Hãy biến nỗi sợ hãi thành sự can đảm. Hãy để cho niềm tin lớn hơn sự sợ hãi. Khi có những dấu hiệu nhỏ về sự thật trong các tiền đề hiện đại này, nên cầu xin ơn can đảm để chịu đựng.
Sự chịu đựng có nghĩa bao gồm các nhân đức chủ yếu và bảy tặng phẩm của Chúa Thánh Thần. Đó là lĩnh vực đáng giá và cần thiết trong quá trình tiến bộ của chúng ta trong lĩnh vực tâm linh.
Thật là thú vị, sự chịu đựng không ngoại trừ lòng can đảm, như nhiều người trong chúng ta đã được học và nhớ có bảy ơn Chúa Thánh Thần để chuẩn bị lãnh nhận bí tích Thêm Sức. Theo các học giả ủng hộ lý thuyết của Thánh tiến sĩ Tôma Aquinô, thực sự có sáu nhân đức phụ (sub-virtues), bao gồm toàn bộ sự can cảm chịu đựng.
1. SỰ CAO THƯỢNG
Theo Thánh Tôma Aquinô, sự cao thượng là “cố gắng đạt được sự xuất sắc trong mọi thứ, nhất là những thứ quan trọng”. Thói xấu đối lập với tính cao thượng (magnanimity) là tính nhỏ mọn (pusillanimity) hoặc “sự nhỏ mọn của tâm hồn”. Bạn có thể tưởng tượng về cách làm việc để đạt được sự vĩ đại trong mọi việc mình làm? Điều đó căng thẳng và khó khăn, nhưng đó lại là sự chịu đựng – chúng ta “sẵn sàng chịu khó”.
Cao thượng nghĩa là không xa cách người khác và không ngại trao tặng chính mình. Rất dễ sống xoàng xĩnh trong thời đại hiện đại ngày nay, ngại mạo hiểm và ngại vượt qua rào cản cần thiết, hoặc ngại học những bài học kinh nghiệm từ sự thất bại. Nhưng càng khó hơn khi sống trong dòng đời và tìm kiếm vẻ đẹp, sự thật và sự thiện trong những điều chúng ta nghĩ, nói và làm. Tính cao thượng là sự hào phóng trong thời đại chúng ta.
2. SỰ CỪ KHÔI
Hồi tôi còn nhỏ, “cừ khôi” là tính từ bị xói mòn thường mô tả mụ phù thủy trong truyện thần thoại. Nhưng nó thực sự đặc biệt đối với những gì chúng ta hành động với tiền bạc của mình. Một người quyết tâm làm những điều quan trọng với tài sản của mình, người đó được coi là cừ khôi. Mặc dù bạn không thực sự giàu có, điều này vẫn áp dụng cho cách bạn xài tiền, và những thứ tương tự.
Thói xấu đối lập là tính keo kiệt, bủn xỉn, hoặc hà tiện. Ebenezer Scrooge dành dụm mọi đồng tiền cuối cùng khi sống trong căn nhà đầy mạng nhện và bẩn thỉu. Chúng ta đừng coi đó là cực đoan, bạn vẫn có thể keo kiệt ngay khi bạn chỉ có ít tiền. Keo kiệt, bủn xỉn, hoặc hà tiện hoàn toàn khác với tiết kiệm. Tiết kiệm là tính tốt, người tiết kiệm vẫn sẵn sàng trao tặng người khác những thứ họ có, còn người keo kiệt lại không muốn cho ai bất cứ thứ gì – dù là thứ không đáng kể. Tính cao thượng là sự hào phóng về kho tàng.
3. SỰ KIÊN NHẪN
Kiên nhẫn tương đương việc “chịu đựng lâu dài” hoặc chấp nhận đau khổ và thử thách. Mỗi chúng ta có thể nghĩ tới những tấm gương mà chúng ta kiên trì tranh đấu với chính mình: xếp hàng dài chờ người khác – khi làm giấy tờ, đi mua hàng, đi khám bệnh, đi xưng tội,...
Ngày nào cũng có những điều khiến chúng ta cảm thấy khó chịu, nhưng đó là cơ hội để chúng ta thực tập tính kiên nhẫn. Hệ quả tích lũy sinh ra lợi ích phong phú đưa chúng ta tới gần lối sống chịu đựng. Ngược lại, tính táo bạo và trơ trẽn là hai thói xấu dẫn chúng ta tới lối sống bốc đồng và khinh suất chứ không muốn chịu đựng những điều trái ý mình.
4. SỰ BỀN CHÍ
Thánh Phaolô viết về sự bền chí, đôi khi được so sánh với tính chịu đựng, nhẫn nại: “Chúng ta tự hào khi gặp gian truân, vì biết rằng: ai gặp gian truân thì quen chịu đựng; ai quen chịu đựng thì được kể là người trung kiên; ai được công nhận là trung kiên thì có quyền trông cậy” (Rm 5:3-4).
Khi bền lòng vững chí, chúng ta kiên cường trong mọi hoàn cảnh khó khăn mà chúng ta biết sẽ dẫn chúng ta tới điều tốt lành. Một tác giả đã viết: “Tôi thường gặp trở ngại, cả bên ngoài và bên trong, đối với việc hoàn tất một cuốn sách hoặc một bài viết. Nếu tôi muốn kiên nhẫn, tôi sẽ cố gắng chịu đựng để duy trì điều tốt”.
Thói xấu đối lập với tính kiên nhẫn là tính tự phụ và nhu nhược (presumption and effeminacy). Cả hai đều thiếu mối liên quan những điều khó khăn. Chúng ta tự phụ vì cho rằng mình có thể đạt được điều gì đó mà không cần nhờ ơn Chúa, chúng ta nhu nhược vì muốn tránh né khó khăn, muốn thành công mà không vất vả, muốn ngồi mát ăn bát vàng. Tính kiên nhẫn là sự hào phóng về tài năng.
5. SỰ BAO DUNG
Bao dung đối lập với “bung dao”. Nếu bạn hiểu chờ đợi thì khổ sở thế nèo thì bạn mới có thể cố gắng phát triển lòng bao dung. Theo nghĩa đen, đó là “sự kiên trì của tâm hồn”, nó cho thấy cách chúng ta mong chờ những gì tốt lành. Hãy nghĩ về sự mang thai. Khi một phụ nữ mang thai, họ biết thai kỳ cần thiết cho việc phát triển não bộ và các cơ phận của thai nhi. Do đó, thai phụ không muốn làm tổn thương đứa con, họ kiên trì chờ đợi.
Chúng ta có thể nghĩ tới cách Đức Mẹ “vội vã” đi thăm người chị họ Êlidabet, hai người đều vui mừng chờ đợi Đấng Cứu Thế và Gioan tẩy Giả. Do đó, nếu Thiên Chúa muốn bạn chờ đợi điều gì đó tốt đẹp, hãy tin rằng Ngài sẽ hoàn tất công việc mà Ngài đã bắt đầu nơi bạn.
6. SỰ HÀNH XÁC
Cuối cùng, sự hành xác là cách chúng ta “sẵn sàng chịu đau khổ”. Qua những hy sinh nhỏ hằng ngày, chúng ta học cách từ bỏ niềm vui của chính mình vì điều khác quan trọng hơn. Về cơ bản, hành xác là hành vi của ý muốn thanh tẩy tâm hồn chúng ta để hoàn tất công việc vĩ đại mà Thiên Chúa đã hoạch định cho cuộc đời chúng ta. Chúng ta quyết tâm từ bỏ thú vui riêng để linh hồn chúng ta được mạnh mẽ. Các thú vui đó có thể chỉ đơn giản là uống cà phê, hút thuốc, xem phim, tán gẫu,… Các thú vui đó tuy nhỏ bé mà lại phức tạp!
Sự chịu đựng củng cố tâm hồn. Chịu đựng là sức mạnh. Nếu chúng ta đối mặt với các tai họa và sự tàn bạo bất ngờ trong cuộc sống, chúng ta sẽ cần sự chịu đựng. Nó sẽ đặt nền tảng cho chúng ta ở giữa sự lầm lẫn và sự hoảng sợ, làm cho chúng ta tự tin, không nao núng, bình an trước sự bách hại và sự thù hận, dẫn chúng ta tiến lên khi Chúa Giêsu hướng dẫn chúng ta, giúp chúng ta trung tín dù sống hay chết.
JEANNIE EWING
TRẦM THIÊN THU