hứ tư Tuần XXIII Thường niên-Phúc cho anh em là những người nghèo-

Lời Chúa: Lc 6, 20-26

Ðức Giêsu ngước mắt lên nhìn các môn đệ và nói: “Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa là của anh em. Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải đói, vì Thiên Chúa sẽ cho anh em được no lòng. Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải khóc, vì anh em sẽ được vui cười. Phúc cho anh em khi vì Con Người mà bị nguời ta oán ghét, khai trừ, sỉ vả và bị xoá tên hư đồ xấu xa. Ngày đó, anh em hãy vui mừng nhảy múa, vì này đây phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao. Bởi lẽ các ngôn sứ cũng đã từng bị cha ông họ đối xử như thế.” “Nhưng khốn cho các ngươi là những kẻ giàu có, vì các ngươi đã được phần an ủi của mình rồi. Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ bây giờ đang được no nê, vì các ngươi sẽ phải đói. Khốn cho các ngươi khi được mọi người ca tụng, vì các ngôn sứ giả cũng đã từng được cha ông họ đối xử như thế.”

Suy niệm:

Một học sinh nghèo trả lại chiếc bóp lượm được. 
Một giáo viên kiên trì theo đuổi nghề giáo. 
Một cán bộ về hưu trong cảnh thanh bạch. 
Một bạn nữ bỏ chỗ làm có thu nhập cao… 
Một nhân viên từ chối những đồng tiền hối lộ. 
Giữa cuộc sống khó khăn, 
vẫn có bao người không bị mê hoặc bởi bạc tiền. 
Họ chọn sống trong cảnh nghèo, 
lam lũ hơn, nhưng vui hơn và thanh thản hơn. 
Vẫn có bao người nếm được mối phúc của Tin Mừng: 
“Phúc cho anh em là những người nghèo khó, 
Vì Nước Trời là của anh em”.

Người đời thường coi hạnh phúc bắt nguồn 
từ giàu sang, no đủ, từ danh thơm tiếng tốt. 
Đức Giêsu đưa chúng ta đi vào một thế giới khác, 
với lối đánh giá khác, làm chúng ta ngỡ ngàng. 
Ngài cho các môn đệ của Ngài biết rằng: 
họ là những người có phúc, 
khi phải chịu nghèo đói, đau khổ, bách hại vì Ngài. 
Nước Trời đã thuộc về họ từ đây, 
và hạnh phúc sẽ trọn vẹn trong ngày sau hết.

Đức Giêsu đã sống những mối phúc trước chúng ta.
gài là một người thợ thủ công nghèo, 
Ngài biết đến sự dày vò của cơn đói, 
Ngài đã từng nhỏ lệ trước thành Giêrusalem, 
và đã chịu mọi khổ hình cho đến chết. 
Nhưng Đức Giêsu là con người hạnh phúc, 
vì biết mình luôn sống cho Cha và con người. 
Chúng ta cần có kinh nghiệm của Đức Giêsu: 
Nghèo của cải mà thật giàu Nước Thiên Chúa.

Đức Giêsu chúc phúc cho những môn đệ nghèo của Ngài, 
nhưng Ngài không ca ngợi sự bần cùng, lạc hậu. 
Cả cuộc đời Ngài là một hành vi cúi xuống 
để nâng dậy những ai nghèo sức khoẻ, nghèo niềm vui. 
Hôm nay Ngài muốn chúng ta 
đến với khu lao động, với lớp học tình thương, 
xóa đi cái nghèo tri thức, nghèo những ước mơ cao cả. 
Sự no đủ và niềm vui phải bắt đầu từ đời này. 
Ước gì chúng ta sống như Đức Kitô, 
tự nguyện trở nên nghèo hơn 
để làm giàu cho người khác (2 Cr 8,9).

Cầu nguyện:

Lạy Chúa,
xin cho con nhìn thấy những người nghèo
ở quanh con, ở trong gia đình con,
đang cần đến con.

Bất cứ ai cần đến con đều là người nghèo,
xin cho con thấy Chúa trong họ.

Dần dần con hiểu rằng
cả người giàu cũng nghèo,
nghèo vì cần thấy đời họ có ý nghĩa.

Dần dần con chấp nhận rằng
cả bản thân mình cũng nghèo
và cần đến người khác.

Lắm khi con cần một nụ cười, một ánh mắt,
một lời thăm hỏi đỡ nâng.

Cám ơn Chúa vì đã dựng nên chúng con
ai cũng nghèo về một mặt nào đó,
ai cũng cần đến người khác.
Như thế là chúng con được mời gọi sống cho nhau,
làm cho nhau thêm giàu có.

Cám ơn Chúa vì Chúa cũng nghèo,
vì Chúa rất cần đến chúng con
để hoàn thành công trình cứu độ.

Xin cho con khiêm tốn nhận mình nghèo
để nhận lãnh,
can đảm nhận mình giàu
để hiến trao. Amen.
 

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
------------------------
Suy niệm 2:

  1. Là phúc hay là họa ?

Lời của Đức Giê-su dường như ngược hẳn với những gì chúng ta quan niệm, thậm chí với những gì chúng ta ước ao : Điều mà chúng ta coi là phúc, thì Đức Giê-su lại mặc khải cho chúng ta rằng, đó là họa : chúng ta quan niệm giầu có là phúc, còn nghèo khó là họa ; nhưng Đức Giê-su nói ngược lại, giầu có là họa, con nghèo khó là phúc ; và cũng như vậy đối với no nê và đói khát, vui cười và khóc lóc, được ca tụng và bị sỉ vả.

Đức Giê-su thường nói : « Ai có tai để nghe thì nghe ». Nhưng mà đôi tai của chúng ta được ban cho không chỉ để nghe và dừng lại ở âm thanh, nhưng là đi vào chiều sâu của ý nghĩa, vốn được tạo ra bởi sự thinh lặng của qui luật liên kết các âm thanh. Vì thế chúng ta chỉ hiểu và cảm nếm những lời của Đức Giê-su, khi chúng ta vượt qua vẻ bên ngoài, để nhận ra ra khuôn mặt đích thật của con người (x. Tv 49) và hiểu dưới ánh sáng của mầu nhiệm Vượt Qua, và nhất để sống theo năng động của con tim, nhất là năng động yêu mến, yêu mến Đức Ki-tô và vì Đức Ki-tô ; như Ngài nói trong mối phúc thứ tư :

Phúc cho anh em, vì Con Người

 

  1. Các mối phúc và thân phận con người

Chúng ta thường hiểu các mối phúc mà Đức Giê-su công bố là lý tưởng vừa cao vừa khó, mà mỗi người chúng ta phải đạt được để trở nên thánh. Tuy nhiên, các mối phúc không ở bên ngoài chúng ta và cũng ở cách xa chúng ta, bởi vì các mối phúc mà Đức Giê-su công bố diễn tả chính căn tính đích thật của chúng ta, chính niềm khát khao sâu thẳm của chúng ta, chính niềm hạnh phúc bền vững của chúng ta.

  • Thật vậy, Đức Giê-su nói: “Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó”, “là những kẻ bây giờ đang phải đói”. Trong thân phận của con người, không ai trong chúng ta cảm thấy tự đủ trong cõi lòng mình; con người đến một lúc nào đó, đều cảm thấy mình nhỏ bé, mỏng manh, chóng qua, nghèo nàn và đói khát tận căn về mọi phương diện, nhất là lúc mới sinh ra và sắp sửa lìa đời, trả lại sự sống cho Chúa.
  • Đức Giê-su nói: “Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải khóc”. Ai trong chúng ta đã không một lần khóc lóc sầu khổ: khóc lóc sầu khổ cho thân phận sinh lão bệnh tử của mình, khóc cho số phận đầy thử thách, tai ương và bất hạnh, khóc và sầu khổ cho người khác, nhất là cho những người thân yêu, cho những người chịu thiệt thòi, bệnh tật, kém may mắn.

Như vậy, chính thân phận con người của chúng ta, không thêm và cũng không bớt, là một mối phúc, chứ không phải là mối họa hay hình phạt, cho dù chúng ta có một thân phận như thế nào, bất hạnh như thế nào; thân phận của chúng ta là con đường dẫn chúng ta đến điều Chúa hứa ban trong các mối phúc, đó là: Nước Thiên Chúa, được no thỏa và mừng vui.

Và thật bất hạnh cho những ai biến thành ngẫu tượng và cứu cánh đời mình, những gì chóng qua ở đời này: của cải, ăn uống và vui thú. Và để cho chúng ta tin tưởng và xác tín như thế, Đức Giê-su đã sống đến cùng thân phận con người, là chịu đóng đinh trên Thập Giá, để qua đó đi vào sự sống mới, sự sống Phục Sinh của Thiên Chúa Cha.

  1. Mối phúc “vì Con Người”

Ngoài ra, Đức Giê-su còn nói đến một mối phúc đặc biệt. Đặc biệt, vì nguyên nhân của mối phúc: đó là “vì Con Người”. Chúng ta có thể tự hỏi, tại sao lại “vì Con Người”? Kinh nghiệm của những người đi trước chúng ta trong đức tin, nhất là của các thánh tử đạo Việt Nam, sẽ giúp chúng ta hiểu tại sao lại « vì Con Người » ? Đó chính là kinh nghiệm hiểu biết, yêu mến, và không chỉ ước ao đi theo, nhưng còn muốn trở nên “đồng hình đồng dạng với Đức Kitô”, đó là kinh nghiệm chiêm ngắm ngôi vị của Ngài, và khi chiêm ngắm ngôi vị của Ngài như các Tin Mừng thuật lại cho chúng ta, chúng ta không thể không yêu mến Ngài và ước ao trở nên một với Ngài trong mọi sự (x. Phil 3, 7-9).Nhưng làm sao chúng ta có thể trở nên một với Ngài được, nếu trước đó, Ngài đã không mang lấy nhân tính và thân phận con người của chúng ta, không trở nên một với chúng ta qua Lời của Ngài, qua Mình Máu của Ngài ?

* * *

Trong cuộc Thương Khó, Đức Ki-tô trở nên nghèo khó nhất, đói khát nhất, khóc than nhất và bị sỉ nhục nhất. Nhưng chính lúc đó Ngài hạnh phúc nhất, vì làm cho khuôn mặt của Thiên Chúa Cha trở nên rạng ngời, làm cho Danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến, cho ý Cha được thể hiện, vì lòng yêu mến, yêu mến Cha, yêu mến loài người, yêu mến từng người chúng ta.

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

bài liên quan mới nhất

Thứ Sáu tuần VII Phục Sinh: “Con hãy chăn dắt các chiên mẹ và chiên con của Thầy”

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng