Phương pháp dạy Giáo lý XT-RL: Chương 10 - Sống Lời Chúa

CHƯƠNG X
SỐNG LỜI CHÚA
 
I. Gặp Chúa, tin Chúa, nghe lời Chúa, dẫn tới việc thay đổi cách sống.
       
        1. Trường hợp ông Da-kêu   ( Lc 19, 1-10 ). 
Ông Da-kêu là một người thu thuế giầu có. Người Do Thái xem ông cũng như những người thu thuế khác là những người tội lỗi. Sau  khi Chúa Giêsu gặp ông, ông tuyên bố “Thưa Ngài, này đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo và nếu tôi đã cưỡng đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn”  (Lc 19, 8 ).
 
        2. Trường hợp Thánh Phanxicô Xaviê :
Phanxicô Xaviê là một giáo sư đại học, đam mê danh vọng. Nhưng với Lời Chúa do người bạn là Thánh Ignatiô luôn nhắc nhở : “ Được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn nào được ích gì”  (Lc 9, 25 ),  thánh nhân đã đổi đời : từ bỏ tất cả, gia nhập dòng Tên của Thánh Ignatinô và đã trở thành một người truyền giáo nổi tiếng ở Á Châu, Quan Thầy của các xứ truyền giáo.
 
II. Khi rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu  luôn mời gọi người nghe sống điều Người dậy.
 
        1. Sau mỗi bài giảng, dụ ngôn là lời mời gọi áp dụng thực hành :

  • Sau dụ ngôn người Samaritanô nhân hậu : “ Hãy đi và làm như vậy”  ( Lc 10, 37 ). 

  • Với chàng thanh niên đến hỏi “ Tôi phải làm gì để được sống” Chúa Giêsu nói : “ Hãy bán những gì ngươi có và đến đây theo Ta”  (Mc 10, 21 ). 

       
        2. Chúa Giêsu kêu gọi dân chúng sống lời Người dậy.
-      - Sau bài giảng trên núi, Chúa Giêsu nói : “ Không phải bất cứ ai thưa với Thầy : Lạy Chúa ! lậy Chúa ! là được vào Nước Trời. Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của cha Thầy … mới được vào mà thôi   ( Mt 7, 21 ). 
-      “ Vậy ai nghe những Lời Thầy nói đây mà đem ra thực hành thì ví được như người khôn xây nhà trên đá”  ( Mt 7, 24 ). 
 
III. Giáo lý phải dẫn đến việc sống Lời Chúa.
       
        1. Giáo lý viên đề ra cho các em học sinh một quyết tâm để sống trong tuần dựa vào bài học Giáo lý.
Nguồn mạch chính của Giáo lý là Lời Chúa. Vì thế, một tiết dậy Giáo lý phải dẫn đến việc thực hành Lời Chúa dậy.
Sau khi các em học sinh đã nghe Lời Chúa, hiểu Lời Chúa qua phần giải thích Lời Chúa và gặp gỡ Chúa trong phần cầu nguyện, Giáo lý viên rút ra một quyết tâm để các em sống.
       
        2. Quyết tâm phải  phù hợp với Lời Chúa và nội dung bài Giáo lý :
Từ nội dung bài Giáo lý, Giáo lý viên rút ra một quyết tâm sống, nghĩa là quyết tâm sống phải phù hợp với nội dung bài Giáo lý.
 
        3. Quyết tâm sống phải cụ thể, phù hợp với hoàn cảnh sống của các em.
Từ một bài Giáo lý, chúng ta có thể rút ra được nhiều điều thực hành. Chúng ta chỉ nên chọn một điều phù hợp với hoàn cảnh sống, tình trạng, cách sống của các em. Chúng ta xem các em hay có những sai lỗi nào, thiếu sót nào, điều gì các em có thể thực hành được, để đưa một quyết tâm sống cụ thể. Chúng ta đừng bao giờ đưa ra một quyết tâm mà các em không thể làm được, chẳng hạn mỗi tuần các em hãy giúp người nghèo một trăm ngàn đồng hay mỗi tuần các em hãy đi lễ 7 ngày trong khi các em ở xa nhà thờ trên chục  cây số …
 
        4. Giáo lý viên giúp các em xét lại việc sống Lời Chúa.
a.   Nhắc nhở sống điều quyết tâm : Vào cuối giờ Giáo lý trong lời cầu nguyện kết thúc, Giáo lý viên nhắc nhở điều đã quyết tâm qua lời nguyện xin Chúa giúp các em thực hành điều quyết tâm.
b.   Xét lại việc sống điều quyết tâm : Vào giờ học Giáo lý tuần tới, Giáo lý viên hãy giúp các em xét lại việc sống quyết tâm này như thế nào, trước khi đưa ra một quyết tâm mới.
 
BÀI TẬP
       Chọn một bài Giáo lý và rút ra một điều quyết tâm sống phù hợp.

bài liên quan mới nhất

Cử hành Thánh Thể: Bài 47 - Ca hiệp lễ và bài ca sau hiệp lễ

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng