Nghi thức Rửa chân có ý nghĩa gì trong thánh lễ chiều Thứ Năm tuần thánh?

Hằng năm, cứ vào ngày Thứ năm Tuần Thánh, chúng ta lại nhìn thấy hình ảnh quen thuộc, vị linh mục rửa chân cho nhiều người trong CỘng đoàn Nhưng, có bao giờ chúng ta tự hỏi: tại sao Chúa Giêsu không rửa đầu, rửa mặt, rửa tay....mà lại rửa chân?. Vậy, nghi thức Rửa chân có ý nghĩa gì trong thánh lễ chiều hôm nay?. Để trả lời cho câu hỏi này, tôi xin mời quí OBACE cùng khám phá ra hai cử chỉ có liên quan tới việc Chúa Giêsu rửa chân cho các tông đồ.

Thứ nhất, Chúa Giêsu cởi áo ra

Hành động này không phải là để cho tiện việc phục vụ, nhưng nó còn diễn tả một ý nghĩa sâu xa là Ngài cởi bỏ đi cương vị của mình. Bởi lẽ, nếu Chúa Giêsu không từ bỏ cương vị của mình, thì Ngài không quỳ xuống để rửa chân cho các tông đồ. Vì theo tục lệ của người Dothái, chỉ người nô lệ mới làm công việc này. Vì đây là một hành vi bị sỉ nhục ghê gớm. Cho nên, khi Chúa Giêsu quỳ xuống rửa chân cho Phêrô, thì ông ta kinh hoàng quá và la lên: “không bao giờ, không đời nào Thầy lại rửa chân cho con”, bất kính quá. Vì không một người thầy nào lại làm chuyện ấy bao giờ . Vậy mà Chúa Giêsu lại cúi xuống để rửa chân cho học trò của mình.

Thứ hai, Chúa Giêsu cúi xuống rửa chân cho các tông đồ.

Hành động cúi mình xuống để rửa chân cho các môn đệ là một hành động tự hạ thẳm sâu của Chúa Giêsu. Nhưng tại sao Chúa Giêsu lại phải tự hạ như vậy?. Vì Ngài thể hiện ý muốn của Chúa Cha, vì yêu thương và cứu độ con người, Ngài không muốn người nào phải hư mất. Nên Ngài chấp nhận cái chết trên cây thập giá, và từ hành động tự hạ này Chúa Giêsu đã thiết lập Bí tích Thánh Thể để mang lại ơn cứu độ cho con người. Vì vậy, ý nghĩa của rửa chân được gắn liền với Bí Tích Thánh Thể, gắn liền với sứ mạng của vị Mục Tử nhân hiền.
Khi cúi xuống như thế, là Ngài đã cởi áo ra, rũ bỏ tước vị, rũ bỏ ngay phẩm giá của mình. Nếu Ngài cứ giữ cương vị của mình là Thiên Chúa, là Đấng Chủ Tể muôn loài, thì không thể nào làm hành vi tự hạ như thế. Vì yêu thương con người, Chúa Giêsu đã tự hạ rửa chân cho học trò mình. Từ dấu chỉ này, mà người ta biết các con là môn đệ của Thầy, là các con hãy yêu thương yêu. Ta đến để phục vụ, chứ không phải để được phục vụ.

Là môn đệ theo Thầy Giêsu, liệu tôi có dám bỏ cởi bỏ cái tước vị của mình, mà người đời đã gắn lên cho tôi không?. 
Liệu tôi có dám cúi mình xuống để rửa chân cho anh em tôi không?. Để thực hiện được điều này thì không phải dễ, chỉ khi nào tôi ra khỏi cái tôi chật hẹp, ích kỷ của mình, thì tôi mới có thể thực hiện được điều này.

Để mình học cho ý tưởng này, Tôi nhớ lại câu chuyện của Đức Cha Giuse Võ Đức Minh khi ngài giảng phòng cho các cha trong dịp tĩnh tâm cuối năm 2007 vừa qua tại Long Xuyên. Có một giáo xứ nọ, giáo dân cứ đi kiện cha xứ hoài. Cha thì muốn làm hoà, nhưng làm hoà mãi mà không được, họ cứ kiện lên, kiện xuống. Họ muốn cha đó chuyển đi nơi khác. Một hôm họ lên Toà Giám mục gặp Đức Cha trình bày các tội của cha xứ. Vì biết được mâu thuẫn xẩy ra trong giáo xứ, Đức cha hiền từ đi ra đón tiếp, rồi quỳ xuống xin lỗi giáo dân trong phòng khách của ngài. Thấy cử chỉ khiêm hạ như thế, giáo dân hoảng sợ và nói: Đức Cha đừng làm như thế!.

Ngài thưa: “Con dại cái mang, cha sở là con của tôi, làm mất lòng ông bà, thì tôi là cha của cha sở, tôi thay mặt cho con tôi xin lỗi quý ông, quý bà, bỏ qua cho con tôi”.

Mấy người kiện cha sở sụp lạy Đức Cha. Họ bảo: Đức cha đứng dậy đi, kẻo chúng con chết mất. Họ đỡ Đức Cha dậy, rồi xin lỗi Đức Cha, xin lỗi cha sở, rồi sau đó làm hoà với nhau.

Một ví dụ khác nữa, đó là trong ngày Lễ Truyền Dầu, Đức cha Giuse Giáo phận Long Xuyên cũng nói lên lời xin lỗi với các cha, các tu sĩ và giáo dân vì sự thiếu xót trong bổn phận và trách nhiệm của ngài. Một hình ảnh rất đẹp của người mục tử với trái tim nhân hậu, hiền từ và khiêm nhường của Đức Kitô.

Từ hai câu chuyện trên có thể là bài học cho tôi để thi hành sứ mạng của mục tử. Nếu tôi chỉ dùng quyền hành để thống trị người khác, thì tôi không thể nào yêu thương và phục vụï tha nhân, mà đó chỉ là cách thức yêu thương và phục vụ cho chính mình. Trái lại, khi tôi cởi bỏ sự giả dối bề ngoài, cởi bỏ cái tôi cồng kềnh, hống hách, tự kiêu, tự mãn, thì chính lúc ấy tôi mới thực sự có thái độ khiêm nhường, yêu thương và phục vụ tha nhân như Thầy Giêsu.

Tóm lại, noi gương Chúa Giêsu, Ngài đã cởi áo và cúi mình xuống để rửa chân cho các tông đồ, thì giờ đây chúng ta hãy rửa chân cho nhau. Rửa cho nhau sạch mọi mặc cảm, hận thù, ghen ghét, đố kỵ, loại trừ, tách biệt, thay vào đó là mặc cho nhau những chiếc áo của tình yêu, của cảm thông và chia sẻ, để mọi người trở thành anh em với nhau, cùng chia sẻ bữa tiệc hạnh phúc Nước Trời. Amen.

bài liên quan mới nhất

Thứ Tư tuần V Mùa Phục Sinh: “Thầy là cây nho, anh em là cành”

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng