Sinh nhật Đức Mẹ vào ngày 8 tháng 9, tại sao lại mừng lễ vào ngày 8 tháng 9? Có chứng cớ lịch sử gì về ngày sinh của Đức Mẹ Maria không?
Khi bàn về lễ Sinh nhật Đức Maria, chúng ta nên phân biệt ít là ba lãnh vực khác nhau: khía cạnh lịch sử, khía cạnh phụng vụ, khía cạnh thần học. Dưới khía cạnh lịch sử, chúng ta thử xét có những chứng tích gì bàn về ngày sinh của Người. Dưới khía cạnh phụng vụ, chúng ta thử hỏi: tại sao lại mừng vào ngày 8/9 (cũng tựa như đối với lễ Chúa Giáng sinh: tại sao mừng vào ngày 25/12)? Sau cùng, dưới khía cạnh thần học, chúng ta thử hỏi, lễ sinh nhật Đức Mẹ có ý nghĩa gì?
Dưới khía cạnh lịch sử, có tài liệu nào nói về việc sinh hạ Đức Maria hay không?
Phải thành thực trả lời là không. Dĩ nhiên, khi nói đến tài liệu lịch sử, người ta hiểu là những chứng tích đáng tin cậy, do những người đã chứng kiến nội vụ tường thuật, chứ không phải là những gì được viết sau biến cố cả hàng thế kỷ. Chẳng hạn nếu ai muốn kể chuyện hai bà Trưng khởi nghĩa dành độc lập, thì họ phải tìm những chứng tích được viết vào thời đó, chứ không phải dựa trên những sách báo tiểu thuyết được soạn ra hàng chục thế kỷ sau. Tiếc rằng rất ít tài liệu cổ thời được lưu lại đến ngày nay. Các tài liệu liên quan đến cuộc đời của Đức Maria lại càng ít hơn nữa.
Dựa theo số tài liệu hiếm hoi như vậy, chúng ta biết gì về Đức Maria?
Tài liệu quý giá nhất đối với chúng ta là Tân ước. Tuy nhiên, nếu chỉ căn cứ vào Tân ước, thì chúng ta chỉ khẳng định được hai điều chắc chắn. Thứ nhất, đức Maria là một nhân vật lịch sử (chứ không phải là một huyền thoại). Thứ hai, Người quê quán Nadarét, và đã hạ sinh đức Giêsu. Ngoài hai điều đó, Tân ước không cho biết gì thêm về gốc gác của đức Maria (chào đời năm nào? song thân tên gì? qua đời lúc nào và thọ bao nhiêu tuổi?).
Dựa vào đâu mà phụng vụ kính thánh Gioakim và Anna là song thân của Đức Maria?
Như vừa nói, các tài liệu lịch sử theo nghĩa chặt thì rất hiếm hoi. Tuy nhiên, bên cạnh đó, còn nhiều truyền kỳ chung quanh cuộc đời đức Maria. Điều này cũng xảy ra một cách tương tự như đối với Chúa Giêsu. Như chị đã biết, các sách Phúc âm chú trọng đến hoạt động công khai của Chúa, đặc biệt là cuộc Tử nạn và Phục sinh của Ngài. Ai tò mò muốn biết thêm thời thơ ấu, công cuộc giáo dục nhân bản và nghề nghiệp của Ngài thì sẽ bị thất vọng. Và rồi nhằm thỏa mãn óc hiếu kỳ, nhiều truyền kỳ đã được soạn và thêu dệt những chi tiết chung quanh gia thế và thời thơ ấu cũng như chung quanh cuộc Tử nạn và Phục sinh của Ngài. Đó là nguồn gốc của các “ngụy Phúc âm” (nghĩa là soạn theo thể văn của Phúc âm), ra đời từ thế kỷ II trở đi. Chính khi đi tìm gia thế của Đức Giêsu mà những truyền kỳ về Đức Maria được viết lên, nổi tiếng nhất là tác phẩm được đặt tên là “Tiền phúc âm của thánh Giacôbê” (Proto-evangeliumIacobi), bởi vì do một người tự xưng là Giacôbê, người anh cùng cha khác mẹ với Đức Giêsu (được đồng hóa với thánh Giacôbê giám mục Giêrusalem). Tác phẩm này ra đời khoảng đầu thế kỷ II, và cũng được đặt tên là “việc sinh hạ Đức Maria” (De nativitate Mariae). Dựa theo tác phẩm này mà ta biết quý danh song thân đức Maria là ông Gioakim và bà Anna. Tiền Phúc âm theo thánh Giacôbê gồm 24 chương ngắn, có thể chia làm 3 phần. Phần thứ nhất (gồm 16 chương đầu), kể lai lịch, thời thơ ấu đức Maria cho tới lúc kết hôn với ông Giuse. Phần thứ hai (từ chương 17 đến 21) thuật lại những phép lạ chung quanh cuộc sinh hạ Chúa Giêsu. Phần chót (ba chương cuối từ 22 đến 24) kể chuyện vua Hêrôđê tàn sát các thiếu nhi ở Bêlem.
Tác phẩm này cho ta biết gì về cuộc sinh hạ Đức Maria?
Tác phẩm mở đầu với cảnh ông Gioakim, một nhà phú hộ và quảng đại, bị một người tên là Rubel chế diễu vì không có con, và không muốn cho ông dâng lễ vật như các tín hữu khác. (Nên biết là xã hội Do thái coi đôi vợ chồng không có con là bạc phước). Ông Gioakim buồn tủi vô hạn, vì thế đã rời bỏ nhà cửa và vào nơi hoang địa, ăn chay 40 đêm ngày, với lòng dốc quyết rằng nếu Chúa không đến viếng thăm thì ông sẽ không trở về nhà. Bà Anna, ở nhà cô quạnh, cũng buồn rầu và than khóc số phận hiếm muộn của mình chẳng khác gì thân phận góa bụa. Bà đã than khóc thảm thiết, vào một ngày lễ của dân tộc, một dịp hân hoan của toàn dân. Trông lên trời thấy những đàn chim bay nhảy, nhìn xuống nước thấy đàn cá bay lội, bà lại càng tủi thân, bởi vì chúng được Thiên Chúa chúc phúc với hậu duệ đông đảo, còn mình thì giống như mảnh đất khô cằn không có sức sống. Giữa lúc tuyệt vọng như vậy, thì một thiên sứ hiện đến với bà Anna, báo tin cho biết Thiên Chúa đã nhậm lời của bà, và sẽ ban cho bà một hậu duệ sẽ được muôn đời nhắc đến. Nghe tin đó, bà Anna liền hứa rằng dù sinh con trai hay con gái thì cũng sẽ dâng nó cho Thiên Chúa để phục vụ nhà Chúa trót đời. Thiên sứ cũng hiện ra với ông Gioakim và loan tin như vậy. Ông liền đứng dậy trở về nhà, và truyền giết 10 con chiên, 12 con bò tơ để dâng lễ tạ ơn Chúa, và giết 100 con dê để đãi cả làng.
Câu chuyện vừa rồi nhắc lại những cuộc sinh hạ kỳ diệu nhờ sự can thiệp của Thiên Chúa mà ta gặp thấy trong Cựu ước, chẳng hạn như ông Abraham (với bà Sara son sẻ), ông Samson cũng được sinh ra trong hoàn cảnh tương tự, hoặc như ông Samuel. Phép lạ không chỉ chứng tỏ bàn tay đặc biệt của Thiên Chúa, nhưng nhất là cho thấy sứ mạng dành cho người con sắp sinh ra. Tác giả sách Tiền phúc âm thánh Giacôbê cũng mang một não trạng đó, nghĩa là ông muốn nêu bật vai trò và sứ mạng mà Chúa sẽ dành cho Đức Maria.
Đức Maria chào đời vào ngày nào?
Tác phẩm mà chúng ta đang nghiên cứu không đả động đến ngày sinh tháng đẻ của Đức Maria. Tác giả chỉ nói rằng bà Anna sinh con sau chín tháng cưu mang. Sau khi đã sinh con, bà Anna mới được bà đỡ báo tin là sinh con gái. Và sau 14 ngày, bà đặt tên cho cô bé là Maria, một danh tánh khá quen thuộc trong dân Do thái. Dù sao, tác giả không quan tâm đến ngày sinh của đức Maria cho bằng việc dâng hiến vào đền thờ. Khi cô bé tròn một tuổi, thì song thân mời các tư tế và toàn dân dự lễ cai sữa; đây là cơ hội để bà Anna dâng lời ca tụng Thiên Chúa vì đã đoái nhìn đến mình và cất đi sự ô nhục vì son sẻ. Đến khi cô bé lên ba tuổi, thì song thân mang lên đền thờ. Cô bé hí hửng ở lại đó chứ không đòi theo bố mẹ trở về nhà. Khi cô được 12 tuổi, thì hội đồng tư tế bàn định chuyện kết hôn, qua một thủ tục cũng diệu kỳ, đó là các chàng trai phải đem một cái gậy và đặt trong đền thờ, và Chúa sẽ tỏ ý định qua một dấu lạ. Ông Giuse, một người góa vợ, được chọn lựa, bởi vì từ cây gậy của ông, một chim bồ câu thóat ra và đậu lên đầu của ông. Dụng ý của tác giả là muốn giải quyết vấn đề làm sao đức Maria khấn giữ trinh khiết mà lại kết hôn, và nhất là tại sao Phúc âm nói đến các anh em của Chúa Giêsu. Câu trả lời là cô Maria kết hôn do ý định của Chúa; các anh em của Chúa Giêsu là những con riêng của ông Giuse (trong số đó có ông Giacôbê). Nhưng câu chuyện sẽ dẫn chúng ta khá xa.
Trở lại với vấn đề chính: dựa vào đâu mà phụng vụ mừng lễ sinh nhật Đức Maria vào ngày 8 tháng 9?
Không có tài liệu lịch sử nào cho biết Đức Maria sinh vào ngày nào. Lễ kính sinh nhật Đức Mẹ vào ngày 8 tháng 9 có lẽ bắt nguồn từ Giêrusalem. Vào thế kỷ V, một ngôi nhà thờ được cất lên vào chỗ mà theo tục truyền bà Anna đã sinh con. Người ta đoán rằng ngôi nhà thờ này được cung hiến vào ngày 8 tháng 9; cũng tương tự như lễ dâng Đức Mẹ vào đền thờ được mừng vào ngày 21 tháng 11 vì kính nhớ lễ cung hiến một thánh đường tại Giêrusalem năm 543. Một giả thuyết khác thì cho rằng bên Đông phương trước kia, ngày 8 tháng 9 trùng vào những ngày đầu năm dân sự, và người ta muốn nhớ đến Đức Mẹ trong ngày đó. Từ Đông phương, lễ sinh nhật Đức Mẹ được truyền bá sang Tây phương vào khoảng giữa thế kỷ VI hoặc đầu thế kỷ VII.
Sau khi đã bàn đến khía cạnh lịch sử và phụng vụ của lễ sinh nhật Đức Mẹ, xin cha cho biết thêm khía cạnh thần học của lễ này?
Dưới khía cạnh thần học, chúng ta có thể nêu bật hai điểm. Thứ nhất, liên quan đến bản thân của Đức Maria. Từ lễ sinh nhật Đức Mẹ, dần dần người ta cũng mừng lễ bà Anna thụ thai, chín tháng trước đó (nghĩa là ngày 8 tháng 12). Từ lòng quý mến muốn nhắc nhớ hết các biến cố cuộc đời Đức Maria, dần dần các nhà thần học đặt vấn đề về việc vô nhiễm nguyên tội. Như chị đã biết, ngày nay lễ Đức Mẹ vô nhiễm nguyên tội được cử hành trọng thể ngày 8 tháng 12, chín tháng trước sinh nhật của Người. Điểm thứ hai liên quan đến lịch sử cứu độ. Lời nguyện phụng vụ ngày lễ Sinh Nhật Đức Mẹ đã chúc tụng Thiên Chúa vì chương trình cứu chuộc nhân loại. Kế hoạch này đã dự tính từ muôn thuở nhưng được thực hiện tiệm tiến qua dòng lịch sử, với cao điểm là biến cố Nhập thể của Đức Kitô. Như vậy, ngày sinh nhựt của Đức Maria được coi như kết thúc giai đoạn chuẩn bị cho biến cố đó: người thân mẫu đã ra đời, bây giờ chỉ còn chờ đến lượt Đấng Cứu tinh.
Lm. Giuse Phan Tấn Thành, op.