Phán xét cái nào hơn?

Những ngày qua, trong và ngoài nước tận mắt chứng kiến cảnh khúc ruột Miền Trung (Việt Nam) đang phải gồng mình đương đầu với các thảm họa do thiên tai gây ra. Sức gió mạnh của các cơn bão lần lượt ập tới, kèm theo thể tích mưa lớn kéo dài, gây ngập lụt và sạt lở đất nghiêm trọng khiến bao nhiêu người phải chết một cách đau thương, và của cải hoa màu bị nhấn chìm trong biển lũ một cách chua xót. Người mất cha, mất mẹ, mất đi những người thân quen. Những tiếng khóc, tiếng than kèm theo tiếng trách thiên nhiên tạo nên khung cảnh ảm đạm, u sầu và đau thương hơn bao giờ hết.

Nhìn những cảnh đau thương vậy, đã là con người ai cũng động lòng xót thương và trắc ẩn. Thật vậy! Nỗi đau ấy đã phần nào được san sẻ, khi người người, nhà nhà, lần lượt đổ về khúc ruột miền Trung, để xoa dịu đi nỗi đau thực tại, đồng cảm với sự mất mát và chia cơm sẻ bánh với các gia cảnh nghèo đói khó khăn, như một nghĩa cử cao đẹp “Lá lành đùm lá rách” mà cha ông ta để lại, tuy không cùng họ hàng nhưng cùng dòng máu Lạc Hồng, không phân biệt giàu nghèo vì cùng một phẩm giá con người,  không cùng tôn giáo nhưng là con người chung sống trong một quả đất đã được tạo dựng một cách tài tình và công bằng.

Tuy nhiên, đứng trước những sự mất mát trên. Không ít người đánh mất lương tâm, căn tính của mình mà trục lợi một cách bất chính trên mồ hôi, nước mắt và xương máu của những người dân nghèo nơi đây, bằng cách tăng giá các mặt hàng kinh doanh, tăng phí cao trên các chuyến xe hàng từ thiện, hay thu phần trăm trên các món quà để cắt xén vén lợi cho bản thân. Thậm chí, có người còn ngồi lê, mách lẻo, phán xét như những vị quan tòa bằng những lời nói thâm độc, hay những bài viết ẩn ý nham hiểm gây hiểu nhầm và chia rẽ nhau.

Buồn! Đáng buồn thay khi “văn hóa phán xét” lên ngôi. Người ta chỉ thích là những ông quan tòa lớn hay những vị vua con đầy quyền lực mà áp đặt tư tưởng lên người khác một cách tàn nhẫn, chua xót và vô lương tâm. Có lẽ, đây là khoảng thời gian để mỗi người chúng ta bình tâm suy nghĩ về cung cách sống của chính mình trong cách suy nghĩ, lời ăn tiếng nói, để sống sao cho đúng là một con người biết yêu thương, đồng cảm và sẻ chia, chứ không phải là một ông vua hay một vị quan tòa chỉ biết ngồi mà “phán xét”.

Giữa một xã hội đang trên đà phát triển mọi phương diện, các thành tựu khoa học - kĩ thuật giúp cho đời sống con người ngày được nâng cao, nhưng sự phát triển tốc độ vũ bão đó đã kéo con người vào lối sống tự do, buông thả và đi ngược lại với các giá trị tiêu chuẩn của đạo đức. Sự thờ ơ, vô cảm và thực dụng đang là khuôn mẫu mà nhiều người chọn lựa, khi chỉ biết tìm kiếm các lợi nhuận cho cá nhân mà không quan tâm đến lợi ích cộng đồng, để lại bao hậu quả và tàn dư cho biết bao người. Nguy hiểm hơn đó là lối “phán xét” đang âm thầm hủy hoại đi danh dự, nhân phẩm thậm chí là tính mạng của biết bao nhiêu người.

Thật vậy, phán xét là động từ xem xét, đánh giá và đưa ra một quyết định nào đó nhằm lên án tố cáo hay kết luận một sự vật, sự việc hoặc một chủ thể. Nó có thể xảy ra hai trường hợp tốt và xấu nếu chúng ta biết phán xét một cách hài hòa giữa lý trí và con tim dựa trên các quy tắc chuẩn mực của xã hội quy ước. Gần đây nhất, khi chúng ta thấy được sức mạnh của “phán xét” xoay quanh chủ đề giúp đỡ người dân trong mùa mưa lũ. Đã có những lời ngợi khen, ca ngợi và mến thương đối với những tấm lòng vàng cao cả, nhưng cũng không ít những lời khiển trách, soi mói và để nhờ đó trục lợi cho cá nhân một cách bất chính.

Robert Southey, một nhà thơ người Anh đã nói: “Những người vội vã phán xét dựa trên bề ngoài hiếm khi thấy được bản chất sự việc.” Thật vậy! Đôi khi chúng ta quá vội vàng và nôn nóng khi lên án và đặt cho họ những nhãn mác không đúng với bản chất của sự việc, làm gia tăng sự hoài nghi và chất vấn gây ra hiểu nhầm. Ít khi chúng ta đặt mình vào hoàn cảnh của chính họ để hiểu rõ hơn về bản chất sự việc, rồi từ đó phán xét sau cũng chưa muộn. Những ngày qua, báo chí và các trang mạng đã không ngừng đưa tin về những cuộc từ thiện, khi đề cập đến “cơn lũ” tình thương hướng về khúc ruột miền Trung, làm cho chúng ta cảm nhận được tình người, tình làng nghĩa xóm và tình yêu quê hương đất nước. Bên cạnh đó cũng có những thông tin tương phản khi lên án người này quyên góp quá ít, giá trị các phần quà chưa lớn hay việc từ thiện chưa đúng quy trình.

Phải chăng yêu thương cũng cần phải được cân đo, đong đếm hay so sánh? Thật khó hiểu, khi có quá nhiều người phán xét về điều này. Yêu thương đó là sự rung cảm trước những nỗi đau mất mát thực tại, được họ cảm nhận từ tiếng nói của lương tâm thể hiện qua các hành động cụ thể nhất. Vậy, xin hãy ngừng thói phán xét khi chúng ta chưa thể hiểu hết được bản chất. Có ý kiến nói rằng “Tại sao lại cho mì tôm, gạo, bánh…nhiều như vậy? Sao không cho tiền hay các vật dụng khác?” Bây giờ anh đói tôi cho anh con cá để anh ăn lấy lại sức, hay cần câu để anh kiếm cá (trong lúc anh không có sức thì làm gì câu được)? Vậy, tại sao phải phán xét tình thương một cách nghiệt ngã đến vậy?

Trong khi đó, tại sao lại không tìm hiểu những nguyên nhân gây đến các hậu quả đau lòng như hiện tại và lên án nó? Chúng có biết, hiệu ứng nhà kính làm thủng các tầng lớp “ozon”, khiến đất đai khô cằn và nhiệt độ thay đổi bất thường. Thứ đến phải kể đến quá trình công nghiệp hóa, với tốc độ phát triển vượt bậc nhưng không an toàn, tìm kiếm các lợi ích một cách dễ dàng và nhanh chóng mà không mang tính bền vững lâu dài, khi nhiều nhà máy thải và phun trào các chất và khí thải chưa qua xử lý ra môi trường. Cuối cùng, các tài nguyên và rừng bị tàn phá một cách trầm trọng, làm tàn dư lượng khí CO2 là nguyên nhân chính yếu việc trái đất nóng lên, kéo vào hạn hán, lũ lụt, xói mòn và thiếu nguồn nước sạch để cung ứng cho đời sống thường ngày.

Vậy đó là “thiên tai” hay “nhân tai”? Đó cũng là nguyên nhân, dẫn đến sự kêu gào của thiên nhiên khi chúng ta ra sức bóc lột, tàn phá môi sinh, môi trường cách thái quá, để thỏa mãn lòng tham lam, ích kỷ. Thật vậy! Vĩ nhân Ấn độ Mahatma Gandhi nói: “Trái đất có thể đáp ứng mọi nhu cầu của con người, nhưng không thể đáp ứng được lòng tham của mỗi con người”. Câu danh ngôn, khiến lương tâm của mỗi chúng ta phải ngượng ngùng và tự nhìn lại chính bản thân rằng mà tự hỏi: Liệu chúng ta có quá tàn nhẫn với người chị thiên nhiên không? Thật vậy chúng ta đã lấy đi cách miễn phí những gì là tinh hóa quý báu mà tạo hóa ban tặng, trong khi lại thờ ơ thơ và vô trách nhiệm trước những vết thương đang rướm máu cần người băng bó và săn sóc. Tạo hóa ban tặng cho chúng ta đôi tai và hai con mắt để lắng nghe và thấu hiểu chứ không phải để trưng bày, nhờ đó để có những việc làm thiết thực hơn.

Thật là điều đáng buồn, khi số liệu hằng năm minh chứng cho chúng ta thấy rõ được hậu quả mà thiên tai ập đến: “Tính chung bốn tháng đầu năm 2020, thiên tai làm 12 người chết, 21 người bị thương; 68,8 nghìn ha lúa và hơn 16,2 nghìn ha hoa màu bị hư hỏng; 39 ngôi nhà bị sập đổ; hơn 28,3 nghìn ngôi nhà bị hư hỏng. Tổng giá trị thiệt hại trong bốn tháng đầu năm 2020, về tài sản ước tính hơn 2,5 nghìn tỷ đồng; con số này gấp 12 lần so với cùng kỳ năm 2017, gấp 7 lần so với cùng kỳ năm 2018 và gấp 13 lần so với cùng kỳ năm 2019.” (Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường). Mới đây nhất, lũ lụt tại miền Trung đã cướp đi 111 người chết, 22 người mất tích do mưa lũ ở miền Trung và Tây Nguyên, gần 125.000 ngôi nhà bị ngập, 7.500 ha lúa hoa màu ngập úng và hư hại, hơn 690.000 gia súc gia cầm bị cuốn trôi (Theo TTXVN, cập nhật ngày 21/10/2020). Những con số nói lên, sự nóng giận của người chị thiên nhiên trước thái độ và trách nhiệm của chúng ta trong việc duy trì cân bằng hệ sinh thái một cách bổ trợ lẫn nhau.

Vậy cái nào đáng lên án hơn? Thiết nghĩ, đây vấn đề cấp bách cần được mọi người quan tâm và lên án nhất, để đưa ra các biện pháp nhằm giảm các hậu quả mà thiên tai gây ra. Cuối cùng, giữa những khung cảnh tang thương mà miền Trung đang phải gánh chịu, hãy làm ơn ngừng thói ngồi lê mách lẻo, nói hành nói xấu nhau và đừng biến hình ảnh tình thương thành những chủ đề để cân đo, đong đếm. Thay vào đó là sự rung cảm, sẻ chia và yêu thương nhau trong một thế giới quá nhiều tai ương. Đặc biệt hơn, chúng ta hãy thức tỉnh lương tri để nhận ra rằng mọi hậu quả ắt đều có nguyên nhân, điển hình là sự tàn phá môi sinh một cách tàn nhẫn khiến quả đất đang dần biến dạng, bởi sự thờ ơ, ích kỷ và lòng tham của mỗi chúng ta. Nhờ đó như là hồi chuông nhắc nhở mỗi chúng ta hãy ý thức hơn trong việc bảo vệ hệ sinh thái. 

bài liên quan mới nhất

Ngày 20/4: Thánh Anê Môntepuxiano (1268-1317)

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng