Mỗi nơi chúng ta đến, mỗi bước chân chúng ta lướt ngang qua một vùng đất nào đó đều in hằn dấu chân kỉ niệm, dấu chân tình yêu và đôi khi là cả giọt nước mắt tràn mi. Tôi đã đi nhiều nơi, mỗi nơi lại rót vào tôi những kỉ niệm khác nhau. Tôi đã đến nhiều chỗ, mỗi chỗ lại tạo cho tôi những dư vị khó nói thành lời.
Điểm Truyền giáo Pleibông nằm dưới chân những ngọn đồi thông xanh bát ngát. Có những con suối chảy dài trên những triền đồi núi. Có những con đường đất dài vun vút xuyên giữa những rặng thông. Có những bước chân nặng trĩu của vài cụ già gùi những bó củi được chất đầy sau lưng. Và có cả những ánh mắt trong leo lẻo của những đứa trẻ đi chăn bò từ tờ mờ sớm….
Pleibông độ này đang vào mùa thay lá, cảnh vật đang có sự thay đổi rõ rệt. Những căn nhà sàn cũng trở nên trầm tĩnh hơn bao giờ hết. Những cơn gió mùa bất chợt kéo theo những hạt mưa phùn bay phảng phất giữa tiết trời se lạnh. Ngôi nhà nguyện truyền thống của người Bahnar vẫn nằm đó, im lìm chờ người đến cầu nguyện. Những cánh cửa sổ nguyện đường xộc xệnh thỉnh thoảng kêu ken két khi bị một luồng gió nào đó lay động hay bị một người nào đó kéo vội để được kín tiếng.
Tôi bước vào Pleibông trong mùa thay lá, khung cảnh trầm lắng khiến tâm hồn tôi thoải mái, thanh thoát lạ thường. Gặp đôi ba gương mặt rạng rỡ của vài cô cậu học sinh nghèo khiến tôi lại có cảm giác vừa ấm cúng, lại vừa thương cảm cho những số kiếp không được may mắn của các em. Năm nào cũng vậy, sau khi được nghỉ học ở trường, tôi lại xách ba lô lên vai và viết cho mình một hành trình trên những vùng đất nghèo này. Năm nay, khi vừa bước xuống xe, các em Bahnar trong những bộ quần áo xuệch xoạc chào đón tôi và các bạn sinh viên bằng những cái vẫy tay lộn xộn, những ánh mắt ngơ ngác, những nụ cười hồn nhiên. Sau buổi sáng chào đón và nghỉ ngơi, chiều đến chúng tôi nhận lớp và trở thành những kĩ sư tâm hồn.
Việc dạy học bước đầu chưa quen, chưa biết được trình độ cũng như khả năng của các em nên tôi hơi lúng túng, nhưng về sau mọi thứ trở nên quen dần và đi vào nề nếp. Việc dạy học hơi vất vả khi mà chỉ có vỏn vẹn một tháng, trong khi đó kiến thức cơ bản của các em đã bị mất nên tôi và các bạn đành phải dạy lại từ đầu. Hơi vất vả nhưng rồi sống chung với các em, nghe chuyện đời của các em, tôi cũng dần quen và dần yêu lấy những mảnh đời bất hạnh, dần yêu lấy những tình, những cảnh nơi miền sơn cước này.
Có những trưa nằm ngủ mà trên trần nhà ầm ầm tiếng chạy nhảy của các em, những tiếng la hét nhau cả trưa khiến tôi không thể chợp mắt được dù đã nạt nộ đủ kiểu, nhưng rồi ngày nào cũng như ngày nào, sự hồn nhiên theo vào những bước chạy của các em. Có những chiều, đôi ba cơn giông tố bất chợt kéo đến khiến các em ướt sũng như chuột lột, nhưng các em vẫn vui vẻ tung tăng dưới mưa, vẫn vui vẻ ngồi vào lớp học. Có những lúc ốm nặng, tôi ngó ra cửa sổ, nhìn các em và thoáng nghĩ về tương lai xa xăm của đám trò tinh nghịch.
Văn hoá cồng chiêng Tây nguyên
Càng sống với người Bahnar, tôi càng hiểu nhiều về văn hóa và lối sống của họ. Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên tạo thành trong tôi cảm xúc hai chiều. Có những tiếng chiêng đưa ta bay lên cao, làm tâm hồn ta bị khơi dậy bởi những tiếng “vang tinh tế”, những tiếng “vang trong” khi mà lễ hội cúng nước giọt, lễ hội bỏ mả vang lên. Nhưng cũng có những tiếng chiêng khiến cho những ai không quen phải rùng mình khi mà có một người nào đó qua đời, tiếng chiêng ấy vang trong vòng 3 ngày để tiễn họ về một thế giới mới. Ngoài ra tôi còn thấy tinh thần hiếu khách, thật thà và tình yêu thương con người của người Bahnar vô điều kiện. Nhưng xã hội càng phát triển thì tinh thần đó đang bị Kinh hóa, họ dần bị đánh mất mình dưới sự lấn át vô số kể của người Kinh.
Càng dạy học cho các em tôi càng tập được cho mình tính kiên trì, tinh thần chịu đựng. Có những lúc tôi dạy cho các em đôi ba phép tính đến cả tiếng đồng hồ mà một số em chẳng hiểu gì, lúc đó đầu tôi như muốn nổ tung, mặt tôi nóng bừng bừng. Dần dà tôi chấp nhận và vui vẻ dạy hết sức mình. Đôi khi những thứ tưởng chừng như đơn giản đối với tôi nhưng nó thực sự khó với các em. Có những lúc thầy trò ngồi ngoài hiên phòng học, trò kể về cuộc sống, kể về những mảnh đời bất hạnh mà trí tưởng tưởng của thầy cũng không hề nghĩ tới điều đó. Có khi thầy hỏi về ước mơ của trò, trò chỉ hồn nhiên trả lời: “Lớn lên rồi lên rừng kiếm củi, kiếm đồ ăn, sinh con, đẻ cái là xong.” Thầy ngồi đó lặng người. Ánh mắt nhìn về những chân trời xa xăm.
Mỗi ngày, tôi bước với các em nhiều hơn, bước vào sâu buôn làng nhiều hơn. Mỗi ngày, tôi cố gắng để lại những dấu chân của niềm hy vọng, dấu chân của tình yêu trên miền Pleibông này. Mỗi ngày, tôi sẽ cố gắng gieo vào hồn các em những ước mơ lớn hơn, cao hơn. Và mỗi ngày tôi sẽ cầu nguyện để chúng ta không sống cho riêng chúng ta mà còn sống cả cho người khác.
Viết cho những dấu chân lặng lẽ trên miền Pleibông…..
Nắng Chiều
Micae Trần Văn Hiển