Hình ảnh đầu tiên là Giuse, “một trong mười hai người con của ông Giacóp”. Là người con út của gia đình nhưng không phải là không quan trọng. Theo Đức Phanxicô, Chúa luôn có một cái nhìn trên người trẻ “ở thời mà người trẻ không được xem là quan trọng.” Giuse đã vượt tất cả các anh mình trong công việc Chúa giao phó, vì thế các anh ghen đã bán em mình làm nô lệ. Nhưng hoài công, Giuse thành người quyền lực bên cạnh vua Pharaông ở Ai Cập.
Ba vua trẻ trong Cựu Ước cũng là những tấm gương được Đức Phanxicô đưa ra. “Vua Đavít được chọn khi vua còn là một cậu bé trai”, đoạn quan trọng nhất trong đời của vua Đavít là khi ông chiến thắng người khổng lồ Gôliát. Trong khi các người khác nhiều kinh nghiệm hơn được giới thiệu, Chúa chọn Đavít vì “người phàm chỉ thấy điều mắt thấy, còn Đức Chúa thì thấy tận đáy lòng” (1 Sm 16, 7). Vua Salômôn cũng được nhắc đến vì đã xin Chúa ơn khôn ngoan.
Các tiên tri cũng có một chỗ quan trọng trong Tông huấn. Theo Đức Phanxicô, “Sa-mu-en là người trai trẻ chưa tự tin, nhưng Chúa nói với Sa-mu-en”. Câu trả lời của Sa-mu-en khi Chúa gọi ông – “Lạy Chúa, xin Chúa nói, tôi tớ Chúa nghe đây” -, đã làm cho Sa-mu-en là nhà tiên tri vĩ đại, có mặt trong các thời điểm quan trọng của đất nước ông. Ông là người đã cho người do thái vị vua Sa-un theo lệnh của Chúa. Khi vị vua này bắt đầu làm Chúa bất bình, Chúa chỉ định Đavít cho tiên tri Sa-mu-en và tiên tri đã đề cử vua Đavít.
Ví dụ của các dụ ngôn
Trong Tân Ước thì Đức Phanxicô nhắc đến các dụ ngôn Chúa Giêsu đã dùng trong suốt cuộc đời của Ngài. Dụ ngôn Người con hoang đàng, Chúa Kitô đã khen người thanh niên trẻ phạm tội đã tìm con đường ngay thẳng để trở về, trong khi người anh tưởng là trung thành nhưng lại không sống trong tình yêu và lòng thương xót.
Các hình ảnh phụ nữ cũng được Đức Phanxicô nhắc tới nhất là các cô gái thận trọng được ngài mô tả là những người cảnh giác và biết lưu ý. Qua tấm gương của họ, Đức Phanxicô xin giới trẻ“trau dồi các chuyện cao đẹp” để chuẩn bị cho một ”tương lai tràn sức sống và những điều phong phú nội tâm”.
Các thánh trên toàn thế giới
Về các thánh, Đức Phanxicô nhắc đến Thánh Phanxicô Assisi, còn rất trẻ và đầy cả giấc mơ, con gia đình quyền quý nhưng từ bỏ tất cả từ bỏ tất cả và đã nghe tiếng Chúa gọi “làm người nghèo như Chúa và sửa sang lại Giáo hội qua đời sống chứng nhân của mình”.
Các thánh nước Pháp cũng có một vị trí trong tông huấn như Thánh Têrêxa Hài đồng Giêsu, “được nuôi dưỡng bằng lời cầu nguyện của lửa tình yêu, niềm cảm hứng nuôi sống Giáo hội”. Tấm gương của Thánh Giăng Đắc dù trẻ tuổi, đã chiến đấu cho nước Pháp chống kẻ xâm lăng”.
Chân phước người Ý Pier Giorgio Frassati, chết năm 1925 là “người trẻ có niềm vui lây lan, một niềm vui vượt rất lên nhiều khó khăn của cuộc đời”. Chân phước đã tạo một nhóm bạn để cùng đồng hành trong tình bằng hữu, tâm linh và thể thao. Rất nhiều người nghèo đã có mặt trong tang lễ cho thấy công việc tông đồ của chân phước đối với người nghèo trong đời mình.
Khi nói về vấn đề truyền thông, các mạng xã hội và quảng cáo trong giới trẻ, Đức Phanxicô nhắc đến bậc đáng kính người Ý Carlo Acutis. Theo ngài, thiên tài máy tính trẻ tuổi, đã chết lúc 15 tuổi vì bệnh ung thư bạch cầu, đã “có thể dùng các kỹ thuật mới để truyền bá Tin Mừng, để truyền đạt các giá trị tốt đẹp”.
Vinh danh các thánh tử đạo
Trong các thánh tử đạo, Đức Phanxicô nhắc đến chân phước Marcel Callo, qua đời năm 1945 trong trại tập trung. Chàng trai trẻ người Pháp “trong đức tin đã an ủi các bạn cùng bị giam cầm họ phải làm các công việc lao nhọc”. Nhập ngũ năm 1943 khi Marcel Callo đã đính hôn, Marcel tiếp tục công việc công giáo tiến hành mà chân phước đã bắt đầu trước chiến tranh. Kiệt sức, chân phước chết vì đói, vì khát, vì bị đánh đập.
Trong số các thánh ngoài châu Âu, Đức Phanxicô nhắc đến Thánh Kateri Tekakwitha, người thiếu nữ trẻ của một bộ tộc ở Québec, đã chịu “bức hại vì đức tin của mình", đã đi trốn hơn ba trăm cây số trong rừng dày. Năm bốn tuổi, trong một nạn dịch bệnh, Thánh Kateri bị mất gia đình và thị lực bị suy giảm nặng nề. Theo các nhà viết tiểu sử Dòng Tên thì Thánh Kateri bị đau khổ suốt đời và qua đời trong thánh thiện năm 1680.
Cuối cùng, Đức Phanxicô nhắc đến hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, sinh năm 1928, người “đã sống giây phút hiện tại đầy tình yêu” khi bị giam cầm dưới chế độ cộng sản. Ngài là Tổng Giám mục giáo phận Sàigòn, bị cộng sản giam cầm mười ba năm, sau đó ngài qua Rôma và không thể về lại Việt Nam. Ngài được Đức Gioan-Phaolô II phong hồng y năm 2001 và làm chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng “Công lý và Hòa bình”, ngài qua đời năm 2002.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
(phanxico.vn 04.04.2019)