Xích lại gần với tình yêu nhưng không và vô điều kiện của Thiên Chúa

XÍCH LẠI GẦN VỚI TÌNH YÊU

NHƯNG KHÔNG VÀ VÔ ĐIỀU KIỆN CỦA THIÊN CHÚA

Tuyên ngôn Fiducia supplicans cho thấy rõ rệt sự phân cực trong Giáo hội liên quan đến việc chúc lành cho các đôi bạn trong hoàn cảnh bất quy tắc. Đằng sau đó là những lối tiếp cận tâm linh khác nhau đối với tình yêu vô điều kiện của Thiên Chúa.

Có bốn lập trường nổi lên liên quan đến việc chúc lành cho các đôi bạn đồng giới hay người đồng tính, dù là bên ngoài phụng vụ hay nghi lễ.

Lập trường thứ nhất là không bao giờ được chúc lành, vì như thế là chúc lành cho tội lỗi, là cổ súy tội lỗi. Lập trường này như muốn nói: “Chúng tôi có luật, và cứ theo luật đó, thì nó phải chết…”. Gán ghép việc chúc lành này với việc chúc lành cho tội lỗi, cổ súy tội lỗi, gây gương mù gương xấu, và lên án những người làm như vậy, đó cũng chẳng khác gì đang lên án chính Chúa Giêsu: Ngài đồng bàn ăn uống với người tội lỗi, vậy phải chăng Ngài đang cổ súy cho tội phạm? Ngài kêu gọi yêu thương và tha thứ cho kẻ thù, vậy phải chăng Ngài đang cổ súy cho việc hận thù, chém giết lẫn nhau? Ngài đi tìm con chiên lạc, vậy phải chăng Ngài đang cổ suy cho việc lầm lạc? Hoàn toàn không. Bởi vì Chúa Giêsu “không chỉ nhân từ với những người tội lỗi, mà còn ăn uống với họ; và cử chỉ này chứng tỏ Người sẵn sàng hiệp thông và gần gũi với mọi người” (Bài giáo lý về tật xấu mê ăn uống, ngày 10/1/2024).

Ở đây, một số người thường trích dẫn câu chuyện người phụ nữ ngoại tình được Chúa Giêsu tha thứ và luôn nhấn mạnh đến vế thứ hai “đừng phạm tội nữa”. Và Bộ Giáo lý Đức tin đã từng trả lời cho vấn đề này như sau:  thông thường, khi bình luận về tình tiết trong Thánh Kinh về người phụ nữ ngoại tình (Ga 8, 1-11), người ta nhấn mạnh đến câu cuối cùng: “Chị hãy đi và từ nay đừng phạm tội nữa”. Chắc chắn, “Chúa Giêsu luôn mời gọi chúng ta thay đổi cuộc sống, đáp lại ý muốn của Thiên Chúa cách trung thành hơn, sống có phẩm giá hơn. Nhưng câu này không phải là sứ điệp trọng tâm của đoạn Tin Mừng này, vốn chỉ đơn giản là lời mời gọi nhìn nhận rằng không ai có thể ném viên đá đầu tiên”.

Lập trường thứ hai, hoàn toàn trái ngược với lập trường trên đây : chúc lành tất cả: cá nhân (individu), cặp đôi (couple) và sự kết hợp (union). Ngay cả trong phụng vụ và nghi lễ. Coi kết hợp này như hôn nhân. Và đó là điều mà Tuyên ngôn đã bác bỏ.

Lập trường thứ ba : chỉ chúc lành cho các cá nhân, kể cả cá nhân đồng tính luyến ái, đang sống thành cặp đôi, mà không chúc lành cho cặp đôi và sự kết hợp.

Lập trường thứ tư, của Fiducia supplicans: chúc lành cho cá nhân đồng tính và có thể chúc lành cho cặp đôi, nhưng không chúc lành cho sự kết hợp của họ, vì đó không phải là hôn nhân. Và khi chúc lành, phải bên ngoài phụng vụ và nghi lễ, không đồng  thời với nghi thức dân sự, không có trang phục như lễ cưới. Và chúc lành này là đơn giản, tự phát và mang tính mục vụ thuần túy. Và lập trường thứ tư này là thuộc thẩm quyền của Huấn quyền, ở đây là của Bộ Giáo lý Đức tin, và được Đức Thánh Cha Phanxicô phê chuẩn. Lập trường này gần với phong cách của Chúa Giêsu, phản ảnh Tin Mừng thực sự: thể hiện lòng thương xót vô điều kiện, tiếp đón và tìm cách hội nhập mà không loại trừ ai vĩnh viễn. Nó đặt ân sủng của Thiên Chúa lên hàng đầu so với lề luật. Vì “quả thật là có những lúc “chúng ta hành động như những chủ nhân ông của ân sủng hơn là như những người hỗ trợ nó. Nhưng Giáo hội không phải là một trạm thu thuế; Giáo hội là nhà của Chúa Cha, nơi có đủ chỗ cho mọi người, với tất cả những vấn đề của họ”“ (Amoris laetitia, 310). “Việc giảng dạy thần học luân lý không được bỏ qua những lưu ý này, vì cho dù quả đúng là cần phải quan tâm đến tính toàn vẹn trong giáo huấn luân lý của Giáo hội, nhưng vẫn phải luôn lưu tâm đặc biệt để nhấn mạnh và thúc đẩy các giá trị cao nhất và cốt yếu nhất của Tin Mừng, nhất là địa vị hàng đầu của đức ái xét như là sự đáp trả trước quà tặng tình yêu hoàn toàn nhưng không của Thiên Chúa. Có những lúc chúng ta thấy khó dành chỗ cho tình yêu vô điều kiện của Thiên Chúa trong hoạt động mục vụ của chúng ta. Chúng ta đặt ra quá nhiều điều kiện cho lòng thương xót đến độ làm nó mất sạch ý nghĩa cụ thể và thực sự của nó. Đó là cách tệ hại nhất làm suy yếu Tin Mừng. Chẳng hạn, quả thực là lòng thương xót không loại trừ công lý và sự thật, nhưng trước hết chúng ta phải nói rằng lòng thương xót là sự tròn đầy của công lý, và là cách thể hiện sáng ngời nhất của sự thật của Thiên Chúa…” (Amoris laetitia, 311).

Lập trường thứ tư này cho thấy một cái nhìn tổng thể về nhân vị đồng tính mà không ám ảnh chỉ bởi một khía cạnh nào nơi họ (kẻ đồng tính), cũng không chỉ nhìn cuộc sống độc lập của họ mà còn trong chiều kích tương quan, xã hội. Bởi vì khi ban một lời chúc lành đơn giản như vậy, chúng ta “cầu xin rằng tất cả những gì là chân thật, tốt đẹp và có giá trị nhân bản trong cuộc sống và trong các mối quan hệ của họ cần được huy động, chữa lành và nâng cao nhờ sự hiện diện của Chúa Thánh Thần” (Fiducia supplicans, số 31). Lập trường này không muốn “làm lu mờ sức mạnh vô điều kiện của tình yêu Thiên Chúa” (ibid., số 12).

Liên quan đến trật tự ân sủng và trật tự lề luật, chúng ta có thể đọc lại những dòng suy tư sâu xa sau đây của ĐHY Cantalamessa, trong bài giảng tĩnh tâm Mùa Vọng cho Giáo triều Rôma hôm 15/12/2023 :

Tin Mừng không bãi bỏ lề luật, cách cụ thể là các giới răn của Thiên Chúa; nhưng Tin Mừng mở ra một mối quan hệ mới và khác biệt với chúng, một cách mới để tuân giữ chúng.

Điều mới mẻ, đó là trật tự giữa giới răn và ân sủng, nghĩa là giữa lề luật và ân sủng (…)

Vấn đề không chỉ là sự khác biệt về thời gian, giữa trước và sau; đó cũng là một sự khác biệt về mặt giá trị, tức là về giá trị. Điều này có nghĩa rằng đó không phải là việc tuân giữ các giới răn mà cho phép Nước Thiên Chúa ngự trị; nhưng chính sự ngự trị của Nước Thiên Chúa mới cho phép việc tuân giữ các giới răn. Con người không đột nhiên thay đổi và trở nên tốt hơn đến nỗi Nước Trời có thể đến trên trần gian. Không, họ luôn như thế; nhưng chính Thiên Chúa, vào thời viên mãn, đã sai Con của Người đến, và như thế ban cho họ khả năng thay đổi và sống một cuộc sống mới.

Thánh sử Gioan viết: “Quả thế, Lề Luật đã được Thiên Chúa ban qua ông Môsê, còn ân sủng (tức là việc tuân giữ luật) và sự thật, thì nhờ Đức Giêsu Kitô mà có” (Ga 1, 17). Yêu mến Thiên Chúa hết lòng là “giới răn đầu tiên và lớn nhất”; nhưng trật tự của các giới răn không phải là trật tự đầu tiên, cũng không phải cấp độ đầu tiên: trật tự của ân huệ là ở trên: “Còn chúng ta, chúng ta yêu thương vì chính Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta trước” (1Ga 4, 19).

Thật thú vị khi thấy tính mới mẻ này của Chúa Kitô được phản ánh như thế nào qua thái độ khác nhau của Gioan Tẩy Giả và Chúa Giêsu đối với những người được gọi là “tội nhân”. Thánh Gioan, như chúng ta đã thấy, tấn công những kẻ tội lỗi đến với mình bằng những lời lẽ gay gắt. Về điểm này, chính Chúa Giêsu là người nhấn mạnh sự khác biệt giữa Người và Vị tiền hô: “Thật vậy, ông Gioan đến, không ăn không uống, thì thiên hạ bảo: “Ông ta bị quỷ ám”. Con Người đến, cũng ăn cũng uống như ai, thì thiên hạ lại bảo: “Đây là tay ăn nhậu, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi”” (Mt 11, 18-19, x. Lc 7, 34). Những người Pharisêu nói với các môn đệ Người: “Sao Thầy các anh lại ăn uống với bọn thu thuế, và quân tội lỗi như vậy?” (Mt 9, 11).

Chúa Giêsu không chờ đợi những tội nhân thay đổi cuộc sống của họ để có thể đón tiếp họ, nhưng Người đón tiếp họ và đó là điều khiến những tội nhân thay đổi cuộc sống. Bốn Tin Mừng – các Tin Mừng Nhất Lãm và Tin Mừng Gioan – đều nhất trí về điểm này. Chúa Giêsu không đợi người phụ nữ Samari chỉnh đốn lại cuộc sống riêng tư của mình trước khi dành thời gian cho bà và thậm chí còn xin bà cho Người uống. Nhưng khi làm như vậy, Người đã thay đổi tấm lòng của người phụ nữ này, người đã trở thành người loan báo Tin Mừng giữa dân tộc của bà. Điều tương tự cũng xảy ra với ông Dakêu, với ông Matthêu, người thu thuế, với người phụ nữ tội lỗi vô danh hôn chân Người trong nhà ông Simon và với người phụ nữ ngoại tình.

Chúng ta không thể rút ra một chuẩn mực tuyệt đối từ những ví dụ này. (Chúa Giêsu là Chúa Giêsu và Ngài đọc được tấm lòng; chúng ta không phải là Chúa Giêsu!). Tuy nhiên, Giáo hội không thể phớt lờ phong cách của Người, mà không thấy mình đứng về phía Gioan Tẩy Giả hơn là về phía Chúa Kitô. Chúa Giêsu hết sức bác bỏ tội lỗi hơn những nhà luân lý cứng nhắc nhất có thể làm điều đó, nhưng Người đưa ra một phương dược mới trong Tin Mừng: không phải xa cách mà là chấp nhận. Thay đổi cuộc sống không phải là điều kiện để đến gần Chúa Giêsu trong các Tin Mừng; tuy nhiên, đây phải là kết quả (hoặc ít nhất là quyết tâm tốt) sau khi đến gần Người. Thật vậy, lòng thương xót của Thiên Chúa không có điều kiện, nhưng không phải là không có hệ quả! (…)

Chúng ta được kêu gọi lựa chọn giữa hai mô hình, giữa việc đặt lề luật lên hàng đầu, hoặc đặt ân sủng và lòng thương xót…”

Người Kitô hữu hay rao giảng và tự hào về tình yêu nhưng không và vô điều kiện của Thiên Chúa. Nhưng khi Đức Thánh Cha Phanxicô muốn xích lại gần tình yêu này một chút, thì họ liền quên mất những gì mình rao giảng! Và nói như Đức Phanxicô, “chúng ta đặt ra quá nhiều điều kiện cho lòng thương xót đến độ làm nó mất sạch ý nghĩa cụ thể và thực sự của nó. Đó là cách tệ hại nhất làm suy yếu Tin Mừng”. Chúng ta có thực sự tin ân sủng đi trước không? Có thực sự tin tình yêu nhưng không và vô điều kiện của Thiên Chúa không? Và nếu tin, chúng ta có thực sự muốn và can đảm xích lại gần tình yêu nhập thể đó không?

Tý Linh

Nguồn: xuanbichvietnam.net

 

bài liên quan mới nhất

ĐTC Phanxicô tiếp các Thủ lãnh của Liên hiệp Anh giáo

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng