Các Bài Suy Niệm Chúa Nhật XXXII Thường Niên, Năm C
(2Mcb 7, 1-2. 9-14; 2Tx 2, 15 - 3, 5; Lc 20, 27-38)
"Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, mà là của kẻ sống".
1/ MỤC ĐÍCH CUỘC ĐỜI
(ĐTGM. Giuse Vũ Văn Thiên)
Con người sinh ra ở đời, đã có ngày sinh ắt có ngày tử. Nếu sống là bước đi trong một cuộc hành trình, thì hành trình ấy, nếu đã có ngày khởi đầu, ắt có ngày kết thúc. Người ta sinh ra, rồi lớn lên, trưởng thành, tạo lập sự nghiệp. Khi đạt tới đỉnh vinh quang, rồi cũng đến ngày sức lực suy tàn, và cái chết ập đến. Sinh lão bệnh tử, đó là chu kỳ của đời người, chẳng ai cưỡng lại được. Nhưng, chết rồi sẽ ra sao? Đó là câu hỏi luôn ám ảnh con người, dù ở thời hoang dã hay hiện đại, dù người nghèo hay người giàu, dù người lớn tuổi hay người còn trẻ. Các tôn giáo đều nhằm đi tìm câu trả lời cho hậu vận tương lai của kiếp người. Các tác giả Thánh Kinh cũng theo chiều hướng ấy. Với ơn soi sáng của Chúa, từ rất sớm, người Do Thái đã tin vào đời sau và khẳng định: chết không phải là hết. Con người vẫn tồn tại bên kia sự chết. Vào lúc một người chết, một cuộc sống mới khởi đầu.
“Thác là thể phách, còn là tinh anh”. Đại thi hào Nguyễn Du đã đặt vào môi miệng nàng Kiều câu khẳng định này, khi nàng Kiều đứng trước ngôi mộ của Đạm Tiên. Đây cũng là quan niệm thể hiện nhân sinh quan của người Á đông. Chết chỉ là thể xác, phần hồn, hay phần tinh an vẫn tồn tại. Giáo lý Kitô giáo gặp gỡ văn hoá Á đông ở điểm này, và khẳng định thêm: linh hồn con người, vào ngày tận thế, sẽ được hoà nhập với thân xác, để rồi những ai sống công chính sẽ được hạnh phúc với Chúa.
Khi xác tín vào hạnh phúc tương lai, người ta không còn sợ chết. Nói đúng hơn, người ta sẵn sàng chết để làm chứng cho Chân Lý. Bà mẹ người Do Thái cùng với bảy người con được sách Macabê ghi lại là bằng chứng cho niềm hy vọng thâm sâu ấy. Bà là người mẹ phi thường. Bà can đảm chứng kiến bảy người con chết trong một ngày, trước gươm đao của nhà vua Hy Lạp. Những lời tuyên bố mạnh mẽ cho thấy bà mẹ và các con đã thấm đượm giáo huấn của Kinh Thánh về linh hồn bất tử. Cuộc tử đạo của bà và các con đã được lưu truyền cho mọi thế hệ của dân tộc Do Thái, cũng như mọi thế hệ Kitô hữu.
Mục đích cuộc đời dưới lăng kính Kitô giáo là tìm hạnh phúc ở đời này và hạnh phúc ở đời sau. Khi hạnh phúc đời này có nguy cơ ngăn cản hành trình hướng tới hạnh phúc đời sau, thì người tin Chúa sẵn sàng gạt bỏ hạnh phúc chóng qua, để chọn hạnh phúc bất diệt. Những ai tin vào Chúa đều xác tín rằng. Ngài là Đấng ban thưởng cho những ai trung thành.
Mục đích của chúng ta là hướng tới vĩnh cửu. Tuy vậy, từ thời Chúa Giêsu, đã có những người không tin điều đó và họ chủ trương ngược lại. Những người này thuộc phái Xa-đốc, hay còn gọi là phái Sa-du-sê-ô. Cũng giống như những người vô thần duy vật ngày nay, họ chỉ tin vào những gì mà họ cảm nhận được bằng giác quan. Họ cũng chủ trương con người chỉ có sự sống đời này, sau khi chết, sẽ trở về với hư vô. Nhóm người này đã trưng dẫn một khoản luật Môisen để giăng bẫy thử thách Chúa Giêsu. Luật này được gọi là Lê-vi-ra (Lévirat), cho phép người em trai lấy vợ của anh mình, trong trường hợp người anh đã chết mà không có con. Câu chuyện giả định là trường hợp một người phụ nữ cưới lần lượt bảy đời chồng là bảy anh em để lưu giữ người nối dòng cho người chồng đầu tiên là anh cả. Chúa Giêsu đã trả lời dứt khoát: “Con cái đời này cưới vợ lấy chồng, chứ những ai được xét là đáng hưởng phúc đời sau và sống lại từ cõi chết, thì không cưới vợ, cũng chẳng lấy chồng”. Qua những lời này, Chúa mặc khải cho chúng ta về tương lai sau sự chết. Mục đích của đời người là để chiêm ngưỡng vinh quang của Chúa và để ca tụng Chúa đến muôn đời. Đó cũng là hạnh phúc vô biên Thiên Chúa dành cho những ai yêu mến và kính sợ Ngài.
“Ngài không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng của kẻ sống”. Chúa Giêsu cho chúng ta thấy Thiên Chúa là Đấng hằng sống. Ngài cũng là nguồn mạch của sự sống muôn loài. Những ai trung tín theo Chúa sẽ được sống với Ngài mãi mãi. Đức Giêsu đã chứng minh quyền năng Thiên Chúa, khi Người bước ra khỏi nấm mồ tối tăm, phục sinh huy hoàng. Sự phục sinh của Đức Giêsu là bảo đảm cho người tín hữu rằng: những ai đã cùng chết với Đức Kitô, chắc chắn sẽ được sống lại với Người.
Chúng ta đã bước sang tháng 11 dương lịch, được gọi là “Tháng cầu hồn”. Đây là thời gian nghĩ đến những người đã khuất, qua việc sửa sang phần mộ và nhất là cầu nguyện cho những người thân đã qua đời. Những nấm mộ không phải đống đất vô tri vô giác. Mỗi ngôi mộ đang bao bọc một cuộc đời. Bên dưới những nấm mộ, có những người đã từng thành công hay thất bại, có những người đã sống rất thánh thiện hay tội lỗi. Tất cả đều đang chờ được Chúa phán xét. Ngôi mộ chính là một “phòng chờ” của những người đã chết, trước khi sống lại vinh quang vào ngày tận thế để hưởng thánh nhan Chúa. Cuộc sống muôn hình muôn vẻ và gian nan nghiệt ngã. Ai kiên trì và trung tín sẽ được Chúa thưởng công. Ai vội vàng và bất nghĩa sẽ phải muôn đời bất hạnh.
Giữa biết bao bộn bề lo toan của cuộc sống, thánh Phaolô khuyên chúng ta trong Bài đọc II: “Thiên Chúa là Đấng trung tín. Ngài sẽ làm cho anh em được vững mạnh, và bảo vệ anh em khỏi ác thần”. Như thế, với ơn phù trợ của Chúa, điều không thể, sẽ trở thành điều có thể. Nhờ Ngài, chúng ta có thể vượt qua những khó khăn và gian nan thử thách. Ý thức được giới hạn của bản thân, vị thánh Tông đồ dân ngoại ngỏ lời với anh chị em tín hữu: “Anh em hãy cầu nguyện cho chúng tôi được thoát khỏi tay người độc ác xấu xa, bởi vì không phải ai cũng có đức tin”. Quả vậy, không ai tự tin đến nỗi nói rằng mình chắc chắn đứng vững mà không cần ơn Chúa.
“Sự sống không mất nhưng chỉ đổi thay”. Đó là lời của một bài thánh ca. Lời này đem cho chúng ta niềm hy vọng, vào thời điểm bi đát nhất của cuộc đời. Dừng chân suy niệm nơi nấm mộ của người thân, chúng ta hãy thinh lặng để lắng nghe những tâm tình của người đã khuất. Chắc chắn những người đã ra đi có rất nhiều điều tâm sự với chúng ta, là những người đang sống. Một trong những điều tâm sự đó, lời ước muốn cho chúng ta sống lành thánh để cùng với những người thân hưởng hạnh phúc vĩnh cửu trên quê trời.
2/ SỐNG LẠI
(ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt)
Trong chương trình “Những điều bạn có thể chưa biết” của đài VTV3 có tường thuật một trường hợp lạ lùng: Một phụ nữ bị nhồi máu cơ tim. Chị tắt thở. Chị đã chết. Nhưng nhiều giờ sau, chị tỉnh lại. Các bác sĩ hỏi chị đã thấy gì trong thời gian ấy. Chị trả lời: chị thấy mình như bay bổng lên cao, và từ trên cao chị nhìn xuống thấy các bác sĩ, các y tá đang chăm sóc cho mình, nhìn thấy thân xác mình nằm bất động, nhìn thấy thuốc men, dụng cụ y tế. Chị cũng nhìn thấy một chiếc giày tennis cũ màu xanh da trời, đế giày bị mòn ở mép trong bàn chân, giây giày màu trắng, đầu một sợi dây thòng xuống dưới đáy giày. Nghe lời tả rất chi tiết của chị, vị bác sĩ chuyên điều tra băn khoăn để ý tìm kiếm. Một hôm vị bác sĩ đi qua tòa nhà đối diện nhìn sang bệnh viện, bà giật mình kinh hãi vì thấy ở tầng ba của tòa nhà, trên một gờ xi măng rất cheo leo, có một chiếc giày tennis cũ ai đã đặt ở đó tự hồi nào. Vị bác sĩ quan sát kỹ lưỡng và thấy chiếc giày giống từng chi tiết với chiếc giày mà người chết kể lại: chiếc giày vải cũ màu xanh, đế giày mòn ở mép trong, dây giày màu trắng, đầu một dây thòng xuống nằm ở dưới đáy giày.
Đó là một trong 1370 trường hợp trở về từ cõi chết mà các bác sĩ Đức và Mỹ đã điều tra. Theo những người có kinh nghiệm về cái chết này thuật lại thì: Cuộc sống ở “cõi bên kia” hạnh phúc hơn cuộc sống ở đời này. Và sau khi “chết đi sống lại”, không ai còn sợ chết nữa, không ai muốn kiếm tiền bạc, danh vọng, lạc thú gì nữa. Điều duy nhất mà họ quan tâm là sống yêu thương, quảng đại, phục vụ mọi người. Tất nhiên đây chưa phải là bằng chứng chắc chắn về việc người chết sống lại. Nhưng nó rất gần với mặc khải của Lời Chúa hôm nay. Và kinh nghiệm hiếm có của họ rất có thể hữu ích cho ta. Kinh nghiệm của họ nói với ta hai điều:
1) Có cuộc sống khác ở bên kia cái chết. Kinh nghiệm của họ phù hợp với niềm tin dân gian, nhất là của người Việt Nam vẫn tin rằng: thác là phế thách, còn là tinh anh. Vì tin có sự sống ở bên kia cái chết mà chúng ta mới thờ kính tổ tiên, cúng quảy, giỗ chạp.
Niềm tin ấy phù hợp với giáo lý của Chúa. Khi Môsê thấy Chúa hiện ra trong bụi gai cháy đỏ. Ông hỏi Chúa là ai. Chúa trả lời: “Ta là Thiên Chúa của Abraham, Isaác, Giacóp”. Vào thời của Môsê, Abraham đã qua đời được 5, 6 trăm năm. Vậy mà Chúa vẫn tự giới thiệu là Thiên Chúa Abraham, tức là Abraham vẫn sống, đang sống bên Chúa. Vì Thiên Chúa là Thiên Chúa của người sống chứ không phải Thiên Chúa của kẻ chết.
Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu nhiều lần nhắc đến cuộc sống sau cái chết như dụ ngôn người giàu có và Lagiarô, trong dụ ngôn về ngày phán xét, dụ ngôn lúa đồng và cỏ dại.
Theo thánh Phaolô, cuộc sống đời sau mới là đích điểm mà mọi tạo vật nhắm tới. Trong thư Rôma, Ngài viết: “Muôn loài thọ tạo những ngong ngóng chờ ngày Thiên Chúa mạc khải vinh quang của con cái Người. Quả thế, muôn loài đã lâm vào cảnh hư ảo, không phải vì chúng muốn, nhưng là vì Thiên Chúa bắt phải chịu vậy. Thật vậy, chúng ta biết rằng: cho đến nay, muôn loài thọ tạo cùng rên siết và quằn quại như sắp sinh nở” (Rm 8,19-23)
Chúng ta rên siết vì cuộc sống hiện tại đầy khổ ải. Chúng ta mong chờ cuộc sống đích thực ở mai sau. Đời sống này là thời kỳ thai nghén. Ta phải chịu đau đớn để sinh vào đời sau.
2) Cuộc sống ở bên kia rất khác với cuộc sống hiện tại. Khi Chúa Giêsu trả lời người Sadducêô, Chúa Giêsu đã mặc khải ba chân lý.
Chân lý thứ nhất: Chỉ những ai được tuyển chọn mới được vào Nước Chúa. Sự sống đời sau có đó. Nhưng không phải ai cũng vào được. Chỉ có những người được xét là xứng đáng mới được vào. Trong Phúc Âm, nhiều lần Chúa đã nói tới việc tuyển chọn này. Chúa sẽ loại chiên ra khỏi dê, lúa tốt ra khỏi cỏ dại, cá tốt ra khỏi cá xấu. Tiêu chuẩn để chọn lựa là Tám mối phúc, nhất là giới răn bác ái yêu thương.
Chân lý thứ hai: Người ta sẽ giống như thiên thần. Đời sống trên trời sẽ không có gì giống với đời sống dưới đất. Sẽ không còn đói khát nên sẽ không cần ăn uống. Sẽ chẳng có lấy vợ lấy chồng, sẽ chẳng cần sinh con để nối dõi vì người ta không bao giờ chết nữa. Nếu vậy, trên trời ta có còn là ta nữa không hay ta trở thành một người khác, một kiếp khác? Thưa, tuy có khác nhưng ta vẫn là ta. Đứa bé bụ bẫm hôm nay chẳng có gì giống với cái bào thai ngọ nguậy trong bụng mẹ hôm qua. Nhưng cả hai chỉ là một. Bà cụ 90 tuổi hôm nay chẳng còn gì giống với cô thiếu nữ mà bà đã là cách nay 70 năm. Nhưng cả hai vẫn là một. Chú bướm xinh đẹp nhởn nhơ bay lượn trên khóm hoa hôm nay chẳng có gì giống với gã sâu xấu xí lê la trên đất hôm qua. Nhưng cả hai vẫn chỉ là một.
Trên trời, ta sống một cuộc sống khác, không ăn uống, không lấy vợ lấy chồng. Nhưng ta vẫn là ta. Có khác biệt nhưng vẫn có liên tục.
Chân lý thứ ba: Ta sẽ trở thành con Thiên Chúa. Sống lại rồi, ta như đứa con bấy lâu phiêu bạt xa quê nay được trở lại nhà cha mẹ. Tâm hồn luôn bị dằn vặt vì niềm khao khát vô biên, nay mới được no thỏa: Thiên Chúa chính là hạnh phúc lấp đầy được vực thẳm khao khát vô biên của ta. Thánh Augustinô đã nói: “Lạy Chúa, Chúa dựng nên con cho Chúa, nên lòng con mãi khắc khoải băn khoăn cho đến khi được nghỉ yên trong Chúa”. Là con Thiên Chúa, hạnh phúc lớn nhất của ta là được tham dự vào sự sống của Thiên Chúa Ba Ngôi. Sự sống của Thiên Chúa Ba Ngôi là cội nguồn hạnh phúc, nên thánh Phaolô đã nói: “Những đau khổ ta chịu bây giờ không thấm gì so với hạnh phúc sau này ta sẽ được. Và mọi tạo vật mong tới ngày được giải thoát, không phải lệ thuộc vào cảnh hư nát, để được cùng con cái Thiên Chúa chung hưởng tự do và vinh quang” (Rm 8,22). Vì hạnh phúc ấy mà tám mẹ con trong bài đọc thứ nhất đã cam chịu mọi khổ hình.
Lời Chúa hôm nay đem lại cho ta bao niềm hy vọng. Chúa cho ta biết, đời ta sẽ không đi trong bất định, lạc vào hư vô, nhưng đời ta có một cùng đích, đó là trở về với Thiên Chúa là cội nguồn của ta. Đời ta sẽ không chìm đắm trong đau khổ, nhưng sẽ vươn lên hạnh phúc, hạnh phúc làm con Thiên Chúa, hạnh phúc chia sẻ sự sống của Thiên Chúa Ba Ngôi. Đời ta như vậy sẽ không đi vào mạt kiếp lụi tàn, nhưng sẽ triển nở trong vinh quang tự do. Đúng như lời thánh Phaolô nói: “Gieo xuống thì hư nát, mà chỗi dậy thì bất diệt; gieo xuống thì hèn hạ, mà chỗi dậy thì vinh quang; gieo xuống thì yếu đuối, mà chỗi dậy thì mạnh mẽ; gieo xuống là thân thể có sinh khí, mà chỗi dậy là thân thể có thần khí” (1Cr 15,43-44)
Lạy Chúa, xin cho con biết sống ở đời này theo đúng Lời Chúa dạy, để mai sau con xứng đáng được trở nên con của Chúa. Amen.
KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
1) Cái chết là một thành phần của đời sống. Bạn chuẩn bị và đón nhận cái chết thế nào?
2) Con người sinh ra không phải để chết nhưng để sống. Bạn hiểu câu này thế nào?
3) Đời sau ta sẽ sống với Chúa. Ngay từ bây giờ bạn phải làm gì để chuẩn bị cho cuộc sống với Chúa?
3/ MẦU NHIỆM CÁNH CHUNG
(Lm. GB. Trần Văn Hào)
Trong những Chúa nhật cuối cùng của năm phụng vụ, Giáo hội mời gọi chúng ta suy nghĩ về cuộc sống mai sau, cuộc sống mà chúng ta đang vươn hướng tới. Nghĩ về cái chết và cuộc sống mai hậu không phải là một thái độ mang vẻ bi quan, nhưng ngược lại, đây là cách thức để khơi dậy niềm hy vọng và giúp chúng ta sống cuộc sống hiện sinh cho thật ý nghĩa. Chúng ta vẫn tuyên xưng đức tin khi đọc kinh Tin kính: “Tôi trông đợi kẻ chết sống lại và sự sống đời sau”. Đó là niềm hy vọng cánh chung của mọi Kitô hữu, bởi vì chết không phải là hết. Cái chết không kết thúc cuộc sống chúng ta một cách vô nghĩa, nhưng nó chính là cửa ngõ đưa dẫn chúng ta vào cuộc sống vĩnh hằng. Đây cũng là sứ điệp mà các bài đọc Lời Chúa hôm nay gợi mở.
Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại.
Trong bài Tin mừng hôm nay, Thánh Luca thuật lại cuộc tranh luận giữa Chúa Giêsu và nhóm Saducêo. Nhóm này không tin có sự sống lại. Đối với họ, chết là một dấu chấm hết. Những người Saducêo đưa ra câu chuyện giả định và có tính ngụy tạo về một phụ nữ có 7 đời chồng để gài bẫy Đức Giêsu. Nếu Chúa trả lời có sự sống lại, thì không thể giải quyết vấn đề ai là chồng chính thức của người phụ nữ ấy trong cuộc sống mai sau, còn nếu Chúa trả lời không, đương nhiên họ có thêm một đồng minh. Tình thế tiến thoái lưỡng nan. Câu trả lời của Chúa Giêsu là một khẳng định chắc chắn mang tính thần khải về sự sống lại trong ngày sau hết. Tuy nhiên Ngài không nói rõ cuộc sống ấy sẽ như thế nào, vì tâm địa hẹp hòi của người Do thái lúc bấy giờchưa thể lãnh hội được chân lý của mầu nhiệm. Ngài chỉ cho họ biết rằng trong đời sống mới, con người sẽ sống như các thiên thần, không còn chuyện dựng vợ gả chồng như cuộc sống hôm nay. Chúa cũng từ từ vén mở cho chúng ta biết về thực tại cách chung. Trong cuộc sống mai hậu sẽ không còn khổ đau và chết chóc, bởi vì con người đi vào cuộc sống trường cửu.
Thời cựu ước, tư tưởng về cuộc sống mai sau rất mờ nhạt. Sách Macabê là quyển sách đầu tiên nói về sự sống lại. Bảy anh em nhà Macabê đã can đảm tiến nhật cái chết với niềm tin tưởng này. Trước khi lìa đời, họ đã nói với vua Antiôkhô: “Chúng tôi chết vì luật pháp của vua vũ trụ, nên Người sẽ cho chúng tôi sống lại để hưởng sự sống đời đời(2Mac 7,a)” hoặc “ Thà chết vì tay người đời đang khi dựa vào lời Thiên Chúa mà hy vọng sẽ được Người cho sống lại. Còn vua, vua sẽ không được sống lại để hưởng sự sống đời đời đâu”(c.14). Sau này, khi Guiđa thắng trận và thu gom các tử thi, ông đã gom tiền gửi về Giêsusalem để dâng lễ tạ tội cầu cho những người đã chết. Tác giả thư Macabê còn chú thích thêm: “Thật thế, nếu ông không hy vọng rằng những chiến binh đã ngã xuống sẽ sống lại, thì cầu nguyện cho kẻ đã chết quả là việc dư thừa và ngu xuẩn(2 Mac 12,44). Niềm tin về sự sống lại mai sau được Đức Giêsu dần dần khai sáng. Thánh Phaolô đã nhắc đi nhắc lại về niềm tin này, như trong Rm chương 8; Rm 6,8; 1 C 15,20-23; 2 C4, 14-15; Pl3, 20; 2Tm2,8-13 v.v..
Mọi người đều phải chết.
Để chuẩn bị cho cuộc sống mai sau, chúng ta phải đi qua cái chết. Đây là một thực tại mà không ai có thể trốn tránh. Ngày xưa vua Tần Thủy Hoàng đã sai phái cả ngàn y sĩ tài giỏi đi khắp nơi săn lùng những thang thuốc quý để ông được trường sinh bất tử, nhưng cuối cùng ông cũng phải chết giống như mọi người. Biết bao anh hùng hào kiệt đã lẫy lừng một thời, được mọi người ca tụng như những vĩ nhân ‘đời đời sống mãi’, nhưng tất cả cũng đều đã chết. Xác của họ có đặt trong những lăng tẩm nguy nga để mọi người đến kính viếng, cũng chỉ là một nắm xương khô mà thôi. Triết học kinh điển của Hy Lạpnổi tiếng với tam đoạn luận‘Mọi người đều phải chết, Socrate là người, nên(ergo) Socrate cũng phải chết’. Tam đoạn luận ấy cũng được ứng dụng cho mỗi người trong chúng ta.
Là Kitô hữu, chúng ta chuẩn bị đón nhận cái chết như thế nào.
Triết gia Jean Guitton, bạn thân của Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô đệ nhị có kể lại một giai thoại. Hồi còn bé, ban đêm ông ngủbên mẹ. Nhà hàng xóm bên cạnh có người chết. Giữa đêm khuya vắng, có tiếng khóc não nuột vang lên. Đứa bé sợ quá ôm chầm lấy mẹ. Nó hỏi mẹ: “Mẹ ơi, chết là gì hả mẹ”. Câu hỏi của đứa bé khiến bà mẹ trẻ lúng túng không biết trả lời làm sao. Bà bật dậy ngồi vào bàn và mở Kinh Thánh ra đọc. Trong Tin Mừng Gioan, bà đọc thấy đoạn viết: “Trước lễ Vượt qua, Đức Giêsu biết giờ của Ngài đã đến, Ngài phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha. Ngài vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Ngài yêu thương họ đến cùng”(Ga 13,1). Gấp sách lại, bà trở về giường nói với đứa trẻ: “Con ơi, chết là trở về với Chúa Cha và yêu thương đến cùng”. Đây là khuôn mẫu từ cái chết của Chúa Giêsu để giúp chúng ta suy gẫm và chuẩn bị đón nhận cái chết nơi mình. Khi mang thân phận con người, Chúa Giêsu đã từng run sợ khi đối diện trước cái chết. Ngài sợ đến mức độ mồ hôi và máu toát ra. Tác giả thơ Do Thái đã viết: “ Khi còn sống kiếp phàm nhân, Đức Giêsu đã lớn tiếng kêu van khóc lóc mà dâng lời khẩn nguyện nài xin Đấng có quyền năng cứu Người khỏi chết. Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ(Dt5,7). Mọi người chúng ta cũng vậy, theo bản năng tự nhiên, ai cũng sợ hãi khi tiếp cận cái chết. Nhưng với niềm tin và lòng yêu mến, chúng ta sẽ chiến thắng. Thánh Phaolô đã khẳng quyết: “Tình yêu mạnh hơn sự chết’’(Rm 8, 39). Thánh nữ Têrêsatrên giường hấp hối đã nói với các chị em trong cộng đoàn: “Em sắpchết, nhưng không phải em chết mà em đang tiến về cõi sống”.Mới đây người ta cho đăng hình một nữ tu rất xinh đẹp, lúc nào trên môi cũng nở nụ cười cho dầu đang phải chiến đấu chống lại những đau đớn do bệnh ung thư. Vị nữ tu này khi chết, trên gương mặt xinh xắn vẫn nở một nụ cười rất tươi. Người phụ nữ trẻ này đã an bình trở về với Chúa và kết thúc cuộc hành trình trần gian không một chút lưu luyến.
Kết luận:
Một linh mục nọ tổ chức tại giáo xứ một lễ an táng khá đặc biệt. Ngài báo trước từ lâu để đông đảo mọi người đến tham dự. Giữa nhà thờ ngài đặt một cỗ quan tài. Theo truyền thống, trước khi đưa thi hài ra phần mộ, quan tài được mở nắp để từng người đến tiễn biệt người quá cố lần cuối. Nhưng khi mọi người nhìn vào quan tài để xem người nằm trong đó là ai, họ không thấy gì, chỉ thấy một tấm gương lớn, phản chiếu chính khuôn mặt của họ. Vị linh mục chú thích:” Mỗi ngày anh chị em hãy tự mai táng chính mình”.
Thiên Chúa là tình yêu. Nếu chúng ta sống sung mãn trong tình yêu, chúng ta sẽ trở nên bất tử vì được thông dự vào bản tính củaThiên Chúa, là Đấng không bao giờ chết. Đây là phương cách giúp chúng ta thực hành để đạt đến sự bất tử trong cuộc sống vĩnh hằng mai sau.
4/ CHẾT KHÔNG PHẢI LÀ HẾT
(Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền)
Cuộc sống luôn đặt ra cho chúng ta một câu hỏi: Tôi sinh ra làm gì? Chết rồi đi đâu? Đây là câu hỏi đưa đến một hướng đi cho cuộc đời. Tin vào sự sống đời sau chắc chắn con người sẽ có cách hành xử khác với những người vô thần từ chối sự sống thần linh.
Thử hỏi, nếu không có sự sống đời sau cuộc đời này sẽ ra sao? Có lẽ người ta sẽ thấy cuộc đời là một phi lý. Sinh ra trong cuộc đời. Vật lộn với cuộc sống. Tranh đấu để tồn tại. Sống ăn ngay ở lành. Làm việc lương thiện. Chết rồi hết! Quả là bất công, vì đang khi đó có biết bao người sống chìm đắm trong lạc thú, sống vô luân họ chết cũng là chấm hết, hóa ra cuộc đời họ quá sướng, trong khi kẻ ăn ngay ở lành lại thiệt thòi vì hy sinh vô ích. Thế nên, phải có đời sau để trả lại công bằng cho cuộc sống làm người hôm nay. Người Phật Giáo thì tin vào kiếp luân hồi. Người Công Giáo thì có Cánh Chung. Chung quy đều là câu trả lời cho lý do phải sống ăn ngay ở lành trong cuộc sống làm người hôm nay.
Quả thực, nếu cuộc đời là bể khổ và chết là hết thì thật là một tai họa cho kiếp người chúng ta, đúng như một ai đó đã ngao ngán bảo rằng:
“Cây xanh thiếu lá nó xanh xanh
Biết mình thế này thà đừng sinh ra”
Vâng, nếu cuộc đời này thiếu hạnh phúc như cây xanh thiếu lá thì niềm tin cho chúng ta sự hy vọng vào một thế giới ngày mai sẽ không còn đau khổ, và không còn sự chết. Con người sinh ra không phải để chết mà là để sống. Cái chết chỉ là sự chuyển đổi một cách sống khác hoàn hảo hơn cuộc sống hôm nay.
Mấy năm gần đây, một số bác sĩ người Đức và Mỹ đã nghiên cứu đến hiện tượng gọi là “kinh nghiệm cận tử” (near death experience): nhiều người vì một tai nạn hay một lý do nào đó đã ngất đi trong một thời gian khá dài. Về mặt thể lý, coi như họ đã chết. Nhưng sau đó họ sống lại. Các bác sĩ đã phỏng vấn 1370 người ấy. Trong những điều họ thuật lại, có những điểm mà ai cũng nhất trí, như sau:
– Cuộc sống ở “cõi bên kia” hạnh phúc hơn cuộc sống ở đời này.
– Sau khi “chết đi sống lại”, không ai còn sợ chết nữa, không ai ham muốn kiếm tiền bạc danh vọng lạc thú gì nữa. Điều duy nhất mà họ quan tâm là sống yêu thương, quảng đại, phục vụ mọi người (Tóm bài của Willie Hoffsuemmer).
Cái chết và sự Phục sinh của Chúa Giêsu chính là câu trả lời cho cuộc sống chúng ta. Ngài đã chết và sống lại. Sự sống Phục sinh của Ngài hoàn toàn khác lạ với cuộc sống nhân trần. Mặc dù Ngài vẫn mang thân xác con người nhưng các môn đệ đã không nhận ra Người. Sự sống Phục sinh luôn thanh thoát nhẹ nhàng. Ngài đến và đi. Ngài hiện diện chỗ này. Ngài hiện diện chỗ khác. Không gian và thời gian như dừng lại với cuộc sống Phục sinh. Ngài nói rằng Ngài về Nhà Cha. Về nơi hạnh phúc trường sinh. Nơi đó Ngài cũng dọn chỗ cho tất cả những ai tin vào Người.
Lời Chúa hôm nay cũng khẳng định cho chúng ta thấy có sự sống đời sau. Sự sống đời sau thì tròn đầy, viên mãn. Con người không còn phải lo dựng vợ gả chồng để lưu truyền nòi giống. Con người sống bất tử như các thiên thần. Vì Đấng Tạo dựng con người đã mạc khải chính mình là Thiên Chúa kẻ sống chứ không phải kẻ chết. Ngài tạo dựng chúng ta để được sống trường sinh như Ngài.
Nhưng để có một sự sống đời sau cũng đòi hỏi con người hôm nay biết sống tròn trách nhiệm làm người của mình. Chúa Giêsu luôn hoàn thành bổn phận Chúa Cha. Ngài đã tìm ý Chúa Cha để thực hiện. Ngài luôn xin vâng theo thánh ý Chúa Cha. Đây cũng là con đường tiến vào sự phục sinh vinh quang với Chúa nếu chúng ta biết đi theo con đường của Chúa. Con đường của hy sinh, từ bỏ những đam mê tội lỗi. Con đường của vâng phục theo thánh ý Chúa Cha, cho dẫu đường đời có lắm gian nguy. Con đường hẹp nhưng mang lại cho chúng ta sự sống đời đời.
Ước gì niềm tin vào sự phục sinh mai sau sẽ giúp chúng ta biết sống một cuộc đời đầy ý nghĩa hơn. Một cuộc đời sống tôn thờ Thiên Chúa và phục vụ đồng loại. Một cuộc đời lương thiện và vi tha. Xin đừng vì những quyến luyến của danh lợi thú khiến chúng ta đánh mất sự sống trường sinh. Amen.