Ý chí và quyết tâm của người theo Chúa Giêsu

Có thể nói cách ví von rằng: Đời sống mỗi người là một cuộc hành trình lội ngược dòng nước, không tiến lên thì ắt sẽ bị dòng nước chảy đẩy lùi trở lại. Thật vậy, ai trong chúng ta cũng luôn tồn tại hai khuynh hướng: Một khuynh hướng xấu, kéo chúng ta xuống và một khuynh hướng tốt, đưa chúng ta lên, nói theo ngôn ngữ thời nay là: Trong con người tồn tại hai phần, một phần là con, nửa còn lại là phần người.

Nếu chúng ta không biết tiết chế, chiến đấu, bỏ mặc cho tính tự nhiên thì cái phần con sẽ thắng thế, chiếm lĩnh phần người để rồi cái ác sẽ tự do hoành hành và phát triển, đẩy đưa chúng ta đến chỗ hư hỏng, diệt vong! Ngược lại, nếu chúng ta biết canh giữ, bài trừ không để cho cái con tức là cái ác có cơ hội phát triển, thì phần người sẽ lớn lên và khi đó chúng ta sẽ trở thành người tốt, người có đức hạnh, được mọi người yêu mến và quý trọng.

Nhưng có một nghịch lý là; dường như làm điều ác luôn dễ hơn thực hiện việc thiện! Chính thánh Phao-lô đã từng xác nhận: “Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm” (Rm 7, 19). Bởi vậy, nếu muốn trở thành người tốt, đặc biệt là Kitô hữu, người môn đệ của Chúa, thì chúng ta có lý tưởng và ý chí chiến đấu, để mỗi ngày trở nên hoàn thiện mình hơn.

Đức Giêsu đã kêu gọi chúng ta: “Ai muốn theo tôi thì hãy từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt 16, 24) đồng thời Ngài còn đòi hỏi: “Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đàng sau, thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa” (Lc 9, 62). Như vậy, khi đã là môn đệ của Đức Giê-su rồi thì chúng ta phải đi vào con đường hẹp, nghĩa là phải chiến đấu, chiến đấu trường kỳ, không khi ngừng nghỉ, không do dự tính toán! Cuộc chiến đấu trước hết là phải từ bỏ mình; có nghĩa là phải diệt cái tôi; đây là cuộc chiến khó khăn, cam go và đau đớn nhất, vì khi theo Chúa, phải từ bỏ cái tôi và những gì thuộc về nó! (như từ bỏ giấc ngủ mỗi sáng để đến với Chúa, từ bỏ những thú vui xác thịt nghịch với đức trong sạch, từ bỏ lòng tham, từ bỏ hận thù và phải tha thứ...) 

Nhưng một khi đã có ý chí, có quyết tâm rồi, thì điều quan trọng còn lại là cần phải có ơn Chúa nữa, bởi vì, nếu không có ơn Chúa thì chúng ta sẽ thất bại! Để chứng minh, hãy nhớ lại cuộc hành trình của dân Dothái thoát khỏi Aicập: một lần kia, khi Ítrael chiến đấu với quân Amalek. Ông Môsê giữ vai trò trung gian giữa Thiên Chúa và dân Dothái, khi đôi tay ông giơ cao lên cầu khẩn Thiên Chúa, thì quân Ítrael thắng thế, nhưng khi tay ông Môsê mỏi và xuôi xuống thì quân Amalek lại vượt lên, vì thế ông Aharon và ông Hur, mỗi người một bên đỡ nâng để tay ông Môsê luôn được giơ lên cao, vì thế quan Ítrael cuối cùng đã chiến thắng được quân Amalek (x.Xh 17, 8-13).

Như vậy, để chiến đấu và chiến thắng ba thù; ma quỷ, thế gian và chính bản thân mình chúng ta phải cậy dựa vào quyền năng và ân sủng của Thiên Chúa, hay nói cách khác, chính xác hơn chúng ta cần có sức mạnh, sự khôn ngoan và ơn bền đỗ của Chúa Thánh Thần (Chúa Thánh Thần luôn dạy dỗ chúng ta làm việc lành).

Bàn về ý chí của người quyết tâm làm môn đệ của Chúa, thì chúng ta không thể không nhắc đến các vị thánh tử đạo Việt Nam (117 vị) để lấy đó làm mẫu gương cho chúng ta bắt chước noi theo. Với ý chí sắt son, dù nhục hình đau đớn thể xác thế nào các ngài vẫn một lòng yêu mến, tin tưởng, phó thác vào Chúa. Đúng như lời thánh Phaolô đã nói: “Không ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô? Phải chăng là gian truân, khốn khó, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo?”(Rm 8, 35-39). Có thể nói; một khi chúng ta đã quyết tâm theo Chúa thì mọi sự khó khăn, mọi trở ngại sẽ trở thành dễ dàng, có khi còn tan biến mất:“Đường đi khó, không phải khó vì ngăn sông cách núi nhưng khó vì lòng người ngại núi e sông” (Nguyễn Bá Học).

Với ý chí và quyết tâm qua câu nói: “Ông nọ, bà kia nên thánh được, tại sao tôi không?” mà thánh Augustino đã trở thành một vị thánh lớn trong Giáo Hội Công Giáo. Cha ông ta nói: “Có chí thì nên”. Áp dụng vào đời sống chúng ta; mỗi sáng sớm khi vừa thức dậy, hãy tự thầm nhủ với chính mình rằng: “Ngày hôm nay, trong mọi hoàn cảnh, tôi quyết tâm sẽ làm người tốt, làm đẹp lòng Chúa”. Nếu như cả cuộc đời ta nếu biết kết hiệp với ân sủng của Chúa mà làm lành tránh dữ thì chắc chắn chúng ta sẽ nên hoàn thiện như lòng mong ước của Chúa.

Tất nhiên trong cuộc chiến đấu, chúng ta sẽ không khỏi có những lúc thất bại. Chúa biết con người ta tâm hồn thì mạnh mẽ nhưng xác thịt thì yếu đuối nên Chúa đã có cách trợ giúp: Sau mỗi lần ngã xuống, thất bại thì chúng ta phải mau mắn trối dậy chạy đến Toà Cáo Giải xưng thú tội lỗi để chúng ta nhận được ơn tha thứ và lấy sức mạnh từ Thánh Thể Chúa và tiếp tục chiên đấu. Lời Chúa hứa: “Những kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát” (Mt 10, 22).

Chúa đã và sẽ thử thách chúng ta bằng nhiều cách, như thử vàng trong lửa, để chỉ những ai bền chí đến cùng, thì người ấy mới được cứu thoát mà thôi! Vì, ví như đường đời bằng phẳng, anh hùng hào kiệt có hơn ai? (Phan bội Châu).

Về cuối đời thánh Phaolô cũng đã thổ lộ: “Tôi đã chiến đấu trong cuộc chiến chính nghĩa, tôi đã chạy đến cùng đường và tôi đã kiên vững niềm tin” (2Tm 4, 7). Noi gương thánh nhân, chúng ta sẽ quyết tâm theo Chúa đến cùng, bằng cách luôn chiến đấu bài trừ cái ác, cái xấu trong chính bản thân chúng ta cũng như trong xã hội, trong cộng đoàn để cho sự thiện, cái đẹp được trân trọng, được đề cao và được tuyên dương.

                                    Cuộc đời ta chỉ một lần sống.

                               Sống thế nào? Theo tiếng lương tâm.

                                     Luôn luôn tránh dữ; thiện làm.

                            Yêu thương, khiêm tốn, tham lam loại trừ.

                                 Dạ quyết tâm thành: “sao chiếu sáng” (x.Pl 2, 15)

                                       Để mai sau xứng đáng về nơi.

                                  Thiên Chúa “dọn sẵn” cho người.

                              Thực thi ý Chúa, trọn đời kiên trung (x.Mt 10, 22)

Đaminh Trần văn Chính.

Nguồn: giaophanvinhlong.net

bài liên quan mới nhất

Thứ Hai tuần V Phục Sinh: “Ai yêu mến Thầy, thì giữ lời Thầy”

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng