Đức tin Công Giáo và thuyết tiến hóa

Trong số các danh nhân thế kỷ 19 ấy, ngoại trừ Karl Marx thì Charles Darwin  là người đã làm  thay đổi khuynh hướng tư tưởng của nhân loại và cuốn sách “ Nguồn Gốc Các Loài”  đã tạo một khúc quanh cho toàn bộ  nền học thuật, tư tưởng kể cả Giáo Hội Công Giáo mãi cho tới tận ngày nay.

Khúc quanh đó là do Thuyết Tiến Hóa tạo ra. Theo thuyết này thì mọi loài sinh vật kể cả con người  sinh ra không phải do Đấng Thiên Chúa Tạo Hóa nhưng xuất hiện và phát triển là nhờ quá trình chọn lọc tự nhiên. Trong quá trình này, những biến dị cá thể nhỏ nhất nếu làm tăng khả năng cạnh tranh sinh tồn và sinh sản của cá thể thì sẽ được chọn lọc để tồn tại, còn nếu không sẽ bị tiêu diệt.

 Phát hiện của Thuyết Tiến Hóa như thế đã không khỏi chạm đến đức tin của Đạo Công Giáo vẫn tuyên xưng: “ Tôi tin kính ĐCT là Cha phép tắc vô cùng dựng nên trời đất muôn vật hữu hình và vô hình….)

Tuy có nhiều danh xưng khác nhau nhưng tất cả những tôn giáo hữu thần  ngoài Công Giáo  như Do Thái giáo, Hồi giáo, Ấn Độ giáo v.v…đều  nhìn nhận có một Đấng  Tạo Hóa. Thế nhưng duy chỉ có Đạo Công Giáo và Tin Lành là phản ứng chống lại Thuyết Tiến Hóa một cách mạnh mẽ nhất.

Với Thuyết Tiến Hóa thì trời đất, muôn vật hiểu như là vũ trụ  đã có cách đây trên dưới khoảng 10 tỷ năm và con người cũng có mặt trên trái đất này  không dưới 100.000 năm. Tất cả những phát kiến của khoa học địa chất ấy  hoàn toàn ngược lại với sự hiểu biết của Giáo Hội thời đó.

Năm 1744 trong quyển lịch sử vạn vật, Buffon chủ trương trái đất đã có khoảng 70.000 năm, thế mà đã bị coi là một xúc phạm lớn lao và tác phẩm đã bị cấm đoán và tiêu hủy. Khi Darwin chết, người ta  vẫn dạy rằng  vũ trụ được tạo dựng 4963 năm trước CN và cuốn Tự Điển La Rousse xuất bản năm 1882 ghi rằng đó là niên kỷ duy nhất được chấp thuận trong các trường học ( Bs Nguyễn Văn Thọ - Le Comte du Nouy và học thuyết Viễn Đích ).

Sự khác biệt hoàn toàn giữa cách hiểu của Giáo Hội và  Thuyết Tiên Hóa  về thời điểm  tạo dựng như thế đã chứng tỏ chân lý đương nhiên thuộc về khoa học. Tuy nhiên không vì thế mà Thuyết này  có thể được nhìn nhận.

Vào năm 1925, tiểu bang Tennesse ( HK ) thông qua đạo luật Butler, cấm đoán giảng dạy Thuyết Tiến Hóa trong các trường học tại tiểu bang. Các chống đối đã diễn ra và một vụ kiện được  đưa ra trước  công lý. Người bị đưa ra tòa là John Scopes một giáo sư khoa học, ông đã thú nhận  đã giảng dạy Thuyết Tiến Hóa nói rằng con người  bởi…khỉ mà sinh ra, vì thế vụ án đó được gọi là “ Vụ án Con Khỉ” ( Monkey Trial ).

Dù đã bị Giáo Hội chống đối và cấm đoán ngay từ ban đầu nhưng rồi sau bao nhiêu tranh cãi, Thuyết Tiến Hóa đã được nhìn nhận. Đồng thời các nhà biện giải  thời đó đã giải nghĩa sáu ngày trong Thánh Kinh cần được hiểu như là sáu thời kỳ vì chữ Yom vừa có nghĩa là…ngày vừa là thời kỳ….

Từ sau vụ án Galile ( 1564 – 1642 ), Giáo Hội đã nhiều chuyển biến và chuyển biến quan trọng nhất đó là nhìn nhận Thuyết Tiến Hóa: “ Đức cố giáo hoàng G.P II nhắc lại TĐ Humani Generis của  Đgh Pio XII năm 1950 trong đó nói rõ rằng không có gì xung khắc giữa Thuyết Tiến Hóa và Đức Tin. Đgh G.P II công nhận giá trị của thuyết này, không coi nó là một giả thuyết hoang đường: Những kiến thức khoa học mới nhất  cho chúng ta thấy  sự tiến hóa xác thực  hơn là một giả thuyết. Thật đáng than phục khi thấy các nhà nghiên cứu đã từng bước chấp nhận tính khả thi của thuyết này sau khi đã có một chuỗi những khám phá mới trong các lãnh vực tri thức khác nhau, Không phải vì mục đích tìm tòi hay chế tạo nhưng là do kết quả của những cuộc nghiên cứu độc lập mà người ta đã thấy được điểm quy chiếu của các ngành khoa học, điểm quy chiếu này tự nó đã là một chứng cứ hùng hồn cho Thuyết Tiến Hóa” ( Nguồn GS Lê Xuân Huy Ph.D – 25/3/2014 – Đức tin Công giáo và Thuyết Tiến Hóa ).

Một khi các vị lãnh đạo cao cấp nhất trong GH đã nhìn nhận giá trị của Thuyết Tiến Hóa thì  chúng ta cũng cần nên biết kiến giải của các nhà thần học ra sao ?

“ Ngay cả khi tín hữu chấp nhận Thuyết Tiến Hóa cũng có nhiều cách chấp nhận và cách chấp nhận trước hết  là theo sự quan phòng của Thiên Chúa huyền diệu nên mình  đâu hiểu biết gì mà bàn tới. Còn cái mà con người cho là mới lạ, chưa chắc đã mới lạ trong sự quan phòng của TC. Cái này có cái hay là nhận biết cái hữu hạn của con người…”

Theo tác giả thì…” Qua sự quan phòng của TC, từ đó con người biết được TC để Ngài hướng dẫn sự nghiên cứu sự tiến hóa của vũ trụ. Chẳng hạn  linh mục Pierre de Chardin S.J ( 1881 – 1955 )người Pháp bị chính GH đày qua Tàu vì GH tại Âu Châu thời đó chưa chấp nhận được ý tưởng của ngài. Ngài có những công trình khảo cứu địa chất tại Trung Hoa rồi chết âm thầm tại Mỹ. Sauk hi ngài chết. sách của ngài mới được xuất bản và có ảnh hưởng  sâu rộng ngay cả trong CĐ Vatican II. Qua công trình khảo cổ, ngài khám phá ra chiều hướng trở nên ngày càng phức tạp hơn, từ tiền nguyên tử tới nguyên tử, từ phân tử tới tế bào…lên tới loài khỉ và loài người. Một nguyên tắc nữa là đồng quy, từ nhân nguyên tử tới trung tâm thần kinh, tới tự giác tới tôn giáo và  cuối cùng là tới Omega hay Thượng Đế…

Cũng trong  lý luận về việc TC quan phòng này, người ta  diễn giải mục đích  đau khổ của  mầu nhiệm  thập giá là TC tham dự vào cái đau khổ của vũ trụ. Mà vì sao vũ trụ lại đau khổ ? Thần học gia Karl Rahner giải thích đơn giản như sau:  TC vô biên ban tặng chính mình cho vũ trụ hữu hạn nên vũ trụ phải vất vả chuyển mình để thăng hoa lên tới Thiên Chúa. Đau khổ là đặc tính của  vật bất toàn trên đường tiến về cùng TC”

Quan niệm TC vô biên ban tặng chính mình cho vũ trụ hữu hạn ấy được thể hiện  ngay cả trong Bí Tích Thánh Thể: “ Trong khung cảnh lịch sử của cả nhiều tỷ năm này. Phép Thánh Thể còn có ý nghĩa phong phú hơn nữa: Tấm bánh miến không phải chỉ tượng trưng  cho miếng bánh mà tượng trưng cho cả  một lịch sử phát triển từ vật chất không sự sống  tới cây có sự sống  mang hạt giống  tới việc TC  nâng bánh này là một phần kết tinh từ vũ trụ cũng như lao công của con người lên thành chính mình máu Chúa.  Đây là chiều hướng  TC đưa vũ trụ lên tới chính Ngài như cha Chardin  diễn tả” ( Nguồn GS Lê Xuân Huy Ph.D đã dẫn ).

Cho rằng Bí Tích Thánh Thể là kết quả của…Tiến Hóa vậy thì đâu cần chi tới đức tin nữa. Tại sao ? Bởi vì tin vào mầu nhiệm của Bí Tích Tình   Yêu này là đòi hỏi của chính Đức Ki Tô để cho ta có được sự sống đời đời: “Ta là Bánh Hằng Sống từ trời xuống. Ai ăn Bánh  ấy thì sẽ sống đời đời. Còn bánh mà Ta sẽ ban  cho vì sự sống  của thế gian ấy là Thịt Ta” ( Ga 6, 51 ).

Bí tích Thánh Thể có được là qua cái chết hiến tế của Chúa Giê Su trên thập giá  chứ làm sao có thể nói là kết quả của…Tiến Hóa được ? Nói như thế chẳng phải là đã  hoàn toàn phủ nhận công cuộc Cứu Độ của Đức Ki Tô sao ?

Nguyên nhân sâu xa khiến GH ban đầu bác bỏ, sau lại nhìn nhận Thuyết Tiến Hóa  chung quy cũng chỉ vì đã giải nghĩa Sách Sáng Thế theo nghĩa…đen cũng gọi là nghĩa mặt chữ ( Sens Litteral ).

Với nghĩa…mặt chữ này thì đúng là có Đấng Tạo Hóa dựng nên trời đất muôn vật. Thế nhưng nếu cứ theo nghĩa này thì cũng phải công nhận ngay từ nguyên thủy đã có ông A Dong và bà Eva  tức hai con người bằng xương bằng thịt được dựng nên trên trái đất này. Đồng thời cũng có Vườn Địa Đàng, có cây biết phân biệt điều thiện, điều ác và…con rắn. Đang khi đó theo khoa địa chất thì trái đất này đã có ít nhất là mười tỷ năm dưới dạng quả cầu lửa thì làm gì đã có sự sống, ngay cả chỉ là một tế bào ?

Sách Sáng Thế không thể hiểu theo…nghĩa đen mà cần theo nghĩa biểu tượng của minh triết. Theo nghĩa này thì tuy cũng nói về việc Thiên Chúa tạo dựng con người nhưng sự tạo dựng ấy là tạo con người là Hình Ảnh TC: “ Đức Chúa phán: Chúng ta hãy làm nên loài người như hình Ta và theo tượng Ta” ( St 1, 26 ).

Là Hình Ảnh Thiên Chúa  có nghĩa ngay từ nguyên thủy  con người đã mang phẩm vị Con Thiên Chúa  nhưng vì vô minh tức Tội Nguyên Tổ che lấp thế nên  đã không nhận ra. Cũng chỉ theo nghĩa này, chúng ta mới có thể hiểu  ý nghĩa của Tội Nguyên Tổ là…tội phân biệt thiện ác: “ Đức Chúa phán cùng Eva rằng: Ngươi được tự do ăn hoa quả các thứ cây trong vườn nhưng về cây biết thiện, biết  ác thì chớ hề ăn đến vì nếu ngươi ăn thì chắc là phải chết” ( St 2, 16 -17 ).

Chính vì nguyên tổ không vâng lời TC cố tình…ăn trái cấm nên đã bị đuổi ra khỏi Vườn Địa Đàng, kể từ khi ấy loài người mới xuất hiện trên trái đất này cùng với vận mệnh khổ đau của nó. Đức Chúa phán cùng người nữ ( Eva ) rằng: “ Ta sẽ thêm điều cực khổ  bội phần trong cơn thai nghén. Sự dục vọng ngươi phải xu hướng về chồng và chồng sẽ cai trị ngươi. Ngài lại phán cùng A Đam: Vì ngươi đã nghe theo lời vợ mà ăn trái cây Ta đã cấm không cho ăn. Vậy đất sẽ bị nguyền rủa vì ngươi. Trọn đời ngươi phải khó nhọc mới có vật đất sanh ra mà ăn” ( St 3, 16 -17 ).

Lại nữa chúng ta chỉ có thể hiểu vì sao phân biệt thiện, ác lại là một thứ …tội bởi vì từ sự phân biệt đó mà đã hình thành nên một cái  Bản Ngã tức thấy có một “ Cái Tôi, Ta, Mình, Ngã ) khác với các  “ Cái Tôi” khác.

Bao lâu còn thấy có một “ cái Tôi” thì còn tham mà nếu …tham không được thì nổi sân giận, ghen tương, đố kỵ, ghen ghét….Như vậy…tham chính là nguồn gốc gây nên mọi thứ tội lỗi của con người.

Tôn giáo hiểu như con đường  Giải Thoát Khổ Đau bằng cách nhận biết Sự Thật Con TC ở nơi mình. Sự nhận biết ấy cũng là để trở về  cái nơi mà mình đã được TC tạo dựng nên. Đức Ki Tô nói với những người Do Thái đã tin Ngài rằng: “ Nếu các ngươi cứ ở trong đạo của Ta thì thật là môn đệ ta. Các ngươi sẽ nhận biết sự thật và sự thật sẽ giải thoát các ngươi” ( Ga 8, 31 -32 ).

Đức Ki Tô không nói Ngài đến để giải thoát có nghĩa làm cho con người thoát  khổ nhưng là Sự Thật và sự thật ấy như đã biết tất cả  được tạo dựng nên là Hình Ảnh TC là Con Thiên Chúa.  Nhận biết mình là Con Thiên Chúa có nghĩa Thiên Chúa là Đấng Cha của mình. Tuy nhiên để nhận biết Thiên Chúa…là Cha thì  chỉ có một con đường duy nhất đó là tin vào mạc khải của Đức Ki Tô: “  Ngoài  Cha không ai biết Con. Ngoài Con và những ai Ngài muốn mạc khải cũng không ai biết Cha” ( Lc 10, 22 ).

Cuộc khủng hoảng toàn diện của Giáo Hội hiện nay có nguyên nhân sâu xa là đã không tin vào mạc khải của Đức Ki Tô về Đấng Cha nội tại hằng hữu  ở nơi mỗi người. Phải chăng cũng chính vì không tin mạc khải của Đức Ki Tô về Đấng Cha như thế nên mới nhìn nhận giá trị của Thuyết Tiến Hóa. Đang khi đó  hiện nay  các nhà khoa học chân chính đã kết án thuyết này  cho đó  là sự lừa dối trắng trợn. Lý do Thuyết Tiến Hóa bị cho là sự lừa dối bởi vì tất cả chỉ là sự…phỏng đoán hoàn toàn không có cơ sở:

“ Toàn bộ Thuyết Tiến Hóa kể từ cuốn “ Về nguồn gốc các loài” ( 1859 ) và cuốn “  Nguồn gốc loài người” ( 1871 ) của Darwin đến những lý thuyết hiện đại sau này đều là những giả thuyết tưởng tượng, những phỏng đoán không chắc chắn. Phỏng đoán vĩ đại nhất của Darwin là sự tồn tại của những thế hệ quá độ chuyển tiếp giữa các loài. Các thế hệ chuyển tiếp chẳng hạn từ khỉ tiến hóa lên người  thì lẽ ra cần phải tìm được những hóa thạch của chúng một khi đã tuyệt chủng…

…Ngay trong thời Darwin người ta đã ra công đào xới, tìm kiếm hóa thạch của  các thế hệ chuyển tiếp  quá độ và không tìm thấy gì cả. Từ đó đến nay 156 năm đã trôi qua chẳng hề tìm thấy gì cả. Thời gian đã quá đủ  để thấy sự thật rằng không tồn tại những thế hệ chuyển tiếp, đơn giản là vì  không hề có sự tiến hóa. Nói cách khác phỏng đoán “ V ĩ đại” của Darwin là sai. Sai vì tin rằng có sự tiến hóa” ( Nguồn Phạm Viết Hưng’s Blog. Thuyết Tiến Hóa Darwin- Đã đến lúc chấm dứt sự lừa dối vĩ đại ).

Trong lãnh vực tâm linh tôn giáo thì không thể chấp nhận Thuyết Tiến Hóa bởi theo thuyết này, chủ trương có sự biến hóa từ loài nọ sang loài kia và ngày càng tiến lên mức độ…cao hơn chẳng hạn từ loài hạ đẳng lên thượng đẳng từ khỉ thành người v.v… thì sau  nhiều triệu năm các loài…hạ đẳng ấy lẽ ra phải biến mất chứ sao giờ đây vẫn đầy nhung nhúc nào có tiến hóa gì đâu ?

Nếu  Thuyết Tiến Hóa  cho rằng muôn loài sẽ ngày càng…tiến lên thì tâm linh tôn giáo lại chủ trương sự trở về nơi cái gốc mà từ đó  con người được tạo dựng nên là Hình Ảnh Thiên Chúa là Con Thiên Chúa. Sự trở về của Đạo Chúa là trở về trong Tình Yêu: “ Chẳng có ai thấy Thiên Chúa bao giờ nhưng nếu chúng ta  thương yêu nhau  thì Thiên Chúa ở trong chúng ta  và Tình  Yêu Ngài trọn vẹn trong chúng ta” ( 1Ga 4, 12 ).

Phùng  Văn  Hóa

bài liên quan mới nhất

Thứ Sáu tuần IV Phục Sinh: “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống”

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng