Chúa Thánh Thần và Lòng Thương Xót của Thiên Chúa

“Chúa Cha sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ”

Bởi: RANIERO CANTALAMESSA

Trở về nhà ở Nadarét sau khi chịu phép rửa tại sông Giođan, Chúa Giêsu long trọng áp dụng những lời của ngôn sứ Isaia cho chính mình:

Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho  kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa” (Lc 4,18-19)

Chính nhờ sự xức dầu của Chúa Thánh Thần mà Chúa Giêsu đã rao giảng Tin Mừng, chữa lành bệnh tật, an ủi những người đau khổ và thực hiện tất cả các công việc về lòng thương xót của Người. Thánh Basiliô viết rằng Chúa Thánh Thần “hiện diện cách không thể tách rời” với Chúa Giêsu để “mọi hoạt động của Người đều được thực hiện với sự cộng tác của Thánh Thần”, Đấng là tình yêu được nhân cách hóa trong Ba Ngôi, cũng là lòng thương xót của Thiên Chúa được nhân cách hóa. Chúa Thánh Thần là “nội dung” chính yếu về lòng thương xót của Thiên Chúa. Không có Chúa Thánh Thần, thì lòng thương xót sẽ là một lời trống rỗng.

Danh xưng “Paraclete – Thánh Thần (Đấng Bảo Trợ)” rõ ràng đã chỉ ra điều này. Khi loan báo về sự trở lại của mình, Chúa Giêsu nói: “Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi” (Ga 14,16). “Đấng khác” ở đây ngụ ý nói đến “Đấng sẽ ban chính Thầy, Đức Giêsu, cho các con”. Chúa Thánh Thần là Đấng mà qua Người Chúa Giêsu phục sinh giờ đây tiếp tục công việc của mình là “thi ân giáng phúc và chữa lành cho tất cả” (Cv 10,38). Lời tuyên bố rằng Thánh Thần “sẽ lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em” (Ga 16,14) cũng được áp dụng cho lòng thương xót: Chúa Thánh Thần sẽ mở ra kho báu của lòng thương xót của Chúa Giêsu cho các tín hữu trong mọi thời đại. Thánh Thần sẽ làm cho lòng thương xót của Chúa Giêsu không chỉ được tưởng nhớ mà còn được trải nghiệm.

Chúa Thánh Thần luôn hoạt động trong tất cả, đặc biệt nơi bí tích của lòng thương xót, Bí tích Hòa Giải. Một trong những lời cầu nguyện của Hội Thánh tuyên bố: “Người là Đấng xóa bỏ mọi tội lỗi”. Bởi đó, trước khi ban ơn tha tội cho hối nhân, cha giải tội nói: “Thiên Chúa, Cha của lòng thương xót, nhờ cái chết và sự sống lại của Con của Người, đã hòa giải thế gian với chính mình và sai Thánh Thần đến giữa chúng ta để tha thứ tội lỗi; nhờ tác vụ của Hội Thánh, xin Thiên Chúa ban cho con sự tha thứ và bình an”.

Một số Giáo Phụ của Giáo Hội coi dầu mà người Samaritanô đổ lên vết thương của người bị cướp là biểu tượng của Chúa Thánh Thần. Một bài hát của người Mỹ gốc Phi rất hay thể hiện suy nghĩ này bằng hình ảnh gợi lên của loại dầu ở Galaát: “Có một loại dầu ở Galaát, / để chữa lành tâm hồn đau yếu tội lỗi /. . . . / để làm lành hoàn toàn”. Galaát là được đề cập đến trong Cựu Ước là một nơi nổi tiếng với loại thuốc mỡ thơm chữa bệnh (x. Gr 8,22). Nghe bài hát này, chúng ta gần như có thể tưởng tượng một người bán hàng rong đang rao lên một danh sách hàng hóa của anh ta và giá cả của chúng. Toàn bộ Giáo Hội phải là “người bán hàng rong trên đường phố này”. Các loại dầu thơm mà Giáo Hội cung cấp ngày nay không còn là thuốc mỡ của Galaát; nhưng đó chính là Chúa Thánh Thần.

Một công việc thiết yếu của Chúa Thánh Thần liên quan đến lòng thương xót cũng là việc thay đổi hình ảnh người ta có trong tâm trí của họ về Thiên Chúa sau khi họ phạm tội. Một trong những nguyên nhân – có lẽ là một trong những nguyên nhân chính – cho sự xa lánh của con người ngày nay khỏi tôn giáo và đức tin là hình ảnh Thiên Chúa đã bị bóp méo nơi họ. Đó cũng là nguyên nhân của một Kitô giáo vô hồn (không có sự sống), không có nhiệt huyết hay niềm vui và được sống như một nghĩa vụ hơn là một quà tặng, bởi sự ràng buộc hơn là bởi sự hấp dẫn.

Mọi người vô thức liên kết ý muốn của Thiên Chúa với mọi thứ khó chịu và đau đớn, với những gì theo cách này hay cách khác được coi là phá hủy tự do và sự phát triển cá nhân. Như thể Thiên Chúa là kẻ thù của mọi việc cử hành, niềm vui và sự hoan lạc. Người ta không tính đến rằng trong Tân Ước, ý muốn của Thiên Chúa được gọi là “eudokia” (x. Ep 1,9; Lc2,14), nghĩa là “thiện chí, lòng tốt”. Khi chúng ta cầu nguyện: “Xin cho ý Cha được thể hiện”, đó chính là thực sự như đang nói: “Lạy Cha, xin hãy hoàn thành nơi con kế hoạch tình yêu của Cha”. Đức Maria đã thưa lời fiat – xin vâng với thái độ đó, và Đức Giêsu cũng vậy.

Điều đầu tiên Chúa Thánh Thần làm khi Người đến ngự vào chúng ta là mạc khải một khuôn mặt khác của Thiên Chúa cho chúng ta. Thánh Thần tỏ lộ Thiên Chúa cho chúng ta như một người đồng minh, như một người bạn, như một Đấng “đã không miễn cho Con Một của mình, nhưng đã trao nộp (Người Con ấy) vì tất cả chúng ta” (Rm 8,32). Tóm lại, Chúa Thánh Thần cho chúng ta thấy một Người Cha rất dịu dàng, người đã ban cho chúng ta luật lệ không phải để bóp nghẹt sự tự do của chúng ta mà là để bảo vệ nó. Bởi thế, một tình cảm hiếu thảo nảy sinh khiến chúng ta kêu lên một cách tự nhiên: “Abba, Cha ơi”. Điều đó giống như nói rằng: “Con không biết Cha, hoặc con chỉ biết Cha khi nghe nói về Cha. Bây giờ, con biết Cha, con biết Cha là ai và con biết rằng Cha thực sự mong muốn điều tốt cho con và rằng Cha nhìn đến con với sự ưu ái! Một người con trai hay con gái giờ đã thay thế cho một người tôi tớ; tình yêu đã thay thế nỗi sợ hãi. Đây là những gì xảy ra ở cấp độ chủ quan và hiện sinh khi một người “được sinh lại bởi Thần Khí” (x. Ga 3,5.7-8).

Đây là một lựa chọn từ The Gaze of Mercy (Nhìn chằm chằm vào Lòng Thương Xót), của Raniero Cantalamessa (The Word Among Us Press, 2011).

 Theo The Word Among US [wau.org]
Personal Spirituality Resources
Chuyển ngữ:  Sr. Maria Trần Thị Ngọc Hương

bài liên quan mới nhất

Thứ Ba tuần VII Phục Sinh: “Lạy Cha, xin hãy làm vinh hiển Con Cha”

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng