María Felicia, sinh ngày 12 tháng 1 năm 1925 ở Guairá, Paraguay, trong một gia đình giàu có với bảy người con. Cha mẹ thường gọi cô bằng một cái tên thân thương Chiquitunga vì thân hình mảnh mai của cô. Lên năm tuổi cô được đưa tới trường học. Ở đây ngoài việc học đọc, học viết cô còn được giáo dục đức tin. Những gì cô học được ngay lập tức được đem ra áp dụng thực tế. Ví dụ trong việc thi hành bác ái; một lần trên đường trở về nhà cô gặp một em bé đang bị cảm lạnh, cô tặng ngay cho bé áo len, một món quà cô rất yêu quý vì đã nhận được từ người cha.
Từ khi được rước Chúa Giêsu Thánh Thể, cô quyết tâm tiến xa hơn trên con đường thiêng liêng: Viếng Chúa Giêsu mỗi ngày trong Nhà tạm của giáo xứ hay nhà nguyện của trường học. Cô thường đi một mình hoặc mời bạn bè đi cùng. Cô tham dự Thánh lễ vào mỗi buổi sáng, mặc dù cô phải thực hiện điều này một cách nhanh chóng vì không có nhiều thời gian.
Từ năm 14 tuổi, cô đã dâng hiến cuộc đời cho việc cầu nguyện và việc tông đồ. Cô nuôi dưỡng đức tin của mình bằng những lần chầu Bí Tích Thánh Thể, cầu nguyện về đêm và đọc Kinh Mân Côi. Và khi cô mười sáu tuổi, phong trào Công giáo Tiến hành được khôi phục tại Paraguay, cô tham gia một cách nhiệt tình, cống hiến vô điều kiện cho trẻ em, người trẻ, người già và người bệnh, ngay cả khi cô gặp sự chống đối của gia đình.
Trong khi ở với gia đình cô là người luôn sẵn sàng với mọi người, luôn làm cho mọi người vui bằng những nụ cười và những sáng kiến dễ thương. Một người thân kể lại: “Trong ngày sinh nhật của người cha cô đã thay đổi lời của những bài hát nổi tiếng và cho mỗi người một mẩu giấy với nội dung mới để hát. Nội dung của bài hát luôn làm cho mọi người cảm nhận được niềm vui và tình yêu mà cô muốn trao ban cho mọi người”. Cô còn là người luôn xây dựng niềm hy vọng giữa những đổ nát, thất bại chiến tranh. Năm 1947, một cuộc nội chiến nổ ra, người cha và anh trai bị trục xuất sang Argentina. Những khó khăn về kinh tế từ đó cũng nảy sinh, đến mức căn nhà của gia đình bị thế chấp, thêm vào đó cô còn gặp nhiều vấn đề khó khăn trong việc học. Trong tất cả điều này, cô đã không mất hy vọng, mời tất cả mọi người chấm dứt cuộc chiến thông qua sự tha thứ và hòa giải.
María Felicia còn được mọi người biết đến với một phong cách giản dị: mái tóc đen dài đơn giản không cầu kỳ, không trang điểm hoặc mang giày cao gót. Trang phục yêu thích của cô là chiếc tạp dề trắng, giải thích cho bộ trang phục này cô nói rằng với bộ trang phục như thế nó giúp cô nhớ đến sự cần thiết phải có của một linh hồn tinh khiết; và một lý do khác nữa là nếu cô mặc những bộ trang phục phù hợp với tầng lớp xã hội của cô, có nguy cơ làm cho cô xa những người nghèo yêu quý của cô.
Trong một Hội nghị của phong trào Công giáo Tiến Hành gần Asunción. María Felicia đã gặp Ángel Saua Llanes, tốt nghiệp Y khoa và con trai của một người nhập cư Hồi giáo từ Syria. Họ trở thành bạn của nhau vì cùng có chung một lý tưởng là chăm sóc những người bệnh tật, người nghèo. Dần dần có một tình cảm đặc biệt nảy sinh giữa hai người. Maria Felicia cầu nguyện thật nhiều về mối quan hệ này, cô muốn biết ý Chúa như thế nào trên cuộc đời cô: kết hôn hoặc không. Chúa đã đáp lại lời nguyện của cô; câu trả lời đến một cách đáng ngạc nhiên, bằng chính miệng của Ángel Sauá. Một ngày tháng 5 năm 1951, anh nói với cô và xin cô giữ bí mất là anh đã quyết định trở thành một linh mục. Sau khi nghe một cách cẩn thận, cô hứa với anh sẽ giữ bí mật và sẽ làm bất cứ điều gì có thể để giúp anh thực hiện giấc mơ. Cô cầu nguyện nhiều cho anh, ngoài ra cô viết cho người bạn nhiều bức thư để khuyến khích anh. Vào ngày 16 tháng 11, Sauá báo cho cô biết anh sẽ vào chủng viện. Việc gia nhập chủng viện của Saua đã làm cho người cha giận dữ bỏ nhà ra đi, đe dọa chỉ trở về nhà nếu con trai trở lại. Nhưng rồi ông trở đã trở về trước sự ngạc nhiên của mọi người, tất cả đều cho rằng dường như đây là một phép lạ, một phép lạ có được từ những lời cầu nguyện.
Về phần mình María Felicia tới thời điểm đó vẫn chưa có sự xác định rõ ràng về ơn gọi. Sau đó nhờ sự đồng hành phân định của nữ tu Teresa Margherita dòng Thánh Tâm và đặc biệt sau khi tham dự khóa linh thao, Maria Felicia đã quyết định dứt khoát gia nhập đan viện Cát Minh. Thế nhưng cô lại gặp sự phản đối của người cha và thêm vào đó cô lại không được sự ủng hộ của một số thành viên của Phong trào Công giáo Tiến hành, bởi vì họ thấy cô hoạt động rất tốt cho phong trào, không có cô Phong trào sẽ bị thiệt thòi. Nhưng cô đã quyết định một điều mà trước đây chỉ ít lâu cô nói “một cuộc sống thinh lặng sẽ giết tôi”, cô tự giới hạn cuộc sống của mình ở giữa bốn bức tường. Mẹ Têrêsa Margherita bề trên đan viện nói về ứng sinh mới: “Trong sơ có một tinh thần vĩ đại của hy sinh, yêu thương và quảng đại”, được thể hiện qua “sự hiền lành và niềm vui giao tiếp, luôn sống động và vui tươi”. Dầu vậy, trước khi nhận tu phục, vị nữ tu trẻ còn có những băn khoăn: còn biết bao nhiêu điều thế giới đang cần cô, vì vậy cô không được đóng kín nó sau lưng. Nhưng rồi nhờ cầu nguyện sơ đã vượt qua đêm tối của đức tin.
Sơ bị bệnh, một căn bệnh hiểm nghèo mà chính người em là một bác sĩ cũng không thể chữa cho sơ được mặc dù đã hết sức cố gắng. Người nữ tu trẻ phải chịu đau khổ rất nhiều về căn bệnh nhưng trên gương mặt không bao giờ mất đi nụ cười. Sơ qua đời vào ngày 28 tháng 4 năm 1959, ở tuổi 34 trước bao nhiều niềm tiếc thương của mọi người.anni Morì il 28 aprile 1959, a 34 anni
ĐTC Phanxicô, trong một buổi nói chuyện với các bạn trẻ Paraguay đã nhắc đến María Felicia, Ngài nhấn mạnh rằng María Felicia chính là một mẫu gương mà mọi người có thể noi theo. Ngài nói: “María Felicia cũng giống như nhiều người khác, cho chúng ta thấy rằng hành trình Bát Phúc là một con đường viên mãn, một cuộc hành trình có thể thực hiện được. Họ là những người bạn và những người mẫu gương cho chúng ta, giờ đây họ đã chơi xong trong “sân” này, họ trở thành những người mà mọi người cho rằng không thể thiếu trong sân chơi. Họ là bằng chứng cho thấy Chúa Giêsu không phải là “người bán khói”, đề nghị của Ngài là trọn vẹn và có thể thực hiện được”.
María Felicia thực sự là một mẫu gương cho các bạn trẻ về đời sống cầu nguyện, về tình bạn thiêng liêng, về hoạt động tông đồ và trên hết là hiến dâng cuộc sống cho Thiên Chúa cho dù gặp phải những khó khăn.(Sismografo 4-4-2018)
Ngọc Yến
http://vi.radiovaticana.va