Đức Mẹ Fatima đã cứu thế giới khỏi một cuộc chiến tranh hạt nhân

Ngày 1/9/1983, khi bay từ Anchorage đến Seoul, một máy bay Korean Air Lines Boeing 747 của Hàn Quốc với 269 hành khách đã bị lạc đường và bay nhầm vào không phận một hòn đảo của Liên Xô. Ngay lập tức, một máy bay chiến đấu của Nga đã bắn hạ nó. Hành động bạo lực của Nga khiến các nước châu Âu nhanh chóng đồng ý cho Hoa Kỳ triển khai tên lửa tầm trung vào tháng 11 cùng năm. Không ngần ngại, quân đội Xô Viết cũng thiết lập tình trạng sẵn sàng chiến tranh.

Ít tháng sau đó, vào ngày 25/3/1984, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã dâng hiến thế giới cho Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ Maria. Ngài mời gọi tất cả các Giám Mục trên toàn thế giới hiệp thông với ngài trong nghi lễ này cũng là ngày kết thúc Năm Thánh Cứu Độ. Ngài cử hành nghi thức dâng hiến tại Đền thờ Thánh Phêrô, Rôma, khi quỳ cung kính trước bức tượng Đức Mẹ Fatima được mang từ Fatima đến.

2 tháng sau, đúng ngày 13/5/1984 là kỷ niệm 67 năm ngày Đức Mẹ hiện ra tại Fatima, một tai nạn xảy ra ở căn cứ hải quân Severomorsk của Nga đóng tại biển Barent, gần Phần Lan. Một tàn thuốc lá đã gây ra vụ nổ nghiêm trọng kho tên lửa. 580 trong tổng số 900 tên lửa phòng không bị cháy rụi, 320 trong 420 tên lửa không đối đất bị phá huỷ, hơn 300 quân lính tử vong. Tổn thất làm suy yếu nghiêm trọng hạm đội bắc Liên Bang Xô Viết.

Vài năm sau, sơ Lucia viết: "Mọi người đều biết rõ rằng chúng ta đã đi qua một trong những khoảnh khắc nguy kịch nhất của lịch sử loài người, khi mà các cường quốc thù địch nhau dự tính một cuộc chiến tranh hạt nhân chắc chắn sẽ thiêu huỷ thế giới, không toàn bộ thì cũng phần lớn. Và điều gì sẽ có thể còn sót lại? Có bao nhiêu phần cơ hội sống sót? Và ai đã có thể can thiệp giữa những người kiêu ngạo với đầy dự tính chiến tranh này? Ai, nếu không phải là Thiên Chúa."

Năm sau đó, 1985, Đức Mẹ lại hiện ra với chị Lucia trong tu viện của chị. Mẹ cho chị biết rằng nếu Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã không thánh hiến thế giới cho Đức Mẹ, có thể đã xảy ra cuộc chiến tranh hạt nhân kia. Chính vì có cuộc thánh hiến mà chiến tranh đã không diễn ra. Chính nữ tu Lucia đã nói thông điệp này của Đức Mẹ cho 2 Đức Hồng Y Antony Padiyara của Ấn Độ và Ricardo Vidal của Philippines khi hai vị đến thăm tu viện.

Nhìn lại trước năm 1983

Một cuộc chiến tranh hạt nhân đã gần sát giữa Nga và Hoa Kỳ. Chắc chắn nhờ có bàn tay Đức Mẹ Fatima mà sự kiện đáng sợ này đã được ngăn lại trong năm 1983. Bởi vì trước đó, ngày 13/5/1982, tại Fatima, Đức Gioan Phaolô II cũng đã có hành vi tận hiến thế giới nhưng điều này không hoàn thành yêu cầu của Đức Mẹ do nó không được làm trong sự hiệp thông của tất cả các Giám Mục trên thế giới. Ngài đã định như vậy nhưng vì các lá thư được gửi khá trễ nên các Giám Mục không nhận được kịp trước ngày đã định.

Chuyện này lặp lại sự số diễn ra năm 1942 trong thế chiến thứ hai. Ngày 31/10/1942, Đức Giáo Hoàng Piô XII đã dâng hiến thế giới và nước Nga cho Trái Tim Vô Nhhiễm Đức Mẹ Maria Fatima. Nhưng việc dâng hiến này không có sự hiệp thông của các Giám Mục trên thế giới. Đó là lúc phe kẻ thù đang có những leo thang lớn trong chiến tranh. Dù vậy, sơ Lucia cho biết rằng mặc dù sự tận hiến không hoàn thành, Chúa Giêsu cũng vui lòng và hứa chiến tranh sẽ sớm kết thúc. Không lâu sau đó, quân Đồng minh bắt đầu đạt được những chiến thắng quan trọng.

Như vậy, sự dâng hiến của Đức Gioan Phaolô II năm 1982 tuy không hoàn thành nhưng chắc chắn cũng đã có một hiệu quả nào đó với các sự kiện căng thẳng diễn ra năm 1983.

Theo National Catholic Register
Gioakim Nguyễn lược dịch

bài liên quan mới nhất

Giáo phận Bắc Kinh chuẩn bị Ngày cầu nguyện cho ơn gọi: “Sứ mệnh bước theo Chúa Kitô”

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng