Người ta có thể tin như thế nào?

Pierre Durieux là tác giả quyển «Phương pháp đơn giản để bắt đầu tin» (La méthode simple pour commencer à croire, Artège, 2016)

Trong quyển sách của ông, ông không tìm cách chứng minh sự hiện hữu của Chúa, nhưng ông tìm cách cho thấy có nhiều lý do để tin. Vì sao ông đề cập vấn đề qua khía cạnh này?

Pierre Durieux: Nếu đức tin là kết quả của một chứng minh thì nó không tôn trọng sự tự do của chúng ta. Nhưng nếu đức tin mà không có lý tính, thì nó không mang tính người. Vì thế, tin không thể là một hành vi tuyền lý tính, nhưng nó không thể là một hành vi không có lý tính.

Thiên Chúa chọn để thể hiện mình hơn là để chứng tỏ mình. Đó là các dấu vết cho thấy sự hiện diện của Ngài nhưng cần phải nhìn gần, với trí thông minh, với quyết tâm và với tâm hồn của chúng ta.

«Tôi sẽ chết chiều nay. Có thể ngày mai», ông đã viết như thế. Theo ông, để trả lời cho sự hiện hữu của Chúa có phải là một nhu cầu cấp bách không?

Đây là nhu cầu cấp bách đầu tiên trong các nhu cầu cấp bách, vì nơi đến của chúng ta quyết định cho tất cả chặng đường đi của mình. Vì thế đời sống của chúng ta sẽ được hiểu một cách khác, theo hướng chúng ta quay về Chúa hay quay về hố thẳm hư không, hay quyết định không thể nào biết gì hết.

Ông mô tả đức tin như một tương quan với Chúa. Nhưng ai phải là người làm bước trước?

Khi nhập thể, chúng ta có thể nói Chúa Kitô đã làm 99 bước trước, bởi vì Ngài đã bước qua điểm vô tận để vào trong thời gian và không gian. Khi tỏ hiện ra cả ngàn cách, Thiên Chúa chất vấn lương tâm chúng ta và chờ câu trả lời của chúng ta: Nhất là Ngài đòi hỏi chúng ta phải làm bước cuối. Chính Linh mục Ceyrac là người đã so sánh cuộc đời như một trận đấu banh tơ-nít: quan trọng là làm bàn cuối cùng.

Đối với kitô hữu, Chúa ở trong tâm hồn của người đang đau khổ

«Khi thể hiện hơn, Chúa trở nên hiển nhiên. Khi thể hiện ít, Ngài sẽ trở nên không tìm được.» Tại sao Ngài chọn thái độ này để đối diện với chúng ta?

Bởi vì Ngài muốn để chúng ta tự do, nếu không thì Ngài bằng lòng với khoáng vật, cỏ cây, súc vật. Nếu chúng ta chấp nhận ý tưởng rằng Chúa muốn một tương quan tự do với con người, thì chúng ta phải hiểu sự toàn năng của Ngài chỉ có thể rất kín đáo. Nếu chúng ta diện đối diện với vô tận, chúng ta sẽ bị đè bẹp, bị hủy diệt trước sức mạnh của nó. Nhưng ngược lại khi nó được làm kín đáo hơn thì nó hoàn toàn lọt ra khỏi tầm ý thức của chúng ta. Tóm lại, Chúa ở một vĩ tuyến rất cao.

Đối với đa số chúng ta, sự dữ và đau khổ là hoàn toàn nghịch lý với giả thuyết có sự hiện hữu của Chúa. Ông có nghĩ ngược lại, một cách nào đó nó dẫn chúng ta đến Chúa không? Như thế nào?

Khi gặp đau khổ hay thử thách, sự nghi ngờ về ý nghĩa sự sống tăng mạnh. Vấn đề sự dữ luôn hằn trong tâm trí con người. Đối với kitô hữu, vấn đề này trước hết không phải là vấn đề lý thuyết, các câu trả lời của chúng ta trong địa hạt này thường không có bao nhiêu, nhưng nó lại là thực tiễn: chúng ta làm gì? Thường thường chúng ta đòi nợ Chúa, Phúc Âm Thánh Matthêu 25 cho chúng ta thấy ngược lại, chính Chúa Giêsu sẽ hỏi chúng ta đã làm gì với những người đói, người khát, khách lạ, người bị tù, người bị bệnh…  Đối với Kitô giáo, Chúa ở nơi người đang đau khổ.

Chìa khóa Nước Trời ở dưới tấm thảm vào nhà, có nghĩa là nó không xa, nó ngay dưới chân chúng ta.

Văn hào Bernanos mô tả nền văn minh hiện đại là «đồng mưu toàn vũ chống lại mọi đời sống nội tâm». Tin vào Chúa có nhất thiết sống ngược với thời đại chúng ta không?

Chúng ta sống ở một thời đại mà thời gian tự do có thể chưa bao giờ quan trọng như vậy, điều này có thể làm dễ dàng cho hình thức sống nội tâm nào đó, nhưng các chuyện lôi kéo chúng ta sống hời hợt bên ngoài cũng chưa bao giờ nhiều như vậy. Như thế đời sống nội tâm là một chọn lựa, và một phần, là một cố gắng, nhưng nhất là một hạnh phúc đích thực cần được khám phá. Chẳng hạn, với những ai thích cầu nguyện, thì đây không phải là một sự chiến đấu chống với bản thân, nhưng là một tâm trạng có thể gọi là yêu đương: họ khám phá trong tận thâm sâu tâm hồn họ cảm nhận kín đáo và ấm áp sự hiện diện của Chúa, tâm trạng của một người con cảm nhận mình được yêu không điều kiện, đôi khi ngoài cả ý muốn của mình.

Ông so sánh đức tin ở Pháp với ngọn lửa âm ỉ dưới làn tro. Ông nghĩ có thể nào khơi dậy nó lại?

Có, trong lãnh vực này, đất nước chúng ta có lúc lên lúc xuống. Lịch sử Giáo hội không chỉ ở trong sự đi lên hoặc đi xuống. Nó như hiện tượng thủy triều… Tôi tin điều thiết yếu đối với tín hữu kitô là họ biết giải thích thế nào gọi là tin, tại sao tin và tin ở ai. Đôi khi họ bị phân tán trong các cuộc thảo luận quan trọng nhưng lại ở hàng thứ yếu. Họ phải nhìn vào Chúa Kitô và nghe Lời Ngài: Nơi Ngài là cẩm nang đi đường, là ánh sáng, là hạnh phúc, và thế là đủ.

Cuối cùng, đâu là việc đầu tiên phải làm để bắt đầu tin?

Tôi để Thánh Gioan trả lời: trước hết cần yêu vì ai yêu thì biết Chúa, ai không yêu thì không biết Chúa. Tuyệt đối không nhất thiết phải tin để yêu, nhưng chắc chắn điều cốt cán là phải yêu mới tin… Đức tin nảy sinh từ sự tiếp xúc với Lời, Lời làm rọi sáng tâm hồn, sự khám phá Lời này làm rọi sáng tâm hồn và sưởi ấm nó. Đó là ý nghĩa tựa quyển sách của tôi: Chìa khóa nước trời dưới tấm thảm lót chân, có nghĩa là không xa, ngay dưới chân chúng ta, trong Phúc Âm mà chúng ta thường coi thường, nền văn minh của chúng ta lại được xây dựng trên đó.

lefigaro.fr, Edouard de Mareschal

Marta An Nguyễn (phanxico.vn) chuyển dịch

bài liên quan mới nhất

Thứ Sáu tuần VII Phục Sinh: “Con hãy chăn dắt các chiên mẹ và chiên con của Thầy”

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng