Sự Hiện Hữu Của Tình Yêu

Con người sở hữu một thực tại là tình yêu. Họ luôn kinh nghiệm được nó dù nó vô hình. Như thi sĩ Xuân Diệu đã thốt lên: “Làm sao sống được mà không yêu, / Không nhớ, không thương một kẻ nào?”(Bài Thơ Tuổi Nhỏ). Thế nhưng, con người lại không thể định nghĩa được cách trọn vẹn về thực tại ấy. Nói cách khác, họ không thể “đụng chạm” và hiểu thấu cách trọn vẹn về cái mà chính bản thân mình một lúc nào đó đã trải nghiệm.

Những ai đã có lần nào đó có những trải nghiệm về tình yêu đều biết rằng: tình yêu là “một cái gì đó” thực sự hiện hữu. “Cái gì đó” ấy khiến họ mãi vấn vương, say đắm, khát khao… Nó khiến con tim rung những nhịp khác thường: nhẹ nhàng mà mãnh liệt; khi dữ dội, lúc dịu êm[1]; vô hình nhưng kinh động cả châu thân… Họ dường như đã chạm đến, đã trải nghiệm thực sự, thậm chí là đã chiếm hữu được “cái gì đó” ấy. Thế nhưng, khi nhìn lại để diễn tả, thậm chí là cả ngay lúc đang nếm hưởng nó, thì sự hình dung cũng chỉ mơ hồ, mờ nhạt và không thể diễn đạt bằng ngôn ngữ hay bằng bất cứ phương tiện nào khác.

Tình yêu – một thực tại cao sâu và đầy huyền nhiệm. Trải qua nhưng chẳng thể nắm bắt. Biết chắc sự hiện hữu nhưng chẳng tài nào diễn tả. Có đó mà chẳng thể sờ mó, soi thấu. Đón nhận mà chẳng bao giờ ngừng lại. Nhớ nhung, luyến tiếc mà cũng chẳng thể nào hình dung trọn vẹn.

Tình yêu – một thực tại chỉ có thể cảm nghiệm mà không thể nào hiểu thấu. Chỉ có thể tiếp tục khám phá và nếm hưởng vì chính sự bất tận của tình yêu.

Tình yêu – một thực tại vô tận như chính sự vô tận của vũ trụ, đất trời và thẳm sâu của lòng người. Sự vô tận của tình yêu khiến con người – loài được phú bẩm cho khả năng yêu thương – tiếp tục khám phá và “lên đường” mãi mãi. Sự không dừng lại của con đường này khiến con người tiếp tục chiếm hữu những điều mới mẻ dường như bất tận của tình yêu. Càng cố gắng định nghĩa hai chữ huyền nhiệm ấy, con người càng nhận ra sự vô tận của nó và sự bất lực của chính mình. Tình yêu – hai chữ cũ rích như cái xưa cũ của địa cầu lại vẫn luôn tươi mới đến lạ lùng. Tình yêu – cái hạn từ gọn gàng trong ngôn ngữ lại là thẳm sâu vô tận của đại dương ý nghĩa mà con người đã, đang và mãi hụp lặn khám phá.

Sự vô tận của hai tiếng dung dị ấy không là bức tường ngăn bước con người tiến tới, nhưng là không gian bao la để con người vùng vẫy kiếm tìm, cảm nếm và lấp đầy nỗi khát khao nơi thẳm sâu của tâm hồn.

Tình yêu vô tận cũng bởi nguồn gốc và căn nguyên của nó. Bởi tình yêu như là căn nguyên thúc đẩy Đấng Sáng Tạo tự biểu lộ mình bằng công trình tạo dựng vũ trụ, vạn vật. Cũng chính tình yêu là nguyên liệu cho sự phát sinh kia. “Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4,16) và, vì tình yêu mà Ngài tác tạo nên vũ trụ, vạn vật để tất cả được chia sẻ sự sống thần thiêng của Ngài. Tình yêu nơi Thiên Chúa không “đóng khung” cách ích kỷ nhưng là chẳng bao giờ ngừng triển nở và trao ban: Lan tràn tác sinh tất cả và quan phòng tất cả.

Trong tất cả những sự hiện hữu bởi tình yêu vô biên đó, con người là đỉnh cao của sự sáng tạo trong yêu thương. Con người mang trong mình hình ảnh của Thiên Chúa (x. St 1,26). Có thể hiểu hình ảnh mà Đấng Sáng Tạo đặt để nơi con người chính là khả năng nhận biết mình được yêu và khả năng yêu thương. Có thế mà con người từ bao đời vẫn luôn khát khao trở về với Nguồn Yêu Thương, khát khao yêu thương và tình cách “định nghĩa” hai tiếng yêu thương. Một cách nào đó nó muốn “chạm” đến cái Cội Nguồn của mình.

Khát vọng lớn lao là thế. Căn cội của con người cũng đã được xác định là thế. Thế nhưng, sự kết hợp giữa cái bất tử và cái phải chết, giữa cái vô hạn và hữu hạn, khiến con người cứ mãi bất lực khi đụng chạm đến cái rốt cùng của tình yêu.

Sự hữu hạn mang trong mình tính ích kỷ ngàn đời của nó trong bản chất con người khiến nó không ngừng muốn thông đạt tất cả, để chiếm hữu tất cả, ngay cả với tình yêu. Chính trong ham muốn chiếm hữu thâm căn cố đế ấy, con người lại chuốc lấy thất bại, và đau khổ vì sự bất lực của chính mình. Nó – con người từ bao đời vẫn mãi chẳng thể đạt đến một diễn tả trọn vẹn về tình yêu.

Tình yêu phải chăng không là sự chiếm hữu cách ích kỷ? Tình yêu phải chăng là sự buông bỏ hoàn toàn để luôn trao ban, luôn bung ra đến vô cùng? Điều mà con người bất lực thì chính Thiên Chúa – Đấng là Cội Nguồn Tình Yêu – đã giải đáp hoàn toàn.

Nơi Thiên Chúa, ta nhìn thấy một sự trao ban đến vô cùng. Tình yêu nơi Chúa Cha và Chúa Con trong mối dây hiệp nhất hoàn toàn của Chúa Thánh Thần không ích kỷ giữ cho riêng mình nhưng đã lan tràn và tác sinh tất cả. Ngài – vị Thiên Chúa duy nhất trong Ba Ngôi Vị Thần Linh không ngừng triển nở đến vô cùng, ôm ấp, bao bọc, chở che và quan phòng tất cả. Ngài – vị Thiên Chúa ôm ấp cả vũ trụ không giới hạn, lại cũng chăm sóc một bông Huệ ngoài đồng và “mặc cho nó còn đẹp hơn cả vua Salômôn trong tất cả sự huy hoàng của ông” (x. Mt 6,28-30).

Đối với con người, loài duy nhất mang lấy hình ảnh của Đấng yêu thương thì sự trao ban của Thiên Chúa càng trở nên “điên dại” và hết sức nghịch lý. Bởi, khi con người khao khát chạm đến tình yêu và lầm lạc trong việc tìm kiếm tình yêu để đến nỗi tình yêu bị bóp méo, bị lăng nhục, thì Thiên Chúa đã thân hành đến mà giải đáp cho con người. Khi con người không chạm đến được Cội Nguồn Yêu Thương thì chính Thiên Chúa đã hạ mình xuống đến tận cùng để đụng chạm và cho người ta đụng chạm.

“Đức Giê-su Ki-tô

vốn dĩ là Thiên Chúa

mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì

địa vị ngang hàng với Thiên Chúa,

nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang

mặc lấy thân nô lệ,

trở nên giống phàm nhân

sống như người trần thế.

Người lại còn hạ mình,

vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết,

chết trên cây thập tự.” (Pl 2,6-8).

 

Quả thế, “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi ban Con Một” (Ga 3,16). Chính nơi Đức Giêsu, chính nơi sự kiện Nhập Thể, Nhập Thế và Cuộc Tử Nạn – Phục Sinh của Ngài mà Thiên Chúa đã giải đáp trọn vẹn nhất cho câu hỏi ngàn đời của con người: Tình Yêu Là Gì?

Chính Đức Giêsu là câu trả lời. Ngài chính là Tình yêu. Quả thế, trong vũ trụ và qua vũ trụ ta nhận biết được sự hiện hữu muôn màu muôn vẻ của tình yêu. Tất cả vạn vật đều mang đậm đầy dấu ấn của tình yêu. Tất cả chúng, kể cả chúng ta nữa có thể nói được rằng đều toát lên ý nghĩa của tình yêu. Tuy nhiên, chỉ nơi Đức Giêsu, sự biểu lộ của tình yêu mới trọn vẹn và cao cả nhất. Nơi Đức Giêsu, ta thấy cái thực tại vô hình đã trở nên hữu hình để có thể tri giác được: “Ngôi Lời đã hóa thành nhục thể” (x. Ga 1,14). Qua Đức Giêsu, ta có thể nghe, có thể cảm nếm cách rõ ràng về Tình Yêu, bởi Ngài chính là Tình Yêu đang hiện hữu. Ngài cũng đã cho con người một định nghĩa chính xác và trọn vẹn về tình yêu bằng chính cuộc hiến dâng hoàn toàn của Ngài cho những kẻ mà Ngài yêu thương. “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình.” (Ga 15,13). Còn lời giải đáp nào cụ thể hơn việc chính Tình Yêu đến, đồng hành, hoạt động, trao ban cho đến tận cùng là cái chết đau thương, nát tan trên cái biểu tượng thập giá ghê rợn của sự lầm lạc nơi thế trần?

Hôm nay, Đức Giêsu vẫn đang mời gọi nhân loại, cách riêng là mỗi Kitô hữu chúng ta bước tiếp con đường yêu thương của Ngài. Ngài muốn chúng ta mang lấy sự hiện hữu của chính Ngài là Tình Yêu để tiếp tục trao ban cho thế giới. Muốn được như thế, chúng ta được mời gọi trở nên như những cây sáo trong tay người nghệ sĩ là chính Thiên Chúa:

“Con như là cây sáo. Chúa là người nghệ sĩ. Cây sáo trong tay Ngài cần phải rỗng tuếch mới phát lên âm thanh để trở thành giai điệu du dương. Con cũng cần trở nên hoàn toàn trống rỗng. Cõi lòng cần sự tĩnh lặng chẳng còn suy nghĩ về điều gì và con sẽ phải chẳng còn lại gì.

“Người nghệ sĩ thổi hơi vào cây sáo và tùy vào cảm xúc, tùy vào tự do mà giai điệu có lúc trầm lúc bổng. Đời con Ngài đã thổi hơi Thần Khí, và nó đang trầm bổng theo ý Ngài muốn. Con hoàn toàn phó thác trong tay Ngài và xin Ngài tiếp tục tấu bản nhạc đời con.”[2]

Có như thế, chúng ta mới thực sự là cánh tay nối dài của Chúa để qua cuộc đời đã hoàn toàn phó thác, chúng ta tiếp tục cho cuộc hiện hữu của Tình Yêu trong cuộc đời.

 

Sương Thiên Linh

 

[1] X. Bài thơ “Sóng” của Xuân Quỳnh. (Chú thích: người viết).

[2] Một ý tưởng của Lm. Phêrô Trần Văn Thành (Gx. Tam Tòa). Diễn tả: người viết.

bài liên quan mới nhất

Dưới ánh sáng Lời Chúa | Chúa Nhật V Mùa Phục Sinh, năm B: Cây nho và cành

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng