Các Bài Suy Niệm Chúa Nhật XXXI Thường Niên - Năm C

Các Bài Suy Niệm Chúa Nhật XXXI Thường Niên – Năm C

(Kn 11, 23 – 12, 2; 2Tx 1, 11 – 2, 2; Lc 19, 1-10)

“Con Người đến tìm kiếm và cứu chữa điều gì đã hư mất”.

1/ TÌM KIẾM CHÚA

(ĐTGM. Giuse Vũ Văn Thiên)

Lúc con người bước vào đời cũng là lúc khởi đầu hành trình kiếm tìm Thượng Đế. Hành trình tìm kiếm này khác nhau nơi mỗi người: có người thì thuận lợi, có người thật khó khăn; có người thật lâu dài, lại có người rất đơn giản ngắn gọn. Mục đích của việc kiếm tìm Thượng Đế là để gặp gỡ Ngài, được Ngài chia sẻ tính thần thiêng và vinh quang của Ngài. Có nhiều cách trình bày Thượng Đế khác nhau, tùy truyền thống văn hóa hay quan niệm tôn giáo tín ngưỡng. Người Kitô hữu được mặc khải cho biết Đấng Cao Cả có một tên gọi: Thiên Chúa. Hành trình cuộc đời cũng là hành trình tìm kiếm Thiên Chúa. Nhờ nỗ lực tìm kiếm Chúa mà chúng ta có thể nên giống Ngài ngay khi còn sống ở thế gian này, là bảo đảm sẽ được nên giống Ngài hoàn toàn ở đời sau.

Ông Giakêu là một người tìm kiếm Chúa. Dưới ngòi bút của thánh Luca, Giakêu là một người khá giả và là một thủ lãnh của những người thu thuế. Tuy vậy, sự giàu có và sung túc của ông không làm cho ông được thỏa mãn. Vì vậy, khi nghe nói có vị ngôn sứ tên là Giêsu đi ngang qua, ông đã vượt qua mặc cảm tự ti về vóc dáng, sẵn sàng trèo lên cây vả để nhìn rõ vị ngôn sứ sắp đi ngang qua. Vóc dáng ông tuy lùn, nhưng ý chí của ông lại cao. Dù là một thủ lãnh thu thuế, ông không ngại những lời chê bai đàm tiếu của công chúng. Cử chỉ trèo lên cây cho thấy nỗ lực tìm kiếm Chúa của ông.

Nếu con người mọi thời đang nỗ lực tìm kiếm Chúa, thì  Chúa cũng chủ động kiếm tìm con người. Chúng ta thấy điều này nhiều nơi trong Tin Mừng thánh Luca. Những dụ ngôn “người chủ chiên đi tìm chiên lạc”, “người đàn bà tìm đồng bạc bị mất” đều diễn tả việc Thiên Chúa đi tìm kiếm con người. Đang khi ông Giakêu còn loay hoay ngồi trên cây, thì Chúa Giêsu chủ động đề nghị: “Ông hãy xuống mau, vì hôm nay tôi phải lưu lại nhà ông”. Một vinh dự không ngờ! Giakêu chỉ nghĩ leo lên cây để nhìn Chúa đi ngang qua, nhưng Chúa lại đích thân đến nhà ông. Không phải chỉ có chúng ta ngạc nhiên, mà những người Do Thái đương thời cũng ngạc nhiên không kém. Không những ngạc nhiên, họ còn ganh tỵ với ông Giakêu và xầm xì với nhau. Đó là tâm lý thường thấy nơi con người. Khi thấy người ta hơn mình điều nọ điều kia thì tìm cách bới móc những khuyết điểm của họ để hạ thấp giá trị của họ xuống. Không chỉ ganh tỵ với ông Giakêu, những người đương thời còn tỏ ra bất bình với Chúa Giêsu, vì “nhà người tội lỗi mà ông ta cũng đến trọ”. 

Trong khi những người Do Thái xầm xì với nhau, thì Chúa Giêsu lại tuyên bố ông Giakêu là người được ơn Cứu độ. Cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu đã làm ông thay đổi cuộc đời. Từ một người thu thuế hay gian lận tham lam, ông trở thành người quảng đại, sửa lỗi bằng cách sẽ đền bù cho người bị thiệt và chia cơm sẻ áo cho người nghèo. “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Abraham”. Lời tuyên bố của Chúa Giêsu đã giúp ông vượt lên mọi thành kiến xã hội, lấy lại tự tin và niềm hy vọng. Việc Chúa đến thăm nhà giúp ông xua tan mọi mặc cảm về nghề nghiệp cũng như thân phận của mình. Những gì ông thưa với Chúa cho thấy một sự đổi đời tận gốc rễ. Ông Giakêu, một người thu thuế đã thực sự trở thành môn đệ của Chúa Giêsu, một người con đích thực của Abraham, người công chính. Ông Giakêu đại diện cho vô vàn vô số những người nam nữ già trẻ trong mọi thời đại đang tìm kiếm Chúa. Họ tìm kiếm Chúa như hoa hướng dương tìm về mặt trời, như suối tìm về nguồn và như chim tìm về tổ. Con người không ngừng tìm kiếm Chúa mặc dầu họ chưa biết rõ về Ngài. Tin Mừng Thánh Luca là “Tin Mừng của lòng thương xót”, vì vậy tác giả thường trình bày Chúa Giêsu như một vị Ngôn sứ rao giảng và diễn tả lòng bao dung. Hãy nhớ lại điều người cha ngỏ với con mình trong dụ ngôn “Người cha nhân hậu”: “Con à, lúc nào con cũng ở với cha. Tất cả những gì của cha đều là của con. Nhưng chúng ta phải ăn mừng vì em con đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy” (Lc 15,31). Hoặc lời Chúa Giêsu trên thập giá: “Tôi bảo thật, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên thiên đàng” (Lc 23,43). 

Thiên Chúa là Đấng hay thương xót. Đó là một điểm nhấn quan trọng trong giáo huấn của Cựu ước. Đoạn sách trích từ sách Khôn ngoan hôm nay (Bài đọc I) là một ví dụ. Thiên Chúa thương xót hết mọi người. Ngài nhắm mắt làm ngơ trước tội lỗi của họ để mong họ sám hối trở về và được cứu rỗi. Chúa luôn giang rộng vòng tay ôm lấy các tội nhân, nếu họ thành tâm trở về với Ngài. Như thế, người tín hữu cần vững lòng trông cậy vào lòng từ bi Chúa. Niềm trông cậy phải được thể hiện trong cuộc sống hằng ngày, qua cách ăn nết ở của chúng ta – Thánh Phaolô khuyên các tín hữu như vậy (Bài đọc II). Người trông cậy Chúa sẽ không hoang mang lo sợ trước những lời đồn đại và những tư tưởng lầm lạc, vì họ tin vào quyền năng và tình yêu thương của Thiên Chúa.

Cuộc tìm kiếm Chúa mặc dù còn nhiều gian nan, nhưng chắc chắn những ai nỗ lực tìm Chúa sẽ được gặp Ngài. Chúa đang hiện diện trong cuộc đời và trong chính tâm hồn chúng ta. Việc gặp Chúa thực ra rất đơn giản: tin tưởng, yêu mến và cậy trông vào Ngài, tất yếu sẽ được gặp Ngài và được Ngài ban trọn niềm vui.

2/ ÁNH MẮT YÊU THƯƠNG

(ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt)

Mỗi khi đọc câu chuyện ông Giakêu, tôi ngỡ ngàng trước ánh mắt của Chúa Giêsu khi Ngài nhìn lên ông Giakêu trên cây sung. Ánh mắt ấy có sức mạnh kỳ lạ. Ánh mắt ấy chất chứa bao tâm tình. Chỉ trong một ánh mắt cuộc đời Giakêu hoàn toàn biến đổi.

Đó là ánh mắt quan tâm. Chúa Giêsu vào thành Giêricô. Giêricô là một thành phố rộng lớn, người đông đúc, buôn bán sầm uất. Một đám đông lớn đi theo Chúa Giêsu. Trong khi đó ông Giakêu thật bé nhỏ. Nên ông phải leo lên cây sung để nhìn Chúa. Thật lạ lùng. Giữa đám đông mênh mông ấy, Chúa vẫn nhìn thấy ông Giakêu, dù ông thấp lùn. Giữa muôn người, Chúa chỉ tìm Giakêu. Lại còn biết rõ tên ông. Điều đó chứng tỏ Chúa quan tâm tới Giakêu, dù ông bé nhỏ trong một đám đông hỗn độn. Giakêu chắc chắn cảm thấy ấm lòng vì ánh mắt quan tâm của Chúa.

Đó là ánh mắt khiêm nhường. Hãy tưởng tượng cảnh Chúa ngước lên nhìn Giakêu. Chúa nhìn lên. Giakêu nhìn xuống. Thật là một cảnh tượng phi thường. Người có tầm vóc cao lớn phải ngước nhìn lên mới gặp ánh mắt người thấp bé. Thiên Chúa phải ngước mắt nhìn lên mới gặp được phàm nhân. Đấng vô cùng thánh thiện phải ngước mắt nhìn lên mới gặp kẻ tội lỗi tầy trời. Tạo hóa phải ngước mắt nhìn lên mới gặp được thụ tạo. Đấng Cứu Độ phải ngước mắt nhìn lên mới gặp được kẻ cần được cứu. Đấng tha tội phải ngước mắt nhìn lên mới gặp được kẻ cần được thứ tha. Thật là một sự khiêm nhường thẳm sâu. Giakêu chắc chắn phải choáng váng vì ánh mắt khiêm nhường của Chúa.

Đó là ánh mắt tha thứ. Nguyên một việc quan tâm tìm kiếm cũng đã chứng tỏ Chúa tha thứ cho ông rồi. Huống hồ Chúa còn khiêm tốn ngước nhìn lên. Hơn thế nữa Chúa còn ngỏ lời muốn đến thăm nhà ông. Giakêu chưa tìm Chúa thì Chúa đã tìm Giakêu. Giakêu chưa gọi Chúa thì Chúa đã gọi Giakêu. Giakêu chưa mời thì Chúa đã ngỏ ý đến nhà. Giakêu chưa xin lỗi thì Chúa đã tha thứ. Ánh mắt tha thứ mới khoan dung độ lượng và ấm áp làm sao. Giakêu chắc chắn tràn đầy niềm hối cải khi nhìn vào ánh mắt tha thứ của Chúa.

Đó là ánh mắt tin tưởng. Chúa Giêsu nhìn Giakêu bằng ánh mắt tin tưởng. Tin tưởng nên không nhìn về quá khứ mà chỉ hướng về tương lai. Chúa quên hết tội lỗi của ông. Hơn thế nữa Chúa tin rằng ông sẽ nên người tốt. Chúa tin rằng ông sẽ làm lại cuộc đời. Chúa tin vào tương lai của ông. Nên Chúa đã nhìn ông. Nên Chúa tha thứ cho ông. Nên Chúa kết thân với ông. Trước ánh mắt tin tưởng của Chúa, chắc chắn Giakêu sẽ cương quyết làm lại cuộc đời.

Đó là ánh mắt yêu thương. Tất cả sẽ không thể giải thích được nếu không có tình yêu. Chúa quan tâm tới Giakêu vì Chúa yêu thương ông, như người mục tử tốt lành đi tìm con chiên lạc. Chúa khiêm nhường vì Chúa yêu thương ông, như người cha cõng con trên vai. Chúa tha thứ vì Chúa yêu thương ông, như người cha sẵn sàng chờ đón đứa con hoang đàng. Chúa tin tưởng vì Chúa yêu thương ông, như người mẹ không khi nào nói rằng con mình xấu, dù nó phạm tội trăm lần. Chúa nhìn ông bằng ánh mắt yêu thương. Ngập tràn trong yêu thương, trái tim Giakêu bừng lên ngọn lửa yêu thương. Đời ông được đốt cháy trong yêu thương. Nên ông đã đáp lại tình yêu thương của Chúa. Vì yêu mến Chúa mà ông yêu thương đồng loại. Yêu thương nên đền bù thiệt hại. Yêu thương nên chia sẻ chân thành.

Lạy Chúa, Chúa luôn nhìn con bằng ánh mắt yêu thương. Xin cho con biết nhìn vào mắt Chúa, nhận ra tình yêu thương của Chúa và biến đổi cuộc đời như ông Giakêu.

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG

1) Chúa nhìn Giakêu bằng ánh mắt thế nào?

2) Giakêu đã đáp lại ánh mắt của Chúa ra sao?

3) Bạn có bao giờ nhìn thấy ánh mắt Chúa nhìn bạn chưa?

4) Bạn có muốn nhìn tha nhân bằng ánh mắt của Chúa không?

3/ HOÁN CẢI ĐÍCH THỰC

(Trích dẫn từ ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

Gặp gỡ Chúa Giêsu là một biến cố hồng phúc cho con người, nếu người đó không lo sợ hoặc tránh né cuộc gặp gỡ này.

Tin Mừng hôm nay thuật lại cho chúng ta cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và ông Giakêu. Chúng ta có thể ghi nhận hai thái độ trong cuộc gặp gỡ này.

Trước hết là thái độ của những kẻ tự cho mình là công chính mà khinh dễ kẻ khác, không muốn cho kẻ khác đến gặp Chúa và nhận lãnh ơn lành của Chúa. Đó là thái độ của những kẻ lẩm bẩm trách Chúa đã niềm nở đón tiếp những người tội lỗi và ăn uống với họ, bởi vì đối với Chúa không có ai xấu xa tội lỗi đến độ không đáng được hưởng lòng nhân từ tha thứ của Chúa. Liệu chúng ta có thái độ của những kẻ tự cho mình là công chính và khinh dễ người khác không?

Thái độ thứ hai là thái độ của ông Giakêu, người thu thuế trưởng và giầu có. Đối với người Do thái, người thu thuế là kẻ tội lỗi công khai: đó là tội phản bội quê hương cộng tác với ngoại bang, và tội gian lận tiền thuế quá mức qui định. Giakêu là người thu thuế trưởng và giầu có, sự giầu có này theo lý luận của người Do thái, chứng tỏ ông có những hành vi bất chính để làm giầu: thu nhiều, nộp ít, và như vậy ông là một người tội lỗi. Đối với người đồng hương với Giakêu, thì tội của ông không thể tha thứ được; nhưng đối với Chúa Giêsu, Đấng đến tìm và cứu những gì đã hư mất, thì đây là dịp để thể hiện tình thương nhân từ của Thiên Chúa.

Nơi con người tội lỗi Giakêu vẫn còn một khát vọng hướng về Chúa: ông muốn nhìn xem Chúa Giêsu đi qua, và đây là yếu tố căn bản để được Chúa thi ân. Từ một khát khao gặp Chúa đến việc ăn năn trở lại không có khoảng cách không vượt qua được, vì Chúa Giêsu có thể vượt qua khoảng cách này một khi con người đã có sẵn thái độ chờ mong Ngài đến. Thái độ của Giakêu có thể khuyến khích chúng ta trở về với Chúa. Ông đã thể hiện sự trở lại của mình bằng một hành động cụ thể thiết thực: phân chia nửa phần tài sản cho người nghèo và đền bù gấp bốn cho những thiệt hại ông đã gây ra cho kẻ khác.

Ước gì Lời Chúa hôm nay giúp chúng ta thể hiện một cách cụ thể sự hoán cải của mình. Xin cho chúng ta đừng bao giờ đùa giỡn hay lạm dụng lòng nhân từ của Chúa, nhưng luôn biết cộng tác với ơn Chúa và thành tâm trở về với Chúa.

4/ ĐƯỢC BIẾN ĐỔI TRONG YÊU THƯƠNG

(Lm. Giuse Lê Danh Tường)

Ở đời có người tốt có kẻ xấu. Ai cũng chỉ muốn xung quanh mình toàn người tốt. Chẳng ai muốn chung sống với người xấu làm gì cho nặng mình. Tâm lý chung của con người là mong cho mọi người tốt được sống và tất cả những kẻ xấu bị tiêu diệt. Thế nhưng sự phá bỏ chỉ là phương thế cuối cùng khi mà người ta không còn cách nào khắc phục. Trong 36 kế thì kế lược cuối cùng mới là bỏ chạy, sau khi đã tìm mọi cách để khắc phục.

Đối với Thiên Chúa, Ngài không muốn loại trừ, không muốn đánh mất một con người nào, cho dù đó là người tội lỗi, độc ác. Bởi Thiên Chúa luôn kỳ vọng và mong muốn con người ăn năn trở lại, phục hồi lại bản chất con người thánh thiện của mình để trở nên mỗi ngày một hoàn thiện hơn.

Bài đọc sách Khôn ngoan (Kn 11, 23 – 12, 2) đã lý giải lý do tại sao mà Thiên Chúa lại lặng im trước kẻ dữ. Thiên Chúa vì yêu thương đã tạo dựng nên con người. Và con người được tạo dựng là thánh thiện và tốt đẹp. Thiên Chúa chậm chễ không giáng phạt kẻ dữ là để mong họ có ngày nhận ra Thiên Chúa mà trở về với Ngài để được trở nên thánh thiện tốt lành.

Trong bài Tin Mừng theo thánh Luca (Lc 19, 1-10), tác giả trình bày một hình ảnh tuyệt vời về lòng bao dung và tình nghĩa của Thiên Chúa dành cho người tội lỗi.

Ông Giakêu là người thu thuế. Là người thu thuế, ông bị mọi người lên án vì ông thu thuế của dân mà nộp cho đế quốc, vì ông được hưởng lợi hoa hồng từ chính những đồng tiền mồ hôi của dân. Dẫu sao ông cũng đã có địa vị trong xã hội, có dư đầy của cải, dù của cải ấy là bất chính. Danh vọng và của cải ông không thiếu. Nhưng dường như Giakêu vẫn thiếu một cái gì đó. Chính thao thức ấy đã khiến ông tìm mọi cách để được nhìn xem Giêsu.

Thái độ ông cố gắng để được nhìn xem Chúa Giêsu thật đẹp. Là một người như ông, nhưng ông đã bất chấp những lời đàm tiếu của dư luận để đạt được mục đích là nhìn thấy Giêsu. Dù cho đó có thể chỉ là chút tò mò, hiếu kỳ.           

Thái độ đi tìm Giêsu và sẵn sàng vượt qua mọi rào cản của ông Giakêu đã là cơ hội tuyệt vời để Thiên Chúa kéo ông ra khỏi nơi tăm tối của tội lỗi.

Giakêu núp ở trên cây, tưởng không ai trông thấy. Nào ngờ Ðức Giêsu dừng lại, nhìn lên và gọi tên ông. Ngài thấy ông trước khi ông thấy Ngài. Giê-su đã nói với ông “Hỡi Giakêu, hãy xuống mau, hôm nay Ta phải lưu lại tại nhà ngươi” (Lc 9,5). Ánh mắt Ngài làm ông luống cuống, nhưng lời của Ngài lại làm ông sung sướng, ngỡ ngàng. Niềm hạnh phúc bất ngờ làm ông ngây ngất. Ðường từ gốc sung về nhà ông bao xa, ta không rõ, nhưng chắc chắn đó là đường đầy ắp niềm vui. Thiên Chúa muốn cứu mọi người. Nhưng con người được tự do đón nhận.

Thái độ của Chúa Giêsu: Ngài đã gọi đúng tên ông có nghĩa Ngài đã biết ông từ trước; Ngài giục ông “hãy xuống mau” bởi Ngài đang chờ đợi ông, hồ hởi muốn gặp ông; Một lời gợi ý chẳng khác nào một mệnh lệnh “hôm nay Ta phải lưu lại tại nhà ngươi” đã nói lên lòng Ngài khao khát được ở lại với ông.

Đứng trước tình cảm mà Giê-su dành cho mình, ông Giakêu đã thực sự bày tỏ niềm vui mừng. Niềm vui của ông được bộc lộ cách cụ thể qua việc ông chia ½ gia tài của mình cho người nghèo và đền gấp 4 lần những gì ông đã chiếm đoạt của người khác. 

Khung cảnh nơi nhà ông Giakêu trở nên rộn ràng tươi trẻ, đậm đà tình yêu giữa người với Chúa, giữa người với người, và ngay chính con người vui với lòng mình được biến đổi. Niềm vui rạng ngời bừng lên, như muốn lan đi đến cùng trời cuối đất.

Chỉ có sự gặp gỡ Chúa thực sự, chỉ có ánh mắt nhân từ yêu thương của Chúa mới có thể biến đổi con người như vậy. Chỉ có cách cư xử của tình yêu mới đem lại kết quả kỳ diệu như thế.

Ông Giakêu đã gặp Chúa, đã được tình yêu Chúa biến đổi. Trái tim ông đã được tình yêu Chúa chiếm đoạt. Đến lượt ông, ông cũng đã cư xử với những người xung quanh ông bằng trái tim yêu thương ấy của Chúa.

Lạy Chúa,

Xin dạy con

biết cách đến với mọi người,

và khám phá ra 

đốm lửa nhỏ của sự thiện

vẫn cháy sáng nơi lòng người tội lỗi.

Ước gì đôi mắt con 

nhìn tha nhân bằng ánh mắt của Chúa,

dám hy vọng không ngơi 

vào lòng tốt của mỗi người,

và can đảm tin tưởng 

vào sự quảng đại của tha nhân.

Trong yêu thương

thế giới này sẽ được biến đổi

cho tương lai rực rỡ huy hoàng.

bài liên quan mới nhất

ĐTC Phanxicô chủ sự Thánh lễ Tiệc Ly và rửa chân cho các tù nhân nữ tại nhà tù Rebibbia

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng