Xin Cho Tất Cả Họ Nên Một

Từ lúc khởi đầu, sự chia rẽ đã làm tê liệt nhân loại. Các gia đình, các khu phố, thậm chí các quốc gia đều bị chia rẽ. Và trong nhiều thế kỷ, Kitô giáo cũng bị chia rẽ. Hầu hết, chúng ta chấp nhận những chia rẽ này như điều kiện bình thường của cuộc sống, nhưng giữa các Kitô hữu, họ phản ánh thân thể của Chúa Kitô như qua một tấm gương, đã bị tan vỡ và rời rạc.

Thiên Chúa luôn khao khát chữa lành và hợp nhất thân thể của Người. Đầu thế kỷ XX, mong muốn đó bắt đầu truyền cảm hứng cho một số linh mục và giáo dân ở châu Âu; và tại Công đồng Vatican II, chính Giáo Hội đã nhấn mạnh tầm quan trọng của dân Thiên Chúa hành động như một dân vì sự cứu rỗi của thế giới. Ngày nay, bất chấp những khác biệt về giáo lý, người Công giáo và Tin lành cùng nhau cầu nguyện, ủng hộ những mối quan tâm chung và vui mừng với tình bạn thân thiết. Không điều nào trong số này có thể được thấy trước một trăm năm trước đây.

Sự thay đổi trong suy nghĩ là kết quả kỳ diệu, chắc chắn và đơn giản, của những lời cầu nguyện và hy sinh thường xuyên dành cho các hành động hiệp nhất Kitô giáo giống như của một phụ nữ người Ý đơn sơ, ít được biết đến, đó là Chân phước Maria Gabriella Sagheddu.

Một Cô Con Gái Hoang Đàng. Maria Sagheddu sinh ngày 17 tháng 3 năm 1914, trên đảo Sardinia của Ý, trong một gia đình chăn cừu trong một cộng đồng làm nghề nông, một cộng đồng Công giáo toàn tòng, nơi mà tiếng chuông nhà thờ mời gọi các tín hữu cầu nguyện mỗi tối. Nhưng Maria thì không.

“Mẹ đi trước đi”, Maria nói với mẹ mình “con muốn chơi”. Và không có gì có thể lay chuyển được Maria. Không ai có thể nhớ lại một câu chuyện đáng yêu duy nhất về thời thơ ấu của chị. Bướng bỉnh, cáu kỉnh, cố chấp và thiếu kiên nhẫn là những từ thường được sử dụng để mô tả Maria. Bản thân Maria nói rằng: “Tôi đã từng nổi điên ngay cả với những viên đá cuội trên đường phố. Tôi không thể chịu đựng được bất cứ điều gì!” Maria là người độc lập và cạnh tranh dữ dội và bị xem là người ít sống đạo, nói chi đến việc nên thánh.

Mặc dù vậy, Maria có bản tính hào phóng. Ở trường, chị đã nhanh chóng giúp đỡ những người bạn cùng lớp ít có khả năng, những người thường đến nhà chị để nhờ chị giúp đỡ làm bài tập về nhà. Trong suốt phần lớn thời thơ ấu của mình, Maria đã chăm sóc em gái của mình, Jacannantonia, người bị bệnh kinh niên.

Cô em gái thân yêu này chết ở tuổi mười bảy khiến Maria đau khổ vô cùng. Và một cách nào đó, nó cũng khiến chị quay về với Chúa và dâng cho Người cuộc sống của chị. Chị bắt đầu cầu nguyện, tham dự thánh lễ và đọc Kinh Chiều hàng ngày, và dành hàng giờ để suy gẫm thinh lặng trước Nhà tạm. Đây là một bước ngoặt rõ rệt cho tất cả những ai biết chị. Bây giờ, mẹ của Maria, người thường mắng chị vì chị ít khi đến nhà thờ, bắt đầu khiển trách Maria vì chị dành quá nhiều thời gian ở đó.

Trong suốt hai năm, Maria cầu nguyện, dạy giáo lý và phục vụ không mệt mỏi cho những người nghèo, bệnh tật và những cư dân không được tôn trọng trong làng của chị. Chị đã học được “cách tự bảo vệ mình bằng sự kiên nhẫn”, và theo mẹ chị kể: “Maria trở nên rất ngọt ngào và điềm tĩnh”. Maria đã tự ví mình như một đứa con hoang đàng: hàng giờ cầu nguyện và suy gẫm đã làm cho Maria trở nên con người ôn hòa.  Khi chị đón lấy lòng thương xót và tình yêu của Thiên Chúa, đức tin của chị lớn lên và bản chất ương ngạnh, cứng đầu của chị đã dần bớt đi.

Một Ơn Gọi Cầu Nguyện cho Sự Hiệp Nhất. Cuối cùng, Maria rời khỏi nhà và gia đình để vào tu viện Trappistine[1] của Grottaferrata[2], gần Rome. Bạn hữu và những người thân nghĩ rằng Maria với ý chí mạnh mẽ và bản chất bốc đồng sẽ không thể ở lại đó lâu được. Tuy nhiên, có lẽ chính sức mạnh ý chí này, được Chúa Thánh Thần chuyển hướng, đã giúp chị. Maria đã đón nhận cuộc sống tu sĩ và sống theo đời sống ấy cách rất bình thường. “Chị chỉ đơn giản là giữ Luật Dòng và để ý một chút”. Đây là cách sống của một nữ tu bình thường. Với một ngoại lệ: Maria được chỉ định làm một “nữ tu hợp xướng”, mặc dù chị không thể nhớ được một giai điệu. “Con biết rất ít về ca hát”, Maria đã than thở trong một lá thư gửi cho mẹ chị, “và thế nào tất cả sẽ bị lạc điệu mất”.

Bên cạnh sự hạ mình này, cuộc sống của Maria trong tu viện rất âm thầm cho đến một ngày, một thông báo được gửi đến tu viện về một “Tuần Bát Nhật Cầu Nguyện Cho Sự Hiệp Nhất”. Động cơ của sự hiệp nhất Kitô giáo đang diễn ra ở Pháp, ở Anh và bây giờ ở Ý. Linh mục người Pháp Cha Paul Couturier đã quảng bá Tuần Bát Nhật Cầu Nguyện để tập hợp một nhóm những người làm trung gian tinh thần cho sự hiệp nhất. Chắc chắn được cảm hứng bởi Chúa Thánh Thần, Bà Mẹ bề trên ở tu viện dòng Kín Pia Gullini đã tóm tắt nội dung tờ thông báo cho các nữ tu người Ý của mình, rồi mời chị em đưa ra lời đề nghị đặc biệt về cuộc sống của họ cho lời mời gọi đó nếu họ cảm thấy được thúc đẩy. Maria không tỏ ra quan tâm đặc biệt, nhưng một nữ tu khác thì có. Mẹ Immacolata một nữ tu bảy mươi tám tuổi yếu đuối đã thốt lên rằng: “Điều đó dành cho con”. “Nếu Bề trên cho phép con, con muốn dâng hiến một chút cuộc sống còn lại của con”. Đó chỉ là: một chút thôi. Trong vòng một tháng, Mẹ Immacolata ốm yếu đã qua đời.

Hy Lễ của Maria dâng lên Chúa Giêsu. Một năm sau, một lần nữa, Mẹ Pia lại mời các chị em xem xét việc hiến thân và những lời cầu nguyện của họ cho sự hiệp nhất Kitô giáo. Câu trả lời của Maria rất thành tâm. “Con cảm thấy Chúa muốn dành điều này cho con”, Maria đã thưa với bề trên của mình.

Nếu bước vào tu viện Trappistine là lời xin vâng đầu tiên của Maria với Chúa, thì điều tiếp theo chỉ đơn giản là bước tiếp theo của chị trong việc tuân theo sự thúc đẩy của Chúa. Khác xa với tham vọng đưa ra bất kỳ giải pháp thần học hay thực tế nào cho vấn đề chia rẽ, Maria đáp lại bằng cách dâng tính bướng bỉnh thường ngày và sự vâng lời đơn giản của chị trước lời mời gọi để “hiến dâng sự sống của riêng mình cho sự hiệp nhất”. Chị sẵn sàng để những chuyện lặt vặt khác cho Chúa và các Bề trên của mình liệu.

Tối hôm đó, Maria cảm thấy đau ở vai. “Trước đây, thậm chí tôi chưa bao giờ chú ý đến cơ thể đáng thương này”, chị đã viết và thêm vào “Sau đó, tôi không bao giờ khỏe nữa”. Một thời gian ngắn, Maria tiếp tục với những nhiệm vụ và công việc bình thường của chị.

“Này Con Đây”. Sự đau đớn và cơn ho của Maria ngày càng nghiêm trọng hơn. Cuối cùng, chị đã được đưa đến bệnh viện để kiểm tra và kết quả cho thấy chị bị bệnh lao. Trong bệnh viện, chị cảm thấy như một con cá bị ra khỏi nước và chị đã cầu xin Mẹ bề trên đáng kính: “Vì tình yêu của Chúa, xin Mẹ hãy làm mọi cách có thể để cho con được trở lại tu viện càng sớm càng tốt”.

Chị đã trở lại tu viện và trong mười lăm tháng chị phải chịu đựng sự tàn phá của bệnh lao. Bị trói buộc với nỗi đau và phải cố gắng để thở, Maria muốn đón nhận điều đó với tất cả ý chí của mình để trở nên “mạnh mẽ như sắt”, nhưng thay vào đó chị lại cảm thấy “yếu đuối như… rơm”. Tuy nhiên, chị vẫn cương quyết: “Tôi đã hiến dâng hoàn toàn cho Chúa Giêsu và tôi đã không rút lại lời của mình”. Khi nỗi đau của chị gia tăng, Maria cầu xin Chúa giữ cho lời thề hứa của chị được an toàn. “Tôi muốn nói: ‘Lạy Chúa, xin hãy giúp con’, nhưng tôi không thể. Thay vào đó tôi nói: ‘Này con đây’”.

Lời cầu nguyện đơn giản đó đã khắc sâu trong những tháng cuối đời của chị. “Lạy Chúa Giêsu, con yêu mến Chúa! Con cám ơn Chúa! Con yêu Chúa ngay cả dù con đang đau đớn…”. Nằm trên giường trong bệnh xá, Maria suy niệm hầu như liên tục chương thứ mười bảy của Tin Mừng Gioan. Chị lặp đi lặp lại những lời của Chúa Giêsu: “Lạy Cha Chí Thánh, xin gìn giữ họ …, để họ nên một như chúng ta là một” (Ga 17,11). Sự hiệp nhất Kitô giáo đã liên tục hiện diện trong trái tim chị; sự đau đớn đã kéo chị liên tục vào sâu hơn trong trái tim của Chúa Kitô. Cứ như thể chị cảm thấy nỗi đau mà Thiên Chúa cảm thấy vì các Kitô hữu thường chỉ trích nhau thay vì hợp tác cùng nhau. Tuy nhiên, Maria hầu như không biết những gì chị đã phải chịu đựng hoặc sự hiệp nhất sẽ diễn ra như thế nào; chị cầu nguyện để hoàn toàn vâng phục hơn là để hiểu biết.

Một Mô Hình, Luôn Luôn và Ở Mọi Nơi. Maria qua đời vào ngày 23 tháng 4 năm 1939, ở tuổi hai mươi lăm. Chị đã sống chưa đầy hai năm sau khi hiến dâng cuộc đời mình cho Chúa, trong thời gian đó, chị đã hoàn toàn chìm ngập trong lời cầu nguyện của Chúa Kitô cho sự hiệp nhất. Và chị có thể đã nghỉ ngơi mãi mãi trong sự tối tăm im lặng không có cộng đoàn ở tu viện Grottaferrata và cần phải di dời. Những chiếc quan tài của chị em cũng phải được di chuyển và quan tài Maria ra đã được mở vào năm 1957 với những suy nghĩ về việc phong chân phước “có thể một ngày nào đó trong tương lai”.

Vào lúc Maria qua đời, bệnh lao đã tàn phá cơ thể của chị và sự phân hủy sau đó hẳn đã diễn ra nhanh chóng. Vì thế, tất cả mọi người đều ngạc nhiên khi thấy cơ thể và quần áo của Maria vẫn còn nguyên vẹn. Maria đã bắt đầu cuộc sống độc lập và thờ ơ với Phúc Âm. Sau đó, khi hiến dâng cả cuộc đời mình cho Chúa để được hiệp nhất, thân thể chị đã được khám phá ra là không hề bị hư hoại. Có lẽ Chúa muốn nêu bật tầm quan trọng của sự hiệp nhất và những lời cầu nguyện đơn sơ cho sự hiệp nhất ấy như của Maria.

Chủ tọa lễ phong chân phước cho Maria, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã giải thích những gì mà tấm gương của chị đã dạy chúng ta: “Điều đó giúp chúng ta hiểu rằng không có thời gian, tình huống hay địa điểm đặc biệt nào để cầu nguyện cho sự hiệp nhất. Lời cầu nguyện của Chúa Kitô với Chúa Cha được dâng lên như một mô hình (mẫu mực) cho mọi người, luôn luôn và ở mọi nơi”.

Thiên Chúa Yêu Thích Sự Hiệp Nhất. Mỗi người trong chúng ta đều được kể đến trong lời cầu nguyện của Chúa Kitô “để họ nên một như chúng ta là một” (Ga 17,11). Sự hiệp nhất đó, vô cùng cần thiết trong gia đình chúng ta, ở nơi làm việc và trong Giáo Hội, có vẻ khó có thể đạt được. Nhưng chúng ta có tấm gương của Maria, mạnh hơn bất kỳ ai nhận thấy lúc đầu. Lời cầu nguyện và dâng hiến đơn giản của chị vẫn tiếp tục có hiệu lực ngày hôm nay, như Đức Giáo hoàng Phanxicô đã nhấn mạnh khi ngài đề cập đến Maria trong tông huấn về sự thánh thiện của mình. Khi những dịp chia rẽ xuất hiện, chúng ta hãy cố gắng hết sức để hiệp nhất và như Maria, để lại những chuyện vụn vặt cho Chúa. Chắc chắn Chúa sẽ nhân lên những lời cầu nguyện và hy sinh của chúng ta, giống như Chúa đã làm cho Maria.

Ann Bottenhorn là người đóng góp lâu năm cho tạp chí này.

 Theo the Word Among us
January 2019 Issue
Chuyển ngữ: Sr. Maria Trần Thị Ngọc Hương

[1] Dòng Trappistine: Dòng Xita (khổ tu nhặt phép).

[2] Grottaferrata là một đô thị trong tỉnh Roma, vùng LazioÝ. Đô thị này có diện tích 18 km², dân số thời điểm năm 2008 là 20.813 người. Grottaferrata có cự ly 20 km về phía đông nam so với thủ đô Roma.

bài liên quan mới nhất

Thứ Hai tuần V Phục Sinh: “Ai yêu mến Thầy, thì giữ lời Thầy”

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng