Vì sao giáo dân sốt sắng cầu nguyện với Thánh Giuse

https://i0.wp.com/phanxico.vn/wp-content/uploads/2024/03/Vi-sao-giao-dan-sot-sang-cau-nguyen-voi-Thanh-Giuse.jpg?resize=696%2C398&ssl=1

Tuần hành Thánh Giuse ở Paris, nước Pháp

Làm thế nào để chúng ta hiểu việc kính Thánh Giuse trễ như thế này trong Giáo hội, người có vị trí duy nhất trong kế hoạch cứu độ? Theo linh mục Joseph-Marie Verlinde, nhà sáng lập Gia đình Thánh Giuse, tác giả quyển sách “Giuse thành Nadarét” (Joseph de Nazareth, nxb. Artège) cho rằng, nếu các giáo hoàng gần đây dành cho Thánh Giuse một vị trí ngày càng quan trọng, thì chúng ta chỉ ở giai đoạn đầu trong việc nói lên vai trò của ngài trong mầu nhiệm Nhập Thể.

Thánh Giuse luôn là một trong các thánh được lòng mộ đạo bình dân yêu quý, dù ngài bị Huấn quyền “xa lánh” một thời gian dài vì một nghi vấn thần học: không cần thiết phải đưa ra những lý lẽ cho lập luận của những người nghi ngờ sự đồng trinh trọn đời của Đức Mẹ. Đó là cuối thế kỷ 19 và đặc biệt là trong thế kỷ 20, mọi thứ sẽ thay đổi nhanh chóng. Ngày 8 tháng 12 năm 1870, Đức Piô IX tuyên bố Thánh Giuse, người chồng khiết tịnh của Đức Trinh Nữ Maria là quan thầy của Giáo hội hoàn vũ. Ngày 19 tháng 3 năm 1961, Đức Gioan XXIII đã chọn Thánh Giuse làm người bảo vệ Công đồng Vatican II; ngày 13 tháng 11 năm 1962, Đức Gioan XXIII muốn tên của Thánh Giuse được đọc trong lời cầu nguyện Thánh Thể đầu tiên, ngay sau lời cầu nguyện với Đức Trinh Nữ Maria.

Sự tin tưởng của các giáo hoàng gần đây

Giáo hoàng quan tâm nhiều nhất với Thánh Giuse là Đức Gioan-Phaolô II, với 815 bài phát biểu, và nhất là tông huấn về hình ảnh và sứ vụ của Thánh Giuse trong đời sống Chúa Kitô và Giáo hội, Đấng gìn giữ Chúa Cứu Thế (Redemptoris custos, 15 tháng 8 năm 1982). Đức Bênêđictô XVI cũng mời gọi giáo dân hướng về Thánh Giuse, đấng ngài đặc biệt yêu mến. Và Đức Phanxicô không chỉ chọn khai mạc triều của ngài ngày lễ Thánh Giuse (19 tháng 3 năm 2013), mà ngày 8 tháng 12 năm 2020, trong Tông thư Trái tim của người Cha (Patris Corde) nhân dịp kỷ niệm 150 năm tuyên bố Thánh Giuse là Quan thầy của Giáo hội Hoàn vũ, ngài cho biết, mỗi ngày, trong hơn bốn mươi năm, ngài đã đọc lời cầu nguyện cổ xưa kính Thánh Giuse:

Lạy Cha yêu dấu của con, con phó lòng tin tưởng của con nơi Cha. Xin đừng nói, con chỉ hoài công kêu cầu cha, nhưng vì cha có thể làm mọi việc với Chúa Giêsu và Mẹ Maria, xin cha cho con thấy lòng tốt của cha cũng lớn như quyền năng của cha. Amen.

Đứng trước đại dịch, Đức Phanxicô mở “Năm Thánh Giuse”

 Trở về cội nguồn của chúng ta

Làm thế nào để chúng ta hiểu – sự thừa nhận muộn màng của Huấn quyền – về vị trí độc nhất của Thánh Giuse trong kế hoạch cứu rỗi? Hồng y Joseph Ratzinger đã viết trong tác phẩm Chúa Sống lại:

Giáo Hội không thể phát triển và thịnh vượng nếu bỏ qua cội rễ tiềm ẩn của mình trong bầu khí Nadarét. Vì làm việc với Chúa Giêsu-thợ, hòa mình vào “Nadarét” là điểm khởi đầu cho một quan niệm mới về Giáo hội nghèo khó và khiêm nhường, về một Giáo hội gia đình, về một Giáo hội Nadarét. Nadarét là thông điệp vĩnh cửu của Giáo hội. Giao Ước Mới không bắt đầu ở Đền thờ, cũng không phải trên núi thánh, nhưng trong căn nhà nhỏ bé của Đức Trinh Nữ, trong nhà của người thợ, nơi bị lãng quên ở “Galilê của những người ngoại đạo”, nơi không ai mong chờ điều gì tốt đẹp. Chúng ta luôn phải quay trở lại điểm khởi đầu này, từ đó Giáo hội phải tự tái sinh.

Vì thế có vẻ như việc đổi mới lòng tôn kính Thánh Giuse phải gắn liền với việc tân phúc âm hóa. Nếu điều này phải tiến hành từ việc đào sâu mầu nhiệm Nhập Thể cứu chuộc, thì không thể không khám phá lại hình ảnh của Thánh Giuse, người, cùng với Đức Maria, đã đóng vai trò then chốt trong mạc khải mầu nhiệm nhập thể của Ngôi Lời Thiên Chúa.

Kho lưu trữ của cùng một tình yêu

Ngoài Đức Maria, không có thánh nào sống mật thiết với Con Thiên Chúa nhập thể như Thánh Giuse. Ngài là người được Chúa Cha tin cậy, đã giao phó cho ngài hai kho báu quý giá nhất: Đức Maria và Chúa Giêsu. “Giuse, chồng bà Maria, người sinh ra Chúa Giêsu” (Mt 1, 6). Tên của Thánh Giuse mãi mãi kết hợp không tách rời với tên của Đức Maria và Chúa Giêsu trong sứ mạng chung: thực hiện ơn cứu độ cho nhân loại qua “lời xin vâng” của các ngài. Đức Gioan-Phaolô II đã viết trong tông huấn Đấng gìn giữ Chúa Cứu Thế,  Redemptoris custos:

Trên thực tế, tôi nghĩ, một suy tư đổi mới về sự góp phần của Thánh Giuse vào mầu nhiệm thần thánh sẽ giúp Giáo hội, khi hướng tới tương lai cùng với toàn thể nhân loại, liên tục tái khám phá căn tính của mình trong kế hoạch cứu chuộc, vốn có vai trò nền tảng trong mầu nhiệm Nhập Thể. Thánh Giuse Nadarét đã chính xác tham gia vào mầu nhiệm lớn lao hơn này, hơn bất kỳ người nào khác ngoài Đức Maria, Mẹ của Ngôi Lời nhập thể. Ngài đã cùng Đức Mẹ, ở trong thực tại của cùng một ơn cứu độ, Ngài là người lưu giữ cùng một tình yêu, nhờ quyền năng mà Chúa Cha Hằng Hữu đã tiền định cho chúng ta trở thành nghĩa tử của Ngài nhờ Chúa Giêsu Kitô” (Ep 1, 5).

Chúng ta thường nói Chúa Giêsu là hoa trái của sự đồng trinh của Đức Maria; nhưng có phải công bằng hơn khi xác nhận, đây là hoa trái của tình yêu trinh khiết của người phối ngẫu trong sạch, hoàn toàn phó thác cho hành động của Chúa Thánh Thần để thực hiện kế hoạch cứu chuộc sao?

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

fr.aleteia.org, Linh mục Joseph-Marie Verlinde, 2024-03-18

Nguồn: phanxico.vn

Thánh Giuse phi thường

 

bài liên quan mới nhất

Thứ Ba tuần V Phục Sinh: "Thầy ban bình an của Thầy cho các con"

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng