BÀI ĐỌC I: Gr 23, 5-8
“Ta sẽ gây cho Đavít một mầm giống công chính”.
Bài trích sách Tiên tri Giêrêmia.
Này đây, đã tới những ngày Ta gây cho Đavít một mầm giống công chính, mầm giống này sẽ làm vua thống trị, sẽ là người khôn ngoan, thực hiện công lý và đức công bình trên đất nước. Những ngày ấy, Giuđa sẽ được cứu thoát, Israel sẽ được an cư, và chúng sẽ gọi tên Người là “Chúa công bình của chúng ta”.
Chúa phán: “Vì thế, đã đến ngày chúng không còn nói được rằng: ‘Chúa hằng sống, Người đã đưa con cái Israel ra khỏi đất Ai-cập’, nhưng chúng nói: ‘Chúa hằng sống, Người đã đưa dòng dõi nhà Israel ra khỏi đất Bắc’; (và) từ các nước chúng bị Ta phân tán, Ta dẫn đưa chúng về quê hương. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 71, 2. 12-13. 18-19
Đáp: Sự công chính và nền hoà bình viên mãn sẽ triển nở trong triều đại người tới muôn đời (x. c. 7).
Xướng:
1) Lạy Chúa, xin ban quyền xét đoán khôn ngoan cho đức vua, và ban sự công chính cho hoàng tử, để người xét đoán dân Chúa cách công minh, và phân xử người nghèo khó cách chính trực. – Đáp.
2) Người sẽ giải thoát kẻ nghèo khó khỏi tay kẻ quyền thế, và sẽ cứu người bất hạnh không ai giúp đỡ. Người sẽ thương xót kẻ yếu đuối và người thiếu thốn, và cứu thoát mạng sống kẻ cùng khổ. – Đáp.
3) Chúc tụng Chúa là Thiên Chúa Israel, một mình Người làm những việc lạ lùng. Chúc tụng muôn đời vinh danh Chúa, khắp hoàn cầu đầy dẫy vinh quang Người. – Đáp.
ALLELUIA:
Alleluia, alleluia! – Lạy Đấng Thủ lãnh nhà Israel, Ngài đã ban lề luật cho Môsê trên núi Sinai, xin hãy đến mà ra tay cứu chuộc chúng con. – Alleluia.
PHÚC ÂM: Mt 1, 18-24
“Chúa Giêsu sẽ sinh bởi Đức Trinh Nữ Maria, vị hôn thê của Thánh Giuse, thuộc dòng dõi Đavít”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Chúa Kitô giáng sinh trong hoàn cảnh sau đây: Mẹ Người là Maria đính hôn với Giuse, trước khi về chung sống với nhau, đã thụ thai bởi phép Chúa Thánh Thần. Giuse bạn của Bà là người công chính, không muốn tố cáo Bà, định tâm lìa bỏ Bà cách kín đáo. Nhưng đang khi định tâm như vậy, thiên thần Chúa hiện đến cùng ông trong giấc mơ và bảo: “Hỡi Giuse, con vua Đavít, đừng ngại nhận Maria về nhà làm bạn mình, vì Maria mang thai bởi phép Chúa Thánh Thần: Bà sẽ hạ sinh một con trai mà ông sẽ đặt tên là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân mình khỏi tội”.
Tất cả sự kiện này đã được thực hiện để làm trọn lời Chúa dùng miệng tiên tri phán xưa rằng: “Này đây một trinh nữ sẽ mang thai và hạ sinh một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuel, nghĩa là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta”.
Khi tỉnh dậy, Giuse đã thực hiện như lời thiên thần Chúa truyền: Ông tiếp nhận bạn mình, nhưng không ăn ở với nhau cho đến khi Maria sinh con trai đầu lòng, thì Giuse đặt tên con trẻ là Giêsu. Đó là lời Chúa.
(thanhlinh.net)
++++++++++++++++++
18/12/2018 – THỨ BA TUẦN 3 MV
Mt 1,18-24
TRUYỀN TIN CHO GIU-SE
Giu-se đang toan tính như vậy thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng: “Này ông Giu-se, là con cháu Đa-vít, đừng ngại đón bà Ma-ri-a vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần.” (Mt 1,20)
Suy niệm: Sự cố xảy đến cho Đức Ma-ri-a quả thật là vượt quá sức hiểu biết và lý giải của con người. Nhưng thái độ của thánh Giu-se thực sự là một mẫu gương cho chúng ta khi đứng trước mầu nhiệm. Giu-se “định tâm bỏ Ma-ri-a cách kín đáo” không phải vì nghi ngờ về đời sống thánh thiện của Đức Ma-ri-a mà ngài vì không hiểu được hoạt động của Thiên Chúa nơi bạn mình. Thái độ của Giu-se là tôn trọng bạn và tôn trọng thánh ý Chúa: rút lui để cho ý Chúa được tỏ hiện. Ngay cả khi được thiên thần báo mộng, thánh Giu-se cũng không nhận được một lời lý giải rõ ràng hơn, bởi vì ngài chỉ biết Đức Ma-ri-a thụ thai là do đâu (bởi quyền năng Chúa Thánh Thần) chứ không phải là thế nào. Mầu nhiệm vẫn nguyên vẹn là mầu nhiệm. Thái độ của thánh nhân lúc này là tin tưởng, phó thác và vâng phục: “Khi tỉnh giấc, ông Giu-se làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà”.
Mời Bạn: Mầu nhiệm không phải là một bức tường dày đặc bịt kín mít mọi cửa ngõ. Nhưng mầu nhiệm giống như biển cả vừa bao la vừa sâu thẳm mời gọi chúng ta chìm sâu vào để tiến tới. Mời bạn bắt chước thái độ của thánh Giu-se đứng trước mầu nhiệm, đó là: tôn trọng-tin tưởng-vâng phục.
Sống Lời Chúa: Mỗi ngày bạn dành ít là 5 phút cầu nguyện trong thinh lặng để quen nhìn ra thánh ý Chúa.
Cầu nguyện: Lạy thánh cả Giu-se, xin giúp con biết bắt chước Ngài luôn mến tin và vâng phục khi chiêm ngắm những mầu nhiệm diệu kỳ của Chúa. Amen.
(5 Phút Lời Chúa)
++++++++++++++++++
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
18 THÁNG MƯỜI HAI
Con Người Góp Phần Hoàn Thành Việc Thiên Chúa Đến
Trong biến cố thăm viếng, trước hết Êlizabét ca ngợi lòng tin của Đức Ma-ri-a: “Em thật có phúc vì đã tin rằng mọi điều Chúa phán cùng em sẽ được thực hiện” (Lc 1,45).
Thật vậy, khi được truyền tin, Đức Maria đã ưng thuận và bày tỏ lòng vâng phục trong đức tin. Sự ưng thuận này – tiếng ‘fiat’ này của Mẹ – là khoảnh khắc có tầm quyết định. Mầu nhiệm Nhập Thể là một mầu nhiệm thần linh, song đồng thời đó cũng là một mầu nhiệm của con người. Quả vậy, Đấng mặc lấy xác phàm ấy chính là Con Thiên Chúa, là Ngôi Lời Thiên Chúa. Tuy nhiên, đồng thời, thân xác của Người cũng hoàn toàn là thân xác nhân loại : Đây là điều kỳ diệu trong nhiệm cục cứu độ của Thiên Chúa.
Vào chính khoảnh khắc mà Đức Ma-ri-a nói lên lời ‘fiat’ (xin vâng): “Xin thực hiện cho tôi như lời sứ thần nói,” thì Chúa Con có thể thưa lên với Chúa Cha: “Cha đã chuẩn bị cho con một thân thể.” Như vậy, việc Thiên Chúa đến cũng đã được hoàn tất xuyên qua hành động của con người, xuyên qua niềm vâng phục trong đức tin.
– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II
+++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 18/12
Gr 23:5-8; Mt 1:18-24
LỜI SUY NIỆM: “Này đây trinh nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuen, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta.”
“Emmanuen, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta.” Đó là sự hiện diện hằng hữu của Thiên Chúa trong cuộc sống con người trong từng giây từng phút. Thiên Chúa hiện hữu và hiện diện với tôi từng giây phút. Không có Ngài, tôi sẽ đánh mất sự hiện hữu của mình. Ngài hiện hữu với tôi. Sự sống của tôi hoàn toàn lệ thuộc vào Ngài. Thiên Chúa của Kitô giáo, là Thiên Chúa ở trong chính nơi sâu thẳm của con người, chứ không phải là các vị “thần linh” trong quan niệm ngoại giáo, trú ngụ ở nơi này nơi kia trong thiên nhiên.
Lạy Chúa Giêsu. Chúng con tin Chúa đang hiện hữu trong cuộc sống và tâm hồn của chúng con. Xin cho chúng con tạc hình ảnh của Chúa trong cuộc sống của chúng con để sống với mọi người đang sống chung quanh chúng con.
Mạnh Phương
+++++++++++++++++
18 Tháng Mười Hai
Cái Nhìn Của Một Tướng Lãnh
Ðại tướng Marbot, trong tập ký sự, có kể lại một hôm, khi còn là thiếu úy, vua Nã Phá Luân sai ông làm một việc cực kỳ nguy hiểm. Ðó là giữa đêm khuya, luồn qua bọn lính tuần tiễu đối phương, bắt một người lính Áo đứng canh bên kia bờ sông Danube, tra khảo để xem tình thế của địch quân. Sau bao nhiêu cố gắng không thể tưởng tượng được, toán quân của thiếu úy vượt qua được khúc sông và bắt được ba người lính Áo. Sau khi đã hoàn thành công tác, họ đẩy thuyền ra xa, chèo về. Bỗng dòng nước cuốn mạnh đẩy một gốc cây lớn xô mạnh vào thuyền. Tiếng động đó đã báo động bọn lính tuần tiễu Áo. Họ vùng lên bắn xối xả.
Trong cơn nguy biến cùng cực ấy, viên thiếu úy bỗng nhìn thấy một ánh lửa tỏa ra từ sườn núi chỗ đóng quân bên kia bờ. Viên thiếu úy đã hiểu rằng, Nã Phá Luân đã theo dõi cuộc xô xát và đang chăm chú nhìn từ cửa sổ của ông.
Ðôi mắt phượng hoàng của Nã Phá Luân đã xé tan bóng tối để gửi đến cho những người lính trẻ sự cổ vũ khuyến khích. Viên thiếu úy có cảm tưởng như nhà vua đã quên hết cả một đạo binh để chỉ nhìn về phía anh. Sự chăm chú theo dõi của nhà vua đã đem lại cho những người lính trẻ sự phấn khởi để giúp họ vượt qua được khó khăn và trở về an toàn.
Một cái nhìn của một vị tướng lãnh đã có sức nâng đỡ người lính chiến giữa trận địa như thế, cũng vậy, Chúa cũng đã chăm chú theo dõi và nhìn mỗi người chúng ta như thể chỉ có mỗi người chúng ta là đáng được chú ý. Thiên Chúa không chăm sóc chúng ta như chăm sóc một đàn cừu trong đó mỗi con vật chỉ là một con số. Thiên Chúa yêu thương chúng ta bằng một tình yêu biệt loại. Người gọi tên từng người trong chúng ta. Người đối xử với chúng ta như thể chỉ có ta là người duy nhất hiện hữu trên trần gian này.
(Lẽ Sống)
++++++++++++++++++
Lời Chúa Mỗi Ngày
Ngày 18 tháng 12 MV
Bài đọc: Jer 23:5-8; Mt 1:18-24.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Công chính và tội lỗi
Mọi người đều phạm tội. Làm thế nào để con người trở nên công chính trước mặt Thiên Chúa? Con người có thể trở nên công chính bằng việc giữ luật không? Thánh Phaolô quả quyết rằng “Không!” vì không ai có thể giữ trọn vẹn Lề Luật. Chỉ có niềm tin vào Thiên Chúa và vào Đức Kitô, mới có thể làm con người nên công chính. Trong Bài Đọc I, Tiên Tri Jeremiah tiên báo: Đức Chúa (Chúa Kitô) là sự công chính của chúng ta. Trong Phúc Âm, Thánh Giuse là “người công chính,” muốn bỏ Mẹ Maria cách kín đáo; nhưng khi được Thiên Thần mộng báo, đã vâng theo ý Thiên Chúa và chấp nhận Bà Maria và Chúa Giêsu về nhà mình.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Đức Chúa, sự công chính của chúng ta.
1.1/ Giòng dõi David từ chỗ hy vọng tan tành tới chỗ hòan tất của lời hứa: Khi người Do-Thái sống trong nơi lưu đày, chắc họ đã nhận thấy hy vọng của họ vào những gì Thiên Chúa đã chúc lành cho họ qua Tổ-phụ Jacob và những lời tiên tri của Isaiah, quyển I, Micah, và các tiên tri khác bị tan tành theo mây khói. Làm sao có thể khôi phục lại đất nước trong hòan cảnh lưu đày? Làm sao có thể khôi phục lại vương triều của giòng dõi Judah để Đấng Cứu Thế xuất hiện? Nhưng Tiên Tri Jeremiah vẫn hy vọng: “Này, sẽ tới những ngày – sấm ngôn của Đức Chúa – Ta sẽ làm nẩy sinh cho nhà David một chồi non chính trực. Vị vua lên ngôi trị vì sẽ là người khôn ngoan tài giỏi trong xứ sở, vua sẽ thi hành điều chính trực công minh.”
1.2/ Vua công chính: “Thời bấy giờ, Judah sẽ được cứu thoát, Israel được sống yên hàn.
Danh hiệu người ta tặng vua ấy sẽ là: “Đức Chúa, sự công chính của chúng ta.”
(1) Đấng đưa con cái Israel lên khỏi đất Ai-Cập: chỉ biến cố Xuất Hành, khi Thiên Chúa đưa dân ra khỏi đất nô lệ của Ai-Cập qua sự lãnh đạo của Moses và Aaron.
(2) Đấng đã đưa dòng dõi nhà Israel ra khỏi đất phương Bắc: chỉ sự hồi hương và tái thiết quốc gia cùng Đền Thờ, khi Thiên Chúa giải thóat dân khỏi cảnh lưu đày ở Babylon.
2/ Phúc Âm: Chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội.
Tin Mừng Matthêu tường thuật hòan cảnh đính hôn của cha mẹ Chúa Giêsu như sau: “Sau đây là gốc tích Đức Giêsu Kitô: Bà Maria, mẹ Người, đã đính hôn với ông Giuse. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần. Ông Giuse, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo.”
2.1/ Nỗi khó khăn của Thánh Giuse: Để hiểu lời tường thuật của Matthêu, chúng ta phải hiểu phong tục của Do-Thái liên quan tới việc kết nghĩa vợ chồng. Giống như phong tục Việt-Nam, có 3 giai đọan:
(1) Hứa hôn: Khi hai trẻ còn nhỏ, cha mẹ hai bên muốn kết nghĩa sui gia; nên cha mẹ hai bên hứa hẹn với nhau, sẽ gả con cho nhau khi hai trẻ tới tuổi lập gia đình. Đây chỉ là một lời hứa và không bị ràng buộc về khía cạnh pháp lý. Nếu hai trẻ không đồng ý hay hai cha mẹ đổi ý, lời hứa không còn hiệu lực.
(2) Đính hôn: Đó là từ chính xác Matthêu dùng để chỉ hòan cảnh của Ông Giuse và Bà Maria hôm nay. Khi gia đình hai bên và hai trẻ đồng ý tiến tới, họ bước vào giai đọan đính hôn để tìm hiểu nhau kỹ càng hơn trong thời hạn một năm. Trong giai đọan này, theo luật Do-Thái, lời hứa bị ràng buộc, hai người được coi như vợ chồng; mặc dù chưa được “ăn ở” với nhau như vợ chồng. Nếu chồng không tiến tới, ông phải làm đơn xin ly dị và nêu rõ lý do. Nếu chồng chết trong giai đọan này, người vợ được gọi là “góa phụ đồng trinh.”
(3) Thành hôn: Sau thời hạn đính hôn một năm, hai người tiến tới giai đọan chính thức thành vợ chồng.
Nỗi khó khăn của Ông Giuse, như trình thuật nói, vì ông là người công chính nên ông không thể dung thứ tội lỗi cho Bà Maria. Theo Lề Luật, Ông phải tố cáo Bà Maria để bị ném đá cho tới chết vì đứa con trong bào thai không phải là của Ông. Nhưng Ông chắc cũng linh tính một trường hợp đặc biệt liên quan đến Bà Maria và đứa con trong bụng, nên cuối cùng Ông quyết định lìa bỏ Bà cách âm thầm kín đáo.
2.2/ Ý muốn của Thiên Chúa: Trong khi Ông đang toan tính như vậy, thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng: “Này ông Giuse, con cháu David, đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ.” Tên Giêsu là tiếng Hy-Lạp dịch từ tiếng Do-Thái Joshua, có nghĩa là “giải thóat hay cứu độ.” Chúa Giêsu được gọi là Đấng Giải Thóat, Cứu Thế, hay Chuộc Tội, vì Ngài gánh tội và giải thóat cho nhân lọai khỏi tội.
Sứ Thần của Thiên Chúa biết những gì Ông Giuse đang suy nghĩ và cung cấp câu trả lời cho Ông: người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Để hiểu “quyền năng Chúa Thánh Thần,” chúng ta cần hiểu vai trò của Chúa Thánh Thần trong chương trình của Thiên Chúa. Truyền thống Do-Thái hiểu 4 công việc chính của Thánh Thần:
(1) Ngài là Sự Thật, Ngài đem sự thật từ Thiên Chúa đến cho con người. Chúa Giêsu hứa với các môn đệ Ngài: “Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn. Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến” (Jn 16:13).
(2) Ngài làm cho con người hiểu và nhận ra sự thật. Thánh Gioan hiểu rõ: Nếu không có Thánh Thần giúp sức, con người không thể hiểu những gì Chúa Giêsu mặc khải: “Nhưng Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em” (Jn 14:26).
(3) Ngài hiện diện với Thiên Chúa ngay từ khi sáng tạo vũ trụ. Ngài là hơi thở của Thiên Chúa: để phát ra Lời (Ngôi Hai) và ban hơi thở và sự sống cho muôn lòai. Tác giả của Thánh Vịnh 33 hiểu rõ sứ vụ của Ba Ngôi Thiên Chúa trong việc sáng tạo: “Một Lời Chúa phán làm ra chín tầng trời, một hơi Chúa thở tạo thành muôn tinh tú” (Psa 33:6). Sự khôn ngoan của Thiên Chúa phải có Hơi (pneuma) và Lời (logos) để tạo thành vũ trụ.
(4) Ngài cũng là nguyên nhân chính của “đổi mới và tái tạo.” Thị kiến của Tiên Tri Ezekiel về “Ruộng Xương Khô” là một ví dụ cho công việc này của Thánh Thần: “Người lại bảo tôi: “Ngươi hãy tuyên sấm gọi thần khí; tuyên sấm đi, hỡi con người! Ngươi hãy nói với thần khí: Đức Chúa là Chúa Thượng phán thế này: Từ bốn phương trời, hỡi thần khí, hãy đến thổi vào những người đã chết này cho chúng được hồi sinh.” Tôi tuyên sấm như Người đã truyền cho tôi. Thần khí liền nhập vào những người đã chết; chúng được hồi sinh và đứng thẳng lên: Đó là cả một đạo quân lớn, đông vô kể” (Eze 37:9-10). Cùng với Chúa Thánh Thần, Chúa Giêsu tới để đổi mới và ban sinh lực cho con người. Ngài tiêu diệt tội lỗi trong con người cũ và ban ơn thánh để làm cho con người trở nên con người mới tinh tuyền và thánh thiện.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Vì chúng ta đều phạm tội, chúng ta không thể trở nên công chính bằng sức mình.
– Chúng ta chỉ có thể trở nên công chính bằng tin vào Đức Kitô, Đấng gánh tội và giải thóat chúng ta khỏi mọi quyền lực của tội lỗi.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
****************