Nếu hạt lúa mỳ không chết đi

“Hôm nay, trong nhà thờ chính tòa, tiếng máu của một linh mục đang kêu lên: Rafael Palacios!”

Những khuôn mặt nhuốm màu nước mắt lắng nghe bên trong nhà thờ San Salvador, thủ đô của El Salvador. Đức Tổng Giám mục Oscar Romero đang giảng trong Thánh lễ an táng Cha Rafael, một linh mục Công giáo vừa bị lực lượng chính phủ giết chết vào ngày 20 tháng 6 năm 1979.

“Trong sự im lặng hoàn toàn của mình, Cha Rafael tố cáo tội lỗi của thế giới; nhưng tôi cũng sẽ nói với sự kính trọng: tố cáo tội lỗi của Giáo Hội”, Đức Tổng đã nói với những người đang lắng nghe mình.

El Salvador đang ở trên đỉnh điểm của cuộc nội chiến, với vài chục gia đình giàu có nắm quyền lực đối với chính phủ và quân đội và thậm chí có ảnh hưởng đến Giáo Hội Công Giáo. Năm linh mục và hàng trăm giáo lý viên giáo dân chống cự đã bị giết. Hàng triệu người Salvador khác đang quay sang tổng giám mục của họ để được hướng dẫn, họ hỏi ngài: “Tại sao họ lại giết cha Rafael? Sự thánh thiện Kitô giáo như thế nào ở một đất nước bị chia rẽ cách sâu sắc? Sẽ như thế nào để đi theo Chúa Giêsu khi các phe chính trị và kinh tế đang tạo ra sự mất đoàn kết trong Giáo Hội?”

Qua các bài giảng hàng tuần, Đức Tổng Giám mục Romero đã đưa ra các câu trả lời cho những câu hỏi này. Những câu trả lời không tránh khỏi những nguyên nhân của những việc làm sai trái nhưng mời gọi những trái tim hãy biến đổi.

Nhìn Thấy Khuôn Mặt Của Sự Bất Công. Oscar Arnulfo Romero y Galdámez sinh ngày 15 tháng 8 năm 1917 tại một ngôi làng nhỏ ở El Salvador. Một đứa trẻ hiếu học và yêu thích cầu nguyện, cậu vào chủng viện khi mới mười ba tuổi. Sau khi học thần học ở Rôma, cậu trở lại El Salvador trong những năm 1940 và bắt đầu chức vụ linh mục của mình. Trong hai mươi lăm năm tiếp theo, Romero được giao trách nhiệm với vô số các việc mục vụ tại nhà thờ chính tòa. Cha trở thành giám đốc của chủng viện và biên tập viên của tờ báo giáo phận.

Romero được biết đến như một linh mục khá truyền thống và đôi khi cha chỉ trích những linh mục đồng nghiệp làm việc chặt chẽ với người nghèo. Nhưng quan điểm của cha bắt đầu thay đổi khi cha được yêu cầu lãnh đạo giáo phận nông thôn Santiago de María với vai trò làm giám mục vào năm 1974. Sau đó, đức cha Romero đã được chỉ định thi hành nhiệm vụ “trở về quê nhà” để cắm rễ. Để tìm hiểu thêm về cuộc sống của người dân của mình, Romero đã đi bằng ngựa trong suốt giáo phận của mình. Đức cha tìm thấy những công nhân nhập cư không có chỗ để ngủ, vì vậy ngài mở các nhà thờ vào ban đêm để cho họ trú ẩn. Khi nhìn thấy những người nông dân, campesinos (những người đồng hương), làm việc nhiều giờ, ngài đến và cử hành thánh lễ trên những cánh đồng cà phê. Ngài gặp gỡ những công nhân được trả lương thấp hơn nhiều so với mức lương đủ sống, những đứa trẻ chết vì thiếu thuốc men và những người Công Giáo bị sát hại vì phản đối những bất công này. Tuy nhiên, giữa lúc này, đàn chiên của ngài vẫn đến với nhau để tìm hiểu về Kinh thánh và các học thuyết xã hội của Giáo Hội. Trái tim Romero đã được đánh động; sự mở lòng mình ra đã bắt đầu trong ngài.

Vào ngày 21 tháng 6 năm 1975, các lực lượng quân sự đã sát hại dã man năm người nông dân vô tội trong ngôi làng nhỏ Tres Calles. Romero đến nhanh nhất có thể để an ủi các gia đình. Đau buồn cho họ, đức cha đã phản đối sĩ quan chỉ huy quân đội địa phương. Đức cha hy vọng ​​sẽ được lắng nghe; vì mình là giám mục. Thay vào đó, ngài nhận được một lời cảnh báo: “Các áo nhà tu không chống đạn được”.

Dẫn Dắt Một Quốc Gia Chia Rẽ. Năm 1977, Romero trở thành tổng giám mục mới của San Salvador và đối diện với một tình huống gần như không thể. Sự chia rẽ trong nước chỉ tăng lên. Hàng ngàn nông dân đã tổ chức cải cách ruộng đất và lao động. Những người khác kêu gọi một cuộc cách mạng vũ trang. Đáp lại, các nhóm quân sự và bán quân liên kết với chính phủ đã bắt đầu một chiến dịch đàn áp đầy bạo lực. Trong tất cả các nhóm này, nhiều người vẫn thấy mình là người Công giáo trung thành.

Romero đã làm gì? Đức cha đã được đặt tên là tổng giám mục một phần nhờ sự hỗ trợ mạnh mẽ từ những người lãnh đạo giàu có và chính trị của đất nước vì họ tin rằng ngài sẽ ủng hộ hiện trạng. Họ sẽ sớm thất vọng ê chề.

Vào ngày 12 tháng 3, cha Rutilio Grande, một linh mục dòng Tên, một người bạn của Romero, đã bị sát hại cùng với hai người nông dân khi cha đang trên đường đi cử hành thánh lễ tại ngôi làng nhỏ của thành phố Aguilares. Cha Grande đã tận tụy với việc phục vụ và giúp đỡ các quyền lợi của những người nghèo – hoạt động có tính chất lật đổ nên điều này khiến cho cha bị chính phủ nhắm đến. Một lần nữa, Romero được gọi đến nơi xảy ra vụ án mạng thương tâm. Khi tiếp cận ba cơ thể tối hôm đó, Đức tổng giám mục Romero bị suy xụp.

Đức Tổng biết cha Grande. Ngài biết cha ấy là một linh mục trung thành sâu sắc. Romero đứng im lặng một lúc lâu. Ngài không biết phải nói gì hay làm gì. Những người nông dân của Aguilares đã nói về công việc của cha Grande và họ tin rằng Chúa Giêsu sẽ tiếp tục ở với họ. Romero lắng nghe họ cách cẩn thận. Ngài dành thời gian trong nhà nguyện chầu Thánh Thể. Tuần đó, ngài đã đưa ra một thông báo gây tranh cãi: tất cả các Thánh lễ của giáo xứ sẽ bị hủy bỏ vào Chúa nhật tuần sau. Sẽ có một Thánh lễ, Lễ Misa duy nhất, cho toàn bộ giáo phận tại nhà thờ chính tòa. Giáo Hội sẽ đứng vững như một người dám khẳng định việc làm chứng ​​của Cha Grande.

Hơn một trăm ngàn người đã đến nhà thờ chính tòa vào Chúa nhật tuần đó. Romero chào đón họ và vui mừng trước sự hiện diện của họ. Ngài tha thiết mời gọi họ: “Hãy hợp nhất trong sự thật đích thực của Phúc Âm” và ngài trấn an họ rằng ngài đã ở với họ. “Ai tấn công một trong những linh mục của tôi, chính là tấn công tôi”.

Romero: Mục Tiêu. Trong ba năm tiếp theo, Romero trở thành một người bảo vệ nhiệt tình và can đảm của những người nghèo khổ và bị áp bức. Sự nổi tiếng của Đức Tổng giám mục trong lòng những người dân tăng lên rất nhiều. Ngài đã được biến đổi từ một con người nhút nhát và rụt rè thành một tiếng nói tiên tri đòi hỏi nhiều hơn về con người và đất nước của ngài. Các bài giảng của Romero đã trở thành chương trình radio phổ biến nhất của đất nước mỗi tuần. Người ta nói rằng bạn có thể đi bộ qua bất kỳ ngôi làng nhỏ nào ở El Salvador và theo dõi bài giảng của Romero khi nó phát ra từ mọi cửa sổ của mỗi nhà.

Tuần này qua tuần khác, Romero công bố một thông điệp nhất quán. Một xã hội không bảo vệ quyền của những người dễ bị tổn thương nhất thì không phải là một xã hội Kitô giáo; một xã hội không bảo vệ những người bị áp bức thì không thể phản ánh ánh sáng của Chúa Kitô. Và điều tương tự cũng đúng với Giáo Hội. Romero đã không khoan nhượng: “Một Giáo Hội không tham gia với người nghèo để lên tiếng thay cho người nghèo và chống lại những bất công đã cam kết chống lại họ thì không phải là Giáo Hội chân chính của Chúa Giêsu Kitô”.

Lời rao giảng này đã khiến nhiều người chống lại Romero. Các phong trào cách mạng chỉ trích ngài không ủng hộ lời kêu gọi bạo lực của họ. Trong những tháng đầu năm 1980, các lực lượng phù hợp với chính phủ và quân đội đã tạo ra nhiều mối đe dọa đối với cuộc sống của ngài. Mỗi lần Romero lên xe, sự sống của ngài đều gặp nguy hiểm. Nhưng Romero từ chối đề nghị trốn tránh bằng cách rời khỏi đất nước. Thậm chí Đức Tổng còn nói với một phóng viên rằng nếu ngài bị giết, ngài muốn những kẻ giết mình biết rằng ngài yêu họ và tha thứ cho họ.

Tuy nhiên Đức Tổng Romero cũng sợ hãi. Trong tuần đầu tiên của Mùa Chay, Romero đã đi tĩnh tâm và dành nhiều thời gian với cha giải tội của mình. Ngài than thở về sự chia rẽ giữa các giám mục của đất nước, một số người đã yêu cầu ngài bãi nhiệm. Ngài tìm kiếm để hướng dẫn về cách phục vụ các linh mục của mình cách tốt hơn. Và ngài đã cầu xin Chúa đến gần ngài nếu cuộc đời của ngài kết thúc đột ngột. Ngài viết trong nhật ký của mình rằng cho đến lúc đó “mối quan tâm chính của tôi sẽ trở nên đồng nhất với Chúa Giêsu mỗi ngày”.

“Tôi cầu xin các ông … Hãy ngừng!” Thứ bảy, ngày 22 tháng 3, Romero dành buổi tối để thảo luận về bài giảng ngày hôm sau của mình với các luật sư và linh mục về nhân quyền trong giáo phận. Những người bạn này nói với Đức Tổng rằng sứ điệp của ngài có thể bị coi là mưu phản nhưng để tùy ngài quyết định những gì ngài nên nói. Như ngài thường làm vào các tối thứ bảy, ngài dành phần lớn thời gian ban đêm để cầu nguyện. Ngày hôm sau ngài kiên quyết vào nhà thờ chính tòa.

Khi kết thúc bài giảng dài về sự cứu rỗi của Kitô giáo, Đức Tổng đã đưa ra lời nài xin khẩn thiết đối với các lực lượng vũ trang của quốc gia. Ngài kêu gọi họ tuân theo lương tâm của họ, tuân theo luật pháp của Thiên Chúa hơn là một mệnh lệnh bất công để giết những người dân vô tội. Được củng cố bởi những tràng pháo tay trong thánh đường, Romero từ từ đi đến lời kêu gọi cuối cùng của mình: “Nhân danh Thiên Chúa và nhân danh những con người đau khổ này, những lời kêu van lên trời mỗi ngày càng náo động hơn, tôi xin các ông, tôi cầu xin các ông, tôi ra lệnh cho các ông nhân danh Chúa: Hãy ngừng sự đàn áp!” Với những lời này, Romero vô tình kích hoạt một kế hoạch đã được thực hiện từ lâu để giết ngài.

Tối hôm sau, Đức Tổng đang giảng trong Thánh lễ tại trung tâm tế bần nơi ngài sống. Nhớ đến việc làm chứng ​​của những người đã chết, ngài nhắc nhở khán giả của mình rằng mọi Kitô hữu phải sẵn sàng từ bỏ tất cả vì Chúa Kitô. “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12,24). Khi kết thúc bài giảng của mình, một chiếc xe hơi chạy ra ngoài nhà nguyện. Một người bắn tỉa quân sự bước ra và bắn Tổng giám mục Romero tại bàn thờ. Ngài chết trong vòng vài phút.

Thiên Chúa Ở với Người Nghèo của Người. Gần như ngay lập tức sau khi Đức Tổng giám mục qua đời, người Salvador đã tuyên bố ngài là Thánh Romero của Châu Mỹ. Nhiều người nhắc lại câu nói: “Nơi Tổng giám mục Romero, Thiên Chúa đã đi qua El Salvador”. Vào ngày 14 tháng 10 năm 2018, ngài được Giáo Hội Công Giáo chính thức phong thánh.

Oscar Romero là một tiếng nói mạnh mẽ chống lại sự bất công. Ngài đã gần gũi với những người đau khổ. Ngài đã xúc động bởi những câu chuyện của họ và sự trung thành của họ với Chúa Giêsu. Trong một quốc gia bị chia rẽ sâu sắc, ngài nói rằng con đường tiến tới sự hiệp nhất thực sự là một cam kết sâu sắc và không khoan nhượng đối với cuộc sống của người nghèo. Cuộc sống và cái chết của Romero kêu gọi tất cả các Kitô hữu, những người thấy mình ở giữa sự chia rẽ để đoàn kết xung quanh một mối quan tâm chung cho những người nghèo và những người dễ bị tổn thương.

Đến gần hơn với những người đang đau khổ là một cách hữu hình để đến gần với Chúa Giêsu hơn. “Chay tịnh” khỏi những lo lắng của chúng ta, chúng ta dành chỗ để mang những gánh nặng mới mà Chúa Giêsu cho phép chúng ta mang theo để tình yêu của Chúa có thể nâng những người khác lên.

Todd Walatka giảng dạy thần học tại Đại học Notre Dame.

Theo The Word Among Us
Lent 2019 Issue
Chuyển ngữ:  Sr. Maria Trần Thị Ngọc Hương

bài liên quan mới nhất

Thứ Tư tuần VII Phục Sinh: “Để chúng được nên một như Ta”

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng