Nhập Thể – Khởi đầu của một “kết thúc”

Thánh Gioan đã xác quyết “Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4,16). Đó là một đúc kết chính xác, rõ ràng, và tóm gọn cả lịch sử cứu độ mà Thiên Chúa đã thực hiện ngang qua lịch sử nhân loại chúng ta.  Quả thế, lịch sử cứu độ không gì khác là lịch sử của tình yêu trung tín mà Thiên Chúa dành cho con người và đỉnh cao là việc Thiên Chúa đã dùng chính Con Một yêu dấu làm tặng phẩm của ơn cứu độ. Biến cố Nhập Thể của Con Thiên Chúa là một biến cố vĩ đại, lạ lùng, không thể có một trí óc phàm nhân nào hình dung ra hay có thể hiểu thấu được. Chỉ có thể dùng hai chữ tình yêu để hình dung, để phần nào giải thích và cảm nếm ân ban diệu vợi của biến cố lạ lùng này.

Khởi đi từ công trình tạo dựng mà đỉnh cao là việc tạo dựng con người “theo hình ảnh Thiên Chúa[1]” với phẩm giá cao cả và quà tặng của sự tự do, Thiên Chúa đã đặt con người làm chủ công trình mà Ngài đã tạo dựng nên:

“Chúa cho con người chẳng thua kém thần linh là mấy, ban vinh quang danh dự làm mũ triều thiên, cho làm chủ công trình tay Chúa sáng tạo, đặt muôn loài muôn sự dưới chân.” (Tv 8,6-7).

Tuy nhiên, con người đã lạm dụng tự do của mình mà chọn một lối đi dẫn đến sự chết. Con người đã phản bội Thiên Chúa và tự tách mình xa lìa Đấng là nguồn mạch sự hiện hữu của mình. Do đó, “tội lỗi đã nhập vào thế gian[2]” và “lương bổng mà tội lỗi trả cho người ta, là cái chết.[3]

Trước sự bội phản và bất trung của con người, Thiên Chúa vẫn yêu thương và vẫn tìm cách đưa con người quay trở về bên Ngài. Thiên Chúa đã khởi xướng một công trình cứu độ toàn thể nhân loại nhằm khôi phục tình trạng tinh tuyền nguyên thủy mà con người đã đánh mất khi phạm tội, cũng như đưa toàn thể vũ trụ vạn vật về cùng đích của nó.

Và, Thiên Chúa đã nghiêng mình xuống để can thiệp vào lịch sử nhân loại qua lịch sử của một dân tộc mà Ngài đã tuyển chọn cách tự do và bởi tình yêu – một dòng dõi phát xuất từ tổ phụ Abraham. Ngài đã ký kết với họ những Giao Ứớc yêu thương nhằm dẫn dắt họ luôn bước đi trong tình yêu và sự chăm sóc của Ngài. Qua lịch sử của dân Do Thái, Thiên Chúa đã đồng hành để hướng dẫn bằng “nhiều cách qua các ngôn sứ”, các tiên tri, các thủ lãnh… Cuối cùng, vì tình yêu tuyệt đối trung tín dành cho con người mà Ngài đã dựng nên, Thiên Chúa đã ban chính Con Một rất yêu dấu để nói “một lần cho tất cả”: “nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy qua Thánh Tử[4]” về tình yêu của Ngài. Đó là một sự biểu lộ hoàn toàn về chính Ngài. Và, quả thực Thiên Chúa đã đi quá xa, hay nói đúng hơn, Thiên Chúa không thể đi xa hơn nữa trong việc biểu lộ chính Ngài và tình yêu của Ngài cho nhân loại.

sThiên Chúa đã tặng ban Con Một yêu dấu bằng cách để Ngôi Lời Nhập Thể làm người. “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1,14). Biến cố này không thể nào đọc thấu và hiểu được nếu không dùng đôi mắt của tình yêu. Tình yêu có lẽ là lý do duy nhất có thể biện minh cho sự tồn tại của một biến cố cao cả như thế. Bởi lẽ, chúng ta làm sao có thể hình dung nổi về một biến cố mà Đấng là Con Thiên Chúa, là Ngôi Lời, là nguyên ủy tác sinh nên tất cả vũ trụ vạn vật, là Đấng mà “không có Người thì chẳng có gì được tác thành[5]” nay lại chấp nhận vâng lời hạ mình “trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế” (Pl 2,6-8). Từ một Đấng tạo nên tất cả từ hư không, ôm ấp tất cả, một Đấng mà “không có gì chứa nổi” nay lại trở thành con của một người trinh nữ, được sinh ra trong cảnh nghèo hèn, trở nên một chấm li ti không đáng gì (xét về mặt thể lý) trong cái thế giới mà Ngài đã tạo nên. Một Đấng sang trọng vô cùng, luôn trong trạng thái viên mãn, mà nay cũng cần được chăm sóc, nuôi nấng; cũng cần học hỏi, trải nghiệm; cũng cần được đáp ứng các nhu cầu ăn, uống, ngủ, nghỉ; cũng cảm nhận sự vui, buồn, sướng, khổ… Một Đấng toàn năng và siêu vượt trên mọi suy tưởng nhưng giờ đây lại chấp nhận sự hữu hạn của kiếp người mà nói như cha Laurensô Bùi Công Huy thì Đấng ấy lúc này “đánh thì đau, chửi thì nhục, và giết thì chết.”

Làm sao có thể như thế được? Con người chúng ta không thể trả lời khi chiêm ngắm một sự kiện như thế. Chúng ta chỉ có thể hỏi chính Đấng đã đưa ra sáng kiến nhiệm lạ kia: ‘Làm sao Đấng cao cả như Ngài, lạy Chúa, lại trở nên một trong chúng con? Làm sao một Thiên Chúa toàn năng và không chút bợn nhơ như Ngài, lạy Chúa, lại hòa mình trong thế giới của những con người tội lỗi? Ôi, sự cao cả của Ngài lại luôn đi kèm với một Tình Yêu đến điên dại được sao? Sự tinh tuyền hơn cả sương mai lại hòa quyện được với “bụi đường” đã bao phen bị chà đạp trong cõi bùn nhơ được sao? Tại sao Ngài vẫn cứ đến và vẫn mãi chẳng ngừng đổ rót tình yêu và ân sủng của Ngài cho chúng con, những kẻ mà Ngài quá biết nó như thế nào và sẽ ra sao? Phải chăng vì tình yêu?’[6]

Đúng vậy! Tất cả chỉ có thể hiểu được và lý giải được bằng tình yêu mà thôi. Tình yêu muốn biểu lộ chính mình cho con người, hầu giúp họ nhận ra Thiên Chúa là ai, vì “không ai đã thấy Thiên Chúa….” (x. Ga 1,18). Để rồi, nhờ việc nhận biết Thiên Chúa qua Đức Kitô Giêsu, con người cũng nhận ra sự thật về chính mình, nhận biết cội nguồn lý do hiện hữu và cùng đích của đời mình. Nhờ đó, con người biết đáp trả tình yêu của Thiên Chúa để hàn gắn mối tương quan với Ngài, với vạn vật và với chính mình đã bị phá vỡ trước đó vì tội lỗi. Con Thiên Chúa Nhập Thể làm người trở thành mối dây nối kết, trung gian hòa giải giữa Thiên Chúa và con người, giữa con người với nhau, và giữa con người với vũ trụ vạn vật.

Con Thiên Chúa Nhập Thể làm người để hoàn tất chương trình cứu độ. Một cách nào đó có thể nói, Ngài Nhập Thể để bắt đầu cho một sứ vụ mà Ngài sẽ hoàn tất nơi cái chết trên Thập Giá. Ngài mang lấy thân xác phải chết của chúng ta, để chết như một con người và để nhờ bước qua sự chết, Ngài phục sinh thân xác chúng ta và biến đổi nó để nó được chung phần sự sống vĩnh cửu của Thiên Chúa. Nói cách khác, Con Thiên Chúa Nhập Thể làm người để khởi đầu một kết thúc, một kết thúc mà ở đó Ngài trở thành thủ lãnh “quy hồi vạn vật về cho Thiên Chúa” (x. Ep 1,9-10).

Sương Thiên Linh

Mùa Vọng 2018

[1] X. St 1,26.

[2] X. Rm 5,12.

[3] X. Rm 6,23.

[4] X. Dt 12,1-4.

[5] X. Ga 1,1-3.

[6] Diễn ý từ nhạc phẩm “Hương Nguyện Tình Yêu” của Linh mục nhạc sĩ Ân Đức. (Người viết)

bài liên quan mới nhất

Ngày 13/5: Đức Mẹ hiện ra tại Fatima

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng