Quy phục tình yêu

Có lẽ mọi lời mời gọi của Chúa Giêsu với chúng ta có thể gói gọn trong một từ: quy phục. Chúng ta cần quy phục tình yêu.

Nhưng vì sao quy phục lại khó khăn đến thế? Chẳng phải đó là điều tự nhiên nhất trên đời sao? Chẳng phải khát khao sâu thẳm nhất của chúng ta là tìm được tình yêu và quy phục tình yêu đó sao?

Đúng là vậy, khát khao sâu thẳm nhất của chúng ta là quy phục tình yêu, nhưng chúng ta có những kháng cự bẩm tại trong việc để cho bản thân quy phục. Có một vài ví dụ như thế này:

Ở bữa tiệc ly trong Phúc âm Thánh Gioan, khi Chúa Giêsu cố rửa chân cho ông Phêrô, Ngài đã gặp phải sự chống cự kiên quyết – “Không đời nào! Không đời nào con để cho thầy rửa chân cho con!” Nhưng oái oăm thay, có lẽ chính ông Phêrô lại mong mỏi có một thân thiết như thế với Chúa Giêsu hơn bất kỳ điều gì. Nhưng khi Chúa Giêsu muốn làm thì ông lại kháng cự.

Một ví dụ khác ở trong những đấu tranh của cố linh mục Henri Nouwen. Ngài là một trong những ngòi bút thiêng liêng nhiều thiên tư nhất của thế hệ chúng ta và được mến mộ rộng khắp. Ngài đã xuất bản hơn 50 quyển sách, một giáo sư được nhiều người theo học (với biên chế ở cả đại học Harvard và Yale), ngày nào cũng có người mời ngài đi diễn thuyết khắp thế giới, và ngài có rất nhiều bạn thân.

Nhưng giữa sự nổi tiếng và ngưỡng mộ, giữa nhiều bạn bè yêu mến, ngài lại không thể để cho mình thật sự cảm nhận tình yêu này, rằng mình được yêu hay đáng được yêu. Thay vào đó, trong suốt cuộc đời ngài, ngài đấu tranh với nỗi lo âu sâu sắc làm cho ngài nghĩ rằng mình không đáng được yêu. Có lần cảm nhận này làm cho ngài bị trầm cảm. Và suốt cuộc đời trưởng thành của ngài, dù được chung quanh bao phủ tình thương, nhưng ngài lại bị ám ảnh mình không được yêu, không xứng đáng được yêu. Hơn nữa, ngài là người vô cùng nhạy cảm, muốn quy phục tình yêu hơn bất kỳ điều gì. Điều gì đã kìm hãm ngài?

Theo lời ngài, thì ngài bị khiếm khuyết do một vết thương sâu xa mà ngài không thể gọi tên và không thể buông bỏ. Trong hầu hết cuộc đời trưởng thành của ngài, chuyện đúng là như thế. Cuối cùng, ngài cũng đã  giải phóng mình khỏi vết thương sâu xa này và quy phục tình yêu. Tuy nhiên, ngài phải trải qua một trải nghiệm cận tử đầy đau đớn mới được như vậy. Một sáng nọ khi đứng quá gần đường cao tốc ở trạm xe buýt, ngài bị kính chiếu hậu của một chiếc xe van chạy qua đụng phải và văng ra xa. Được đưa đến bệnh viện cấp cứu, ngài đã trải qua mấy tiếng đồng hồ để giành giật sự sống. Khi ở trong tình trạng này, ngài có một trải nghiệm rất sâu sắc về tình yêu mà Thiên Chúa dành cho mình. Khi hồi tỉnh và trở lại cuộc sống bình thường, ngài đã thay đổi hoàn toàn. Sau trải nghiệm tình yêu Thiên Chúa dành cho mình, cuối cùng ngài đầu hàng trước tình yêu của con người theo cách mà trước trải nghiệm cận tử đó ngài không thể làm. Mọi quyển sách ngài viết sau đó đều ghi dấu sự biến đổi này về tình yêu.

Tại sao chúng ta đấu tranh với tình yêu? Tại sao chúng ta không quy phục tình yêu dễ dàng hơn? Mỗi người có một lý do độc nhất vô nhị riêng của mình. Đôi khi, chúng ta có một tổn thương sâu xa làm chúng ta cảm thấy mình không đáng được yêu. Nhưng đôi khi sự chống cự của chúng ta không liên quan đến tổn thương cho bằng do chúng ta vô thức đấu tranh với tình yêu mà chúng ta khắc khoải kiếm tìm. Và đôi khi, cũng như ông Giacóp trong Thánh Kinh, chúng ta vô thức vật lộn với Thiên Chúa (là Tình yêu) và do đó vô thức đấu tranh với tình yêu.

Trong câu chuyện ông Giacóp vật lộn cả đêm với một người, chúng ta thấy trong cuộc giao tranh này, ông không ý thức được mình đang đánh nhau với Thiên Chúa và tình yêu. Trong đầu ông nghĩ mình đang vật nhau với một kẻ địch mà ông cần chinh phục. Cuối cùng, khi màn đêm nhường chỗ cho ánh sáng, ông thấy được mình đang vật nhau với ai, và đã làm cho ông kinh ngạc bàng hoàng. Ông nhận ra mình đã vật nhau với tình yêu. Nhận ra như thế, ông không đấu tranh nữa, mà ôm lấy người ông đã giao đấu, nài nỉ: “Tôi sẽ không để ngài đi, nếu ngài chưa chúc phúc cho tôi!”

Đây là bài học cuối cùng mà chúng ta cần học trong tình yêu: Chúng ta vật lộn vì tình yêu bằng hết tài năng, trí khôn và sức mạnh của mình. Cuối cùng, nếu may mắn, chúng ta sẽ thức tỉnh. Một ánh sáng, thường là thảm bại đến tàn phế, cho chúng ta nhìn thấy khuôn mặt thật của người mà chúng ta đang giao đấu, và chúng ta nhận ra đây không phải là điều mà chúng ta cần chinh phục, đây chính là tình yêu mà chúng ta khao khát quy phục.

Với nhiều người chúng ta, đây sẽ là sự thức tỉnh lớn lao trong đời, sự thức tỉnh trước sự thật rằng với mọi tham vọng và trù tính để chúng ta chứng tỏ cho người khác thấy mình xứng đáng và đáng được yêu như thế nào, chúng ta vô thức chiến đấu với chính tình yêu mà chúng ta vô cùng mong muốn quy phục. Và thường là như ông Giacóp trong Kinh thánh, chúng ta cần bị đánh bại, bị tàn phế thì mới nhận ra rằng điều chúng ta đang giao chiến thật ra là điều mà chúng ta muốn quy phục.

Và đây là quy phục chứ không phải từ bỏ, đây là điều mà chúng ta đem lại cho mình thay vì là nó đánh bại chúng ta.

Nguồn: phanxico.vn

bài liên quan mới nhất

Ngày 28/4: Thánh Phêrô Channe – Linh mục, tử đạo (1803-1841)

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng