Ngày 24/4: Thánh Phiđen Díchmarinh ngân, linh mục, tử đạo (1578-1622)

 

Ngày 24 tháng 4

Thánh Phiđen Díchmarinh ngân,

linh mục, tử đạo (1578-1622)

Lễ nhớ tùy chọn

1. Ghi nhận lịch sử – Phụng Vụ

Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XIV tôn phong ngài làm thánh tử đạo năm 1746. Lễ tưởng nhớ ngài liên quan đến các cuộc tranh cãi tôn giáo khiến các Giáo hội đối nghịch nhau và các Kitô hữu bị phân rẽ tại châu Âu vào thế kỷ XVII.

Markus Roy sinh tại Sigmaringen, nước Đức, con trai ông thị trưởng. Ngài theo học ở Fribourg-en-Brisgau, đỗ cử nhân luật và triết học. Sau khi chu du khắp châu Âu, ngài hành nghề luật sư tại Colmar rồi vào Dòng anh em Hèn mọn Capucin ở Fribourg lúc ba mươi bốn tuổi và mang tên Fidèle. Người dấn thân rao giảng Tin Mừng và làm việc Tông Đồ với tư cách tuyên úy quân đội cho các đạo quân của hoàng đế nước Áo. Sau cùng, Hội truyền bá Đức tin ở Rôma phái người sang Rhétie để củng cố đức tin của các Kitô hữu tại đó chống lại lạc thuyết Calvin. Ở đây, ngài giúp bá tước Rodolphe de Salis trở lại đạo Công giáo.

Tại vùng Grisons thuộc Thụy Sĩ – nơi đây quyền hành nước Áo được thiết lập rất bền vững – sắc chỉ của Hoàng đế nghiêm cấm người dân theo đạo Tin lành. Điều này đã tạo sự phản đối mãnh liệt nơi những nông dân theo Calvin. Dưới sự chỉ đạo của một mục sư – về sau sẽ trở lại đạo – họ đã giết thánh nhân ngày 24 tháng 4 năm 1622, tại cửa nhà thờ Seewis trong quận Grison, nơi ngài đang hoạt động truyền giáo. Một ngày nọ, khi được mời theo giáo phái Calvin, ngài trả lời: “Tôi đến đây để chống lạc giáo chứ không phải để tiếp nhận lạc giáo”. Lúc ngã gục dưới các nhát gươm của lý hình, ngài đã kịp cầu nguyện như Đức Giêsu trên thập giá: Lạy Cha, xin tha thứ cho chúng …

2. Thông điệp và tính thời sự

a. Đời thánh Fidèle thấm nhuần tình bác ái. Ngài được gọi là “luật sư của người nghèo” khi hành nghề tại Colmar và nhiệt thành yêu mến Chúa (lời nguyện đầu lễ) sau khi dấn thân vào đời sống tu trì và hiến trọn đời cho Thiên Chúa và tha nhân.

– Khi phong thánh cho người, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XIV đã ca tụng lòng bác ái của ngài như sau: “Như một người cha, thánh nhân đã ôm lấy những người khốn khổ vào lòng, và nuôi nấng vô số người nghèo nhờ những của bố thí quyên góp được từ khắp nơi. Thánh nhân đem những gì các người quyền thế và các ông hoàng giúp đỡ mà săn sóc các cô nhi quả phụ…Trong mức độ có thể, người đã không ngừng trợ giúp những kẻ bị cầm tù, cả về tinh thần lẫn vật chất. Thánh nhân ân cần thăm viếng các bệnh nhân…” (Bài đọc – Kinh sách).

b. Thánh nhân giàu lòng bác ái nên cũng nhiệt thành “truyền bá đức tin” (lời nguyện). Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XIV nói trong các cuộc truyền giáo ban đầu cho giới bình dân, sau đó cho người Tin lành tại Grisons: “Ngoài tấm lòng bác ái như thế, thánh Fidèle còn là người trung tín, cả trong tên gọi lẫn trong đời sống, là người nổi bật về lòng nhiệt thành bênh vực đức tin Công giáo. Thánh nhân rao giảng đức tin ấy, không biết mệt. Ít ngày trước khi đổ máu để làm chứng cho đức tin, thánh nhân đã để lại những lời dưới đây như một di chúc: Ôi đức tin Công giáo ! Đức tin chắc chắn, vững vàng sâu xa biết dường nào… Điều gì thúc đẩy các Kitô hữu chân chính dám dẹp bỏ những dễ dãi, khước từ nếp sống tiện nghi mà cam lòng chịu đựng những gian lao vất vả? Thưa chính là đức tin sống động, đức tin hành động nhờ đức ái” (Bài đọc-Kinh sách).

 

bài liên quan mới nhất

Thứ Bảy tuần V Phục Sinh: "Các con không thuộc về thế gian, vì chính Thầy đã chọn các con khỏi thế gian"

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng