Họ quyết định là tín hữu kitô: “Tôi giận cha mẹ vì đã không cho tôi học đạo” (phần 2)

Cô Manoë, người tân tòng trẻ. Caen ngày 18 tháng 3-2024. Ảnh của Quentin Bassetti / Hans Lucas.

 Tuổi thơ tan vỡ

Cũng được rửa tội vào cuối tuần lễ Phục Sinh, cô Manoë Leroy bắt đầu đọc Kinh Thánh vì Anatole, một trong những người bạn thân của cô kể cho cô nghe về Kinh Thánh, cô nói: “Tôi thấy Anatole thay đổi nhờ tiếp xúc với tôn giáo, trước đây anh hay sinh sự, bây giờ tôi thấy anh tốt hơn”. Lúc đó cô gái trẻ gần 18 tuổi cảm thấy mình như ở dưới hố sâu. Manoë có một tuổi thơ tan vỡ, người cha bỏ đi; anh trai lang thang, nghiện ma túy, anh đã làm cho gia đình thành nơi đau khổ và bạo lực. Trong nhiều năm, cuộc sống của cô héo hắt giữa người mẹ quá sức chịu đựng và gánh nặng trách nhiệm. Năm Manoë đậu tú tài, mọi chuyện bung ra. Manoë, với mái tóc dài thẳng và móng tay màu hồng ngọc trai, phải đấu tranh với cảm giác trống rỗng và bất an khủng khiếp.

“Ngay khi tôi đọc cuộc đời Chúa Giêsu, tôi thấy có điều gì xảy ra trong tâm hồn tôi. Tôi tự nhủ, mình không cô đơn, còn có những người vĩ đại hơn mình. Dù những gì đã trải qua, tôi vẫn có thể tìm được sự giúp đỡ”.  Manoë Leroy

Đi đâu cô cũng mang theo Kinh Thánh. Cô mua quyển đó ở ngoại ô Caen gần nhà. Trên bãi biển, khi mẹ nằm tắm nắng dưới ánh mặt trời vùng Normandie, cô đọc đi đọc lại quyển Kinh thánh. Theo lời khuyên của Anatole, cô bắt đầu với sách Sáng Thế Ký, tiếp theo là Phúc âm. Cô nói: “Tôi không biết phải nói với bà như thế nào, nhưng ngay lập tức tôi cảm thấy thư thái. Khi tôi đọc cuộc đời Chúa Giêsu, có một cái gì đó xảy ra trong tâm hồn tôi. Tôi tự nhủ, mình không cô đơn, còn có những người vĩ đại hơn mình. Dù những gì đã trải qua, tôi vẫn có thể tìm được sự giúp đỡ”.

Manoë Leroy bắt đầu cầu nguyện, nhưng cô vẫn còn xa nhà thờ: Cũng như Pauline, người xấp xỉ tuổi cô, cô làm theo lời khuyên của các linh mục trên YouTube. Cô trò chuyện với Chúa. Kể cho Chúa nghe mọi thứ: nỗi đau khổ của cha mẹ, những cuộc cãi vã khủng khiếp của họ, sự cô đơn của cô khi còn nhỏ; người anh trai hung hãn không để cho cô sống yên thân, đôi khi còn làm cho cô khiếp sợ: “Có hôm anh đập đầu vào cái bàn gỗ. Tôi ôm anh và tôi bị dính máu”.

Gõ cửa nhà thờ

Trở về nhà sau kỳ nghỉ hè, quyết tâm thực hiện đến cùng ý định rửa tội, Valentin Guilmard và con trai Théo tìm một nhà thờ. Họ ngồi trên chiếc ghế dài của nhà nguyện Thánh Remi ở Gif-sur-Yvette, sau lùm cây rậm rạp. Suốt cả năm, gần như chúa nhật nào hai cha con cũng đến đây, dè dặt và sốt sắng. Anh nói: “Tôi không nhớ ai bắt chuyện trước, linh mục hay tôi. Cha nói với tôi về ‘dự tòng’, tôi chưa bao giờ nghe từ này. Nhưng tôi cảm thấy yên tâm. Chính niềm vui của con trai đã đưa tôi đi xa đến như thế này”.

Một niềm vui chúng tôi cảm nhận khi mở tập vở màu cam Valentin ghi khi anh bắt đầu khóa dự tòng. Trong tập ghi chép này, anh ghi lại những khoảnh khắc quan trọng trong hành trình của hai cha con, các bức ảnh, những câu Kinh thánh. Chúng tôi thấy Théo thay đổi qua từng trang, bây giờ Théo đã là một thiếu niên. Chúng tôi cũng thấy rất nhiều gương mặt mới ở đó. Adelaide, Amandine, Cyril, họ gặp nhau trong hai năm chuẩn bị rửa tội. Nhìn họ, Valentin nói về những gì đã để lại ấn tượng sâu sắc trong anh: “Mọi người lắng nghe, tôn trọng, tử tế với nhau. Tôi luôn tích cực trong thế giới của những tiếp xúc kia, nhưng cũng luôn có các mâu thuẫn”.

Anh kể một chuyện ý nghĩa. Đó là ngày phải chọn giờ tuyên uý cho Théo. Valentin đã quen với những tiếp xúc thường ngày, anh chuẩn bị tinh thần để “đấu trí”. Anh kể: “Tôi thường rất bận, tôi muốn phải là sáng chúa nhật. Thế nên, tôi đã chuẩn bị sẵn lý lẽ để đưa ra, quyết tâm phải được”. Vậy mà mọi người lập tức theo đề nghị của anh. “Được, chúng ta chọn sáng chúa nhật nhé! Có Théo với chúng tôi là rất vui”. Khi nhớ lại khoảnh khắc này, anh cười: “Tôi như thằng ngốc. Thực ra tôi chẳng hiểu gì”.

Valentin Guilmard và con trai Théo. / Denis Meyer – La Croix L’Hebdo

Kinh nghiệm đầu tiên này rất có ý nghĩa. Nhiều tháng trôi qua, như một thói quen, Valentin bắt đầu “lắng nghe”. Thế rồi anh bắt đầu chất vấn người đồng hành quen thuộc trong tâm hồn anh: sự tức giận. Anh bắt đầu tháo gỡ những nút thắt này, anh giao cho Đức Mẹ. “Đằng sau nút thắt tức giận của tôi còn có những nút thắt khác, đó là sợ hãi, phán xét”. Ngày thứ ba, anh vui vẻ tìm bà Élisabeth, người đồng hành của anh, anh cho biết: “Tôi rất yêu mến bà, bà là bà ngoại nhỏ của tôi”. Lòng nhân hậu ở đây luôn làm anh ngạc nhiên. Theo anh, đó là điều trái ngược với xã hội “dạy mình phải thông minh hơn người bên cạnh, phải bắt nạt người khác”. Ở đây anh thấy bình an. Đặt những gánh nặng của mình xuống. Lời cầu nguyện cưu mang mình. Có một sự hiện diện ở đây.

Sau nhiều năm sống đức tin trong đơn độc, cuối cùng Adrien đã gõ cửa Giáo hội. Với những người đồng hành của anh, trước hết đó là cú sốc văn hóa và thế hệ. Khi người hướng dẫn hỏi điều gì đã đưa anh đến đây, Adrien trả lời: “Bên ngoài Giáo hội, không có cứu rỗi. Tôi ở đây.” Anh mở to mắt. Cũng vậy, khi chàng trai trẻ tuyên bố không tự mình giải thích lời Chúa được. “Nếu các Giáo phụ nói bất cứ điều gì về đoạn Phúc âm này, khả năng họ sai sẽ thấp hơn nhiều so với tôi cách hai ngàn năm sau!” Adrien ý thức được hố ngăn cách anh với những người tháp tùng anh, anh luôn gắn bó với giáo điều, ngược với sự cởi mở của họ. Anh cười: “Họ rất hiện đại. Họ là ‘Vatican IV!’” Dù các quan điểm của họ có như thế nào, nhưng mối quan hệ của họ đặt nền tảng trên một điều gì đó khác. Adrien ngay lập tức cảm động trước sự dịu dàng của hai vợ chồng thầy phó tế, sự quan tâm nhưng không của họ. Bắt nguồn từ một cái nhìn, một nụ cười, một điều gì đó rất đơn sơ…Qua những lần gặp gỡ, họ đã hình thành một mối dây gắn bó. Chính qua sự đồng hành của bà mà cuối cùng Adrien đã chọn bà làm mẹ đỡ đầu.

Thinh lặng, vâng lời và cầu nguyện

Trong phòng khám của mình, bác sĩ Sylvie cho biết, sáu tháng sau khi bà có giấc mơ gây rúng động đó, bà quyết định đi tĩnh tâm. Bà muốn biết: mình có nên rửa tội không? Ngày hôm đó, ngồi giữa đống toa thuốc và bó hải quỳ, bà thẳng thắn tâm sự: trải qua một mạc khải như vậy, thì “không đơn giản chút nào, nó làm chấn động cả bản thể của mình”. Như thế nên chọn một nơi sốt sắng, vì sao lại không chọn một tu viện, nơi các tu sĩ dâng hiến cả cuộc đời cho Chúa. Một cách để bà trả lời cho cú sốc này. Bà tìm trên Internet và thấy tu viện Đức Bà Argentan vùng Orne, nơi của thinh lặng, vâng lời và cầu nguyện của các nữ tu dòng Biển Đức. Nơi hoàn hảo để đối diện với đức tin mới này nhưng cũng là đối diện với cái phần “thần bí” mà bà luôn cảm nhận trong lòng. “Nếu tôi sinh ra ở thế kỷ 19, có lẽ tôi đã là một nữ tu thánh thiện”.

Trong bốn ngày tĩnh tâm, các buổi lễ bằng tiếng la-tinh nối tiếp nhau, bà “không hiểu gì cả”. Bà quan sát, bắt chước làm theo từng cử chỉ của các nữ tu. Bà cảm nhận một “tâm tình biết ơn lớn lao” cho những gì đang xảy ra với mình. “Ký ức trong tôi là lòng biết ơn sâu sắc, là sự hiện diện này trong các buổi lễ”. Bà gặp sơ giữ phòng khách, hai người thân tình trao đổi với nhau. “Sơ chấp nhận con người thật của tôi bất chấp quá trình và sự thiếu hiểu biết của tôi. Với tôi, tu viện này là nguồn đổi mới con người tôi”.

Sắp đến lễ rửa tội

Cuối quyển tập ghi chép, Valentin để các tấm hình Théo với chiếc khăn quàng cổ màu tím, ngày Théo trả lời cho lời kêu gọi quyết định. Mùa hè năm 2021, khi hành trình này bắt đầu, Théo còn mang nét trẻ con, tóc như lông gà con, gương mặt của một đứa bé trai. Bây giờ Théo đã cao hơn cha một cái đầu. “Thật buồn cười!” Cho đến bây giờ anh chưa tin được! Và 220 bạn trẻ từ giáo phận Évry tụ tập ngày hôm đó cũng vậy, “những đứa trẻ hạnh phúc, muốn chia sẻ, muốn được yêu thương”. Valentin trầm ngâm ngừng lại. Anh nghĩ tới ông Giakêu.

“Lần đầu tiên tôi đọc đoạn Tin Mừng này, tôi không hiểu gì cả…dù Giakêu là tôi!” Từ đó anh đọc đi đọc lại đoạn này cho đến thuộc lòng. “Giakêu không thể nhìn thấy Chúa Giêsu vì người đông quá, thế là ông trèo lên cây sung và Chúa Giêsu đã gọi ông. Trong câu chuyện của tôi, cây sung là Théo. Nhờ con trai mà Chúa Giêsu đã đến nhà chúng tôi”.

Cuộc hành trình của một tân tòng

Từ lúc gõ cửa một giáo xứ cho đến khi được rửa tội, các dự tòng được Giáo hội đồng hành qua một hành trình gồm nhiều giai đoạn, kéo dài trung bình hai năm:

– Tiền-dự tòng: giai đoạn đầu tiên khám phá đức tin kitô giáo.

– Dự tòng: sau một buổi lễ, ứng viên phép rửa tội bắt đầu tìm hiểu về đời sống kitô hữu, học giáo lý và dự các nghi thức cụ thể. Cùng đi với họ là người hướng dẫn, thường là giáo dân, là người họ sẽ gặp thường xuyên.

– Lời kêu gọi quyết định: trong buổi cử hành này, giám mục gọi tên mỗi dự tòng, tên sẽ được ghi trong sổ rửa tội. Đây là thời điểm “tiếng gọi của Thiên Chúa được thể hiện một cách long trọng”.

– Mùa Chay: thời gian “thanh tẩy và soi sáng”, kết thúc bằng việc cử hành ba nghi thức sám hối gọi là “bỏ phiếu”.

– Các bí tích: đêm Vọng Phục Sinh hoặc Chúa Nhật Phục Sinh, các dự tòng lãnh nhận các bí tích khai tâm, đó là rửa tội, thêm sức và Thánh Thể.

– Thần bí học: thời gian này được đề nghị để đào sâu hơn mầu nhiệm được cử hành trong các bí tích này.

Với cô Pauline, lễ rửa tội được chuẩn bị ở Mantes-la-Jolie. Đặc biệt bà nội cô sẽ từ Martinique về dự. Cách đây không lâu, cô tìm trong ngăn kéo bài cầu nguyện bà nội cho khi cô còn nhỏ. Bây giờ cô đã thuộc lòng.

Người bạn thân nhất của cô sẽ có mặt nhưng vào giờ ăn nhẹ chứ không ở trong nhà thờ. Một người đạo hồi, một người đạo công giáo nhưng cả hai vẫn thân với nhau như ngày nào, dù Pauline chưa bao giờ nói gì về đức tin của mình với bạn. Cũng lạ vì hai người không nói với nhau về chuyện này. Thật khó để nói, cả hai đều biết và trân trọng sự im lặng này như một điều gì đó mong manh. Pauline vẫn có cảm giác là câu chuyện còn dang dở và cô cố gắng tìm cách thu xếp lòng mình: “Tôi tự hỏi mình rất nhiều lần: Nếu hôm nay Chúa Giêsu trở lại, Ngài sẽ nhìn nhận người hồi giáo như thế nào?” Cô nghĩ Ngài sẽ không cố gắng thuyết phục mà sẽ yêu thương họ như con cái mình. Tình bạn như vậy là đủ rồi.

Vài ngày trước thời điểm quan trọng này, Manoë Leroy thấy khó tập trung vào việc học – cô đang theo học khóa đào tạo từ xa để thành người trang điểm chuyên nghiệp. Cô xem lễ rửa tội như một bước ngoặt và thấy mình đã “sẵn sàng” : “Linh mục giải thích cho chúng tôi biết, rửa tội là tái sinh, mình bỏ quá khứ của mình trong dòng nước”. Manoë có quá nhiều thứ để bỏ lại phía sau, cả quá khứ đau khổ của cô. Anh cô sẽ đến dự, mối dây gắn bó đang dần dần thiết lập.

Chưa rửa tội, nhưng cô có cảm giác như đã được lấp đầy một khoảng trống nào đó trong tâm hồn, bớt trôi dạt, bớt nghi ngờ hơn. Cô xâm một thánh giá mờ phía sau tai, cho chính cô vì mái tóc đã che lại. “Mỗi sáng thức dậy, tôi tự nhủ: Mình tin Chúa”. Dĩ nhiên cô vẫn còn mong manh. Nỗi sợ bị bỏ rơi trong sâu thẳm vẫn chưa rời bỏ cô. Nhưng cô biết, trở thành người tín hữu kitô là một con đường. Rằng mọi chuyện chỉ mới bắt đầu: “Đối với tôi, điều này có nghĩa là có Chúa ở bên trong mình”.

Adrien cũng tự tin. Trước đây anh cảm thấy mình bị tổn thương trước những bất hạnh của thế giới, bây giờ anh cảm thấy thanh thản hơn. Việc “Chúa làm là công việc của Ngài, tùy thuộc vào Ngài. Luôn tuyệt đối theo Ngài là việc của mình”. “Chúa sẽ trở lại vào ngày tận thế, thiện chí sẽ chiến thắng.” Đối với Adrien, đó là điều “làm anh yên lòng”. Còn việc của anh chính là đời sống của một kitô hữu. Với phép rửa tội, khởi đầu của một ơn lớn – dành cho Thiên Chúa và cho người khác. Anh nói: “Nó không giống như vào một đảng chính trị. Nếu đây thực sự là Chúa, thì tôi không thể làm một cách nửa vời: đó là điều cao cả nhất”.

Đức tin đã thay đổi mọi thứ. Về phần Sylvie, trong thâm tâm bà có “cảm giác như đã được rửa tội”. Đối với bà, sự hoán cải này có tính quyết định, bởi vì nó mang lại ý nghĩa cho điều đã cản trở bà suốt 50 năm. Bà nói về chấn thương thời thơ ấu của mình, khối u mạch máu gây đau đớn và việc chữa trị khó khăn. Bà hiểu đây là trải nghiệm từ hoàn cảnh riêng của mình, đã có ảnh hưởng kéo dài đến các mối quan hệ của bà với nhiều người khác mà bà chỉ mới hiểu sau này.

Tất cả đau khổ này, tính dễ tổn thương này, nỗi sợ hãi người khác, giờ đây đã mang một ý nghĩa mới. “Khi tôi cần ở một mình, điều đó không còn có nghĩa là tôi tách mình ra khỏi những người xung quanh, nhưng tôi đi vào tâm tình trực tiếp với Chúa”. Sylvie ngừng lại, gần như không dám nói lời nào. Thế rồi, bà “bước ra khỏi bóng tối.” Người đàn bà bị hoại huyết là một trong những câu chuyện tôi rất yêu thích: “Người phụ nữ đau khổ này, người bị mất máu và muốn chạm vào áo của Chúa Giêsu. Bà đã được chữa lành”. Chắc chắn Sylvie sẽ nghĩ đến người chị xa xưa này khi bà rửa tội.

Maria Tô Diệu Lan dịch

Nguồn: phanxico.vn

Họ quyết định là tín hữu kitô: “Tôi giận cha mẹ vì đã không cho tôi học đạo” (phần1)

 

bài liên quan mới nhất

Giáo xứ Cao Bình: Mừng lễ thánh Giuse Thợ, cùng nhiều anh chị em sắc tộc khai mạc tháng hoa kính Mẹ

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng