Thanh niên công giáo Pháp dựng lại các cây thánh giá bên lề đường: “Phải đi ra khỏi chiếc ghế êm ái của mình”

Các thành viên của SOS Calvaires dựng thánh giá. / SOS Calvaires.

Rõ ràng có một năng lực đang khuấy động ở Pháp, đất nước từng được cho là “cô gái trưởng của Giáo hội”

Trong đêm Vọng Phục Sinh năm nay, số người lớn được rửa tội tăng 30% và hơn 7.000 người nhận bí tích rửa tội, con số cao nhất kể từ khi Hội đồng Giám mục Pháp bắt đầu thống kê các dữ liệu này hơn 20 năm trước.

Tuần này, những người tổ chức hành hương hàng năm nhân lễ Hiện Xuống ở Chartres đã chấm dứt ghi danh một tháng trước sự kiện, dự kiến sẽ lập kỷ lục tham dự mới cho năm 2024.

Tháng 12 tới, cả thế giới sẽ hướng về Paris khi Paris mở cửa Nhà thờ Đức Bà sau năm năm sửa chữa vì bị hỏa hoạn gần như thiêu rụi – có lẽ đây là hình ảnh tiêu biểu cho sự phục hưng của công giáo Pháp.

Nhưng ngoài sự kiện trên còn có những dấu hiệu hồi sinh khác, một trong những dấu hiệu này là sự phát triển của Hiệp hội SOS Calvaires, một tổ chức tập hợp các tình nguyện viên trên khắp nước Pháp để khôi phục các cây thánh giá bên lề đường (ở Pháp gọi là ‘calvaires’).

Alexandre Caillé, tổng giám đốc Hiệp hội đang làm việc

Alexandre Caillé, tổng giám đốc hiệp hội, thanh niên trẻ có ria mép và có tài hùng biện. Trong một phỏng vấn qua e-mail với trang The Pillar, anh giải thích lý do vì sao SOS Calvaires đã thu hút được các bạn trẻ Pháp, ý nghĩa của việc khôi phục các cây thánh giá bên đường và các dự án hấp dẫn khác của nhóm ở ngoài nước Pháp.

Với những người sống ở các quốc gia có đa số người dân theo đạo công giáo, thánh giá bên đường là một phần cuộc sống hàng ngày của họ. Nhưng anh có thể giải thích việc này cho những người không quen thuộc với truyền thống này không?

 Alexandre Caillé: ‘Canvê’ là thánh giá dựng ở bên đường, ở ngã tư hoặc gần cánh đồng. Mỗi thánh giá dựng lên đều mang một ý nghĩa riêng, để cầu nguyện, để tạ ơn vì được chữa lành, vì một người lính sống sót trở về sau chiến tranh, để bảo vệ ngôi làng, để xin được mùa…

Luôn có một lý do để dựng thánh giá (hoặc một bức tượng hoặc một nhà nguyện) ở vùng thôn quê của nước Pháp.

Đa số các thánh giá ở Pháp đều có từ thế kỷ 19. Nhưng một số lâu đời hơn dù đã có rất nhiều thánh giá bị phá hủy trong thời Cách mạng Pháp 1789.

Điều gì đã thúc đẩy anh thực hiện SOS Calvaires và tổ chức được tài trợ như thế nào?

Hiệp hội được một ông và các bạn của ông thành lập năm 1987 khi họ muốn khôi phục một nhà nguyện nhỏ bị bỏ hoang. Sau khi sửa chữa xong, họ không muốn dừng lại ở đó. Họ thấy toàn bộ di sản kitô giáo đang bị hủy hoại, họ thành lập Hiệp hội để khôi phục các thánh giá, tượng và nhà nguyện đang bị đổ nát.

Công việc phục hồi được thực hiện nhờ sự đóng góp của các cá nhân.

SOS Calvaires ngày nay có 300 thành viên trải rộng trên 65 chi nhánh trên nước Pháp. Làm thế nào tổ chức của anh có được sự tăng trưởng này khi rất nhiều tổ chức đang xuống dốc? Và vì sao hiệp hội lại thu hút nhiều thành viên trẻ đến như vậy?

Tôi nghĩ hiệp hội thu hút khá nhiều thành viên trẻ vì trước hết văn phòng hiệp hội được quản lý bởi một đội ngũ trẻ, năng động và tận tâm. Sự phát triển của hiệp hội cũng nhờ chúng tôi kết hiệp với những người giữ vai trò quản lý và đó là mối liên kết thực sự của chúng tôi.

Cuối cùng, tôi nghĩ người trẻ trong xã hội ngày nay họ muốn đi tìm ý nghĩa, cội nguồn và chỗ đứng của họ trong đất nước. Ngày nay chúng tôi có 85 chi nhánh trên khắp nước Pháp và gần 4.000 tình nguyện viên làm việc để khôi phục di sản độc đáo này.

Các bạn cảm nhận như thế nào khi là thành viên của một đội đang khôi phục một cây thánh giá bên đường? Đây là một trải nghiệm thiêng liêng hay công việc thể chất cần sức mạnh?

Giới trẻ ngày nay cần có nỗ lực này. Đó là những gì họ mong đợi, dù ai có nghĩ gì. Họ cần một lý tưởng, những giá trị vững chắc, những thách thức. Khôi phục một thánh giá là một phiêu lưu. Trước tiên, bạn phải đứng dậy ra khỏi chiếc ghế sofa, đi ra ngoài dù trời mưa lạnh để chà đá, nhổ bụi gai, làm sống lại một phần lịch sử của mình. Chuyện này không dễ dàng cho mọi người.

Công việc này có thể khó khăn và đòi hỏi sức lực thể chất. Với một số người, đây cũng là một kinh nghiệm thiêng liêng, một khám phá hoặc tái khám phá lịch sử thánh giá và kitô giáo đã gắn liền với biểu tượng mạnh mẽ này. Với những người khác, đó là lời cầu nguyện, một hành vi bác ái, một hiến thân vì lợi ích chung, nhưng trên hết vì Thiên Chúa.

SOS Calvaires thu hút sự chú ý của giới truyền thông ở Pháp, đã nhận sự hỗ trợ bất ngờ của những tổ chức như YouTuber Baptiste Marchais. Vì sao Hiệp hội thu hút trí tưởng tượng của mọi người đến như vậy?

Việc khôi phục di sản ngày càng trở nên phổ biến. Đó là điều gì đó bất thường, điều gì đó khác thường, điều gì đó đòi hỏi cố gắng. Và thật cuốn hút.

Thực ra chúng tôi đã được YouTuber này liên hệ cách đây vài năm. Chúng tôi rất vui được chia sẻ kinh nghiệm độc đáo giao thoa giữa hai con đường. Chúng tôi biết YouTuber này sẽ tạo được tiếng vang lớn và làm cho nhiều người thấy công việc của Hiệp hội. Video của họ có một vai trò quan trọng trong sự phát triển đột ngột của Hiệp hội chúng tôi, với các yêu cầu thành lập các chi nhánh mới, v.v.

Năm 2023, các đội SOS Calvaires đã dựng năm thánh giá Celtic trên năm địa điểm quan trọng của kitô giáo Ai-len. Liệu những sáng kiến khác sẽ được làm bên ngoài nước Pháp không?

Việc lắp đặt năm thánh giá Celtic ở Ai-len là một sự kiện đặc biệt. Một năm trước, chúng tôi cũng đã dựng một thánh giá ở Armenia. Những chuyến truyền giáo nhỏ ở nước ngoài là những dịp đặc biệt.

Trong tương lai, chúng tôi muốn thành lập các chi nhánh quốc tế, chẳng hạn ở Luxembourg hoặc Tây Ban Nha. Nhưng hiện tại, chúng tôi đang tập trung ở Pháp. Chắc chắn sẽ có những dự án đặc biệt khác ở nước ngoài.

Vì sao với SOS Calvaires, Hiệp hội phải phi chính trị, không liên kết với bất kỳ phong trào công giáo nào?

Sứ mệnh của Hiệp hội chúng tôi là tập hợp càng nhiều người càng tốt chung quanh thánh giá, không kể tuổi tác, tầng lớp xã hội, niềm tin tôn giáo hay quan điểm chính trị của họ. Đó là di sản thuộc về mọi người và là một phần trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta.

Rõ ràng là di sản không phải là một phần của chính trị. Đó là di sản của tổ tiên mà chúng ta phải gìn giữ, tôn vinh và truyền lại cho thế hệ mai sau.

Điều quan trọng là Hiệp hội chúng tôi không gắn liền với một phong trào công giáo cụ thể nào, vì mục tiêu của chúng tôi là khôi phục và bảo vệ di sản kitô giáo độc đáo này, với số lượng lớn nhất và cho số lượng lớn nhất, mà không tách rời các phong trào tôn giáo khác nhau.

pillarcatholic.com, Luke Coppen, 2024-04-19

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Nguồn: phanxico.vn

bài liên quan mới nhất

Chạnh lòng trước nỗi đau của tha nhân

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng