Hai Bí tích quan trọng nhất trong Đạo Công Giáo

1/ Chúng ta cần làm gì để lãnh nhận bí tích hòa giải? Thưa! Có 4 việc cần làm. a) Xét mình / b) Ăn năn tội và dốc lòng chừa/ c) Xưng tội / d) Làm việc đền tội.

2/ Phải xét mình như thế nào? Là xin Chúa Giêsu, Mẹ Maria, Thiên thần bản mệnh giúp ta nhớ lại các tội đã phạm từ lần xưng tội trước đây cho tới hôm nay. Mỗi tội ta phạm mấy lần và trường hợp nào thì cố ý phạm.

3/ Ăn năn dốc lòng chừa là gì? là thật lòng sám hối ăn năn vì đã làm mất lòng Chúa và quyết tâm chừa bỏ.

4/ Phải xưng tội như thế nào? Phải thành thật thú nhận với cha giải tội, vị đại diện Chúa Kito. Các tội mình đã phạm không được che dấu bớt, biện hộ cho tội nhẹ hơn. Phải nói đủ to, rõ cho Linh mục nghe và hiểu được, cả những tội trọng chưa xưng và cũng nên xưng hết các tội nhẹ, các nết xấu để được đẹp lòng Chúa hơn.

5/ Đền tội  là gì? Là làm những việc cha giải tội đã chỉ định, để tạ lỗi cùng Thiên Chúa, để đền bù và quyết tâm bù lại những thiệt hại do tội mình gây ra.

6/ Bí tích thánh thể là gì? Là bí tích Chúa Giêsu đã lập ra để tiếp tục diễn lại lễ hy tế đền tội của Chúa Giêsu trên Thánh giá, hầu được Chúa Giêsu ban cho chúng ta Mình Máu Thánh Ngài làm của ăn nuôi linh hồn ta.

7/ Chúa Giêsu lập bí tích này khi nào? Chúa Giêsu lập bí tích thánh thể trong bữa tiệc sau hết, trước khi Chúa ra đi chịu chết.

8/ Chúa lập bí tích thánh thể như thế nào? Chúa Giêsu cầm lấy bánh, tạ ơn, bẻ ra và trao cho các Môn Đệ và nói “Tất cả các con hãy cầm lấy mà ăn, này mà Mình Thầy, sẽ bị nộp vì các con”. Rồi Người cầm lấy chén rượu, tạ ơn, trao cho các Môn Đệ và nói: “Tất cả các con hãy cầm lấy mà uống, này là chén Máu Thầy, Máu giao ước mới, giao ước vĩnh cửu sẽ đổ ra cho các con và mọi người được tha tội, các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”.**R

9/ Trong Thánh lễ, khi nào bánh và rượu trở nên Mình và Máu Chúa Giêsu? Khi Linh Mục đọc lời truyền phép thì nhờ vào quyền năng Chúa Thánh Thần, thì Bánh và Rượu trở nên Mình Máu Chúa Giêsu.

10/ Chúa Giêsu hiện diện trong Bí tích Thánh Thể như thế nào? Chúa Giêsu hiện diện trong hình Bánh Rượu cách thực sự và toàn vẹn cùng với linh hồn và thần tính của Người.

11/ Chúa Giêsu đã ban quyền cho ai tiếp tục cử hành Bí tích Thánh Thể? Chúa ban quyền cho các Tông đồ và những ai kế vị các Ngài trong chức Linh mục khi nói rằng: “Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”.

12/ Ta phải thờ lạy Chúa trong Bí tích Thánh Thể như thế nào? Ta phải siêng năng đến kính viếng và thờ lạy Thánh Thể Chúa, phải giữ tư cách nghiêm trang, đúng đắn trong nhà thờ, nhất là khi tham dự Thánh lễ và rước Chúa.

13/ Thánh lễ là gì?  Là cuộc tưởng niệm lễ vượt qua của Chúa Kito, là hiện tại hóa cuộc hiến dâng hy lễ độc nhất của Chúa Giêsu lên Chúa Cha bằng việc cử hành Phụng vụ của Hội thánh.

14/ Hội thánh dâng thánh lễ bằng những ý nào? Bốn ý:

a)   Cảm tạ Thiên Chúa vì những ơn Ngài thương ban.

b)   Tưởng niệm hy tế của Chúa Kito trong thân thể mầu nhiệm của Người là Hội thánh.

c)    Đền bù tội lỗi của tất cả nhân loại, đồng thời xin Chúa thương ban cho tất cả chúng ta muôn ơn lành hồn xác.

d)   Để tất cả tín hữu được hiệp nhất trong niềm tin của Chúa Kito phục sinh và được kết hiệp cùng với triều thần thánh trên trời.

15/ Thánh lễ có mấy phần? Thưa! Có 2: Một là phụng vụ Lời Chúa, hai là phụng vụ Thánh Thể. Phụng vụ Lời Chúa gồm những lời khen, cầu nguyện, chúc tụng để dâng lên Thiên Chúa và những lời Chúa dạy trong các bài Kinh Thánh và các bài diễn giải. Phần này được bắt đầu từ lời nguyện nhập lễ cho đến hết lời nguyện chung.

16/ Phụng vụ Thánh Thể gồm những gì? Gồm việc chuẩn bị lễ vật, dâng của lễ hy tế, kinh tạ ơn, rước lễ, lời nguyện cuối lễ và phép lành.

17/ Muốn được rước lễ, ta phải có điều kiện nào? Ta phải sạch tội trọng, ăn năn các tội nhẹ, có ý tôn kính Chúa, dọn mình chu đáo, giữ chay 1 giờ theo luật dạy (trừ thuốc chữa bệnh).

18/ Khi rước lễ, ta được những ơn ích nào? Ta được kết hiệp với Chúa Kito và Hội thánh, được Chúa tha các tội nhẹ, được Chúa ban thêm nhiều ân sủng và được Chúa hứa ban phúc trường sinh.

19/ Ta phải siêng năng rước lễ như thế nào? Luật buộc mỗi năm ít nhất rước lễ 1 lần vào Mùa Phục Sinh. Nhưng hội thánh khuyên ta nên dọn lòng tham dự thánh lễ và rước Chúa mỗi ngày. Một ngày được rước lễ 2 lần nhưng phải tham dự đầy đủ thánh lễ.

bài liên quan mới nhất

Thánh Catherine Thành Siena: Đặc sủng Chữa Lành và Hộ Giáo

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng