Ngày 26/6: Thánh Đaminh Minh, Giám mục (1838); và Thánh Phanxicô Đỗ Văn Chiểu, Thầy giảng (1838), Tử đạo

Thánh

DOMINGO HENARES - MINH

Giám mục dòng Đa Minh (1765 - 1838)

Ngày tử đạo: 26 tháng 6

Làm sao tôi dám bước lên ảnh Chúa, Đấng đã tạo dựng trời đất mà mọi người phải tôn kính thờ lạy.

Thánh Domingo Henares - Minh chào đời ngày 19/12/1765 tại làng Baena, Giáo phận Cordoba, Tây Ban Nha. Sinh trưởng trong một gia đình giàu sang, nhưng cậu Henares được thân mẫu đạo đức giáo dục, biết thương người nghèo, không để tiền tài chi phối.

Năm 16 tuổi, cậu Henares xin nhập Tu viện Đa Minh tại Niebla, sau chuyển sang Tu viện Thánh Giá tại Granada và nhận áo dòng thánh Đa Minh ngày 30/08/1783.

Sau một năm tập viện, thầy Henares xin cha giám đốc tập viện co đi Philippines, nhằm thực hiện ước nguyện truyền giáo miền Viễn Đông. Đến Manila, thầy tiếp tục các môn thần học và được thụ phong linh mục ngày 20/09/1789. Nhận thấy ngài có nhiều đức độ và tài năng, Giám đốc Tu viện muốn giữ tân linh mục ở lại Manila. Thế nhưng, tân linh mục vẫn ôm hoài bão tung cánh đến miền truyền giáo xa xăm.

Con tàu cặp hải cảng Ma Cao. Tại đây, có Đức cha Delgado - Y và hai giáo sĩ khác cùng dòng Đa Minh đang chờ đợi ngài. Cả bốn nhà truyền giáo cùng đặt chân đến Bắc hà ngày 29/10/1790. Chỉ trong 6 tháng, giáo sĩ Henares đã nói được tiếng Việt, nhận tên Việt là Minh. Ngài được chỉ định làm Giám đốc Chủng viện Tiên Chu, kiêm giáo sư môn Tu đức và Latinh. Năm 1798, Đức cha Delgado – Y đặt ngài làm cha Chính địa phận (Tổng Đại diện)

Ngày 09/09/1800, Đức Thánh Cha Piô VII bổ nhiệm ngài làm Giám mục phó kế vị Đức cha Ignacio Delgado - Y. Lễ tấn phong giám mục được cử hành vào ngày 09/01/1803 tại xứ đạo Phú Nhai.

Đức cha Jeronimo Hermosilla - Liêm tường trình với Thánh Bộ Truyền Giáo về Đức cha Henares - Minh như sau: “Ngài có một đời sống trong trắng, nhiệt tâm cứu các linh hồn, khát khao chịu chết vì đạo, sẵn sàng ra đi cả trong đêm khuya để thi hành mục vụ; một tâm hồn đạo đức cao vượt, siêng năng cầu nguyện và mê đọc sách Giáo phụ; một nếp sống khó nghèo đúng tinh thần Phúc Âm, rất đại lượng với những người xấu số, có thể gọi ngài là cha các kẻ bần cùng”.

Trong một lần di chuyển để tránh bách hại, Đức cha Henares - Minh và thầy Chiểu đang ở trên con thuyền từ Quất Lâm, định ra khơi, nhưng gặp mưa bão kinh hoàng. Một lương dân thấy con thuyền có vẻ khả nghi, mới mời hai cha con vào tạm trú trong nhà mình cho qua cơn giông tố. Nhưng rồi ban đêm, ông đã đi trình báo quan lớn để nhận tiền thưởng trọng hậu.

Đức cha Henares - Minh bị bắt giam vào cũi và bị áp giải lên công đường Nam Định ngày 11/06/1838. Quan cho tra khảo để buộc Đức cha Henares tiết lộ nơi ẩn trốn của các linh mục, nhưng ngài tuyệt đối thinh lặng. Quan tổng đốc Lê Văn Đức yêu cầu Đức cha bước lên thập giá, ngài nói: “Nhà quan có đang tâm để cho một người con đạp lên xác cha mẹ mình không? Làm sao tôi dám bước lên hình ảnh Chúa, Đấng đã tạo dựng trời đất mà mọi người phải tôn kính thờ lạy. Vậy mà các quan dụ dỗ tôi đạp lên Thánh Giá; dù có bị tan xương nát thịt, tôi cũng không thể làm điều tội ác đó”.

Đến pháp trường, ngày 26/06/1838, Đức cha Henares - Minh bước ra khỏi cũi, kêu ba lần tên cực thánh Giêsu và yêu cầu xin mấy phút thinh lặng cầu nguyện. Ngài quỳ xuống đất, đôi mắt nhìn trời, nghiêng đầu cho lý hình thi hành án. Đức cha hưởng thọ 73 tuổi, 48 năm truyền giáo trên quê hương Việt Nam, 38 năm trong sứ vụ giám mục giáo phận.

Thánh Giám mục Domingo Henares - Minh được nâng lên hàng chân phước ngày 27/05/1900 và được tôn phong hiển thánh ngày 19/06/1988.


 

Văn phòng HĐGMVN

 

Thánh Phanxicô Đỗ Văn Chiểu, tử đạo ngày 26 tháng 06 năm 1838

Thánh

Phanxicô ĐỖ VĂN CHIỂU

Thầy giảng (1797 - 1838)

Ngày tử đạo: 26 tháng 6

Anh chị em hãy về đi, đừng khóc nữa, thầy trò chúng tôi hôm nay về Quê Thật mà.

Thánh Phanxicô Đỗ Văn Chiểu sinh năm 1797 tại làng Trung Lễ, giáo xứ Liên Thủy, tỉnh Nam Định, thuộc giáo phận Bùi Chu ngày nay.

Sau bốn năm thần học, thầy Chiểu được chọn làm thầy giảng và xin gia nhập dòng Đa Minh. Thầy cộng tác đắc lực với Đức cha Henares - Minh để dạy giáo lý và phục vụ giáo dân.

Thầy quan tâm nhiều đến ơn cứu độ của mọi người. Có lần thầy đã khuyến khích và cầu nguyện cho một người lính trung thành với đức tin Kitô giáo cho đến chết. Hai người cùng cầu nguyện sốt sắng trước khi chia tay. Lần khác, khi nghe người em bị bắt đạo, thầy xin cha Hiển dâng hai thánh lễ để em mình trung thành trong đức tin.

Tháng 05/1838, khi bị binh lính đuổi bắt, Đức cha Henares - Minh và thầy Chiểu nhận được sự che chở của một gia đình ngư phủ ngoại giáo làng Quần Anh. Nhưng chính người ngư phủ này lại đi tố giác với quan trên để lãnh tiền thưởng. Hai vị bị bắt tại Xương Điền ngày 09/06/1838. Hai ngày sau, cả hai bị áp giải về công đường Nam Định.

Sau những lời vỗ về, dụ dỗ, mua chuộc nhưng vẫn không thuyết phục được thầy Chiểu, quan án sai lính trói chân tay vào cọc đánh ba mươi roi tả tơi, rồi xích xiềng chân tay và tống giam vào ngục.

Sau khi đọc án lệnh hành hình, quan hỏi lần sau cùng: chấp nhận đạp ảnh thánh để được khoan hồng hay là chết? Thầy Chiểu bình tĩnh trả lời: “Khi quan lớn nằm nghỉ, quan có bằng lòng cho người con của quan đạp lên mặt không? Phương chi Đức Chúa Trời là Chúa trời đất, mọi người phải kính thờ thì làm sao tôi dám bước qua ảnh của Người”.

Ngày 26/06/1838, Đức cha Henares - Minh và thầy Chiểu bị điệu ra pháp trường Bảy Mẫu. Khi thấy nhiều tín hữu đi theo khóc lóc, thầy nói với họ: “Anh chị em về nhà đi, đừng khóc nữa, thầy trò chúng tôi hôm nay về quê thật mà”. Sau khi xưng tội với Đức cha, thầy thưa với Chúa: “Lạy Chúa, con phó thác linh hồn trong tay Ngài”. Giáo dân đã an táng thầy ngay tại pháp trường. Sau thời kỳ cấm đạo, thi hài của ngài được rước về nhà thờ giáo xứ Trung Lễ.

Thầy giảng Phanxicô Ðỗ Văn Chiểu được phong chân phước ngày 27/05/1900 và được tôn phong hiển thánh ngày 19/06/1988.


 

Văn phòng HĐGMVN

 

bài liên quan mới nhất

Thứ Sáu tuần VI Phục Sinh: “Niềm vui của các con không ai sẽ lấy mất được”

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng