Hãy nếm thử và nhìn xem sự tốt lành của Chúa

TẠI SAO? Hãy nghĩ về biết bao nhiêu lần bạn đặt những câu hỏi bắt đầu với từ này. “Tại sao hôm nay tôi rất vui?”

“Tại sao hôm nay nhà của chúng tôi rất bình yên trong khi hôm qua lại quá hỗn loạn như vậy?” “Tại sao hôm nay tôi lại cãi nhau với anh trai của tôi?” “Tại sao tuần trước tôi cảm thấy chán nản?” Ngay cả đằng sau những câu hỏi ngay lập tức này ẩn sâu hơn: “Tại sao tôi lại tồn tại?” “Ý nghĩa của cuộc sống là gì?” Cho dù chúng ta có nhận thức được điều đó hay không, đôi khi những câu hỏi như thế này vẫn xuất hiện trong lòng chúng ta, mời chúng ta suy gẫm về vấn đề chúng ta là ai và chúng ta đang hướng về đâu.

Nhìn Toàn Cảnh

Ý thức thông thường cho chúng ta biết rằng chúng ta có thể trả lời đầy đủ những câu hỏi sâu sắc hơn này chỉ bằng cách phản ứng với các sự kiện hàng ngày mà chúng ta gặp phải. Thay vào đó, những sự kiện ấy kêu gọi chúng ta phát triển tầm nhìn cho cuộc sống của chúng ta, để hiểu cách chúng ta thích ứng với thế giới này. Trong sâu thẳm, chúng ta cảm thấy rằng chúng ta sẽ không bao giờ có thể tự mình đạt được tầm nhìn này. Chúng ta cảm thấy rằng chỉ có Thiên Chúa mới có thể đáp ứng những câu trả lời chúng ta cần.

Nếu để tự sức chúng ta, chúng ta sẽ không tự nhiên tưởng tượng Thiên Chúa là một người muốn trở thành một phần trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Cách hiểu thông thường nhất đối với cuộc sống ngày nay nói với chúng ta rằng chúng ta chỉ nên tìm đến với Chúa trong những lúc khó khăn, chẳng hạn như khi bệnh nặng, sự bất ổn gia đình hoặc cái chết của người thân yêu. Chỉ khi chúng ta cảm thấy chúng ta đã vắt kiệt tận cùng nguồn lực của chính mình thì chúng ta mới bắt đầu nhìn xa hơn bản thân chúng ta.

Tuy nhiên, Kinh Thánh nói với chúng ta nhiều lần rằng sự tự phụ tự mãn (sự tự lo liệu) không phải là cách của Thiên Chúa. Người muốn trở thành một phần trong cuộc sống của chúng ta mọi giây phút. Người muốn ở bên chúng ta trong những lúc thăng trầm, những hy vọng và ước mơ của chúng ta, và cả những lo lắng và thất vọng của chúng ta.

Trong tháng này, bạn hãy mời Chúa vào cuộc sống của bạn cách sâu sắc hơn, hãy cầu xin Chúa thể hiện tình yêu của Người và ban cho bạn quan điểm của Người. Một trong những cách tốt nhất để làm điều này là bằng cách xem xét kế hoạch của Thiên Chúa cho công cuộc sáng tạo và cách Chúa đã mở ra kế hoạch của Người theo thời gian. Khi làm như vậy, bạn sẽ khám phá ra rằng mỗi người chúng ta là một phần của kế hoạch này và rằng không có tầm nhìn nào lớn hơn cho cuộc sống của bạn hơn là tầm nhìn đặt bạn vào trọng tâm của những mục đích và những ý định riêng của Chúa cho công cuộc sáng tạo.

Hãy xem xét bản phác thảo đơn giản này, hay dòng thời gian, chúng minh họa cho kế hoạch của Thiên Chúa, điều mà chúng ta gọi là “bức tranh toàn cảnh”. Bức tranh này nhấn mạnh đến bốn sự can thiệp chính của Thiên Chúa trong lịch sử – những giây phút quan trọng trong kế hoạch của Chúa đưa chúng ta đến gần với chính Chúa. Những sự can thiệp này là sự Sáng tạo, sự Nhập thể của Chúa Kitô, Lễ Ngũ Tuần và Sự Tái Lâm Lần Thứ Hai. Việc nhìn vào bốn sự can thiệp này cho chúng ta thấy Thiên Chúa rất muốn có một dân tộc đặc biệt dành riêng cho Người như thế nào. Nó cũng có thể giúp bạn xây dựng một viễn cảnh mạnh mẽ hơn, tuyệt vời hơn cho cuộc sống của bạn. Và với viễn cảnh như vậy, bạn sẽ bắt đầu thấy mình không phải là một phần của một hệ thống khép kín, hữu hạn, mà là một phần của việc hoàn thành kế hoạch vĩnh cửu của Thiên cho tất cả mọi người.

Sự Sáng Tạo. Bước đầu tiên là chúng ta tập trung vào Thiên Chúa Cha. Người đã tạo dựng thế giới và mọi thứ trong đó bởi vì Người là tình yêu, và đó là bản chất của tình yêu để sinh ra tình yêu. Đó là bản chất của tình yêu để tạo dựng một dân tộc mà tình yêu này có thể được trao ban. Vì thế, ngay từ giây phút đầu tiên của công cuộc sáng tạo, Thiên Chúa đã có ý định có một dân mà qua họ Chúa có thể chia sẻ tất cả tình yêu là một phần bản chất thánh thiêng của Người. Ngay từ đầu, Thiên Chúa muốn một dân sẽ tiếp đón Người vào trái tim của họ và quy phục Người khi Người định hình họ theo ý của Người.

Đây là lý do tại sao Thiên Chúa tạo dựng chúng ta và đó cũng là lý do tại sao Người đã cho mỗi người chúng ta những ân ban và tài năng tốt đẹp. Người không chỉ muốn chúng ta nhìn thấy nơi đó những dấu hiệu của sự sáng tạo, sức mạnh, vẻ đẹp và sự thánh thiện của chính Người. Người muốn chúng ta sử dụng những tài năng này để xây dựng một thế giới phản ánh vinh quang của Người, một thế giới trong đó kế hoạch của Người ngày càng có thể được tiếp tục nhiều hơn nữa.

Việc nhìn vào sự sáng tạo dưới ánh sáng của toàn bộ bức tranh Thiên Chúa tập trung sự chú ý của chúng ta vào một Người Cha yêu thương mà kế hoạch của Người dành cho chúng ta vượt xa những giới hạn của thế giới này. Bức tranh toàn cảnh giúp chúng ta nhìn thấy cuộc sống của chúng ta khi Chúa nhìn chúng – như một dân mà Người yêu thương và đã tiền định sẵn cho cuộc sống vĩnh cửu với Người.

Sự Nhập Thể. Cha mẹ đầu tiên của chúng ta đã sa vào tội lỗi và sự chia cách. Bây giờ, để chúng ta được nâng lên như Thiên Chúa đã định, sức mạnh của tội lỗi này phải bị phá hủy, và sự rạn nứt giữa Thiên Chúa và dân của Người phải được chữa lành. Thiên Chúa không bao giờ ngừng yêu thương chúng ta: Người vẫn cam kết với kế hoạch ban đầu của mình. Trong thực tế, Thiên Chúa đã mạc khải chiều sâu của tình yêu của Người theo cách gần gũi nhất có thể bằng cách sai Chúa Giêsu Con của Người đến để cứu độ chúng ta.

Ở nơi chúng ta đã không vâng lời Thiên Chúa, Chúa Giêsu đã hoàn toàn quy phục theo ý muốn của Chúa Cha (Ga 5,30; Lc 22,42). Trên thập giá, Người đã chết vì tội lỗi và cứu chuộc chúng ta khỏi quyền lực của tội lỗi (Rm 6,10; 1 Pr 1,18-19). Trong sự phục sinh của mình, Chúa Giêsu đã mạc khải sức mạnh của mình đối với cái chết. Một lần nữa, con đường đến với Thiên Chúa đã được mở ra.

Thông qua việc nhập thể, Thiên Chúa cho thấy rõ rằng tội lỗi của chúng ta đã không ngăn cản Người. Người yêu thương chúng ta quá nhiều thì làm sao có thể bỏ rơi chúng ta. Bằng cách làm nổi bật sự kiện trung tâm của thập giá này, bức tranh toàn cảnh cũng giúp chúng ta thấy Chúa Giêsu yêu chúng ta đến mức nào. Và thấy tình yêu của Người tuôn tràn trên chúng ta với sự tin tưởng và thúc đẩy chúng ta chiến thắng tội lỗi.

Lễ Ngũ Tuần. Có lẽ nhiều hơn bất kỳ sự can thiệp nào khác của Thiên Chúa, Lễ Ngũ Tuần nhấn mạnh rằng Thiên Chúa muốn thu hút tất cả mọi người đến với Người và ban cho họ tràn đầy tình yêu của Người. Đó là lý do tại sao, sau khi chiến thắng trở ngại của tội lỗi, Chúa Giêsu đã sai Thánh Thần của mình để lấp đầy trái tim của chúng ta (x. Cv 2:33; Rm 5,5).

Nhờ Thánh Thần, mỗi người trong chúng ta đều có thể trải nghiệm tình yêu thân mật, riêng tư của Thiên Chúa. Đó là một tình yêu biến đổi, một tình yêu ban cho chúng ta không chỉ khả năng để tránh xa tội lỗi, mà còn tiếp tục theo đuổi kế hoạch của Thiên Chúa đang mở ra. Đó là một tình yêu buộc chúng ta phải làm cho thế giới này phản ánh rõ ràng hơn về vẻ đẹp, sự công chính và sự bình an của Thiên Chúa. Đó là một tình yêu thôi thúc (bắt buộc) chúng ta phải đến với nhau như một thân thể trong Chúa Kitô – Giáo Hội – đang chỉ cho thế giới thấy rằng mọi người có thể yêu thương nhau cách sâu sắc như thế nào khi được đầy tràn Thánh Thần của Chúa.

Và cứ thế, ngày qua ngày, năm này qua năm khác, Thiên Chúa tiếp tục thực hiện kế hoạch cho sự sáng tạo yêu dấu của Người. Và điều kỳ diệu của kế hoạch này là mỗi người trong chúng ta đều có một phần quan trọng để thực hiện. Được Chúa Kitô cứu chuộc, được tràn đầy Thánh Thần và hiệp nhất với nhau trong Giáo Hội, tất cả chúng ta có thể đóng góp cho vương quốc của Thiên Chúa cho đến tận ngày Chúa Giêsu trở lại.

Sự Đến Lần Thứ Hai. Kế hoạch của Thiên Chúa sẽ không được hoàn thành cho đến tận cuối thời gian, khi Chúa Giêsu trở lại để thiết lập một thiên đàng và trái đất mới (trời mới đất mới). Khi ấy, Thiên Chúa sẽ là “tất cả trên tất cả (sẽ có toàn quyền trên muôn loài)” (1 Cr15,28). Sự chết sẽ bị hủy diệt. Nghèo đói, chiến tranh và bệnh tật sẽ biến mất vĩnh viễn. Sẽ không còn hận thù, phá thai, giết người, hoặc lạm dụng dưới bất kỳ hình thức nào. Thiên Chúa sẽ lau đi từng giọt nước mắt và chúng ta sẽ được hoàn toàn ngập tràn sự sống và tình yêu của Người.

Đây là lý do tại sao tất cả những ai biết được sức sống của Chúa Thánh Thần trong cuộc sống của họ đều được thúc đẩy để cầu nguyện: “Lạy Chúa Giêsu, xin hãy!” (Kh 22,20). Tất cả những gì Thiên Chúa đã dự định dành cho dân của Người sẽ được hoàn thành khi Thiên Chúa và công cuộc sáng tạo của Người được hợp nhất trong một mối liên kết tình yêu vĩnh cửu, không thể phá vỡ.

Hãy Nếm và Hãy Nhìn Xem. Khi chúng ta cầu xin Chúa Thánh Thần giúp chúng ta chiêm ngưỡng cái nhìn toàn cảnh về kế hoạch của Thiên Chúa, Người sẽ nâng chúng ta ra khỏi lối suy nghĩ giới hạn, hướng về trần gian của chúng ta. Chúng ta sẽ đi đến một kiến ​​thức sâu sắc hơn về việc Thiên Chúa muốn chúng ta trải nghiệm cuộc sống thánh thiêng của Người như thế nào trong hoàn cảnh hàng ngày của chúng ta. Chúng ta cũng sẽ bắt đầu nhìn xem hoàn cảnh sống của mình như Chúa nhìn chúng.

Theo The Word Among Us [wau.org]
Personal Spirituality Resources
Chuyển ngữ:  Sr. Maria Trần Thị Ngọc Hương

bài liên quan mới nhất

Thứ Sáu tuần VII Phục Sinh: “Con hãy chăn dắt các chiên mẹ và chiên con của Thầy”

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng