Người trẻ hôm nay: Ơn gọi và sự phân định

“Này người thanh niên, tôi bảo anh: Hãy trỗi dậy!” (Lc 7, 14) là chủ đề được Đức Thánh Cha Phanxicô gợi lên, giúp người trẻ sống trọn vẹn một năm (năm 2020). Chủ đề này thật hữu ích vì nội dung chủ đề là nền tảng của Lời Chúa, giúp người trẻ dễ dàng đón nhận và trở thành kim chỉ nam cho đời sống đức tin, nhất là khi niềm tin của người trẻ gặp thử thách. Nhờ niềm xác tín này, họ mạnh mẽ đứng lên và ra khỏi những gì đã và đang cản bước họ tiến tới những ước mơ, chạm đến những hoài bão và đạt được mục đích mà họ đã đặc ra. Trong ý hướng này, Đức Giáo Hoàng Phanxicô mời gọi người trẻ trước tiên cần xác định cho đúng ơn gọi của mình, phân định và chọn lựa cho phù hợp để có thể dấn thân hết mình. Chính khi hiểu được ý nghĩa của một cuộc sống có định hướng, người trẻ mới có thể dấn thân cách nhiệt huyết cho Giáo Hội và xã hội mà không sợ bị lạc lối. Trên hành trình dấn thân vì lý tưởng, người trẻ cũng được mời gọi trở nên những nhân tố có khả năng truyền cảm hứng cho người khác bằng tinh thần của Đức Kitô phục sinh.

Cùng với sự chăm sóc tận tình và những bước đồng hành gần gũi của Giáo Hội, hy vọng lời mời gọi “Hãy trỗi dậy” như ngọn lửa mới đốt lên trong trái tim người trẻ nhiệt huyết Tông đồ, để họ tự tin thắp lên “Ngọn lửa Phục Sinh” giữa môi trường sống và trở nên những người tiên phong mở đường, làm chứng nhân cho Đức Kitô Phục Sinh bằng niềm xác tín sâu xa của mình. Nhờ đó, người trẻ sẵn sàng nói lên tiếng nói của mình với thế giới rằng: Lời mời gọi “Hãy trỗi dậy” mang ý nghĩa Phục Sinh mới thật đem lại sức sống và niềm hạnh phúc đích thực cho người trẻ trên hành trình sống hôm nay.

Tông huấn “Đức Kitô đang sống” với hai chương 8 và 9 là một định hướng cho việc đồng hành và phân định ơn gọi với nội dung dễ hiểu và phù hợp với tinh thần Tin Mừng dành cho mọi người nói chung và cho người trẻ nói riêng, bằng những hướng dẫn ngắn gọn, súc tích và rõ ràng nhưng không kém phần bén nhạy với thực trạng và những biến động mà người trẻ đang phải đối diện. Tông huấn cũng mang lại cho người trẻ những thông điệp lớn, giúp người trẻ cảm nhận sâu xa sự nâng đỡ và sẻ chia khi họ đang nằm trong dòng chảy của xã hội hôm nay. Như một cuộc đột phá mới, Tông huấn tìm ra những nguyên nhân sâu xa, giúp người trẻ phản tỉnh và can đảm lội ngược dòng để minh chứng giá trị Tin Mừng qua sự hiện diện của Đức Kitô cách sống động ngay giữa dòng chảy như đang muốn cuốn trôi những giá trị căn bản trong đời sống đức tin hôm nay.

Vì vậy, sứ vụ đồng hành với người trẻ luôn là chiều kích mục vụ cần thiết và cấp thiết, bởi chiều kích quan trọng này là một đóng góp không nhỏ trong việc củng cố và xây dựng nên nền tảng vững chắc cho Giáo Hội và xã hội trong tương lai bằng những phiến đá tâm hồn đầy nhiệt huyết Tông đồ.

Tông huấn “Đức Kitô đang sống” với chủ đề “Ơn gọi và sự phân định” được tóm gọn trong chương 8 và chương 9, mở ra một định hướng chung cho mọi người, cách riêng cho người trẻ trước những loay hoay và nghi ngại. Tông huấn này cũng dành cho những ai đang thi hành sứ vụ lãnh đạo dân Chúa, quan tâm đến ơn gọi và việc đồng hành, giúp thăng tiến người trẻ. Nhờ những hướng dẫn cụ thể, rõ ràng và xác tín của Tông huấn, Giáo Hội được thống nhất trong cùng một đường hướng mục vụ phù hợp với tinh thần của Tin Mừng dành cho người trẻ hôm nay.

I. ƠN GỌI CỦA NGƯỜI TRẺ - CỤ THỂ, SỐNG ĐỘNG VÀ HIỆN HỮU

1. Lời mời gọi làm vinh danh Thiên Chúa

Trong tình yêu mà Thiên Chúa dành cho con người và trong kế hoạch đầy yêu thương của Ngài, mỗi người đều có một vị trí rất riêng[1]. Chúa mời gọi từng người và đặc biệt là người trẻ làm sao để nhận ra sự độc đáo trong ơn gọi này nơi cuộc sống hiện tại của họ. Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng: ơn gọi mà Thiên Chúa dành cho người trẻ được cụ thể bằng một tiếng gọi, tiếng gọi này phải là một tiếng gọi cụ thể, sống động và đầy hiện hữu như chính hình ảnh của Đức Giêsu, Con Thiên Chúa Nhập Thể làm người và ở giữa nhân loại. Chỉ khi người trẻ nhận ra sự hiện diện cách sống động của Ngôi Lời Nhập Thể, cảm nhận sự gần gũi thân tình của Đức Kitô trong cuộc sống và sẵn sàng chia sẻ với Ngài những gánh nặng thập giá trong cuộc đời, người trẻ mới hình dung cách mà họ cần đáp trả tiếng gọi của Chúa dành cho họ cụ thể và sống động thế nào.

Tông huấn “Đức Kitô đang sống” số 249 nói rằng: khi người trẻ sẵn sàng đáp lại tiếng Chúa gọi cũng chính là lúc họ sẵn sàng mở ra một mối tương quan với Đức Giêsu và sẵn sàng bước vào một tiến trình đạo luyện chính mình cho phù hợp với mối tương quan ấy.

Đức Thánh Cha gọi đây là con đường nên thánh, nên thánh trong ý thức nỗ lực hoàn thiện mình. Ý thức trở nên giống Chúa từng ngày trong những nỗ lực của bản thân là một trong những cách thế để người trẻ làm vinh danh Chúa. Tất nhiên, trên con đường này, người trẻ cần đến ơn Chúa và sự mạo hiểm của bản thân, bất chấp mọi rủi ro.

Vì biết rằng con đường nên thánh của người trẻ không dễ dàng, họ luôn cần ơn Chúa và những nỗ lực không ngừng của bản thân, nên Đức Thánh Cha mời gọi người trẻ hãy đan kết cuộc đời mình với cuộc đời của Đức Giêsu bằng con đường phục vụ[2]. Nhờ việc phục vụ tha nhân, người trẻ đem lại niềm vui Tin Mừng đến cho những người họ có dịp gặp gỡ. Qua những công việc mà người trẻ dấn thân phục vụ, họ có dịp thể hiện hình ảnh của Đức Giêsu trong cung cách phục vụ, trong sự nhiệt huyết chu toàn trách nhiệm và trong sự xả thân giúp đỡ người khác. Những nghĩa cử ấy như là cách mà hình ảnh Đức Giêsu được giới thiệu đến với mọi người qua từng người trẻ. Trong Tông huấn “Đức Kitô đang sống”, Đức Thánh Cha muốn giới thiệu con đường phục này như là cách thế giúp người trẻ sống và làm vinh danh Chúa.

“Giờ đây, cha muốn nói đến ơn gọi hiểu theo nghĩa đen là một lời mời gọi thi hành sứ vụ phục vụ tha nhân. Chúng ta được kêu gọi tham dự vào công trình tạo dựng của Ngài bằng cách góp phần xây dựng thiện ích chung với những khả năng chúng ta đã nhận được”[3].

Đây quả là một thách thức lớn mà không phải tất cả người trẻ đều có thể đạt tới. Quả vậy, con đường phục vụ là con đường mà Đức Kitô đã đi qua, con đường ấy vẫn còn hiện diện và sống động giữa trần thế hôm nay qua Giáo Hội, qua các bí tích và qua những nghĩa cử bác ái, những xả thân vô vị lợi mà con người thực hiện nhằm làm vinh danh Chúa trong đời sống hằng ngày. “Con Người đến không phải để được phục vụ nhưng là để phục vụ và hiến mạng sống là giá chuộc cho nhiều người.” (Mc 10,45). Để thể hiện chiều kích này, người trẻ trước tiên cần tự tin vào chính mình và đặt niềm tin ấy vào trong kế hoạch của Đức Kitô Phục sinh, vì Ngài luôn là động lực lớn nhất cho người trẻ sống tinh thần “trỗi dậy”, vươn lên đạt đến mục đích của mình.

Chính vì tuổi trẻ đại diện cho một tầng lớp người có tiềm năng, nhiều người trong số họ luôn nuôi dưỡng những khao khát và ước mơ để có cơ hội cống hiến hết khả năng của mình, mang lại cho xã hội và Giáo Hội một tương lai tươi sáng hơn. Thế nên, Đức Thánh Cha luôn đặt nơi người trẻ hôm nay một niềm hy vọng, để trên hành trình chinh phục khó khăn tiến đến mục đích, họ quảng đại cống hiến tài lực của mình vì lợi ích chung. Ngài mong muốn người trẻ hiểu rằng: khi họ ý thức làm vinh danh Chúa qua việc phục vụ tha nhân bằng những khả năng Chúa ban, cũng chính là lúc mà họ đang được tham dự vào chương trình tạo dựng của Thiên Chúa[4].

Như thế, bất cứ khi nào người trẻ ý thức làm việc với ý hướng sâu xa này, thì những cống hiến của họ với mục đích mang lại lợi ích chung không chỉ đơn thuần là một công việc tốt mà nó trở nên một của lễ sống động dâng lên Chúa. Khi được tham dự vào công trình tạo dựng của Thiên Chúa và trở nên của lễ, chính là lúc người trẻ tự mình khắc họa lại cách sống động cuộc đời của Đức Giêsu - Ngôi Hai Nhập Thể làm người. Đây là một trong những ý nghĩa sâu xa của công việc mà có thể người trẻ chưa từng nghĩ đến. Đây cũng chính là con đường giúp người trẻ làm vinh danh Chúa và cũng là con đường nên thánh mà Đức Thánh Cha đã đề cập trong Tông huấn “Đức Kitô đang sống”. “...Và cha muốn nhắc lại lời mời gọi nên thánh theo một phương cách thực tiễn cho thời đại chúng ta, một thời đại chất chứa nhiều rủi ro, thách đố và cơ hội”[5].

Để có thể bước trên hành trình này, Đức Thánh Cha mời gọi người trẻ đừng ngần ngại mở ra một mối tương quan gần gũi và thân tình với Đức Giêsu, nhận ra sự hiện diện và đồng hành của Ngài luôn bên mình để được soi sáng, được cảm thông chia sẻ và được trợ lực mọi nơi mọi lúc, nhất là trong những lúc họ gặp thử thách, họ nghe được tiếng Chúa như một lời trấn an, cảnh tỉnh giữa những sóng gió ấy. “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!” (Mc 6, 50). Vậy, mối tương quan nào Đức Thánh Cha muốn mời gọi người trẻ thiết lập với Đức Giêsu?

2. Lời mời gọi kết bạn với Đức Giêsu

Ắt hẳn ai trong chúng ta cũng nhận ra nơi tình bạn một giá trị nhất định và bất cứ ai cũng đã từng trải qua những cung bậc cảm xúc khác nhau trong tình bạn, đều cảm nhận rằng: sự chân thành và thân tình luôn là những yếu tố đặc trưng để tạo nên một tình bạn lý tưởng. Đức Giêsu đã không ngần ngại mời gọi người trẻ mở ra mối tương quan thân tình với Ngài bằng tình bạn để họ cảm nghiệm trọn vẹn hơn sự gần gũi mà Ngài muốn dành cho họ như cách Chúa Giêsu khiêm tốn ngỏ lời với các môn đệ. “Thầy không còn gọi các con là tôi tớ, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Thầy gọi các con là bạn hữu...” (Ga 15,15).

Có lẽ hơn ai hết, Đức Thánh Cha đã sống mối tương quan tình bạn với Đức Giêsu và cảm nhận sâu xa mối thân tình này, ngài mời gọi người trẻ kết bạn với Chúa Giêsu với mong ước đưa họ vào mối thân tình được thể hiện bằng hai chiều kích: tình yêu mến và tình bằng hữu[6]. Ngài mời gọi người trẻ đừng ngần ngại kết bạn với Đức Giêsu để có cơ hội đáp lại tiếng gọi của Ngài với trọn niềm hạnh phúc và bình an. Tình bạn mà Chúa Giêsu mở ra với con người không phải là mối tương quan ích kỷ hay chiếm hữu mà là mối tương quan mở ra những chia sẻ và trao ban.

Cuộc sống con người hôm nay luôn tạo ra nhiều mối tương quan với nhiều mục đích khác nhau. Người trẻ hôm nay cũng không ngoại lệ. Càng ngày, người trẻ càng được mời tham gia vào những mối tương quan với những lời mời hấp dẫn, mới mẻ, mang lại lợi ích cá nhân, khiến họ dễ biến mình thành những con người chạy theo lối sống thực dụng. Người trẻ dễ có khuynh hướng chọn lựa theo những lợi ích trước mắt mà không thể lường trước những hậu quả về sau. Giữa những lời mời thực dụng đầy hấp dẫn này, người trẻ như bị lấn át để tìm cách đánh đổi mối tương quan mà họ đã thiết lập với Đức Giêsu, khiến họ không còn thời gian và không gian dành cho Ngài.

Làm sao để người trẻ tránh rơi vào những vòng xoáy nguy hiểm này, Đức Thánh Cha nói đến tính dứt khoát trong sự chọn lựa và tính triệt để trong sự từ bỏ[7]. Dứt khoát và triệt để ở đây có thể hiểu cụ thể như là cách người trẻ mạnh dạn nói “không” với những mối tương quan không mang lại niềm hạnh phúc đích thực. Với những tương quan khó lường, ngài kêu gọi sự hiệp nhất của những người trẻ có cùng chí hướng, mời gọi họ can đảm nắm chặt tay nhau, lội ngược dòng với những trào lưu, những lối sống không định hướng, không lý tưởng, không mục đích và không có trách nhiệm với tương lai. Bằng cách này, họ chứng minh cho những người trẻ cùng thời biết rằng: Niềm tin vào Đức Kitô phục sinh là điểm tựa vững chắc nhất và được kết bạn với Đức Giêsu là một niềm hạnh phúc bất diệt cho họ.

Chính khi mở ra một tình bạn với Đức Giêsu, người trẻ như đang mở ra một kế hoạch, một định hướng, một lý tưởng và một cuộc sống có mục đích cho chính mình, hướng cuộc sống của cá nhân mình trở nên nguồn cảm hứng cho tha nhân, minh chứng sự trẻ trung đầy nhiệt huyết và đầy năng lượng bằng những mối tương quang lành mạnh theo mẫu tương quan tình bạn mà họ đã mở ra với Đức Giêsu. Sống trong tình bạn với Đức Giêsu, người trẻ như được ngụp lặn trong sự sống của Ngài, như cách diễn tả của Thánh Phaolô: “Tôi sống nhưng không còn là tôi mà là chính Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20).

3. Lời mời gọi trở nên nhân chứng cho Đức Giêsu

Trở nên nhân chứng của Đức Giêsu là một con đường nên thánh. Quả vậy, hành trình sống của người trẻ mở ra nhiều con đường nên thánh khác nhau. Người trẻ hôm nay dễ bị nhầm lẫn giữa việc tìm cho mình một con đường nên thánh phù hợp để âm thầm đáp trả và việc lấy những thành tích đạo đức để khẳng định sự thánh thiện của mình. Chính vì sự nhầm lẫn này mà người trẻ không còn nhận ra giữa việc biến những suy nghĩ và hành động của mình trở nên một loại trang sức trước mặt con người thay vì biến cuộc đời mình thành một của lễ dâng lên Chúa.

Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp tục chỉ ra cho người trẻ một con đường nên thánh căn bản mà ai cũng cần phải đi qua, đó là nên thánh bằng cách chọn cho mình một công việc để tìm kế mưu sinh và bằng con đường xây dựng một gia đình để đi tìm hạnh phúc[8]. Ngài cho rằng đây là hai mảnh đất tốt để người trẻ gieo hạt giống đời mình vào với hy vọng một mùa bội thu những hoa quả thiêng liêng. Nơi hai môi trường này, một đàng người trẻ có cơ hội khẳng định năng lực và sự đóng góp của mình cho xã hội và cho tình yêu. Nhưng đàng khác, họ có dịp chứng minh được ý nghĩa và mục đích cao cả bằng sự hiện hữu của họ trong môi trường hiện tại, để thấy rằng: những nỗ lực và đóng góp của họ không chỉ là những đóng góp bình thường nhưng bằng những khả năng chuyên môn và những sáng kiến trong công việc và trong tình yêu, họ mang cho cuộc sống một tầm cao mới là việc nối dài công trình tạo dựng của Thiên Chúa và tiếp nối việc sáng tạo của Ngài. “Để thực hiện ơn gọi riêng của mình, chúng ta cần phải phát huy, đẩy mạnh và làm tăng triển tất cả những gì là chính mình. Đây không phải là phát minh, sáng tạo con người mình một cách tự phát từ con số không, nhưng là khám phá chính mình trong ánh sáng của Chúa và làm cho đời sống mình sinh hoa kết quả...”[9].

Thật vậy, qua môi trường làm việc, người trẻ chứng minh tính hữu ích của mình với những cộng sự, hướng đến chiều kích mục vụ nhờ ý thức sâu xa việc mang lại niềm vui và hạnh phúc cho những người xung quanh. Từ đó, họ thêm xác tín về sự hiện diện của chính mình là một kế hoạch yêu thương mà Thiên Chúa muốn tặng ban cho tha nhân. Xác tín này giúp họ nhìn nhận rõ nét hơn về ơn gọi của mình và cũng nhận ra giá trị tương tự nơi ơn gọi của tha nhân. Nhờ đó, người trẻ có thêm động lực để phát triển hết những khả năng Chúa ban, mang lại hữu ích cho chính họ và cho tha nhân như là cách mà họ sinh lợi từ những nén bạc Chúa trao theo đúng ý Ngài muốn.

Cũng thế, khi tìm được một người yêu lý tưởng và được sống chết trong tình yêu, người trẻ ý thức mang đến sự bình an, niềm hạnh phúc và sẵn sàng vượt qua những chướng ngại trong cuộc sống để mang đến một tình yêu trọn vẹn cho người mình yêu.[10] Nhờ đặc niềm tin vào Thiên Chúa, người trẻ xây dựng cho mình một hôn nhân Công giáo và nhờ đón nhận ân sủng từ bí tích hôn nhân, họ nhìn nhận đời sống tính dục không còn là một sự chiếm hữu đầy ích kỷ, cũng không còn là một sự thỏa mãn thân xác như cách kéo dài cuộc sống. Nhưng trong tình yêu hôn nhân, hành vi tính dục thật sự là một món quà cao quý Chúa ban cho hai con người, đưa dẫn họ trở thành những con người hiến thân trọn vẹn cho người kia để nối dài công trình sáng tạo của Thiên Chúa giữa trần gian bằng việc truyền sinh.

Ý thức sống tinh thần trách nhiệm nhằm mang lại hoa trái phong phú thiêng liêng nơi gia đình và nơi môi trường làm việc chính là cách mà người trẻ biến cuộc đời mình thành những nhân chứng sống động của Thiên Chúa giữa trần gian này.

Tuy nhiên, khi sinh ra và lớn lên trong một xã hội như hôm nay, người trẻ đã phải nhìn thấy không ít những hình ảnh bất hạnh từ đời sống gia đình, chứng kiến không ít những bạo lực, những bế tắc xảy ra để lại hậu quả là sự đổ vỡ và ly tán, làm cho họ phải chịu sự bất hạnh và đau khổ. Thảm cảnh này khiến người trẻ không còn dám tự tin tạo lập một gia đình cho riêng mình. Cảm nghiệm được điều này, Đức Thánh Cha thao thức và mong muốn người trẻ hôm nay hiểu rằng: dù đời sống trong các gia đình đang bị xuống cấp và mất dần những giá trị nền tảng, cũng như việc lạm dụng tự do cá nhân dẫn đến sự độc đoán, cố chấp, thiếu trách nhiệm với chính mình và với gia đình... thay vì chiếu tỏa niềm hạnh phúc gia đình bằng những đức tính nhẫn nại, khoan dung, đối thoại, tha thứ giúp họ trở nên điểm tựa vững chắc cho gia đình. Đức Thánh Cha khuyên người trẻ rằng: dù tình yêu mà những người sống đời sống gia đình dành cho nhau thật cao cả, nhưng họ vẫn là những con người bất toàn và nhiều giới hạn, nên họ cần đến ơn Chúa và sự trợ lực của Ngài mới có thể vượt qua giới hạn và chu toàn trách nhiệm đúng như kế hoạch Chúa muốn[11]. Người trẻ không thể trở nên nhân chứng cho tha nhân mà không cần đến ơn Chúa mọi nơi mọi lúc trong cuộc sống. Vì thế, Đức Thánh Cha khuyên người trẻ nên ý thức học hỏi, tự chuẩn bị và đào luyện chính mình để có thêm hành trang cần thiết giúp họ chu toàn tốt về cả hai chiều kích tinh thần và vật chất trước khi bước vào đời sống gia đình.

Với những người chọn đời sống tu trì hay những người vì một lý do nào đó mà họ phải sống đời độc thân giữa đời, nhờ được lãnh nhận bí tích rửa tội, họ được mời gọi sống ơn gọi căn bản nhất của người Kitô hữu là ơn gọi nên thánh. Dù đang sống trong ơn gọi nào đi nữa, tất cả đều được mời gọi trở nên chứng tá cho Đức Giêsu nơi môi trường sống của mình. Trên hành trình sống ấy, người trẻ ắt hẳn sẽ phải đối diện với những điều mới mẻ và không ít ngỡ ngàng. Nhờ vậy, họ học được những kinh nghiệm quý báu cho hành trình phía trước. Tuy nhiên, dù nhiệt huyết đến đâu, người trẻ vẫn có những phút giây bâng khuâng và tự hỏi:

“Tuổi trẻ là tuổi của những khát khao và hoài bão, tuổi của những thử thách và trưởng thành. Bởi tuổi này cho phép ta dấn thân, cho phép ta đôi lần vấp ngã và đứng dậy để rồi sau đó viết nên câu chuyện thành công của mình. Trong những năm tháng hoang hoải của tuổi trẻ ấy, ai cũng đã từng đôi lần bước đi trên những con đường bụi bặm mang tên “tương lai” để tìm kiếm những thứ thuộc về mình”[12].

Giữa những điều mà người trẻ dấn thân đi tìm và những nghi ngại có thể làm cho họ bị lạc hướng hay mất hướng, đâu là điều quan trọng nhất để người trẻ hôm nay tìm lại được chính mình và tìm ra hướng đi đúng đắn cho cuộc đời mình?

Đức Thánh Cha gợi lên một khía cạnh mục vụ quan trọng và cần thiết đó là việc đồng hành với người trẻ, giúp họ phân định ơn gọi và tìm ra một hướng đi phù hợp. Ngài cho rằng: việc đồng hành mở cho người trẻ một cơ hội được gặp gỡ, được tiếp xúc, được chia sẻ và được lắng nghe, giúp người trẻ tự trả lời những câu hỏi căn bản liên quan đến mục đích sau cùng của hành trình cuộc sống.

II. PHÂN ĐỊNH ƠN GỌI - CẦN BIẾT LẮNG NGHE

Sống giữa thế giới ồn ào với nhiều loại âm thanh khác nhau, việc lắng nghe đôi khi chỉ xảy ra như một nhu cầu để đáp ứng những đòi hỏi của công việc. Ngoài việc lắng nghe mà con người phải trải qua mỗi ngày, còn một thứ lắng nghe khác cần thiết cho hành trình nên thánh của người trẻ, đó là lắng tiếng nói nội tâm, nghe những thổn thức tâm hồn để nhận biết mình đang vui buồn, vì sao? Nghe những nhịp đập của trái tim để biết mình đang yêu thương hay thù hận? Nghe tiếng gọi sâu thẳm từ bên trong để nhận ra và phân biệt giữa tiếng Chúa hay lời mời gọi của thế gian? Nghe những khuynh hướng chiều theo hay khước từ? Tất cả cần đến ơn soi dẫn của Thần Khí Chúa và một lương tâm lành mạnh để phân định đúng đắn. Vì thế, Đức Thánh Cha mời gọi người trẻ không ngừng luyện tập để có một lương tâm ngay thẳng. Huấn luyện để có một lương tâm ngay thẳng là sẵn sàng để cho Chúa biến đổi nhờ việc xét mình, cầu nguyện và làm việc bác ái. Ngài cho rằng việc huấn luyện lương tâm là cách giúp người trẻ phân định theo chiều sâu. Đây là một tiến trình cần được luyện tập cả đời và đây là công việc cá nhân mà không ai có thể thay thế[13].

1. Dành cho người đồng hành

Trên hành trình đồng hành với người trẻ, lắng nghe là một trong những chiều kích mục vụ. Bởi vì khi nhận ra mình được ai đó dành trọn không gian, thời gian và hơn nữa là dành trọn con tim để lắng nghe những chia sẻ, ắt hẳn họ sẽ cảm nhận một niềm vui, vui vì đang được quan tâm và chăm sóc tận tình. Như thế, sứ vụ lắng nghe trong khi đồng hành không chỉ là công việc phân tích, khuyên răn hay giảng dạy mà còn là công việc lắng nghe của tình yêu mến và tình bằng hữu. Khi đưa chiều kích phân định và đồng hành ơn gọi vào Tông huấn “Vui Mừng và Hân Hoan” và Tông huấn “Đức Kitô đang sống”, ắt hẳn Đức Thánh Cha xem đây là một công việc mục vụ cần thiết và cấp thiết dành mọi người nói chung và cho người trẻ nói riêng. Đồng hành với người trẻ và giúp họ phân định ơn gọi bằng việc lắng nghe là một cách khai sáng, mở lối, giúp họ nhận ra những gì mà con người cần đạt đến như mục đích cuối cùng không chỉ được giải quyết chỉ bằng lý trí mà con cần đến niềm tin. Chỉ khi con người nhìn nhận vấn đề trong ánh sáng của niềm tin, họ mới thật sự nhận ra ơn gọi của họ một cách rõ ràng nhất. Ơn gọi ấy cho họ biết họ chỉ là một thụ tạo và họ luôn thuộc trọn về Đấng tạo dựng nên họ[14]. Chính khi đặt trọn niềm tin vào Thiên Chúa và sự tin tưởng nơi người đồng hành, người trẻ được mở ra một cơ hội cho Chúa Thánh Thần hoạt động, soi sáng và lấp đầy cho những điều họ cần. Chính Chúa Thánh Thần giúp người trẻ nhận ra những tiêu chuẩn và biết cách hành động theo cách mà Đức Giêsu đã sống và đã truyền dạy.

Bằng cách này, Đức Thánh Cha cảnh tỉnh người trẻ cần sáng suốt nhận ra và rạch ròi phân định đâu là những điều hữu ích mà Thiên Chúa muốn và đâu là những hư ảo ẩn núp trong niềm vui thế tục[15]. Nếu không, người trẻ dễ có nguy cơ thu mình để tìm sự an toàn hoặc lao theo những điều làm nên cái tôi hư ảo, cái danh chóng qua. Đứng trước những thử thách xảy đến thay vì họ cần sáng suốt nhận biết mình và bản lĩnh đối diện với khó khăn, dám thử thách mình để lớn lên và tiến xa hơn, thì họ âm thầm rút lui, lùi bước và bỏ cuộc. Như thế, trong tiến trình đồng hành, việc dành cho Chúa những khoảng lặng cần thiết để lắng nghe tiếng Ngài quan trọng hơn việc (thay vì) dùng đến sự khôn ngoan của con người để giải quyết vấn đề (là điều cần thiết trong tiến trình đồng hành). Niềm tin cho chúng ta xác tín rằng: Thiên Chúa luôn hiện diện giữa những bất lực và những bế tắc của con người. Giữa những hoàn cảnh như thế, chúng ta có dám buông tay để cho Chúa ra tay hay không?

Đức Thánh Cha Phanxicô, trong Tông huấn “Đức Kitô đang sống” đưa ra những hướng dẫn hữu ích, giúp người trẻ phân định hướng đi và ơn gọi của mình bằng khả năng lý luận, yếu tố lương tri (khả năng biết lẽ thường) hay việc suy niệm, đọc sách...Ngoài những yếu tố trên, cả hai Tông huấn “Vui Mừng và Hân Hoan” (Gaudete et Exsultate) và Tông huấn “Đức Kitô đang sống” đều nhấn mạnh đến việc lắng nghe, lắng nghe trong cầu nguyện, trong những khoảnh khắc thinh lặng cần thiết của ngày sống. Đây là công việc của cá nhân và không ai có thể làm thay. Vì thế, người đồng hành cần giúp người trẻ phân định ơn gọi bằng việc lắng nghe dưới 3 chiều kích: 

●   Lắng nghe tiếng Chúa.

●   Lắng nghe con người (những người khôn ngoan).

●   Lắng nghe chính thực tại quanh mình (những dấu chỉ của thời đại)[16].

2. Dành cho người trẻ

Nhờ biết lắng nghe tiếng Chúa trong mối tương quan tình bạn, người trẻ tự tin với những quyết định của mình vì họ biết rằng những gì họ lắng nghe trong cầu nguyện, nhờ tác động và ơn soi dẫn của Thần Khí, sẽ mang lại bình an. Cũng nhờ tác động của Thần Khí, người trẻ mới dám mạnh dạn phá vỡ và bước ra khỏi sự an toàn của chính mình, dám đối diện với những điều mới mẻ mà họ chưa từng tiếp xúc. Giai đoạn này người trẻ cần một sự mạo hiểm. Đức Thánh Cha Phanxicô cho rằng: với người trẻ, ổn thỏa và an toàn vẫn chưa đủ, Chúa muốn trao cho người trẻ một điều gì đó hơn thế[17].

Nhờ việc lắng nghe con người, người trẻ biết tự đặt cho mình những câu hỏi như tôi đang sống vì ai? Giúp họ nhận ra bản thân mình, nhận ra những cảm xúc vui buồn, nhận ra những điểm mạnh và cả những giới hạn của mình nhờ những gợi ý và soi sáng từ những người đạo đức khôn ngoan, những người có kinh nghiệm hay những người được đào tạo trong lĩnh vực chuyên môn về đồng hành, giúp người trẻ biết nhận ra rằng: sự hiện hữu của họ thật sự mang lại giá trị nhờ những mối tương quan, tương quan với Thiên Chúa và với con người. Nhận thức rõ về điều này, người trẻ thêm xác tín rằng: những thao thức, những ước mơ mà họ đang nuôi dưỡng không còn chỉ cho riêng mình mà còn phải hướng đến việc phục vụ tha nhân[18]. Bởi vì những hồng ân Chúa ban cho họ như tài năng, sức khỏe ... là để phục vụ và cho đi. Đây chính là mục đích cuối cùng của ơn gọi mà họ cần nhận ra khi đáp trả tiếng gọi của Đức Giêsu.

Nhờ lắng nghe và chứng kiến những thực tại xảy đến quanh mình từ những biến cố, người trẻ phần nào nhận ra sự mong manh chóng qua từ những giá trị mà họ tưởng chừng là bền vững. Lắng nghe và phân định trên những thực tại đó như là cách đưa người trẻ vào một cuộc chiến thiêng liêng. Ở đó, họ khẳng định sự trung thành và giá trị của mình trên một bình diện cao hơn nhờ ơn Chúa[19]. Bằng không, sự thất bại sẽ làm cho người trẻ mất tự do và không còn đủ tự tin để đưa ra quyết định cho cuộc đời mình.

Một lần nữa Đức Thánh Cha Phanxicô khẳng định rằng: Người trẻ hôm nay dù đang sống trong hoàn cảnh và điều kiện nào đi nữa, họ vẫn cần có niềm tin vào Thiên Chúa và cần đặt lại mối tương quan cá nhân giữa họ với Đức Giêsu để không ngừng phát triển mối tương quan này mỗi ngày một tốt hơn. Nhờ đó, “cây đời ơn gọi” của thời thanh xuân như đang được trồng nơi mảnh đất màu mỡ, giúp phát triển và sinh hoa kết trái. Trong cách thế ấy, người trẻ dấn thân đáp lại tiếng gọi của Đức Giêsu với niềm hăng say, mang lại ơn ích cho tha nhân và cảm nếm được niềm vui trọn vẹn trên hành trình mà họ muốn hướng đến[20].

Kết luận

Hơn ai hết, Chúa Giêsu, vừa là người Thầy vừa là người bạn đồng hành với người trẻ. Ngài hiểu rõ và thấu suốt những nhạy cảm từ bên trong của họ, với ước mong dành trọn thời gian cho người trẻ bất ký lúc nào họ muốn tìm đến. Ngài bắt kịp những thời điểm mà người trẻ cần phân định và những điều mà người trẻ có thể dễ lầm lẫn như giữa ân sủng của Chúa và những nguy hại đang ẩn núp trong những lợi ích chóng qua của ma quỷ. Trên hết, Chúa Giêsu lắng nghe và thấu biết những điều đang thúc đẩy người trẻ và những điều họ đang muốn hướng đến là gì? Tất cả sẽ đưa đến một mục đích là giúp họ nhận ra kế hoạch sau cùng mà Chúa muốn trên cuộc đời của từng người trong họ[21].

Là những người được Chúa chọn sống ơn gọi linh mục, sứ vụ lãnh đạo và đồng hành với dân Chúa trở nên lý tưởng sống cao đẹp vì nó nói lên bản chất và căn tính của đời linh mục. Giữa biết bao những trăn trở và khó khăn trong sứ vụ lãnh đạo dân Chúa, hy vọng chúng ta vẫn nghe được tiếng Thầy Giêsu ngỏ lời với từng người trong từng hoàn cảnh “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ !” (Mc 6,50).

__________

[1] Xem Tông huấn “Đức Kitô đang sống”, chương 8, số 248.

[2] Ibid, số 255.

[3] Tông huấn “Đức Kitô đang sống”, chương 8, số 253.

[4] Xem Tông huấn “Đức Kitô đang sống”, chương 8, số 253.

[5] Tông huấn “Đức Kitô đang sống”, chương 8, số 249.

[6] Xem Tông huấn “Đức Kitô đang sống”, chương 8, số 250.

[7] Ibid., chương 8, số 251.

[8] Xem Tông huấn “Đức Kitô đang sống”, chương 8, số 258.

[9] Tông huấn “Đức Kitô đang sống”, chương 8, số 257.

[10] Xem Tông huấn “Đức Kitô đang sống”, chương 8, số 260.

[11] Xem Tông huấn “Đức Kitô đang sống”, chương 8, số 266.

[12] “Nghề nghiệp và sự nghiệp ! đâu là cánh cửa cho tuổi trẻ dấn thân 

[13] Xem Tông huấn “Đức Kitô đang sống”, chương 8, số 280 – 282.

[14] Ibid., số 280.

[15]Tông huấn “Đức Kitô đang sống”, chương 8, số 278.

[16] Ibid., chương 9, số 284.

[17] Xem Tông huấn “Đức Kitô đang sống”, chương 9, số 285.

[18] Xem Tông huấn “Đức Kitô đang sống”, chương 9, số 286.

[19] Ibid., số 295.

[20] Ibid., số 288.

[21] Ibid., số 291 -294.

(Nguồn: giaophannhatrang.org)

bài liên quan mới nhất

Chúa Nhật III Mùa Vọng, năm C: Có Đấng mạnh thế hơn tôi đang đến

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng