Suy niệm thứ Bảy tuần Thánh: Mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô

Mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô 

Lịch Sử Cứu Độ và Mầu Nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô
Đức Kitô đã hoàn tất mầu nhiệm Vượt Qua theo “Ý Muốn của Chúa Cha” (x.Mc 14, 36). “Kế hoạch hay ý muốn của Chúa Cha” được ghi khắc ở đâu, nếu không phải là trên con người, trên toàn thể một dân tộc có trước Ngài? Hẳn là kế hoạch này được viết trong một cuốn sách, sách Kinh Thánh:

Để cho Kinh Thánh được hoàn tất (Ga 13, 18; 15, 25; 19, 24.28.36).

Trước hết, tôi đã truyền lại cho anh em điều mà chính tôi đã lãnh nhận, đó là : Đức Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta, theo lời Kinh Thánh, rồi Người đã được mai táng, và ngày thứ ba đã trỗi dậy, theo lời Kinh Thánh (1Cr 15, 3-4).

Nhưng Kinh Thánh là những cuốn sách “biết nói”, bởi vì từng trang sách của Kinh Thánh qui về những cuộc đời cụ thể, giống như cuộc đời cụ thể của chúng ta, và Thiên Chúa đã dùng những cuộc đời cụ thể này để ghi khắc trên đó kế hoạch Người thiết lập cho Đức Giêsu Kitô, Con của Người.

Theo Thánh Vịnh 136, Kinh Thánh được hình thành bởi hai chiều kích căn bản: Sáng Tạo (c.4-9) và Lịch Sử (c.10-24); và cả hai đều hướng đến ơn huệ “Tấm Bánh” (c.25). Hai chiều kích này hiện diện từ “thủa tạo thiên lập địa” và trong mỗi ngày sống của chúng ta. Lịch sử của dân tộc Israel là “Lịch Sử Cứu Độ”, được ghi chép lại thành bộ sách gồm ba phần chính và ba phần này đại diện cho toàn bộ Kinh Thánh, như chính Đức Kitô chịu đóng đinh và phục sinh long trọng tuyên bố:

Rồi Người bảo: “Khi còn ở với anh em, Thầy đã từng nói với anh em rằng tất cả những gì sách Luật Môsê, các Sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm”. Bấy giờ Người mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh và Người nói: “Có lời Kinh Thánh chép rằng (dịch sát bản văn Hilạp: như đã được viết): Đấng Kitô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại (Lc 24, 44-46).

MẦU NHIỆM VƯỢT QUA
của
ĐỨC KITÔ

KINH THÁNH
(Lc 24)

 
  • Sáng Tạo: ơn huệ sự sống và tất cả những gì cần cho sự sống.
  • Lịch sử: lịch sử của một dân tộc, của những cuộc đời cụ thể, giống như chúng ta: đầy thăng trầm, đau khổ, tội lỗi…

– Lề Luật.
– Ngôn Sứ.
– Thánh Vịnh.TẤM BÁNH
“Người ban BÁNH…” (Tv 136)

  • BÁNH đến từ Sáng Tạo (Tv 136, 4-9): “Lạy Chúa, là Chúa cả trời đất. Chúc tụng Chúa đã rộng ban cho chúng con bánh này là hoa mầu của ruộng đất…”
  • và từ Lịch Sử (Tv 136, 10-24): “…và công lao của con người…”
  • Nơi bí tích Thánh Thể và mầu nhiệm VQ, mà chúng ta cử hành mỗi ngày trong Thánh Lễ, bánh hằng ngày trở thành chính Chúa, “Tấm Bánh Hằng Sống” vượt qua sự chết: “Cũng đang bữa ăn, Đức Giêsu cầm lấy bánh…và nói: “ANH EM HÃY CẦM LẤY, ĐÂY LÀ MÌNH THẦY”.

“CON TIM BỪNG CHÁY”
– Mầu nhiệm Vượt Qua tương hợp với Kinh Thánh và Tấm Bánh

                         – Kinh Thánh tương hợp với Tấm Bánh (xTv 136)

Mầu nhiệm Vượt Qua tương hợp với Kinh Thánh và với Tấm Bánh; Kinh Thánh tương hợp với Tấm Bánh. Nhận ra những tương hợp này sẽ làm cho “con tim chúng ta bừng cháy” (x.Lc 24, 13-35), vì đụng chạm đến chốn thâm sâu của hữu thể chúng ta (à la profondeur de notre être).

Như thế, tầm mức mầu nhiệm “Đức Kitô hoàn tất mầu nhiệm Vượt Qua theo Ý Muốn của Chúa Cha” không chỉ là làm cho ứng nghiệm một vài câu được lọc lựa trong Kinh Thánh, hay không chỉ dừng lại ở mức độ : thử luyện đau khổ-xứng đáng-ban vinh quang theo qui trình thưởng/phạt hay tương quan “sòng phẳng” của Lề Luật (Lề Luật thì “tốt và thánh”, nhưng bị Sự Dữ sử dụng như phương tiện để phát huy hết sức mạnh hủy diệt!), hoặc ý định thử thách, kiểm chứng hay kiểm nghiệm lòng kiên trì, chịu khổ, chịu thương chịu khó của người đi theo Chúa (Lề Luật thì “tốt và thánh”, tuy nhiên Sự Dữ gieo vào lòng con người thái độ chết chóc: “nghi ngờ, không tin, nên thử để biết”).

*  *  *

Mầu nhiệm “Đức Kitô hoàn tất mầu nhiệm Vượt Qua theo Ý Muốn của Chúa Cha” có tầm mức TOÀN BỘ KINH THÁNH.

  • Phần 1. Mầu nhiệm Vượt Qua và Lề Luật: Con Rắn và Lệnh Truyền (St 3); Tv 19; Tội và Lề Luật (St 3 và Rm 7, 7-13), Đức Kitô và Lề Luật (Mt 5, 17-48 và Mc 3, 1-6; Ga 8, 2-12…).
  • Phần 2. Mầu Nhiệm Vượt Qua và Ngôn Sứ: Đức Kitô, “NGƯỜI TÔI TỚ ĐAU KHỔ” (Is 53, 2b-12).
  • Phần 3. Mầu Nhiệm Vượt Qua và Thánh Vịnh.

*  *  *

Phần 3: Mầu nhiệm Vượt Qua và Thánh Vịnh

Chương 1: Lời nguyện Thánh Vịnh
Chương 2: Lời nguyện Thánh Vịnh của Đức Kitô
Chương 3: Khuôn mẫu và Đấng Duy Nhất
Chương 4: Ở giữa những kẻ thù ghét
Chương 5: ĐỨC KITÔ bị kết án và thân thể nát tan
Chương 6: Thánh Vịnh 22 và Đức Kitô
Chương 7: “Chúa ban BÁNH cho tất cả chúng sinh” (Tv 136).

*  *  *

Đức Kitô Phục Sinh bày tỏ mình ra cách trực tiếp, đó là ơn đặc biệt Người dành cho các chứng nhân đầu tiên, để có thể thực hiện sứ mạng lớn lao và khó khăn (x.Lc 44, 36-43); nhưng các chứng nhân này không được miễn trừ khỏi kinh nghiệm thứ hai, là kinh nghiệm dành cho mọi người, đó là hiểu Kinh Thánh trong tương quan với cuộc đời của Đức Giêsu và nhất là với mầu nhiệm chết và phục sinh của Ngài.

Rồi Người bảo: “Khi còn ở với anh em, Thầy đã từng nói với anh em rằng tất cả những gì sách Luật Môsê, các Sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm.” Bấy giờ Người mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh và Người nói: “Có lời Kinh Thánh chép rằng (dịch sát bản văn Hilạp: như đã được viết): Đấng Kitô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại (Lc 24, 44-46).

Ngày hôm nay, Đức Kitô vẫn hiện diện cách kín đáo, như Ngài đã làm với hai môn đệ Emmau, qua rất nhiều trung gian, để giúp chúng ta có kinh nghiệm nhận ra Ngài trong Thánh Lễ hằng ngày và trong đời sống cầu nguyện của chúng ta. Đức Kitô phục sinh giải thích mầu nhiệm Vượt Qua của Ngài khởi đi từ Sách Thánh: Sách Thánh loan báo Đức Kitô và Đức Kitô hoàn tất Kinh Thánh. Đức Kitô đã “hoàn tất” Kinh Thánh như thế nào, thì cũng sẽ “hoàn tất” đời tôi như thế: Đời tôi cũng “loan báo” Đức Kitô và Đức Kitô hoàn tất đời tôi. Chính sự tương hợp này đã đem lại kinh nghiệm thiêng liêng: “con tim bừng cháy”.

Đức Giêsu mặc lấy toàn bộ Sách Thánh và khi chúng ta nói về tương quan mà Đức Giêsu đã có đối với các Thánh Vịnh, thì đó là các Thánh Vịnh được hiểu như một thành phần chính yếu của tổng thể Sách Thánh. Thật vậy, theo thánh Luca, các Thánh Vịnh còn được nêu ở vị trí thứ ba trong danh sách các bản văn lớn của Kinh Thánh, sau Luật và các Ngôn Sứ. Điều này có nghĩa là các Thánh Vịnh là những thành phần không thể thiếu để hiểu vận mệnh và căn tính của Đức Giêsu-Kitô[1].

Hơn nữa, vị trí của các Thánh Vịnh được xác định bởi một đặc điểm rất rõ: khi mà Luật và các Ngôn Sứ nói “Ngươi” với con người, các Thánh Vịnh nói “Con” với Thiên Chúa. Như thế, các Thánh Vịnh chỉ ra vị trí của người đọc hay hát, vốn đã là vị trí của Đức Giêsu.

Mầu nhiệm Vượt Qua và Thánh Vịnh

Chương 1:

Lời nguyện Thánh Vịnh

Sách Thánh Vịnh, trong tiếng Dothái, có tựa đề là Tehillim, nghĩa là “những lời ca tụng”. Tuy nhiên, chúng ta thấy trong sách này, ngoài những lời ca tụng, còn có cả những lời kêu cầu nữa. Nhưng, nếu chúng ta coi toàn bộ 150 Thánh Vịnh là một lời nguyện lớn, sách Thánh Vịnh có chuyển động thiêng liêng sau đây :

 

 

CA

TỤNG

Lý do ca tụng

*  Những lời kêu cầu đã được Thiên Chúa đáp lời hay hướng về lời đáp của Người. Như thế, lời kêu cầu luôn được định hướng bởi lời hay tâm tình ca tụng.
(Tv 22; Tv 31; 42-43; 69; 71; 102…)

*  Những kỳ công của Thiên Chúa trong sáng tạo (Tv 139 ; 104 ; 19 ; 8), trong sáng tạo và lịch sử (Tv 136).

*  Chính Thiên Chúa[2]

 

 

CA

TỤNG

Như thế, lời ca tụng bao bọc lời kêu cầu: lời ca tụng đi trước lời kêu cầu và lời ca tụng đi sau lời kêu cầu. Như thế, đặt tựa cho sách Thánh Vịnh là Sách Ca Tụng quả là đúng.

Tuy nhiên, lịch sử cứu độ mời gọi chúng ta nhận ra rằng, ca tụng phải là khởi đầu và kết thúc không chỉ của mọi lời nguyện, nhưng của mọi sự: của giờ cầu nguyện, của ngày sống: “Lạy Chúa Trời xin mở miệng con, cho con cất tiếng ngợi khen Ngài” (Tv 51, 17); của từng việc làm, của cuộc đời chúng ta , của lịch sử và của cả thế giới sáng tạo: Để ca tụng vinh quang của Ngài (x.Eph 1, 6.12.14).

1. “Suốt cuộc đời tôi sẽ ca tụng Chúa, sống ngày nào xin đàn hát kính Thiên Chúa của tôi” (Tv 104, 33).

Ai không hiểu lời ca tụng sẽ chẳng hiểu gì về Kinh Thánh. Cánh cửa Kinh Thánh như đóng lại với người đó, và đây lại là cửa dẫn đến điều chính yếu! Bởi vì, “ca tụng” là một hạn từ thay thế cho hạn từ “tình yêu”. Hai từ ngữ này không hoàn toàn đồng nghĩa, vì ca tụng có lẽ không nói lên được tất cả, nhưng hạn từ này lại nhấn mạnh đến một khía cạnh đặc thù của tình yêu; đặc thù nhưng chính yếu. Thực vậy, ca tụng nêu bật và củng cố thêm khía cạnh vô vị lợi của tình yêu, nghĩa là sự quên mình. Chúng ta không thể yêu mến Thiên Chúa mà không ca tụng Ngài, và chúng ta không thể ca tụng Thiên Chúa nếu không yêu mến Ngài; không có lòng mến, chúng ta sẽ chẳng nghĩ ra được những lời hay ý đẹp và cũng chẳng tìm được lý do và hơi sức để ca tụng Thiên Chúa. Yêu mến Thiên Chúa bằng cách ca tụng Ngài, chính là yêu mến Ngài bằng cách ra khỏi chính mình.

Nếu có điều gì dẫn chúng ta đến niềm tin nơi Thiên Chúa hay củng cố đức tin của chúng ta nơi Thiên Chúa, đó chính là sự kiện có những người đã biết ca tụng Thiên Chúa (Dân Dothái trong suốt dòng lịch sự; Giáo Hội, đời sống thánh hiến và nhất là đời sống đan tu) . Ca tụng Thiên Chúa tạo ra nhiều hiệu quả trên chúng ta hơn là khẳng định Thiên Chúa bằng những mệnh đề. Người ta khẳng định, và thế là xong. Nhưng, khi người ta ca tụng thì không được phép dừng lại. Phải ca tụng hoài hoài[3]. Thế mà, chúng ta sẽ không thể trụ lại được trong lời ca tụng, nếu không có một lý do, ở mọi thời điểm, để ca tụng. Và chúng ta phải nhìn nhận sự kiện này: có những người đã tìm ra được lý do và cũng có luôn giọng hát để cho lời ca tụng của họ trụ được mãi. Sách Thánh Vịnh là một lời chứng về sự kiện này. Nơi sách Thánh Vịnh, chúng ta nhận ra những con người, ngang qua dòng lịch sử, hẳn đã biết đến cùng những thử thách và đau khổ như chúng ta, nhưng đã không để cho ngọn lửa ca tụng lụi tàn.

 2. Thánh Vịnh là lời nguyện

Chúng ta sẽ làm gì khi cầm trong tay sách Thánh Vịnh? Chúng ta sẽ đọc. Nhưng, trả lời như thế vẫn chưa hoàn toàn đúng với thực tế; bởi lẽ, chúng ta đã không đọc các Thánh Vịnh như các bản văn Kinh Thánh khác. Sau đây là những đặc điểm của sách Thánh Vịnh trong tương quan với chúng ta và Đức Kitô.

Hằng ngày, chúng ta còn hát hay đọc cao giọng các Thánh Vịnh như một lời nguyện ngỏ với Thiên Chúa ; và đó chính là đặc điểm đầu tiên của các Thánh Vịnh. Thật vậy, Lề Luật và các ngôn sứ nói “ngươi”; còn lời nguyện Thánh Vịnh nói “con” hay “tôi”. Như thế, lời nguyện Thánh Vịnh chỉ ra vị trí, vai trò, và thậm chỉ cả một con đường, mà chúng ta được mời gọi đặt mình vào. Lời nguyện Thánh Vịnh là lời nguyện của con người ngỏ với Thiên Chúa, nhưng đồng thời cũng là Lời Chúa. Vì thế, không lời nào làm đẹp lòng Thiên Chúa hơn là dùng chính Lời của Chúa để nói với Chúa. Do đó, vị trí, vai trò và con đường mà lời nguyện Thánh Vịnh mời gọi chúng ta đặt mình vào, không có nguồn gốc từ con người, nhưng từ chính Thiên Chúa.

Hơn thế nữa, theo sự sắp xếp của sách Các Giờ Kinh Phụng Vụ, chúng ta còn đọc đi đọc lại theo một chu kỳ nhất định, đến độ thuộc lòng một cách tự nhiên. “Đọc thuộc lòng”, chúng ta hãy tạm bỏ qua ý nghĩa không hay của hành vi này, diễn tả điều tôi đang đọc không thuộc về tôi, nhưng tôi yêu thích, tôi muốn nhận làm của mình, và hơn nữa, tôi muốn trở nên một với điều tôi đọc.

“Đọc” Thánh Vịnh được hiểu như trên, có nghĩa là chúng ta làm cho lời nguyện Thánh Vịnh được ứng nghiệm, được thực hiện nơi tâm hồn và trong đời sống của chúng ta.

 3. Lời nguyện Thánh Vịnh và Đức Kitô

a. “Tất cả những gì…các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm” (Lc 24, 44)

Chính Đức Giêsu đã cầu nguyện với Thánh Vịnh : “Rồi Đức Giêsu đến Nazarét, là nơi Người sinh trưởng. Người vào hội đường như Người vẫn quen làm trong ngày Sabát” (Lc 4, 16). Những chỉ dẫn như thế này có khá nhiều trong các Tin Mừng và làm cho chúng ta hiểu rằng, nếu Đức Giêsu thuần thục với những thực hành tôn giáo của dân tộc Ngài, thì lời nguyện Thánh Vịnh phải là lời nguyện của Ngài. Thật vậy, trong bữa tiệc ly, “Hát Thánh Vịnh xong, Đức Giêsu và các môn đệ ra núi Ôliu” (Mt 26, 30); trên thập giá, Đức Giêsu kêu lên: “Eli, Eli, lemâh sabachthani” (Thiên Chúa của con, Thiên Chúa của con, tại sao Ngài đã bỏ rơi con?), và đó là câu đầu tiên của Tv 22 (Mc 15, 34).

Như chúng ta trình bày ở phần trên, các Thánh Vịnh là lời nguyện của con người ngỏ với Thiên Chúa, nhưng cũng là Lời Chúa ban cho con người nữa. Vì thế, chúng ta xác tín rằng, trong lời nguyện Thánh Vịnh có Lời Thiên Chúa, nghĩa là có Đức Kitô, với tư cách là Ngôi Lời Thiên Chúa. Như vậy, các Thánh Vịnh có một vị trí không thể thay thế được, vì các Thánh Vịnh có tương quan đặc biệt với căn tính duy nhất của Đức Kitô. Thật vậy, Đức Kitô đến để hoàn tất Kinh Thánh, trong đó có các Thánh Vịnh, và Ngài không hoàn tất câu này câu kia, hay Thánh Vịnh này Thánh Vịnh kia, nhưng toàn bộ các Thánh Vịnh :

Khi còn ở với anh em, Thầy đã từng nói với anh em rằng tất cả những gì sách Luật Môsê, các sách Ngôn sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm (Lc 24, 44).

Thánh Augustinô đã nhận ra tương quan nhiệm mầu giữa các Thánh Vịnh và Đức Kitô, nên đã gọi Ngài là “Người hát Thánh Vịnh đáng kính phục”; và thánh nhân đã giải thích danh hiệu thật đẹp và thật đúng này của Đức Kitô theo ba nghĩa hay ba mức độ khác nhau:

  • Đức Kitô đã hát Thánh Vịnh bằng chính giọng hát của Ngài (x.Mc 14, 26).
  • Ngài đã hát Thánh Vịnh bằng cuộc đời của Ngài (x.Lc 24, 44).
  • Và Ngài vẫn còn hát Thánh Vịnh ngang qua “Thân Thể của Ngài”, nghĩa là ngang qua Giáo Hội và một cách cụ thể, ngang qua chính “giọng hát” hàng ngày của chúng ta. Và như Đức Kitô, chúng ta được mời gọi hát Thánh Vịnh bằng chính cuộc đời của mình.

 b. Mặc lấy lời nguyện Thánh Vịnh, là mặc lấy Đức Kitô

Thánh Phaolô nói: “Anh em hãy mặc lấy Đức Chúa Giêsu-Kitô”(Rm 13, 14), như mặc lấy chiếc áo. “Chiếc Áo Giêsu” vốn không phải là chính chúng ta, nhưng là quà tặng tuyệt vời mà Thiên Chúa ban tặng cho chúng ta. Như khi chúng ta nhận được chiếc áo mơ ước (chẳng hạn áo dòng), chúng ta mặc vào, chiếc áo đã không phải là của chúng ta, nhưng nay là thành phần làm nên chúng ta, là một với chúng ta suốt đời.

Cũng vậy, đối với những lời nguyện của các Thánh Vịnh, một khi chúng ta đặt mình vào chủ thể của lời nguyện Thánh Vịnh, chúng ta như mặc lấy “Chiếc Áo Thánh Vịnh”. Thế mà, Đức Kitô đã trở nên một với lời nguyện Thánh Vịnh. Vì thế, khi chúng ta “mặc lấy”lời nguyện Thánh Vịnh, chúng ta sẽ “mặc lấy” chính Đức Kitô. Khi chúng ta “đọc” Thánh Vịnh, chúng ta “mặc lấy” Đức Kitô. Nhưng điều đó chỉ có thể được, bởi vì Ngài đã “mặc lấy” chính chúng ta. Hiển nhiên, “Mặc lấy Đức Kitô” không nhất thiết đòi hỏi chúng ta phải mang vào mình “Chiếc Áo Thánh Vịnh”. Tuy nhiên, Truyền Thống Giáo Hội dạy và làm chứng rằng, để mặc lấy Đức Kitô, Thánh Vịnh là một “linh đạo” thích hợp nhất.

Các Thánh Vịnh không được đọc “một cách đơn thuần” như là dân tộc Dothái nói trong các Thánh Vịnh, cũng không được đọc “một cách đơn thuần” như là Đức Kitô nói ở trong các Thánh Vịnh, và cũng không được đọc “một cách đơn thuần” như là các Thánh Vịnh nói lên đời sống của riêng tôi, đời sống của cộng đoàn, của Giáo Hội hay của toàn nhân loại. Không có chuyện “một cách đơn thuần”. Các Thánh Vịnh thuộc về cả ba chủ thể chúng ta vừa nêu và có thể được ví như ba “chiếc nhẫn”, chiếc nhẫn này được lồng vào chiếc nhẫn kia, đi từ chiếc nhẫn này vào chiếc nhẫn kia. Khi đọc hay hát Thánh Vịnh, chúng ta có thể thay nhẫn mỗi ngày, và như thế chúng ta thực tập hành trình vượt qua từ chiếc nhẫn này sang chiếc nhân kia một cách thuần thục.

http://daminhtamhiep.net/wp-content/uploads/2022/04/Screenshot_3-439x336.jpg

Mầu nhiệm Vượt Qua và Thánh Vịnh

Chương 2: Lời nguyện Thánh Vịnh của Đức Kitô

 I. Đức Kitô hát Thánh Vịnh

Chính Đức Giêsu đã đọc Thánh Vịnh: “Rồi Đức Giêsu đến Nazarét, là nơi Người sinh trưởng. Người vào hội đường như Người vẫn quen làm trong ngày Sabát” (Lc 4, 16). Những chỉ dẫn như thế này có khá nhiều trong các Tin Mừng và làm cho chúng ta hiểu rằng, nếu Đức Giêsu thuần thục với những thực hành tôn giáo của dân tộc Ngài, thì lời nguyện Thánh Vịnh phải là lời nguyện của Ngài.

Ngoài ra, một chỉ dẫn khác đến từ bản văn của chính Tân Ước: tất cả các tác giả Tân Ước đều tỏ ra rất gần gũi với các bản văn Cựu Ước đến độ họ sử dụng như tiếng mẹ đẻ. Họ thường xuyên dùng lại các câu của Sách Thánh, và đặc biệt với một lượng lớn phát xuất từ sách Thánh Vịnh, và thường không cho người đọc biết mình đã trích dẫn, vì họ trích dẫn Kinh Thánh một cách tự nhiên và rất thích hợp đến độ chẳng cần suy nghĩ. Vậy, nếu các tác giả Tân Ước mang trong mình đầy tràn các bản văn của Sách Thánh và và đặc biệt của sách Thánh Vịnh, thì thật là phi lý khi nghĩ rằng, về phương diện này, Đức Giêsu đã thua kém họ!

Ở trên là những dẫn chứng gián tiếp. Nhưng chúng ta cũng có những khẳng định trực tiếp. Thật vậy, theo các tác giả Tin Mừng, chính Đức Giêsu đã đọc Thánh Vịnh. Chẳng hạn, trước cuộc Thương Khó, Đức Giêsu đã cùng với các môn đệ cử hành nghi thức lễ Vượt Qua trong bữa Tiệc Ly, và nghi thức này bao gồm việc hát Thánh Vịnh: “Hát Thánh Vịnh xong, Đức Giêsu và các môn đệ ra núi Ôliu” (Mt 26, 30). Trên thập giá, Đức Giêsu kêu lên: “Eli, Eli, lemâh sabachthani” (Thiên Chúa của con, Thiên Chúa của con, tại sao Ngài đã bỏ rơi con?), và đó là câu đầu tiên của Tv 22 (Mc 15, 34). Sau biến cố phục sinh, Đức Giêsu tỏ mình ra cho nhóm Mười Một và nói với họ rằng Ngài đã hoàn tất Luật, các Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh (Lc 24, 44); chúng ta đã trích dẫn câu này ở trên. Theo thánh Matthêu, câu nói đầu tiên của Đức Giêsu phục sinh dành cho hai bà đều mang tên Maria, là một câu nói có nguồn từ một Thánh Vịnh: “Hãy đi loan báo cho các anh em của Thầy…” (Mt 28, 10). Đó chính là Tv 22, trong đó lời kêu than “tại sao Ngài đã bỏ rơi con?” được chuyển thành lời ca tụng khởi đi từ câu 23: “Và con công bố danh Ngài trước mặt  anh em của con”. Trường hợp sau cùng này là một ví dụ về sự kiện các Thánh Vịnh tràn ngập trong các Tin Mừng và trên môi của Đức Giêsu, nhưng lại không được nêu ra như là nguồn.

Như thế, có một tương quan gần gũi và phong phú giữa các Thánh Vịnh và ngôi vị của Đức Giêsu. Nhưng vấn đề là phải hiểu được điều hiện diện ở bên trong mối tương quan này, và chúng ta sẽ khám ra rằng điều mà mối tương quan này bày tỏ cho chúng ta, là điều thiết yếu. Thực vậy, mối tương quan của Đức Giêsu với các Thánh Vịnh trình bày cho chúng ta một hiểu biết về Đức Kitô ở mức độ nền tảng[4]. Một sự hiểu biết có thể được so sánh với chính sự hiểu biết mà thánh Phaolô đã có kinh nghiệm thiết thân: “Tôi coi mọi sự là thua thiệt, đối với điều tốt đẹp tối thượng, là hiểu biết Đức Kitô Giêsu, Đức Chúa của tôi” (Phl 3, 8). Thế nhưng, nếu chúng ta có thể hiểu biết Đức Kitô qua các Thánh Vịnh, thì chúng ta phải thú nhận rằng điều này thật là lạ lùng và nghịch lý; bởi lẽ chúng ta biết một người qua điều vốn không đến từ người này. Tìm được trong Sách Thánh Cựu Ước bầu khí của cuộc đời Đức Kitô và những dấu ấn sẽ đi qua cuộc đời của Ngài, đó đã là điều rất đáng kể, nhưng xét cho cùng vẫn không chắc chắn và vẫn bất ổn. Đó chưa phải là đá tảng cho sự hiểu biết Đức Giêsu-Kitô. Điều chúng ta sẽ khám phá ra thì tận căn hơn nhiều.

 II. Ý muốn của Chúa Cha về Đức Kitô

1. Kinh Thánh được hoàn tất

Đức Giêsu-Kitô tự coi mình như người thực hiện ý muốn của một Đấng Khác, nghĩa là như người vâng phục. Vì thế, chúng ta được mời gọi đi tìm kiếm, phỏng đoán, khôi phục lại những cách thức qua đó Ngài đã nhận ra điều mà Ngài gọi là ý muốn của Cha Ngài. Trong cuộc tìm kiếm này, chúng ta có được một điều rất chắc chắn, đó là các chứng nhân, khi loan báo Đức Kitô trong Tân Ước, tất cả đều nói rằng ý muốn của Chúa Cha về Đức Giêsu được ghi khắc trong Kinh Thánh:

Trước hết, tôi đã truyền lại cho anh em điều mà chính tôi đã lãnh nhận, đó là: Đức Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta, theo lời Kinh Thánh, rồi Người đã được mai táng, và ngày thứ ba đã trỗi dậy, theo lời Kinh Thánh (1Cr 15, 3-4).

Người ta có thể giả định rằng Đức Giêsu đã biết ý muốn của Chúa Cha và con đường mình phải đi chỉ ở trong những lúc Ngài tách riêng ra để cầu nguyện[5]. Nhưng đối với chúng ta, chúng ta có thể biết được ý muốn của Chúa Cha về Đức Giêsu chỉ ngang qua điều đối với Ngài là Sách Thánh, nghĩa là ngang qua Luật, các Ngôn Sứ và Thánh Vịnh. Các Tin Mừng đã chỉ ra cho chúng ta kế hoạch của Thiên Chúa trong Cựu Ước, vốn được viết về Đức Giêsu Kitô; tuy nhiên, công việc này vẫn phải được tiếp tục. Luật, các Ngôn Sứ và Thánh Vịnh vẫn còn được ban tặng cho chúng ta để đồng hành với Tin Mừng, soi sáng Tin Mừng và để hòa tấu với Tin Mừng, hay nói theo ngôn ngữ Kinh Thánh, để “tôn vinh” Tin Mừng. Chính vì thế, thật là có ý nghĩa khi nói rằng chúng ta biết Đức Kitô bằng cách biết điều không đến từ Ngài, nghĩa là bằng cách biết con đường đã được vạch ra cho Ngài. Ngài đã nhận ra ở đó ý muốn của Cha, Đấng từ đó trọn vẹn ngôi vị của Ngài xuất phát. Con đường này đã không đến “từ Ngài”, nhưng lại là chính “Ngài”!

Tất cả các sách Tin Mừng được viết ra để chứng tỏ cho chúng ta rằng Đức Giêsu hoàn tất một kế hoạch, và nhờ đó Ngài được nhận biết là Đức Kitô. Thế mà, một kế hoạch bao giờ cũng mang một tầm mức rộng lớn, điều này càng đúng khi đó là kế hoạch của Thiên Chúa. Do đó, chúng ta không được nghĩ rằng Đức Giêsu chỉ hoàn tất một vài câu đơn lẻ, được lọc lựa ở trong Kinh Thánh; vì suy nghĩ theo kiểu cứng nhắc này, Kinh Thánh sẽ trở nên vô ích hay “cũ rích” để hiểu biết Đức Kitô. Thế mà, chúng ta lại hay rơi vào kiểu suy nghĩ này, bởi vì các tác giả Tin Mừng thường hay trích một câu riêng lẻ của Cựu Ước, để đặt nền tảng cho trình thuật liên quan đến một hành vi của Đức Kitô. Nhưng các tác giả làm như thế, bởi vì một câu Kinh Thánh, đối với họ, gợi ra cả một thế giới, còn đối với chúng ta thì không.

Cách tiến hành của các tác giả Tin Mừng cũng rất lạ lùng và chúng ta có thể thấy rõ điều này trong Tin Mừng Luca, chính xác là trong trình thuật Emmau. Theo trình thuật này, chính Đức Giêsu phục sinh đã “đọc Tin Mừng” cho hai môn đệ: “Rồi bắt đầu từ ông Môsê và tất cả các Ngôn Sứ, Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh” (Lc 24, 27). Câu này phát biểu hai lần ý tưởng “tất cả”; và cái “tất cả” này chứa đựng một sứ điệp: “Nào Đấng Kitô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao?” (Lc 24, 26). Và khi hiểu được Kinh Thánh, các môn đệ tin rằng Đức Giêsu đã phục sinh. Bằng những kinh nghiệm tương tự, nhiều môn đệ khác cũng đã tin bằng con đường đọc lại toàn bộ Sách Thánh. Tuy nhiên, chúng ta thiếu mất một điều, đó là lời giải thích Sách Thánh của chính Đức Giêsu : thánh Luca đã chẳng kể lại gì cả!

Nhưng thật ra chúng ta đâu có thiếu! Chúng ta hãy đọc lại Tin Mừng Luca: chính tác giả đã chỉ ra trong từng trường hợp những đoạn Kinh Thánh để chứng tỏ rằng sự hoàn tất được thực hiện nơi Đức Giêsu-Kitô. Trình thuật Emmau có thể được coi như một chữ ký cho toàn bộ Tin Mừng Luca hoặc như giấy khai sinh của trình thuật Tin Mừng, được dựa trên Kinh Thánh vốn có trước Tin Mừng. Chính qua con đường Sách Thánh mà các Tin Mừng đã cho cuộc đời của Đức Giêsu một khởi đầu, khởi đầu của Người Con duy nhất, hằng ở trong cung lòng của Cha (Ga 1, 18), và làm cho chúng ta nhận ra rằng Ngài trở về cùng Cha bằng sự dâng hiến chính mình như là các Thánh Vịnh mô tả:

Chúa chẳng thích gì tế phẩm và lễ vật,
nhưng đã mở tai con;
lễ toàn thiêu và lễ xá tội, Chúa không đòi,
con liền thưa: “Này con xin đến!
Trong sách có lời chép về con
rằng: con thích làm theo thánh ý,
và ấp ủ luật Chúa trong lòng, lạy Thiên Chúa của con” 
(Tv 40, 7-9).

  1. Kinh nghiệm “con tim bừng cháy

Vẫn còn một điều khác nữa trong trình thuật Emmau: “Dọc đường, khi người nói chuyện và cởi mở Kinh Thánh cho chúng ta, con tim chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao?” (Lc 24, 32). Như thế, kinh nghiệm của các môn đệ, kinh nghiệm về sự tương hợp giữa Đức Giêsu và Sách Thánh mà các Thánh Vịnh là thành phần, không chỉ là một suy luận. Bởi vì hiểu Sách Thánh được hoàn tất nơi Đức Giêsu, điều này đi ngang qua tầng nền của hữu thể và làm cho sinh động mọi gốc rễ của hữu thể. Vậy thì tại sao chúng ta lại thấy mình có liên quan, thấy mình được đánh động bởi sự kiện Đức Kitô hoàn tất Sách Thánh cổ xưa. Gương vâng phục của Đức Giêsu đối với Cha của Ngài có lẽ chưa đủ, vì chúng ta vẫn còn ở bên ngoài.

Chúng ta thấy mình có liên quan, bởi vì sự vâng phục của Đức Giêsu đối với Chúa Cha được bày tỏ ra cho Ngài ngang qua con người. “Kế hoạch của Chúa Cha” được ghi khắc ở đâu, nếu không phải là trên con người, trên toàn thể một dân tộc có trước Ngài? Hẳn là kế hoạch này được viết trong một cuốn sách; nhưng nếu các trang sách biết nói, đó là bởi vì chúng qui về những cuộc đời cụ thể, giống như cuộc đời cụ thể của chúng ta, và Thiên Chúa đã dùng những cuộc đời cụ thể này để ghi khắc trên đó kế hoạch Ngài thiết lập cho Đức Kitô của Ngài. Như thế, sách Thánh Vịnh có hẳn vị trí của mình, bởi vì những con người, vốn nói “Tôi” hay “Con”, đã phải đối đầu với sự sống và sự chết và đã kể lại cuộc thương khó của riêng mình trong các Thánh Vịnh.

Các Thánh Vịnh là tiếng kêu của cả một dân tộc vô danh trong thử thách, trong lúc không còn những kỳ công, trong khủng khoảng tột cùng, trong những lời tố cáo mà kẻ thù bên ngoài và bên trong dành cho những người bất hạnh và những người nghèo của Yahvê (x.Tv 77). Việc ghi khắc hành trình này nơi cả một dân tộc, đó là công trình của Thánh Linh, được Chúa Cha sai đến trong một dân tộc nhằm qui tụ họ chung quanh Người Con duy nhất. Giữa Chúa Cha và Chúa Con, có công trình của Thánh Linh trong một dân tộc. Và, vì dân tộc này giống như chúng ta, con tim chúng ta có thể “bừng cháy” khi chúng ta nhận ra nơi chính mình cuộc vượt qua, không phải của một mình Đức Giêsu, vì Ngài “không một mình” (x.Ga 8, 16.29; 16, 32), nhưng của Đức Giêsu cùng với Chúa Cha và Chúa Thánh Linh.

http://daminhtamhiep.net/wp-content/uploads/2022/04/Screenshot_5-360x336.jpg

Như thế, tầm mức mầu nhiệm “Đức Kitô hoàn tất mầu nhiệm Vượt Qua theo Ý Muốn của Chúa Cha” không chỉ dừng lại ở mức độ: thử luyện đau khổ-xứng đáng-ban vinh quang theo qui trình thưởng/phạt hay tương quan “sòng phẳng” của Lề Luật, hoặc ý định thử thách, kiểm chứng hay kiểm nghiệm lòng kiên trì, chịu khổ, chịu thương chịu khó của người đi theo Chúa. Đức Kitô đã hoàn tất mầu nhiệm Vượt Qua theo “Ý Muốn của Chúa Cha” được thể hiện trong Kinh Thánh, trong đó lời nguyện Thánh Vịnh có vị trí đặc biệt.

Mầu nhiệm Vượt Qua và Thánh Vịnh

Chương 3: Khuôn mẫu và Đấng Duy Nhất

Các Tin Mừng thường xuyên trích dẫn Cựu Ước và đặc biệt là các Thánh Vịnh. Một cách chính xác, chúng ta có thể đếm được 16 trích dẫn Thánh Vịnh theo nghĩa chặt (không tính những ám chỉ) trong Tin Mừng Matthêu, 11 trong Tin Mừng Maccô, 17 trong Tin Mừng Luca và 10 trong Tin Mừng Gioan[6]. Những câu nói chắc chắn có xuất xứ từ các Thánh Vịnh, thì rất nhiều nhưng khó có thể liệt kê ra hết được. Điều này giả thiết rằng các tác giả Tin Mừng đã phải có một hiểu biết uyên bác về Kinh Thánh, và vì thế, đòi hỏi những cuộc khảo sát cũng phải uyên bác.

Tuy nhiên, đằng sau những tương quan phức tạp về mặt văn chương này, ẩn dấu một kinh nghiệm đơn sơ hơn, đã được chia sẻ bởi các chứng nhân đầu tiên của Tin Mừng và những người đầu tiên nghe loan báo Tin Mừng. Một kinh nghiệm đơn sơ, nhưng lại là nền tảng cho đức tin của chúng ta.

I. Sự tương hợp

Kinh nghiệm này có thể được phát biểu như sau: cuộc đời và cái chết của Đức Giêsu-Kitô đối với các chứng nhân, như hoàn tất một chương trình, như mang dấu vết của một sự tương hợp.

  1. Sự tương hợp lạ lùng

Thực vậy, ý thức về một chương trình được hoàn tất, được diễn tả trong công thức “Để cho Kinh Thánh được hoàn tất”. Thánh Gioan rất thích dùng công thức này: Ga 13, 18; 15, 25; 19, 24.28.36 ; các Thánh Vịnh được trích dẫn trong cả năm câu này và tất cả đều được hiểu như những lời loan báo về cuộc Thương Khó. Những trích dẫn khác diễn tả sự kinh ngạc, gây ra bởi sự tương hợp rất đánh động[7]. Sự kinh ngạc được bộc rộ ra trong câu hỏi:

Các ông chưa bao giờ đọc câu này trong Kinh Thánh sao:
“Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ,
lại trở nên đá tảng góc tường.
Đó chính là công trình của Chúa,
công trình kỳ diệu trước mắt chúng ta!”? 
(Mt 21, 42)

Trong đoạn văn này, thánh Matthêu đã trích Tv 118, 22-23; thánh Maccô và thánh Luca cũng làm như thế (Mc 12, 10-11; Lc 20, 17). Trong trường hợp này, cũng là để nói về cuộc Thương Khó, bởi vì bối cảnh là các người lãnh đạo ở Giêrusalem muốn loại trừ Đức Giêsu. Bản văn được dành cho những người đối thoại trực tiếp với Đức Giêsu trong những ngày cuối cùng của cuộc đời Ngài; bản văn một cách thường xuyên cũng ngỏ với người đọc Tin Mừng, giả thiết cũng đã đọc Thánh Vịnh. Bản văn diễn tả hai ngạc nhiên:

  • Đấng Messia đã đến rồi và khuôn mẫu sống động cho chân dung của Ngài được các Thánh Vịnh phác thảo, vẫn luôn có đó; bức chân dung của Ngài không phải do sáng tác hay do tưởng tượng.
  • Ngài đã đến và tôi để cho Ngài đi qua mà không nhận ra Ngài, trong khi tôi có bức chân dung của Ngài.

Sự ngạc nhiên là yếu tố chính yếu của biến cố Đức Kitô, được chờ đợi bấy lâu và nay đã đến. Người ta có thể phản bác rằng hoàn tất một chương trình, hoặc nói theo Kinh Thánh một “kế hoạch”, hay tương hợp với một khuôn mẫu, điều đó đâu mang lại được sự mới mẻ gây chưng hửng ; ngược lại, điều đó dường như gần hơn với sự lập lại, tính cứng nhắc, và cuối cùng là sự chán ngán ! Dù đây là sự tương hợp với một chương trình hay với một chân dung, nhưng cách thức các chứng nhân Tin Mừng phát hiện cho thấy rõ đó là một sự tương hợp tuyệt đối lạ lùng; phải nói rằng đó là một tương hợp hết sức bất ngờ. Sự tương hợp này được ẩn dấu, bởi vì người ta đã không khám phá ra ngay. Đây là một nghịch lý, nghịch lý hơn mọi nghịch lý bình thường.

  1. Kinh nghiệm và lời chứng

Tin Mừng đã mang tới và vẫn còn mang tới hôm nay một tin vui : Ngài đã đến, Đấng chưa hề được biết đến, Đấng mà tôi hằng mong đợi; Ngài đã đi qua, người mà tôi đã có được vài đường nét về Ngài. Đó chính là niềm xác tín và Tin Mừng Gioan cho chúng ta một ví dụ về diễn tiến của niềm xác tín này. Ông Philípphê đi tìm gặp ông Nathanael và nói:

Đấng mà sách Luật Môsê và các ngôn sứ nói tới, chúng tôi đã gặp: đó là ông Giêsu, con ông Giuse, người Nazarét (Ga 1, 45).

Nhưng Nathanael không được đánh động và cũng chẳng bị thuyết phục , ông trả lời: “Từ Nazarét, làm sao có cái gì hay được?” Tất cả những gì chúng ta học được qua lời loan báo như thế này, đó là chứng nhân thì chắc chắn về điều mình nói; đó là điều kiện thiết yếu, nhưng không đủ để thuyết phục nguời khác, trong đó có chúng ta. Người ta thường nói là phải đối thoại, nhưng ở đây đối thoại cũng chẳng giải quyết được. Bởi lẽ, kinh nghiệm của chứng nhân luôn luôn mạnh hơn và tận căn hơn những dẫn chứng mà người này đưa ra. Chính vì thế, Philipphê nói với Nathanael: “Hãy đến và xem”. Lời chứng chỉ hiệu quả khi nó thúc đẩy người nghe, không phải cúi mình trước những dẫn chứng, nhưng là đến lượt mình, đích thân thực hiện một kinh nghiệm.

A:  [Kinh nghiệm    =>    Lời chứng]    =>    B:  Kinh nghiệm

Chúng ta có thể thực hiện được kinh nghiệm mà các tác giả Tin Mừng mời gọi không, khi họ trích dẫn các bản văn của Cựu Ước và nhất là của sách Thánh Vịnh? Khi các Tin Mừng thiết lập những tương quan gần gũi giữa cuộc Thương Khó của Đức Giêsu (bởi lẽ đây là điểm chính yếu) và những lời loan báo mang tính ngôn sứ của sách Thánh Vịnh, chúng ta có cảm thấy mình bị đụng chạm không? Kinh nghiệm của Nathanael chuẩn bị cho chúng ta đối diện với một số trở ngại.

II. Các trích dẫn Thánh Vịnh

Trong phần này, chúng ta sẽ cố gắng đi lại hành trình nhận ra sự tương hợp lạ lùng vừa được trình bày ở trên, bằng cách khảo sát năm trích dẫn Thánh Vịnh trong Tin Mừng Gioan[8]. Kẻ đã cùng con chia cơm sẻ bánh
lại giơ gót đạp con.

  1. Thánh Gioan đã trích Tv 41, 10 để cho thấy sự phản bội của Giuđa đã hoàn tất lời Kinh Thánh (Ga 13, 18).
  2. Và cũng như thế đối với Thánh Vịnh 35 (hay Tv 69): Chúng ghét con vô cớ.

Thánh Gioan đã trích Tv 35, 19 (hay Tv 69, 5), vì nhìn ra ở đó lời tiên báo về sự thù ghét của thế gian đối với Đức Giêsu và và đối với Cha của Ngài (Ga 15, 25).

  1. Còn về sự kiện phân chia y phục và bắt thăm áo dài, thánh Gioan trích Tv 22, 19: Áo mặc ngoài chúng đem chia chác,
    cả áo trong cũng bắt thăm luôn.

Giống như ba Tin Mừng Nhất Lãm, thánh Gioan làm nổi bật sự kiện quân lính chia nhau y phục của Đức Giêsu, nhưng ngài còn thêm vào một chi tiết về chiếc áo dài: “Nhưng chiếc áo dài này không có đường khâu, dệt liền từ trên xuống dưới” (Ga 19, 23).

  1. Và như trong Tv 69, 22, Đức Giêsu khát và được cho nhấp giấm chua (Ga 19, 28-30): Con khát nước, lại cho uống giấm chua.
  1. Và sau cùng, xương chân của Ngài không bị quân lính đập gẫy (Ga 19, 31-36), để hoàn tất Tv 34, 21: Xương cốt họ đều được CHÚA giữ gìn, dầu một khúc cũng không giập gãy.

Trong những tương hợp nêu trên, đa số mang đặc tính phổ biến: sự phản bội của bạn bè, lòng ghen ghét chống lại người công chính, cơn khát của người chịu nhục hình, kể cả sự kiện những người canh giữ chia chác y phục của nạn nhân. Bởi lẽ đã có biết bao người từng trải qua những tình cảnh như vậy. Họ đã trải qua những chuyện như thế trước Đức Giêsu, bởi vì các Thánh Vịnh hát lên những khổ đau có thực ; và còn biết bao người khác cũng đã chịu cùng những nghịch cảnh như thế sau Đức Giêsu. Điều lạ lùng là, khi có được bức chân dung của người công chính đau khổ trong các Thánh Vịnh và ở những nơi khác, các chứng nhân đã có thể nói, lúc chứng kiến Đức Giêsu đau khổ, rằng các bản văn này đã nói về Ngài, rằng các bản văn này đã được hoàn tất bởi chính Ngài, chứ không phải bởi một ai khác. Trong khi bức chân dung đó có thể áp dụng được cho biết bao những trường hợp khác!

Bên cạnh những nét phổ biến nói trên, Tin Mừng Gioan cũng nêu ra một số nét đặc thù: Giuđa chia sẻ bánh trong bữa tiệc ly chính vào lúc Satan nhập vào ông (Ga 13, 27), điều này có lẽ nhằm làm nổi bật trích dẫn Tv 41, 10 trước đó. Chiếc áo dài không có đường khâu của Đức Giêsu được lưu ý đặc biệt so với những y phục khác; nhờ thế, khuôn mẫu của Tv 22, 19 được mô phỏng sát hơn. Chân của Đức Giêsu không bị đập gẫy, điều này làm cho Ngài tránh khỏi số phận chung; xét cho cùng, chỉ có điểm này làm nên dấu chỉ đặc thù trong toàn bộ các dẫn chứng về người công chính đau khổ mà thánh Gioan đã thu thập đuợc. Nhưng chúng ta phải nói rằng như vậy là quá ít để có thể nhận ra Đức Giêsu là ai!

III. Những dấu hiệu

Trước tiên, chúng ta cần nhìn nhận dữ kiện này: Đức Giêsu đã được nhận ra với những chi tiết này, hoặc ít là nhìn nhận dữ kiện này: những chi tiết này đã được ghi lại; vậy điều đó có nghĩa là gì? Tiếp đến, chúng ta cũng phải chấp nhận rằng những chi tiết này không tạo thành một bằng chứng, hay nói thẳng ra rằng chúng rất chủ quan! Tuy nhiên, một chứng từ lại bao gồm những chi tiết như thế. Thực vậy, khi các chứng nhân được hỏi: “Anh đã nhận ra Ngài khi nào?” Bình thường họ sẽ trả lời: “Khi Ngài bẻ bánh” (x. Lc 24, 31); “Thế còn anh” – “Khi chúng tôi bắt được nhiều cá” (x.Ga 21, 7)…Những câu trả lời như thế không có nghĩa là sự kiện bẻ bánh hay bắt cá là những “bằng chứng” khách quan về sự hiện diện của Đức Kitô phục sinh. Tương tự như thế, không phải bởi vì Đức Giêsu đã nhấp giấm chua mà Ngài hoàn tất các Thánh Vịnh, nhưng chính khi trình thuật hay cảnh tượng đau đớn này được so với một Thánh Vịnh mà những người tin đầu tiên đã hiểu ra: “Đó là Đức Chúa!”

Vì thế, những dấu hiệu này rất có giá trị, ngay cả khi chúng không phải là những bằng chứng[9]. Chúng cho chúng ta biết làm thế nào các chứng nhân đã tin. Tuy nhiên, các chứng nhân sẽ nói với chúng ta như Philiphê nói với Nathanael: “Hãy đến và nhìn”; các chứng nhân không nói: “hãy thuận theo những lý chứng của tôi”, nhưng nói: “khi hiểu được tôi đã tin như thế nào, chính bạn, bạn hãy lên đường!”

 Các chứng nhân Tin Mừng đưa ra các dấu hiệu liên quan đến đức tin của họ, khởi đi từ Sách Thánh cổ xưa, họ không đưa ra các bằng chứng. Nhưng các chứng nhân dẫn đưa người nghe đến điều mà chính người này sẽ tìm ra. Đó là vì không ai có thể chỉ cho người khác yếu tính của chân lý, bởi lẽ chân lí chỉ có một bằng chứng là chính mình[10]. Người này chỉ có thể mời gọi người kia lên đường, bằng cách cho biết mình đã đi con đường này rồi. Những người Samari đã nói như thế với người phụ nữ, vốn là người trước đó đã mang lại cho họ chứng từ đầu tiên về Đức Kitô:

Họ bảo người phụ nữ : “Không còn phải vì lời chị kể mà chúng tôi tin. Quả thật, chính chúng tôi đã nghe và biết rằng Người thật là Đấng cứu độ trần gian” (Ga 4, 42).

Nếu các chứng nhân đã dẫn chúng ta đến với lời chứng của Cựu Ước, đó là vì có điều gì đó phải đón nhận ngang qua những bản văn này; ở đây, một cách chính xác, đó là lời chứng về Đức Giêsu-Kitô cần được đón nhận ngang qua các Thánh Vịnh. Thực vậy, Đức Giêsu đã nói: “Chính về tôi mà Môsê đã viết” (x.Ga 5, 58; cf. 1, 45) và lời này của Ngài sẽ phải được mở rộng ra cho tất cả Kinh Thánh. Nhưng chân lý mà chúng ta sẽ tìm ra bằng con đường này, chúng ta được mời gọi làm cho trở nên chân lý của chính mình. Thật vậy, lời loan báo về Đức Giêsu-Kitô trong các Thánh Vịnh chỉ có thể đánh động chúng ta nếu đó cũng là một lời loan báo của chính chúng ta. Lời loan báo sẽ khác nhau tùy theo mỗi ngôi vị và từng thời đại khởi đi từ cùng những bản văn Kinh Thánh, trong đó có các Thánh Vịnh.

IV. Khuôn mẫu của Đức Kitô và chúng ta

Các chứng nhân Tin Mừng, dựa trên khuôn mẫu của Sách Thánh, đã nhận ra Đức Giêsu là Đấng Duy Nhất. Đó thực sự là một nghịch lý! Nhiều nhà chú giải thông thái vốn từ chối mọi so sánh như thế, đã phản bác kiên quyết: “Làm gì có khuôn mẫu của Đấng Duy Nhất!”. Nhưng chẳng lẽ các tác giả Tin Mừng lại hết sức tha thiết truyền đạt cho chúng ta một nhận thức quá ư mỏng dòn và bấp bênh đến thế ! Chúng ta hãy cố hiểu các vị.

Các tác giả Tin Mừng đã trình bày một nghịch lý thuộc kinh nghiệm: có một khuôn mẫu cho Đấng Duy Nhất; các vị không trình bày những bằng chứng dành cho lý trí thuần túy. Các Thánh Vịnh mô tả người công chính như là người bị phản bội, bị lột trần, bị ghét bỏ, bị loại trừ. Đức Kitô giống như người công chính ấy, vốn hiện hữu nơi biết bao nhiêu trường hợp tương tự thuộc mọi thời. Nhưng Đức Kitô khác người công chính này, bởi vì ngài là tất cả những điều đó một cách trọn vẹn. Trọn vẹn vừa theo nghĩa Ngài mang vào mình mọi nghịch cảnh của thân phận con người (x.Mt 8, 17), vừa theo nghĩa Ngài là nạn nhân tuyệt đối, bởi lẽ Ngài là Đấng Công Chính tuyệt đối (x.Ga 15, 25). Kinh nghiệm này không được chứng minh, nhưng chỉ được cảm nếm và đón nhận. Ngài chỉ có thể là Đấng Duy Nhất nếu Ngài bị phản bội và loại bỏ một cách trọn vẹn.

Đức Giêsu-Kitô phải có một khuôn mẫu, bởi vì Ngài đã đến mang lấy hình ảnh của chúng ta. Khuôn mẫu của Đức Giêsu-Kitô, chính là sự yếu đuối của chúng ta. Với tập sách nhỏ Thánh Vịnh trong tay, trong đó khuôn mẫu được phác họa, khi đứng trước con người Đức Giêsu, ai có thể nói được rằng khuôn mẫu được thực sự thể hiện ? Chắc phải có một kinh nghiệm nào đó về khuôn mẫu để có thể nói Đức Giêsu có phải là chân lý của khuôn mẫu hay không. Các Tin Mừng đã trả lời câu hỏi này theo nhiều cách. Các Tin Mừng nói rằng phải trở nên nghèo khó hay phải chịu thử thách để có thể hiểu được Đức Giêsu có phải là người nghèo trọn vẹn hay không. Các Tin Mừng cũng nói rằng Thiên Chúa phải kêu gọi để người ta có thể nhận ra Đức Giêsu-Kitô trong khuôn mẫu của Ngài: bởi lẽ, chỉ có Đấng Hoàn Hảo mới mặc khải được Đấng Hoàn Hảo mà thôi.

Đường đời, trọn vẹn đường đời chứ không một phần, của chúng ta là thành phần thuộc về hành trình đức tin của chúng ta. Vì thế, nhận ra hoạt động của Thánh Linh trong Kinh Thánh, chính là nhận ra hoạt động của Thánh Linh nhằm dẫn đưa chính chúng ta đến với Đấng Duy Nhất. Thánh Linh chứng thực trong Kinh Thánh rằng Đấng Duy Nhất không một mình và chúng ta cũng không một mình.

Đấng Duy Nhất
đã theo khuôn mẫu của tất cả mọi người,

nhưng Ngài cũng là khuôn mẫu
thu hút tất cả mọi người từ khởi nguyên
.

Mầu nhiệm Vượt Qua và Thánh Vịnh

Chương 4: Ở giữa những kẻ thù ghét

Các Thánh Vịnh dành một chỗ rất rộng cho thử thách và nhất là làm nỗi bật lên những thời điểm mà những hành động lớn lao của Thiên Chúa, những “kì công” của Ngài đã xa rồi trong quá khứ. Như thế, lời nguyện Thánh Vịnh thật gũi với chúng ta. Nỗi đau mà lời nguyện Thánh Vịnh diễn tả, vì đặc điểm tận cùng và tận căn, gặp gỡ những thách đố lớn trong đời sống của chúng ta ở tận gốc rễ; nỗi đau này mang những đường nét, có khả năng diễn tả nỗi đau của những người cùng khổ nhất. Thật vậy, trong tập lời nguyện Thánh Vịnh, tất cả đều là “vấn đề sống hay chết”.

Đức Giêsu-Kitô đã mặc lấy lời nguyện Thánh Vịnh, và chúng ta cũng được mời gọi làm như thế, khi chúng ta hát các Thánh Vịnh. Con đường để vâng phục ý muốn của Chúa Cha, đối với Ngài, chính là hoàn tất Kinh Thánh, và nhất là các Thánh Vịnh. Do đó, Đức Kitô đã gặp gỡ tất cả mọi người hôm qua và hôm nay, bởi lẽ các Thánh Vịnh phác họa, bằng kinh nghiệm sống đầy thách đố và đau khổ, hành trình cuộc sống của con người. Đức Giêsu hoàn tất Kinh Thánh: xác tín này được các tác giả Tin Mừng truyền đạt lại cho chúng ta như là âm vang của một kinh nghiệm vốn đã làm cho các vị kinh ngạc. Đó là kinh nghiệm về một tương hợp bất chợt, nơi đó Đấng Duy Nhất, được Thiên Chúa sai đến, mang lấy, như là khuôn mẫu, hình ảnh của con người, những con người vốn đã chịu thách đố trước Ngài.

Vì thế, lời nguyện Thánh Vịnh sẽ soi sáng mầu nhiệm Thương Khó của Đức Giêsu và ngược lại, cuộc Thương Khó của Đức Giêsu sẽ làm cho lời nguyện Thánh Vịnh rực sáng.

I. Thánh Vịnh và cuộc Thương Khó của Đức Kitô

Ánh sáng của các Thánh Vịnh hội tụ nơi cuộc Thương Khó của Đức Kitô và đây là ánh sáng mang đặc tính ngôn sứ, như các chứng nhân của Tân Ước đã nhận ra. Tuy nhiên, cần phải lưu ý ngay rằng mặc khải mà luồng sáng Thánh Vịnh mang lại không giản lược vào một mặt. Thật vậy, lời ngôn sứ của Cựu Ước được phân chia một cách quân bình giữa lời loan báo đau khổ và lời loan báo vinh quang, giữa Thương Khó và Phục Sinh: “Đức Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta, theo lời Kinh Thánh, rồi Người đã được mai táng, và ngày thứ ba đã trỗi dậy, theo lời Kinh Thánh” (1Cr 15, 3-4). Sự quân bình này cũng có ở trong thư thứ nhất của thánh Phêrô:

Các ngôn sứ đã nghiên cứu tìm hiểu ơn cứu độ này, và đã tuyên sấm về ân sủng dành cho anh em. Thần Khí Đức Kitô ở nơi các ngài, đã báo trước những đau khổ dành cho Đức Kitô, và vinh quang đến sau những đau khổ đó, nên các ngài đã tìm hiểu xem Thần Khí muốn cho thấy việc đó xẩy ra vào thời nào, trong hoàn cảnh nào (1Pr 1, 10-11).

Các ngôn sứ và lời nguyện của các Thánh Vịnh đã thực sự loan báo nước mắt và niềm vui, kết thúc đắng cay và khởi đầu mới mẻ, như hai mặt của cùng một trang giấy. Vì thế, không được ưu tiên cho chỉ một trong hai mặt. Nhưng, chúng ta không thể nói cùng một lúc hết mọi điều và phải bắt đầu bằng một trong hai mặt. Vì thế, trong phần này, chúng ta sẽ cho thấy các Thánh Vịnh là một giải thích về cuộc Thương Khó. Chúng ta thường cho rằng mình đã biết hết và hiểu hết cuộc Thương Khó của Đức Kitô. Nhưng, trong thực tế, chúng ta đã không chú ý đến một điều, mà lại là điều rất rõ trong các Tin Mừng; các Thánh Vịnh sẽ làm nổi bật điều này lên cho chúng ta.

Với cách nhìn của nền Kitô học truyền thống, nghĩa là Kitô học  từ trên xuống”,[11] chúng ta thường khó nhận thức được một cách cụ thể tính thụ động mà từ ngữ “thương khó” (passion) muốn diễn tả. Thực vậy, trong cuộc Thương Khó, chúng ta cần nhận ra rằng Đức Giêsu bị dẫn tới thập giá bởi nhiều ý muốn của con người. Nhưng vì tầm vóc của Đức Kitô đối với chúng ta quá lớn đến độ chúng ta nhìn ngắm Ngài như tự mình quyết định đi tới cái chết một mình[12]. Nhưng, cuộc “Thương Khó” (Passion) của ngài lại chính là “hành động” (action) của nhiều người khác, xẩy ra ở ngay giữa một cơn lốc. Cuộc Thương Khó của Đức Giêsu và hành động của con người kết nối với nhau trong một tương quan, ở đó mọi sự trở nên sáng tỏ, với điều kiện chúng ta phải chịu khó nhìn ngắm. Chẳng phải Đức Kitô đến để làm cho cái ẩn dấu trở nên hữu hình, và để hạ mình nhằm đặt mầu nhiệm cứu độ ở tầm mức của chúng ta hay sao ?

Ai muốn được soi sáng bởi Đức Giêsu-Kitô, cần ưu tiên nhìn vào điều hữu hình nhất và đơn giản nhất. Điều hữu hình nhất và đơn giản nhất, chính là, trong cái chết của Ngài, Đức Giêsu là nạn nhân của sự bất chính. Khi các Thánh Vịnh đặt chúng ta vào trong đám đông nổi loạn, vào giữa những đối kháng, bạo lực, tiếng la inh ỏi của thù địch, thì chính lúc đó, các Thánh Vịnh dẫn chúng ta vào nơi mà Đức Giêu đã muốn đặt mình vào đó, ngay lần đầu tiên Ngài xuất hiện trước công chúng (x.Mc 3, 6).

Người ta có thể tự hỏi trong truyền thống Kitô giáo hay trong các tôn giáo khác, có những cuốn sách cao vời hơn, thanh thản hơn sách Thánh Vịnh, trong đó người ta đọc được những lời nguyện thật cao siêu và thanh thoát ? Chắc chắn là có và không khó để tìm thấy trong các thư viện. Thậm chí, ngày nay cũng có nhiều người có tài viết những cuốn sách chứa các lời nguyện như thế. Tuy nhiên, vấn đề không phải là ở chỗ đó. Sách Thánh Vịnh hẳn không thiếu những điều cao vời và thanh thản. Nhưng, chúng ta sẽ không gặp được Đức Kitô trong các cuộc thi tài nhằm khẳng định mình và để được xác định đẳng cấp. Thực vậy, thiên tính của Ngài không chỉ cao vời hơn chúng ta, nhưng cũng hoàn toàn khác chúng ta nữa; và sự khác biệt thần linh được mặc khải cho chúng ta ngang qua những nẻo đường thông thường nhất của chúng ta. Tương tự như các dụ ngôn của Đức Giêsu: khởi đi từ kinh nghiệm đời thường, nhưng các dụ ngôn lại nói cho chúng ta cách tuyệt vời về Nước của Thiên Chúa và về chính Thiên Chúa. Thế mà, Đức Giêsu chính là một “Dụ Ngôn sống động” nói cho chúng ta về Thiên Chúa Cha.

II. Những kẻ thù ghét

  1. Giông tố bão bùng

Các Thánh Vịnh cầu nguyện khởi đi từ tro bụi, không chỉ là tro và bụi mà người sống đời khổ hạnh tự nguyện cúi gập mình xuống để trán của mình chạm vào, nhưng còn là tro và bụi của đường xá, của đám đông, của các cuộc nổi dậy không thể tránh được:

Con tự nhủ: “Phải chi được đôi cánh bồ câu
để bay bổng tìm nơi an nghỉ!
Tôi sẽ lánh đi mãi tận chốn xa vời, vào ở trong sa mạc.
Tôi sẽ vội tìm nơi ẩn trú, tránh khỏi cơn giông tố bão bùng”.

Đó là ước nguyện, nhưng thực tế thì lại hoàn toàn khác:
Lạy Chúa, xin Ngài gây xáo trộn
và làm cho ngôn ngữ chúng bất đồng,
vì trong thành, con chỉ thấy bạo hành và tranh tụng
rảo quanh trên tường luỹ suốt ngày đêm.
Khắp nội thành, toàn bất công bạo tàn xảo kế,
nơi phố phường, chẳng hề vắng chước độc mưu thâm 
(Tv 55, 7-12).

Trong Kinh Thánh, sự thiện thường bị đặt đối đầu với sự dữ và sự dữ thì có mặt ở khắp nơi. Bởi vì, chẳng bao giờ có người ngay mà lại không có kẻ dữ, như sách Huấn Ca nói: “Có người đạo hạnh thì cũng có kẻ tội lỗi” (Hc 33, 14)[13]. Và khi hai bên gặp nhau, bụi sẽ bay mù trời! Thánh Phaolô gợi lại thời của sách Sáng Thế và nói: “Nhưng cũng như thuở ấy, đứa con sinh ra theo luật tự nhiên đã ngược đãi đứa con sinh ra theo thần khí, thì bây giờ cũng vậy” (Gl 4, 29). Các trình thuật Kinh Thánh luôn đặt các nhân vật của mình dưới sự chi phối của qui luật này. Sách Thánh Vịnh cũng làm như thế : trong các Thánh Vịnh được gán cho Đavít trong phần đề tựa, nhiều Thánh Vịnh được nối kết bởi chính các tựa đề này với những cuộc chiến đấu của Saul, của người Philitinh, của Absalon chống lại Đavít (Tv 7; 18; 34; 52; 54; 56; 57; 59; 63; 142).

  1. Chúng đông và mạnh

Từ ngữ “áp bức” ngày nay đã trở thành quá quen thuộc và nhiều khi trống rỗng, nhưng từ này trở nên hiện thực với tất cả ý nghĩa thể lý của nó khi được áp dụng cho tác giả Thánh Vịnh vốn phải đối đầu với những kẻ thù ghét vừa đông vừa mạnh:

Xin Chúa thấy cho: thù địch con đông vô kể,
chúng ghét thân này, ghét cay ghét đắng 
(Tv 25, 19).

Kẻ vô cớ thù con đều mạnh thế,
người vô lý ghét con thật quá nhiều!
Con làm ơn thì chúng trả oán,
con theo đuổi điều lành, chúng lại tố cáo con 
(Tv 38, 20).

Tới bao giờ các ngươi còn xúm lại
để xông vào quật ngã một người?
Hắn đã như bức tường xiêu đổ,
như hàng rào đến lúc ngả nghiêng 
(Tv 62, 4).

Đó chính là tình cảnh của người đã hơi tàn sức cạn. Nhưng, trước khi bị đánh đập, nạn nhân đã khổ sở bởi ý muốn làm điều dữ, bởi những tiếng ồn ào, la ó: “Sao chư dân lại ồn ào náo động” (Tv 2, 1; 46, 7). Rồi với khoảng cách gần hơn, đó là những lời nói trao đổi trong đường phố, những lời “thì thầm” (Tv 41, 7-8), những tiếng “gầm gừ” hay “tru trếu” của loài chó (Tv 59, 15-16), tiếng hò la chiến thắng (Tv 70, 4):

Chúng chế giễu, buông lời thâm độc,
lại kiêu căng bàn chuyện ức hiếp người;
miệng chẳng từ xúc phạm trời cao,
lưỡi tự do tung hoành cõi đất 
(73, 8-9).

Điều thật hiển nhiên là những kẻ dữ thì mạnh hơn người lành:
Cứu tôi thoát đối phương tàn bạo
và kẻ thù mạnh thế hơn tôi

(Tv 18, 18).

Xin Ngài để ý nghe tiếng con kêu, vì con thật cùng khốn.
Xin cứu con khỏi những người bách hại,
bởi chúng mạnh hơn con 
(142, 7).

Sức mạnh này là thể lý; nhưng nó còn là tâm lý nữa và nó có tài làm cho người ta sợ. Sức mạnh này còn là khả năng tạo ra các lý do để hà hiếp và lên kế hoạch bách hại. Đó là những hành vi xấu được chuẩn bị trong bí mật (Tv 36, 5; 52, 4), những mưu phản (Tv 2, 2), chỗ mai phục của kẻ săn lùng (Tv 10, 8-9), những mưu toan (Tv 31, 14.21), những kế hoạch và mưu đồ (Tv 33, 10). Và sự vận hành hiệu quả của cả bộ máy như thế làm lung lạc tinh thần người lành trước khi ra tay lấy mạng người này. Và người có lòng tin cũng phải lung lạc, khi chứng kiến diễn tiến không thể cưỡng lại được của cơ cấu sự dữ:

Ác nhân như vậy đó,
chúng vẫn cứ an nhàn, thu tích thêm của cải.
Lạy Chúa, như thế là con đã uổng công
giữ lòng trong trắng, giữ tay thanh sạch! 
(Tv 73, 12-13).

Người người đã xa rời chính lộ,
chỉ biết theo nhau làm chuyện suy đồi
chẳng có một ai làm điều thiện,
dẫu một người cũng không 
(Tv 53, 4).

Điều kỳ dị nhất, đó là cả cơ cấu hùng mạnh của sự dữ coi việc người lành biến đi là điều quan trọng; và cái chết làm tròn đầy ý muốn của kẻ dữ[14]:

Con đã gây thắc mắc cho bao người (Tv 71, 7).

Xương con đếm được vắn dài;
chúng đưa cặp mắt cứ hoài ngó xem 
(Tv 22, 18).

Thế mà khi tôi vừa vấp ngã,
chúng vui mừng tụ hội với nhau.
Người lạ mặt cũng xúm vào đập đánh
và cấu xé không ngừng 
(Tv 35, 15-16).

Khoác vào mình tấm áo vải thô,
thì lại nên trò cười cho thiên hạ 
(Tv 69, 12).

Vì thù địch nặng lời chống đối,
quân rình hại mạng con đã nhất trí bày mưu,
bảo nhau rằng: “Thiên Chúa bỏ hắn rồi, cứ truy nã,
bắt hắn đi, chẳng có ai cứu hắn đâu mà!” 
(Tv 71, 10-11).

Ngoài ra, chúng ta còn có thể tự mình tìm ra nhiều trích dẫn khác nữa trong sách Thánh Vịnh. Tuy nhiên, các trích dẫn nêu ra ở đây đã khá nhiều, đủ để chúng ta nhận ra rằng đây là tình cảnh phổ biến, chứ không phải là những trường hợp thật cá biệt, lẻ loi[15].

 III. Đức Kitô và những kẻ thù ghét

Sách Thánh Vịnh vẽ ra một bức phác họa về thảm cảnh mà người công chính đã trải qua, về thử thách và ơn cứu độ của người này. Cái nhìn này của các Thánh Vịnh rất thường được coi như một dự báo đột ngột, được ban cho một tác giả Thánh Vịnh riêng biệt, về những gì Đức Giêsu-Kitô sẽ phải trải qua. Tuy nhiên, với những gì vừa đuợc trình bày ở trên, chúng ta có thể nhận ra rằng: thảm cảnh này đã không chỉ là một mặc khải dành cho chỉ một người về tương lai của một người khác, nhưng nó đã được sống trong hiện tại của nhiều người và chính ngay trong thực tại đã được sống này mà Đức Kitô đã đi vào, để dẫn nó đi đến cùng và như thế, mặc khải tất cả ý nghĩa của nó. Cuộc Thương khó đặt Đức Kitô trong cuộc chiến đấu quyết định giữa sự thiện và sự dữ.

Sự dữ được các Thánh Vịnh gọi là “gian dối và bạo lực”:

Phường khát máu và chuyên lường gạt (Tv 55, 24).

Miệng độc dữ điêu ngoa, những buông lời nguyền rủa,
lưỡi nói toàn chuyện gian ác bất công 
(Tv 10, 7).

Thánh Gioan trung thành cách lạ lùng với cách diễn tả như thế này của các Thánh Vịnh khi mô tả Satan như là kẻ sát nhân ngay từ khởi nguyên và là cha của sự gian dối (Ga 8, 44). Có thể nói cách chung rằng, các tác giả Tin Mừng lấy ở các Thánh Vịnh những từ ngữ mình cần để mô tả kế hoạch của sự dữ cố làm cho người ngay lành phải chết.

Những rào bẫy và âm mưu mà tác giả Thánh Vịnh bị rơi vào như con mồi, đã làm cho tác giả trở thành khuôn mặt của Đức Giêsu bị vây hãm bởi mưu mô của những kẻ giả hình:

Lạy Chúa, suốt ngày chúng phá rối việc con làm,
và chỉ nghĩ đến chuyện hại con.
Chúng tụ tập, rình mò, theo dõi con từng bước
để tìm hại mạng con 
(Tv 56, 6-7).

Những câu này của Thánh Vịnh tóm lược được nhiều câu khác; và thánh Luca đã lấy những lời này làm của mình để mô tả điều đe dọa Đức Giêsu: “Họ rình rập và sai một số người giả bộ công chính đến dò la, mong bắt quả tang Đức Giêsu lỡ lời” (Lc 20, 20; x.11, 54). Thánh Matthêu (x.22, 15) và Thánh Gioan (x.11, 56-57) đã sử dụng cùng một khung cảnh. Và sự công chính của Đức Giêsu buộc sự dữ phải lộ diện: “Chúng ghét con vô cớ” (Ga 15, 25 trích Tv 35, 19; 69, 5).

*  *  *

Lòng ghen ghét vô cớ bộc lộ bản chất của tội và buộc nó phải ra khỏi chỗ trú ẩn, khỏi chỗ ẩn náu vững chắc mà từ đó nó hủy diệt con người (x.Tv 10). Con người tội lỗi, bị đặt trước mặt Đấng Công Chính hoàn hảo, sẽ bị thúc đẩy bởi lòng ghen ghét để thực hiện những hành vi mà chính người này tuyên bố bằng lời là đáng lên án. Như thế, vụ án sẽ diễn ra giữa thanh thiên bạch nhật, chung quanh thân thể của Đức Giêsu bị lên án chết. Các Thánh Vịnh, qua việc dành chỗ cho những con người đau khổ, giúp chúng ta hiểu thảm cảnh này.

Mầu nhiệm Vượt Qua và Thánh Vịnh

Chương 5: ĐỨC KITÔ bị kết án và thân thể nát tan

Trong lời nguyện Thánh Vịnh, có một dữ kiện kỳ lạ, đó là những tai họa như có khuynh hướng hội tụ lại: người bị kết tội phải ra tòa gần như luôn là người bệnh (thân thể tiều tụy, nát tan); và người bệnh gần như luôn là người bị kết tội. Và dữ kiện này loan báo và được làm sáng tỏ bởi cuộc Thương Khó của Đức Kitô; bởi lẽ, mọi tai họa, tội lỗi và sự chết, đều hội tụ nơi ĐKT chịu đóng đinh.

 I. Bệnh nhân và nạn nhân

Người bệnh kêu lên trong lời nguyện Thánh Vịnh thường đồng thời là nạn nhân của những người khác. Người này không chỉ đau khổ vì thân thể của mình bị thương tổn, nhưng còn vì bị người khác bỏ rơi; và không chỉ bị bỏ rơi, nhưng còn bị ruồng bỏ; và còn hơn cả bị ruồng bỏ, người này còn bị săn đuổi và thậm chí bị tố cáo, bị lên án, bị thù ghét.

Trong Tv 6, người thốt lên lời nguyện: “Lạy Đức Chúa, xin chữa lành con” (v.3), đã cầu nguyện như là một bệnh nhân; thế mà, cũng chính người này đã mơ ước có ngày, khi Đức Chúa nhận lời, kẻ thù của mình sẽ thối lui:

Ước gì hết mọi kẻ thù tôi
phải nhục nhã, rụng rời kinh khiếp,
vội tháo lui, nhục nhã ê chề 
(Tv 6, 11).

Người kêu cầu bị đau ở mắt, ở cổ họng, trong nội tạng, nơi xương cốt…khiến cho sức lực và sự sống của mình bị hao mòn. Thế mà, bè bạn lại lẫn tránh, và hơn thế nữa, lại thêm kẻ thù đang tìm cách hãm hại:

Con đã nên trò cười cho thù địch
và cho cả hàng xóm láng giềng.
Bạn bè thân thích đều kinh hãi,
thấy con ngoài đường, ai cũng tránh xa.
Bị lãng quên, như kẻ chết không người tưởng nhớ,
con hoá thành đồ hư vất bỏ.
Con nghe thấy những lời độc địa của bao người,
nhìn chung quanh: toàn những điều khủng khiếp.
Chúng toa rập chống con, và mưu toan lấy mạng 
(Tv 31, 12-14).

Chúng ta có thể tự hỏi: âm mưu hại người như thế để làm gì, khi mà người đó đang bị bệnh nặng? Trong Tv 38, sau khi mô tả rất chi tiết về bệnh tật của mình, người đau khổ còn nói mình bị bạn bè bỏ rơi, và bị tố cáo bởi kẻ xấu :

Con bị tai ương, người thân kẻ nghĩa chẳng tới gần,
bà con ruột thịt cũng đứng xa.
Kẻ tìm giết con bủa giăng cạm bẫy,
đứa mưu hại con buông lời độc địa,
suốt ngày chúng nghĩ kế phỉnh gạt con 
(Tv 38, 12-13).

Con làm ơn thì chúng trả oán,
con theo đuổi điều lành, chúng lại tố cáo con 
(Tv 38, 21).

Người bị bệnh “liệt giường liệt chiếu” (Tv 41, 4) kêu lên: “Lạy CHÚA, xin thương xót và chữa lành con” (v.5), không chỉ bị kẻ thù lên án mà còn bị bạn bè phản bội:

Lũ địch thù buông câu nguyền rủa
bao giờ nó mới chết, cho tên tuổi xoá nhoà? 
(Tv 41, 6)

Cả người bạn thân con hằng tin cậy,
đã cùng con chia cơm sẻ bánh,
mà nay cũng giơ gót đạp con! 
(Tv 41, 10).

Người bệnh vốn ngày không ăn, đêm không ngủ, đến độ chỉ còn da bọc xương, nhưng còn bị kẻ thù nguyền rủa nữa :

Quân thù địch cả ngày phỉ báng,
giận điên lên, chúng nguyền rủa thân này 
(Tv 102, 9).

Chúng ta vừa nêu ra những dữ kiện đến từ chính bản văn Thánh Vịnh. Những dữ kiện này đã làm cho mọi người kinh ngạc. Để giải thích, người ta thường dừng lại ở bình diện khách quan, và cố đi tìm những dữ kiện tương tự có ở mọi thời và mọi nơi, dựa vào sự khôn ngoan của các dân tộc và kinh nghiệm cá nhân.

 II. Tương quan giữa bệnh tật và tội lỗi

Chúng ta sẽ đúc kết những giải thích theo những hướng khác nhau, và sau đó, sẽ tìm cách dẫn những giải thích này tới điểm chính yếu liên quan đến mầu nhiệm cứu độ.

  1. Bị buộc tội nên bị bệnh

Ở bình diện khách quan, chúng ta có thể dễ dàng tìm thấy trong các nhà tù, những người vừa bị kết án và vừa bị bệnh. Trường hợp nghiêm trọng nhất, đó là người bị kết án chết: người này sẽ bị đưa đến chỗ vừa mất mọi tương quan thân hữu và vừa mất sự sống của mình. Đó chính là hoàn cảnh của người kêu cầu trong Tv 22: “Tại sao Ngài đã bỏ rơi con?” Trong trường hợp này, chúng ta có thể nói rằng người kêu cầu bị bệnh vì có kẻ thù.

Ngoài ra, ở nơi các dân tộc xa xưa, và đôi khi ngày nay vẫn còn tồn tại, kẻ thù của người kêu cầu có thể làm cho người này bị bệnh bằng cách “bỏ bùa”. Trong Kinh Thánh, có một số câu có lẽ có dính líu đến chuyện bỏ bùa (x.Tv 38, 13; 69, 24; và 2 Sm 3, 29)!

Tuy nhiên, tương quan giữa bệnh tật và bị kết tội còn có thể mang nhiều sắc thái khác nữa: kẻ buộc tội do thù ghét chưa cần làm gì cả, nạn nhân chỉ cần nhận ra sự thù ghét thôi, điều đó cũng đủ làm cho mình ngã bệnh. Khi tìm cách hiểu những người bị bách hại, chúng ta đôi khi quên đi sự lợi hại khủng khiếp này của lòng thù ghét. Do đó, chẳng cần gì đến các câu bùa chú để cho lòng ghen ghét gây tác hại (x.Tv 55, 3b-6). Các Thánh Vịnh minh họa điều này nhất là trong trường hợp bệnh tật đi đôi với sự sợ hãi cái chết, với tác động từ xa mà cái chết ngay bây giờ đã gây ra rồi.

  1. Bị bệnh nên bị buộc tội

Có những người khác đã xoay ngược cách giải thích ở trên: có người buộc tội mình vì mình bị bệnh! Cách giải thích này có thể kiểm chứng được ở bình diện dân tộc học, khi có một dân tộc tin rằng bệnh tật xẩy đến như một hình phạt đối với một tội kín ẩn. Thực vậy, người Do thái đã giải thích một cách tự phát bệnh tật là do tội lỗi (x.Ga 9, 2). Nhưng các dân tộc khác cũng hiểu như thế! Chẳng hạn, các cư dân ở Malta, là những người ngoại giáo, đã chứng kiến con rắn độc cuốn vào tay thánh Phaolô, vốn vừa mới thoát khỏi vụ đắm tàu, và họ kết luận: “Chắc chắn người này là một tên sát nhân: hắn vừa được cứu khỏi chết dưới biển, nhưng Thần Công Lý đã không để cho sống” (Cv 28, 4). Trở lại với dân tộc Israel, sách Ông Gióp cho thấy những người bạn của người bệnh, lúc đầu đã đến để an ủi, nhưng sau đó trở thành kẻ thù và quay ra tố cáo người bệnh. Ông Gióp chính là kiểu mẫu hoàn chỉnh của người vừa bị bệnh vừa bị kết tội; vì thế, ông đã lên tiếng giống như các tác giả Thánh Vịnh đã lên tiếng. Ông Gióp bị phong hủi đầy mình đã không ngần ngại kêu lên: “Thiên Chúa đã trao tôi cho bọn điên khùng, quẳng tôi vào tay phường gian ác” (Gi 11, 14; 16, 11-20). Quả thực, những người bạn của Gióp, người bệnh phong ngay lành, đã tố cáo thẳng thừng: “Anh hãy ném xa điều gian ác trong tay, và không để cho bất công cư ngụ trong lều! (Gi 11, 14).

Và ông Gióp đã đối đáp lại trong một cuộc tranh đấu nẩy lửa: “Thật vậy, các anh nói: làm sao săn đuổi nó, để có lý mà cáo tội nó đây? Bấy giờ các anh hãy sợ lưỡi gươm kề cổ mình, vì cơn giận của các anh đáng tội chết” (19, 28); nghĩa là theo ông Gióp, khi kết tội người bệnh phong ngay lành, những người này sẽ chuốc lấy lưỡi gươm phán xét của Thiên Chúa[16]. Chúng ta sẽ phải vượt qua cách giải thích ở bình diện dân tộc học vốn chỉ dựa trên những thái độ đặc thù. Thật vậy, như chúng ta sẽ thấy, ông Gióp không phải là nạn nhân của một tình cảnh thật đặc thù; thảm cảnh của ông diễn ra ở bình diện toàn nhân loại ở mọi nơi và mọi thời.

 III. “Người đã mang lấy các tật nguyền của ta và gánh lấy các bệnh hoạn của ta” (Mt 8, 11; x.Is 53, 4)

Chúng ta hãy khởi đi từ chính kinh nghiệm sống của mọi người thuộc mọi nơi mọi thời, theo đó một điều khốn khó thường chẳng bao giờ xẩy ra một cách riêng lẻ. Những điều khốn khó thường xẩy ra dồn dập và kéo theo nhau ; chúng thường qui tụ lại từ đâu đâu trên cùng một điểm. Bệnh tật, nghèo đói, cô đơn hay bị ruồng bỏ có khuynh hướng qui tụ lại với nhau. Mỗi người chúng ta đều đã có kinh nghiệm về một hay nhiều giai đoạn “xui xẻo”, với những hoạn nạn đủ loại.

Nhưng đó chưa phải là điều gây ngạc nhiên. Điều gây ngặc nhiên, chính là trung tâm qui tụ, điểm đầy ứ những khốn khó, lại là nơi mà ở đó luôn luôn tái hình thành các khuôn mặt mới và trung tâm của Kinh Thánh: chúng ta tìm thấy ở đó khuôn mặt của người kêu cầu trong các Thánh Vịnh, chúng ta tìm thấy khuôn mặt của ông Gióp và đặc biệt, khuôn mặt của người mà những lời ngôn sứ của Sách Isaia loan báo. Người này bị đau đớn ở trong thân xác như ông Gióp, vì vẻ bề ngoài khiến chúng ta nghĩ đến một người bệnh phong:

Người bị đời khinh khi ruồng rẫy,
phải đau khổ triền miên và nếm mùi bệnh tật.

Người như kẻ ai thấy cũng che mặt không nhìn,
bị chúng ta khinh khi, không đếm xỉa tới 
(Is 53, 3).

Và đồng thời, người này cũng là nạn nhân của một vụ án bất công: Người đã bị ức hiếp, buộc tội, rồi bị thủ tiêu (Is 53, 8). Những lời ngôn sứ trên phác họa ra khuôn mặt của người đau khổ, như là đã đuợc sống bởi biết bao người. Kinh Thánh đã cho chúng ta một cuộc hẹn ở “trục lộ” này; và, chúng ta được mời gọi hiểu lời ngôn sứ này như một sự chờ đợi, cứ được làm mới lại từ đời này sang đời kia, rằng một người sẽ đến và tương hợp trọn vẹn với điểm hẹn này, một người sẽ đến từ Thiên Chúa  để lấp đầy điểm hẹn này.

Điểm gặp gỡ giữa sự dữ thể lý (bệnh tật) và sự dữ luân lí (con người hãm hại, kết án nhau) lôi kéo sự chú ý của loài người chúng ta, chính là vì tương quan của chúng giúp giải đáp một câu hỏi “bí ẩn”: tại sao lại có bệnh tật, tai họa, đau khổ và sự chết? Con người bị “hút hồn” bởi mối tương quan này và tìm cách giải thích. Và sự thu hút này không phải là một điều cổ xưa; bởi vì, không chỉ con người thuộc thời cổ đại mới liên kết tội lỗi với tai họa, nhưng mọi người đều nhìn thấy, ít nhất ở mức độ vô thức, tội lỗi trong mọi thất bại, mọi tai họa, và mọi bất lực. Con người, nhất là nạn nhân, không phân biệt được ở mức độ vô thức, mình là nạn nhân gánh chịu tai họa, hay mình là nguyên nhân gây ra tai họa.

Hẳn là ý thức sáng suốt của chúng ta vẫn cố cho rằng chẳng có bí ẩn gì cả trong những chuyện như thế. Vô thức đã sai lầm cũng như chính ý thức cũng vẫn sai lầm đấy thôi. Vì thế, mọi người và cả chính chúng ta nữa mạnh mẽ cho rằng chẳng có tương quan gì hết giữa sự dữ thể lý và tội lỗi. Nhưng không ai có thể thay đổi được những chiều sâu của hữu thể vô thức nơi chính mình với những tuyên bố hợp lý! Nhưng dầu sao cũng có một tương quan giữa chúng bởi sự kiện mọi sự dữ thể lý đều kéo theo, một cách tất yếu như là sự truyền động bằng bánh răng cưa, một tiến trình buộc tội và mặc cảm tội lỗi thuộc bình diện luân lý: buộc tội mình, buộc tội người khác, buộc tội Thiên Chúa ; thậm chí, còn kết án, vì thái độ này không chờ đợi và cũng chẳng tìm kiếm một lời biện hộ nào của người bị buộc tội. Đó chính điều mà Ông Gióp, những người công chính bị bách hại lên tiếng trong các Thánh Vịnh và Người Tôi Tớ Đau Khổ muốn soi sáng cho chúng ta, và qua đó loan báo ơn giải thoát của mầu nhiệm Thập Giá.

    1. Những người công chính chịu đau khổ, cho thấy đó không phải vì tội của họ mà bị Thiên Chúa đánh phạt. Và điều này đúng một cách tuyệt đối nơi Đức Kitô trong cuộc Thương Khó. Như thế, chúng ta được chữa lành, được giải thoát khỏi cảm thức bị đánh phạt vì tội lỗi, khi gặp đau khổ, bệnh tật tai họa.
    2. Trong đau khổ và thử thách, người công chính đau khổ tín thác nơi Tình Yêu và sự Công Chính của Thiên Chúa, và không để mình rơi vào vòng xoáy của hành động buộc tội. Thực vậy, ông Gióp đã không để mình rơi vào vòng xoáy buộc tội. Ông không tuyên bố mình có tội, và cũng không cho rằng Thiên Chúa đã thi hành sự công bình một cách chung cục. Khi ông Gióp “trách” Chúa (x.Tv 22; 88), thì đó không phải là để nói lời sau cùng, nhưng ngược lại, chính là để Thiên Chúa lên tiếng, cậy dựa vào lòng tin cháy bỏng của ông (x.Gi 38).
    3. Chính lòng tín thác nơi Thiên Chúa của người công chính đau khổ mặc khải hành vi buộc tội là sự dữ, nhưng không phải để kết án, nhưng để chữa lành. Thực vậy, sự dữ thể lý của ông Gióp mặc khải sự dữ luân lý nơi những người bạn xấu của ông, họ vốn đã thuận theo vòng xoáy buộc tội. Nhưng mặc khải này mang lại điều gì tốt lành, nếu chỉ là để những người bạn xấu kia bị kết án? Chúng ta thấy rằng sự thể xoay theo một chiều hướng khác: ông Gióp là câu chuyện điển hình của người bệnh bị lên án. Nhưng khi vụ án kết thúc, chính những người bạn xấu, vốn là những người buộc tội ông Gióp, lại được tha thứ! Đó là vì Sự tín thác sống động của nạn nhân nơi sự công chính của Thiên Chúa dập tắt mọi lời buộc tội. Ông Gióp, vì đã thành tâm trong thử thách và đã không sợ lên tiếng trước mặt Thiên Chúa, đã làm cho những người bạn trở nên lành mạnh, vốn là những người chẳng có vẻ bệnh tật gì! Đó không phải là vì ông đã chịu đau khổ dùm cho họ[17], như người ta vẫn thường nói, nhưng chính là vì ông cho họ thấy bản chất thật sự của họ, điều này không kết án họ, nhưng chữa lành họ.

Đức Kitô, Đấng mà sách ngôn sứ Isaia loan báo, cũng sẽ đem lại cùng một điều như thế, nghĩa là mặc khải sự dữ và ơn chữa lành, cho những người đã nói:

Còn chúng ta, chúng ta lại tưởng người bị phạt, bị Thiên Chúa giáng hoạ, phải nhục nhã ê chề (Is 53, 4).

Một ánh sáng không đến từ chính họ, cho họ thấy trong lời buộc tội này, khuôn mặt thật của họ, và đó chính là điều sẽ cứu thoát họ, nếu họ muốn nhìn.

*  *  *

Thập Giá mời gọi chúng ta không kết tội Chúa, cho dù người ta và Sự Dữ ngang qua người ta kết tội Chúa, vì Chúa vô tội. Và chúng ta cũng không kết tội mình và người khác, và cả kết tội Chúa, khi gặp mình gặp tai họa, hay người khác, nhất là những người thân yêu gặp tai họa. Bởi vì:

  1. Kết tội tự nó là điều dữ (Sự Dữ kết tội Đức Kitô bị lộ nguyên hình, trong mức độ, cho thấy kết tội là điều dữ; tội ở nơi người kết tội, chứ không phải nơi người kết tội.
  2. Và cho dù mình và người khác đáng bị kết tội, thì Chúa đã trao ban sự công chính của Người cho chúng ta rồi, để chúng ta đừng kết tội nhau :

Trong Đức Kitô, không còn lên án nữa (Rm 8, 1).

SƠ ĐỒ 1Đức Kitô bị kết án và thân thể nát tan

ĐỨC KITÔ

“Đã mang lấy các tật nguyền của ta
và gánh lấy các bệnh hoạn của ta”

 

 

 

*  Mặc khải tội nơi người buộc tội.

*  Tha thứ và chữa lành.

*  Dập tắt mọi lời buộc tội: thay vì là hình phạt của tội, thân phận con người là ơn huệ, dù giới hạn, nhưng là con đường dẫn đến SỰ SỐNG.

*  Tạo dựng con người với sự sống hữu hạn, Thiên Chúa gieo vào lòng loài người ước ao sự sống vô hạn, và như thế chỉ để ban tặng cách nhưng không.

Bệnh tật

Đau đớn
trong thân thể

 

(thân phận
con người:
sinh lão bệnh tử)

 

Ghét bỏ

Bị buộc tội

 

(loài người
phạm tội)

               Tín thác

→  nơi sự công chính  →

               của Thiên Chúa

“Không phải anh ta,
cũng chẳng phải cha mẹ anh ta đã phạm tội. Nhưng sở dĩ như thế là để thiên hạ nhìn thấy công trình của Thiên Chúa
được tỏ hiện nơi anh”
(Ga 9, 3)

Cuộc hẹn của Kinh Thánh
(Thánh Vịnh)

 

 

 

 

 

SƠ ĐỒ 2: “Lời Thập Giá

SATAN
(và những người thuộc về Satan)

ĐỨC KITÔ

 

 

 

 

 

Vẻ
bề ngoài

Dựa trên:

*  Chữ viết của Lề Luật.

*  Sự công chính của Lề Luật.

*  Vẻ bề ngoài hay tính khả giác của sự thiện.

Để đóng vai Kẻ Tố Cáo và thực hiện công lí.

Dựa trên:

*  Tinh thần hay cùng đích của Lề Luật

*  Sự công chính đến từ Thiên Chúa

*  Sự Thiện nơi Thiên Chúa

Để “đồng hóa” mình với Người bị cáo và với Tội

[Sự bất chính, tội nhân]

 ↑ ↓

[Chết phơi thây, trên giá gỗ]

Điểm hẹn của Thánh Vịnh

– Bệnh nhân bị lên án
– Tội nhân bị xử phạt

 

Sự thật

(là thực tại, nhưng vô hình, được mặc khải bởi
Tin Mừng)

 

 

GIAN DỐI
TỘI
SỰ DỮ

 

 

SỰ THẬT
VÔ TỘI TUYỆT ĐỐI
THÁNH THIỆN

 Mầu nhiệm Vượt Qua và Thánh Vịnh

Chương 6: Thánh Vịnh 22 và Đức Kitô

 Thánh Vịnh 22 gồm hai phần rất rõ ràng và cân bằng : phần kêu cầu (c.2-22) ; phần ca tụng (c.23-32). Phần kêu cầu giúp chúng ta chiêm ngắm cuộc Thương Khó, phần ca tụng giúp chúng ta thông phần vào niềm vui phục sinh. Tuy nhiên, theo lời kể của các Tin Mừng, chúng ta được mời gọi nhận ra rằng, ngay trên đồi Sọ, sự sống mới đã phát sinh rồi (x.Ga 19, 25-27). Cả hai phần đều là nguyện lời nguyện kêu cầu và ca tụng triệt để, chính vì thể lời nguyện Thánh Vịnh 22 thâu tóm toàn bộ lời nguyện Thánh Vịnh, vốn được dệt nên bởi hai chiều kích căn bản: kêu cầu và ca tụng.

Trên Thập Giá, Đức Kitô cầu nguyện với Thiên Chúa Cha với lời nguyện Tv 22, theo Tin Mừng của các thánh sử Mátthêu và Máccô. Các thánh sử chỉ kể lại Đức Giêsu cầu nguyện chỉ với cầu đầu tiên của Thánh Vịnh: “Thiên Chúa của con, Thiên Chúa của con, tại sao Ngài đã bỏ rơi con?”, nhưng chúng ta phải hiểu là Đức Kitô đã nhận lấy trọn vẹn lời nguyện này làm của mình. Đó là điều mà chúng ta thường không nhận ra và vì thế, không hiểu đúng hướng lời nguyện của Người trên Thập Giá. Và Ngài không chỉ cầu nguyện, nhưng làm cho Thánh Vịnh này được hoàn tất ở nơi hành trình Vượt Qua của mình. Bởi vì, Tv 22 có một tương quan đặc biệt với Đức Kitô chịu chết và phục sinh.

Điều làm cho Tv 22 có một vị trí riêng biệt, và trở nên Thánh Vịnh của Đức Kitô, đó là Thiên Chúa đã để cho các sự việc đi rất xa, đến tận thời điểm mà bóng tối và ánh sáng phải tách rời nhau, nghĩa là cái chết: “Chốn tử vong Chúa đặt vào” (c.16), lưỡi kiếm, chó rừng, sư tử, trâu điên (c.21-22); những lời này muốn nói rằng, cái chết là không thể tránh khỏi. Sau cái chết, ánh sáng là ánh sáng, bóng tối là bóng tối, không còn lẫn lộn như ở bên này cái chết nữa. Ở đây Chúng ta cần lưu ý đến các loài thú được Tv 22 nói tới: đàn bó, thú Basan, sư tử, chó rừng, trâu điên. Đó là những con người, nhưng đã để thú tính làm chủ.

Ở giữa lòng sự chết, người kêu cầu chẳng còn gì để nói nữa, bởi vì mình đã qua đi rồi, và đó là lúc công trình của Thiên Chúa được thực hiện một cách đúng nghĩa nhất và viên mãn nhất. Chỉ khi được giải thoát khỏi sự chết, người kêu cầu mới cất tiếng trở lại, và lời đầu tiên, đó là lời ca tụng. Đó chính là khoảng trống giữa câu 21-22 và câu 23. Đó là khoảng trống của sự chết, nhưng cũng là khoảng trống dành cho công trình kì diệu của Thiên Chúa. Bước vượt qua từ nước mắt sang niềm vui thật đột ngột và không có nguyên nhân hữu hình nào. Tương tự như khi chúng ta ngủ, trong giấc ngủ, chúng ta chẳng biết gì, nhưng Chúa vẫn làm việc, để chúng ta có thể trỗi dậy. Chính vì thế mà bắt đầu giờ kinh sáng chúng ta xin:

Lạy Chúa Trời, xin mỡ miệng con,
cho con cất tiếng ngợi khen Ngài.

*  *  *

Khi chiêm ngắm cuộc đời của Đức Kitô, chúng ta đã nghe được những lời nói gây kinh ngạc, thán phục và đầy quyền năng của Ngài. Nhưng trong cuộc Thương Khó và nhất là trên Thập Giá, Ngài hầu như chẳng nói gì cả, Ngài im lặng. Nhưng chính lúc Ngài im lặng, im lặng ngay ở giữa cơn lốc tố cáo, phản bội, lên án, thóa mạ, sỉ nhục, la ó đòi mạng, Ngài lại nói cho chúng ta nhiều nhất. Vậy, khi chiêm ngắm Đức Kitô Chịu Đóng Đinh, xin cho đôi mắt của chúng ta biết lắng nghe, lắng nghe “Lời Nói của Thập Giá”, đầy sức mạnh và khôn ngoan, như thánh Phaolô nói (1Cr 1, 18).

Tuy vậy, trong cuộc Thương Khó, Ngài cũng nói, nhưng rất ít và rất ngắn. Và chúng ta được mời gọi lắng nghe lời nói cuối cùng của Ngài, bởi lẽ lời cuối của Ngài, như lời cuối của bao người, là lời tha thiết nhất. Lời cuối tha thiết của Đức Kitô chịu đóng đinh:

  • không phải là một lời nói chưa từng ai nói;
  • cũng không là một lời nói quyền năng “biến đá thành bánh”, tự làm cho mình thoát khỏi sự bách hại, đau đớn và cái chết nhục nhằn của Thập Giá,
  • và cũng chẳng phải là một lời nói khôn ngoan, mặc khải ý nghĩa tận cùng thân phận con người, của khổ đau và của sự chết.

Lời cuối tha thiết của Đức Kitô chịu đóng đinh là một lời nguyện Thánh Vịnh:

Thiên Chúa của con, Thiên Chúa của con, tại sao Ngài đã bỏ rơi con?[18] (Tv 22, 2; Mc 15, 34))

Đó là một lời nguyện, đã từng được thốt lên bởi biết bao nhiêu người đau khổ có trước Đức Giêsu, bởi biết bao nhiêu người đau khổ có sau Đức Giêsu, trong đó có những người thân yêu của chúng ta, đã bước qua sự chết; và chắc chắn, cũng sẽ là của mỗi chúng ta, vào giờ phút thử thách tận cùng nhất, tận căn nhất của một đời người.

Đó là một lời nguyện, không phải nói về vinh quang, nhưng là một lời nguyện bày tỏ tình cảnh bị bỏ rơi của mình; không phải chỉ bởi kẻ thù, cũng không phải chỉ bởi những người thân hay bạn bè, nhưng là bởi chính “Thiên Chúa của con”, Thiên Chúa mà con yêu mến, Thiên Chúa mà con thuộc về tử thủa sơ sinh: “Đưa con ra khỏi thai bào, vòng tay mẹ ẵm Chúa trao an toàn. Chào đời con được dâng cho Chúa, được Ngài là Chúa tự sơ sinh” (Tv 22, 10-11), Thiên Chúa mà con đã dâng hiến trọn cả cuộc đời để ca tụng và phục vụ.

Đó là lời nguyện, không phải mặc khải cho loài người chúng ta lí lẽ tận cùng của thân phận con người, của khổ đau, của sự chết và của sự dữ, nhưng là lời nguyện chất vấn chính Thiên Chúa Tạo Thành: “Tại sao”?

Thiên Chúa của con, Thiên Chúa của con, tại sao Ngài đã bỏ rơi con?

Vậy thì con gì nữa, thuộc thân phận con người, thuộc đời người, thuộc số phận của chúng ta, và ngay cả tâm tình bị bỏ rơi bởi Thiên Chúa của mình, mà Đức Kitô đã không mang lấy?

Như thế, nơi lời kêu cầu của Đức Kitô chịu đóng đinh, Thiên Chúa đã nhận mọi lời nguyện kêu cầu trong đau khổ và thử thách của loài người, của từng người chúng ta làm của mình, để ôm ấp, để chia sẻ, để an ủi, để thương cảm, để bao dung, trước khi đáp lại nơi niềm vui của Đức Kitô phục sinh, để dẫn đưa tất cả chúng ta vào cung lòng Tình Yêu và Sự Sống vô biên của Thiên Chúa.

*  *  *

KÊU CẦU
(c. 2-22)

CA TỤNG
(c. 23-32)

A
(c. 2-3)

 

A’
(c. 7-9)

 

A’’
(c. 12-22)

 

– Kêu cầu
– Vì Thiên Chúa

 

– Kêu cầu
– Vì người khác

 

– Kêu cầu
– Vì thù địch

 
 

B
(c. 4-6)

 

B’
(c. 10-11)

 

B’’
(c. 23-32)

 

– Ơn huệ chung (ca tụng)

 

– Ơn huệ riêng (ca tụng)

 

– Ơn huệ riêng
– Ơn huệ riêng liên quan đến mọi người trong không gian và thời gian.

Thánh Vịnh 22 thường được xếp vào nhóm “Thánh Vịnh Kều Cầu Cá Nhân”, vì được mở đầu bằng lời kêu than “Thiên Chúa của con, Thiên Chúa của con. Tại sao…?”. Tuy nhiên, như chúng ta có thể nhận ra hành trình thiêng liêng (“linh đạo”) của Thánh Vịnh nơi cấu trúc A, B/A’, B’/A’’, B’’ được trình bày ở trên, và hành trình này mang những đặc nét sau đây:

  • Lời kêu cầu tận căn (c.2-22) hướng tới lời ca tụng cũng lớn lao tương xứng (c.23-32). Chính vì thế, hơn bất cứ Thánh Vịnh nào khác, Thánh Vịnh 22 loan báo mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô cách trọn vẹn.
  • Tâm tình ca tụng đã hiện diện ngay trong những lời kêu cầu tận cùng rồi (c.4-6 và 10-11). Như thế, lời ca tụng thấm sâu vào lời kêu cầu, định hướng lời kêu cầu và trở thành một cách thức đặc trưng của lời kêu cầu, trong sách Thánh Vịnh: kêu cầu Chúa bằng cách ca tụng Người!
  • Thánh Vịnh 22 là lời kêu cầu của một người: “Thiên Chúa của con, Thiên Chúa của Con...”, nhưng lời kêu của người này lại nhắc nhớ lại những ơn huệ Đức Chúa ban cho tổ tiên và dân tộc của mình (c.4-6), đồng thời hướng đến lời ca tụng thật bao la và phổ quát (c.23-32). Như thế nỗi đau khổ của “người này” mang chiều kích lịch sử cứu độ, và ơn cứu độ mà người này nhận được, khi vượt qua đau khổ, có liên quan đến ơn cứu đó của “muôn người”.

Vậy, ai có thể tương hợp với lời kêu cầu của “người này” hay ai có thể làm cho lời kêu cầu được “hoàn tất”, nếu không phải là Đức Giêsu Kitô Chịu Đóng Đinh và Phục Sinh, như Người long trọng tuyên bố, khi đã “hoàn tất mọi sự”:

Tất cả những gì sách Luật Môsê, các Sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm (Lc 24, 44).

1. Lời kêu cầu (c.2-22)

Trong cuộc Thương Khó, ngang qua Tv 22, Đức Giêsu mang lấy mọi nỗi khốn khó của con người, mọi lời kêu cầu của loài người trong lịch sử. Tuy nhiên, ngay trong lòng lời kêu cầu, người đau khổ nhớ lại ơn huệ.

Thiên Chúa của con, con kêu suốt ngày,
và Ngài không đáp lại ;
ngay cả ban đêm,
con cũng không ngơi nghỉ.
Thế nhưng, Ngài là Đấng Thánh,
Ngài cư ngụ trong các bài ca tán tụng của Israel.
Chính ở nơi Ngài mà cha ông của chúng con đã hy vọng,
họ hy vọng, và Ngài đã giải thoát họ,
Khi họ kêu lên Ngài, họ đã thoát khỏi ;
nơi Ngài họ hy vọng và họ đã không thất vọng 
(c.3-6).

Những câu này của Tv 22 mang một đặc điểm rất lạ lùng: tình cảnh bị bỏ rơi của người kêu cầu không chỉ cắt đứt những ân huệ mà người này là người thụ hưởng với tư cách cá nhân, nhưng dường như còn cắt đứt chuỗi các ân huệ mà lịch sử Israel kể lại, chuỗi ơn huệ này dài hơn và phong phú hơn cuộc đời của người kêu cầu. Vì thế, chỉ có Đức Kitô mới có thể hoàn tất được.

Nói về những ân huệ của quá khứ, chính là xướng lên bài ca tán tụng, và qua đó đi vào sự liên kết kín ẩn giữa lời tán tụng và lời kêu cầu. Đó là nói với Thiên Chúa: con biết ơn và chính lòng biết ơn của con kêu cầu Chúa, cũng như lòng tin tưởng của con ca tụng Chúa. Khi gọi Thiên Chúa là “Đấng Thánh” và nhắc lại các bài ca tán tụng của mình, đó chính là ca tụng Ngài, nhưng đó cũng là kêu cầu Ngài. Như thế, lời kêu cầu của Tv 22 nại đến những lời ca tán tụng với nội dung là Thiên Chúa đã nghe những người kêu xin. Bài tán tụng ca mừng lịch sử Israel như là lịch sử của những lời kêu cầu được nhậm lời và lời kêu cầu dùng lại lời của bài tán tụng. Mọi chuyển động đều xuất phát từ một trung tâm bất di bất dịch, đó là sự sống, và sự sống chỉ đến từ chính Thiên Chúa.

Và con, con là sâu bọ chứ đâu phải người,
bị người ta chế nhạo, bị dân con ruồng bỏ 
(c.7).

Ngài là Thiên Chúa, còn con không phải là người. Ngài là Đấng Thánh, còn con là sâu bọ. Ngài được ngợi khen trong các bài ca tán tụng, còn con bị chế nhạo. Israel và người kêu cầu có cùng cha ông, bởi vì người kêu cầu gọi: “cha ông của chúng con”, chứ không phải là “cha ông của con” hay “cha ông của các người”. Tuy nhiên, người kêu cầu lại bị dân của mình ruồng bỏ; Israel không nhận ra mình nơi người kêu cầu.

Mọi người nhìn thấy con đều nhạo báng,
họ cười khẩy và lắc đầu:

“Nó đã cậy nơi Chúa, thì Người hãy giải thoát nó!
Người hãy cứu nó, vì Người là bạn của nó!” 
(c.8-9).

Người kêu cầu trở nên điều trái ngược của các bài ca Israel. Nhưng phải nói lên điều trái ngược này như thế nào, nếu không phải là vẫn với những lời của các bài ca, nhưng hiểu ngược lại để trở thành những lời chế nhạo? “Cha ông của chúng con đã hy vọng và Ngài đã giải thoát họ”, các bài ca nói như thế. Còn sự nhạo báng hôm nay nói: “Nó đã cậy nơi Chúa, Người hãy giải thoát nó!” Tác giả Tv 18 sung sướng nói: “Ngài đã giải thoát tôi, vì Người yêu thương tôi” (c.20). Sự nhạo báng của Tv 22, 9 gần như là một câu trích của lời tạ ơn này! Như thế, những lời nói ngỏ với Thiên Chúa dần trở thành trống rỗng, trơ ì. Cái chết của lời nói loan báo cái chết của con người.

Những lời nhạo báng mà chúng ta vừa giải thích chất đầy những hiểm họa. Thực vậy, việc từ chối tin sẽ khởi động cách nhanh chóng một tiến trình tăng tốc của sự chết: người không tin vào sự sống sẽ đòi hỏi những bằng chứng về sự sống và, từ đó rất nhanh đi đến chỗ tự mình đưa ra những bằng chứng về điều trái ngược với sự sống. Ai không tin vào sự sống sẽ chẳng mấy chốc làm việc cho sự chết. Một khi môi miệng tuyên bố: ơn huệ này làm sao mà kiểm chứng được, thì con tim đã tìm cách hủy diệt nó rồi.

Chính Chúa đã kéo con ra khỏi cung lòng mẹ con,
đã đặt con an toàn vào vòng tay mẹ.

Con đã được trao cho Chúa ngay lúc mới sinh;
ngay từ lòng mẹ, Ngài là Thiên Chúa của con 
(c.10-11).

Một đặc điểm đáng ngạc nhiên khác của Tv 22: người kêu cầu, vốn tháp mình rất tự phát vào toàn thể Israel, đã không xóa đi tí nào dấu ấn sự sống của riêng mình. Người này nói lên “cha ông của chúng con” cùng với những bản văn lớn của Kinh Thánh, nhưng cũng nói “mẹ của con”, là điều hoàn toàn thiết thân, là của riêng mình.

Cái chết của người kêu cầu đang cận kề; thế nhưng, người này lại nói về thời điểm mình sinh ra, như thể muốn sống lại ân huệ này! Thật vậy, nếu TC đã “giải thoát” con người khỏi hư vô, thì con người có quyền hi vọng, Ngài sẽ giải thoát con người một lần nữa, khi con người phải trở lại với hư vô ngang qua cái chết. Và người kêu cầu thực sự có thể sống lại biến cố sinh ra của mình, bởi vì trọn vẹn hữu thể của người này đã hiện diện nơi thời điểm đầu tiên như là đang hiện diện ở thời điểm sau cùng. Nếu mọi lời kêu cầu đều gợi nhớ một ân huệ, thì tiếng kêu thốt lên trước cái chết sẽ đi ngược lên tới tận thời điểm sinh ra như là ơn giải thoát, ở thời điểm này người kêu cầu “đã được kéo ra khỏi cung lòng mẹ”, “được đặt an toàn vào vòng tay mẹ”. Ơn đầu tiên của tất cả các ơn giải thoát, chính là ơn được sinh ra, và ơn này do chính Thiên Chúa khởi xướng. Vì được sinh ra luôn có trước lời nguyện của con người, nên con người đã không thể đón nhận ơn huệ này cách nào khác hơn là bởi ân sủng hoàn toàn nhưng không (TC là nhưng không). Chính trong đặc tính có trước triệt để này của ơn huệ mà con người nhìn nhận Thiên Chúa như là Thiên Chúa: “Ngài là Thiên Chúa của con”. Cùng một cách gọi Thiên Chúa: “Thiên Chúa của con” (c.2) vốn đã khởi đầu như là lời than vãn, giờ đây kết thúc như là lời ca tụng.

Vô số loài ác thú đang lượn quanh con,
cả đàn bò mộng Basan vây hãm con.
Những con sư tử sẵn sàng cắn xé gầm thét,
há to mồm chực tấn công con.
Con như vũng nước bị vương vãi,
tất cả chi thể của con rã rời,
tim con trở nên giống như sáp,
nó đang tan chảy ngay trong ruột gan con.
Sức lực con khô cạn như đất sét,
lưỡi con dính chặt vào vòm miệng,

Chúa dẫn con đến tro bụi của sự chết;

Bầy chó đang vây quanh con,
cã một lũ vô lại xiết chặt vòng vây.
Chúng đâm con thủng cả tay và chân,
Con có thể đếm được tất cả xương cốt của con.
Những người này thấy con và chăm chú nhìn con.
Chúng chia nhau áo ngoài của con,
và bắt thăm xem ai lấy được áo trong 
(c.13-19).

Sự xuất hiện của loài thú có nghĩa là giờ của lời nói đã qua rồi; miệng của các con thú há ra để làm cho sợ và sẵn sàng cắn xé; đó là giờ của sợ hãi. Bình thường, con người sử dụng những con chó để săn bắt thú vật, nhưng ở đây thì ngược lại: các con mãnh thú sử dụng những con chó để bắt người. Thực ra, “những con chó” chính là những con người mang gươm giáo (gươm giáo cũng là miệng lưỡi nữa; nên đọc lúc có giờ tự do Hc 28, 13-26). Ở đây, Tv 22 như trình bày cho chúng ta một dụ ngôn: những con chó được hướng dẫn bởi những tay thợ săn, trong khi, theo Tv 22, những kẻ làm điều xấu là những con người bị điều khiển bởi những con thú, nghĩa là bởi những sức mạnh thú vật của lòng ghen ghét và của sự câm lặng hủy diệt của con người (ơn gọi của con người là làm chủ thú tính để trở nên nhân tính, nghĩa là theo hình ảnh của TC). “Con Thú” (hình ảnh con rắn trong St 2-3) sai phái con người chống lại con người. Giống như một cuộc săn đuổi, nạn nhân bị “vây quanh”, bị  “xiết chặt vòng vây”, bị đe dọa bởi những tiếng động dồn dập, vì thế nạn nhân có dư thời gian để mà sợ hãi, héo khô và tan chảy. Những điều gây ra nỗi sợ hãi được mô tả chi tiết hơn là chính những vết thương (c.13-16).

Hạn từ “chết” không được nêu ra ở cuối đoạn mô tả về mối hiểm nguy (c.12-22), nhưng ở giữa, bởi vì nó dẫn tới hồi kết thúc cuộc săn đuổi (c.16); nhưng điều này còn muốn nói rằng cái chết mà nạn nhân đã trải qua, là cái chết đã đến từ từ, nghĩa là nạn nhân đã chết dần chết mòn trước khi tắt thở.

 2. Lời ca tụng (c.23-32)

Lời ca tụng diễn tả lời đáp của Thiên Chúa, diễn tả ơn giải thoát của Thiên Chúa. Như thế, trong Đức Kitô, Thiên Chúa lắng nghe và đáp lại tiếng kêu cứu của loài người. Nơi Đức Kitô, Thiên Chúa đáp lại một lần cho tất cả.

Con nguyện sẽ loan truyền danh Chúa
cho anh em tất cả được hay,
và trong đại hội dân Ngài,
con xin dâng tiến một bài tán dương.

Trong khi sự chết là sự bỏ rơi, là cô độc, là chia lìa thì sự sống được bày tỏ như là hiệp thông, vì thế người được cứu ngay tức khắc hướng về người khác. Cũng nhanh như là đứa bé mới chào đời liền quay về phía mẹ, người được cứu quay về phía những người anh em của mình để “công bố” danh Đấng Cứu Độ của mình. Trong hoàn cảnh bi đát, bách hại, người kêu cầu đã nói với Thiên Chúa về những kẻ thù nghịch của mình ; còn trong kinh nghiệm ơn huệ, người hát bài tán tụng lại nói với những người anh chị của mình về Thiên Chúa. Lời cám ơn đích thật, chính là lời loan báo được diễn tả trong những bài tán tụng, loan báo hướng đến “những người anh em” (c.23), sau đó đến các dân tộc xa xôi (c.28), và sau cùng đến tương lai của Israel, được biểu thị bởi các trẻ em (c.31-32). Chính vì thế, kinh nghiệm ơn huệ của Thiên Chúa, kinh nghiệm sự sống của Thiên Chúa là quyết định cho ơn gọi và sứ mạng của chúng ta.

Khi được giải thoát khỏi sự chết, Đức Kitô cũng hướng về anh em của mình, qui tụ và tìm gặp những người anh em của mình; và qua họ, là toàn thể nhân loại.

Mầu nhiệm Vượt Qua và Thánh Vịnh

Chương 7: 

“Chúa ban BÁNH cho tất cả chúng sinh,
Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương”

(Tv 136; Tuần IV, thứ hai, Kinh Chiều)

I. Vĩnh cửu và mới mẻ

  1. Vĩnh cửu

Tv 136 là một trong các Thánh Vịnh được biết đến nhiều nhất, vì trong đó có một câu cứ được lập đi lập lại từ đầu đến cuối như một điệp khúc:

Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương [19].

Câu này được lập lại đúng 26 lần. Cứ sau mỗi câu, ứng với một hàng, lời này lại được lập lại. Như thế, cả Thánh Vịnh có 26 câu, thì có 26 lần điệp khúc này được hát lên. Nhưng tại sao cứ luôn lập đi lập lại cùng một điều? Lý do rất đơn giản, vì đó luôn luôn là cùng một điều: “muôn ngàn đời” mà! Lập đi lập lại không đổi, đó chính là cách diễn tả ý nghĩa của hạn từ “muôn ngàn đời” hay “vĩnh cửu”, là cách khuôn mình theo ý nghĩa của nó. Lập đi lập lại đôi khi tạo ra sự đơn điệu, nhưng nó cũng có thể làm cho vui thích. Đó chính là trường hợp của lời ca tụng: ca tụng, đó là nói không biết chán điều làm cho chúng ta vui thích: “bây giờ và luôn mãi đến thiên thu vạn đại”. Như thế, điều tốt đẹp hiện diện trước mặt chúng ta phải thực sự tốt đẹp để không cần phải thay đổi. Điều tốt đẹp này chính là “tình thương của Chúa”. Hạn từ Dothái mà chúng ta dịch ra là “tình thương của Chúa”, còn gợi ra tương quan giao ước, và vì thế, nó cũng gợi lên sự kéo dài, tính ổn định và ngay cả vĩnh cửu, vì đây là giao ước của Thiên Chúa. Vì thuộc về một giao ước trong đó tình thương của Thiên Chúa dành cho chúng ta tồn tại luôn mãi, nên chúng ta nói không biết chán điều tốt đẹp mà mình nhận được:

Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ,
         muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.

Hãy tạ ơn Thần các thần,
         muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.

Hãy tạ ơn Chúa các chúa,
         muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương 
(c.1-3).

  1. Mới mẻ

Có đúng là không biết chán không? Vì chúng ta sẽ ngủ gật mất, nếu 26 câu kia không mỗi lần mỗi khác. Thật vậy, tất cả các câu còn lại của Thánh Vịnh đều khác nhau, cho dù trong ba câu đầu mà chúng ta vừa trích dẫn, sự khác biệt không được lớn lắm: danh xưng của Thiên Chúa được nêu khác đi một chút ở mỗi câu, bởi lẽ đây là lúc lấy đà dựa trên Danh Chúa và chắc chắn được hát lên với nhiều cảm nếm. Điều mà Danh của Thiên Chúa muốn diễn tả và chứa đựng, đó chính là tất cả chủ đề của Tv 136.

Ứng với hai mươi sáu câu giống nhau, có hai mươi sáu câu khác nhau. Tại sao lại khác nhau? Bởi vì nội dung của Tv 136 là một trình thuật, nghĩa là các biến cố được kể lại. Và trong một câu truyện, luôn luôn xảy ra điều gì đó. Mọi trình thuật đều nhất thiết được phân thành những tình tiết và chỉ có tình tiết khi một sự kiện mới được thuật lại. Chính vì thế, mỗi câu, ít nhất là từ câu 5 đến câu 23, đều diễn tả một biến cố đặc biệt, trừ trường hợp nội dung của câu chỉ là lời loan báo cho những gì sẽ được nói tới (c.4) hoặc là phần tiếp theo của những gì đang được kể (c.12.18.22). Các câu 23-24 là phần tóm tắt. Những gì được kể lại gần như là một bản tóm của Sách Thánh, từ sách Sáng Thế đến sách Giosuê, và có thể được chia thành hai phần: phần trình thuật sáng tạo (c.4-9) và phần trình thuật lịch sử (c.10-24). Kể lại, đó là trình bày một chuỗi các tình tiết liên tục, vốn là điều tạo ra sự chú ý và thích thú. Nhưng ở đây, trong Thánh Vịnh của chúng ta, điệp khúc “muôn ngàn đời tình thương của Chúa”, giống như những nhát kéo, cắt rời các tình tiết ra. Vậy, “sự cố này” có thể tạo ra những hiệu ứng nào?

Sự cố điệp khúc “muôn ngàn đời tình thương của Chúa” cắt rời chuỗi liên tục các sự kiện, muốn làm cho chúng ta hiểu rằng một biến cố xẩy ra không do bởi biến cố có trước, nhưng bởi sự kiện Thiên Chúa muốn biến cố đó. Cách trình bày như thế làm cho chúng cảm nghiệm được rằng một đàng, mọi tình tiết đều mới mẻ và đàng khác, tình thương của Chúa thì vĩnh cửu. Như thế, hiệu ứng của kết cấu theo từng cặp của Tv 136 là làm cho chúng ta nghiệm được thế nào là hành động của Thiên Chúa: luôn luôn cùng một điều và luôn luôn mới mẻ! Điều này vượt quá thân phận của con người trong thế giới, bởi vì đối với con người cái gì vĩnh cửu thì bất động, thì không mới (chẳng hạn các đền đài cổ xưa hay các rặng núi hùng vĩ) và cái gì mới thì không vĩnh cửu (tiểu biểu nhất là diễn biến thời sự trong cuộc sống, tất cả đều mới lạ nhưng rồi cũng đến lúc kết thúc hay lụi tàn, dù cho có dài như “Truyện 1001 đêm”!).

Không có điều gì thuộc thế giới này có thể chứa đựng được nơi chốn mà ở đó vĩnh cửu và mới mẻ chỉ là một, bởi lẽ chính nơi chốn này chứa đựng thế giới và vì thế chúng ta phải bỏ đi mọi chỗ dựa để đi vào nơi chốn này. Tuy nhiên, Tv 136 lại cố làm cho chúng ta nhận ra rằng mới mẻ và vĩnh cửu đã đi tìm nhau gặp nhau rồi, ngay trong thế giới này bởi sự hiện diện năng động của Thiên Chúa.

 II. Sáng tạo và lịch sử

Như chúng ta đã nói, Tv 136 có thể được chia thành hai phần: phần sáng tạo diễn tả khía cạnh vĩnh cửu và phần lịch sử nói về khía cạnh mới mẻ. Sáng tạo được gợi ra cho chúng ta bởi không gian, vốn diễn tả vĩnh cửu, trong khi lịch sử lại liên quan đến thời gian, và chính trong thời gian mà cái mới xẩy diễn ra. Như thế, Thánh Vịnh 136 đã kết hợp được hai giá trị, mới mẻ và vĩnh cửu, ngay ở trong kết cấu đặc biệt của nó.

Sáng tạo diễn tả khía cạnh vĩnh cửu, bởi lẽ các công trình được kể ra tồn tại thật lâu dài:

Tầng trời cao Chúa tạo dựng tài tình,
         muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương,
trải mặt đất này trên làn nước bao la,
         muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương,
Người làm ra những đèn trời to lớn,
         muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương,
cho thái dương điều khiển ban ngày,
         muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương,
đặt trăng sao hướng dẫn ban đêm,
         muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương 
(c.5-9).

Nếu so sánh phần sáng tạo vừa trích dẫn với trình thuật sáng tạo “Bảy Ngày” trong sách Sáng Thế (St 1, 1-2, 4a), chúng ta không khỏi ngạc nhiên khi nhận ra tác giả thánh vịnh dừng lại ở ngày thứ tư, nghĩa là ngày các vì tinh tú được tạo dựng. Phải chăng, đối với tác giả, sáng tạo được hoàn tất vào chiều tối thứ tư, sau khi đồng hồ các vì tinh tú đã được lên dây cót để vận hành mãi mãi? Tại sao khuôn khổ bảy ngày không được áp dụng tới cùng ở đây?

Lý do thật đơn giản: tất cả những gì được kể trong Thánh Vịnh thì có cùng bản chất, đó là những phần bất biến của sáng tạo, và là dấu chỉ của vĩnh cửu. Chúng ta có thể gọi phần này là phần “bất động sản” của sáng tạo. Nhưng, những gì mà Thánh Vịnh không kể ra cũng thuộc về một khối thuần nhất, đó là thảo mộc, thú vật và con người, nghĩa là thế giới sinh động chóng qua, vốn là dấu chỉ của cái mới. Chúng ta có thể gọi phần này là phần “động sản” của sáng tạo. Tv 136 đã thay thế, ngay sau câu 9, khung cảnh sinh vật bằng khung cảnh lịch sử, trong đó cái mới được thể hiện.

Như vậy, Tv 136 đã đặt sáng tạo như là lời tựa của trình thuật lịch sử: sáng tạo chất chứa lời hứa vĩnh cửu, nhưng lịch sử, nơi chốn của cái mới, và cũng của những hiểm nguy, có giữ trọn được lời hứa của sáng tạo không?

 III. “Người ban bánh cho tất cả chúng sinh”

Như đã được trình bày, vĩnh cửu được diễn tả bởi điều tương ứng với nội dung của bốn ngày đầu của sáng tạo (c.4-9), và cái mới được diễn tả bởi việc nhắc lại lịch sử (c.10-24). Nhưng chúng ta còn phải tìm hiểu sự hiệp nhất giữa vĩnh cửu và cái mới được biểu đạt như thế nào trong Tv 136, bởi vì, nếu không có sự hiệp nhất này, thì có lẽ Thiên Chúa sẽ không được diễn tả cách trọn vẹn.

  1. Ơn huệ lương thực

Trình thuật sáng tạo “Bảy Ngày” hướng tới một cùng đích, và trình thuật lịch sử khai sinh ra Israel (thường được nhắc lại trong các bản văn Giao Ước) cũng hướng tới một cùng đích. Thật vậy, ơn huệ sau cùng của trình thuật kể lại tuần đầu tiên của vũ trụ, chính là ơn huệ lương thực (St 1, 29-30); và trong trình thuật lịch sử khai sinh ra Israel, cùng đích cũng là bánh Thiên Chúa ban cho dân của Ngài, bánh phát xuất từ đất mà Ngài dẫn dân đến cư ngụ[20]. Như thế, sáng tạo và lịch sử đều có cùng một điểm tới! Chính vì thế mà, trong Tv 136, không có hai lần nói về lương thực. Chỉ có một lần thôi, và đó chính là điểm kết thúc duy nhất ở đó tiến trình sáng tạo và tiến trình lịch sử, chiều kích vĩnh cửu và chiều kích mới mẻ gặp gỡ nhau:

Người ban bánh[21] cho tất cả chúng sinh,
         muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.
Hãy tạ ơn Chúa cửu trùng,
         muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương 
(c.25-26).

Chúng ta có thể bị choáng, vì nhận ra rằng tấm bánh thường ngày thật quen thuộc và thật đơn sơ, nhưng lại mang một sức nặng ý nghĩa và sự sống quá lớn. Bởi vì bánh diễn tả cuộc gặp gỡ giữa vĩnh cửu và cái mới, và nhất là vì bánh diễn đạt Thiên Chúa và trao ban Thiên Chúa; bởi lẽ, tấm bánh tuy bình thường, nhưng lại chất chứa cùng một lúc vĩnh cửu và cái mới. Điều này giúp chúng ta hiểu được tại sao ĐGS nói: “Ta là bánh hằng sống”. Như thế, tác giả Tv 136 đã tìm ra “điểm hội tụ” của sáng tạo và lịch sử, của vĩnh cửu và cái mới, nơi tấm bánh! Nhưng con đường dẫn đến tấm bánh không thật dễ dàng.

  1. Con đường của “bánh”

Để có được tấm bánh đặt ở trên bàn, chắc chắn cần phải có sáng tạo (đất đai, hạt giống, nước, ánh sáng,…), nhưng cũng cần có những lao nhọc, và cả sự giải phóng khỏi những kẻ áp bức nữa. Tv 136 kết thúc với tấm bánh được nhìn nhận như là ơn huệ. Nhưng, trong cuộc sống, Thánh Vịnh được đọc lên để tạ ơn về tấm bánh đã có sẵn ở trên bàn rồi. Tv 136 chính là lời tạ ơn trên bánh; và để tạ ơn, thì phải nhớ lại, nhớ lại ơn huệ sáng tạo, nhớ lại những nhục nhằn của tổ tiên.

Tấm bánh cần đến “sáng tạo gần” (sáng tạo hôm nay), nhưng dưới áp lực của phần trình thuật lịch sử, đã được đẩy lùi thật xa, đến tận “sáng tạo xa” (sáng tạo khởi nguyên); và như thế, tấm bánh, có ở trên bàn, trở thành điểm hẹn của lịch sử phổ quát. Thật vậy, Tv 136 không nói: “…cho Israel”, nhưng đã nói: “Người ban bánh cho tất cả chúng sinh”. Ngoài ra, tấm bánh có ở trên bàn không chỉ biểu thị tương quan trực tiếp với Thiên Chúa sáng tạo, nhưng còn diễn tả tương quan với con người trong điều kiện lịch sử cụ thể (chính trị, xã hội, việc làm, áp bức, đấu tranh,…): bánh ở đây là bánh của những con người tự do, đã được kéo ra khỏi cảnh nô lệ. Như thế, bánh mà Israel dùng hằng ngày đã đến từ Thiên Chúa, nhưng đồng thời cũng đi ngang qua những xung đột lịch sử. Và điều này cũng đúng với mọi người và mọi dân tộc:

Chúa đã nhớ đến ta trong cảnh nhục nhằn,
         muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương,
gỡ ta thoát khỏi tay địch thù,
         muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương 
(c.23-24).

Người dâng lời tạ ơn vì tấm bánh được nhận ra như điểm gặp gỡ phổ quát, cũng chính là người được giải thoát khỏi bàn tay vấy máu muốn tiêu diệt. Như thế, lời hứa vĩnh cửu và thử thách cuộc đời hội tụ nơi cùng một tấm bánh.

*  *  *

Tin Mừng theo thánh Matthêu kể lại rằng, chia sẻ bánh và rượu xong, Đức Giêsu hướng đến cuộc Thương Khó của Ngài “sau khi đã hát Thánh Vịnh” (Mt 26, 30). Câu này đặc biệt gợi lại cho chúng ta Tv 136, bởi vì cùng với các Thánh Vịnh khác, Tv 136 được hát lên để kết thúc bữa ăn Vượt Qua. Như thế Tv 136 hướng đến Thánh Thể và Thánh Thể làm tròn đầy Tv 136.

Vì thế, hát Tv 136 sẽ làm cho chúng ta gần gũi hơn với Đức Kitô, nhất là khi chúng ta nhận ra Ngài trong Thánh Vịnh này, vì Ngài chính là Đấng ban cho chúng ta Bánh của Thiên Chúa, Bánh có sức đổi mới mạnh mẽ hơn cả sự chết, vốn là thử thách tận cùng mà chính Ngài đã vượt qua. Nhưng đồng thời, khi hát Tv 136, chúng ta cũng trở nên gần gũi với tác giả Thánh Vịnh hơn, bởi vì chính tác giả cũng đã được lôi kéo bởi “Bánh Hằng Sống”. Giống như tác giả Thánh Vịnh, chính chúng ta cũng đang được lôi kéo và vẫn chưa đi hết con đường dẫn tới tấm bánh huyền nhiệm này.

Tin Mừng cho chúng ta biết tấm bánh này được nhào nắn như thế nào: bánh đã đi ngang qua thập giá của Đức Kitô, nơi chốn đích thật cho sự biến đổi của bánh. Nơi Thập Giá, lòng ước ao của chúng ta được mời gọi lắng nghe Tin Mừng về Bánh Hằng Sống, khi nhìn ngắm với lòng tin vẻ bề ngoài “nát tan”, không còn gì, của Đức Kitô chịu đóng đinh.

Sáng tạo:
Lời hứa
vĩnh cửu

 

Ơn huệ
lương thực

“Bánh hằng ngày”

 

 

 

Đức Kitô

BÁNH THÁNH THỂ
đi ngang qua Thập Giá

 

 

Đức Kitô

BÁNH HẰNG SỐNG
Chiến thắng sự chết

 

Lịch sử:
Thử thách
đau khổ

Nếu bánh ăn hằng ngày không làm cho chúng ta chiến thắng sự chết, thì Bánh Hằng Sống, là chính Đức Giêsu, sẽ làm cho chúng ta chiến thắng sự chết, bởi vì chính Ngài đã vượt qua và chiến thắng cả tiến trình dẫn đến sự chết và chính cái chết trong cuộc Thương Khó. Đức Kitô đã đưa những lời của Tv 136 vào trong chính cái chết của Ngài. Vì thế, dưới ánh sáng của mầu nhiệm Vượt Qua, chúng ta được mời gọi nhận ra lời hứa vĩnh cửu nơi những lời của Tv 136:

Người ban BÁNH cho tất cả chúng sinh,
muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.

Chúng ta được mời gọi bước vào hành trình chiêm ngắm  mầu nhiệm Thương Khó và Phục Sinh của Đức Kitô với tâm tình tạ ơn của Tv 136 và nhận ra “Tình yêu muôn ngàn đời của Thiên Chúa” được thể hiện cách tron vẹn nơi Người.

Hãy tạ ơn Chúa cửu trùng,
muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.

* * *

CẤU TRÚC của THÁNH VỊNH 136

1. “Ơn huệ bánh hằng ngày” đến từ:

  • Sáng Tạo (vì là hoa mầu của ruộng đất), diễn tả chiều kích vĩnh cửu.
  • và từ Lịch Sử (vì là kết quả do lao công của con người), diễn tả chiều kích mới mẻ.

Như thế, “Ơn huệ bánh hàng ngày” tự nó đã diễn tả chính Thiên Chúa rồi. Vì “bánh hằng ngày” mang trong mình đồng thời hai chiều kích vĩnh cửu và mới mẻ, vốn diễn tả hành động của Thiên Chúa. Thế mà, hành động của Thiên Chúa diễn tả chính Thiên Chúa.

2. Tin Mừng theo thánh Matthêu kể lại rằng, chia sẻ bánh và rượu xong, Đức Giêsu hướng đến cuộc Thương Khó của Ngài “sau khi đã hát Thánh Vịnh” (Mt 26, 30). Câu này đặc biệt gợi lại cho chúng ta Tv 136, bởi vì cùng với các Thánh Vịnh khác, Tv 136 được hát lên để kết thúc bữa ăn Vượt Qua. Như thế Tv 136 hướng đến Thánh Thể và Thánh Thể làm tròn đầy Tv 136.

Vì thế, hát Tv 136 sẽ làm cho chúng ta gần gũi hơn với Đức Kitô, nhất là khi chúng ta nhận ra Ngài trong Thánh Vịnh này, vì Ngài chính là Đấng ban cho chúng ta Bánh của Thiên Chúa, Bánh có sức đổi mới mạnh mẽ hơn cả sự chết, vốn là thử thách tận cùng mà chính Ngài đã vượt qua. Nhưng đồng thời, khi hát Tv 136, chúng ta cũng trở nên gần gũi với tác giả Thánh Vịnh hơn, bởi vì chính tác giả cũng đã được lôi kéo bởi “Bánh Hằng Sống”. Giống như tác giả Thánh Vịnh, chính chúng ta cũng đang được lôi kéo và vẫn chưa đi hết con đường dẫn tới tấm bánh huyền nhiệm này.

3. Trong bữa tiệc ly, Đức Giêsu cầm lấy BÁNH HẰNG NGÀY, tạ ơn, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho các môn đệ và nói:

Các con hãy cầm lấy mà ăn, đây là Mình Thầy

Như thế, nơi Bí Tích Thánh Thể, Chúa ban cho chúng ta BÁNH HẰNG SỐNG, là chính Chúa.

Tin Mừng cho chúng ta biết tấm TẤM BÁNH này được nhào nắn và đi qua con đường nào: BÁNH đã đi ngang qua thập giá của Đức Kitô, nơi chốn đích thật cho sự biến đổi của BÁNH, đồng thời cho thấy BÁNH HẰNG SỐNG mạnh hơn sự chết.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc

————————————————-

[1]Như vậy, tương quan mà Đức Kitô có với các Thánh Vịnh vừa cụ thể (nghĩa là Ngài đã hát Thánh Vịnh) và vừa thiết yếu (Đức Kitô hoàn tất Kinh Thánh, mà các Thánh Vịnh là một thành phần cấu thành, qua đó, Ngài bày tỏ căn tính thần linh của mình; hơn nữa, với tư cách là Ngôi Lời, Ngài hiện diện nơi lời nguyện Thánh Vịnh để hướng mọi sự đến sự hoàn tất). Về vấn đề này, tác giả Matthieu Collin nhận định rất đúng khi viết: “Hoàn toàn không phải là chuyện gán Đức Kitô cho các Thánh Vịnh, nhưng đơn giản là nhận ra ý nghĩa sâu sa ẩn dấu trong bề dày của lớp vải Kinh Thánh của các Thánh Vịnh. Theo nghĩa chặt, nếu được thấu hiểu và khai triển trong tất cả sự phong phú Kinh Thánh của nó, thì toàn bộ sách Thánh Vịnh kể lại mầu nhiệm Đức Kitô ở giữa chúng ta” (Matthieu Collin, Le livre des Psaumes, “ Cahiers Evangile ”, No 92, Paris, Editions du Cerf, 19795, tr. 62). Do đó, khái niệm “Kitô hóa” các Thánh Vịnh, mà một số tác giả sử dụng, chỉ diễn tả một tương quan ngoại tại và “tùy chọn” giữa các Thánh Vịnh và Đức Kitô (đọc Hoàng Đắc Ánh và Trần Phúc Nhân, Như Hương Trầm. Học hỏi Thánh Vịnh và Thánh Ca Cựu Ước Tân Ước, T.P. Hồ Chí Minh, Tủ Sách Đại Kết, 1992, tr 17-19; và NGUYỄN Thế Thủ, Giờ Kinh Phụng Vụ, T.P. Hồ Chí Minh, 2002, trang 150).
[2]Chính Thiên Chúa trở thành lí do hay đối tượng của lời ca tụng (Tv 47) hay những phẩm tính của Người Thiên Chúa là Vua (Tv 93, 1; 96, 10; 97, 1; 99, 1); YHWH (Gia-vê, tên riêng của Thiên Chúa) thì lớn lao (Tv 35, 27; 40, 17; 70, 5); YHWH thì tốt lành (Tv 136…).
[3]Đó chính là “chiều kích tông đồ” của đời đan tu, được dành cho lời ca tụng cả một đời.
[4]Hiểu biết nền tảng, nghĩa là dựa vào đó chúng ta đưa ra những nhận định về các cách trình bày khác về Đức Kitô, chẳng hạn những suy tư Kitô học đuơng thời tại các châu lục khác nhau (về vấn đề này có thể đọc Michel Fedou, s.j., Regards asiatiques sur le Christ, Paris, Desclée, 1998), và trên đó chúng ta xây dựng hiểu biết của mình về Đức Kitô.
[5]Đọc Lc 6, 12. Nhưng chúng ta phải nói rằng giả định này có lẽ không hợp lý, bởi vì sẽ làm cho thời gian 30 năm sống ẩn dật của Đức Giêsu hóa ra vô ích và vì giả định này, theo các Tin Mừng, không phù hợp với cách Đức Giêsu hiểu về con đường của mình.
[6]Qui chiếu chính xác về những câu Thánh Vịnh được trích dẫn trong các Tin Mừng, có thể tham khảo Michel Gourgues, Les Psaumes et Jésus, Jésus et les Psaumes, “Cahiers Evangiles”, số 25, Paris, Editions du Cerf, 1978, trang 62-63.
[7]Giống như khi chúng ta đi thăm một người chưa từng quen biết, lúc về mới chợt nhận ra người ấy trong một bức chân dung mà mình đã có từ lâu, nhưng đã không biết bức chân dung này là ai.
[8]Có các trính dẫn Thánh Vịnh khác trong Tin Mừng Gioan và các Tin Mừng Nhất Lãm, nhưng ở đây chúng ta giới hạn việc khảo sát trong năm trích dẫn tiêu biểu.
[9]Những dấu hiệu, tự thân là yếu ớt, tùy phụ và dễ bị tổn thương, nhưng kinh nghiệm cho thấy rằng chúng có nhiều hiệu quả hơn những bằng chứng vững chắc để dẫn người ta đến với chân lý, khi chân lý này thuộc bình diện nhân linh.
[10]Để dễ hiểu, chúng ta có thể so sánh với vị ngon và hương thơm của một loại trái cây mà chúng ta thích, chẳng hạn như trái soài. Chúng ta không thể đưa ra bằng chứng cho một ông Tây về hương vị của trái soài, mà chỉ có thể mời ông thực hiện chính kinh nghiệm thưởng thức trái soài mà thôi. Cũng vậy, chân lý không có bằng chứng nào khác ngoài chính bản thân của mình. Khi Đức Giêsu nói: “Ta là đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14, 6), Ngài không đưa ra bằng chứng để thuyết phục chúng ta rằng Ngài đúng là như thế, nhưng chỉ mời gọi chúng ta đi theo Ngài mà thôi. Chính khi đi theo Ngài, chúng ta sẽ cảm nhận được rằng Ngài đúng là điều mà Ngài đã nói. Có lẽ đây là cách thức thích hợp để nói về Đức Kitô cho con người hôm nay, trong suy tư cũng như trong việc loan báo Tin Mừng.
[11]Kitô học “từ trên xuống” khởi đi từ tín điều “Ngôi Lời nhập thể”, vốn là điểm tới của cả một quá trình suy tư về đức tin trong 3 thế kỉ đầu tiên của Giáo Hội. Chúng ta thường được dạy về nội dung các tín điều, chứ không về quá trình, bối cảnh và lí do tại sao Giáo Hội lại tuyên tín như thế. Trong khi, hành trình đức tin của các chứng nhân đầu tiên và của Truyền Thống mới là khuôn mẫu cho niềm tin của các tín hữu mọi thời.
[12]Đối với chúng ta, Đức Kitô trở nên như các thánh mà các nhà viết tiểu sử chỉ biết ca tụng những nhân đức mà không chịu mô tả bối cảnh của những nhân đức này.
[13]Chẳng hạn tình cảnh của bà Susana đuợc kể lại trong sách Đaniel (Đn 13).
[14]Khởi đi các câu Thánh Vịnh được trích dẫn ở đây, chúng ta nên mở sách Thánh Vịnh ra đọc, và không chỉ đọc các câu trích, nhưng đọc cả Thánh Vịnh hay ít nhất những câu chung quanh.
[15]Có thể đọc thêm Kn 2, 12-20.
[16]Còn chúng ta, chúng ta được nên công chính nhờ Máu của Đức Kitô, vì thế, chúng ta còn còn sợ ai buộc tội nữa, và cũng không buộc tội mình nữa; vì “trong Đức Kitô, chúng ta không còn bị lên án nữa” (Rm 8, 1).
[17]Và như chúng ta vẫn thường hiểu như thế về cuộc thương khó của Đức Giêsu.
[18]“Eli, Eli” (Thiên Chúa của con, Thiên Chúa của con; bản dịch của Nhóm CGKVP: “Lạy Chúa con thờ, muôn lạy Chúa”). Đại từ sở hữu của con, được sử dụng ở đây và trong rất nhiều lời nguyện khác, ngay trong tính đơn sơ của nó, dấu ẩn một bí mật, có thể sánh với bí mật của tên riêng. Ai trong chúng ta cũng biết ngay rằng nó là một hạn từ của tình yêu, bằng chứng là cả người nói lẫn người nghe đều xao động! Ngoài ra, nó còn mang một vẻ nổi bật đặc biệt trong bối cảnh Kinh Thánh. Thực vậy, cách nói này dựa trên những hạn từ được dùng để phát biểu giao ước: Ta sẽ là Thiên Chúa của các ngươi và các ngươi sẽ là dân của ta. Tuyên xưng Thiên Chúa của con, chính là dựa vào lời này: YHWH là Thiên Chúa của con, vốn là câu nói được xem như mật khẩu của giao ước. Còn đối với chúng ta, tiếng gọi âu yếm Thiên Chúa của con trở nên tròn đầy bởi thực tại của phép rửa, vốn là giao ước của chúng ta và vì thế, mang lại cho chúng ta quyền được gọi tên Thiên Chúa và nói: Ngài chính là Thiên Chúa của con.
[19]Dịch sát bản văn Do Thái: “Vì vĩnh cửu tình thương của Chúa”; “His love endures for ever” (Psa 136:1 NIB); “Car éternel est son amour” (Bible de Jérusalem).
[20] “Bánh” hiểu theo nghĩa rộng, ám chỉ tất cả những gì làm cho người ta sống.
[21]“Bánh”, dịch theo bản văn Dothái. Nên giữ lại từ ngữ này, thay vì diễn giải là “lương thực” trong bản dịch Việt ngữ.

 

bài liên quan mới nhất

Ngày 28/4: Thánh Phêrô Channe – Linh mục, tử đạo (1803-1841)

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng