Các Bài Suy Niệm Chúa Nhật VII Thường Niên – Năm A

Các Bài Suy Niệm Chúa Nhật VII Thường Niên – Năm A 

(Lv 19,1-2.17-18; 1Cr 3,16-23; Mt 5,38-48)

“Các con hãy yêu thương thù địch các con”.

1/ NÊN THÁNH BẰNG YÊU THƯƠNG

(ĐTGM. Giuse Vũ Văn Thiên)

Ngay từ thời đầu của Giáo Hội, những tín hữu Kitô đã được gọi là “các thánh”. Chính Thánh Phaolô đã dùng danh xưng này để chỉ những người đã gia nhập Giáo Hội qua bí tích Thanh Tẩy. Khi gọi họ là “các thánh”, chắc hẳn vị Tông đồ vừa muốn diễn tả đời sống tốt lành của các tín hữu, đồng thời muốn nhấn mạnh tới lý tưởng, mục tiêu mà các tín hữu phải đạt tới. Kitô hữu là người đang cố gắng để thánh hóa bản thân, làm cho mình trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Giêsu Kitô, để rồi lời nói của chúng ta là lời của Chúa, việc làm của chúng ta là việc làm của Chúa, chúng ta hiện diện nơi đâu là có Chúa hiện diện ở đó.

Như vậy, nên thánh không phải chỉ là tình trạng thiên đàng sau khi chúng ta đã chết, mà là một quá trình biến đổi để hoàn thiện chính mình, để rồi ngay khi còn đang sống ở đời này, chúng ta đã được nếm hưởng hạnh phúc vĩnh cửu, qua việc được chiêm ngưỡng Chúa bằng đức tin và tình mến. Nên thánh cũng không phải ảo tưởng hay giấc mơ về một thế giới xa vời, như để quên đi những đau khổ hiện tại.

Khái niệm nên thánh như đã nêu trên làm cho đời sống tín hữu không khô cứng, vô vị, nhưng luôn sống động và vươn lên không ngừng. Người ước ao nên thánh là người muốn sống ngày hôm nay tốt hơn hôm qua, và ngày mai tốt hơn ngày hôm nay. Họ không dừng lại ở một cuộc sống đơn điệu, nhưng luôn khám phá ra niềm vui của đức tin và sự tốt lành của Chúa. Cuộc sống mà dừng lại sẽ giống như ao tù. Con người không lý tưởng sẽ giống như ngõ cụt. Họ không biết mình sống cho ai và để làm gì.

Nên thánh là một lệnh truyền của Thiên Chúa cho dân riêng của Ngài. Lời Chúa phán với ông Môisen cho chúng ta thấy rõ: “Hãy nói với toàn thể con cái Israen: ‘Các ngươi phải thánh thiện, vì Ta, Đức Chúa, Thiên Chúa của các ngươi, Ta là Đấng Thánh” (Bài đọc I). Lý do của ơn gọi nên thánh là: vì Chúa là Đấng Thánh. Ai muốn thuộc về Chúa thì phải nên giống như Ngài. Thánh thiện chính là được san sẻ một phần vinh quang của Chúa, để rồi ngay khi sống ở trần gian, chúng ta đã tỏa sáng trong cuộc đời qua những cử chỉ tốt đẹp của mình đối với đồng loại. Sau khi nhắc lại lệnh truyền nên thánh, tác giả sách Lêvi quảng diễn chi tiết về khái niệm thánh: đó là yêu thương anh chị em, đừng quở trách họ. Không được trả thù, không được oán hận. Trái lại phải yêu mến người khác như chính bản thân mình.

“Thương người như thể thương thân”. Đó là nét đẹp truyền thống ngàn đời của người Việt Nam. Nét đẹp này đã gặp gỡ lời dạy “Yêu đồng loại như chính mình” của Cựu Ước và còn hơn thế nữa, là lời dạy “yêu thương kẻ thù và cầu nguyện cho kẻ ngược đãi mình” của Tân Ước. Để có thể yêu thương kẻ thù, mỗi người phải vượt lên chính mình, để chiến thắng thù hận và chấp nhận mọi thị phi. Yêu thương kẻ thù là một nhân đức anh hùng, là bằng chứng của sự từ bỏ chính bản thân và là tình yêu thương ở mức tuyệt hảo. Cầu nguyện cho kẻ ngược đãi mình, đó là bằng chứng của lòng bao dung và tha thứ trọn vẹn.

Nên thánh không dừng lại ở một khái niệm lý thuyết, nhưng phải được thể hiện cụ thể trong việc làm và lối sống. Nên thánh trước mặt Chúa là có một lối sống ngay thẳng chân thành. Tuy vậy, sự ngay thẳng chân thành ấy phải được kiểm chứng qua mối tương quan hằng ngày với tha nhân. Một cách rất cụ thể, Chúa Giêsu nói đến luật yêu thương và những lời khuyên để đem luật đó vào cuộc sống. Đức yêu thương Chúa Giêsu truyền dạy ưu việt hơn những lệnh truyền của Cựu Ước. Vì vậy, Chúa nói: “Anh em đã nghe Luật dạy rằng…. Còn Thầy, Thầy bảo anh em…”. Qua những lời tuyên bố trên, Đức Giêsu chứng tỏ Người có sứ mạng kiện toàn lề luật. Người dựa trên nền tảng Luật Cựu ước, đồng thời mặc cho Luật ấy một giá trị cao siêu hơn, hoàn hảo hơn. Tình yêu thương Chúa dạy không chỉ được thực hiện nơi người đồng bào, người cùng phe cánh hay người làm ơn cho chúng ta mà thôi, nhưng là hết mọi người không phân biệt. Luật mới của Chúa không chỉ bao gồm những điều cấm đoán, nhưng khuyên dạy làm những điều tích cực cho tha nhân. Chính điều này làm cho lối sống của người tín hữu khác với những thực hành của những người thu thuế và người biệt phái. Đối với người tín hữu, không có ai là kẻ thù hay người ngoại, vì hết thảy mọi người trên trái đất đều là anh chị em của cùng một Cha trên trời. Mức độ thánh thiện của một người được lượng giá qua tình bác ái mà họ thực hiện đối với người xung quanh. Một người sống khép kín, dửng dưng trước nỗi đau của người bên cạnh, không thể nên thánh.

Thánh thiện còn là nhận ra phẩm giá cao quý của mình trong cuộc đời này. Mỗi người chúng ta không hiện  hữu như một đồ vật vô tri vô giác, nhưng là Đền Thờ của Chúa Thánh Thần (Bài đọc II). Biết được phẩm giá của mình để tôn trọng thân xác và trau dồi bản thân trong những lãnh vực khác nhau. Chỉ những ai biết yêu mến trân trọng bản thân mình, thì mới có thể yêu mến trân trọng tha nhân. Tác giả thư gửi giáo dân Côrinhtô cũng chỉ rõ đâu là điều quan trọng đích thực mà chúng ta tìm kiếm: đó là Đức Kitô. Người là lý tưởng và mẫu mực cho chúng ta trong hành trình nên thánh. Một khi quy hướng về Đức Kitô, sẽ không còn chia rẽ và ganh ty bè phái như thực trạng của cộng đoàn Côrinhtô lúc bấy giờ, tức là người thì cho mình thuộc về Phaolô, người thì thuộc Apôlô, người thì thuộc Kêpha.

Nên thánh bằng yêu thương. Đó là thông điệp mà Lời Chúa muốn thông truyền cho chúng ta. Hai ngàn năm nay, Giáo Hội đã thực hiện lời mời gọi của Chúa, cổ võ tình yêu thương, phá bỏ những ngăn cách, hòa giải những bất hòa và nâng đỡ người bé mọn. Chúng ta mỗi người đều là chi thể của Giáo Hội, chúng ta có ý thức được lời mời gọi nên thánh qua việc thực thi đức yêu thương không?

“Ai không có sức mạnh để tha thứ, cũng không có sức mạnh để yêu thương” (Martin Luther King Jr.).

2/ SỐNG CHỮ NHẪN

(Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền)

Tích xưa kể rằng: Hàn Tín thời Hán Cao Tổ, thuở hàn vi phải đi câu cá đổi gạo mà ăn. Thế mà có những lúc không đủ ăn. Có bà thợ giặt cảm thương đã mời Hàn Tín đến dùng cơm tại nhà. Hàn Tín đi đâu cũng mang thanh gươm kè kè bên mình.

Một hôm, có tên đồ tể Ác Thiểu muốn hạ nhục Hàn Tín, chận đường thách:

Chú thường mang gươm, chả biết để làm gì! Bây giờ tôi không cho chú đi. Chú có gan thì sẵn thanh gươm đó hãy chém tôi đi, bằng không thì phải lòn trôn tôi mà đi.

Hàn Tín chẳng chút do dự, lòn trôn tên hạ tiện đó mà đi, vì tự nhủ: “Giết thằng này thì được rồi, nhưng mà lấy mạng mình đổi mạng nó, thì không đáng tí nào!”

Sau Hàn Tín nhờ có công giúp Hán Cao Tổ dựng nước mà được phong làm Vua Tam Tể. Lúc bấy giờ, Hàn Tín bèn mời bà thợ giặt đến biếu nghìn lạng vàng để tạ ơn. Rồi không những không thèm trả thù tên đồ tể mất dạy xưa, lại phong cho hắn chức Trung Huý. Ác Thiểu rất ngạc nhiên, khúm núm nói: “Lúc trước tôi ngu lậu thô bỉ, đã dại dột xúc phạm đến oai nghiêm ngài, nay tội ấy được tha chết là may, còn dám mong đâu ban chức tước?

Hàn Tín ôn tồn bảo: “Ta chẳng phải là kẻ tiểu nhân hay cố chấp, đem lòng thù hận. Hành động của ngươi ngày xưa tuy quá đáng, nhưng cũng là bài học luyện chí cho ta. Vậy nhà ngươi chớ tị hiềm mà hãy nhận chức ta ban”.

Lối báo đền ân oán của Hàn Tín thật là hay. Đối với người ân thì ban thường, song đối với người oán cũng vẫn ban thưởng chớ không trả thù. Thật là một người quân tử.

Là người con của Chúa, Chúa dạy chúng ta hãy làm hoà trước để khỏi xảy ra điều tai hại hơn. Đây là một lời khuyên quan trọng: chẳng những không được làm hại ai hay có ý mưu hại ai, mà còn phải đi trước một bước mà làm hoà. Nói rõ hơn, trước một điều bất công, vô tình hay hữu ý, thiên hạ gây cho ta: như xỉ nhục, xỉ vả, chê cười, nói hành, vu vạ, cáo gian… Tất nhiên lòng tự ái chúng ta bị va chạm, không thể nhịn được, lòng chúng ta như muốn trả đũa ngay. Đó là tính tự nhiên của con người. Nhưng Chúa muốn chúng ta sống khác hơn, sống cao thượng hơn. Chúa muốn chúng ta tha thứ và làm hoà. Tha thứ và làm hoà là điều kiện phải có để đến với Chúa. Không thể đến với Chúa mà lòng còn ngổn ngang những tức giận, ghen tương, đố kỵ. Nhân vô thập toàn, ai cũng có những lầm lỗi, ai ai cũng cần được tha thứ, thế nên cũng cần phải biết tha thứ cho nhau. Người ta vẫn thường nói để sống với Chúa cần có đức tin để mình tin tưởng, phó thác cậy trông vào Chúa giữa những phong ba của dòng đời, và để sống với tha nhân, cần phải có lòng độ lượng, để mình sống bao dung và tha thứ cho người khác. Nếu chúng ta không có lòng độ lượng có lẽ mình sẽ chẳng sống được với ai, và cũng chẳng ai sống được vời mình. Đây cũng là điều mà Chúa mời gọi chúng ta phải công chính hơn những người biệt phái trong tình yêu tha thứ. Không chỉ yêu kẻ yêu mình mà còn yêu cả kẻ ghét mình. Không chỉ quý mến kẻ thi ân cho mình mà còn làm ơn cho kẻ làm hại chính mình. Bởi vì, oán báo oán thì oán chập chùng. Chúa mời gọi chúng ta hãy tha thứ cho kẻ thù, hãy làm hoà cùng kẻ thù và hãy cầu nguyện cho kẻ thù. Chính Chúa đã sống tình yêu đó trên thập tự giá, nơi đó người ta đã tuôn đổ sự tàn ác trên thân thể Ngài, thế mà Ngài vẫn xin tha cho chúng, vì chúng không biết việc chúng làm. Tình thương Chúa không dừng lại ở việc tha thứ mà còn thi ân cho mọi người, kẻ lành cũng như người dữ. Kẻ thờ phượng Chúa cũng như kẻ chống đối lại Chúa.

Ước gì mỗi người chúng ta hãy sống tình thương bao dung đó cho anh em của mình. Hãy quên đi những xúc phạm của nhau. Hãy làm hoà để thêm bạn bớt thù. Hãy tha thứ để tìm được sự bình an tâm hồn cho bản thân và cho những người chung quanh. Xin Chúa là Đấng hằng thương xót và tha thứ, xin giúp chúng ta biết tha thứ lỗi lầm của anh em, như Chúa đã tha thứ cho chúng ta. Amen.

3/ HÃY THA THỨ. ĐỪNG BÁO THÙ

(Lm. Giuse Nguyễn Hưng Lợi)

Hãy tha thứ và thứ tha là giới răn hoàn toàn mới của Đức Kitô. Sống trên đời người ta phải đấu tranh để sinh tồn. Do đó, ngay từ cổ thời xa xưa, có những bộ tộc đã tranh đấu với nhau để sống còn, có những dòng tộc, họ hàng đã chiến đấu với nhau để bảo vệ họ hàng, dòng tộc của mình. Trên thế giới, nhiều nước, nhiều nơi còn chiến tranh, chiếm giết để bảo vệ chủ quyền của mình, để bảo tồn nòi giống của mình. Thời Cựu Ước, luật viết: “Mắt thế mắt. Răng đền răng “là công thức của luật báo thù. Đức Giêsu khi tới trần gian lại nói: “Còn Thầy, Thầy bảo các con:hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi các con “, “Hãy tha thứ thì được thứ tha “vv… Chúa Giêsu đến để làm cho luật nên hoàn thiện, nâng luật lên tầm cao tuyệt đối.

Nghiên cứu, tìm hiểu bộ luật của Sách Ngũ Kinh, chúng ta nhận ra nhiều điểm chưa hoàn thiện của luật Môsê. Chúng ta hãy xem chẳng hạn luật mắt thế mắt răng đền răng, luật về ngoại tình, luật bác ái vv…Tất cả những điều khoản này được ghi chép rất tỉ mỉ trong luật Môsê. Những luật này không những nằm trong luật của Môsê, nhưng thực tế nó vẫn tồn tại trong tâm hồn của con người. Bởi vì, đối với con người, khuynh hướng báo thù, trả oán nhiều hơn khuynh hướng tứ tha. Anh đánh tôi, tôi đánh lại hoặc sẽ tìm cách báo thù, biện hộ cho tôi…

Chúa Giêsu đến trần gian để đem cho mọi người, cho nhân loại một giới luật mới, giới luật yêu thương. Ngài dạy con người: “Hãy dập tắt mầm mống oán thù, chia rẽ đang âm ỉ trong con người. Đừng cho những hành động xấu nhen nhúm trong trái tim con người, trong lòng, trong tâm hồn của con người chúng ta”. Ngài truyền: “Đừng chống cự lại kẻ ác”.

Mầm mống báo thù luôn âm ỉ trong tâm hồn, Chúa dạy hãy dập tắt ngay và hãy có tâm hồn sám hối, sự hoán cải để sự báo oán, hờn căm, nổi giận không có cơ hội nổi dạy trong con người. “Hãy yêu thương kẻ thù” là một lệnh truyền tuyệt đối của Chúa Giêsu, Vị sáng lập Đạo Tình Thương. “Hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu”. Đây là một giới răn, một lệnh truyền. Bởi vì, đối với Chúa tình yêu không có chuyện mắt thế mắt răng đền răng, không có chuyện trả thù.

Chúng ta hãy đọc lại câu chuyện người con hoang đàng, người phụ nữ ngoại tình sẽ thấy lòng nhân hậu, thứ tha của Thiên Chúa tình yêu như thế nào? Sự thật tuyệt vời, bài học vô giá Chúa đã để lại cho nhân loại, cho con người, cho mỗi người là sự tha thứ tuyệt vời của Chúa. Chúa đã tha thứ cho những kẻ bắt Ngài, hành hạ Ngài, kết án Ngài.

Trên thập giá, Chúa đã tha thứ và đưa vào Thiên Đàng người trộm lành biết ăn năn hối cải: “Hôm nay, ngươi sẽ ở trên Thiên Đàng với Ta”. Chúa đã tha thứ ngay khi Ngài bị kết án bất công, bị đóng đinh trên thập giá: “Lạy Cha, xin tha thứ cho họ vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23, 34). Chết mới nói lên lời. Chết mới nói lên tình ây trọn vẹn, tình yêu vô vị lợi, tình yêu dâng hiến.

Tha thứ, yêu thương kẻ thù là điều rất khó thực hiện. Nhưng Chúa dạy: “Các con phải trở nên hoàn thiện như cha các con trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5, 48).

Ở trần gian, con người thường muốn cho vay ăn lời, càng lợi nhuận, càng lời nhiều càng tốt. Chúa dạy: “…Ai muốn vay mượn hãy sẵn sàng”. Cho vay ở đây không lợi nhuận, không ăn lời. Cho vay là giúp đỡ, là tạo cơ hội cho con người vượt khó, giúp họ làm lại cuộc sống của họ. Sự hòa giải, quảng đại, tha thứ sẽ đem lại cho con người sự bình an. Sự an bình luôn cần thiết cho đời sống con người. Ở đời nhiều người đã hối hận đã tìm lại được nguồn vui khi họ luôn cố tình nói xấu, làm hại người, nhưng ngược lại họ luôn nhận được sự thứ tha, cảm thông và tấm lòng tốt của người khác.

Đời sống của mỗi người, thánh giá mỗi người vác hàng ngày đã nặng lắm rồi. Nếu chúng ta không chia sẻ, không cảm thông với nỗi nhục nhằn, nặng nề của kẻ khác thì chúng ta cũng đừng chất gánh nặng trên vai kẻ khác vì thánh giá họ vác mỗi ngày họ đã phải hy sinh, cố gắng lắm rồi…

Các Thánh là những người đã sống như chúng ta ở trần thế này, nhưng các Ngài đã hơn chúng ta vì đã dám sống đức tin tỏa sáng, đã dám vác thập giá, đã dám sống quảng đại, tha thứ cho cả những kẻ làm hại mình.

Lạy Chúa Giêsu, sống như Chúa yêu là điều không phải dễ, nhưng với ơn Chúa giúp, với sự tác động của Chúa Thánh Thần, chắc chắn chúng con có thể thực hiện được những điều mà Chúa mong muốn.Xin giúp chúng con biết tuân theo lời dạy của Thánh Phanxicô khó khăn: “… đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm”. Amen.

GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ:

1. Tại sao Chúa lại nói yêu thương cả kẻ thù?

2. Mắt thế mắt răng đền răng là gì?

3. Giới răn mới của Chúa được gọi là giới răn gì?

4. Yêu thương như Chúa yêu là sao?

5. Thường những kẻ xúc phạm đến chúng ta, chúng ta đối xử thế nào?

4/ GIƠ MÁ KIA RA CHĂNG?

Đây là một thí dụ điển hình để kiểm chứng bài giảng trên núi về chữ nghĩa và tinh thần. Đâu là tinh thần của câu “Hãy giơ má kia ra” là câu làm bất cứ ai cũng nhăn mặt?

Khi chính mình bị một cái tát trong cuộc khổ nạn, Chúa Giêsu đã chẳng giơ má kia ra. Ngài đã đặt kẻ vũ phu đứng trước hành vi của mình: “Nếu ta nói sai, hãy chứng minh điều sai đó: nếu ta nói phải, tại sao lại đánh ta?” (Ga 18,23).

Điều sai lầm đó cứ lao theo từ ngữ như con bò mộng lao vào cái khăn nhử: “Tôi mà giơ má ra à? Để tạo điều kiện cho bạo lực sao?” Đúng ra là Chúa Giêsu muốn điều ngược lại. Khi Ngài nói: “Ngươi đừng đánh trả kẻ dữ dằn”, thì Ngài đã chỉ đích danh, và chúng ta biết phải làm gì đối với một kẻ dữ dằn rồi. nhưng đó là một cái gì vượt xa trên kẻ dữ dằn này cũng như trên cái má rát bỏng của chúng ta. Dưới cái hình ảnh gây ấn tượng này (giơ má kia ra!) ẩn giấu một kế hoạch phi thường: ngăn chận bạo lực gia tăng.

Con ngưới chấp nhận bạo lực như là một dữ kiện không thể bàn cãi vào đâu được. Đánh trả và báo thù dường như là điều tự nhiên, mọi người đều như thế, ngay cả những Kitô hữu tốt cũng vậy. Nếu chúng ta muốn đo lường sự đảo ngược to lớn mà Chúa Giêsu đưa ra, chúng ta hãy mở Kinh Thánh ra, Sáng Thế Ký 4,24: “Lameck sẽ bị báo thù 77 lần!”. Và chúng ta hãy đặt mình vào địa vị của Phêrô khi được trả lời rằng: “Ngươi hãy tha thứ bảy mươi lần bảy” (Mt 18,22).

Có thể tỏ ra hoàn toàn vô lý, sự đảo ngược này bắt đầu xảy ra thực sự ngay khi chúng ta có can đảm nói không đối với bạo lực của chính chúng ta. Không phải bạo lực của người khác, mà là bạo lực của chúng ta. Khi lái xe, khi làm việc, khi coi truyền hình chúng ta muốn la lên: “Đồ thối tha! Quân sát nhân!” (và con cái có thể nghe được).

– Ngươi hãy im đi, hãy bình tĩnh, đừng đánh trả những người hung dữ, Chúa Giêsu nói.

– Chúa muốn chúng con để cho tất cả những người gàn dở, tất cả những kẻ bạo hành tha hồ hành động hay sao?

Tin Mừng không đơn giản chút nào cả. Sau đây là một câu chuyện đã xảy đến với tôi. Tôi đã chứng kiến hai tên vô lại đi xe máy làm một bà già bị thương nặng khi kéo lê bà ta dưới đất để giật túi xách. Một nỗi oán ghét dâng lên trong lòng tôi. Khi hai cảnh sát đến tôi nghĩ họ phải bắt hai tên đó, tẩn chúng cho tới chết để dạy cho chúng một bài học!

Điều đó chẳng dạy cho chúng một bài học nào cả. Bạo lực không bao giờ dạy cho ai một bài học nào cả. Nó chỉ có kêu gọi thêm bạo lực mà thôi. Tôi đã thấy rõ điều đó chung quanh bà già bị thương tội nghiệp. Chúng ta sẽ nhìn tất cả các thanh niên đi xe máy bằng con mắt thành kiến.

Thánh Phaolô đã đào sâu vấn đề này: “Đừng để mình thua điều ác” (Rm 12,17). Đừng để cho ai cả, từ cậu bé vô lại cho tới tên đồ tể, có khả năng biến đổi bạn thành một con người đầy căm thù. Nếu không, bạn sẽ thua điều ác.

Chúng ta không lúc nào cũng có thể hoàn toàn tự kiềm chế trước một kẻ tàn ác hoặc xảo trá. Nhưng chúng ta có thể chống lại làn sóng bạo lực ở trong ta, chống lại những lời nói và những cử chỉ bạo lực. Chúng ta có thể không cố gắng làm cho sự tự vệ và sự tức giận chính đáng biến thành bạo lực lớn và mù quáng hơn, biến thành sự khinh bỉ, biến thành ước muốn và hành vi báo thù thuần tuý.

Nơi nào một Kitô hữu ngăn chận được việc lan truyền bạo lực bằng cách từ chối làm một mắt xích của chuỗi sự ác, thì nơi đó một thế giới mới sinh ra.

5/ YÊU THƯƠNG KẺ THÙ

Hãy yêu thương kẻ thù. Cứ sự thường người ta đối xử với nhau theo cái luật: Răng đền răng, mắt đền mắt, ân đền oán trả, hòn đất ném đi hòn chì ném lại. Chúng ta yêu thương những người yêu thương chúng ta và ghét bỏ những kẻ ghét bỏ chúng ta. Kẻ nào làm hại chúng ta thì chúng ta sẵn sàng để trả đũa, và người đời cho đó là lẽ thường tình, là thái độ khôn ngoan.

Thế nhưng, qua đoạn Tin Mừng nay Chúa Giêsu bảo chúng ta phải vượt lên trên cái lẽ thường tình ấy. Ngài phán với chúng ta: Hãy yêu thương kẻ thù và làm ơn cho những kẻ ghét bỏ chúng ta. Bởi vì có thực hiện được điều đó, chúng ta mới xứng đang là con cái Thiên Chúa và mới trở nên giống Ngài, Đấng đã cho mưa xuống trên người lành cũng như trên kẻ dữ.

Chúa Giêsu không phải chỉ truyền dạy chúng ta mà chính Ngài đã làm gương trước cho chúng ta trong việc thực thi giới luật yêu thương này. Đúng thế, Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta trước, ngay cả trong khi chúng ta còn nằm trong tội lỗi, còn quay lưng chống lại Ngài như lời thánh Phaolô trong bức thư gởi tín hữu Rôma đã viết: Thiên Chúa đã chứng tỏ tình yêu của Ngài đối với chúng ta, đó là khi chúng ta còn tội lỗi, thì Đức Kitô đã chết để chúng ta được sống.

Đúng thế, Ngài luôn luôn mong ước những điều tốt, những điều phải cho những kẻ bách hại Ngài. Ngài chịu đau khổ và chịu chết để những ai bắt Ngài phải đau khổ và phải chết được hết đau khổ và chết chóc. Trước sự từ chối của con người không đáp trả tình thương yêu của Ngài, Ngài vẫn duy trì cái quyết định tuyệt đối của Ngài, đó là yêu thương chúng ta mãi mãi.

Một trong những đặc tính nổi bật của tình yêu nơi Thiên Chúa đó là sự tha thứ. Ngài đã sánh ví mình như người mục tử tốt lành lên đường tìm kiếm con chiên lạc. Và khi đã tìm thấy thì vác nó trên vai và đem về nhà. Rồi Ngài đã xác quyết: Một kẻ tội lỗi ăn năn sám hối sẽ làm cho cả thiên đàng vui mừng hơn là 99 người công chính không cần sám hối ăn năn. Không phải những kẻ khoẻ mạnh là là những người đau yếu mới cần đến thầy thuốc. Ta đến không phải để kêu gọi người công chính nhưng để kêu gọi kẻ tội lỗi biết đường sám hối ăn năn. Ngài sẵn sàng chịu chết trên thập giá để làm gì nếu không phải là để tha thứ cho chúng ta. Trong giây phút đớn đau nơi thập giá, Ngài cũng đã thứ tha cho tất cả những kẻ độc ác đã hành hạ Ngài bằng lời van xin: Lạy Cha, xin Cha tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm.

Có hai người thổ dân Nam Phi rất ghét nhau. Ngày kia trong một hai người gặp đứa con gái nhỏ của kẻ thù đang đi trong rừng. Hắn liền bắt cô bé, chặt đứt ngón tay rồi thả ra. Cô bé vừa chạy vừa khóc, còn hung thủ vừa đi vừa la: Ta đã trả thù được rồi. Mười năm sau, cô bé lúc đó đã có chồng và có con. Ngày kia, một kẻ ăn mày tới xin ăn, bà nhận ra đó là kẻ đã chặt tay mình, nên vội vàng vào nhà, bảo tôi tớ đem cơm thịt và cá ra đãi. Khi kẻ thù đã ăn xong, bà bèn giơ bàn tay cụt ra cho coi và nói: Tôi cũng đã trả thù được rồi. Tên ăm mày thấy thế bèn khóc lóc xin được tha thứ.

Thiên Chúa đã yêu thương và tha thứ cho chúng ta, còn chúng ta thì sao? Liệu chúng ta có thực sự yêu thương và sẵn sàng tha thứ cho những kẻ ghét bỏ chúng ta hay không?

6/ THA THỨ KẺ THÙ

Đâu là phương thế để làm cho thêm bạn bớt thù trong cuộc sống của mình?

Có một bản du ca tôi rất thích hát, bản du ca ấy có những lời lẽ như thế này: Kẻ thù ta đâu có phải là người giết người đi thì ta ở với ai. Đúng thế, đã là người thì ai cũng có những sai lỗi của mình. Nhân vô thập toàn là thế. Hơn nữa, mỗi người lại có những tính tình và sở thích riêng biệt, bá nhân bá tánh là thế.

Vì vậy, đã sống chung cùng nhau chúng ta không thể nào tránh đi cho hết những va chạm, những bực bội và những buồn phiền, như một câu danh ngôn đã bảo: Hễ ở đâu có hai người sống với nhau, thì ở đó thế nào cũng có sự xích mích và giận hơn.

Nếu suy nghĩ chúng ta sẽ thấy trên đời đâu phải chỉ có một hay hai người làm cho tôi sự mất lòng, làm cho tôi phải nhục nhã và tức giận. Ngay cả đến những người bạn thân tình, ngay cả đến cha mẹ và anh chị em ruột thịt cũng đã nhiều lần làm cho tôi phải bực bội.

Vậy nếu hễ tức giận là báo thù, thì tôi sẽ phải báo thù kẻ lạ cũng như người quen, kẻ ngoài xã hội cũng như người trong gia đình, kẻ bên trái cũng như những người bên phải, kẻ đàng trước cũng như người đàng sau, nghĩa là phải tẩy chay, phải thanh toán hết mọi thứ người trên mặt đất này.

Hơn nữa, xã hội và ngay chính bản thân tôi, sẽ không thể nào được xây dựng trên sự thù oán và đấu tranh, vì thù oán này sẽ nảy sinh ra thù oán khác, như một thứ bệnh truyền nhiễm làm cho xã hội bị sụp đổ, còn bản thân tôi sẽ phải quay quắt khổ đau. Thế nhưng, điều tệ hại nhất, đó là chính bản thân tôi nhiều khi lại là nguyên nhân cho sự thù oán, vì hơn một lần tôi đã sai lỗi, hơn một lần tôi đã gian tham và bất công. Cho nên người đáng phải giết, đáng phải loại trừ lại chính là bản thân tôi. Vì vậy mà bản du ca trên có những lời lẽ được tiếp nối như sau: Kẻ thù ta tên nó là gian ác, tên nó là điêu ngoa, tên nó là tham tàn…

Phương thế hữu hiệu nhất để làm cho thêm bạn bớt thù, không phải là chết giết những kẻ thù ở bên ngoài, vì sự trả thù chỉ là cái vui của những tâm hồn đê tiện, nhưng là phải lột mặt nạ và tận diệt cho bằng được những thói hư tật xấu, là những kẻ nội thù, nằm sẵn trong cõi lòng chúng ta, như người xưa đã dạy: Kẻ thù đích thực thì ở trong tâm hồn, vì đó là những nguyên nhân gây nên thù oán ngoài xã hội.

Cùng với việc uốn nắn sửa đổi những sai lỗi của mình, chúng ta hãy có thái độ khoan dung và tha thứ, cố gắng đi bước trước tiến đến sự hoà giải cùng nhau. Đừng khoan dung với mình mà gay gắt với anh em, trái lại hãy khoan dung với anh em mà gay gắt với chính mình. Cách tốt nhất để khỏi băn khoăn về kẻ thù là hãy làm cho họ trở nên một người bạn, bởi vì thù oán không thể huỷ diệt được thù oán, chỉ có tình thương mới huỷ diệt được nó mà thôi.

Ngày kia thánh Clementê đi vào một tiệm ăn, ngửa tay ra và nói:

– Xin quý ông rộng lượng bố thí cho các em mồ côi một miếng cơm, một manh áo.

Tức thì các thực khách cười lên hô hố một cách khinh bỉ. Sau đó, một anh thợ giày đã nói:

– Một miếng ư, được lắm.

Rồi anh ta uống một ngụm bia, phùng má trợn mắt phun thẳng vào mặt thánh nhân. Chúng ta thử tưởng tượng xem thánh nhân đã phản ứng như thế nào? Có lẽ ngài sẽ giáng cho anh ta một cái tát tai. Nhưng không, ngài vẫn bình tĩnh, rút khăn lau mặt, rồi lại ngửa tay và nói:

– Thưa quý ông, đó là phần của tôi, còn phần của các em mồ côi đâu chưa thấy.

Anh thợ giày bỗng té nhào xuống đất như bị một cú đấm thôi sơn, vì anh ta chẳng bao ngờ tới trên cõi đời nham nhở này mà lại có được một người khích phách như vậy. Anh lòm còm ngồi dậy và lắp bắp nói:

– Tôi… tôi sẽ gởi tặng các em.

Sau đó, anh đã dành một phần sản nghiệp và trao tận tay thánh nhân một số tiền lớn để tạ lỗi.

Hãy tha thứ để rồi bản thân sẽ được Chúa thứ tha.

 

bài liên quan mới nhất

Ngày 13/5: Đức Mẹ hiện ra tại Fatima

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng