Chẳng lẽ vẫn cứ dạy người như thế này?

Cô bé học lớp 3, con một gia đình khá giả. Ở lớp, cô giáo ra bài về nhà làm. Đầu bài là: Em hãy trực tiếp làm một công việc gì đó giúp mẹ lau dọn nhà cửa. Sau đó, em hãy kể lại việc mình đã làm và nói lên suy nghĩ của mình.

Là một học trò ngoan (hầu hết, các cháu học tiểu học đều rất ngoan), cô bé đã nói với người giúp việc cho cô được lau nhà. Tất nhiên, công việc không đơn giản với một bé mới 8 tuổi. Nhưng cô cũng đã hoàn thành (mặc dù chưa hoàn toàn vừa ý). Trong bài làm, cô đã kể lại chân thực công việc. Sau đó, phần nói lên suy nghĩ, cô bé viết đại ý: sau khi lau nhà xong, em thấy rất mệt, hai tay mỏi rời, quần áo lấm bê bết. Em thấy mình phải cố gắng học tập giỏi để sau này không phải đi làm người giúp việc gia đình suốt ngày phải làm những công việc nặng nhọc như thế.

Sau khi nộp bài mấy ngày, một buổi chiều, trong bữa cơm, cô bé không được vui vẻ như mọi ngày. Cô kể lại chuyện và giải thích với bố mẹ:

– Cô giáo bảo con về nhà viết lại, không được viết như thế vì thế là thể hiện thái độ lười biếng, ngại lao động chân tay. Bây giờ con phải viết thế nào ạ?

Sau khi nói mấy lời an ủi con, người mẹ gợi ý:

– Con có thể viết: lau nhà xong, em mới thấy thương mẹ em hơn vì hàng ngày, mẹ em vẫn phải làm những công việc như thế.

– Nhưng con có thấy mẹ lau nhà bao giờ đâu ạ? Toàn cô giúp việc làm đấy chứ!

Người bố từ đầu chưa nói câu gì, nay mới tham gia để “gỡ rối” cho người mẹ:

– Con không biết là viết văn, người ta phải hư cấu sao? Không nhất thiết phải có thực thì mới được viết. Truyện của các nhà văn mà con đọc đều như thế cả mà!

Một người bạn kể cho tôi nghe câu chuyện này và hỏi:

– Bác thấy thế nào?

Suy nghĩ một lát, tôi trả lời:

– Đây chỉ là một câu chuyện nhỏ, không có gì gay cấn, nhưng nó phản ánh đúng đắn một thực trạng của giáo dục Việt Nam hiện nay.

Dạy trẻ em nói dối, thậm chí buộc trẻ em nói dối, có thể nói là căn bệnh nặng nhất của nền giáo dục từ hơn nửa thế kỷ nay. Từ khi tới nhà trẻ, mẫu giáo, trẻ em nước ta đã được nghe và dạy nói dối. Cách nay gần bốn mươi năm, khi ăn cơm, thấy món đậu phụ kho với cà chua, con gái tôi đã chỉ vào đĩa nói: “Con không ăn thịt bò đâu”.

Mẹ cháu ngạc nhiên hỏi:

– Đây là đậu phụ, sao con lại gọi là thịt bò?

Cháu khẳng định:

– Cô giáo bảo đây là “thịt bò màu trắng”.

Hóa ra hàng ngày, đi nhà trẻ liên cơ (nhà trẻ cho con cán bộ nhiều cơ quan), cô giáo đã dạy cho các cháu nhiều điều không phải là sự thật, chẳng biết với động cơ gì?

Dương Đình Giao 

Theo: Chiếu Làng

bài liên quan mới nhất

Thứ Tư tuần V Mùa Phục Sinh: “Thầy là cây nho, anh em là cành”

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng