài Thánh Ca này: “Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế.” Giáo Hội dùng những tín lý này để chống lại các Bè Rối thời đó: Hai bản tính của Đức Kitô: con người và Thiên Chúa (chống lại 2 bè rối: Chúa Kitô hòan tòan là Thiên Chúa hay hòan tòan là con người); sự ngang hàng bằng nhau của Cha và con (chống lại bè rối Con Nuôi); Chúa Giêsu thực sự làm người (chống lại bè rối Docetism).

            (2) Sự vâng lời tuyệt đối của Đức Kitô: “Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự.” Chúa Giêsu không bị Thiên Chúa bắt chịu cực hình, nhưng Ngài tự nguyện vâng lời để làm trọn Kế Họach Cứu Độ của Thiên Chúa. Ngài đã chết thực sự (không ai khác như chủ thuyết Docetism tin).

            (3) Vinh quang được ban tặng cho Đức Kitô: Chính vì sự khiêm nhường tự hạ và sự vâng lời tuyệt đối của Đức Kitô mà “Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu.” Những kết quả đạt được từ công việc Nhập Thể – Cuộc Thương Khó – Cái Chết – và sự Phục Sinh của Đức Kitô:

            – Đức Kitô đã chiến thắng tội lỗi: Bằng cuộc Khổ Nạn, Chúa xóa sạch tội lỗi con người.

            – Đức Kitô đã chiến thắng thần chết: Nếu Đức Kitô không sống lại, thần chết sẽ thống trị nhân lọai, và con người không có hy vọng gì đựơc sống đời đời; nhưng vì Ngài đã sống lại, nên Ngài đã chiến thắng thần chết, kẻ thù cuối cùng của con người.

            – Đức Kitô đã chiến thắng ma quỉ: Trong sa mạc, ma quỉ thách thức Chúa để dùng những cách của nó để làm cho con người tin: bánh ăn, làm phép lạ, bả vinh hoa. Chúa Giêsu chứng minh cho chúng biết con người có thể tin vào Lời Chúa, tình thương hy sinh, và cuộc sống đời đời.

2/ Phúc Âm: Phúc thay ai được dự tiệc trong Nước Thiên Chúa.           

2.1/ Truyền thống và phong tục của người Do-Thái: Theo truyền thống, người Do-Thái tin khi Đấng Thiên Sai tới, Ngài sẽ đãi dân một bữa tiệc (Isa 25:6-9). Đó là lý do tại sao một trong những kẻ đồng bàn nói với Đức Giê-su: “Phúc thay ai được dự tiệc trong Nước Thiên Chúa!” Họ tin chỉ có những người Do-Thái mới được dự bữa tiệc này mà thôi. Chúa Giêsu muốn dùng dụ ngôn này để dạy họ một bài học: Nếu họ không sẵn sàng, họ có thể bị lọai ra ngòai để lấy chỗ cho các dân tộc khác. Theo phong tục của người Do-Thái, buổi tiệc được phác họa và khách dự tiệc được mời và đáp trả một thời gian lâu trước khi bữa tiệc xảy ra, nhưng giờ dự tiệc chưa được loan báo. Khi ngày dự tiệc tới và mọi sự đã sẵn sàng, chủ sai các đầy tớ đi triệu tập các khách đã nhận lời mời. Vì thế, khách nào đã nhận lời nhưng từ chối không đến là một khinh thường cho chủ nhà.

2.2/ Những lý do xin kiếu:

            (1) Bận rộn chuyện làm ăn: Người thứ nhất nói: “Tôi mới mua một thửa đất, cần phải đi thăm; cho tôi xin kiếu.” Đây là lý do có lẽ phổ thông nhất của con người: xưa cũng như nay. Quá bận rộn chuyện làm ăn khiến con người không còn thời giờ cho Thiên Chúa, và dần dần làm con người quên đi mục đích của cuộc đời.

            (2) Quyến dũ của cuộc sống: Người khác nói: “Tôi mới tậu năm cặp bò, tôi đi thử đây; cho tôi xin kiếu.” Những vui thú của thế gian dễ cám dỗ con người chạy theo hơn là giữ những Lề Luật của Thiên Chúa. Sau một tuần vất vả làm việc, những giải trí vui thú cuối tuần dễ làm cho con người chiều theo hơn là phải đi tham dự Thánh Lễ. Một cuộc sống chiều theo sở thích như thế sẽ làm con người dần dần đi trật đường.

            (3) Lo toan cho gia đình: Người khác nói: “Tôi mới cưới vợ, nên không thể đến được.” Cưới vợ là niềm vui lớn nhất của con người. Theo Sách Đệ Nhị Luật, người mới cưới vợ có thể được miễn trừ các bổn phận như quân dịch, làm ăn để ở nhà vui vẻ với vợ trong một năm (Dt 24:5). Tuy nhiên, ngay cả những miễn trừ này cũng không thể được dùng làm cớ cho con người xao lãng bổn phận với Chúa, nhất là lời mời dự tiệc Nước Trời.

2.3/ Ý nghĩa của dụ ngôn: Chúa Giêsu dùng dụ ngôn để giải thích cho con người biết Mầu Nhiệm Cứu Độ của Thiên Chúa. Theo Mầu Nhiệm này, Thiên Chúa đã chọn và mời gọi dân Do-Thái ngay từ đầu để tham dự Tiệc Cưới Nước Trời; nhưng vì họ từ chối không tham dự nên Tiệc Cưới mở rộng đến mọi người: Dân Ngọai, những người thu thuế, và gái điếm… tất cả những ai sẵn sàng tin vào Đức Kitô. Những nghĩa biểu tượng của các nhân vật trong dụ ngôn có thể được nhận ra dễ dàng như sau:

            – Chủ nhà: là Thiên Chúa.

            – Các đầy tớ: là các ngôn sứ và môn đệ của Chúa.

            – Các khách kiếu không dự tiệc: là những người Do-Thái.

            – Các người nghèo khó, tàn tật, đui mù, què quặt: là những người thu thuế và gái điếm.

            – Các người đến từ các đường xóm đường làng: là tất cả các Dân Ngọai.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

            – Cuộc sống con người không thể bị gỉan lược vào những nhu cầu vật chất. Con người cần biết dùng thời gian để học hỏi về Thiên Chúa và trau dồi những nhu cầu tâm linh. Không biết hay biết sai sẽ thúc đẩy con người làm những quyết định sai trong cuộc đời.

            – Kẻ được mời gọi thì nhiều, kẻ được chọn thì ít. Cho dù chúng ta đã được mời, nhưng nếu không chịu dùng thời giờ để học hỏi về Chúa, năng chịu các Bí-tích để lấy sức mạnh chiến đấu với ba thù, chúng ta sẽ dễ dàng đi trật đích và bị lọai ra ngoài.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************

bài liên quan mới nhất

Đức Thánh Cha tiếp phái đoàn Hội đồng Kitô Hong Kong

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng