Lạy Chúa, xin ban thêm lòng tin cho con

Bạn có biết rằng có hơn 200.000 câu lạc bộ sức khỏe và thể dục trên toàn thế giới? Từ các doanh nghiệp địa phương như YMCA[1] trong khu phố của bạn đến các tập đoàn toàn cầu như Gold’s Gym[2], ngành này báo cáo doanh thu hàng năm ước tính khoảng 84 tỷ đô la. Rõ ràng, mọi người nhận thức được lợi ích của việc tập thể dục là thế nào!

Nhưng còn về tập thể dục tinh thần thì sao? Nếu việc xây dựng sức mạnh thể chất và khả năng chịu đựng của chúng ta là quan trọng, thì hãy tưởng tượng việc chúng ta liên tục làm việc để củng cố đức tin của mình còn quan trọng biết chừng nào. Khi đức tin của chúng ta mạnh lên, chúng ta trở nên những con người biết tha thứ hơn và sống bình an hơn. Đức tin mạnh mẽ dẫn đến lòng can đảm lớn hơn và niềm tin sâu sắc hơn vào Thiên Chúa. Và tốt nhất, nó làm cho chúng ta yêu thương nhiều hơn.

Trong hai bài báo trước, chúng ta đã xem xét đức tin của bốn người trong các Tin mừng: người phụ nữ bị băng  huyết, người ăn xin mù, người phong hủi và người phụ nữ tội lỗi. Mỗi người có một lòng tin mạnh mẽ và chủ động. Mỗi người đều mạo hiểm tìm kiếm Chúa Giêsu và cầu xin Chúa chữa lành vết thương của mình và mỗi người đều đã được thưởng. Chúa Giêsu nói với mỗi người trong số họ: “Lòng tin của con đã cứu chữa con”. Bây giờ trong bài viết này, chúng ta muốn xem xét bốn cách mà chúng ta có thể củng cố đức tin của mình. Chúng ta muốn xem làm thế nào để thực hiện đức tin của chúng ta theo những cách này có thể đưa chúng ta đến gần hơn với việc cứu độ và sự đụng chạm chữa lành của Chúa Giêsu.

1. Hãy Cầu Xin Nhiều Hơn. Từ tin có thể có nhiều sắc thái ý nghĩa khác nhau. Nhưng loại niềm tin mà Chúa Giêsu khen ngợi là một điều gì đó hơn cả một sự đồng ý về lý trí rằng một điều gì đó là sự thật. Nó mang tính cá nhân nhiều hơn cả điều đó và nó tích cực hơn nhiều. Đó là loại đức tin thúc đẩy chúng ta hành động, một đức tin thúc đẩy chúng ta đóng góp một phần quan trọng trong cuộc sống của chúng ta vào việc nhận thức Chúa Giêsu là ai và những gì Người có thể làm trong cuộc sống của chúng ta.

Loại đức tin này có nghĩa là không chỉ biết rằng Thiên Chúa là Đấng tốt lành hay nói chung là Thiên Chúa yêu thương nhân loại. Điều đó có nghĩa là nhận biết rằng Thiên Chúa yêu thương bạn. Điều đó có nghĩa là tin tưởng rằng Chúa Giêsu không muốn gì hơn ngoài điều tốt cho bạn và Chúa vui thích chữa lành vết thương cho bạn và đưa bạn vào một mối quan hệ mới với Người. Điều đó cũng có nghĩa là tin tưởng rằng ngay cả khi bạn không nhận được sự chữa lành thể xác chính xác mà bạn đang cầu xin, thì Chúa Giêsu vẫn đang chữa lành tâm hồn bạn, Người vẫn đang loại bỏ nỗi sợ hãi, lo lắng, cay đắng hoặc sự bất lực.

Đây không phải là loại đức tin mà chúng ta có thể tự mình có được; Đó là một quà tặng từ Thiên Chúa. Thực vậy, đức tin như thế này thường không tuân theo tính logic của con người. Ở một cấp độ nào đó, chúng ta có thể nói rằng thật phi lý khi người phụ nữ bị băng huyết nghĩ rằng chỉ cần chạm vào một mảnh vải có thể ngăn chặn sự chảy máu không ngừng của bà ấy. Nhưng ở cấp độ sâu hơn, nó hoàn toàn hợp lý. Tác giả Máccô nói với chúng ta rằng bà đã nghe về Chúa Giêsu và những câu chuyện mà bà nghe được đã thuyết phục bà rằng Chúa Giêsu có thể chữa lành cho bà. Do đó, nó không chỉ là lý luận hợp lý của bà. Chính sự suy luận của bà kết hợp với một niềm tin bên trong đã thúc đẩy bà tiếp cận với Chúa Giêsu. Niềm xác tín bên trong đó, hướng về Chúa Giêsu, đến từ Chúa Thánh Thần.

Đâu là những loại bệnh cần được chữa lành mà bạn đang tìm kiếm trong năm nay? Đó có thể là một căn bệnh hoặc tình trạng y tế. Đó có thể là một lối sống tội lỗi mà bạn khó có thể bỏ đi. Đó có thể là một cảm giác tội lỗi hoặc xấu hổ từ một tội lỗi trong quá khứ. Hoặc đó có thể là vết thương gây ra cho bạn bởi tội lỗi hay sự bất cẩn của ai đó. Bất kể đó là gì, Chúa Giêsu có thể mang lại cho bạn sự tự do và bình an. Nếu bạn cảm thấy nghi ngờ, hãy xin có đức tin để tin. Bạn hãy cầu xin Chúa ban cho bạn thêm ân sủng của Người để bạn có thể đặt cuộc sống của bạn trong bàn tay Người cách trọn vẹn hơn.

2. Hãy Kiên Trì Cầu Nguyện. Khi muốn dạy các môn đệ của mình cách cầu nguyện cho những điều họ cần, Chúa Giêsu đã kể một câu chuyện ngụ ngôn về một góa phụ không ngừng tìm kiếm công lý từ một thẩm phán tham nhũng, thờ ơ. Cuối cùng, góa phụ này đã thắng thế vì bà đã không ngừng cầu xin. Sau đó, Chúa Giêsu hỏi: Nếu cuối cùng vị thẩm phán không ngay thẳng này đã quyết định phân xử (có lợi cho bà góa), chẳng kẽ bạn không nghĩ rằng Thiên Chúa sẽ nghe và trả lời chúng ta khi chúng ta kêu cầu Người sao?

Nhưng Chúa Giêsu không muốn chúng ta nghĩ rằng chúng ta có thể có được bất cứ điều gì chúng ta muốn chỉ bằng cách quấy rầy Chúa. Đó là lý do tại sao Chúa kết thúc bằng cách hỏi một câu hỏi thâm thúy: “Khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng?” (Lc 18,8). Chúa Giêsu liên kết việc cầu nguyện bền bỉ với đức tin. Về bản chất, Chúa Giêsu đang nói với chúng ta rằng những lời cầu nguyện của chúng ta nên đến từ một lòng tín thác và tin tưởng. Chúa Giêsu đang nói với chúng ta rằng lời cầu nguyện tốt nhất có thể có mà chúng ta có thể thực hiện là lời cầu nguyện của Mẹ Ngưới, Đức Maria: “Xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1,38). Đó cũng giống như lời cầu nguyện: “Xin cho triều đại Cha mau đến, ý Cha được thực hiện” và “xin đừng làm theo ý con mà làm theo ý Cha” (Mt 6,10; Lc 22,42).

Vì thế, sự kiên trì mà Chúa Giêsu đang tìm kiếm là loại người luôn cầu nguyện: “Lạy Chúa, Chúa biết com muốn sự chữa lành này. Chúa biết con đang đau đớn đến mức nào. Nhưng con tin rằng Chúa biết điều gì tốt nhất cho con và vì thế con xin phó dâng chính mình con cho Chúa”.

Chúng ta biết cuộc sống tinh thần có thể bị thách thức như thế nào. Đây là lý do tại sao Chúa Giêsu bảo chúng ta hãy tiếp tục xin, tìm kiếm và gõ cửa. Chúa Giêsu biết không dễ dàng để chúng ta có thể đặt nhu cầu của chúng ta vào bàn tay Thiên Chúa – chúng ta thích nhận chúng lại và cố gắng tự mình giải quyết mọi việc.

Vì thế, hãy không ngừng cầu xin Cha trên trời ban cho bạn sự chữa lành mà bạn cần! Nhưng đồng thời,  hãy không ngừng cầu xin Người làm sâu sắc thêm niềm tin của bạn. Hãy tiếp tục cầu nguyện, giống như người góa phụ cố chấp đã làm và xem cách Chúa thay đổi không chỉ tình huống của bạn mà cả tâm hồn của bạn nữa. Chúa có thể không cho bạn chính xác sự chữa lành mà bạn đang cầu xin, nhưng chắc chắn Chúa sẽ kéo bạn lại gần bên Người và tuôn đổ ân sủng của Người – có thể theo những cách tuyệt vời hơn nhiều so với điều bạn đang cầu xin.

3. Ăn Năn Tội Lỗi. Không có gì ngăn cản kinh nghiệm của chúng ta về quyền năng chữa lành của Thiên Chúa ghê gớm hơn tội lỗi. Mỗi sự vi phạm, mỗi hành động ích kỷ hoặc không vâng lời, giống như một lớp gạc mỏng trên trái tim của chúng ta. Nếu chúng ta không giải quyết những tội lỗi này, các lớp gạc ấy sẽ chồng chất lên và tạo ra một rào cản ngày càng mạnh mẽ hơn giữa chúng ta và Thiên Chúa. Hoặc là cuối cùng chúng ta sẽ cảm thấy quá tội lỗi đến nỗi chúng ta sẽ nghĩ rằng Chúa Giêsu không còn yêu thương chúng ta nữa, hoặc lương tâm của chúng ta sẽ trở nên u ám đến nỗi chúng ta sẽ không nhận ra rằng chúng ta đang xa Chúa biết chừng nào ngay cả khi chúng ta đang đi lang thang. Và chúng ta càng xa Chúa, chúng ta càng khó mở lòng mình ra với quyền năng chữa lành của Người.

Đây là lý do tại sao sự ăn năn hàng ngày và việc cử hành Bí tích Hòa giải thường xuyên rất quan trọng. Chúa Giêsu yêu cầu chúng ta thú nhận tội lỗi của chúng ta bởi vì Chúa không muốn chúng ta cảm thấy bị ràng buộc trong cảm giác tội lỗi hoặc vì Chúa  muốn đánh bại chúng ta. Thực ra, Chúa muốn giải thoát chúng ta. Chúa muốn chữa lành chúng ta, cả về tinh thần cũng như thể xác. Trong thực tế, sự chữa lành thể lý thường theo sau khi sự chữa lành tâm linh. Đây là lý do tại sao Thánh Giacôbê tha thiết khuyên nhủ chúng ta: “Anh em hãy thú tội với nhau và cầu nguyện cho nhau để có thể được chữa lành” (Gc 5,16). Thánh nhân biết rằng bằng cách xóa bỏ những rào cản tâm linh của tội lỗi, chúng ta đang mở đường cho Thiên Chúa đến gần chúng ta hơn và chữa lành chúng ta.

Hãy nghĩ về người phụ nữ tội lỗi từ Tin Mừng Luca chương 7. Chúa Giêsu có thể nói rằng người phụ nữ này đã bị xúc động bởi sứ điệp về lòng thương xót và tha thứ của Chúa. Thực vậy, chính trải nghiệm được tha thứ này đã thúc đẩy chị đến xức dầu chân Chúa Giêsu và khóc những giọt nước mắt của lòng biết ơn đối với Chúa. Bởi vì chị đã từ bỏ cuộc sống quá khứ của mình, chị cảm thấy đủ tự do để xuất hiện trước sự hiện diện của Chúa Giêsu và tôn thờ Người. Sự tự do đó cho phép chị nghe được lời hứa của Chúa rằng: chị không chỉ được tha thứ mà còn được cứu độ và được chữa lành!

Vì thế, đừng để cho bất kỳ tội lỗi nào tồn tại giữa bạn và Chúa. Nếu tội lỗi đó đã kìm hãm bạn quá lâu, hãy đi xưng tội và đến ngay với Chúa. Hãy ăn năn và bạn sẽ trải nghiệm được sức mạnh lòng thương xót của Chúa Giêsu để chữa lành và phục hồi bạn.

4. Hãy Tự Tin. Cuối cùng, hãy tự tin! Hãy yên tâm rằng Cha của bạn ở trên trời biết bạn cần gì ngay cả trước khi bạn cầu xin (x. Mt 6,8). Người sẽ không cho bạn một con rắn khi bạn xin một con cá; Người sẽ không cho bạn một con bọ cạp khi bạn xin một quả trứng (x. Lc 11,11-12). Chúa ao ước chữa lành cho bạn – thể xác và linh hồn của bạn – thậm chí còn hơn cả bạn mong muốn được chữa lành.

Do đó, mỗi ngày, khi bạn đến trước mặt Chúa, hãy xin Chúa ban thêm đức tin. Hãy cầu nguyện để được chữa lành, ngay cả khi bạn phải xin đi xin lại. Hãy ăn năn về bất cứ tội lỗi nào trong cuộc sống của bạn. Sau đó hãy tin tưởng rằng Cha của bạn lắng nghe bạn và biết chính xác những gì bạn cần.

Đây là loại “tập luyện tinh thần” giúp củng cố đức tin của bạn. Nó có thể giúp bạn bước vào sự hiện diện của Đấng có khả năng chữa lành vết thương cho bạn – và Đấng khôn ngoan thì biết chính xác cách thức và thời điểm thực hiện việc chữa lành ấy. Nguyện xin Thiên Chúa chúc lành cho bạn với ân sủng chữa lành của Người khi năm mới này đang mở ra.

Theo the Word Among us
January 2019 Issue
Chuyển ngữ: Sr. Maria Trần Thị Ngọc Hương

 

[1] YMCAHiệp hội Thanh niên Kitô giáo (Anh ngữ Young Men’s Christian Association –YMCA) là một tổ chức có hơn 58 triệu người đóng góp tại 125 chi hội cấp quốc gia. Tổ chức từ thiện này được thành lập vào ngày 6 tháng 6 năm 1844 tại Luân Đôn với mục tiêu ứng dụng các giá trị Kitô giáo vào nếp sống hằng ngày: Tâm linh thanh khiết, trí tuệ mẫn tiệp vàthân thể cường tráng. Ba yếu tố này được thể hiện bằng ba cạnh của tam giác màu đỏ – như là một phần trong logo của YMCA.

[2] Gold’s Gym: Gold’s Gym International, Inc. là một chuỗi tập thể dục quốc tế. Phòng tập thể dục đầu tiên của Gold được Joe Gold khai trương tại Venice Beach vào năm 1965. Gold đã bán chuỗi năm 1970. Tài sản hiện tại, TRT Holdings, đã mua Gold’s Gym vào năm 2004 với giá khoảng 158 triệu đô la. Hiện tại Gold’s Gym tuyên bố là chuỗi phòng tập lớn nhất thế giới, với hơn 620 phòng tập thể dục và 3 triệu thành viên ở 25 quốc gia. Công ty cũng đã cấp phép cho thương hiệu của mình để sản xuất thiết bị thể dục và may mặc. Trong số những người thường xuyên được đào tạo trong các phòng tập thể dục của Gold có Arnold Schwarzenegger, Franco Malè và Lou Ferrigno.

bài liên quan mới nhất

Thứ Sáu tuần IV Phục Sinh: “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống”

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng